KIM THOA
Chè bán ban ngày, ban đêm. Chè gánh, chè xách, chè ăn trên bờ, chè thưởng thức dưới đò. Huế bán đủ thứ chè, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, nhưng ít thấy chè hột sen.
Ảnh: internet
Vì đắt tiền cũng có, vì chè hột sen thanh cảnh không dễ dàng hội nhập với các thứ chè bình dân đại chúng khác cũng có! Trừ những tiệm ăn đặc biệt thỉnh thoảng có bán riêng; hay những chiếc thuyền con mảnh khảnh, trước mũi treo ngọn đèn đỏ, đêm đêm bồng bềnh trên sông Hương, cô lái đò vừa bơi chèo vừa rao hàng lảnh lót: Chè hột sen, chè...
Đúng chè hột sen phải là thứ hột sen tươi hồ Tịnh Tâm, một đặc sản của núi Ngự, sông Hương. Sen Tịnh thơm ngon vì theo những người trong nghề nói lại, hồ Tịnh Tâm mạch nước không phèn, nước ngọt không chát như nước ao, đầm, hồ nơi khác và sen Tịnh ngon nhất phải là sen cánh gián. Gọi sen cánh gián, vì hột sen vừa đến lứa đến độ, vỏ ngoài bắt đầu trổ màu da giống như cánh con gián. Sen cánh gián ngày trước thuộc loại sen tiến, sen dâng vua, như gạo tiến (gạo de An Cựu), thanh trà tiến (thanh trà Nguyệt Biều), cam tiến (Cam Bố Hạ), mía tiến (mía Triệu Tường)...
Mỗi năm từ tháng 5, tháng 6 hột sen tươi bắt đầu thấy bán ở chợ Đông Ba. Hột sen đổ đầy thúng, khách hàng tùy thích lựa chọn; sen bán từng trăm, có khi từng chục, tùy túi tiền mỗi người. Hột sen còn non vỏ xanh, bà con chê vì nấu không nở. Sen vừa đúng lứa, từ màu xanh mờ gà thành màu đen nhạt, người trong nghề gọi là sen hột mây.
Sen hột mây hay sen cánh gián nấu chè ăn ngon tuyệt!
Sen khô ở Huế có nhiều; nghề "gọt hột sen" là một tiểu công nghệ gia đình ở Huế. Hột sen gọt sạch trắng xâu từng trăm như chuỗi hạt bồ đề. Sen khô lẽ dĩ nhiên không ngon bằng sen tươi, nhưng ăn vẫn còn hương vị, còn hơn là sen hộp ngoại quốc, hột sen cứng đơ, ăn sậm sực. Hột sen bóc vỏ ngoài xong đến lột cho hết lớp lụa mỏng bên trong màu ẩn hồng, cắt hai đầu để xoi tim, rửa sạch sẽ mới đem ra nấu. Bóc vỏ hột sen, cả vỏ trong vỏ ngoài cũng như lặt giá là một việc làm tẩn mẩn ít ai thích. Nhà có đông người hay gặp những ngày kỵ giỗ, việc làm tốn nhiều thì giờ vụn vặt này thường được giao cho những vai "phụ" hay trẻ con trong nhà. Chè hột sen, đúng kiểu đúng mức, phải nấu với đường phèn. Phải làm sao để hột sen nở nhẹ như hoa bưởi đang chớm cánh. Bỏ đường vô rồi phải để lửa riu riu, vừa thấm đường thấm nước, như vậy khi chè chín, nước sen trong như màu hoa lý nhạt và hương sen thơm được tỏa ra sẽ kích thích vừa thị giác vừa khứu giác cùng làm việc trước khi chén chè sen múc thật khéo đặt lên bàn ăn.
Trở lại với việc nấu chè, phải canh chừng củi lửa cho vừa, hột sen vừa nở phải tắt lửa ngay. Nước sôi quá, sen sẽ nở bung, hột sen tan hòa vô nước sẽ làm đục nước, và hột sen không còn nguyên vẹn sẽ bung ra từng mảnh, bẽ bàng tơi tả khó coi. Đã mất vẻ đẹp thanh khiết ăn lại mất ngon. Gặp những chén chè này, không ai dám mời khách.
