HUYỀN SÂM - TUYẾT MAI
Từ một huyền thoại trong Kinh thánh, Judas đã bước ra cuộc sống như một mệnh đề đạo đức có tính phổ quát. Nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, điện ảnh đã lấy Judas làm chất liệu tượng trưng cho bản tính phản trắc của con người. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tiểu thuyết, Judas được luận giải rất đa chiều, thậm chí có tính phản đề, nhất là sau sự kiện phát hiện về Kinh Phúc âm theo Judas(1).
Ảnh: internet
Khảo sát Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis(2), chúng tôi khẳng định rằng, hình tượng Judas được xây dựng trên tinh thần của Kinh phúc âm theo Judas. Cuốn Phúc âm này được phát hiện vào năm 1970, văn tự Coptic - một ngôn ngữ cổ xưa của Ai Cập. Người ta đã cất công khôi phục lại từng mảnh nhỏ, vì đã bị hư hại. Sự khác biệt giữa Tân ước và Phúc âm theo Judas là ở chỗ: Judas không phải là kẻ bán Chúa, mà là người thừa hành mệnh lệnh của Jesus (Xem tư liệu 1 và 4).
Trong thiên tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa, xét về quan điểm chính trị - xã hội: Judas theo khuynh hướng bạo động - cách mạng, Jesus theo thuyết tình thương - cứu chuộc. Cho dù, trong sâu thẳm, Judas và Jesus gặp nhau ở một tư tưởng lớn: tìm đường giải thoát cho nỗi đau khổ của con người. Cám dỗ cuối cùng của Chúa, vì thế, không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết về tín ngưỡng, mà quan trọng hơn, tác giả đã lồng vào đó một luận đề triết học về sự tồn tại của loài người.
Có thể chỉ ra tính chất phản đề Kinh thánh trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa trên những điểm sau:
Thứ nhất, Judas là một thủ lĩnh của dân tộc Do Thái - người đứng đầu của phái bạo động, muốn lật đổ ách cai trị của quân đội La mã để giải phóng dân tộc.
Thứ hai, Judas không phải là kẻ phản chúa mà là người được Jesus tin cẩn. Chính Judas là người giúp Jesus giải thoát phần xác khỏi linh hồn để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc loài người.
Dưới đây, chúng tôi sẽ lý giải những luận điểm trên về Judas trong sự so sánh với Kinh Thánh.
1. Phản đề Kinh thánh về sự kiện Judas bán Chúa
Trong nhóm Mười hai môn đồ do Jesus thành lập, Judas Iscariot thuộc thứ mười hai. Judas được miêu tả là bị bọn thầy cả mua chuộc và đã cam tâm bán Jesus với ba mươi đồng bạc. Sau khi chứng kiến Jesus bị hành hình dã man trên Thập tự, Judas ân hận, mang tiền trả lại và thắt cổ tự tử. Các thượng tế đã dùng số tiền này tậu một thửa ruộng của ông thợ gốm. Và ngày nay, người ta gọi đó là Ruộng máu, vì liên quan đến cái chết thảm khốc của Đức Jesus. Cụ thể, trong Tin mừng theo thánh Matthew, Judas được đề cập ở phần Thương khó và Phục sinh:
“Chiều đến, Đức Jesus vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”. Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với thầy, đó là kẻ nộp thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! Judas, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp - bi, chẳng lẽ con sao? Người trả lời: “Chính anh nói đó” (3, tr. 1649 -1650).
Trong truyện kể Kinh Thánh, bốn tác giả Matthew, Luce, Marco, John đều có cùng một quan điểm về Judas - đó là kẻ phản Chúa. Dù các tình tiết về sự kiện liên quan đến Judas có thể được miêu tả khác nhau, nhưng về cơ bản, vẫn thống nhất trong cách nhìn về đạo đức của nhân vật này. Và từ đời này qua đời khác, nhân gian lưu giữ một lời nguyền đầy căm hận về Judas - kẻ phản Chúa.
Trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa, sự kiện quan trọng trên được Nikos Kazantzakis miêu tả theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Ở đây, Judas không phải là kẻ bán Chúa mà là người giúp Jesus giải thoát phần xác khỏi linh hồn để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc loài người: “Hãy phản bội ta. Ta phải bị đóng đinh và phục sinh để chúng ta cứu rỗi thế giới” (2, tr. 602). Judas thực hiện hành động này, hoàn toàn theo lời cầu xin của Jesus, nhưng sâu xa hơn, là vì sứ mệnh của dân tộc Do Thái.
Ở sự kiện này, chúng ta thấy, vị trí của Judas vượt lên tất cả những môn đồ khác. Khi Judas hỏi Jesus: Tôi xin hỏi lại Thầy, sao Thầy chọn tôi?, Jesus trả lời: Ngươi cũng biết là ngươi mạnh mẽ nhất. Những người kia không chịu đựng nổi” (2, tr. 511). Như vậy, Jesus đánh giá rất cao Judas: tin tưởng giao cho Judas sứ mệnh quan trọng của mình.
Bản chất con người thường được bộc lộ trong những tình huống trọng đại. Hiện rõ trong tác phẩm là một Judas không chỉ cứng rắn, táo bạo, quyết liệt, mà còn là người có đời sống nội tâm sâu sắc, đôi lúc tỏ ra yếu mềm. Khi Jesus bày tỏ quyết định lấy cái chết để cứu chuộc thế giới, Judas đã tỏ ra day dứt: “Tôi đã hỏi Thầy trước rằng, liệu có con đường nào khác chăng?”. Và Judas không kìm nén được nỗi đau của mình trước quyết định chọn cái chết của Jesus. Đoạn hội thoại sau đây, cho phép chúng ta hiểu được chiều sâu nội tâm của nhân vật Judas Iscariot:
- “Thầy nói vậy để an ủi tôi, để tôi có thể phản lại Thầy mà không áy náy trong lòng. Thầy nói tôi có sức chịu đựng, Thầy nói vậy để tôi thêm sức mạnh. Không, càng đến gần giờ phút kinh khủng thì… Thầy à, tôi không chịu đựng nổi.”
- “Judas, người anh em, ngươi sẽ chịu đựng nổi... vì cần phải như vậy - cần thiết là ta phải bị giết và ngươi phản ta. Chúng ta phải cứu thế gian. Cả hai chúng ta. Hãy giúp ta ”.
Judas cúi đầu. Một lát y hỏi: “Nếu Thầy phải phản lại Thầy của Thầy, Thầy có chịu làm không?”
Jesus suy nghĩ một lúc lâu. Cuối cùng Ngài nói: “Không, ta nghĩ là ta không có khả năng như vậy. Vì thế mà Chúa chọn ta, cho ta nhiệm vụ dễ hơn: bị đóng đinh. Jesus cầm tay Judas, nói nhỏ nhẹ như chiêu dụ: “Đừng bỏ ta, hãy giúp ta. Ngươi đã nói với thầy tu Caiaphas chưa? Bọn nô lệ ở Đền thờ đã sẵn sàng để bắt ta chứ? Mọi việc xảy ra như ta dự định chứ, Judas? Vậy chúng ta cùng làm lễ Vượt đêm nay, rồi ta sẽ ra dấu cho ngươi đứng lên và đi kêu họ. Chỉ có ba ngày tăm tối, sẽ qua nhanh như ánh chớp, và ngày thứ ba chúng ta sẽ vui sướng nhảy múa cùng nhau - vào dịp Phục Sinh.” (2, 520 - 521).
Nếu theo Jesus, hình phạt lương tâm nặng nề và đau đớn hơn hình phạt thể xác, thì rõ ràng, Judas đã nhận lãnh nỗi đau đó về phần mình. Vậy mà, sự hy sinh thầm lặng của Judas lại bị người đời lên án, còn sự hành hình trên thập tự của Jesus lại được xưng tụng, ngợi ca. Đây chính là một luận đề về đạo đức mà Nikos Kazantzakis muốn đối thoại với Kinh thánh.
