Cái tên như tắm bình minh của một vùng cửa biển, muôn hồng nghìn tía hội tụ bảng lảng trên mặt nước lợ. Cỏ bờ đê ngơ ngẩn nhớ tiếng đàn của Uy Viễn Tướng công thuở nào. Đặt chân tới cửa sông Sò ta lại bồi hồi nhớ người khai khẩn mảnh đất trù phú miền chân sóng này. Đêm nằm nghe biển thở, nghe sóng vỗ ngoài xa, nghe sông Sò thì thầm kể mãi như một huyền sử qua bao tao loạn thế kỷ XVIII triều nhà Nguyễn. Có một người tài hoa say tiếng hát cung đàn, văn chương lai láng, người đó không được đẹp lòng thánh thượng nên bị đày đi dẹp loạn khăn vàng Phan Bá Vành. Người chính là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Ông tài hoa múa trống chầu say tiếng hát cung đàn bao nhiêu, càng tài ba trong việc điều binh khiển tướng bấy nhiêu, bao phen ông làm cho nghĩa quân của Phan Bá Vành phải khốn đốn. Không làm sao thoát khỏi vòng vây của Nguyễn Công Trứ, Phan Bá Vành phải cho nghĩa quân đào huyết lộ thông ra cửa biển thoát khỏi vòng vây của Nguyễn. Các cụ bảo rằng con sông Sò ngày nay chính là lạch sông chạy ra cửa biển giúp Phan Bá Vành thoát chết.
Cửa sông Hà Lạn nằm trong vùng Sơn Nam Hạ, xưa chỉ là những bãi bờ sú vẹt, lau lách, chính là nơi ẩn náu của nghĩa quân cờ đen, cuộc chiến đẫm máu giữa triều đình nhà Nguyễn và các nghĩa binh nông dân đã kéo dài trên vùng đất này. Bao xương máu đã vùi xuống bãi bờ ven biển. Những thây người chìm vào cát biển, quấn vào sú vẹt. Sau này, khi thủy triều lên thì bãi bờ ngập vào nước biển mặn chát, thủy triều xuống thì trơ ra bờ bãi và cả những bộ xương trắng bị nước xói mòn. Có ông lão thuyền chài nghe đồn từ mạn ngược, dọc theo sông Hồng dong thuyền về tận đây, thấy bờ bãi ngút ngàn, phù sa màu mỡ, ông neo thuyền ở lại. Nhìn những bộ xương trắng lẫn trong các gốc vẹt, xót xa cho các sinh linh tội nghiệp trôi dạt không được mồ yên mả đẹp, ông cột thuyền vào cây duối ven cồn Cốc. Ngày lặng lẽ kiếm tìm hài cốt chôn cất lên những gò đất cao. Nắng mưa không quản, ông bền bỉ tích đức, ngoảnh lại đã ba năm trời, tấm lưng lão thuyền chài còng xuống, mái tóc pha khói sương thì một am thờ mọc lên giữa cồn Cốc có tên là Quy Hồn. Thời gian năm tháng, cái am nhỏ ngày xưa đã biến thành ngôi chùa Quy Hồn tọa lạc trên miền đất trù phú ngày nay.
Hình như ở đâu có lòng thành thì ở đó có Phật. Chiều rơi trên cửa Hà Lạn, cũng là lúc chuông chùa Đào Am thong thả ngân nga. Tiếng chuông loang tím cả chiều, nhuộm cả những bãi bờ ngút ngát một màu xanh sú vẹt. Tiếng chuông yên bình khiến dân vạn chài buông lưới. Tiếng chuông vọng cả sang bến đò đợi khách sang sông. Đâu đây trong khơi vơi trời nước, vài ngọn khói lam chiều vương trên bến sông Sò, thuyền nhà ai chập chờn đỏ lửa nấu cơm.
