Họa sĩ Huỳnh Phương Đông: Vẽ cả cuộc đời

14:58 07/07/2014

Năm nay đã 90 tuổi, gần 70 năm lao động nghệ thuật, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã vẽ 20.000 bức tranh, ký họa.

Ông tâm sự: “Trong 70 năm lao động miệt mài, hết 30 năm đã diễn ra trong khói lửa chiến tranh, ngót 40 năm trong hòa bình xây dựng đất nước. Nhưng số tác phẩm về chiến tranh cách mạng vẫn nhiều hơn tranh về hòa bình. Đó là một thực tại không thể phủ nhận và cũng là… khuyết điểm của tôi. Đây là tấm lòng, tình cảm của tôi với nhiều nỗi băn khoăn đối với cuộc chiến đấu của dân tộc, quá lớn lao, quá cao đẹp, quá nhiều anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ. Tôi chưa thể ghi được, vẽ được hết sự ác liệt của chiến tranh, nỗi gian nan, nét anh hùng của nhân dân ta, dân tộc ta với nhiều gương sáng tuyệt vời”.

Sợ hết cơ hội

Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc với tư cách là họa sĩ - chiến sĩ, mỗi bức tranh về cuộc chiến bảo vệ đất nước mà ông đã vẽ đều thấm máu của đồng đội.

Vẽ bất cứ khi nào có thể là nhu cầu của Huỳnh Phương Đông. Ngày ở chiến trường, ông luôn mang theo bên mình bút vẽ, hộp màu và mẩu than chì đựng trong một thùng đạn méo mó của Mỹ. Chất liệu vẽ rất hiếm hoi nên ông luôn tùy cơ ứng biến, sử dụng bất cứ loại giấy nào mình có: những mẩu carton, giấy vụn, bìa lịch, truyền đơn… Ông phải dùng bút vẽ tự tạo bằng những cành cây. Khi thiếu chất pha sơn, ông phải dùng màu nguyên bơm ra từ tuýp màu. Bất chấp điều kiện thiếu thốn trăm bề ấy, ông liên tục phác thảo và ký họa khung cảnh chiến trường, các đơn vị chiến đấu, cuộc sống hàng ngày trong khu căn cứ, chân dung người đồng chí, chân dung cán bộ lãnh đạo và chiến sĩ, chân dung một người tù binh Mỹ. Có lần đoàn đi tải gạo, đến đoạn Cần Xe - Trảng Bom gặp máy bay địch bắn phá. Khi vừa tan cuộc, khói lửa chung quanh còn bốc lên ngùn ngụt đã thấy ông Ba Đông lấy giấy bút ra, đứng giữa đồng không ghi ghi chép chép. “Có gì đảm bảo máy bay địch không quay trở lại quần đảo như bao lần trước, trong khi đó họa sĩ này coi như không”, họa sĩ Lê Thanh Trừ nhớ lại. Khi đi vẽ tranh ở chiến trường Đồng Tháp Mười những năm ác liệt 1972 - 1973, có những trận kẻ thù chỉ ở cách ông... 50 phân! Kẻ trên bờ, người dưới nước! Có trận 25 chiếc trực thăng đã chụp xuống đơn vị ông... ở nhà anh em đã mặc niệm (!).

Sau giờ chiến đấu, từ những bức phác thảo, ông triển khai thành tranh màu nước hoặc sơn dầu. Những tác phẩm lớn như: Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã, Trận cầu Chữ Y, Trận Junction city… ra đời như thế, phản ánh sự căng thẳng, khốc liệt của trận đánh và cảm giác hồi hộp, bức bối. Người xem dường như bị hút vào trận đánh với những cận cảnh sinh động chỉ có được khi họa sĩ trực tiếp có mặt tại đó. Nhiều cảnh được vẽ bằng những mảng màu đỏ dữ dội, ma quái, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường. Ông nhớ lại: “Tôi vẽ ngay sau mỗi trận đánh bởi tôi sợ mình có thể hy sinh và không còn cơ hội được vẽ”.

