HỒ NHIÊN
Những ngày mới tinh mơ đã đầy nắng. Nắng thấm vào sương làm rực lên sắc hồng ảo diệu. Thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp thật giản đơn, và con người chỉ đủ năng lực chuyển tải thông điệp về cái đẹp đó bằng các loại hình nghệ thuật, và điều đó xem như chiếc cầu nối để đưa mỗi ai trở về chiêm ngắm thứ vốn sẵn trong trời đất.
Con đường từ cầu Dã Viên rẽ trái để xuống Kim Long nắng xuyên qua những hàng cây, nắng lấp lóa trên sông như một loài hoa mọc lên từ cõi mộng. Bên kia sông, đàn cò đậu kín trên hàng cây, thỉnh thoảng lại dập dờn dọc sông, có khi chúng bay ngang cầu Trường Tiền, vờn qua Đại Nội, theo hồ sen Hộ thành hào, rồi chập tối trở về trên tàng cây ngủ giấc an lành. Ấy là nhờ một đặc ân của thành phố cấm săn bắt động vật hoang dã nằm trong chương trình xanh sạch sáng, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Có lẽ đây là điều văn minh nhất trong những điều chân thật, nó khác với hướng văn minh chỉ thuần những ngôi nhà chọc trời, đèn hoa sáng rực nhưng thiếu bóng cây xanh và vắng tiếng chim trong thành phố, thiếu đi mối giao cảm giữa con người và tự nhiên.
Trong những ngày giãn cách xã hội, tôi cũng hạn chế tiếp xúc. Đợt dịch Covid lần thứ 2 năm ngoái, chặng đó mỗi sáng tôi thường chế một ly cà phê đậm, trà ngon pha trong chiếc bình thủy nhỏ rồi chạy xe ra ngồi ở công viên chỗ vắng người. Chợt thấy thành phố thanh bình và đẹp lạ lùng. Hoa nở rực dưới bụi nắng hồng. Những hàng cây tắm trong sắc màu. Bãi cỏ xanh lan cả xuống mặt sông. Những chiếc xe đạp nhẹ nhàng trôi trên con đường dọc hai bờ sông sạch tưng đến từng chiếc lá vàng. Vài nữ công nhân cầm chổi gặp nhau qua nụ cười sau chiếc khẩu trang, bên mi mắt chim ri. Bóng cây me khẽ động như nhắc về một thời bến Me thấp thoáng bóng giai nhân.
Dường như cao xanh cũng muốn ta sống chậm hơn để tận hưởng vẻ đẹp xung quanh, để thấy đến từng hơi thở vô ra tĩnh tại và thấy đến cả những nhọc nhằn ngay nơi thân tâm mình. Nhiều lúc ta đã sống chậm, để nhớ đến những người ở trong khu cách ly theo dõi biến chuyển của loài virus corona, những người trong bệnh viện từ bác sĩ y tá điều dưỡng cho đến bệnh nhân, người thăm nuôi và vân vân. Tất cả như muốn phơi bày một sự thật luôn hiện hữu, song chúng ta thường phớt lờ, thường khất hẹn rồi có lúc phải gánh một thứ nghiệp quá sức chịu đựng… Có lẽ con người đã lao nhanh về phía trước, đốt cháy quá mức thứ năng lượng quý hiếm khiến tuổi thọ của chính mình và trái đất rút ngắn lại chăng? Thiên nhiên rừng biển núi non cho đến loài siêu hình đều đang giao hòa với chúng ta, đều như muốn kết bạn với ta và mỗi khoảnh khắc len vào từng ý niệm ta sự trong lành. Và hẳn ở một góc khuất nào đó của tâm hồn, chúng ta như muốn khuôn mình lại với những chiều không gian đan xen đang cùng thở.
