Cười cùng Haydn

09:29 11/08/2015

Joseph Haydn là một nhà soạn nhạc đáng kinh ngạc và hài hước là một phần trong nghệ thuật tuyệt vời của ông.

Chân dung Joseph Haydn do Thomas Hardy vẽ năm 1792

Gần đây tôi có được niềm vui và đặc ân chỉ huy Giao hưởng số 80 giọng Rê thứ của Haydn tại Salzburg. Đó là một tác phẩm đáng kinh ngạc, đầy những bất ngờ và hầu như hoàn toàn chưa được biết đến. Chương đầu tiên mang tính chất “bão táp và xung kích”1 điển hình cho đến khi phần phát triển đột ngột bị cắt ngang bằng một chủ đề kiểu vũ điệu duyên dáng và thanh lịch. Trong phần phát triển, Haydn đưa vào các quãng lặng dài một cách bất thường và với những cách chuyển giọng táo bạo, tạo nên cuộc du ngoạn bất ngờ vào những sắc điệu lạ kỳ. Chương nhạc cuối - Presto - là một thành công của sự nhập nhằng về nhịp điệu: người nghe phải đoán được đâu là phách mạnh và đâu là phách nhẹ; chỉ sau 32 ô nhịp thì nhịp điệu mới trở nên đều đặn. Thật là khéo léo và cực kì vui nhộn. Nhưng ở Salzburg không ai cười cả. Thậm chí không ai mỉm cười. Có vẻ như việc làm khán giả khóc thì dễ hơn nhiều việc làm khán giả cười. Có nhiều người yêu nhạc thậm chí không bao giờ chấp nhận rằng sự hài hước cũng có vị trí trong cái mà chúng ta gọi là âm nhạc cổ điển. Có những người không khó khăn gì để nhận ra nỗi buồn, bi kịch, niềm tiếc thương, sự uy nghi và hùng vĩ - bởi vì đó là các thuộc tính nghiêm túc và họ muốn âm nhạc yêu quý của họ là “nghiêm túc”. Đối với họ, các trò đùa được tạo ra bằng chất liệu rẻ tiền và dung tục không thể được khoan thứ trên bàn thờ của nghệ thuật đỉnh cao.

Vài năm trước tại một hiệu sách Tokyo, tôi đã bắt gặp một cuốn sách trong đó tác giả giải thích cách hiểu các truyện cười. Mỗi truyện cười hay giai thoại được tiếp nối bằng vài trang chỉ dẫn cho độc giả biết tại sao nó lại buồn cười. 

Haydn đã viết cho những công chúng hiểu ngôn ngữ âm nhạc của ông một cách hoàn hảo. Ở Eisenstadt và Esterháza, ở Vienna và Paris, nhưng đầu tiên và trước hết là ở London, nơi ông được bao quanh bởi một nhóm các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư không đông đúc nhưng am hiểu, những người đón nhận mỗi tác phẩm mới với sự quan tâm và đánh giá cao. Khán giả của ông quen thuộc với các tác phẩm trước đó của ông, họ biết phong cách riêng của ông và nhận ra ngay lập tức các đặc điểm khác thường của một bản giao hưởng mới. Những mong đợi và bất ngờ trong âm nhạc không cần phải giải thích, và sự hài hước của Haydn có cơ hội nở rộ. Cộng đồng người nghe nhạc hôm nay đương nhiên rất khác và chúng ta rất đỗi thường xuyên cảm thấy cần phải có một “cuốn sổ tay kiểu Nhật” để khai sáng cho thành viên nào đó trong đám khán giả.

