Lại đi trên đường phố Huế hôm nay

09:00 01/06/2016

NGUYỄN QUANG HÀ

Đi trên đường phố Huế bao giờ cũng có cái cảm giác êm ả. Nhất là mỗi lần từ trong Nam ra, ngoài Bắc vào, đến Huế, ta như vừa bất chợt gặp lại sự yên lành.

Hội hoa xuân Huế

Đối diện với sự náo nhiệt sôi sục như thác chảy trên đường phố Sài Gòn, thì Huế, các cô nữ sinh áo dài trắng, quần trắng, nón trắng, giày trắng vẫn ôm cặp bước từng bước một như sợ cả tiếng guốc gõ mạnh làm giật mình đường phố của mình. Đối diện với sự nơm nớp mỗi khi đi vào ngõ hẻm Hà Nội, thì những kiệt nhỏ ở Huế bờ rào chè tàu vuông vắn, góc cạnh lúc nào cũng như ấm áp bàn tay người.

Đường phố Huế mùa xuân càng bình yên hơn. Mọi tốc độ trên đường càng như thư thả lại. Những tà áo dài cũng như nhẹ nhàng hơn. Giống như dòng sông Hương trôi chậm, những màu áo khoe sắc trên đường phố tạo nên một dòng sông hoa lững lờ. Thiên nhiên và con người ở Huế gắn chặt với nhau khéo như sự hài hòa màu sắc dưới bàn tay một họa sĩ tài hoa, màu nọ tôn màu kia lên chứ không hề khỏa lấp lẫn nhau trong các bức họa của mình. Vì thế nên nắng rất mỏng, gió rất mỏng, sương ban mai rất mỏng, tạo nên vòm trời Huế hôm nay hư hư thực thực, mong manh như một giấc mơ. Cái đẹp của Huế đúng là cái đẹp của dịu dàng, bình yên.

Tôi đi lang thang trên đường phố một mình. Hai tay đút túi. Thả từng bước như vô tình, như kẻ vô công rồi nghề, và cũng như một kẻ bất đắc chí nữa. Tôi không quên bao nhiêu cuộc hẹn hò, mà giờ này bạn bè đang chờ tôi. Ở đó có rượu mùi mùa xuân, có nem lụi, một chút dưa món Huế vừa dòn vừa chua chua, cay cay, ngòn ngọt, một dĩa mứt quất trong như hổ phách là những thứ mà tôi rất thích. Nhưng tôi đã bỏ tất cả, cả bạn bè, cả những tiếng cười. Phút giây này tôi lại thích lang thang.

Tôi không phải là một kẻ lập dị, càng không phải là kẻ lúc nào cũng làm ra vẻ mình là người quan trọng. Những thứ phù phiếm ấy ý nghĩa gì? Song đúng là tôi đang bị mất hồn, hồn tôi đang bị hút vào lá thư tất niên của Lũy.

Cho đến tận mười giờ khuya đêm qua, mọi công việc tết nhất đã xong xuôi cả, chuẩn bị cho giờ giao thừa thì người đưa thư thân thuộc mới đem lá thư đến cho tôi: Nào, anh ra nhận cho tôi lá thơ cuối cùng của năm cũ nào. Thế là tôi đã hoàn thành công việc đem niềm vui cho mọi người.

Chúng tôi cụng chén với nhau một ly rượu tất niên, chúc nhau một năm mới đầy may mắn. Anh bưu điện đi khỏi, tôi xé toang cái phong bì, hấp tấp mở lá thư ra đọc. Lá thư quả có đem đến cho tôi chút niềm vui được tin tức bạn bè, một chút thế thôi, còn đa phần nội dung thư đã làm tôi suốt đêm giao thừa không hề chợp mắt.

