ĐẶNG ANH ĐÀO
Có thể nói rằng Những thiên đường mù là một câu chuyện dệt bằng những mảnh ký ức trên nền hiện tại.
Ảnh: internet
Chưa hoàn toàn là thời gian đồng hiện - một kỹ thuật du nhập từ phương Tây và sản phẩm của thế kỷ điện ảnh - nhưng kết cấu truyện là sự đan cài, song song của quá khứ và hiện tại, thậm chí hiện tại nhiều khi chỉ là một cái cớ để ký ức tuôn chảy. Nếu tính số lượng trang giấy thì những trang quá khứ dày hơn hiện tại. Cho đến khi với cái chết của người cô (dù người mẹ vẫn còn) thì thật lạ lùng, dĩ vãng đã chấm dứt đối với nhân vật chính: “dĩ vãng chỉ là dĩ vãng”, ký ức của cô gái gặp gỡ hiện tại, và câu chuyện được đóng lại: lần đầu tiên hình ảnh của tương lai xuất hiện với những “giảng đường và phi trường xa xôi” lại cũng chính là lúc kết thúc trang cuối cùng của Những thiên đường mù.
Cả ba người đàn bà án ngữ trong câu chuyện - Hằng nhân vật chính, mẹ Hằng và bà cô tên là Tâm xuất hiện qua lời kể của Hằng - đều mang nặng ký ức. Đối lập lại là một số nhân vật của truyện: mụ Nần, người đàn bà tham ăn khác thường như trong cổ tích và ca dao, hoặc cậu Chính, em trai của mẹ Hằng… Những người này có thể có quá khứ nhưng không có ký ức, hoài niệm: mụ Nần lập tức quên ngay những thứ mụ vừa ăn xong; còn cậu Chính thì dường như chẳng nhớ gì về kinh nghiệm của cải cách ruộng đất khi trở thành thủ trưởng của một cơ quan tuyên huấn ở Hà Nội và để rồi lại quên hết của hai thời kỳ ấy khi thái thịt và “cuốn nem thoăn thoắt”, nấu ăn thuê (?) cho một nhóm thanh niên tại một cái “ốp” nào đó ở Moskva nhân dịp xuất dương du học tận trường AON.
Cũng như tất cả những người đàn bà, điểm sáng quy tụ những nhớ nhung và hoài niệm ở Hằng và bà Quế (mẹ Hằng) cũng như cô Tâm, đó là tình yêu, là hình ảnh một người đàn ông đã tan biến. Và ở đây họ có chung một điểm sáng, dù với mẹ là “một tình yêu không thể đo đếm, không thể tìm kiếm lại”; với Hằng đó là “bố tôi, một tình yêu chưa kịp biết mặt đã chôn vùi trong bùn đất”; và với người cô, đó không chỉ là “niềm trìu mến, tình yêu khắc khoải”, mà là cả một dòng máu, “một phiên bản đã thất lạc”, một quá khứ vĩnh viễn tan biến mà cô đang “xé xác mình ra” để phục hồi lại cho đứa cháu… Cho dù dưới mắt Hằng, đó chỉ là một thiên đường mù, một thiên đường muộn mằn, phung phí.
Trong ba người đàn bà, mẹ của Hằng đã tìm thấy một phần nào quá khứ trong hiện tại, dù không phải là sự tiếp nối hình ảnh người chồng dòng họ Đỗ qua người em trai là cậu Chính và những đứa cháu. Bởi vậy ký ức của bà không dày bằng hai người kia. Còn ký ức của cô Tâm có mỏng hơn Hằng, nhân vật chính đồng thời là người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất - một lợi thế để kể lại ký ức - nhưng ở cô Tâm nó có phần nặng nề hơn, “kỳ bí” và lạnh lẽo hơn. Quả là bên Hằng, đến con chó già cũng “ngửi thấy lờ mờ cái mùi của quá khứ”.