Các tác phẩm viết cho đàn phím của Haydn đầy những điều bất ngờ thích thú. Hãy nghe Capriccio (Khúc tùy hứng) giọng Sol trưởng ông viết ở thời kỳ đầu và lấy bài dân ca “Acht Sauschneider Müssen Sein” (tạm dịch “Phải cần tám thợ hoạn lợn”) làm chủ đề. Lời của bài dân ca này rất hài hước: nó miêu tả một cuộc hoạn lợn, một cuộc phẫu thuật cần ít nhất tám tay thợ. Haydn đã dịch nó sang các thuật ngữ âm nhạc bằng cách đi lung tung từ điệu thức này sang điệu thức khác, giới thiệu chủ đề chính ở dạng trọn vẹn hoặc phân tán bằng các quãng âm khác nhau của nhạc cụ. Chẳng có gì theo thông lệ trong tác phẩm này, chẳng có gì đáp ứng những mong đợi của thính giả. 

Bản Fantasia (Capriccio) giọng Đô trưởng được viết gần một phần tư thế kỉ sau đó, vào năm 1789. So với tác phẩm trước thì đây là một kiệt tác thuần thục, một sự pha trộn kỳ lạ của hình thức sonata và rondo. Có hai lần - chỗ một nốt lặng trên một quãng tám ở bè trầm, âm nhạc ngừng lại. Tại đây, nhà soạn nhạc chỉ dẫn cho nhạc công phải “Tenuto intanto, finché non si sente più il suono” - giữ cho đến khi không nghe thấy âm thanh nữa. Thậm chí có một đoạn nhạc cụ ngừng lại lâu kinh khủng - khán giả bắt đầu lo lắng - có phải nghệ sĩ dương cầm tội nghiệp bị rối trí rồi không? Nhưng bè trầm đột ngột lướt một cách lặng lẽ lên nửa cung, mở ra các quãng hòa âm mới. Điều đó vừa vui nhộn vừa đáng ngạc nhiên.
 


Tác giả bài viết - András Schiff (1953) - là nghệ sĩ piano 
và nhạc trưởng người Hungary.

Trong Sonata cho piano giọng Mi giáng trưởng cuối cùng của Haydn, chương mở đầu uy nghiêm được tiếp nối bằng một chương Adagio quý phái giọng Mi trưởng. Chỉ riêng sự thay đổi điệu thức này đã gây sửng sốt. Theo thông lệ thời ấy, lẽ ra chương hai phải được viết ở giọng Si giáng trưởng hoặc Đô thứ. Sự cận kề của hai chương nhạc cùng điệu thức là rất táo bạo. Không nhà soạn nhạc nào trước Haydn có can đảm thử nghiệm như vậy, mặc dù Beethoven đã có lần làm theo hình mẫu của Haydn (bản Tứ tấu đàn dây Op.131 thời kỳ cuối có chương một ở giọng Đô thăng thứ và chương hai ở giọng Rê trưởng) và bản ngũ tấu đàn dây giọng Đô trưởng của Schubert chuyển từ giọng Mi trưởng trong chương hai tới một đoạn nhạc giọng Fa thứ ở giữa. Chương Adagio của Haydn kết thúc một cách long trọng ở giọng Mi trưởng. Khi chương cuối của bản Sonata cho piano bắt đầu, riêng tay phải chơi năm nốt Sol móc đơn lặp đi lặp lại và chúng ta nghĩ chúng ta đang nghe điệu thức Mi thứ. Liền đó, bè trầm bắt vào âm chủ, Mi giáng. Có cảm tưởng như Haydn đang bảo chúng ta: “Lại nhầm nữa nhé!”

Các bản tam tấu cho piano bị sao nhãng một cách bất công của Haydn cũng là các tác phẩm đáng kinh ngạc. Tam tấu cho piano giọng Mi giáng thứ - còn ai khác có thể viết một tác phẩm ở điệu thức này vào những năm 1790? - mở đầu bằng một chương Andante Cantabile biểu cảm viết ở hình thức biến tấu kép. Chương Allegro tiếp theo (tác phẩm chỉ có hai chương) mang tiêu đề phụ “Giấc mơ của Jacob” (ám chỉ giấc mơ của Jacob về chiếc thang vươn đến tận thiên đường). Theo một giai thoại đương thời, nghệ sĩ violin của nhóm tam tấu công diễn ra mắt tác phẩm có tính kiêu căng và tự phụ một cách lố bịch. Trang nhạc đầu tiên khá đơn giản và có thể dễ dàng thị tấu. Tuy nhiên, sau khi lật trang thì bè violin có các kỹ thuật khó đến dựng tóc gáy - một bài học về sự khiêm nhường cho nghệ sĩ violin.

