Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua những tác phẩm văn học tiêu biểu

15:30 25/08/2021

Những tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc đã khắc hoạ rõ nét cuộc đời, sự nghiệp của vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã có những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc, trở thành Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự của thời đại. Tài năng và đạo đức cách mạng "dĩ công vi thượng", trong sáng, thuỷ chung của Đại tướng luôn chiếm trọn niềm tin yêu của Đảng, của quân đội, của nhân dân và bạn bè quốc tế. Vóc dáng lịch sử của vị anh hùng dân tộc, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hoá lớn của đất nước được khắc họa qua nhiều tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc.

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật tập hợp hơn 100 bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học, các nhân chứng trong và ngoài quân đội tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam" trong cuốn sách cùng tên.

Cuốn sách được kết cấu gồm 3 phần: Phần thứ nhất: "Những vấn đề chung" gồm tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh lãnh đạo, chỉ huy quân đội,... khẳng định Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự văn võ song toàn, người “Anh Cả” của quân đội, là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy”, có nhiều đóng góp xuất sắc cho Đảng, cho dân, đặc biệt là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Phần thứ hai: "Tài năng quân sự xuất chúng, cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam" gồm các bài viết luận giải, phân tích, đánh giá những đóng góp về nhiều mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là quá trình đồng chí được Trung ương Đảng, Bác Hồ giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân đội trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phần thứ ba: "Sáng ngời tấm gương đạo đức cách mạng" tập hợp các bài viết tập trung luận giải Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một tấm gương đạo đức lớn của cách mạng Việt Nam. 

Nội dung các bài viết trong cuốn sách đa dạng, phản ánh tương đối toàn diện và đầy đủ, có hệ thống về những cống hiến của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trên nhiều lĩnh vực trong quá trình vâng mệnh Cụ Hồ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Việc sắp xếp các bài viết vào từng phần chỉ có ý nghĩa tương đối vì mỗi bài viết bao chứa nhiều nội dung khá phong phú, nhiều chiều cạnh về những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là nhân vật lịch sử lớn, nghiên cứu về Đại tướng không hề đơn giản, phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và tâm thế của người cầm bút. Các bài viết đã bước đầu phân tích, luận giải sự nghiệp, tư tưởng, nhân cách trong cuộc đời cầm quân quang vinh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.

Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng

"Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" là cuốn sách hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Sự trăn trở về dân tộc vĩ đại, Đảng quang vinh, quân đội anh hùng, nhớ lại sự chỉ đạo rất nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối cùng đã thôi thúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết những trang hồi ức này.

Đại tướng dành 9 chương đầu của hồi ức để viết về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, chương cuối cùng ông gửi gắm những điều tâm huyết, đúc kết của cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Qua đó, Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ Thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất, đi tới thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đọc những trang hồi ức hấp dẫn của người trong cuộc, mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ thấy rõ hơn bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quyết đánh và quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Những chặng đường lịch sử 

"Những chặng đường lịch sử" là cuốn hồi ký tái hiện một cách sinh động, chân thực, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của toàn dân tộc. Cuốn sách gồm hai tập hồi ức: "Từ nhân dân mà ra" và "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện).

Nội dung cuốn hồi ký đề cập 2 thời kỳ đấu tranh cách mạng có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc - giai đoạn chuẩn bị giành chính quyền và năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta trong thời điểm lịch sử trọng đại đầy khó khăn, thử thách ấy, Đại tướng đã tái hiện bức tranh lịch sử xuất sắc của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn cách mạng mà có lúc vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh

"Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" của Đại tá Trần Trọng Trung phác thảo những chặng đường hoạt động, cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh của dân tộc ta. Tác giả cuốn sách có nhiều năm công tác ở cơ quan Tổng hành dinh từ ngày thành lập năm 1945, là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và lịch sử chiến tranh cách mạng có uy tín lớn, đã dành nhiều năm để nghiên cứu về cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hơn 900 trang sách, với bố cục gồm 10 chương, những tư liệu lịch sử phong phú, dày dặn, cuốn sách đã làm sống dậy cả một thời kỳ hào hùng của dân tộc, tuy đầy hy sinh, mất mát nhưng cuối cùng đã đạt được mục đích tối cao, là giành được độc lập, tự do.