2. Phản đề Kinh thánh qua tinh thần dân tộc của Judas
Trước hết, Judas là một nhà cách mạng, theo khuynh hướng bạo động. Nghĩa là, phải dùng bạo lực để thay đổi xã hội. Giải phóng nỗi đau của con người, với Judas là giải phóng một hoàn cảnh cụ thể: số phận bi thảm của người dân Do Thái. Judas nằm trong quân du kích, gọi là Hội ái hữu. Đó là những người yêu nước, tha thiết giải phóng người dân Nazareth ra khỏi ách thống trị của La mã. Cũng như Jesus, Judas đã lập ra một nhóm Mười hai tông đồ, gồm những người nghèo khổ, đủ các thành phần trong xã hội. Họ có nhiệm vụ ám sát lính La mã, phá ngục để giải cứu những nhà cách mạng mà họ cho là những đấng tiên tri - người đủ khả năng nắm giữ vận mệnh của dân tộc Do Thái. Sau này, sở dĩ trở thành môn đồ của Jesus, là vì Judas tin rằng: Jesus là người duy nhất có thể giải phóng được số phận của người Do Thái.
Bằng lối đối thoại triết học, Nikos Kazantzakis đã làm sáng tỏ quan điểm của Jesus và Judas về sự thay đổi thế giới, về mối quan hệ linh hồn và thể xác, về Thượng Đế và trần gian. Đoạn hội thoại sau đây ở chương 11, khi mà Judas chưa trở thành môn đồ của Jesus. Theo Hội ái hữu của dân Nazareth, Jesus là mật phái viên của bọn La Mã, bị quân La Mã mua chuộc để ru ngủ quần chúng về một thiên đường ở thế giới bên kia, quên đi nỗi đau và sự ô nhục về kiếp nô lệ của dân tộc. Judas được giao nhiệm vụ là ám sát Jesus. Tuy nhiên, thay bằng việc mô tả về một cái chết, do Judas gây nên, như sự báo trước của người thuật truyện, ở đây, tác giả lại để nhân vật đối thoại về quan điểm dân tộc và nhân loại:
“- Mầy đang bị cấu xé bởi nỗi thống khổ của Do Thái phải không?
-Bởi nỗi thống khổ của con người, Judas ạ!
- Bọn Hy Lạp tàn sát chúng ta trong bao nhiêu năm nay… Tại sao lại lo cho chúng nó? Chính là Do Thái mà mầy phải để mắt tới, và nếu mầy thương hại, nên thương hại Do Thái…
- Nhưng tôi thấy thương hại cả những con chó rừng, anh Judas ạ, và những con chim sẻ, và ngọn cỏ” (2, 182)
Luận điểm tình thương và bạo lực, sâu xa hơn, đó chính là vấn đề về chủ nghĩa dân tộc và học thuyết tôn giáo, luôn được tác giả trình bày dưới dạng đối thoại giữa Judas và Jesus. Thế giới này cần thay đổi, nhưng thay đổi bằng cách nào? Con người cần đặt niềm tin vào tình thương và sự cứu chuộc hay phải hành động bằng sức mạnh của chính mình? Đó là một luận đề triết học quan trọng không chỉ đối với người Do Thái, mà liên quan sâu sắc đến vận mệnh nhân loại.
Ở một mặt nào đó, tư tưởng cải cách của Judas rất thực tiễn. Muốn thoát khỏi nỗi đau nô lệ, phải kết hợp giữa con người và Thượng đế. Con người không thể chờ đợi Thượng đế một cách ươn hèn, thụ động. Người dân Nazareth chịu nỗi đau trường miên dưới ách cai trị của La Mã, chính vì sự thụ động này: “Chúa cứu thế sẽ không đến khi mà chúng ta còn đứng khoanh tay... Thượng đế chưa đủ, con người chưa đủ. Cả hai phải chiến đấu cùng nhau” [2, tr. 22-23].
