(Tản mạn về tiểu thuyết Con chim Joong bay từ A đến Z, Đỗ Tiến Thụy, Nxb Trẻ, 2017)
Từ Màu rừng ruộng (2006) đến Con chim Joong bay từ A đến Z (2017), tôi nghĩ, Đỗ Tiến Thụy đã thực sự vạch một lối nẻo tiểu thuyết để không lặp lại mình - một điều tối kị trong sáng tạo văn chương.
Do có điều kiện theo sát sáng tác của Đỗ Tiến Thụy, tôi thấy cây bút 7X “cứng cựa” này đã có sự nỗ lực thoát dần khỏi tinh thần “nệ thực” khi viết. Nếu Màu rừng ruộng có cái vẻ lấm láp của nó như luống cày vừa vỡ, thì Con chim Joong bay từ A đến Z giống bức tranh của một họa sĩ đã qua trường lớp bài bản. Nhưng không vẽ theo truyền thống, lấy cái “giống như thật” làm nguyên tắc, lấy cái “tuyến tính” làm trụ cột cho mọi diễn tiến sự kiện, tác giả vẽ theo tinh thần và phương pháp “lập thể” của hội họa.
Ít nhất thì có ba khối nguyên liệu, chất liệu được vò nhuyễn trong tiểu thuyết. Khối thứ nhất khi người đọc “bay” theo con chim Joong. Lâu nay người đọc hay bị “dắt mũi” bởi một người kể chuyện “toàn tri”, thành thử rơi vào thế bị động. Lần này thì khác hẳn. Cái món “chim kể” này của Đỗ Tiến Thụy là một cách mở rộng biên độ quan sát và tái hiện. Con chim Joong xưng “tôi” hẳn hoi. Nó như là thành viên của gia đình Cụ Chủ, dù đã có lúc người ta muốn vứt, thải loại nó. Nó nắm giữ rất nhiều bí mật của đại gia đình Cụ Chủ (một vị tướng lừng danh về hưu nhưng vẫn muốn là một “thái thượng hoàng”, giữ vai trò “nhiếp chính” cả trong nhà mình và cả trong tầm quốc gia). Một gia đình kiểu “tam đại đồng đường” (Cụ Chủ, Ông/ Bà Chủ, Cậu Chủ). Joong vì “ở trong chăn nên biết chăn có rận”. Joong biết rõ đến tận “chân tơ kẽ tóc” cái gia đình đầy bi kịch này. Nhìn một gia đình thì biết cả xã hội. Cụ Chủ đại diện cho thế hệ “cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư”. Ông hiểu được cái giá của “máu người không phải nước lã” do có nhiều năm cầm quân nơi chiến địa khốc liệt. Ông là người anh hùng trong trận mạc cả theo nghĩa đen và nghĩa rộng của từ. Nhưng trong hòa bình, đời thường, ông lại bị “trói chân trói tay”. Con gái ông (Nga) là người đàn bà thép, tham quyền cố vị; con rể ông (Khoa) là người thiện tâm nhưng bất lực trong mọi chuyện của đời sống riêng tư và xã hội; cháu ông (Cậu Gấu), kẻ lọc lõi trước tuổi, kẻ rạch giời rơi xuống, kẻ phá tán đều không phải là tri âm tri kỉ cùng ông trong thời buổi lên ngôi của quyền lực và đồng tiền. Cái chết của ông chứa đầy những bí mật. Ông ra đi trong cô đơn và nặng trĩu những món nợ trần thế. Nhưng sống như con rể (là đồng đội của ông) thì cũng bế tắc, cô đơn và cũng không thoát khỏi thiên la địa võng của quyền lực và tiền tài. Theo chân con chim Joong, người đọc lạc vào một mê lộ của đời sống bát nháo, đầy rẫy cạm bẫy, suy vi đạo lí được kiến tạo trên cơ sở của cái vô nghĩa lí. Nói không quá thì, Con chim Joong bay từ A đến Z là một cuốn tiểu thuyết về gia đình thời hiện đại. Nhưng không phải là kiểu “gia đình bé mọn” mà là kiểu “gia đình tan rữa” khi con người bị băm vằm ra như cách nhà thơ Việt Phương đã viết trong bài thơ độc đáo NƠI GỪ (chữ NGƯỜI bị xé ra), cách nay hơn bốn mươi năm.