Xuyên suốt cuốn sách là hình ảnh vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh trí dũng song toàn, với tầm nhìn chiến lược đã chỉ huy quân đội ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, tác giả đã dành hẳn chương thứ 10 - chương cuối để xây dựng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới nhiều góc độ, từ nhà chính trị cho đến “Một thống soái quân sự cỡ lớn”, từ “Cái “tôi” trong mối quan hệ với tập thể” đến “Cây đại thụ rợp bóng nhân văn”... Có thể nói, tác giả đã xây dựng rất thành công chân dung Đại tướng - Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời 

Từ góc nhìn của một học giả nước ngoài, nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng, Giáo sư sử học người Pháp Alain Ruscio - một chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại, từng là phóng viên thường trú của báo L'Humanité trong nhiều năm tại Việt Nam, đã viết cuốn "Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời" (Vo Nguyen Giap, Une vie) - Nhà xuất bản Indes Savantes.

Cuốn sách được Alain Ruscio biên soạn dựa trên những cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1979 -2008. Những cuộc trò chuyện giữa tác giả và Đại tướng như một thước phim sống động ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng trong tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong cuốn sách, tác giả đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của riêng ông, của các học giả phương Tây về một số nhân vật và sự kiện có liên quan tới Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam...

Trường ca về Tướng Giáp: Người anh cả của toàn quân

Tác giả Hoàng Bình Trọng với tấm lòng trân trọng, yêu mến Đại tướng đã viết tập trường ca với 8 chương và phần Vĩ thanh, dày 160 trang mang tên "Trường ca về Tướng Giáp: Người anh cả của toàn quân".

Mượn những vần thơ mộc mạc, ông đã tái hiện lại cuộc đời vị tướng tài ba bậc nhất Việt Nam. Tuổi thơ bình dị bên nếp nhà, vườn na, gốc mít, ngày ngày được nghe những lời ru thấm đượm tình người và những bài học làm người từ người cha già, nỗi trăn trở, nỗi đau của một người dân mất nước, đã dần hình thành một người thanh niên giàu lòng yêu nước, quyết tâm giành độc lập cho đất nước. Và giữa những ngày bôn ba kết giao tình đồng chí ấy ông đã gặp được Nguyễn Ái Quốc – vị lãnh tụ cách mạng của dân tộc Việt Nam. Từ đấy con đường Võ Nguyên Giáp rẽ sang một hướng mới, con đường đấu tranh cách mạng.

Tác giả không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Tác giả đã chọn những lời thơ rất giản dị, chân thành để khắc họa chân dung của một thiên tài. Từng chương, từng chương một, Hoàng Bình Trọng đã dần dần dựng nên vóc dáng lịch sử của một anh hùng dân tộc, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hoá lớn của đất nước.

Đường về Thăng Long

"Đường về Thăng Long" là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Quang xây dựng hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà trí thức thông tuệ, lịch lãm. Tiểu thuyết lịch sử "Đường về Thăng Long" tập trung làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ XX từ 1925 đến trước năm 1946, bằng phương pháp hồi tưởng. Tập trung khai thác giai đoạn này, tác phẩm muốn nhấn mạnh vào tâm thế của người tìm đường – chọn đường – nhận đường trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc.

Cùng với việc xây dựng và khai thác nhân vật chính Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân. Một loạt các nhân vật lịch sử khác cũng hiện lên với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng đều hướng tới việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Cao Xuân Huy… Giữa các tuyến nhân vật có nhiều sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, bởi những sự lựa chọn và cách nhìn nhận quan điểm khác nhau, song lịch sử đã mang tới cho chúng ta câu trả lời đúng đắn nhất: “Nhân dân chọn ai, người đó thắng bởi có dân là có tất cả”.

Trong tiểu thuyết này, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác diễn biến tâm trạng, tâm lý nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp - một trí thức – người anh hùng đậm chất đời, gần gũi và mến thương hơn trong cảm nhận của mỗi độc giả.

Theo Lê Anh - VOV

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • 2 đầu sách Thú lang thang người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) của nhà văn Băng Sơn vừa được Huy Hoàng Bookstore tái bản và ra mắt độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đọc lại những cuốn sách này có thể nhận thấy tình yêu rất lớn Băng Sơn dành cho Hà Nội.

  • Trong giới nghiên cứu, cái tên Nguyễn Thị Hậu rất quen thuộc, mọi người còn đặt cho chị cái tên thân thiết là “Hậu khảo cổ”.

