Điển tích cuộc sống và văn học

15:00 17/02/2009
NGÔ TỰ LẬPTrong thời gian làm luận án ở École Normale Supérieure de Fontenay/ Saint Cloud , tôi được nghe một câu chuyện thú vị. Trong nhà giam nọ, đám tù khổ sai, sau mỗi ngày lao động như trâu ngựa dưới đòn roi của cai ngục, chỉ có một thú tiêu khiển là nghe một người trong bọn họ kể chuyện tiếu lâm.

Người kể chuyện rất từng trải, có duyên và có tài bịa đặt, nhưng thời gian giam giữ quá lâu, cuối cùng cả kho tiếu lâm lẫn tài bịa đặt của anh ta đều cạn kiệt. Nghe đi nghe lại mãi, đám tù nhân thuộc lòng không chỉ các chuyện mà cả thứ tự của chúng trong vốn liếng của người bạn tù. Vì thế, thay vì kể chuyện, gã tù nhân có duyên kể chuyện kia chỉ cần xướng lên một con số, chẳng hạn “hăm hai”, là tất cả cười ồ. Điều này dần dần trở thành thói quen một cách tự nhiên. Thế rồi một hôm có tù nhân mới: chẳng khó khăn gì chúng ta cũng có thể hình dung bộ dạng ngớ ngẩn của anh ta trong khi đám tù nhân cũ ôm bụng cười vì nghe con số “hăm hai” tưởng chừng vô nghĩa ấy.
Thực ra chuyện tù nhân dùng các con số hay các loại ký hiệu khác nhau, trong đó các ký hiệu ngôn ngữ, chẳng hạn tiếng lóng, để thông tin và trốn tránh sự kiểm soát của cai ngục là điều không có gì lạ. Nhưng với tôi, con số hăm hai của đám tù nhân trong câu chuyện thâm thúy này lại gợi lại những suy nghĩ khác: nó là một ví dụ tuyệt vời về điển tích.

Trong các từ điển hoặc sách giáo khoa, điển tích thường được định nghĩa như là những câu chuyện ghi chép trong sách vở và được trích dẫn hoặc dẫn ý. Cuốn Sổ tay văn học (A Handbock to literature) của C. Huge Holman và William Harmon, chẳng hạn, định nghĩa điển tích là “lối nói dẫn chiếu vắn tắt đến một hình tượng, sự kiện hay đề tài lịch sử và văn học”(1).
Trong tiếng Việt, chúng ta thường gặp hai từ “điển tích” và “điển cố”. Từ điển của Nguyễn Văn Khôn viết: “Điển: Kinh điển. Thường. Phép tắc. Chủ trương. Coi sóc việc gì. Cầm cố. Họ. Tích: Xưa, trước, lâu, ban đêm. Họ. Cố: Bền, vững bền. Kín đáo, vốn đã. Nhiều lần. Bỉ lậu. Cố nhiên, tất nhiên. Họ. Điển tích: Sự tích chép trong sách vở xưa. Điển cố: Điển cũ tích xưa; sự tích, luật lệ cũ”.

Như vậy, “điển cố” là khái niệm rộng hơn và không chỉ bao gồm những sự tích chép trong sách vở. Tuy nhiên, trên thực tế hai từ này vẫn được dùng lẫn lộn. Từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977) định nghĩa điển cố là “Chuyện chép trong sách cũ” và điển tích là “Sự việc trong kinh sách cũ”. Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, viết trong Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX: “Điển cố: Thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học trung đại Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng văn học cổ và trung đại Trung Hoa. Do những nguyên nhân khác nhau, đã hình thành một tâm thế, một phong cách của những người làm văn: trong hành văn thường hay nhắc đến một sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là trích dẫn nguyên văn, mà là lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được đến tích cũ ấy, câu văn cổ ấy. Lối này được gọi là dùng điển cố, bao gồm phép dùng điển dùng chữ” (2)..