Khối nguyên liệu thứ hai là chiến tranh qua câu chuyện của khẩu súng đại liên, cũng một mực ngang nhiên xưng “tôi”, tạo nên một mạch truyện khác. Chiến tranh muôn thuở là cảnh đầu rơi máu chảy, chẳng ai mong muốn, họa là kẻ điên khùng. Những trang viết về chiến tranh đọc hấp dẫn dẫu cho tác giả đôi khi hơi lạnh lùng và “tàn nhẫn”, dẫu cho tác giả không trực tiếp trải qua trận mạc nhưng vốn sống gián tiếp đã giúp anh viết như một người trải nghiệm. Trong trường hợp này, tôi nghĩ, anh cố gắng viết bằng trải nghiệm văn hóa. Cũng là vì anh có cái nhiệt hứng của người lính, muốn nhìn chiến tranh từ nhiều góc độ (từ người Mĩ - người Hàn Quốc - người Việt), từ nhiều thế hệ (ông - con - cháu), từ nhiều giai tầng xã hội (giàu có - trung lưu - nghèo khó). Dĩ nhiên Con chim Joong bay từ A đến Z không phải là cuốn tiểu thuyết chiến tranh theo đúng nghĩa đen của nó. Dư âm của chiến tranh, hậu quả của chiến tranh ăn vào mỗi con người như thế nào, bằng cách nào? Dường như trên mảnh đất này hơn bốn mươi năm qua không ai thoát ra khỏi chiến tranh một cách triệt để (!?). Hình ảnh khẩu súng đại liên còn đi theo Cậu Chủ lên miền sơn cước (có người cho đó là hình ảnh về một trò chơi của bọn trọc phú), nhưng tôi nghĩ, nó như một cảnh báo về việc vẫn còn bọn “lái súng”, vẫn còn bọn người muốn ngửi mùi máu và tử thi. Nghĩa là chiến tranh vẫn luôn là một mối hiểm họa khôn lường, lơ lửng trên đầu nhân loại. Khẩu đại liên tạo nên một gam màu tối, màu lạnh như màu thần chết (?!). Cái miệng khát máu của chiến tranh vẫn ngoác ra ở cuối cuốn tiểu thuyết “Lửa súng bỏng hực át ánh trăng mát lành. Tiếng nổ thổi bay cả gió, thổi bạt cả mây. Tiếng đạn rú rít như một chuỗi sét phóng thẳng vào nơi tôi đang bị xích”.
Khối nguyên liệu thứ ba là những gì mong manh sót lại có thể cứu rỗi con người - hoặc là thiên nhiên đang từng ngày bị cưỡng bức, tàn phá. Họ, hoặc là con người của miền rừng núi hay thôn quê, tuy có vẻ hoang dã nhưng đó là những gì sót lại của cái tốt, đẹp, cái nguyên sơ hồng hoang (qua nhân vật Y Linh) hoặc là ở tận “dưới đáy” xã hội như người phụ nữ làm tạp vụ. Đọc Con chim Joong bay từ A đến Z, riêng tôi vẫn cứ như váng vất cái “màu rừng ruộng” (qua các “nhân vật” như Ỉn, Joong, Y Linh, Xoan, người phụ nữ làm tạp vụ, lão Bẩm,…). Nhưng tôi cứ vân vi một nỗi, cái khối nguyên liệu thứ ba này, nếu tác giả chú tâm khai thác kĩ hơn thì tiểu thuyết sẽ sâu hơn, thâm hậu hơn. Là vì, phần sau của tác phẩm có chuyện Cậu Gấu về rừng làm nhiều việc “kinh thiên động địa”. Ông Chủ sau khi viết đơn từ chối cái ghế Bộ trưởng chỉ còn nghĩ về những gì liên quan đến “màu rừng ruộng” (khi rửa tay gác kiếm sẽ về quê ở). Phải chăng cái gốc gác, cái văn hóa cội rễ của người Việt là ở nơi chốn rừng ruộng? Phải chăng cái khối nguyên sơ này hiển hiện trong các nhân vật Xoan (giúp việc cho nhà Cụ Chủ, bị Cậu Gấu phá đời con gái), ông Trưởng (thông gia với Cụ Chủ), lão Bẩm… Mỗi nhà văn đều có sở trường sở đoản. Cái khó nhất trong thực hành viết là không biến cái này thành cái kia và ngược lại.
