Huế thơ và thơ Huế

10:51 12/08/2009
NGUYỄN KHẮC THẠCHNếu gọi Huế Thơ với tư cách đối tượng thẩm mĩ thì chủ thể thẩm mĩ của nó trước hết và sau cùng vẫn là sự hoá sinh Thơ Huế. Đương nhiên, không hẳn chỉ có Thơ Huế mới là chủ thể thẩm mĩ của Huế Thơ và cũng đương nhiên không hẳn chỉ có Huế Thơ mới là đối tượng thẩm mĩ của Thơ Huế. Huế Thơ và Thơ Huế vẫn là hai phạm trù độc lập trong chừng mực nào đó và có khi cả hai đều trở thành đối tượng thẩm mĩ của một đối tượng khác.

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Huế Thơ là một “không gian quí phái” ăm ắp những danh lam thắng cảnh, những đền đài lăng tẩm và cả những mong manh sương khói hoà quyện với nhau thành một kiệt tác “siêu kiến trúc” về đô thị. Nó là di sản văn hoá “đồng bộ” trên ba mặt vật chất, phi vật chất và cảnh quan môi trường. Huế Thơ theo quan niệm mới hơn, mộc mạc hơn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “Thiên nhiên đẹp, xã hội đẹp và con người đẹp”.

Huế Thơ luôn luôn là nguồn thi hứng vô biên cho những tâm hồn lãng mạn đi tìm giới hạn của mình. Nó cũng là sự thách đố, sự giễu cợt với mọi ngộ nhận và dễ dãi về thi ca. Đã có không ít những cảm xúc thơ “tươi sống” và nhạt nhẽo được tác giả của nó vẽ vời thêm trên màu sắc sông Hương núi Ngự. Thật ra, đấy chỉ là những cảm xúc phiến diện trên bề mặt của giác quan mà giác quan thì bao giờ cũng dừng lại ở “những điều trông thấy” làm sao có thể thấu đoạn “mà đau đớn lòng” được? Nếu chỉ làm công việc miêu tả Huế đẹp như thế này, Huế duyên dáng như thế kia thì thơ ca sẽ bị lép vế, thậm chí bị thừa trước nhiếp ảnh, chưa nói là hội họa. Mặt khác, thơ kiểu ấy cũng chẳng có giá trị gì vì thực chất nó chỉ là một “phiên bản” máy móc, vô hồn của bức tranh Huế Thơ. Huế Thơ sẽ chối bỏ những gì giống nó; nó chỉ làm chất xúc tác, làm cái “vận vào” cho từng tâm trạng cá biệt của thi nhân. Bởi thế mà mặc dù cùng thụ cảm một dòng sông xứ Huế những mỗi thực tại tâm linh đều phóng bế một mặc khải cơ duyên của mình. Bằng khí phách ngạo nghễ, Cao Bá Quát đã nhìn sông Hương như một lưỡi kiếm dựng giữa trời xanh (Trường Giang như kiếm lập thanh thiên). Còn với nỗi niềm đau đáu trước cuộc đời, thi hào Nguyễn Du lại thấy sông Hương là mảnh trăng nung nỗi buồn kim cổ (Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu).

Ngay ở các nhà thơ đương đại cũng vậy, với sông Hương, họ đều tìm ra góc độ riêng để chiếu dọi Anima của mình vào đó. Nhà thơ Thu Bồn mãi dây dưa duyên nợ trong bài Tạm biệt Huế, với “con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Như mê hoặc với lần đầu tới Huế, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã lãng đãng lội ngược dòng “ham chơi” của mình để đến với dòng sông tròng trành ngất ngưởng “sông Hương hoá rựơu ta đến uống, ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”. Những câu thơ như thế từ Huế Thơ thật quá hiếm hoi. Có nhiều người viết hàng trăm bài thơ và in thành nhiều tập riêng nhưng chẳng hề thấy bóng dáng Huế đâu trong thơ của họ. Thật ngây thơ và ngớ ngẩn khi cho rằng, cứ lắp ghép danh từ Huế với những tính từ bổ nghĩa nào đó hoặc liệt kê các địa danh, địa vật của nó vào tác phẩm sẽ được cái gọi là “rất Huế”. Có Huế hay không là ở cái hồn, cái giọng của thơ chứ đâu phải trong mê lộ của xác chữ. Điều này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lấy làm tâm đắc lắm. Trong các ca khúc của anh không hề có một từ Huế nào cả nhưng vừa hát lên một câu đã cảm thấy lòng thòng giọt Huế “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”. Có lẽ từ “đầu vào” Huế Thơ đến “đầu ra” Thơ Huế cho đến nay, sự tương tác màu nhiệm nhất, mẫu mực nhất trong quan hệ chủ thể - khách thể vẫn là bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Thơ Huế xuất hiện xưa hơn nhưng nếu bắt nguồn từ Huế Thơ thì cột mốc của nó hẳn cắm vào thời thịnh của triều Nguyễn. Khi Huế trở thành kinh đô thống nhất đầu tiên trong lịch sử của người Việt thì việc nó thu hút mọi tinh hoa, trí tuệ của cả nước vào mình để làm nên những công trình hoa lệ là điều tất yếu. Mặc dù bản thân sông Hương, núi Ngự đã là sơn thuỷ hữu tình nhưng nếu không có sự cộng hưởng sáng tạo của con người thì nó cũng chỉ mang vẻ đẹp hoang dã mà bất cứ nơi nào trong thiên nhiên cũng đều có thể có. Con người và thiên nhiên đã làm nên một di sản Huế Thơ để rồi Huế Thơ làm nên một phong cách Thơ Huế. Thơ Huế trong dòng cổ điển hoành tráng nhất vẫn thuộc về nhóm Hoàng tộc kể từ vua Minh Mạng đến các con cháu của ông như Thiệu Trị, Tự Đức, Miên Trinh, Miên Thẩm, Ưng Bình Thúc Giạ Thị... Các tác giả đương thời viết không nhiều lắm nhưng mỗi người một vẻ đã làm cho diện mạo Huế Thơ ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Có những giọng thơ rất Huế và rất độc đáo tiêu biểu cho sự giao thoa giữa dòng dân gian và dòng bác học như thi sĩ Nguyễn Khoa Vy là một điển hình.