Cái cảm giác ngồi lặng nhìn xung quanh dạt về nhiều lớp sóng lạ. Khung cảnh có ồn ào, râm ran rì rào thì trong cái nhìn của sự lặng yên luôn tỏa gam màu dịu nhẹ. Tôi nhớ lần đến Hà Nội vào tờ mờ sáng, cuốc bộ dọc phố cổ rồi ngồi cà phê ở vỉa hè phố Bà Triệu trước tòa soạn một tờ báo chờ cô bạn mãi chưa đến. Lại cuốc bộ ra bờ hồ Hoàn Kiếm và lặng lẽ ngồi xuống ghế đá. Nắng bắt đầu nhuốm lên màu sương óng ánh. Người chạy người đi, người luyện thân và nữa, ai đó đang quay mặt ra mặt hồ thiền định. Tôi nhìn ngọn nắng trôi đi kéo cả bóng tháp Rùa nghiêng dưới lớp chồi non bờ này và cả rêu xanh bay trong hoài niệm bờ kia. Ở một phiến đá khác ánh lên một mái tóc nhung mượt, nhưng điều khiến tôi bị hút vào là đôi mắt ấy. Chiếc khẩu trang xinh xắn mơ vàng che đi một phần khuôn mặt và rồi ánh mắt như dậy lên mùi hương. Tôi đã ngồi sưởi nắng ở góc vắng trong đợt giãn cách xã hội, nhìn lá vàng và nhiều đôi mắt đen nâu ẩn giấu bí mật cuốn hút qua chiếc khẩu trang. Những đôi mắt đợi chờ được trả về với cuộc sống tự nhiên. Những đôi mắt chờ chồng nhớ con, những đôi mắt ứa tràn hy vọng về bản tâm trong lặng hóa giải những tai kiếp trong đời. Những đôi mắt kết nối con người với thiên nhiên, với muôn loài vật bé nhỏ tội nghiệp. Đôi mắt thấy thân thương quanh mình, trong khu vườn nhà với cỏ hoang và những góc đường thành phố vùng quê.
*
Năm ngoái tôi bắt đầu thấy xuất hiện những con sóc lông xù vàng trắng nhảy chuyền cành ở hàng cây cối trước cổng cơ quan. Những ngày đầu thấy chúng, tôi ngạc nhiên khôn tả, cứ đứng nơi góc khuất ngắm đôi chân trước của chúng nhanh gọn hái từng quả cối có vỏ màu đỏ phía trong ăn như giữa yến tiệc thiên đàng; tôi sợ ai thấy sẽ truyền tin và đặt bẫy. Hồi trước có lần phía sau nhà, nơi khu đô thị mới đang lác đác mấy ngôi nhà tầng được xây lên, hàng cây mới trồng vừa đủ để bén rễ vào đất mới, mà đàn chim bay về đậu kín. Rồi đêm ấy tôi thấy một gã giăng tấm lưới trùm lên nguyên vòm cây, nguyên bầy chim vĩnh viễn không còn thấy bầu trời… Sự bất lực lúc đó nén chừng nào khiến tôi hạnh phúc bội phần khi loài chim bé nhỏ nay đã được bảo vệ trong thành phố này bằng một lối ứng xử văn minh. Vào những ngày nắng sớm, ngồi bên quán cà phê nhỏ xinh với gam màu hồng xanh thơ mộng, tôi và khách khứa lại thấy lũ sóc chuyền cành, vừa ăn trái vừa đùa nghịch. Nhiều người đã zoom điện thoại chụp lấy những khoảnh khắc vui tươi. Tôi chợt nhớ ngôi chùa có bầy dơi đậu kín đặc các nhánh cây trong khuôn viên, song chúng không hề chạm đến hoa quả ngon lành ở đó, mà chỉ bay đi kiếm ăn nơi khác. Khi con người hài hòa với muôn loài, chúng luôn biết cách báo đáp và không hề phương hại. Kể cả cây cối vốn cũng có mối giao cảm với con người ở hành động và ý nghĩ; tính cách và bệnh tật của người phần nhiều có mối tương giao với thiên nhiên và động vật trong vô hình. Là vậy nên những ngày nghỉ bạn thường rủ tôi chạy xe về các vùng đồi đồng quê như trở về với người bạn thân thiết, chỉ ngồi im bên nhau đã giao hòa muôn nỗi.