Trong lúc, số đông chờ đợi một nhà tiên tri đến cứu chuộc con người, thì Judas cho rằng, Đấng cứu thế, chính là quần chúng nhân dân: “Tại sao chúng ta phải mò mẫm trong sự thống khổ, cố gắng để thấy được người nào là Đấng Cứu thế? Dân chúng, đó là Đấng Cứu thế - tôi, anh, mọi người trong chúng ta. Việc duy nhất mà chúng ta phải làm là đồng lòng!” (2, 278). Theo Judas, cần phải hướng đến sự đoàn kết dân chúng mới có thể thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc. Người Do Thái không thể “bắt chéo hai tay lại” để ngồi yên cầu mong Thượng đế, mà phải đứng trên đôi chân của mình để giành lại tự do. Rõ ràng, tư tưởng của Judas mang tầm vóc của một nhà lãnh đạo tích cực, ít ra xét vào thời điểm bấy giờ.
3. Phản đề Kinh thánh qua mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác
Jesus và Judas đều có chung một quan điểm: khao khát thay đổi thế giới. Tuy nhiên, ở họ có sự khác biệt căn bản trong quan niệm về mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác. Điều này chi phối đến sự khác biệt trong việc lựa chọn con đường thay đổi xã hội. Đoạn hội thoại sau đây là lúc Judas đã theo Jesus, với mục đích là khám phá một bí mật sâu kín: liệu Jesus có thực sự là một đấng tiên tri, có sứ mệnh cứu chuộc dân tộc Do Thái?
“- Ngài muốn giải phóng Do Thái khỏi người La Mã à?
- Giải phóng linh hồn khỏi tội lỗi.
- Judas giật tay ra khỏi vai của Jesus trong sự điên cuồng và đấm vào thân cây ô liu.
- Đây là chỗ mà hai con đường của chúng ta tách rời nhau”. Judas gầm lên, đối mặt với Jesus và nhìn Ngài với sự căm thù: “Trước tiên, thân xác phải được giải phóng khỏi người La Mã và sau đó là linh hồn khỏi tội lỗi. Đó là con đường. Ngài có thể hiểu nó không? Một căn nhà không thể được xây từ trên nóc trở xuống; nó phải được bắt đầu từ dưới móng đi lên.
- Nền móng là linh hồn, Judas
- Nền móng là thể xác. Đó là nơi mà ta phải bắt đầu. Coi chừng, con trai của Mary. Trước kia tôi đã nói một lần rồi và tôi nói lại lần nữa: coi chừng; chọn con đường mà tôi nói với Ngài. Tại sao Ngài nghĩ rằng tôi đi theo với Ngài? Thế đấy, tốt hơn Ngài nên biết: chính là để chỉ cho Ngài con đường phải đi.” [2,245]
Mối bận tâm của Judas là “vương quốc trần gian”, còn mối bận tâm của Jesus là “vương quốc thiên đàng”. Muốn thay đổi trần gian, phải cần bạo lực; muốn đến với thiên đàng phải dùng tình thương để cứu chuộc tội lỗi. Vũ khí của Jesus là sự ôn hòa: nếu bị tát vào má bên này, thì ngay lập tức, chìa má kia cho kẻ thù tát nốt; còn vũ khí của Judas là, khi mà: Thế giới có sự đốn mạt, cần có con dao (ở đây, được hiểu là sức mạnh của con người).
Như vậy, Judas về cơ bản là một nhân vật tích cực. Đây là một mẫu người chiến đấu hết mình cho mục đích: sự tự do của dân tộc Do Thái. Từ đầu đến cuối tác phẩm, lời nói, hành động của Judas đều nhất quán hướng tới lý tưởng vừa nêu. Tác giả đã làm thay đổi căn bản địa vị của Judas: từ một kẻ bán Chúa trong Kinh thánh thành một nhà yêu nước, mang nỗi đau khắc khoải về thân phận dân tộc Do Thái.