Khách phương xa dừng lại vãn cảnh chùa sẽ ngỡ ngàng trước những chú tiểu đeo cặp xách tung tăng chân sáo bước qua tam quan. Những bước chân nhỏ bé đó chậm dần, chậm dần lui vào hậu viện cất sách vở và chỉ ít lâu sau đám lá bồ đề đã được các chú tiểu vun thành đống khói. Từng ngọn khói trắng, quyện trong chiều chạng vạng, thăm thẳm ánh nhìn của sư cụ trụ trì. Vạt áo nâu sờn, cánh tay buông thõng, nắng chiều nhuộm ánh nhìn bàng bạc của nhà sư. Nhìn đám khói trắng, lòng nhà sư vời vợi nhớ tới cánh rừng Trường Sơn mù mịt khói độc của đế quốc Mỹ, nhớ tới cánh tay để lại ngoài chiến trường. Khói bồ đề bốc cao, tiếng trẻ con cười đùa ngoài tam quan khiến lòng nhà sư ấm lại. Đôi mắt hiền từ bao dung nhìn lũ trẻ, người mỉm cười bước vào chính điện bắt đầu khóa tụng.
Ngày xưa chùa chỉ là một cái am nhỏ, bỗng mọc lên một cây đào. Cây đào ngày càng xanh tốt và rợp cả một trời hồng phai độ xuân về. Đào cổ thụ, am biến thành chùa với cái tên thật đẹp là Đào Am. Bao kẻ về đây tu hành, chỉ được một thời gian lại bỏ chùa mà đi. Lý trưởng, chánh tổng trong làng đã phải cắt cử trai đinh thay nhau làm ông hộ coi chùa theo thời gian. Những kẻ ở lâu cũng chỉ ba năm, còn không thì một năm là đổi phiên người khác.
Chỉ đến khi có một người thương binh với màu áo bộ đội bạc màu về chùa xuống tóc đi tu, thì từ bấy đến nay, chùa lúc nào cũng ngan ngát nhang đèn, ngân nga chuông mõ. Sư ông bỏ lại cánh tay nơi chiến trường, là một người đẹp trai, tài hoa thông kinh sách. Dáng vẻ đạo mạo tạo sự ngưỡng mộ cho khách thập phương. Ông nghiêm túc tu hành như một bậc chân tu đắc đạo.
Năm ấy hoa đào nở sớm, trời ấm, gió nhẹ, xuân ngọt bên thềm, lũ sáo sậu ríu ran trên cây thị sau chùa, sư thầy giật mình nghe tiếng trẻ khóc dưới gốc đào trước chùa. Sư hoảng hốt xách đèn chạy ra. Chao ôi! Đứa bé còn đỏ hỏn trong bọc tã lót, đang khóc dưới gốc đào. Sư thầy thảng thốt xót xa cúi xuống, cánh tay còn lại vội vàng lóng ngóng ẵm đứa bé áp vào ngực. Đứa bé, khát sữa càng khóc già. Tiếng khóc vò xé tâm can kẻ tu hành, khiến ông đớn đau. Làm sao giữa khuya vắng lại có kẻ tàn nhẫn bỏ con thế này. Đêm lê thê trong nỗi buồn dằng dặc của nhà sư. Bao nhiêu lời ong tiếng ve đuổi theo khi nhà sư ẵm đứa bé vào xóm xin sữa. Có kẻ ác miệng còn cả quyết rằng đứa bé chính là con của nhà sư. Không một tiếng than phiền, dù nắng mưa nhà sư vẫn bồng đứa bé vào xóm nhỏ. Tiếng cười cợt đuổi theo bước chân của kẻ tu hành: Đi tu mà chẳng trọn đời, đèo bòng cho lắm vào! Để lão thầy chùa này ở lại chỉ làm ô uế cửa thiền.
Đêm nghe tiếng mưa rơi đổ hạt xuống mái tam quan, tiếng gió biển thổi về hoang lạnh. Vết thương ở chiến trường năm xưa giờ nhói buốt trong lồng ngực, đứa bé khát sữa quờ quạng ngực áo nâu sồng, khiến lòng người tu hành buốt giá. Cánh tay còn lại nương nhẹ áp đứa bé vào bờ vai của mình cố dỗ dành mong cho nó ngủ. Sư thức trắng cả đêm, mong trời mau sáng để bồng đứa trẻ vào xóm xin sữa. Bước chân của kẻ tu hành cứ bước đi trong sự dè bỉu của thiên hạ. Đứa trẻ lay lắt sống trong sự ẵm bồng của nhà sư gần ba tháng trời.