Theo tôi, sự lẫn lộn này không phải là trầm trọng, và có lẽ nó bắt nguồn từ thực tế là khái niệm “văn” trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rộng hơn nhiều so với khái niệm “văn học” trong các nền văn hóa phương Tây. Vì lẽ đó, nếu trong tiểu luận này tôi dùng thuật ngữ “điển tích” thì cũng xin được hiểu theo nghĩa rộng hơn này.
Tuy nhiên, tôi chỉ có thể đồng ý một nửa so với nhận xét trên đây của Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường. Trước hết, quả thật là trong văn học cổ đại và trung đại ở Việt Nam cũng như ở một số nước Viễn Đông, điển tích được sử dụng rất thường xuyên. Nhưng trong văn học của phương Tây, hay của bất cứ khu vực nào, điển tích cũng được sử dụng nhiều không kém. Ta có thể khẳng định rằng điển tích là một hiện tượng phổ quát: nó được sử dụng rộng rãi ở mọi thời, trong mọi nền văn học.

Thứ hai, mặc dù Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn học ở cả phương Đông lẫn phương Tây, đã không sai khi đề cập đến điển tích như một cảm hứng sáng tạo, một kho mô típ, hoặc như một thủ thuật trong cách hành văn, tôi tin rằng sự phổ biến rộng rãi của điển tích có một lý do sâu xa hơn thế. Quan niệm về điển tích như một nguồn cảm hứng hoặc một kỹ thuật như trên cũng phổ biến ở người đọc bình thường. Chính vì thế, dùng điển tích, nhất là dùng nhiều điển tích, cũng giống như dùng nhiều trích dẫn, thường bị coi là một cách để khoe khoang kiến thức và lòe bịp thiên hạ.

Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi: Tại sao điển tích được dùng nhiều đến thế? Và nguyên lý vận hành điển tích là gì?
Theo tôi, mặc dù quả thật trong nhiều trường hợp dùng điển tích một cách để tác giả khoe khoang kiến thức và lòe bịp thiên hạ, sự phổ biến của điển tích có một lý do là sự tiết kiệm. Nói đúng hơn, đó là nguyên lý tối ưu của giao tiếp nói riêng và của tư duy nói chung: chúng ta luôn hướng tới việc truyền đạt nhiều thông tin nhất với một lượng ngôn từ nhỏ nhất, cũng tức là với khoảng thời gian ngắn nhất là năng lượng tinh thần nhỏ nhất. Chẳng hạn, khi chúng ta nhắc đến con ngựa thành Troy, thực chất là chúng ta gián tiếp kể lại cả một câu chuyện dài về con ngựa khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp chỉ trong một từ ngắn ngủi. Tương tự như vậy, cái tên Sở Khanh dẫn người đọc đến mối tình éo le của Kiều, đến truyện Kiều và đến cả một mẫu người trong xã hội đương thời. Trong giai thoại về đám tù nhân kể bên trên, thay vì kể cả một câu chuyện tiếu lâm, người kể chuyện chỉ cần đưa ra một con số.

Nguyên lý tiết kiệm có thể thấy ở tất cả hoạt động của con người , vì nó đã được Herbert Spencer phân tích thật chí lý trong Nguyên lý của phong cách (The Philosophy of style). Ở đây, tôi chỉ muốn đưa ra những ví dụ minh họa mà thật ra ta chẳng cần phải động não nhiều để có. Quy luật tiết kiệm chính là lý do khiến chúng ta sáng tạo nên những từ viết tắt như OPEC, UN, ... Đó cũng là lý do khiến chúng ta có xu hướng rút gọn các từ. Người Việt nói con Su thay cho con Suzuki, người Pháp nói prof  thay cho professeur, người Mỹ nói Caddy thay cho Cadillac ... Những ai quan tâm đến ngôn ngữ học biết rõ I gonna go đã thay thế cho I am going to go như thế nào.

Nguyên lý tiết kiệm cũng chính là lý do khiến chúng ta khó chịu với những kẻ ba hoa, dài dòng. Người Việt có câu: “Rượu ngon uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm cũng hay ra rồ“. Thật ra, chúng ta khó chịu với kẻ dài dòng không phải vì anh/ chị ta nói dài. Một bài nói chuyện dài, thậm chí rất dài, nhưng đầy ắp ý tưởng vẫn có thể lôi cuốn người nghe cho đến câu cuối cùng. Những câu chuyện của nàng Sheherazade trong Một nghìn một đêm lẻ đã cứu nàng sống thoát không chỉ vì chúng hấp dẫn mà còn vì chúng kéo đêm này qua đêm khác. Cái khiến chúng ta khó chịu với những kẻ ba hoa, dài dòng là những điều đề cập đều đã cũ - người nghe, nói như nhân vật Vũ Trọng Phụng, đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - hoặc nó có thể được diễn đạt ngắn gọn hơn, nghĩa là tiết kiệm thời gian và sức lực hơn. Hãy thử hình dung tình cảnh lố bịch của một người kể đầu đuôi một câu chuyện tiếu lâm cho những người đã thuộc lòng câu chuyện ấy!

