NGUYỄN KHẮC THẠCH
Phải giải thích cho mỗi người thích giải
Cần công bằng với những kẻ bằng công.
Nhà thơ Hồng Nhu nhận giải thưởng tác giả cao tuổi Tuyển thơ chọn lọc Hồng Nhu, giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ 4 (2003-2008) - Ảnh: Voque.org
Hai câu thơ mang cấu trúc biền ngẫu đó đã làm nên một cặp câu đối mà vế trên thì có khẩu khí của Ban giám khảo còn vế dưới lại buông hoài vọng của các thí sinh. Không biết ai đã sáng tác ra nó và từ bao giờ mà bây giờ, đem vận vào “hậu cảnh” giải Văn học Nghệ thuật Cố Đô lần thứ hai này cũng thấy rất hợp. Mặc dầu không có “ca dao hò vè” như giải Cố Đô 1987 - 1992 nhưng giải lần này, cũng không tránh khỏi lời ong tiếng ve, tò te thế sự. Điều đơn giản là những người thích giải bao giờ cũng nhiều hơn số giải thưởng mà những người thích giải ở đây lại thuộc giới “văn mình vợ người”. Bởi vậy, sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng, cả 208 tác phẩm công trình dự thi đều xếp giải cao nhất, đồng hạng thì không còn ai, không còn gì để chào xáo nữa nhưng xin thưa liền có đấy, ít nhất cũng có người giãy nảy lên mà rằng: sao tôi cũng chỉ bằng anh kia thôi?!
Phàm những gì đã gọi là thi thì lẽ đương nhiên phải có người được kẻ thua, người cao kẻ thấp. Những ngọt ngào cay cú sau giải âu cũng là lẽ thường tình. Song ở đây, không bàn về khía cạnh nhi nhiên đó mà chỉ xin đề cập khía cạnh “ý chí” của giải.
Trước hết, công bằng mà nói, giải VHNT Cố Đô lần này đã được tiến hành một cách cẩn trọng, khoa học và khách quan hơn lần trước, về cơ bản, gần như nó đã vô hiệu hóa được cơ chế bao cấp “Vừa thi vừa chấm vừa vồ giải luôn”. Việc tổ chức “đấu loại” ba vòng đã hình thành ra “ba nhánh quyền lực” vừa khống chế nhau, vừa bổ sung nhau ngõ hầu làm trong sạch môi trường giải thưởng. Vòng thẩm định được mời những chuyên gia, những tác giả cùng “môn phái” đủ uy tín, đủ trình độ để bình xét từng tác phẩm công trình trong từng lĩnh vực chuyên môn tham dự giải. Có thể nói họ là những chủ thể thẩm mỹ tổng hợp trên các cấp độ thưởng ngoạn, sáng tạo, biểu hiện và định hướng (phê bình). Nhóm thẩm định các chuyên ngành không chỉ làm chức năng tư vấn cho Ban sơ khảo và Hội đồng Nghệ thuật mà họ còn làm công việc “đao phủ” vòng ngoài cho giải. Sau khi “cãi cọ” nhau, họ lại bỏ phiếu bầu và phiếu nhận xét để chọn ra những “đối tượng thẩm mỹ” đẹp hơn, lung linh hơn trong quan hệ đối sánh. Đây được coi là “cửa tử” mà ai vượt được qua nó thì coi như đã chạm cửa “thiên đàng”. Tỷ như Phân hội Mỹ thuật, có 66 tác phẩm ở phía “đầu vào” mà phía “đầu ra” chỉ còn lại 10. Mười tác phẩm ấy đi qua hai cửa nữa cũng chỉ rơi rụng 4 cái và còn 6 tác phẩm tới đích giải thưởng. Bước vào vòng sơ khảo thì tính “mặt trận” của giải lại hiện lên rõ hơn. Ban sơ khảo gồm các thành viên chức sắc đại diện cho các phân, chi hội chuyên ngành. Mỗi chủ thể thẩm mỹ ở đây đều có thể chuyên sâu trong lãnh địa ngành mình còn đối với ngành khác, phần lớn họ chỉ còn trơ trọi tư cách thưởng ngoạn và đành phải “dựa cột mà