104 bản giao hưởng của Haydn được ngợi ca rộng rãi mặc dù chỉ một số ít trong đó được biểu diễn thường xuyên và khi được biểu diễn thì chúng luôn bị xếp ở đầu chương trình. Đây là một điều đáng tiếc. Các khán giả ở phần đầu các buổi hòa nhạc không thực sự tập trung. Họ cần được khởi động cho nóng người, y như các nhạc công, và thế là các ý tưởng tuyệt vời của Haydn không được đánh giá đúng hoàn toàn. Tại sao chúng ta không nghe các bản giao hưởng này vào cuối chương trình? Hay thật ra, có gì không ổn với một buổi hòa nhạc chỉ gồm toàn các giao hưởng của Haydn?

Hãy nghe Giao hưởng số 60, đôi khi còn được gọi là “Il Distratto” (tạm dịch: “Phân tâm”), một kiệt tác sân khấu2 gồm sáu chương nhạc, nơi mà ở giữa chương cuối Finale âm nhạc chỉ đơn giản là dừng lại và các nghệ sĩ violin thấy cần lên dây lại cho nhạc cụ của họ. Hoặc Giao hưởng số 93 giọng Rê trưởng, bản đầu tiên trong chuỗi giao hưởng có biệt danh “London”. Chương thứ hai tiếp diễn một cách dịu dàng lịch lãm cho đến khi bị các kèn bassoon cắt ngang một cách cục súc - chúng giống như câu thành ngữ “bò đực trong cửa hàng đồ sứ Trung Quốc” vậy3. Thậm chí ngày nay, các hiệu ứng âm thanh như thế vẫn tạo cảm giác hài hước và nghịch ngợm.

Haydn là một nhà soạn nhạc đáng kinh ngạc và hài hước chỉ là một phần trong nghệ thuật tuyệt vời của ông. Toàn bộ các chương nhạc, thậm chí toàn bộ các tác phẩm được xây dựng từ một tế bào nhỏ xíu - một kỹ thuật sáng tác mà Beethoven trẻ tuổi đã học được từ thầy mình. Cảm giác về sự cân đối của ông luôn luôn chính xác. Trong các vở opera và oratorio, ông áp đảo chúng ta bằng sức mạnh và quyền năng kịch tính. Các tác phẩm tôn giáo, như các bản mass và tác phẩm viết cho dàn nhạc Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze (Bảy lời nói cuối cùng của Chúa trên thánh giá) tạo cảm giác sâu lắng và hết sức xúc động. Trong các tứ tấu đàn dây, giao hưởng và sonata viết cho piano của mình, ông đã khám phá ra những chân trời mới. Thế giới cần phải đánh giá ông cao hơn nữa: trong số tất cả những nhà soạn nhạc thực sự vĩ đại, ông vẫn còn bị xem nhẹ nhất.

Nguồn: Ngọc Anh - Tia sáng

(Dịch từ  http://www.theguardian.com/music/2009/may/29/ joseph-haydn-comedy-classical-music)


-------------
1 Nguyên văn tiếng Đức: “Sturm und Drang”, trào lưu nghệ thuật nổi bật của Đức ở thế kỷ XVIII và là một trong những trào lưu nghệ thuật quan trọng nhất của thời kỳ Khai sáng.
2 Vốn là âm nhạc viết cho vở kịch Le Distrait của Jean-François Regnard được Karl Wahr phục dựng tại Đức năm 1774 tại Đức dưới tên Der Zerstreute.
3 Thành ngữ “like a bull in a China shop” chỉ người và hành động bất cẩn.

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĂN CAO

    Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố  Nguyễn Thượng Hiền.

  • TRƯƠNG QUANG LỤC  

    Lần đầu tiên tôi quen biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập là tại thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. 