Tiết kiệm chính là bản chất của việc dùng điển tích: thay vì kể cả một câu chuyện dài, người ta có thể, và trên thực tế bắt buộc, chỉ đưa ra một tín hiệu, như con số “hăm hai” của những người tù, cho phép dẫn chiếu đến nó mà thôi.
Trong câu chuyện về đám tù nhân, tại sao khi nghe con số “hăm hai” đám tù nhân cũ phá lên cười, còn gã tù nhân mới lại không? Câu hỏi đưa ta đến một câu hỏi có tính khái quát hơn: cơ chế vận hành của điển tích là gi?
Chẳng cần phải khó khăn lắm, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng để một điển tích vận hành được, cần phải có các điều kiện sau đây:

1. Tính thân thuộc: Điều kiện tiên quyết để sử dụng một điển tích là nó phải được những người trong cuộc biết trước. Trong câu chuyện ở trên, gã tù nhân mới đến không cười, bởi lẽ anh ta không biết nội dung câu chuyện mang số “hăm hai”, trong khi đám tù nhân cũ đều biết. Nói cách khác, đối với đám tù nhân cũ, con số “hăm hai” dẫn chiếu đến một ký ức chung.
2. Tín hiệu hóa: Con số “hăm hai” chỉ có thể dẫn đến ký ức chung của đám tù nhân cũ nếu như nó là một tín hiệu được quy ước và chấp nhận giữa họ. Nói cách khác, nó phải được mã hóa. Ở đây, tín hiệu quy ước có vai trò giống như cái tên: nó dẫn chiếu đến một con người cụ thể trong xã hội.
3. Phát và nhận tín hiệu: Tuy nhiên, con số “hăm hai” không phải lúc nào cũng dẫn chiếu đến câu chuyện tiếu lâm nói trên. Điều đó chỉ xảy ra nếu nó được đặt trong một hệ thống, hay rộng hơn là trong một bối cảnh, cho phép cả người phát tín hiệu lẫn người tiếp nhận tín hiệu nhận ra rằng đó là tín hiệu dẫn chiếu đến cái ký ức chung kia.

Đến đây, chúng ta có thể suy ra một định nghĩa khái quát hơn về điển tích: Điển tích là một ký ức chung của một cộng đồng người ký hiệu hóa và có thể được dẫn chiếu đến bằng cách phát và nhận tín hiệu đó trong một hệ thống nhất định.
Trong định nghĩa này, "chung" là một tính từ cực kỳ quan trọng: điển tích chỉ là điển tích đối với những ai chia sẻ ký ức chung về nó. Giống như con số "hăm hai" chỉ là một câu chuyện tiếu lâm đối với đám tù nhân cũ, "Con ngựa thành Troy " chỉ là điển tích đối với những ai đã biết về câu chuyện ấy mà thôi.
Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa điển tích như trên, chúng ta cũng buộc phải chấp nhận rằng khái niệm và vai trò của điển tích cần được mở rộng hơn nhiều so với những cách hiểu thông thường.