Nhưng ký ức của Hằng không gắn liền với một huyết thống, một ý chí phục thù, mà đó là cả một thế giới phong phú màu sắc, âm điệu, mùi hương của tuổi ấu thơ tràn ngập thi vị quê hương, vả lại không hoàn toàn là quá khứ. Điều lạ lùng là dường như hiện tại lần đầu tiên trông thấy những bông tuyết, một khúc hát của Pugatrova, hoặc một đám đông dân Nga “hàm chứa cái gì đó trì đọng… một thứ an bình của làn nước hồ không gió bão, không luân chuyển”, lại cũng không phải là cái gì hoàn toàn mới mà cũng đang biến thành những ký ức đã gợi lại qua những ao bèo, hay một khúc hát Việt Nam từng làm các cô gái đi lao động ở xứ người gào lên vì thương nhớ. Điều đáng chú ý nữa là khi được gặp lại hình ảnh của quá khứ từng khiến Hằng khắc khoải thì nỗi buồn vẫn không chấm dứt: ở cô không bao giờ đạt tới tình trạng thỏa mãn khi nắm bắt được quá khứ trong hiện thực. Bởi thế, tôi tạm gọi đây là hoài niệm về những thiên đường đã mất, có nghĩa là không hẳn về những gì đã có trong thực tế. Bởi quá khứ ở đây dù có là những mảnh của thiên đường, thì vẫn là thiên đường mù, đó không phải là thiên đường mơ ước. Mọi thứ đều đã thấm thía len lỏi “độc tố của nỗi sầu không thể cắt nghĩa”, của định kiến, trì trệ. Triền sông xưa đã “khắc khoải tiếng kêu của lũ chim di trú bay…”; mùi hoa nhài tỏa hương… bên dòng nước tiểu nồng nặc của đám người say bia; khu vườn của thiên đường tuổi trẻ là một khu đường đầy cỏ, hoang dại; âm điệu đầu tiên vọng vào giấc ngủ đứa bé là tiếng rao hàng ời ợi và câu hát gào lên của một kẻ tàn phế tật nguyền, để trang sức, những bông tai của đứa bé gái lên 10 đã “lạnh lẽo băng giá” như “hoa tàn rải xuống nấm mồ hoang”… Và hoài niệm ám ảnh nhất, than ôi, lại là một ao bèo tím ngát hoa nhưng ngưng đọng, mệt mỏi, một thứ nước “làm chết ngạt dễ dàng những kẻ không biết bơi”. Và “ánh mặt trời chói chang nhất cũng chỉ hâm nóng được làn nước mỏng bên trên”.
Bởi tất cả những gì đã đè nặng lên mình trong quá khứ, nên khi tiếp xúc với một cái gì không giống với thế giới của mình, những mặc cảm xuất hiện ở Hằng. Và không chỉ của riêng Hằng, của riêng những cô gái nghèo, những cánh chim di thực, mà ở đây, ngòi bút của Dương Thu Hương đã điểm được phần nào nét tâm trạng của nhiều người Việt Nam hiện nay. Vốn đã bao năm tưởng mình hơn hẳn về mọi mặt - tâm lý đặc biệt của những người ít được phép tiếp xúc - nay có cơ hội so sánh một trạng thái ngược lại xuất hiện. Mặc cảm từ chiều cao của mình, từ thân hình gầy còm, từ sự nghèo khổ âu lo, tới những “cuộc chia ly nham nhở” ở sân bay Nội Bài… Ôi, nỗi đau của chúng ta! Còn cậu Chính có cái diễm phúc là bao giờ cũng thỏa mãn, gần như không mặc cảm, có lẽ bởi chính điều đó đã nói trên ở cậu, không có nhiều ký ức hoài niệm.