Trời trở bão, những cánh nhạn biển hối hả bay về nơi ẩn náu. Có con lẻ bạn khào khào mấy tiếng trong bão táp. Hàng phi lao oằn mình hứng chịu cơn cuồng phong của trời đất. Con đò nhỏ được cột chặt vào rễ cây đa ven sông giờ cũng bị gió giật run lên từng hồi. Thương đứa nhỏ đêm nay khát sữa, sư thầy đã chuẩn bị nước hồ, nhưng nhìn đứa trẻ chóp môi, khuôn mặt võ sữa hốc hác, lòng sư quặn thắt như bão tố đang dâng. Ông chẳng đành lòng, vội lấy mảnh vải dù đem về từ chiến trường, quấn lấy đứa trẻ cho đỡ lạnh, úp chiếc nón bồng bé vào xóm chài. Người đàn bà tức ngực ngồi vắt sữa ở sau hồi nhà chợt thấy nhà sư bế đứa trẻ vào ngõ, cô hoảng hốt kéo áo che ngực. Xin cô làm phúc, cho đứa trẻ này bú nhờ, đêm nay bão to, tôi sợ đứa bé khát sữa, nó sẽ đói khát tội nghiệp.
Ánh mắt thất thần của người đàn bà, ngước nhìn nhà sư, thấy đứa bé tóp tép môi, chị ta rơi lệ. Vội vàng đón đứa bé, áp mặt nó vào bầu sữa nóng, bàn tay nhỏ bé ấp lấy vú mẹ. Đứa bé nín như chết khát, nước mắt ướt đầm má người đàn bà. Chị quỳ xuống: Lạy thầy! Con là con đàn bà chẳng ra gì đã gieo tiếng ác cho thầy. Con xin nhận lại con của con. Người cha già nghe thấy câu nói đó, ông cúi mặt, xin tạ lỗi: Xin nhà chùa tha tội! Con gái tôi hư hèn, đã làm điều không phải. Ngày mai tôi xin vào chùa sám hối tạ lỗi.
Khuôn mặt nhà sư bình thản như chưa gánh đau khổ nào cả. Tiếng nói trầm trầm cất lên: Tôi còn ít tiền lương thương binh, chẳng tiêu gì cả, mai ông lão vào chùa mà nhận về mua sữa cho cháu bé.
Sư bước đi trong cơn lốc gió cát cửa biển, mưa mỗi lúc một nặng hạt, chớp rạch ngang trời, mù mịt giông gió, nhưng lòng sư vẫn tĩnh lặng như đi trên mặt biển bình yên. Những chiếc thuyền thúng úp lúp xúp trên bờ cát, giờ co lại rùng mình trước cơn bão đang ập tới. Biển gầm thét như muốn nhấn chìm những cánh buồm đang oằn mình trên biển chưa kịp về nơi ẩn náu. Cánh tay nhà sư chợt trống trải, nhưng lòng thì ấm lại. Có chút gì đó bình yên dâng lên trong lòng ông. Nó như ngọn lửa nhỏ reo vui. Ông thấy vững dạ vì đứa bé đã tìm được mẹ của mình. Dân ven sông Sò giờ tấm tắc khen nhà sư đức hạnh, thương người và hết lòng vì chúng sinh. Sư thầy được minh oan, tiếng tốt được truyền tụng, nhưng vẻ mặt ông vẫn bình lặng, chẳng vui cũng chẳng buồn, tĩnh lặng như hồ thu không gợn sóng.