Ông vẽ rất nhiều chân dung và nhiều người đã hy sinh ngay sau khi ông vẽ. Những bức chân dung thường được ông vẽ rất nhanh, ngay tại chỗ, rất chân thực và sống động, gây ấn tượng đậm nét cho người xem. Bà Johanna Branson, tiến sĩ lịch sử mỹ thuật, người Mỹ, nhận xét: “Ông luôn chú tâm quan sát, ghi lại hình ảnh những người xung quanh mình. Nhưng ông không đơn giản chỉ vẽ họ, mà còn chia sẻ những trải nghiệm của mình với họ, ông trở thành một phần trong đời sống của các nhân vật. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng trong tác phẩm của Huỳnh Phương Đông, độc đáo đến mức kỳ lạ”.

Còn với họa sĩ Vũ Giáng Hương: “Huỳnh Phương Đông có bút pháp phóng khoáng, tranh của ông mang màu sắc trong sáng, trong cảnh tàn phá vẫn có những mảng trời xanh thân yêu của đất nước - màu của niềm tin và hy vọng. Tình cảm với quê hương, lòng quyết tâm chiến đấu, khả năng diễn đạt của ông đã tạo nên những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật”.


 

Gặp bất cứ ai, họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng giở đồ nghề ra ký họa.

Ký họa là tài liệu quý

Trước đây có người cho rằng ký họa không phải là tác phẩm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông suy nghĩ nhiều mà không nói ra và cứ lao động miệt mài vượt lên tạo tác phẩm từ kho tư liệu quý giá đó. “Tôi đã theo con đường đứng lên cầm súng khi đất nước lâm nguy. Và tôi đã chọn con đường hiện thực trong nghề nghiệp để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng”, ông tâm niệm.

Quan sát tinh tế và liên tục sáng tạo là nhu cầu của Huỳnh Phương Đông. Những năm 1940, ở tuổi 15, khi theo học trường Mỹ thuật thực hành, ông đã nảy ra ý định chế tạo bút vẽ vì hồi đó rất khó kiếm một cây cọ tốt ở Sài Gòn. Quan sát những chiếc bàn chải bán tại khu người Hoa trong Chợ Lớn, ông phát hiện chúng được làm từ lông heo. Xin được lông heo từ mấy nhà buôn, ông ngồi nhà mày mò làm bút vẽ. Thử nghiệm nhiều kiểu dáng khác nhau, cuối cùng ông chế tạo được loại bút vẽ dùng nhiều lần mà vẫn không bị tòe. Ông cùng người bạn đồng môn Hồ Tấn Thuận sản xuất bút vẽ đem bán, nguyên liệu là lông heo, vỏ hộp sữa dùng làm đế bút. Mài giũa và đánh bóng một chút, những cây cọ hoàn chỉnh được bày bán tại một cửa hàng của người Pháp có tên là Albert Portail, đối diện khách sạn Continental. Đây chính là nguồn thu nhập thường xuyên của chàng sinh viên mỹ thuật có đầu óc kinh doanh.

Ông không chỉ vẽ khá nhanh các chân dung mà còn thể hiện được tính cách của người mẫu, chỉ cần phác qua vài nét đã rõ người trong tranh là ai. Và Huỳnh Phương Đông luôn say mê ký họa chân dung bất cứ khi nào có dịp. Họa sĩ Lê Thanh Trừ kể: “Có lần đi dự một liên hoan cuối năm, khi bàn tiệc đã dọn ra, ông vẫn mê mải ký họa cho đồng nghiệp bức chân dung kỷ niệm. Nhiều người vây quanh trầm trồ. Ba Đông chợt nhận ra một người bạn cũ.

- À, anh Sáu hả? Đợi chút nhen. Tôi sẽ kỷ niệm anh một bức…

Chân dung người bạn cũ vừa vẽ xong chưa kịp ký tên đã có người khác ngồi thay chỗ.

- Đợi đấy, đợi đấy.

Rồi lại người nữa, người nữa… Huỳnh Phương Đông vẽ tặng không biết mệt. Khi xong bức cuối cùng mới hay những người dự tiệc đã dần dần đứng lên bắt tay nhau từ giã”.