"Cậu biết đấy, sau cái đêm đánh trung đoàn xe tăng ở núi Tam Thai, mình được khiêng về tuyến sau. Và thế rồi người ta đã cưa mất cái chân phải của mình. Dẫu sao như thế mình cũng đã trở thành kẻ tàn phế. Những năm qua, kẻ lành lặn kiếm miếng ăn còn khó khăn nữa là, kể gì mình. Ngẫm đi nghĩ lại, mình còn hơn những đứa bạn của chúng mình không còn bao giờ gặp gia đình vợ con nữa. Mấy đứa phục viên ngồi tính lại, vậy là đại đội mình vào Bác Đô (bí danh của Huế lúc ấy) một trăm năm mươi nhăm đứa, giờ trừ cả què cụt, tâm thần còn được mười bảy thằng.

Chúng nó cũng như mình, đổ máu cho Huế mà chưa bao giờ gặp Huế cả. Ngày ấy chúng tôi hẹn hò với nhau sẽ ngồi bên bờ Sông Hương nghe hò mái nhì, sẽ lên thăm chùa Thiên Mụ nổi tiếng và sẽ đi khắp cung điện đền đài lăng tẩm nổi tiếng cho thỏa cái chí trai của chúng mình...

Trời! Chúng chết cả một loạt. Mình què ngồi đây. Nhiều lúc ngồi một mình nhớ thương chúng nó quá chừng. Thôi, mùa xuân này, cậu nhớ, đừng quên đấy, đến nghĩa trang của thành phố Huế thắp hương cho từng đứa một, và thắp hương cho cả đồng đội của chúng ta thời đánh Mỹ nữa. Nhớ nhé...."

Với những lời thư của Lũy ấy, tôi nghiễm nhiên trở thành một kẻ bất đắc chí chứ sao. Vì, tôi biết thắp hương cho từng đứa một ở chỗ nào đây. Tôi không dám nói Huế đã quên máu xương những người đã chết, nhưng điều hiển nhiên này thì có thật: Huế chưa có nghĩa trang cho thành phố của mình. Rồi đây Huế sẽ gom những nắm xương kia như thế nào thì tôi chưa biết.

Bất chợt tôi sờ lại chiếc túi đeo trên vai, mấy thẻ hương vẫn còn đây. Tách đường Nguyễn Huệ, ngược đường Nam Giao lên Đài tổ quốc ghi công của thành phố.

Tôi quẹt diêm, châm lửa vào bó hương, cúi đầu lầm rầm khấn vái bạn bè, rồi cắm hương vào bình nhang. Đài liệt sĩ là nơi để thắp hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ, chứ không có bia mộ gì hết. Bia mộ ở đây thì chôn vào đâu, chẳng lẽ biến cái Đàn Nam Giao này thành nghĩa trang ư? Không hiểu lúc ấy nghĩ thế nào họ quyết định biến cái đàn tế trời đất, một di tích văn hóa này thành đài liệt sĩ. Nghe nói ở chân đài, nơi đó nguyên có hai viên đá rất kỳ quan. Chỉ cần hai viên đá đó, nhà vua lầm rầm tế trời, xung quanh hàng vạn người nghe rõ, giống như có một hệ thống loa phát thanh vậy. Quý thế, vì không hiểu, nghe đâu họ đập ra rồi để xây chân đài.

Nếu điều đó có thật hẳn hương hồn các liệt sĩ cũng phải đau lòng, bởi vì họ, một tài sản quý giá của quốc gia đã bị phá, một di tích lịch sử bị vùi dập. Chẳng lẽ Huế không có một chỗ nào làm nghĩa trang, dựng đài chăng?

Rời đài liệt sĩ lòng tôi cứ bâng khuâng, rối bời. Tôi hòa mình trong những dòng sông hoa mùa xuân bình yên. Sao lúc ấy tôi lại nghĩ rằng dòng sông hoa kia yên một cách vô tình làm vậy. Liệu có ai đang cùng ý nghĩ với tôi không.

Người Huế yêu con Sông Hương hiền hòa chảy qua thành phố. Nhưng họ lại rất mặc cảm với những con đò. Giống như Nguyễn Bính đã có câu thơ viết về dòng sông này: "con sông không rộng mà dài. Con đò không chở những người chính chuyên". Đi trên cầu Tràng Tiền hôm nay, tôi cũng nhìn trên dòng sông những con đò nho nhỏ, dập dềnh. Một câu hỏi xốn xang trong lòng tôi: "Con đò nào là con đò của ông Xạo?"