Trước hết, bên cạnh các điển tích sách vở chúng ta còn có các điển tích đời sống. Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày, có vô số những câu chuyện, sự kiện, ý tưởng ... mà chỉ là chung cho những thành viên của một cộng đồng người nhất định. Đó là những ký ức chung của họ. Cũng giống như các câu chuyện tiếu lâm của đám tù nhân, những ký ức chung trong cuộc sống cũng được tín hiệu hóa - bằng con số, tên gọi, hay bất kỳ một dấu hiệu nào đó - mà để dẫn chiếu đến, người ta chỉ cần nhắc đến trong một hệ thống cho phép nhận ra nó.
Điển tích đời sống thực ra là cái được sử dụng thường xuyên hơn ta nghĩ rất nhiều, cả trong giao tiếp, sinh hoạt lẫn trong văn học nghệ thuật, mặc dù thường không mấy ai để ý. Chúng ta có lẽ ai cũng đã từng bị lạc vào một ngày hội lớp, một buổi liên hoan công ty, hay bị ghép vào một bàn tiệc đám cưới với những người hoàn toàn xa lạ: sau mấy câu xã giao, chúng ta hóa thành một kẻ vụng về, ngốc nghếch. Giống như người tù mới trong câu chuyện ở trên, khi họ cười, chúng ta chẳng hiểu vì sao họ cười, khi họ nổi giận, ta chẳng hiểu vì sao họ giận. Điều này cũng rất rõ và là một phần quan trọng của cái mà chúng ta thường gọi là “cú sốc văn hóa” khi đến một xứ sở khác. Chẳng hạn, tiếng Pháp của bạn có thể không tồi, nhưng nếu chưa từng đến Pháp, bạn có thể phải ngẩn người, trong một toa tàu điện ngầm Paris, trước những điều người Pháp trao đổi với nhau.

Trong văn học, mọi tác phẩm đều phải dựa trên hay gắn liền với một bối cảnh nhất định, trong đó tác giả cũng như nhân vật trải qua một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các con đường khác nhau. Chính vì thế để hiểu được một tác phẩm một cách trọn vẹn, người ta không chỉ cần hiểu được các quy luật cú pháp cũng như về ngôn ngữ của một tác phẩm mà còn phải hiểu được bối cảnh ấy, nếu không tác phẩm sẽ bị mất đi rất nhiều giá trị, hoặc đôi khi không thể hiểu được. Tôi xin lấy làm ví dụ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh những truyện ngắn trong tập Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp. Cả hai nhà văn này đều là nhà văn có thực tài và tôi rất khâm phục. Tuy nhiên, tôi tin (và trên thực tế qua tiếp xúc với khá nhiều người nước ngoài), rằng khi được dịch sang các thứ tiếng phương Tây, cuốn sách Bảo Ninh sẽ gây được một tiếng vang lớn, thậm chí là lớn hơn nhiều, so với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Vấn đề ở đây, theo tôi, không phải là văn tài của Nguyễn Huy Thiệp kém hơn, hoặc những người dịch Nguyễn Huy Thiệp kém hơn, mà là tính chất của tác phẩm. Chính ở đây, các điển tích đời sống đã có ảnh hưởng rất lớn.

Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh có cấu trúc hiện đại kiểu phương Tây, các vấn đề tác giả đặt ra là các vấn đề chung của mọi cuộc chiến tranh. Nếu chúng đổi các địa danh, thay cây tre bằng cây bạch dương, gọi anh Phương là John hay là François ... thì nó sẽ khá giống một cuốn tiểu thuyết của châu Âu. Chính vì thế, khi mới ra mắt, một số người từng bình luận “hồn Remarque, xác Bảo Ninh”. Tôi cho rằng nhận xét như vậy là quá khắt khe. Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh là một tác phẩm độc đáo của Bảo Ninh, của Việt và với tư cách là một nhà văn Việt , tôi rất tự hào về nó. Tuy nhiên, nhận xét trên cũng phần nào cho thấy tính phổ quát của những vấn đề được đặt ra trong đó.

Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì khác. Truyện ngắn của anh, mặc dù rất sâu sắc và tài hoa nhưng hàm chứa và dựa vào nhiều vấn đề đặc thù của xã hội người Việt, đặc biệt là người Việt trong giai đoạn mấy chục năm vừa qua. Những người không sống ở hoặc không am hiểu về Việt Nam trong vài thập kỷ trước và sau 1975, sẽ không thể hiểu hết ý nghĩa của những thứ như “sổ đong gạo”, “thẻ đoàn viên”, “tem phiếu” ... và cả những nét chua chát trong những câu nói bình thường đã trở thành ngữ. Những người không đọc văn học cổ Việt và Trung Quốc không thể cảm nhận hết cái hay của thứ văn được Nguyễn Huy Thiệp khai quật và phả vào một tinh thần mới trong Vàng lửa, hay Kiếm sắc. Thậm chí nhiều tên nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp cũng chứa đựng những ám chỉ mà khó có một dịch giả nào có thể chuyển tải trọn vẹn đến cho những người đọc không được chuẩn bị.