Đến những góc cũ của thành phố và phần đang trên tiến trình mở rộng, mới thấy ánh sáng đang loang dần. Có lần về lại Thủy Dương, nơi tôi từng sống ở đó thời sinh viên, nhiều góc khuất bây giờ gọn gàng. Ngay ở khoảng đất rộng dưới cầu vượt vốn nhếch nhác, nay được trồng một vạt hoa thênh thang. Hay đó là cánh đồng Thanh Lam nhơ ô nhiễm với các hồ nuôi cá mà chỉ nhìn màu nước xanh lè đủ thấy ngại ngùng cho cả loài sống dưới đó. Hai bên đoạn đường này đang được chỉnh trang rồi sẽ thành điểm nhấn của khách đến Huế chạy từ sân bay Phú Bài lên. Nhiều chỗ trên các tuyến đường lộ đã có những điểm dừng chân ngắm đất trời thênh thang, nó đem lại cảm giác thành phố đang hồn nhiên thêm, gần hơn với không gian ấm áp, với ý nghĩ thiện lành.
Tự nhiên luôn mang vẻ đẹp tinh khiết, và nó cũng có sức mạnh bất diệt. Con người một khi ứng xử đến mức quá trầm trọng với tự nhiên ắt nảy sinh nhiều vấn nạn khôn lường. Trên thế giới những cánh rừng mênh mông vô tận đã cháy, những khoáng sản quý báu trong lòng đất đã bị khai thác cạn kiệt, những tế bào của sự sống trái đất dường như sụp đổ, và chúng dường như đã huy động kháng thể để lập lại niềm xanh trong. Tôi vẫn thường với bạn chạy lên đồi Thiên An ngồi miên man với nắng, cái nắng trong như được lọc qua nhiều năm tháng. Chợt như thấy mình tỏa ra năng lượng, hay đó là thứ năng lượng sạch đang tràn vào tự tâm; đây là lúc bạn tôi thấy thiện hơn, một chữ thiện theo đúng nghĩa của đạo. Nói khác đi, khi ngồi với thiên nhiên trong lành nguyên sơ, cái thiện trong ta đã hòa nhập với cái thiện tự nhiên và nó giúp con người được trở về thế giới của thiền tâm. Dĩ nhiên điều này chỉ khởi lên thời gian ngắn, vì ta lại trở về với cuộc sống lụy phiền, trở về với nỗi si mê ảo ảnh phố phường và niềm xúc cảm bên ngoài hời hợt.
Thành phố với nhiều loài cây và hoa mới, với nhiều khoảng không nới rộng sạch sẽ khiến con người được gần hơn với thiên tính của mình. Nhiều lần chạy về đồng quê quanh thành phố nhìn bầy trâu gặm cỏ, thấy những con đường mòn quanh co rực hồng dưới nắng hoàng hôn, về ngồi bên các mố cầu nhìn sông nhìn biển, vẫn câu hỏi cũ rích sao nó luôn tươi mới, và sao người ta không tận hưởng niềm hạnh phúc này. Nó dung dị như thành phố đang trên nẻo về, nới vòng tay nắm lấy thiên nhiên với cây cỏ và những đàn chim từ xa xôi bay về.
Sự bình yên của con người luôn gắn với sự bình yên của những cánh rừng cưu mang muôn loài, gắn với môi trường sống thanh sạch và nhất là tính nhân văn khi ta đối đãi thân thiện với tự nhiên cùng nhiều chiều không gian khác mà khoa học đang dần chạm đến. Thành phố này với nhiều ngôi chùa ẩn mình trong thiên nhiên với rêu xanh làm phai dần dấu tay người gầy dựng. Những lần trở lại được ngồi trong nắng se lạnh nhìn cây lá trở màu trong thinh vắng, hồ như bài kinh vẫn vang lên không ngừng nghỉ trong gió ngàn. Ở đó vẫn tỏa ra thứ hào quang dịu nhẹ hòa vào hư không kìn kịt mây mưa ưu phiền.
H.N
(SHSDB40/03-2021)
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Trong những giấc mơ buổi giao mùa, tôi bồng bềnh trôi trên những đám mây trắng bay qua con đèo quanh co, khúc khuỷu. Một bên là núi rừng xanh thẫm, một bên đại dương mênh mông không bến bờ.
Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 - 7
DO YÊN
NGUYÊN HƯƠNG
Tạp bút
Bóng đêm như một ẩn dụ về tri kỷ. Chỉ cần im lặng thấu hiểu mà không đòi hỏi được nghe lời thề thốt thanh minh.
BỬU Ý
Suốt trên ba mươi năm hiện diện, Tạp chí Sông Hương hiển nhiên xác lập được sự trưởng thành của mình bên cạnh những tập san, tạp chí uy tín nhất của cả nước.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Tản văn
Hà Nội bây giờ, chẳng ai dám quả quyết là đã quan sát, tìm hiểu và có thể bình phẩm một cách đầy đủ. Đơn giản, chỉ vì Thủ đô hôm nay quá… mênh mông.
NGUYỄN VĂN TOAN
Bút ký
Cái cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy.
NGUYÊN HƯƠNG
Có những ngày tháng đi qua đã để lại nỗi trống vắng hoang tàn cho con người và tạo vật. Và đôi khi ta thấy tiếc nhớ những ngày tháng ấy như tiếc một món vật cổ điển đã mất đi, dẫu biết rằng theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, ngày tháng ấy còn quay trở lại.
THÁI KIM LAN
"Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du“
VŨ DY
Tùy bút
Cuối năm, đó là khoảng thời gian người ta nhiều xúc cảm nhất. Buổi sáng, ngồi nhà không yên, lấy xe chạy lòng vòng thị trấn coi không khí chuẩn bị đón tết của bàn dân thiên hạ.
THÁI KIM LAN
Tùy bút
Cây hải đường ở vườn bà nội tôi thuở ấy đứng trước bình phong nhà Từ đường họ ở đồi Hà Khê. Không biết nó đã ở đó bao lâu, lớn khôn ra làm sao, trong rét mướt mùa đông và nắng nồng mùa hè có than vãn vật vả như con người?
NGUYÊN HƯƠNG
Tùy bút
Ta đã từng dựa vào những đêm mưa như một chút ân huệ cuối cùng của đời sống. Nơi đó có dấu chân của những kẻ đi hoang đốt cuộc đời mình trong bóng tối và cũng có thể là nơi những tên trộm lấy đi một vài thứ không thuộc về mình. Rồi một ngày kia dấu chân tan vào mưa, như suối tan ra giữa muôn trùng đá sỏi.
LINH THIỆN
Đã gần 30 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Huế, tôi được phân công về dạy học ở tỉnh Minh Hải1 - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.
PHÙ SINH
Trước khi viết về con hến, thiết nghĩ cũng nên tào lao mấy chuyện về mấy loài nhuyễn thể dưới đáy sông.
NGUYỄN VĂN UÔNG
Tùy bút
Chuyện làng thì nói mãi vẫn có người thích nghe. Thơ nhạc cũng không ít lời ca ngợi.
PHI TÂN
Tùy bút
Sông Ô Lâu chảy qua làng tôi là đoạn cuối trước khi đổ ra Cửa Lác để hòa vào phá “mẹ” Tam Giang.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không có quê hương? Quê hương đó, có thể là phố phường, là nông thôn đồng bái! Mỗi nơi ở mỗi người, đều có một kỷ niệm đầu đời chẳng thể quên.
ĐỖ XUÂN CẨM
Trong hàng trăm loài cây xanh đô thị, có lẽ cây Hoa sữa là cây gây nhiều ấn tượng cho nhiều người nhất.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Ông Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch lấy từ trong cặp ra một cái kính đeo mắt hơi lạ, mắt kính đen kịt như mực, bấm nút nghe có tiếng rè rè như máy ảnh, bảo tôi mang thử.
bút ký của Lê Vũ Trường Giang
Nhìn trên bản đồ, vùng bờ biển của Huế là một dải đất mỏng như lưỡi liềm, những đường cong với nhiều bãi tắm đẹp thu hút du khách cùng những làng nghề chế biến muối và nước mắm nổi tiếng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Đi trên đường phố Huế bao giờ cũng có cái cảm giác êm ả. Nhất là mỗi lần từ trong Nam ra, ngoài Bắc vào, đến Huế, ta như vừa bất chợt gặp lại sự yên lành.