Ngày ấy ông Xạo là chủ một con đò trên sông. Người đời chỉ biết ông thế thôi. Trần Hàng là chiến sĩ công an của thành phố. Anh nhận lệnh về giết 1 tên Việt gian ở đường Chi Lăng, về Huế, anh được đưa đến ở trong con đò của ông Xạo. Thấy chủ đò là một người lầm lỳ suốt ngày, khó hiểu, anh làm công tác quần chúng, không khí trong đò chẳng hơn chút nào. Hàng báo cáo ra ngoài về sự lo ngại của mình. Ngoài đưa tin về cho anh yên tâm: ông chủ đò ấy là người của Đảng. Lòng hoài nghi, ý định chuyển chỗ ở của Hàng không còn nữa.

Lòng tin của Hàng càng được củng cố, cả khi một cô gái rách rưới cắp khoai đi bán dọc bến đò. Nhận ra tín hiệu chiếc khăn mu-xoa thắt nơi cổ tay, Hàng biết đây là người mang đạn đến cho mình, anh mua khoai.

Chưa bao giờ Hàng gọt môn cắt môn kỹ càng thế. Những viên đạn giấu kín trong từng củ môn rất khéo. Hàng tìm đi, tìm lại chỉ được năm viên. Còn thiếu một viên. Không ngờ, trong bữa ăn, chợt ông Xạo nhai cái đốp, tưởng vỡ răng. Ông lấy trong miệng ra một viên đạn.

Quay nhìn gia đình, con cái, ông Xạo đặt viên đạn trước mặt Hàng:

- Của chú Hàng này.

Hàng nhận đủ sáu viên đạn. Trước gia đình ông Xạo, Hàng đã bị lộ. Anh không phải người làm công, mà là người của cách mạng cài vào. Song Hàng đã không chuyển chỗ ở, cho đến khi anh hoàn thành nhiệm vụ Hàng mới tạm biệt vạn đò.

Vậy mà một thế hệ đã đi qua... Người mất. Người còn. Người trở thành anh hùng. Người là liệt sĩ...

Trong di chúc, Bác Hồ dặn lại một điều rất quan trọng là sau khi thống nhất đất nước, phải chỉnh Đảng. Hẳn trí thông tuệ của Người đã nhìn suốt không gian, nhìn suốt thời gian đất nước này.

Chuông nhà thờ Thiên Hữu đổ một hồi dài dóng dả, vang vọng. Bất giác tôi nhìn đồng hồ. Đã mười hai giờ trưa. Người trên đường Trần Hưng Đạo, trên đường Lê Lợi đông đúc, tấp nập hẳn lên từ hồi nào. Có lẽ người trong các nhà đổ ra đường phố hết. Dòng sông hoa ngược xuôi náo nhiệt.

Việc đầu tiên hôm nay, thắp hương cho bạn bè, tôi đã làm xong. Việc khá thiêng liêng trong ngày tết, đi chúc tết, tôi chưa làm. Song không thể vì lý do gì mà không làm. Chắc chắn người đầu tiên tôi phải đến chúc tết là anh Vương Mâu. Với tôi, hình ảnh anh lúc nào cũng nằm ở một góc trái tim. Khi tư tưởng cách mạng đến quê hương Phú Đa của anh thì anh bước ngay vào đội ngũ. Đất nước kêu gọi Nam tiến, anh xách súng lên đường. Từ đấy, ra đi biền biệt. Bỏ lại vợ dại và một con thơ ở nhà. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, anh ra thẳng miền Bắc tập kết, hy vọng hai năm sau tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ về gặp lại vợ con ở quê hương. Không ngờ cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài. Anh về Nam chiến đấu, nhưng chưa được về quê. Cho đến ngày thống nhất đất nước, thế là cách xa suốt hai mươi bảy năm trời vợ chồng mới gặp nhau thì cả hai đã già. Đứa con duy nhất của anh chị, lớn lên đi theo đường cha, đã anh dũng ngã xuống ngay giữa chiến trường. Tiếp bước chồng, tiếp bước con, chị Mâu cũng từ giã quê hương, tìm đường lên chiến khu hoạt động.