Sư thầy ngày thêm tuổi, nhiều lần cơn sốt rét của chiến trường năm xưa lại quay về quấy nhiễu hành hạ ông nhưng ông vẫn gắng gượng vượt qua. Đạo và đời luôn giao hòa trong lòng bậc tu hành chùa Đào Am. Sau lần đứa bé nhặt dưới gốc đào được mẹ nó nhận lại con mình, thì lại thêm những đứa trẻ khác được đem về chùa nhờ nuôi hộ. Cánh tay của trụ trì giờ tất bật hơn, mảnh ruộng chùa cũng được thập phương đến làm giúp, thóc lại vào bồ, rau đậu vườn chùa nuôi những đứa trẻ lớn lên trong sự bảo bọc từ bi của sư cụ. Những đứa trẻ không may mắn bị bỏ rơi giờ được yêu thương chăm bẵm trong tay của sư cụ, giọt nước cành dương phước lành đã tỏa sáng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Thấy lũ trẻ sáng láng, học hành tấn tới, nhà sư thấy vững dạ, trong những khóa tụng ông luôn hướng lòng cảm tạ Đấng Thế Tôn phù hộ độ trì cho các ún tiểu chùa Đào Am.
Bao lần thủy triều lên, bao lần thủy triều xuống, lòng người chơi vơi như con nước ngoài khơi nhưng nhà sư vẫn bền bỉ chăm chút cho những đứa trẻ không quản ngại. Trong hương khói của ngày 27 tháng 7 sư thầy làm lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ thấp thoáng bóng những chú tiểu thắp hương quanh đàn chay. Có chú tiểu ngây thơ thỏ thẻ: Cụ ơi! Sao hôm nay cụ làm giỗ to thế nhỉ? Sư thầy nhìn trẻ trìu mến ôn tồn: Ừ! Hôm nay là ngày giỗ các anh linh liệt sĩ con ạ! Thầy giỗ cả cái tay đã mất của thầy nữa các con ạ!
Trong khói hương ảo mờ, lòng sư thầy rưng rưng thương nhớ những người đồng đội của mình không bao giờ về nữa.
Đi trong mùa xuân, mê mải dọc triền sông biếc xanh sú vẹt, mơn mởn những bãi bờ ngan ngát lúa ngô, ta thả hồn theo những cánh cò trắng khi chiều về. Cái lả la của cánh cò mải miết khiến hồn người tha hương luôn nhớ về cố quận, trùng phùng một giấc mơ ấp ủ hình bóng quê nhà. Để chiều nay ập òa nỗi nhớ bời bời hoa cải. Sắc vàng của loài hoa đó đã nhuộm nắng cho dòng sông, đưa bước chân ta về với những bến sông quê, những ngôi chùa cổ của miền đất dằng dặc. Đâu đây trong thinh không, chuông chùa Đào Am đã điểm. Tiếng chuông ngân nga thoát tục, ngân trong hoàng hôn bình yên miền chân sóng. Ta chợt thấy người về sau chiến tranh vẫn hòa nhịp với cuộc đời, vẫn âm thầm dâng hiến một tình yêu cho chúng sinh. Đạo và đời đang giao hòa từ những tấm lòng từ bi nơi cửa Phật.
Mùa xuân này bạn hãy về miền chân sóng, nghe biển mặn vỗ vào bờ cát, ngắm con thuyền rẽ sóng ra khơi, nghe hương xuân dịu dàng theo bước chân, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga sẽ thấy tâm hồn mình bình yên nơi cửa biển.
L.H.N
(TCSH431/01-2024)
KIMO
Rau Khoai là một loại rau rất dễ trồng cũng như cây rau Mồng Tơi, các bạn cứ thử trồng theo cách trồng rau của Kimo xem có được không nhé.
NGUYỄN VĂN QUANG
Tháng tư năm 1992, tôi theo An - bạn lính cùng đơn vị lên A Lưới thăm người nhà của An. Xe chạy từ Huế ra Quảng Trị rồi ngược vào A lưới, đường lúc đó còn khó đi.
VĨNH NGUYÊN
Đoàn du lịch biển quốc tế lần đầu cập cảng Tiên Sa vào lác 6 giờ ngày 22-3-1987 như một sự kiện nóng hổi làm nức lòng ngành du lịch và họ tổ chức đón bạn mới trong trạng thái hồi hộp.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Nhớ lần đến Bod Gaya, nơi Đức Phật đạt giác ngộ sau 3 ngày 3 đêm ngồi thiền dưới gốc một cây bồ đề, và Ngài tiếp tục thiền định 49 ngày đêm nữa dưới gốc cây này để suy xét mọi lý lẽ diệu huyền mình vừa thông tỏ, tôi cùng mọi người trong đoàn say sưa chiêm ngưỡng gốc bồ đề thiêng.