Lần gần nhất ông chuyển nhà phải chở 11 chuyến xe tải mới hết tranh, tượng! Riêng chân dung đã 3.500 bức... Căn nhà ông gần 250m2 diện tích sử dụng nhưng dường như quá nhỏ bé, chật hẹp khi phải chứa đựng một khối lượng tranh đồ sộ. Con gái ông là Huỳnh Phương Lan, người cũng được cha truyền tình yêu hội họa và trở thành họa sĩ, tâm sự: “Tôi rất khâm phục tinh thần lạc quan và sức làm việc mạnh mẽ, liên tục của ông. Ký ức qua hai cuộc chiến tranh không làm tâm hồn của ba tôi bị khô khan. Cuộc sống trong hòa bình vẫn đang từng ngày thay đổi và ba tôi vẽ mọi người trong gia đình, vẽ bè bạn trong các cuộc họp mặt, vẽ hoa lá, vẽ phong cảnh… Ai một lần đến thăm ba tôi tại nhà riêng đều ra về trong luyến tiếc vì không có đủ thời gian để xem hết kho tàng tranh của ba tôi”.

“Tôi chưa vẽ hết những thành tựu mới về xây dựng đất nước, thành phố ta đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn rất nhiều. Quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi còn mong sẽ trực tiếp vẽ được cảnh đồng bào, chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, biên cương của Tổ quốc”. Và để “chuộc lỗi”, ngày nào ông cũng vẽ đến nửa đêm.

Ông David Thomas, họa sĩ người Mỹ, tác giả cuốn sách Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình (Visions of War and Peace) tâm sự: “Năm 1987, lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam. Tôi gặp họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại TPHCM. Tôi đã thật sự say mê những bức tranh của ông. Những bức ký họa chiến tranh của ông mang “sức nóng” của một người trong cuộc và được “khúc xạ” dưới con mắt lãng mạn của một người nghệ sĩ tài ba. Từ tận đáy lòng, tôi vẫn tự hào coi mình là người hiểu tranh của Huỳnh Phương Đông. Tôi có nhiều mối giao tình với ông. Dù không nói ra nhưng tôi vẫn coi ông như cha mình từ lâu rồi. Ông là đại diện của nền hội họa Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ. Ông Đông là kho báu của Việt Nam”.

Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình (Visions of War and Peace)” khổ 33,6cm x 24,4cm, 177 trang được Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn và Tổ chức công tác nghệ thuật Đông Dương tại Mỹ hợp tác xuất bản vào năm 2006, do tài trợ của Quỹ Mauna Kea, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của cựu binh Mỹ. 1.000 cuốn được phát hành tại Mỹ, 1.000 cuốn phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách giới thiệu 109 bức tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Cấu trúc 75% ký họa chiến trường, 25% tranh nghệ thuật, cuốn sách dày 177 trang, với 109 bức tranh, ngoài ra còn có nhiều bài viết, bài bình luận của những nhà phê bình, nghiên cứu nghệ thuật của Mỹ. Tư tưởng xuyên suốt chủ đề của cuốn sách này chính là thông điệp về hòa bình. Dùng những hình ảnh chiến tranh để nói về hòa bình. Cuốn sách được giới nghệ thuật của Mỹ đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng.

Nguồn: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG - SGGP

 

 


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN PHƯỢNG TRÚC LINH

    Nếu như nói bi kịch là một trong những suối nguồn không bao giờ vơi cạn, thì trường hợp Francis Bacon là một minh chứng thuyết phục. Hội họa của Francis Bacon đã khai thác tận cùng nỗi đau của con người.

  • VŨ HIỆP

    Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam có thể được tính bắt đầu từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925, vào thời điểm mà các trào lưu nghệ thuật hiện đại đang trăm hoa đua nở ở Pháp.

  • VŨ LINH

    Thông thường, khi người phụ nữ làm nghệ thuật, họ có thiên hướng lựa chọn những kiểu dạng ngôn ngữ bình dị, gần gũi, mang tâm thức lãng mạn gắn liền với bản mệnh của thiên tính nữ.

  • HUỲNH HỮU ỦY  

    Trong quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc, giấy dó đã góp phần trong việc phát triển học thuật và nghệ thuật. 

  • VŨ LÂM

    Thực hành nghệ thuật theo tư duy nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại đang là bức tranh chung của các nghệ sĩ thị giác trẻ tuổi trong những thập niên qua như: Hà Mạnh Thắng, Phạm Huy Thông, Nguyễn Huy An, Vũ Đức Toàn, Bàng Nhất Linh, Thái Nhật Minh... Nghệ thuật của họ là sự pha trộn giữa tư duy nghệ thuật phương Tây và những cảm thức văn hóa của người Việt.