Việc đặt vị thế nhân vật Thượng đế ngang bằng với một môn đồ là một tư tưởng táo bạo, nhất là thời điểm lúc bấy giờ. Tinh thần “giải thiêng” Kinh thánh không phải chỉ ở Nikos Kazantzakis, tuy nhiên đẩy đến mức như Cám dỗ cuối cùng của Chúa, theo chủ quan chúng tôi, đây là cuốn tiểu thuyết trong số ít.
Cám dỗ cuối cùng của Chúa, vì thế, không chỉ góp phần giải thoát một lời nguyền trong Tân ước về một kẻ phản Chúa, mà sâu xa hơn là những tư tưởng triết học có ý nghĩa tích cực. Judas hiện thân cho lòng yêu nước, tinh thần giải phóng của những người bị chà đạp. Đây là nhân vật thể hiện sâu sắc quan điểm thế tục hóa tôn giáo rất nhân bản của tiểu thuyết gia Nikos Kazantzakis - một học giả tầm cỡ của thế kỷ XX.
H.S - T.M
(SH304/06-14)
------------------------
(1) Évangile de Judas en francais, http://biblique, Giáo sư Rodolphe Kasser - một nhà nghiên cứu Kinh thánh kỳ cựu là người đảm trách công việc dịch thuật. Bản Phúc âm này cũng đã được công bố qua bộ phim tư liệu trên kênh truyền hình Pháp, Xem: National Geographic les 25 beaux films, L’évangile selon Judas, http://www.youtube.com
(2) Nikos Kazantzakis, La Dernière tentation du Christ, Éditions Pocket, 1988 (Bản tiếng Việt Cám dỗ cuối cùng của Chúa, Bích Phượng dịch từ bản tiếng Anh), Nxb. Đồng Nai, 1988).
(3) Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước), Dẫn nhập và chú thích của Bernad Hurault và Louis Hurault, Nxb. Hà Nội, 2006 (Xem Matthew mô tả đoạn Judas nộp Jesus, tr.1650 -1651).
(4) Từ Vũ, Ai đã viết Phúc âm theo Judas, nguồn Newvietart.com.
NGUYỄN QUANG HÀ
Các bạn đi Mỹ về, hầu như ai cũng kể về một công trình độc đáo ở Washington, đó là đài tưởng niệm các chiến binh Mỹ đã tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Đài tưởng niệm không phải một tháp cao, mà là một bia đá.
HIỆU CONSTANT
Ra đời và lớn lên tại đất nước Nouvelle-Calédonie, về Việt Nam năm 1960 để sinh sống và học tập, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, khoa diễn viên, sáng tác và đạo diễn, Alain Vũ Hoàng khởi nghiệp bằng nghề đạo diễn những làn múa dân gian và hiện đại nổi tiếng của Việt Nam.
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 1955.
HOÀNG NGỌC HIẾN
(Đọc "Thám tử đau buồn" của Viktor Axtaphiev)
Tiểu thuyết Thám tử đau buồn ở trong số những tác phẩm ưu tú của văn học Liên Xô viết trước Đại hội lần thứ XXVII Đ.C.S.L.X và chứa đựng dự cảm những tư tưởng và tinh thần của Đại hội.
LGT: Elie Wiesel được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1986 qua những hoạt động chống lại bạo lực, đàn áp, và kỳ thị chủng tộc. Wiesel sinh năm 1928 tại Romania; ông là người gốc Do Thái.
NGUYỄN VĂN DŨNG
Núi thiêng Kailas
Trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, tuy không cao như Everest (8.848m) nhưng Kailas (6.714m) là ngọn núi thiêng liêng nhất trong lòng hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Indu giáo, Đạo Jains, và Đạo Bon.
Nhà vật lý Thiên văn là những người “đọc” ánh sáng trong vũ trụ, lặn lội trong thiên hà để tìm về quá khứ, nhìn vào hiện tại, và đoán định được tương lai của vũ trụ, trong đó có trái đất. Có một người Việt như thế, cực kỳ nổi tiếng trong giới thiên văn học thế giới tên là Trịnh Xuân Thuận.