Đã có lần trở lại thăm Phú Đa, gặp những người quen, hỏi lại chuyện cũ. Nhắc tới gia đình anh Mâu, không ngờ gia đình anh là một gia đình có nhiều liệt sĩ nhất của xã Phú Đa anh hùng này. Tổng cộng, gia đình anh đã cống hiến cho cách mạng mười sáu người con liệt sĩ, trong số đó mười lăm người là đảng viên thuộc ba thế hệ, kể từ cha anh, đến con anh và các cháu thúc bá! Mẹ anh sinh năm người con trai, thì cả bốn người kia, trừ anh, là liệt sĩ.

Tôi rời Nghinh Đình, nhờ một con đò nhỏ sang sông. Đi bên lề dòng sông hoa, tìm về xóm anh Mâu. Nhà anh không ở ngoài mặt đường, mà ở tít mãi trong xóm. Ngôi nhà nhỏ nhoi, anh khoe với tôi ngày mới giải phóng Huế, anh mua bằng chính tiền lương " B trọc" của mình dồn tích lại suốt tám năm vào chiến trường. "Phải có mái nhà Hà ạ, để đón bà ấy về. Thôi thì không có con cái thì vợ chồng sống dựa vào nhau lúc tuổi già".

Tôi tới cổng, nhìn ngôi nhà, ngôi nhà chẳng sửa sang gì thêm, vẫn giống như bữa tôi đến đây hồi nào. Vừa thấy tôi, cả hai anh chị đã ùa ra đón. Gặp hai ông bà già đã lục tuần, cô đơn, tự nhiên tôi mủi lòng. Phải chi gặp nhau bà còn sức sinh cho anh thêm một đứa. Ý nghĩ ấy tôi không dám nói ra. Chỉ chúc mừng:

- Năm mới chúc anh chị khang an.

Anh Mâu vui vẻ:

- Mình chi xin chữ an, còn chữ khang thì chắc là chả được.

Trong câu chuyện bên bàn trà, tôi hỏi:

- Năm nay anh chị sống thế nào?

- Vợ chồng mình cứ túc tắc với đồng lương. Năm nay yếu rồi, không nuôi lợn được nữa, mình chuyển qua chăm gà vịt cho vui.

Tôi đùa:

- Biết thế này, thời anh làm trưởng trại giam Thừa Phủ, nước sông, công phạm kiếm chút gì làm vốn thì nay chắc đỡ.

Anh Mâu xua tay rối rít:

- Nếu như thế thì mình đâu còn là mình nữa. Mấy năm nay về hưu, anh em, bạn bè cứ đến thăm đều đều, ấy là sự giàu có lắm rồi. Nếu mình chỉ nghĩ đến mình, có thể kiếm chác được tí chút đấy. Song chắc không thoát khỏi cái quả báo của sự cô quạnh.

Tôi ngước nhìn lên tường, tấm huân chương quân công hạng ba nhà nước tặng cho anh chị, có ghi một dòng rất rõ ràng: "Có công đã đóng góp và hy sinh lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc". Tấm huân chương này khẳng định đức độ của anh hôm qua, và sự thanh bạch trong cuộc sống bây giờ. Có lẽ chính vì vậy, lúc chia tay nhau, anh nhắc tôi:

- Cậu qua thăm anh Vĩnh một chút, động viên thêm cho anh ấy.

Qua lời nhắc của anh, tôi biết anh đang còn lo cho công việc lắm, vì anh Vĩnh cũng đã về hưu, song vẫn phải đảm nhiệm công việc cho Phường. Chân ướt chân ráo, nghỉ chưa ấm chỗ, đảng ủy Phước Vĩnh đã bầu anh làm bí thư. Hết khóa, anh xin nghỉ, giới thiệu một người khác, cả đảng ủy vẫn tín nhiệm dồn phiếu cho anh. Còn trong quân ngũ, anh là trung tá quân báo. Nhưng cái quý ở anh là cái tình. Nghe tin người vợ ở nhà bị địch o ép, đã đi bước nữa, anh buồn lắm. Dĩ nhiên ở tuổi trẻ, anh cũng phải lo cho hạnh phúc của mình. Và chiếc thuyền con lênh đênh của anh đã đậu bến nơi người vợ của đồng đội mình đã hy sinh, để cùng lo cho những đứa con của bạn, khỏi để chúng bơ vơ, suốt đời anh đã xứng đáng là một người cha như thế.

