Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế, cuốn sách công phu và cuốn hút

15:01 16/05/2011
NGÔ MINH Nhà xuất bản Tri thức vừa ấn hành cuốn sách quý: “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” của nhà văn Dương Phước Thu. Sách: biên khảo, lý giải rất chi tiết, rất sâu và cảm động từng chữ, từng hình ảnh khắc trên Cửu Đỉnh.
Cửu Đỉnh - báu vật bằng đồng vô giá, “Một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh vô cùng độc đáo được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ đầu tiên của Việt Nam”, một “tượng đài văn hóa Việt”, nên phải có sự biên khảo cẩn thận như thế là xác đáng. Nhà văn Dương Phước Thu viết sách này “với tất cả công tâm, lẫn công phu… đã đối chiếu từ các nguồn sử liệu với thực tế diễn biến theo dòng lịch sử và cả trong thực tiễn đời sống tại mỗi địa phương có liên quan đến Cửu Đỉnh để đính chính những nhầm lẫn, những sai sót trước đây; và đã đưa ra được một cách nhìn mới, có chiều sâu hơn. Tất cả nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị minh triết được cổ nhân thể hiện bằng đường nét nghệ thuật ẩn dụ cao siêu, chuyển hóa tinh tế qua chữ nghĩa, hình ảnh, hình tượng trên thân Cửu Đỉnh. (Lời giới thiệu của KTS Phùng Phu).

Cuốn sách được sắp xếp các phần, chương từ khái quát đến cụ thể làm cho người đọc hiểu sâu hơn minh triết của người xưa. Đầu tiên là phần tổng luận giới thiệu quan niệm về Đỉnh, Cửu đỉnh và Quẻ đỉnh theo quan niệm Số học và Dịch học Đông Phương và lịch sử đúc đỉnh của các triều đại xưa ở Trung Quốc và Việt Nam, quá trình đúc Cửu Đỉnh dưới thời vua Minh Mạng. Tại sao lại là cửu đỉnh? Số chín (9) là con số trời. Số cực hạn của trời đất bắt đầu ở 9. “Số 1 là Trời, số 2 là Đất, số 3 là Người, vậy 3 nhân 3 thành 9 - đó là con số linh, công năng tượng trưng của nó là vô hạn”. Theo Kinh Dịch, “quẻ Đỉnh có cái nghĩa rất tốt. Quẻ đỉnh do bởi hai quẻ đơn là quẻ Ly và quẻ Tốn ghép thành. Mà tự quẻ Ly đã có đức thông minh, sáng suốt; quẻ Tốn có đức vui, thuận,… Vậy quẻ Đỉnh có đủ đức sáng suốt, vui thuận, đắc trung, cương nhu ứng viện nhau để làm việc đời, thì có việc gì mà không hanh thông. Luận về Đỉnh, tác giả viết: “Đỉnh tức cái vạc. Từ thuở nguyên xưa lúc mới hình thành, cái vạc với ý niệm của nghĩa tượng trưng về lễ khí thần thánh nên cũng gọi là cái đỉnh. Về sau, người ta phân biệt “cấu trúc hình dạng và chức năng tôn kính” nên vạc là vạc, đỉnh là đỉnh. Đỉnh là một thứ trọng khí được đúc bằng kim loại có hai quai (tai) và ba chân, tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà nước quân chủ. Vua Minh Mạng nói: “Đỉnh là để tỏ rõ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý ở nhà Tôn miếu… “Đó là để tỏ mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau”, “Việc đúc đỉnh, cố nhiên là ở nhân công, nhưng quý trọng mà làm được không phải không có thần giúp sức” (Đại Nam thực lục chính biên). Tác giả dành riêng Chương 2 (Phần thứ nhất) để trình bày quá trình đúc Cửu Đỉnh để nói về nghệ thuật đúc đồng điêu luyện, tinh xảo của các thợ đúc Huế thế kỷ XIX. Để đúc nên những vật phẩm bằng đồng theo mẫu tạo, quan trọng nhất là thiết kế, vẽ mẫu, rồi làm phôi khuôn; người thợ phải làm ra những chiếc khuôn theo kích cỡ, mẫu mã ký tự, hoa lá, chim muông, cảnh vật… để khi đúc ra các mẫu tạo ấy sẽ được kết dính với nhau một cách tự nhiên, giống như tự thân nó mọc ra vậy. Phức tạp tiếp theo là với cách làm thủ công làm sao để rót những mẻ đúc chính xác với những chiếc đỉnh cao lớn như vậy. Riêng việc đốt lò để đúc, khắc cảnh, làm nguội các hình tượng ẩn dụ trên đỉnh phải hơn một năm mới hoàn thành. Tổng khối lượng nguyên vật liệu (đồng, kẽm, thiếc) để đúc 9 đỉnh là 22.088kg, khi đúc xong, tổng lượng còn lại của 9 đỉnh xấp xỉ 20.310kg, tỷ lệ hao hụt là 1.778 kg (8,06 %). Đọc phần này ta càng khâm phục trình độ đúc đồng rất cao của những người thợ đúc đồng Việt Nam, họ tính toán rất chi li và chuẩn xác.