Và trong Những thiên đường mù không phải ít định kiến. Riêng ở đây tôi muốn phân biệt định kiến của nhân vật Hằng với định kiến của Dương Thu Hương. Đành rằng nhà văn có quyền xây dựng những nhân vật đầy định kiến. Đành rằng Hằng có quyền nhìn cậu Chính và cải cách ruộng đất từ góc độ cảm nhận ấy. Vả chăng vấn đề xung đột giữa các thế hệ (đại diện qua cậu Chính và Hằng) là vấn đề nóng hổi hiện nay. Cũng không thể nói mọi sai lầm đã qua đều là tất yếu của lịch sử - nếu vậy thì ta đã chẳng nói đến chuyện “sửa sai” và việc nhìn lại quá khứ sẽ là thừa. Và nếu cứ mỗi người tự thấy mình, đặc biệt là ngành mình, cơ quan mình, thế hệ mình v.v… lại bị chạm nọc mỗi khi gặp phải nhân vật phản diện (tương ứng với các thứ trên) trong tác phẩm thì thật khốn khổ cho nhà văn. Song thật sự là ở tác phẩm này, tôi thấy tác giả có chỗ định kiến, “xâu chuỗi”, đơn giản hóa. Có cái gì đó khiên cưỡng, gò ép trong sự hư cấu, những nhân vật nguyên phiến, một chiều như cậu Chính, mợ Thành và hai nông dân cốt cán nọ. Vô phúc cho những ông già, vô phúc cho những kẻ “đã nghiên cứu xong chủ nghĩa Mác-Lênin”, những kẻ mà vinh quang, quá khứ được tính bằng những chục năm tuổi Đảng: họ không thể có một số phận khá hơn trong tiểu thuyết này! Vô phúc cho những kẻ đã được đội cải cách xâu chuỗi! Nhưng có lẽ định kiến đã không cho phép Dương Thu Hương thấy rằng thực tế, nông dân không phải hoàn toàn bị dắt mũi bởi những con người như cậu Chính, mụ Nần, gã Bích. Tôi nghĩ rằng hiện tượng ấy là sự thể hiện một phần bản thân người nông dân, là cái chất của họ. Mặt khác, trong cuộc đời cũng như trong tác phẩm, dù sao, vẫn có những con người xấu hơn cậu Chính, mợ Thành… nhiều. Cái chính là tôi mong được thấy họ bớt cứng đờ vì phải minh họa cho một ác cảm của nhà văn và mong họ cũng tự nhiên như phía “bên kia” của tác giả (như Lãng Tử, như Hằng, như cô Tâm…).
Cảm giác chung toát lên từ cuốn tiểu thuyết là một tâm hồn cuồng nhiệt, sự nhạy bén với những gì đang diễn ra. Sức hấp dẫn ấy đã biện hộ một phần nào cho những cái vội vã, thiếu thận trọng của Dương Thu Hương.
Định kiến của tác giả có thể khiến hư cấu nên những nhân vật thiếu tự nhiên, nguyên phiến. Song những định kiến của các nhân vật như cô Tâm và nhất là Hằng và một số thanh niên khác của câu chuyện không phải không phản ánh một thực trạng hiện nay. Đặc biệt là những mặc cảm nỗi sầu xứ, hoài niệm về một xứ sở cội nguồn, một thiên đường đã mất (vả chăng đã bao giờ thực sự nó tồn tại?) bàng bạc trong suốt tác phẩm niềm mơ ước về những gì tốt đẹp xứng đáng hơn, đó chính là những nét tâm trạng rất sâu sắc không chỉ của những kẻ tha hương (ở bất kỳ phương trời nào) mà còn của nhiều người dân Việt Nam bình thường hiện nay đang sống trên quê hương mình đột nhiên bừng tỉnh, ý thức lại về mình.
Huế - Hà Nội - Tháng 4 - 1989
Đ.A.Đ
(TCSH39/09&10-1989)
NGUYỄN GIA NÙNGCả cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Cao Bá Quát là một chuỗi dài những bi kịch của cuộc tìm kiếm không ngừng, không nghỉ về lẽ sống ở đời, về vai trò của văn thơ nói riêng, về kẻ sĩ nói chung. "Mình là ai?" "Mình có thể làm được gì? Làm thế nào để có thể tự khẳng định mình và có thể giúp ích được cho đời?" Có thể nói những câu hỏi ấy luôn trăn trở, dằn vặt trong con người Cao Bá Quát từ khi tự ý thức được tài năng của mình cho đến lúc từ giã cõi đời mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp trong một chế độ đầy rẫy bất công, phi lý mà mọi con đường để thoát ra, với ông, đều mờ mịt và chính ông, dù đã cố công tìm, bế tắc vẫn hoàn toàn bế tắc.
THẠCH QUỲBài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.
HỒ THẾ HÀNhư một quy luật hiển nhiên, có sáng tác văn học thì sớm muộn gì cũng có phê bình văn học và lý luận văn học, càng về sau, có thêm các phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học - với tư cách là trường phái, trào lưu nối tiếp nhau nhằm tiếp cận và giải mã tác phẩm ngày một đa dạng, tối ưu, hiện đại để không ngừng làm đầy những giá trị và ý nghĩa chỉnh thể của tác phẩm văn học.