Qua trào lưu thơ mới mà nòng cốt của nó là dòng lãng mạn thì Thơ Huế đã mở thêm một không gian cảm xúc và gam màu ngôn ngữ. Hầu như các nhà thơ lớn của cả nước đều tới Huế, ở Huế và viết về Huế. Trong tuyển tập Bài thơ thôn Vỹ do Tạp chí Sông Hương ấn hành năm 1987 đã tuyển chọn khá đầy đủ những gương mặt tác giả và tác phẩm điển hình của một giai đoạn “khoả thân” Thơ Huế. Dòng thơ Cách mạng và yêu nước của Huế cũng để lại một vệt khá đậm nhưng nó đậm về tên tuổi tác giả hơn là tác phẩm của họ. Điều này cũng dễ hiểu vì có những người, đối với họ, sự nghiệp cách mạng mới là mục đích chứ không phải thi ca. Trước hết phải kể đến Ông Già Bến Ngự (tức cụ Phan Bội Châu) rồi tiếp bước vào cuộc kháng Pháp hào hùng đã nổi lên các nhà thơ Tố Hữu,Thanh Tịnh, Phùng Quán, Hải Bằng... Qua thời chống Mỹ, cùng với phong trào sinh viên đô thị, đội ngũ cầm bút - cầm súng của Huế càng rậm rạp và rầm rộ hơn. Đó là Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San, Võ Quê... Sau ngày giải phóng, đội ngũ thơ Huế vẫn được bảo toàn và bổ sung thêm những cây bút từ nhiều nguồn khác đến. Các nhà thơ danh tiếng Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên... dù từ đâu tới nhưng họ cũng đều hoà nhập vào nhịp điệu của cộng đồng Thơ Huế. Nhà văn Hồng Nhu sau 30 năm đi kháng chiến đã kịp trở mình với “Ngẫu hứng về chiều” để ngồi lên chiếc chiếu thơ của cố hương. Những cây bút trẻ từ sinh viên đi ra bước đầu có giọng riêng, có triển vọng đã trồi lên như Hồng Hạnh, Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Hải Trung...

Ngỡ đứng riêng một cõi nhưng phái thơ Thiền của Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng đã “ngộ” màu thế tục và chính nó cũng nằm trong hợp âm chủ của giọng minor Thơ Huế. Thơ Huế không gì khác hơn là cái hồn của Huế Thơ. Huế Thơ hay Huế Đẹp cũng vậy. Cái Đẹp nào cũng mong manh dễ vỡ trước vô thường của cuộc sống nên nó hàm chứa một nỗi buồn nhân bản và triết lí nhân sinh. Nỗi buồn được coi như một đặc trưng của thơ và Thơ Huế càng lung linh cái gam màu ấy. Huế trong mắt Bích Khê đã không buồn nhưng sao thơ vẫn lắt lay, man mác:

            Vỹ Dạ thôn, Vỹ Dạ thôn
            Biếc che cần trúc không buồn mà say

Phải chăng giữa buồn say có quan hệ “họ hàng” hoặc ít nhất cũng mang một hệ lụy nào đấy? Người buồn thường tìm đến cái say và người say thường không nhận mình say mà lại nói mình buồn. Thơ Huế đã từng như thế. Thơ Huế còn là sự thầm kín, thanh tao và trầm lắng như những ngôi nhà vườn cổ kính giữa cố đô. Ở đó, những hồn thơ mang tâm thức tôn giáo mà dáng dấp Thiền vẫn trùm lên tất cả.