Phần hấp dẫn nhất trong sách: “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” là phần giới thiệu nội dung và ý nghĩa của các hình khắc trên Cửu Đỉnh. Mỗi hình đều có ảnh chụp đặc tả. Trên mỗi đỉnh vua Minh Mạng cho khắc 17 cảnh và 1 họa thư. Họa thư là hai chữ Hán lớn là chữ đỉnh và một chữ tên đỉnh. Họa thư 9 đỉnh là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh. Mỗi đỉnh có 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái.v.v… đặc trưng cho 3 miền Việt Nam, tổng cộng 153 cảnh (1+5+3=9). Số 9 là tư tưởng chủ đạo của việc chọn cảnh của vua Minh Mạng. Qua biên khảo, nghiên cứu, nhà văn Dương Phước Thu đã có một phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9: 9 vì tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ là: Mặt trời, mặt trăng, gió, sấm, mây, mưa, Ngũ tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu; 9 ngọn núi lớn: Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, núi Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang; 9 sông lớn: Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng; 9 con sông đào và sông khác: Vĩnh Tế, Vĩnh Điện, Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, Cửu An, sông Ngân. Rồi 9 cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; 9 con thú lớn bốn chân; 9 con vật linh; 9 loài chim; 9 loài cây lương thực; 9 loại rau củ; 9 loại hoa; 9 loại cây lấy quả; 9 loại dược liệu quý; 9 loại cây thân gỗ; 9 loại vũ khí; 9 loài cá, ốc, côn trùng; 9 loại thuyền, xe, cờ. Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam hoành tráng.

Về ý nghĩa và nội dung các hình ảnh khắc trên Cửu Đỉnh, sách đã đi sâu nghiên cứu nguồn gốc và vị trí của hình ảnh trong sự nghiệp dựng nước của Vương triều Nguyễn và sự thống nhất toàn vẹn của quốc gia Đại Việt. Mỗi hình ảnh từ 1 đến 2 trang giới thiệu cô đọng mà đầy đủ để người đọc hiểu thêm tại sao hình ảnh này được chọn khắc. Nhà văn đã dày công sưu tầm tài liệu, đọc, so sánh để đi đến sự minh xác trong từng nhận xét, nội dung. Ví dụ trên CAO ĐỈNH, đỉnh lớn nhất, đặt ở chính giữa, tượng trưng cho sự vĩ đại, có nhiều hình ảnh liên quan công cuộc mở cõi của các Chúa Nguyễn như sông Bến Nghé (Ngưu Chữ Giang), kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Hà), núi Thiên Tôn. Xin nói thêm về Thiên Tôn Sơn (núi Thiên Tôn) ở phía tây bắc huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Trường là hòn núi không lớn, nhưng đây là nơi có Gia Miêu ngoại trang, là nơi phát tích Vương triều Nguyễn với 9 chúa 13 vua, nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, có lăng Triệu Tổ Nguyễn Kim và Lăng Đức Bà (vợ Nguyễn Kim). Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng Tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”. Tác giả còn cho biết núi Thiên Tôn liền mạch với dãy Tam Điệp, núi Thần Phù, Trạch Lâm, Trang Chữ… Năm 1788, vua Quang Trung Nguyễn Huệ từ Phú Xuân dẫn đại binh ra bắc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh đã cho lập đại bản doanh ở vùng núi thiêng này làm lễ tế cờ. Người am tường binh pháp nói rằng, chiến công oai hùng ấy của vua Quang Trung đại phá quân Thanh đã được Sơn Thần ở Thanh Hóa - Tam Điệp linh thiêng phù trợ.

Hãy đọc và ngẫm “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế”, sẽ tìm được ở đây nhiều chuyện thú vị mà mình chưa từng biết.

N.M
(266/4-11)


---------
(*) Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế”, Dương Phước Thu, NXB Tri Thức, 1-2011






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÊ THÍ

    Trong một bài trả lời phỏng vấn, Đặng Tiến cho biết: “Tôi sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng. Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa, 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin. Từ 1968, tôi về Pháp, học thêm ở Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km). Cùng với Giáo sư Tạ Trọng Hiệp, tôi lập ra Ban Việt học tại ĐH Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 - 2005”.

  • LẠI NGUYÊN ÂN

    Bạn đọc ngày nay đều biết bài thơ Huế tháng Tám nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ được in trong tập Từ ấy và cho đến nay đã có mặt ở hầu hết các tuyển tập thơ Tố Hữu, đã đi vào sách giáo khoa của nhà trường phổ thông.