PHONG LÊTrong văn học Việt Nam, trước trào lưu hiện thực, hình ảnh người trí thức đã có mặt trong khuynh hướng lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Đó là các nhân vật trong vai điền chủ, luật sư, quan lại - có vốn tri thức và có chút băn khoăn, muốn nhìn xuống nỗi khổ của những người dân quê, và mong thực hiện một ít cải cách cho đời sống họ đỡ tối tăm và đỡ khổ.
MÃ GIANG LÂNCách nhân bản thơ, xuất bản thơ bằng "công nghệ sạch" của loài người có từ ngày xửa ngày xưa dưới hình thức ngâm thơ và đọc thơ. Người Việt chúng ta ngâm thơ là truyền thống. Tiếng Việt nhiều thanh, giàu tính nhạc, giọng ngâm có sức vang, sức truyền cảm.
TRIỀU NGUYÊN1. Chương trình Văn học lớp 11, chỉnh lí năm 2000, phần tác giả Cao Bá Quát, bài Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của ông đô sát họ Bùi, giảng một tiết, được thay bằng bài Dương phụ hành (Bài hành về người thiếu phụ phương Tây). Cả sách học sinh và sách giáo viên đều không có chú thích gì về "hành", ngoài cách chuyển y khi dịch sang tiếng Việt như vừa ghi.
ĐIỀN THANHAndy Warhol nổi tiếng là người đùa rỡn với chuyện danh tiếng, nhưng niềm say mê của ông với sinh hoạt hiện đại có hàm chứa một không gian tối xám hơn nhiều. Đó là việc ông bị ám ảnh bởi cái chết, điểm này cho mỗi chúng ta biết nhiều nhất về tinh thần của thời đại ngày nay…
ĐINH VŨ THUỲ TRANGThời Đường là thời đại cực thịnh của dân tộc Trung Hoa về mọi mặt, trong đó có thơ ca. Câu nói này có vẻ sáo mòn nhưng không thể không nhắc đến khi nhìn vào những trang sử vàng son ấy. Chúng ta biết đến ba nhà thơ lớn đời Đường là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... Nhưng phải nói rằng, chỉ đọc thơ của họ thì chưa thấy hết được cái hay của thơ Đường. Bởi lẽ, các nhà thơ tuy cùng khuôn luật, cùng chủ đề... nhưng mỗi người đều riêng khác nhau.
LÝ HOÀI THUSự vận động và phát triển của một giai đoạn văn học luôn diễn ra song hành cùng sự vận động và phát triển của các loại thể văn học. Nói một cách khác: sức sống của một giai đoạn văn học được biểu hiện rõ rệt nhất qua diện mạo thể loại. Chính vì vậy, thể loại vừa là sự "phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững của văn học" (1) vừa là sự hồi sinh và đổi mới liên tục qua mỗi chặng đường phát triển.
INRASARA (Tiếp theo Sông Hương số 245 tháng 7-2009)
HÀ VĂN THỊNH Những cái tên - có lẽ không giản đơn như cách nói của người Nga - " Người ta gọi tôi là...” Ở đây, lớp vỏ của ngôn từ chỉ diễn tả một khái niệm mù mờ nhất của một lượng thông tin ít nhất.Trong khi đó, có bao giờ ta nghĩ rằng một cái tên, không ít khi hàm chứa thật nhiều điều - thậm chí nó cho phép người khác biết khá rõ về tính cách, khả năng và ngay cả một phần của số phận của kiếp người?
HÀ VĂN LƯỠNG1. Ivan Bunhin (1870-1953) là một nhà văn xuôi Nga nổi tiếng của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông trải qua những bước thăng trầm gắn với nhiều biến động dữ dội mang tính chất thời đại của nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XIX và mấy chục năm đầu thế kỷ XX.
LÊ THÀNH NGHỊCâu hỏi “ta là ai?”, “ta vì ai” nổi tiếng của Chế Lan Viên tưởng đã tìm ra câu trả lời có chứa hạt nhân hợp lý của thời đại trong thơ chống Mỹ đã không còn đủ sức ôm chứa trong thời kì mới, khi nhu cầu xã hội và cá nhân đã làm thức tỉnh cái tôi trữ tình của người làm thơ. Nhu cầu xã hội thường là những gì bức thiết nhất của thực tại, do thực tại yêu cầu. Chẳng hạn, thời chống Mỹ đó là độc lập tự do của dân tộc. Tất cả những hoạt động tinh thần, trong đó có sáng tác thơ văn, nếu nằm ngoài “sự bức thiết thường nhật” này không phù hợp, không được đón nhận... và vì thế không thể phát triển. Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, với chủ trương đổi mới, trong xã hội ta, nhu cầu bức thiết nhất, theo chúng tôi là khát vọng dân chủ.