  • Tiểu thuyết “L’Étranger” nổi tiếng của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus đã được độc giả Việt Nam biết tới qua bản dịch “Người xa lạ” từ những năm 60 của thế kỷ trước.

  • Cuốn sách “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Trẻ ra mắt phiên bản đặc biệt nhân dịp chuẩn bị công chiếu bộ phim cùng tên do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể kịch bản và dàn dựng.

  • Sau 12 năm từ lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh “tái xuất” với diện mạo mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngày 15/6/2017, nhân dịp “Trần Quốc Toản” phiên bản mới (họa sĩ Thành Phong minh họa, Công ti Cổ phần Văn hóa Đông A và Nxb Văn học liên kết ấn hành) ra mắt bạn đọc, buổi giao lưu với nhà văn Lưu Sơn Minh đã diễn ra tại Nhà sách Cá Chép - 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

  • Đó là tác phẩm mới ra mắt của nhà thơ Nguyễn Duy. Tác phẩm là tập hợp các bài viết vốn đã đăng rải rác trên các báo nhiều năm nay.

  • Nguyễn Quang Thiều tâm sự rằng, suốt cả tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê như ông, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi, đó là ngọn gió của… đói rét.

  • Nhiều trang viết của tác giả mô tả chuyện quan hệ trai gái với từ ngữ bị nhận xét phản cảm.

  • Tiếp sau tập truyện “Đỉnh khói” quy tụ các truyện ngắn về chiến tranh và đời thường, Nguyễn Thị Kim Hòa tiếp tục diện kiến bạn đọc bằng tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”. Tập sách gồm 9 truyện ngắn đều tập trung vào đề tài lịch sử với những nhân vật nữ ám ảnh.

  • Các nhà văn Sài Gòn trước đây đều viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Đầu tiên là có thu nhập hằng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là để độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời.

  • Tác phẩm "Ta có bi quan không?" của Khải Đơn kể những trải nghiệm khó khăn trên hành trình trưởng thành của người trẻ.

  • Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa cho biết Cục đang lập hồ sơ để ra quyết định thu hồi cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” do Nhà xuất bản Dân trí liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn hóa Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng phát hành do cuốn sách có sai phạm nghiêm trọng về nội dung.

  • Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Điểm đặc biệt ở nhà văn này khiến cho anh bật lên so với các nhà văn cùng thế hệ là sức viết khỏe, viết đa dạng nhiều chủ đề...

  • Ở tuổi 85, nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh tuyên bố dừng viết, bằng một “dấu chấm” được cho là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời văn nghiệp của ông: “Chuyện ngõ nghèo”. Nhưng một mặt, ông lại tiếc, kể chi quỹ thời gian của mình còn nhiều, để có thể... học thêm hai ngoại ngữ nữa.

  • Những cuốn tự truyện viết về tuổi thơ thời chiến tranh, thời bao cấp xuất hiện trên văn đàn không chỉ là những câu chuyện của ký ức tác giả mà còn như những cánh cửa mở ra để độc giả khám phá, tiếp cận với lịch sử ở nhiều góc cạnh khác nhau.

  • “Kim Thiếp vũ môn” là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo tiền lệ, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết mà còn là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời...

  • Trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.

  • Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa cho ra mắt ấn bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu.

  • Sẽ thật vô duyên nếu viết dài dòng về một cuốn sách kiệm chữ từ tiêu đề trở đi, như trường hợp "Thấy" của Lê Thiết Cương. Nhưng một khi đã “thấy” ở sách nhiều điều cần thấy mà không cất lời thì e rằng kìm nín là một lựa chọn hời hợt.

  • Tính đến năm 2016, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà đã sở hữu sáu tập thơ (Gửi con lời ru, Đi ngang chiều gió, Cỏ mặt trời, Người gánh vô hình, Đứt dải yếm, Ngả vào nguyên khôi), một tập tản văn (Lạc trong đêm liêu trai), ba tập truyện ngắn (Đầm ma, Ám ảnh, Con sóng màu hổ phách), một tiểu thuyết (Mưa trong nắng). Đó là những con số biết nói. Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai, dịu dàng này lấy đâu ra sức lực để viết được cả ngàn trang sách như thế, nếu không là đam mê chữ nghĩa, văn chương. Hẳn là cái nghiệp!