nghe”. Tất nhiên, cũng có những người có năng lực “đa hệ” để khi liếc qua lĩnh vực chuyên môn khác, họ vẫn “thưa thốt” được. Trong huống cảnh này, vai trò “thuyết khách” của vị đại diện mỗi ngành đều có ý nghĩa “định vị” cho những lá phiếu của các thành viên khác. Tại vòng này, ngoài việc “bớt xén” Ban sơ khảo cũng đã “phúc thẩm” lại một số trường hợp mà vòng dưới còn nan giải để vớt lên trên xem xét tiếp. Càng lên cao thì biên độ thẩm mỹ của đối tượng càng rộng ra và trình độ thẩm định của chủ thể càng cô lập. Mặc dầu các ủy viên Hội đồng Nghệ thuật đều được chọn những người khá tiêu biểu nhưng nó cũng không hoàn toàn và thuần túy chuyên môn. Có vài thành viên do “cơ cấu” nên mặc nhiên, họ ngồi trên ghế giám khảo mà không rành một lĩnh vực chuyên môn nào, nếu không nói là hời hợt và cạn cợt. Tuy rằng, những người này đều là sếp trong giới văn hóa văn nghệ nhưng vì họ chỉ quen “thao tác” bề nổi như bơi trên mặt nước mà “ngọc trai” nghệ thuật lại nằm dưới đáy nên họ dễ bề “ăn ốc nói mò”. Biết đâu những tổn thương này nọ của giải lại có nguyên nhân từ họ. Cũng may mà vị Chủ tịch Hội đồng, mặc dù không thuộc chủ thể đồng sáng tạo nhưng ông là người có bản lĩnh và có tâm, có học và có am hiểu nên đã điều hành cuộc định giá những cái vô giá được xác đáng hơn. Hội đồng Nghệ thuật là cơ quan chuyên môn có quyền lực hợp pháp có thể bác bỏ hoặc lựa chọn bất cứ tác phẩm công trình dự giải nào. Sau khi rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự thi rồi tham khảo ý kiến chuyên gia các chuyên ngành, Hội đồng nghệ thuật đã chấp nhận danh sách tác giả, tác phẩm vừa lọt qua hai vòng thẩm định, sơ khảo để quyết định thứ hạng cho mỗi tác phẩm bằng phiếu kín. Đầu vào ở đây là 48 và đầu ra cũng 48 nhưng đã cộng trừ một. Người được cộng đó là tác giả Mai Xuân Hòa, với biện minh có công viết nhiều ca khúc thiếu nhi(!).
Sự “bất cập tình thế” đáng kể hơn cả trong giải Cố Đô là nó đã xóa nhòa ranh giới, đã đánh đồng phẩm trật của 7 ngành nghệ thuật vốn đã được “xã hội hóa” thứ hạng. Chưa nói chuyện đem một ca khúc so với một tập thơ hoặc một bức ảnh so với một cuốn tiểu thuyết nhưng ngay một bức ảnh so với một bức tranh cũng đã khác xa. Cũng như một họa sĩ có thể cầm máy chụp ảnh được nhưng một nhiếp ảnh gia chắc gì đã cầm bút vẽ để vẽ tranh? Vậy nhưng mọi bức ảnh được giải đều có giá trị tặng thưởng cao hơn giá trị hàng hóa của chính nó trong khi giá trị của những bức tranh thì dường như ngược lại. Chưa nói chuyện giá trị hàng hóa của tranh là giá trị độc bản còn giá trị hàng hóa của ảnh là giá trị phiên bản. Còn giá trị ảo của nhiếp ảnh thì đâu có gì cao xa, thâm thúy, đa nghĩa như các nghệ thuật khác và buộc nó phải đứng sau chót, cách biệt mỹ thuật những ba bậc nữa (Kiến trúc, sân khấu và múa). Trong 5 năm qua, ngành hội họa vẫn thăng hoa sự sang trọng của Huế lên nhiều hơn so với nhiếp ảnh. Trong quan hệ quốc tế cũng vậy, hẳn chưa có tác giả nhiếp ảnh nào tại Huế được mời đi triển lãm cá nhân ở nước ngoài như một số họa sĩ đã