LÝ TOÀN THẮNG“Văn xuôi về một vùng thơ” là một thể nghiệm thành công của Chế Lan Viên trong “Ánh sáng và phù sa”, về lối thơ tự do, mở rộng từ thấp lên cao - từ đơn vị cấu thành nhỏ nhất là Bước thơ, đến Câu thơ, rồi Đoạn thơ, và cuối cùng là cả Bài thơ.
INRASARA1. Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm. Và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, nhà thơ thế hệ mới làm gì để khởi sự cuộc viết? Cụ thể hơn, họ viết thế nào?
VÕ VĨNH KHUYẾN Tiểu luận nhằm tìm hiểu thành tựu thơ ca trong khoảng 16 tháng giữa 2 cột mốc lịch sử (19.8.1945 - 19.12.1946). Bởi khi phân chia giai đoạn văn học nói chung (thơ ca nói riêng) trong tiến trình lịch sử văn học, các công trình nghiên cứu, các giáo trình ở bậc Đại học - Cao đẳng và sách giáo khoa trung học phổ thông hiện hành, không đặt vấn đề nghiên cứu thơ ca (cũng như văn học) nói riêng trong thời gian này. Với một tiêu đề chung "Văn học kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954". Đây là nguyên do nhiều sinh viên không biết đến một bộ phận văn học, trong những năm đầu sau cách mạng.
HỒ THẾ HÀ1. Diễn đàn thơ được tổ chức trên đất Huế lần này gắn với chương trình hoạt động của lễ hội Festival lần thứ 3, tự nó đã thông tin với chúng ta một nội dung, tính chất và ý nghĩa riêng. Đây thực sự là ngày hội của thơ ca. Đã là ngày hội thì có nhiều người tham gia và tham dự; có diễn giả và thính giả; có nhiều tiếng nói, nhiều tấm lòng, nhiều quan niệm trên tinh thần dân chủ, lấy việc coi trọng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nghệ thuật làm tiêu chí thưởng thức, trao đổi và tranh luận. Chính điều đó sẽ làm cho không khí ngày hội thơ - Festival thơ sẽ đông vui, phong phú, dân chủ và có nhiều hoà âm đồng vọng mang tính học thuật và mỹ học mới mẻ như P.Valéry đã từng nói: Thơ là ngày hội của lý trí (La poésie est une fête de l'intellect).
THẠCH QUỲThơ đi với loài người từ thủa hồng hoang đến nay, bỗng dưng ở thời chúng ta nứt nẩy ra một cây hỏi kỳ dị là thơ tồn tại hay không tồn tại? Không phải là sự sống đánh mất thơ mà là sự cùn mòn của 5 giác quan nhận thức, 6 giác quan cảm nhận sự sống đang dần dà đánh mất nó. Như rừng hết cây, như suối cạn nước, hồn người đối diện với sự cạn kiệt của chính nó do đó nó phải đối diện với thơ.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊNNhững năm gần đây, người ta tranh luận, ồn ào, khua chiêng gõ mõ về việc làm mới văn chương. Nhất là trong thơ. Nhưng cái mới đâu chẳng thấy, chỉ thấy sau những cuộc tranh luận toé lửa rốt cục vẫn là: hãy đợi đấy, lúc nào đó, sẽ... cãi tiếp...
TRẦN VĂN LÝAi sản xuất lốp cứ sản xuất lốp. Ai làm vỏ cứ làm vỏ. Ai làm gầm cứ làm gầm. Nơi nào sản xuất máy cứ sản xuất máy. Xong tất cả được chở đến một nơi để lắp ráp thành chiếc ô tô. Sự chuyên môn hoá đó trong dây chuyền sản xuất ở châu Âu thế kỷ trước (thế kỷ 20) đã khiến cho nhiều người mơ tưởng rằng: Có thể "sản xuất" được thơ và sự "mơ tưởng" ấy vẫn mãi mãi chỉ là mơ tưởng mà thôi!