Tôi đến nhà, cũng vừa lúc anh đi chúc tết về. Chị Dần, vợ anh bảo: "Ông ấy đi suốt từ sáng đến giờ đấy".

Vớ cái quạt nan, anh vừa quạt phành phạch, vừa nói như phân trần:

- Bốn cơ sở sản xuất ghế xuất khẩu của phường họ góp vốn hàng trăm cây vàng với nhau tạo dựng cung cách làm ăn mới, vừa làm giàu cho phường, vừa giải quyết hàng trăm thanh niên đến tuổi lao động, chưa có việc làm, thế là nó giúp mình đắc lực lắm, mình không đến thăm chúng sao được. Vậy mà bà ấy còn nói mình, cậu thấy có kỳ không?

Hai vợ chồng anh nhìn nhau cười. Cái cười thật trẻ trung.

Chị khoe với tôi nhưng cũng để đùa anh một cách âu yếm:

- Đồng chí bí thư đảng ủy năm nay kết nạp được năm đảng viên mới, mừng quá, suýt quên cả tết đấy cậu ạ.

Anh Vĩnh tâm sự:

- Bọn trẻ nó lên được, mình mừng lắm chứ cậu. Thời buổi này, kết nạp được một đảng viên ra đảng viên, nói thật, mình mừng lắm. Ngay cậu chủ tịch Thiệt của phường mình, nó trẻ, thương binh loại bốn trên tám vẫn hăng hái, xông xáo, chững chạc, mình cũng nhẹ cả người. Khóa bầu hội đồng vừa rồi, ở cái xứ đạo này, lần đầu tiên chủ tịch phường được dân dồn phiếu cao như thế đấy. Ở cái tuổi như mình bây giờ, kiếm được người thay là mình nghỉ liền. Thời của cánh trẻ, phải để cánh trẻ nó lo chứ. Phải không?

Cụng một ly rượu, câu chuyện của anh Vĩnh càng say sưa. Anh bàn với tôi cả ý đồ phát triển thêm nghề phụ trong phường, mời các xí nghiệp sản xuất của thành về đây để giải quyết thêm công ăn việc làm cho bà con, và đặc biệt phải bằng cách nào đó cũng được, giữ an ninh cho phường thật tốt, để bà con yên tâm mà hành nghề. Chuyện càng vui, con mắt giả của anh trông như càng ngỡ ngàng, như quên hẳn cái tuổi già của chủ nó. Hai khóa làm bí thư phường, anh Vĩnh vẫn là cái mẫu người liêm khiết. Cái tình của anh đúng là cái duyên cho đời.

Còn một người nữa tôi phải đến thăm hôm nay: anh Đang, một người cộng sản đàn anh của đơn vị tôi ngày kháng chiến. Người đời gọi anh bằng một cái tên mới: anh vé số. Từ ngày xuất ngũ, anh kiếm thêm miếng ăn cho vợ con bằng việc đi bán vé xổ số. Có ngày anh ngồi lại ga Huế, có ngày bán trên vỉa hè đường Lê Lợi. Bị công an lùa giải tỏa hè phố, anh lại cắp hộp vé số về bán ngay gần nhà trên đường Hùng Vương. Nhìn anh ngồi co ro trên ghế đẩu, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai bẹp xẹp, vai khoác chiếc áo bu-dông cũ màu, chốc chốc thúng thắng ho, mặt hốc hác tối tăm vì bệnh đau dạ dày kinh niên, đố ai nghĩ rằng con người ấy, bên đầu cầu Phủ Cam, đã một mình một khẩu súng cối sáu mươi ly chặn đứng cả một đợt tấn công của địch, cho ban chỉ huy trung đoàn lui lại phía sau.