  • KHẢ HÂN

    Alexander Bolotov là một họa sĩ người Ukraine, sinh ra và lớn lên tại thành phố Donetsk, Ukraine.

  • KHẢ HÂN

    Vào ngày 26/03/2018, ArtQuench Magazine (Tạp chí làm thỏa mãn cơn khát nghệ thuật, viết tắt là AQM) đã công bố Hợp tuyển nghệ thuật và nhiếp ảnh ấn bản số II, qua đó nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật một số các tác phẩm nhiếp ảnh và nghệ thuật đặc sắc nhất trên thế giới, những tác phẩm mà AQM xem như là đặc biệt độc đáo và đem lại một nguồn cảm hứng đầy ấn tượng.

  • KHẢ HÂN

    Trong khoảng những năm 1990, càng ngày hướng tiếp cận liên ngành với mục đích tiến hành diễn giải về các khía cạnh văn hóa trong sự đăng đối với sinh thái và môi trường theo một viễn tượng phê phán bắt nguồn từ bên ngoài lịch sử nghệ thuật truyền thống đã dần dần tạo được tiếng nói ngày một hoàn chỉnh hơn, đó chính là nhánh nghệ thuật phê bình sinh thái.

  • KHẢ HÂN

    Nghệ thuật quân sự là loại hình nghệ thuật quan tâm đến các vấn đề về quân sự, ngoài điều này ra phong cách và phương tiện chuyển tải chúng đều ít được quan tâm hơn so với đề tài của nó.

  • TRIỀU SƠN  

    Lần đầu tiên, một triển lãm mỹ thuật sáng tác chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Huế, mang một góc nhìn đầy ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu.

  • BẠCH DIỆP

    Nàng vừa lạ vừa quen như bước ra từ khu vườn hoa hồng đầy ánh sáng.

  • KHẢ HÂN

    Mùa thu không chỉ là đề tài gợi hứng cho những bức tranh phong cảnh mà còn là đề tài vẫy gọi hội họa thăng hoa trên những vùng miền của tưởng tượng. Một trong số những trào lưu thể hiện được chiều hướng này là hội họa siêu thực.

  • KHẢ HÂN

    Nghệ thuật động lực là một trào lưu nghệ thuật hướng đến việc khai thác những hiệu ứng của sự chuyển động gây ra ở trong không gian.

  • NGUYỄN HÀNG TÌNH

    “Mơ mộng” cũng là một đặc tính của giống loài này, người.
    Có người quên, có người từ bỏ, có người lao vào.

  • KHẢ HÂN

    Glenn Brown, họa sĩ người Anh, sinh năm 1966, hiện đang được xem là một trong số những họa sĩ nổi tiếng của hội họa thế giới đầu thế kỷ XXI.

  • Mới đây, tại Hội Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Bùi Quang Lâm đã triển lãm 55 bức tranh sơn dầu với chủ đề Miền đất lạ. Những tác phẩm được vẽ trong 30 năm về những miền đất lần đầu họa sĩ đặt chân đến, nhưng đã tạo nên những cảm xúc buộc họa sĩ… phải cầm cọ. Miền đất lạ được vẽ từ miền Tây Nam bộ đến Bắc bộ và Tây Bắc.

  • Trên những con phố nhộn nhịp ở phố cổ Hà Nội, tuy chỉ có một vài cửa hàng bán tranh cổ động, nhưng lại hấp dẫn khiến không ít du khách nước ngoài ghé thăm.

  • Cuối thế kỉ XIX, khi máy ảnh phương Tây bắt đầu du nhập sang các nước châu Á, ở Nhật Bản có trào lưu chụp ảnh chân dung. Đáng chú ý, bonsai là một trong những nghệ phẩm được các tầng lớp người Nhật chọn lựa để chụp cùng nhiều nhất.

  • Sinh ra trong gia đình “Danh gia vọng tộc” về nghệ thuật, có bố là NSND Doãn Hoàng Giang lừng lẫy của sân khấu, mẹ là nữ diễn viên Nguyệt Ánh được xếp vào hàng mỹ nhân nghiêng nước, nghiêng thành của thập niên 70 nhưng Doãn Hoàng Lâm không núp dưới bóng cả.