NHỤY NGUYÊN
Bút ký
Trái ngược với mùa khô khiến những dải đất và núi đồi hoe vàng cỏ cháy, Tây Nguyên tháng 6 đang vào mùa mưa, đâu đâu cũng xanh mướt một màu.
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO
Chúng tôi đến thăm nghĩa trang Trường Sơn khi sắc thu còn in dấu xanh ngăn ngắt trên mặt hồ mặc cho những đám mây như mọng nước trong tiết thu mát mẻ. Mặt nước hồ nơi đây phẳng lặng như tấm gương đang soi bóng những hàng cây im lặng.
NGUYỄN NHÃ TIÊN
tùy bút
Tưởng người nên lại thấy người về đây
(Nguyễn Du)
PHẠM PHÚ PHONG
Trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI do khoa Văn học, Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, tôi gặp lại người bạn cũ là giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương, người quê gốc ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, học đại học và ở lại lập nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.
SONG CẦM
Ký sự
Cha chồng tôi qua đời trong một ngày tuyết trắng rơi ngập trời. Được tin của chồng từ Nhật Bản gọi về, tôi buồn thao thức suốt đêm không ngủ, mong trời sáng nhanh để bay qua Nhật sớm.
CAO HUY THUẦN
Tùy bút
Con chim én bay về phía mùa xuân, bay suốt ngày, tối đến dừng cánh nghỉ dưới một mái rơm, giữa đồng hoang.
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO
Một mùa xuân mới và năm Con Ngựa 2014 đang dần đến bên thềm.
ĐÔNG HÀ
Buổi sáng thật xanh và hiền (TCS).
Những ngày mưa mùa đông ở Huế lạnh, hiền từ và dai dẳng. Những buổi mưa ngồi trên ban công căn phòng ấy, nghe tiếng giọt mưa rơi xuống mái, mới tha thiết những buổi sáng thật xanh và hiền năm xưa người con trai ấy đã ngồi nơi đây.
LÊ TẤN QUỲNH
Khi cơn mưa tung tẩy rót vào tôi cơn váng vất bò ngùng ngoằng trên những nỗi si mê rần rật lan dần từ nỗi nhớ mơ hồ, tôi đã trượt chân mà té ngã xuống một thứ trong veo đang chậm rãi chảy đến sau vô vàn những mảnh thời gian lỉnh kỉnh nhú vỡ ra từ cái khoảnh khắc cuối chiều.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
1. Thương chồng
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen
LÊ HOÀNG HẢI
Bây giờ ngoài trời đang mưa tầm tã, tiếng mưa rơi gõ vào nỗi nhớ một giai điệu rất buồn và trống rỗng. Những ngày tháng mười của ba năm về trước, tiết trời xứ Huế mưa tả tơi, thỉnh thoảng mới có ánh mặt trời yếu ớt.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Tùy bút
Một chiều thứ bảy cuối xuân lạnh gắt, đang mưa trời bỗng tạnh như sắp đổ tuyết, tôi một mình dọn nhà từ Hamilton về thị trấn phía nam, nơi tôi được nhận đi thực tập nội trú vài tháng.
NHÂN NGÀY AIDS THẾ GIỚI 1/12
(Để nhớ những người nhiễm HIV tôi đã gặp năm đó - tháng 12/2009)
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
bút ký
NHẤT LÂM
Tùy bút
Mùa thu… một mùa trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của đất trời. Đã đành là vậy, quy luật của tạo hóa luân chuyển của vòng thời gian. Nếu chỉ đơn giản thế thôi, thì mùa thu cũng trôi mau theo lịch trình vốn có.
NHỤY NGUYÊN
Bút ký
Bao Vinh hôm nay nếu soi vào lịch sử thật chẳng xứng với danh hiệu là khu thương mại lớn của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX.
Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.