từng. Thế nhưng tại giải Cố Đô lần này, số lượng cũng như thứ bậc, nhiếp ảnh đã lấn át hội họa, mặc dầu hội viên Mỹ thuật gần gấp đôi hội viên Nhiếp ảnh. Trong các thành viên của Hội Liên hiệp, vị trí tương đương với văn học là Mỹ thuật chứ không phải nhiếp ảnh. Nếu chỉ nhìn bề nổi thì rất dễ “trông gà hóa cuốc”. Cái giải A của nhiếp ảnh thật khó thuyết phục dư luận “tâm phục khẩu phục”. Ngay trong nội bộ nhiếp ảnh cũng đã có những ý kiến bất đồng. Thậm chí, có người còn suy bì rằng, cùng “Mang chuông đi đánh nước người”, cái được giải về thì không được gì, cái không được gì về thì được giải. Đó là trường hợp bức ảnh “Thì thầm” được giải ACCU ở Nhật của Thanh Tú. Nói gì thì nói, nó cũng đã là một tác phẩm nhiếp ảnh có “chứng chỉ” quốc tế. Từ dị nghị đến tò mò rồi lần hỏi đến tận gốc thì thấy, hai bức ảnh được giải A đó, khi xét sơ khảo, bức “đường nét công nghiệp” chỉ được 1/9 phiếu, còn bức “Thời gian còn lại” là 8/9 phiếu, nghĩa là không được 100% phiếu. Đương nhiên, bức 1/9 phiếu đã bị loại nốc ao, còn bức 8/9 tính ra điểm trung bình cũng chỉ xấp xỉ 8, đứng cuối hạng B. Trong khi đó, có một số tác phẩm ngành khác (kể cả Mỹ thuật) đủ 100 phiếu (9/9), điểm trung bình cũng xoay quanh con số “9 nút”, xếp hạng A ở sơ khảo, thế mà kết quả cuối cùng, chúng lại bị đẩy xuống thấp hơn hai bức ảnh kia của Nhiếp ảnh?! Ngoài ra, cũng còn vài trường hợp cắc cớ khác, đó là Âm nhạc có một giải “thiếu âm thanh”, Sân khấu có một giải “thừa kịch tính”. Xin trở lại dẫn chứng giải đề tài của tác giả Mai Xuân Hòa. Theo thông báo (kiêm thể lệ) về giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ hai của Tỉnh thì giải “chỉ xét những TPCT được chính tác giả, nhóm tác giả đăng kí dự xét thưởng”. Như vậy là đã quá rõ ràng, những tác phẩm mà tác giả không gửi đến thì không thể xét, càng không thể có giải. Khi tác giả Mai Xuân Hòa gửi chùm ca khúc khác (viết cho người lớn) đã bị loại từ vòng thẩm định và Ban sơ khảo thấy yếu cũng không đề nghị lên, vậy tại sao Hội đồng nghệ thuật lại xét công về ca khúc thiếu nhi, về tác phẩm không gửi? Lấy đâu ra mà xét? Hay xét theo trí tưởng tượng? Xét một loại âm nhạc không có âm thanh?! Trên thực tế, Mai Xuân Hòa cũng có một tập ca khúc viết cho đề tài thiếu nhi nhưng nó ra đời sau mốc xét giải Cố Đô lần này, không hợp lệ không thể dự thi. Nhờ sự bảo kê của ai đó, nó đã bất chấp luật lệ để giành lấy một giải thưởng. Chưa hết, vì sau mốc lần này nên tác giả có quyền dự giải Cố Đô lần thứ ba và sẽ dễ dàng được giải vì đề tài. Khi cần, người ta sẽ khai thác đến cùng, kể cả sự lạm dụng. Vô hình trung, một tác phẩm được dự giải Cố Đô 2 lần và 2 lần được giải! Chính điều này đã xảy ra với kịch sĩ Ngọc Tranh. Theo quyết định số 391 QĐ/UBND ngày 1- 2-1994 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngọc Tranh đã được giải hạng B với kịch bản “Cha con người hát rong”. Thế mà tại giải lần này, Ngọc Tranh lại dẫn độ “Cha con người hát rong” vào hát và “hái giải” một lần nữa. Thật đúng là thừa kịch tính!