Từ ngày 8 đến 10.3.2012 tới đây, xứ sở thi ca Huế được chọn là nơi gặp mặt các nhà văn Việt Nam và các nhà văn Mỹ nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).
TÔ NHUẬN VỸ
(Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).
Tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần VIII, một trong những bài phát biểu được hoan nghênh nhất là của nhà văn Valentin Raxputin. Đáng chú ý là trong bài này, tác giả hầu như không nói gì về nghề văn, mà chỉ đề cập vấn đề bảo vệ môi sinh.
L.T.S: Gần đây ở Liên Xô tên tuổi của nhà văn nữ trẻ tuổi Xvet-la-na A-lêch-xi-ê-vich (Svetlana Alexievitch) trở nên quen thuộc và thân thiết với nhiều đối tượng độc giả qua tác phẩm "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ".
ĐỖ HỮU CHÍ
Tin Ô-Iôp Pan-mơ bị ám sát làm tôi bàng hoàng xúc động không kém như khi nghe tin bà Indira Găng-đi bị ám sát. Chỉ có sự khác nhau, tôi vừa được gặp bà Găng-đi trước đấy mới có vài tháng, còn Ô-lôp Pan-mơ thì tôi đã gặp và nói chuyện cách đây 18 năm.
NGUYỄN VĂN DŨNG
Hy Lạp là nơi tổ chức Thế Vận hội Olympic đầu tiên - năm 776 tr.CN thì ai cũng biết, nhưng Hy Lạp còn là nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nhân loại thì, việc này chắc không phải ai cũng hay. Có điều, vì cuộc thi người đẹp ấy bắt nguồn từ động cơ xấu xa, nên đã dẫn đến kết cục cực kỳ bi thảm.
MAI KHẮC ỨNG Sang Montreal trốn nắng, nhiều ngày đẹp trời tôi thích đi đó đi đây. Lội bộ mãi rồi cũng chán. Tôi nghĩ ra cách ngao du bằng tàu điện ngầm liền với xe bus.
TRẦN KIỀU VÂN Năm 1990, dịp lễ Phục Sinh, cô dẫn chúng tôi đến nghĩa trang thành phố Voronez. Một là để tham quan thêm một nơi rất đẹp và có nhiều ý nghĩa đối với thành phố, hai là để viếng một người Việt Nam nằm tại đây.
NGUYỄN VĂN DŨNG Bút ký Trong hồi ký Living History, Hillary kể gia đình bà có lần đến Grand Canyon cắm trại. Tại đây, ông Bill Clinton nhận xét “Grand Canyon là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”.
PHẠM THỊ CÚC Hai vợ chồng ông hàng xóm nhà tôi đều nghỉ hưu. Bà vợ tuổi khoảng sáu mươi, chồng sáu lăm, có hai con. Con gái đầu đã lấy chồng, có hai con, đứa lớn bốn tuổi, đứa bé gần hai tuổi.
NGUYỄN VĂN DŨNGBrasil, tuy chỉ xếp thứ năm thế giới về diện tích, thứ sáu thế giới về dân số, nhưng lại sở hữu khu rừng Amazon rộng nhất thế giới, con sông Amazon dài nhất thế giới, vũ điệu Samba nồng nàn nhất thế giới, nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới, thứ bóng đá mê li nhất thế giới...
TRẦN THIỆN ĐẠONhư mọi người đều biết, Victor Hugo (1802-1885) vừa là nhà thơ trữ tình và châm biếm vừa là kịch tác gia cách tân vừa là nhà văn xã hội Pháp thế kỉ XIX rất ư năng động và sung sức, có nhiều tác phẩm đủ ba thể loại đó để đời.
THANH TÙNG Ghi chépRa giêng Canh Dần, tết nhất vừa xong, tình cờ lướt mạng thấy Vitours đang mời đối tác tham gia famtrip Khám phá Cố đô Vương quốc Thái Lan và Tam giác Vàng. Tôi đăng ký ngay, dù chỉ còn 3 ngày nữa là khởi hành.