  • DƯƠNG BÍCH HÀ

    Miền núi phía Tây Bắc huyện Minh Hóa ở Quảng Bình có nhiều nhóm tộc người cùng sinh sống như nhóm người Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A Rem (gọi chung là tộc người Chứt), và tộc người Nguồn (trước kia gọi là người bản địa Kẻ Sạt, Kẻ Xét, Kẻ Trem, Kẻ Pôộc bộ Việt Thường, nước Văn Lang).

  • TRÀ AN    

    Người ta gọi Trịnh Công Sơn là Sứ giả tình yêu, Kẻ du ca về phận người, hay Người tình mọi thế hệ… nhưng có lẽ với tên gọi mà nhạc sĩ Văn Cao đặc biệt yêu mến dành tặng ông: “Con người thi ca” thì chức danh ấy phù hợp hơn cả.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG  

    I. Vài nét về dân ca Tà Ôi
    Trong hệ thống phân loại, dân ca Tà Ôi có đến 9 làn điệu gồm: Cà lơi, Ba bói, Cha chấp, Xiềng, Ân tói, Babởq, Ra rọi, Roin, Ru akay. Mỗi làn điệu đều có những quy định, cách thức thể hiện khác nhau.

  • Hoàng Nguyễn hiện là giảng viên thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Anh bước vào nghề hát từ năm 1968. Từ 1973 đến 1978 học thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, sau đó chuyển về giảng dạy ở trường âm nhạc Huế. Năm 1981 đến 1985 học thanh nhạc tại Bungari. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Hoàng Nguyễn đã góp phần quan trọng vào thành công buổi trình diễn thanh nhạc Thính phòng đầu tiên tại Hội văn nghệ Thừa Thiên - Huế.

  • NGUYÊN CÔNG HẢO  

    Sau Đại hội tháng 01 năm 2013, vừa ổn định xong công việc tôi được nhạc sĩ Nguyễn Trung, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc của tỉnh Bắc Ninh mời đi dự chương trình Liên hoan âm nhạc các tỉnh, thành phố kết nghĩa tại thành phố Huế vào tháng 4 năm 2013.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).

  • Thất lạc suốt 150 năm - và bị hiểu lầm là tác phẩm của em trai bà – một bản nhạc táo bạo và phức tạp của Fanny Mendelssohn mới đây đã nhận được sự chú ý xứng đáng dù muộn màng. Hậu duệ cách bà sáu thế hệ kể lại câu chuyện.

  • Theo thông tin mới nhận được từ phía Cục NTBD, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chính thức được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

  • Gần 1 tháng, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có công văn yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, công chúng yêu nhạc vẫn chưa hết băn khoăn. Mới đây, việc tìm thấy bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” lại càng khiến dư luận băn khoăn hơn: Mất bao lâu để nhà quản lý hoàn tất việc đối chiếu giữa bản gốc và dị bản của ca khúc? Sau sự việc này, việc xác minh dị bản ca khúc nói chung sẽ được thực hiện ra sao?

  • Bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ đã bật mí về con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa mà bà cho rằng chính con đường này đã tạo cảm hứng cho chồng bà và nhà thơ Hồ Đình Phương viết lên ca khúc “Con đường xưa em đi”.

  • Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy. Với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây. Những ngày qua, hò khoan Lệ Thủy đã vang lên giữa Thủ đô, tạo điểm nhấn trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.

  • Vừa qua UNESCO đã chính thức ghi danh công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  • Từng đứng trước nguy cơ mai một, nhưng giờ đây, những làn điệu Then không chỉ đã dần tìm lại được chỗ đứng của mình mà còn đang trên hành trình trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các cấp, chính quyền và các nghệ nhân, những người tâm huyết với Then.

     

  • Erik Satie (1866-1925) được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc ngợi ca vì đã có công mở đường tới chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc cổ điển từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

  • Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích việc gửi văn bản gửi Sở VH-TT TP HCM yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 bài hát đã cấp phép phổ biến để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.