            Em mềm như đoá tường vi
            Dưới trăng nghiêng xuống thầm thì lời tiên
            Tôi mời em hái quả Thiền
            Đời cây cũng lụy sang miền khổ đau
            Chạm vào Cổ tích trầu cau
            Cuộc tình nào chẳng nhuốm màu của đêm...

Đây là bài thơ Đêm của Tôn Nữ Như Ngân, một cây bút nghiệp dư mà thơ như là nghiệp dĩ. Người làm thơ nghiệp dư ở Huế thì nhiều vô kể. Nói theo lối thậm xưng của Phùng Quán là, xứ Huế cứ 10 người thì có 11 người làm thơ vì trong đó thế nào cũng có người làm bằng hai người khác. Lại có những hiện tượng khó cắt nghĩa, không hiểu sao, một số cán bộ khi đương chức rất dị ứng với các nhà thơ nhưng đến lúc hưu trí thì chính họ lại làm thơ và đi tìm sự đồng điệu. Vậy thơ là cái gì? Mọi định nghĩa về thơ thường chỉ đúng với trường hợp cụ thể nào đó mà tác giả của nó nêu ra như một kinh nghiệm nhưng sự sáng tạo thì kinh nghiệm sẽ chết ngay sau đó, khi đã hoàn thành một quá trình. Ở đây, có lẽ thơ ứng với khái niệm trực cảm của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Theo anh, thơ là chất trẻ thơ của nhân loại còn sót lại trong mỗi con người. Bởi vậy, Thơ vẫn ẩn náu và tồn tại trong mỗi linh hồn như một tôn giáo cá thể.

Cho đến giờ, quan niệm về thơ Huế vẫn còn phải chẻ đôi theo lăng kính “nhị nguyên luận”. Thứ nhất, thơ Huế chỉ chấp nhận những thi phẩm do các tác giả gốc Huế viết ra, dù họ viết gì. Quan niệm này sẽ làm cho thơ Huế nghèo nàn và trở thành tỉnh lẻ. Nếu vậy thì nhìn lại, Huế chỉ còn chóc ngóc vài nhà thơ đại diện cho nền thi ca hiện đại của xứ sở mình. Thứ hai, gồm hết thảy những bài thơ viết về Huế, dù của ai và ở đâu, nghĩa là chỉ cần đặt nó trong tương quan với Huế Thơ. Quan niệm này lại thiếu công bằng với những tác giả bản quán vì thơ họ dù không trực tiếp viết về quê hương nhưng nó vẫn thấm đẫm tâm hồn xứ Huế. Cả hai quan niệm này đều khiếm khuyết, đều không thể đứng lẻ loi mà phải bổ sung cho nhau để làm cho Thơ Huế lại tròn đầy như những gì vốn có của nó. Hiểu rộng hơn, Thơ Huế không chỉ riêng thi ca mà còn bao hàm cả những gì mang trong nó chất thơ.

Đã có một Huế Thơ lừng lững ngang tầm quốc tế thì tin rằng, từ quan hệ biện chứng giữa chúng, giữa ý thức và tồn tại, Thơ Huế cũng sẽ vươn tới những đỉnh cao tương ứng.

N.K.T
(184/06-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.

  • NGUYỄN KHẮC MAITháng 3 –1907, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ của Việt Nam đã khởi xướng thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hô hào xây dựng đời sống mới mà giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, cả về sản xuất kinh doanh, xây dựng lối sống văn minh của cá nhân và cộng đồng.

  • HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY

    Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.

  • THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.

  • TÙNG ĐIỂNLTS:  “Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa” là chủ đề cuộc tập huấn và hội thảo của các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Nha Trang đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài nội dung đó, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong mấy năm gần đây.Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nhiều tham luận sâu sắc chân thành đã được trình bày tại Hội nghị.Sông Hương xin trích đăng một phần nội dung trên trong giới hạn của chuyên mục này.

  • PHẠM PHÚ PHONGMột đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.

  • PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.

  • PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.

  • TRẦN VĂN SÁNGCó thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.

  • TRẦN THỊ MAI NHÂNNgười ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore).

  • HOÀNG THỊ BÍCH HỒNGKhái niệm “Lạ hoá” (estrangemet) xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX gắn với trường phái hình thức Nga. Theo Shklovski thì nhận thức của con người luôn có xu hướng tự động hoá để giảm bớt năng lượng tư duy, “người ta thường dùng những từ quen thuộc đến sờn mòn”(1).

  • VÕ THỊ THU HƯỜNGTrời đất bao la mênh mông, ẩn chứa thật nhiều những bí mật mà con người chúng ta không ngừng khám phá mỗi ngày và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu mới mẻ và kỳ lạ.

  • TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.

  • LẠI NGUYÊN ÂN 1. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (individualisme) của tư tưởng phương Tây được Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu hướng “Âu hoá”.

  • HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.

  • TRẦN THỊ THANH NHỊ “Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”(Sigmun Freud)

  • TZVETAN TODOROV(Cuộc tranh luận văn học giữa George Sand và Gustave Flaubert - qua đánh giá của Tzvetan Todorov)