  • NGÔ THẢO
    (Từ kỷ niệm của một nhà văn)

    Trong đời mỗi người, thường vẫn có một nhà văn, mà ta thường tìm tới đọc lại vào những lúc cuộc sống chung hoặc riêng gặp những chuyện cần suy nghĩ.
     

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Mỗi tác phẩm đều là một sự thể nghiệm của nhà văn. Tất cả những tư tưởng, tình cảm và con người đều in dấu vào trang sách, hắt sáng lên những trang đời mới mẻ.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

  • MAI VĂN HOAN

    Tháng 6 năm 1995, khi gửi tập “Thơ Phùng Quán” vào Huế tặng nữ nhà văn Hà Khánh Linh, chị Bội Trâm - vợ nhà thơ Phùng Quán, ghi: “Thân tặng Hà Khánh Linh, người đã một thời khơi nguồn cảm hứng cho anh Quán làm thơ”.

  • Trong khi một số người viết mới xuất hiện hoặc không thuộc dòng “chủ lưu” cần được có những diễn đàn để có thể công bố tác phẩm, đối thoại, trao đổi một cách bình đẳng những vấn đề trực diện về nội dung và sáng tạo, thì điều này gần như là chuyện quá xa vời. Những gì được phổ cập trên mặt báo, sách xuất bản hiện thời quá thiếu tinh thần cống hiến, thiếu những tìm tòi nghiêm túc về nghề nghiệp và tri thức.

  • TRƯƠNG THỊ CÚC - NGUYỄN XUÂN HOA Năm 1885 được đánh dấu bằng một sự kiện lịch sử quan trọng: đêm mồng 4, rạng ngày mồng 5-7-1885 Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn đã tiến công vào sào huyệt của thực dân Pháp tại kinh thành Huế, dẫn đến sự bùng nổ của phong trào Cần Vương, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử chống thực dân Pháp.

  • TRẦN THỊ NGỌC LAN Nhà xuất bản Văn học(Đọc tập truyện ngắn Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc của Lê Minh Phong - NXB Văn học, 12 - 2011)

  • LGT: Lần đầu tiên khi tiếp cận với thể thơ Hài cú (Haiku) của Nhật Bản, R. M. Rilke (1875 - 1926) đã lập tức bị lôi cuốn vì vẻ đẹp dung dị và thuần khiết của thể thơ nhỏ bé, ngắn ngủi, ít lời nhất trên trường văn chương quốc tế.

  • BÙI VĂN KHA (Đọc Máy bay đang bay và những bài thơ khác - Thơ Nguyễn Hoa - Nxb Hội Nhà văn, 2011)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ (Đọc Rễ bèo chân sóng, hồi ký của Vũ Bão, Nxb Hà Nội, 2011)

  • Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Tịnh (12/12/1911-2011) và 70 năm ra đời “tôi đi học”

  • TÔN THẤT BÌNH "Biến động" là tập đầu trong bốn tập kể lại "một giai đoạn đấu tranh của nhân dân ta trước biến động của lịch sử khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, khi vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc Pháp, chăm lo cuộc sống riêng mình" (Lời Nhà xuất bản. tr.5).

  • BỬU NAM Tên nhà thơ không còn xa lạ gì với bạn đọc Sông Hương. Có thể nói hình như Tạp chí Sông Hương là mảnh đất thích hợp gieo trồng những tìm tòi nghệ thuật mới của anh.

  • NGUYỄN ĐÔNG NHẬT Trong Lời giới thiệu tác phẩm mới xuất bản của Phan Trung Thành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét rằng, tác giả của Ăn xà bông(*) đã rẽ ra được một lối đi cho riêng mình như kết quả của nỗ lực lao động nghệ thuật.

  • PHAN HỒNG MINH «Long thành cầm giả ca» là bài thơ mở đầu phần «Bắc hành tạp lục» trong tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du (1). Bài thơ ghi lại mối cảm thương vô hạn của nhà thơ với cuộc đời «dâu bể» của một ca nữ tài hoa đất Long thành mà ông được tận mắt chứng kiến.

  • THĂNG LONG (Nhân đọc Vũ điệu không vần - Tứ khúc - và những tiểu luận khác của Khế Iêm, Nxb Văn học, 2011)

  • KHÚC CẦM Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1942 là cuốn sách khám phá và đánh giá đầu tiên đối với phong trào Thơ Mới.

  • LÊ THĂNG LONG Sự ra đời của cấu trúc luận, giải cấu trúc đã kéo theo sự đổ vỡ của những quan niệm truyền thống mang tính phổ quát về nghệ thuật sáng tạo khởi thủy từ Platon.