Không biết những điều trông thấy mà... đau con mắt trong giải Cố Đô như thế có làm phật lòng các bao công nghệ thuật?
Còn 160 tác phẩm công trình dự thi mà không được đăng khoa đều có những nguyên nhân riêng nhưng chung qui lại là... chờ keo khác. Cá biệt, cũng có trường hợp phạm qui có thể chỉ ra được. Ví dụ, một đạo diễn đã không nắm được tiêu chí của giải rồi bê luôn một chương trình ca múa nhạc dàn dựng cho đề tài tỉnh bạn về dự giải Cố Đô. Trong số tác phẩm âm nhạc dự thi có 2 bản giao hưởng “Người con gái Sông Hàn” của Khắc Yên và “Ký ức cố đô” của Vĩnh Phúc. Vì có chất lượng tương đương và chỉ được chọn một thì tất nhiên giải phải khuyến khích cho đề tài cố đô. Hoặc có những chuyên ngành do đặc điểm riêng, người ta qui định gửi một tác phẩm tự chọn thì tác giả lại gửi đến hai. Rồi cũng được chấp nhận vào “tỉ thí” nhưng trước hết, hai tác phẩm đó phải tự chia phiếu cho nhau, bởi lẽ trong Ban giám khảo, người ủng hộ cái này, người lại chọn cái kia, rốt cục cả hai đều bị loại vì thiếu phiếu. Động thái ấy có thể do tác giả bị “phân liệt”, hoặc thiếu tự tin, hoặc quá tự tin. Nếu là quá tự tin thì sự tự tin ấy hết sức ngây ngô. Làm gì có chuyện một thí sinh thi người đẹp lại vừa đoạt hoa hậu, vừa đoạt á hậu trong cùng một lần thi?
Dù sao, giải Cố Đô cũng mang tính niên hạn (5 năm 1 lần) nên đơn vị để xét là tác-giả-tác-phẩm chứ không xét thuần túy tác phẩm như những cuộc thi khác. Do vậy, trường hợp chất lượng đơn vị tác phẩm ngang ngửa nhau như bức “Hoài tưởng” của sinh viên Lê Ngọc Tường và bức “Trò chơi” của thầy Nguyễn Thiện Đức thì hẳn nhiên tác giả thầy sẽ được xếp giải cao hơn tác giả trò. Suy cho cùng, đấy cũng là một trật tự khả kiến của sự công bằng, hiểu theo nghĩa phải đạo. Còn chỗ mà các “tân khoa” so đo “cần công bằng với những kẻ bằng công” lại thuộc về “trường đoạn” khác. Trong giới văn nghệ, có một “quy luật đặc thù” là không giữ bí mật làm gì cho mệt! Bởi vậy, hầu như mọi người dính giải, họ đều biết được thứ hạng giải của mình qua “thị thực” phiếu kín của Hội đồng nghệ thuật trước khi bị “Sự cố Kinh phí”. Chỉ vì kẹt tiền mà một số giải phải “hạ cấp” cứ y như chúng bị thi hành kỷ luật vậy. Điều đó đã “quấy rối” cơ chế tâm lý những đối tượng vốn đã bằng người rồi lại phải thua người. Riêng hai trong số năm vị thành viên Hội đồng nghệ thuật dự giải, giải của họ không những không bị hạ mà còn “lên giá” hơn 1 đến 2 bậc so với Ban sơ khảo đề nghị! Xem ra, sự công bằng được thu lại trong một không gian hẹp trên kênh thượng tầng kiến trúc cũng đã lắm nhiêu khê. Sự nhiêu khê ấy chính là “sản phẩm thặng dư” của ý chí phi thiền. Song, nhìn lại một cách tổng thể về giải, nếu chỉ “tỉa tót” mặt thiếu công bằng không thôi thì cũng bị rơi vào sự thiếu công bằng nốt. Thực ra, cái được ở đây vẫn lớn hơn cái chưa được. Ngoài “mặt bằng” về sự công bằng nói chung, giải lần này còn thể hiện được cả sự công bằng nhân đạo và công bằng cao thượng vốn có trong tâm thức người Huế. Đó là tập “Thơ lục bát” của nhà thơ quá cố Hải Bằng, được trao giải cao hơn kết quả thẩm định chất lượng tác phẩm. Đó là sự Fair play với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả không còn là công dân của Huế nữa vẫn không bị coi là “ngoại tộc”. Tập thơ “Đồng dao cho người lớn” của anh không những được giải mà còn được trao giải cao nhất và sang trọng nhất vì nó là Thơ.