Trước tết mấy ngày thấy vắng anh trên hè phố, tưởng anh đau. Đến thăm, hóa ra anh dẫn người lên rừng tìm mộ một người bạn. Tình cờ đến một nhà nọ có chút việc, anh nhận ra người đồng chí của mình có ảnh treo trên nhà, chuyện trò, thăm hỏi người chủ, anh xác nhận đúng là người anh đã chôn cất trên một mé đồi trong rừng sâu. Gia đình yêu cầu, ngay hôm sau anh dẫn họ đi tìm. Rừng núi khác quá, mưa gió thay đổi địa hình dữ dội, suốt một tuần không tìm thấy, đành về tính toán lại, kết thúc chuyến đi vất vả, bệnh dạ dày quật anh, không cận tết chắc anh chưa ra viện.

Anh vẫn ở một gian nhỏ trong khu tập thể bộ đội. Một vợ, ba con dại. Chị đang làm ở một cơ quan Nhà nước. Suốt mười năm nay chưa quét vôi nổi gian nhà. Mảng trần giữa nhà sắp sập, anh gỡ xuống, thay vào đó bằng tấm gỗ ván cũ kỹ, mốc thếch. Từ ngày lấy tranh che tạm gian bếp, nhà anh có rộng ra, dễ thở đôi chút. Ba đứa nhỏ lớn phồng lên, lắm đòi hòi, đồng lương vốn đã gầy còm của anh càng thêm ngặt nghèo.

Ngay trước cửa nhà anh là tấm bảng gỗ ghi số xổ số trúng giải. Từng nét chữ số rõ ràng, chân thật như con người anh. Tôi quý anh nơi ân tình cũ của người lính, càng quý thêm thời buổi bây giờ, anh vẫn là anh của ngày xưa. Trước quyền lực không biết cúi đầu. Và nghèo thật, nhưng đồng tiền không hề làm anh tối mặt, quay cuồng. Lẽ sống của anh trước sau vẫn là một tấm lòng thanh bạch.

Tôi đến đúng lúc, anh đứng trước gương sửa sang bộ quân phục cũ. Còn chị, xếp vào túi xách cho anh một bó hương khá to.

Vừa thấy tôi, anh reo lên:

- A! hay quá. Có mi nữa thì càng vui.

- Có việc gì vậy anh? - Tôi hỏi.

Anh đáp:

- Đi. Cứ đi rồi khắc hay.

Tôi đạp xe, anh ngồi sau. Anh dẫn tôi lên chùa Trà Am sau núi Ngự Bình. Góc khuôn viên nhà chùa có một vạt hơn chục ngôi mộ đất thấp tè đã nghi ngút khói hương. Anh lấy bó hương ra thắp, cắm lên từng ngôi mộ.

Tôi hỏi:

- Mộ ai vậy anh?

Anh nói, giọng nghèn nghẹn:

- Anh em mình hy sinh thời Mậu Thân đấy. Bấy giờ chùa Trà Am là nơi ta tập trung thương binh. Những người chết thì để lại. Nhà chùa chôn cho ở vạt đất này.

- Anh quen các anh ấy chứ.

- Không. Chả biết đứa nào. Dân báo lại cho thành đội rằng đây là mộ bộ đội, chưa quy được anh em về một chỗ thì mình đến thắp hương. Dân quanh Trà Am đây cũng tốt thật. Năm nào anh đến thắp hương cũng đã thấy nhà chùa và nhân dân thắp hương trước rồi. Chỉ có trong chúng ta, những kẻ đốn đời thì quên nhau chứ nhân dân thì tình nghĩa lắm.

Làm theo anh Đang, tôi cũng thắp hương lên từng ngôi mộ vô chủ này. Không biết trên vùng đất Huế, quanh Huế có biết bao nhiêu những ngôi mộ vô chủ mà tết này không có một người tới viếng thăm. Và cũng có biết bao ngôi mộ gió mưa đã xóa hết dấu vết đi rồi, làm sao tìm thấy được. Một trăm sáu mươi ba người bạn tôi cũng đang ở trong tình trạng như thế. Người hy sinh cho Huế có ít đâu. Hầu như khắp đất nước này đều gửi tới Huế những đứa con đẹp đẽ nhất của mình. Trong số hơn chục ngôi mộ ở Trà Am đây, có ai trong đại đội tôi không?