Nấu cho được một nồi chè hột sen, công phu lắm; nghệ thuật nấu chè hột sen vì vậy đòi hỏi người ăn phải biết thưởng thức. "Thực bất tri kỳ vị" như người Huế thường nói sẽ làm buồn lòng người nội trợ. Chè hột sen, ăn quanh năm. Nhưng chè hột sen lồng nhãn, phải đợi đến mùa hè. Vườn nhà có nhãn vừa bẻ xong, chọn những trái nhãn ráo dày cơm vừa thơm vừa giòn. Sen để lồng vô nhãn, vừa chín nở vớt ra liền rim sơ vào nước đường để nguội. Lấy mũi dao nhọn nhẹ tay tách hột ra khỏi nhãn. Bấy giờ đem hột sen lồng vào nhãn; trái nhãn tròn quay mọng nước. Sắp nhãn vô chén long - ẩn (hay tìm) nước chè sen để nguội đổ lần vô chén. (Nước sen để nguội sẽ giữ cho nhãn tươi và giòn). Hương vị sen, hương vị nhãn lồng, ngọt ngào nước đường phèn càng tăng phẩm chất chén chè quý phái, đặc biệt Huế. Qua lớp nhãn lồng dòn tan đến hương vị sen thơm bở, chưa ăn vội, chỉ nếm qua một chút nước thôi cũng đã thấy tiêu tan bao nhiêu "mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ"!.
K.T
(TCSH45/03-1991)
NGUYỄN XUÂN HOA
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của chế độ bảo hộ, thực chất là đô hộ của Pháp, xã hội Việt Nam trải qua những biến động lớn, làm xuất hiện hàng loạt xu thế chưa từng có trong các thời đại trước đó.
THU HÀ
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2/1943) xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
LÊ QUANG MINH
Huế là trung tâm chính trị - văn hóa trong thời trung đại với vai trò thủ phủ Đàng Trong, kinh đô Triều Nguyễn, là nơi đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến vào năm 1945.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Bút ký
Hòa thượng Thích Mật Hiển, tọa chủ Trúc Lâm tự, danh uy kiêm nhiếp trụ trì luôn chùa Thánh Duyên dựng trên núi Thúy Vân.
NGUYỄN QUANG HÀ
(Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Dương
Giám đốc Sở Nông nghiệp Thừa Thiên Huế)
LÊ HÀ
Bút ký dự thi
Tôi yêu màu xanh dịu dàng của cây lá nơi thành phố mình đang sống. Những con đường, những ngõ nhỏ, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh.
NGUYÊN QUÂN
Bút ký dự thi
Bây giờ như đã là một thói quen, cứ mỗi lần có việc phải đi qua một trong năm cái cống bằng gạch cổ bắc qua dòng sông Ngự Hà, tôi cũng dừng lại chụp vài tấm ảnh.
ĐĂNG VŨ
Bút ký dự thi
Ngư Mỹ Thạnh là sự kết hợp giữa hai tên gọi: Ngư và Mỹ Thạnh. Mỹ Thạnh là làng gốc, sống định cư trên bờ do ngài Hồ Công Muốn khai lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX.
PHƯỚC HOÀNG
Bút ký dự thi
NGUYỄN THỊ THÙY CHI
Bút ký dự thi
Tôi trở lại Huế lần nữa, trong một đêm mùa hạ.
HÀ XUÂN HUỲNH
Bút ký dự thi
Cách trung tâm Cố đô độ 30 cây số về phía Đông Nam, Tân Sa là một trong sáu làng - Mai Vĩnh, Khánh Mỹ, Tân Sa, Kế Võ, Xuân Thiên thượng, Xuân Thiên hạ - của xã Vinh Xuân, Phú Vang.
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Ngày nay nói đến văn hóa không thể không nói đến môi trường, cụ thể hơn là sự ứng xử của con người đối với thiên nhiên. Tính thời sự cấp bách từ môi trường đã cảnh báo sự sống mong manh của hành tinh đang đứng trước nguy cơ "chung cuộc với ngày tận thế".
NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Phóng sự
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Lần thứ hai, tôi lại đưa các em thiếu nhi - những mầm non văn học nghệ thuật - về thăm cửa Tư Hiền và chùa Tuý Vân.
PHAN THUẬN AN
ĐỖ MINH ĐIỀN - HỒ XUÂN DIÊN
HOÀNG XUÂN NHU
Đàn tế trời lộ thiên này được khởi công xây dựng vào ngày 25-3-1806 dưới sự đốc công của Thống chế Phạm Văn Nhân và hoàn thành cuối năm đó, qua đầu năm 1807 triều đình Gia Long bắt đầu cử hành lễ Nam Giao lần đầu tiên tại đây.