Vậy là giải VHNT Cố Đô 1993 - 1998 đã được khép lại với những gì đã trúng và đã trót. Và quan trọng hơn, nó đã khép lại ở chỗ bắt đầu mở ra một mùa giải mới, một mùa giải vượt biên thế kỷ (1998 - 2003).
N.K.T
(TCSH117/11-1998)
Thuở hàn vi, nhà sử học, nhà văn Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) “túi rỗng bếp lạnh”, “một đồng tiền cũng chẳng dính tay” có viết Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay.
Được mệnh danh là nhà thờ lớn và đẹp nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị phá bỏ ngày 9/3/2017 để xây mới.
Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm.
Khi nhắc đến tranh chép hay công việc chép tranh, nhiều ý kiến khắt khe cho rằng, chính những bức tranh chép đã làm lũng đoạn thị trường hội họa và ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật nước nhà.
Nhờ facebook, tôi mới biết ngày hôm qua là Ngày Hạnh phúc. Chợt bần thần nhớ lại những kỷ niệm về hạnh phúc, vào cái thời ở ta chưa có ngày nào được gọi là Ngày Hạnh phúc...
Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, vô nhân đạo, nhất là khi chúng liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình. Nhưng...
Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong đời sống và không chỉ là kênh kết nối chia sẻ, giao lưu giữa các cá nhân. Trên thực tế, mạng xã hội đang có những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sức hút của “lễ hội hoa hồng” đang diễn ra ở Hà Nội có lẽ không ảnh hưởng đến những người làm văn nghệ. Họ đang quan tâm tới những thông tin xung quanh việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hình như chưa đợt xét giải thưởng nào lại náo động như lần này.
Đó là những trăn trở của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch cùng giám đốc các bảo tàng trên địa bàn TP hôm 2.3.
Nhiều bức tường xám xịt, loang lổ nắng mưa trên các con hẻm, con đường Sài Gòn đang được các “họa sĩ đường phố” khoác lên những sắc màu mới.
Trong dịp tết vừa qua, tại TPHCM, sàn diễn cải lương khá heo hút. Ngoại trừ chương trình nghệ thuật Ba thế hệ về lại cội nguồn do NSƯT Kim Tử Long đứng ra thực hiện, có bán vé tại rạp Công Nhân vào ngày 6-2, cùng với vài buổi diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở cơ sở thì không còn nơi nào tổ chức.
Nhiều tác giả cám cảnh người đọc đìu hiu ở các khu trưng bày tác phẩm trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại TP HCM.
GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTƯMTTQ Việt Nam và TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều cho rằng: "Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay".
Nhiều người trẻ cả tin, mê tín “cúng” tiền cho thầy bói để rồi lo âu, thấp thỏm...
VĨNH AN
Trong bài viết trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, ký tên Trần Lực, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây”: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều”.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này gây sốt bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Mặc lời trấn an của những người có trách nhiệm, công chúng vẫn có quyền đặt câu hỏi.
“Tại sao trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn?”, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày 15 - 16.12 tại Hà Nội.
Thiết chế văn hóa đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim…
Sự biến mất của Hanoi Cinémathèque, một địa chỉ xem phim nghệ thuật đã có lịch sử gần 15 năm giữa lòng thành phố, đặt ra câu hỏi về sự thân thiện và nhạy cảm với văn hóa của các chính sách phát triển đô thị.