Xẩm tối chúng tôi mới về đến Huế. Dòng sông hoa vơi đi nhiều. Phút giây này họ đang tề tựu cúng lễ trong mỗi căn nhà. Riêng mùi hương trầm thì thơm ngào ngạt. Hẳn là mùi hương từ các bàn thờ, miếu mạo tỏa ra. Ở Huế có một phong tục rất hay. Bất cứ mỗi lần giỗ tết gì trong nhà, hễ thắp hương trên bàn thờ, cũng thắp ba nén hương trước ngõ cho những vong hồn lang thang không nơi nương tựa. Tục lệ nhỏ thôi, nhưng dân Huế ân tình biết bao. Các bạn tôi chắc cũng được hưởng chút ít ân tình này. Với Huế, lòng dân là nghĩa trang thơm thảo của các cô hồn.

Chợt nhớ câu thơ rất lạnh lùng của Hàn Mặc Tử viết cho Huế:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.
Ai biết tình ai có đậm đà...


Song hương trầm ngào ngạt của Huế đêm nay, giúp cho tôi cảm nhận thêm ở Huế một chiều sâu thăm thẳm, diệu kỳ.

N.Q.H.
(TCSH40/01-1990)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGNgày xưa nhà mẹ nghèo hung, cơm không có ăn, khố không có mặc, suốt ngày lang thang trong rừng đào củ mài củ sắn kiếm cái cho vào bụng. Có ngày không tìm được chi, bụng đói lắc lư.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).

  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương có một cam kết thú vị, luôn luôn trong nỗi chờ mong là mỗi năm anh chị em trong tạp chí thay nhau đăng cai luân phiên, mỗi năm gặp nhau một lần, ở thời điểm thích hợp nhất do tạp chí đăng cai tự chọn.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOTháng bảy, nồng nàn hương lúa mới trên những ruộng lúc mới vừa mùa gặt tháng 5, mùi rơm rạ kéo tôi ra khỏi thế giới của những đường phố xênh xang, đầy bụi và chật người. Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.

  • VĨNH NGUYÊNPhải nói tôi có ý định dông một chuyến xe máy ra Bắc đã lâu mà chưa có dịp. Nay có điều kiện để đi song tôi vẫn băn khoăn, không hiểu chuyến đi này mình sẽ gặp những ai đây? Hay là phải thở dài dọc đường xa với những cảnh đời khốn khó? Thôi thì tôi chỉ biết đi và đi.

  • VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTrong đêm mỏng yên tĩnh dịu dàng, một mình một cõi với ly rượu trắng, cùng mùi hương của hoa rộn ràng, huy hoàng phát tiết; tôi miên man nhớ tới cõi người đến- cõi người đi nơi xa chốn gần, thời gian tuyến tính lẫn thời gian phi tuyến tính.

  • NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

  • TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

  • ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

  • PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

  • ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

  • TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

  • LGT: Liên Thục Hương là một nhà văn Trung Quốc đương đại, tự ví mình là con mèo đêm co mình nằm trên nóc nhà, nhìn cuộc sống thành phố tấp nập đi qua đáy mắt. Liên Thục Hương còn ký bút danh Liên Gián, có số lượng bản thảo lên tới hơn hai triệu chữ. Năm 2003, “Bài bút ký đầy nước mắt” đã được post lên mạng và năm 2004 nó đã được dựng thành phim và bộ phim ngắn này làm tiền đề cho tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng của Trung Quốc. Sông Hương xin giới thiệu câu chuyện này qua bản dịch của nữ nhà văn Trang Hạ.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNAnh em Nguyễn Sinh Khiêm - Nguyễn Sinh Cung sống với gia đình trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đông Ba. Ngôi nhà giản dị khiêm tốn nằm lui sau cái ngõ thông với vườn nhà Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh. Nhưng chỉ cần đi một đoạn ngang qua nhà ông Tiền Bá là đến ngã tư Anh Danh, người ta có thể gặp được các vị quan to của Triều đình.