Tất nhiên không phải cuốn sách của Bảo Ninh không chứa đựng những vấn đề tương tự, nhưng mức độ ít hơn rất nhiều. Vì thế, việc tiếp nhận tác phẩm của Bảo Ninh thuận lợi hơn đối với các độc giả phương Tây.
Người đọc Việt không gặp phải những khó khăn đó, bởi lẽ họ đã có chung ký ức về tất cả những gì Nguyễn Huy Thiệp gợi lên hay ám chỉ. Vì thế, những truyện của anh gợi cho họ cả một không gian, thời gian đầy biến động của đất nước. Những ký ức, hay những điển tích đời sống ấy, khiến cho tác phẩm của anh dày hơn, lung linh hơn và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng không phải lúc nào những điển tích đời sống cũng ủng hộ anh. Có những chỗ sự ám chỉ khiến văn chương của anh mất đi vẻ tao nhã, có những điều anh đề cập dần dần trở thành thời vụ. Vì thế, mặc dù rất yêu văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, tôi thú thực là sau dăm bảy năm, đọc lại, tôi cảm thấy một số tác phẩm, chẳng hạn Tướng về hưu, đã bớt đi một phần sức quyến rũ hồi nào.

Như thế, trong các tác phẩm văn học, ngoài những điển tích văn học còn có vô số các điển tích đời sống. Việc sử dụng điển tích đời sống mang tính phổ quát hay địa phương ở các mức độ khác nhau tự thân nó không phải là hay hay dở. Nó chỉ thể hiện thiên hướng của chủ thể tác giả, cái mà suy cho cùng cũng được tạo nên bởi hoàn cảnh sống. Điển tích đời sống là cái làm nên không chỉ bởi không khí địa phương hay phổ quát của tác phẩm ở mức độ khác nhau, mà cả giọng văn - bởi, nói như Althusser, cái được coi là giọng văn độc đáo của cá tính tác giả chẳng qua cũng là sự lên tiếng của một hệ tư tưởng cụ thể, thông qua một lập trường chủ thể cụ thể trong một bối cảnh mà thôi.
N.T.L

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

 



--------------------------
1 “Allusion: A figure of speech that makes brief reference to a historical or literary figure, event, or subject”. C. Huge Holman and William Harmon, A handbook to literature, Macmillan, , 1992, p.13.
2 Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, từ điển văn học Việt từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX: Giáo Dục, Hà Nội, 1999, tr. 142 - 143.

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.

  • NGUYỄN KHẮC MAITháng 3 –1907, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ của Việt Nam đã khởi xướng thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hô hào xây dựng đời sống mới mà giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, cả về sản xuất kinh doanh, xây dựng lối sống văn minh của cá nhân và cộng đồng.

  • HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY

    Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.

  • THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.

  • TÙNG ĐIỂNLTS:  “Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa” là chủ đề cuộc tập huấn và hội thảo của các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Nha Trang đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài nội dung đó, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong mấy năm gần đây.Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nhiều tham luận sâu sắc chân thành đã được trình bày tại Hội nghị.Sông Hương xin trích đăng một phần nội dung trên trong giới hạn của chuyên mục này.

  • PHẠM PHÚ PHONGMột đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.

  • PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.

  • PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.

  • TRẦN VĂN SÁNGCó thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.

  • TRẦN THỊ MAI NHÂNNgười ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore).

  • HOÀNG THỊ BÍCH HỒNGKhái niệm “Lạ hoá” (estrangemet) xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX gắn với trường phái hình thức Nga. Theo Shklovski thì nhận thức của con người luôn có xu hướng tự động hoá để giảm bớt năng lượng tư duy, “người ta thường dùng những từ quen thuộc đến sờn mòn”(1).

  • VÕ THỊ THU HƯỜNGTrời đất bao la mênh mông, ẩn chứa thật nhiều những bí mật mà con người chúng ta không ngừng khám phá mỗi ngày và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu mới mẻ và kỳ lạ.

  • TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.

  • LẠI NGUYÊN ÂN 1. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (individualisme) của tư tưởng phương Tây được Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu hướng “Âu hoá”.

  • HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.

  • TRẦN THỊ THANH NHỊ “Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”(Sigmun Freud)

  • TZVETAN TODOROV(Cuộc tranh luận văn học giữa George Sand và Gustave Flaubert - qua đánh giá của Tzvetan Todorov)