Một tác phẩm văn chương thành công, tôi nghĩ, thường đa chủ đề. Nhưng phải có một “chủ âm”. Trường đoạn Cụ Chủ về thăm ông thông gia, cuộc rượu ở quê và cuộc đối thoại về thời cuộc giữa vị tướng về hưu và những người bình dân đã như quả bộc phá làm nổ tung cái lô cốt cuối cùng. Không hề có một “lực lượng thù địch” nào phá hoại từ bên ngoài cả. Chỉ nhỡn tiền chúng ta tự phá hoại. Ngoại xâm nay không còn nguy hiểm bằng nội xâm. Nhưng có vẻ như hơi lộ. Lộ vì thẳng băng quá (dẫu cho tác giả đã khéo léo gắn những phát ngôn ấy theo cách “rượu vào lời ra” cho những người có vẻ say). Trường đoạn Cụ Chủ chứng kiến con gái thành lập công ti để có nơi chốn giao thiệp, để có không gian hối lộ, theo tôi, là một tình tiết điển hình, là một ngọn roi quất thẳng vào “một bộ phận không nhỏ”, “một bầy sâu” đang đục khoét, làm mục ruỗng, đảo lộn xã hội. Đọc tiểu thuyết đương đại Việt cũng nhiều, có lẽ tôi chưa thấy cái cảnh nào ô trọc đến như thế. Nhớ lại tiểu thuyết Bước đường cùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, có hình ảnh ông quan huyện ngày trước giơ tay vét vào cái đĩa rồi trả lại lá đơn kêu oan của thằng dân đen, nếu so với ngày nay mới thấy, nói như ngôn ngữ tuổi teen thì, chuyện “nhỏ như con thỏ” (!?).
Cảm hứng đương đại về “cái chưa hoàn tất” sặc mùi ẩm mốc xen kẽ khê nồng mùi thuốc súng dội về từ quá vãng khiến cho Con chim Joong bay từ A đến Z có cái nhịp điệu (rythme) sôi nổi, khẩn trương, quyết liệt, dấn tới. Đọc “cái” mới này của Đỗ Tiến Thụy phải theo kiểu đọc truyện ngắn - một mạch, tức thì, nhanh tới đích để lưu giữ ấn tượng. Tôi rất chú ý đến lối kiến tạo câu văn trong tiểu thuyết mới của Đỗ Tiến Thụy. Câu văn ngắn tạo tốc độ (câu ngắn nhất chỉ một chữ, nhiều câu bốn/ năm/ sáu/ bảy chữ, câu dài nhất hai mươi chữ). Vì sao anh viết ngắn? Viết ngắn không phải vì nghĩ ngắn. Mà vì nghĩ dài. Nhưng muốn chuyển tải ý tưởng có hiệu quả nhất đến độc giả thời nay vốn thông minh, nhưng khó tính, chưa kể đôi khi rất… đỏng đảnh thì phải biết cách tiết kiệm tối đa. Cũng có ý kiến cho rằng Đỗ Tiến Thụy trong tiểu thuyết này mới chỉ chú ý đến “chuyện” còn chưa chú ý đến kĩ thuật viết. Tôi không nghĩ như thế. Hai mươi sáu chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt được điều động để tổ chức kết cấu tiểu thuyết (từ A đến Z). Tôi đã thấy kiểu tổ chức kết cấu này trong tiểu thuyết siêu ngắn (chừng 60 trang in) - Hình bóng đàn bà của Vũ Xuân Tửu. Hai mươi sáu chữ cái, gọi là chương cũng được, gọi là “đoạn” hay “phần” cũng đều được. Chúng giống nhau ở tính chất “trích đoạn” đời sống. Đặc điểm này, theo tôi, có thể do ảnh hưởng từ việc tác giả viết truyện ngắn khá có nghề trước khi viết tiểu thuyết. Nếu so sánh thì khập khiễng nhưng tôi cứ muốn so sánh lối viết này tựa như lối đá tổng lực của đội bóng Hà Lan vẫn được ví là “cơn lốc màu da cam”.
Có cần thiết khen, chê cho cân đối? Có chỗ, tôi nghĩ, phải chê đấy. Có cảm giác anh chia đều “của nả” cho các nhân vật theo tinh thần công bằng theo lối cũ (nghèo khổ bằng nhau). Vì thế mà độc giả có thể bị phân tán. Nhân vật chính đôi khi có cảm giác bị “bỏ rơi” trong khi đáng lí nó cần được chăm bẵm hơn. Nhưng mà, như đã đọc Màu rừng ruộng, tôi vẫn nhận ra sự bao dung của tác giả với số đông. Tôi và nhiều độc giả vẫn thèm muốn nhận ra trong Con chim Joong bay từ A đến Z một nhân vật chính kiểu lão Khúng (Khách ở quê ra) của Nguyễn Minh Châu, Giang Minh Sài (Thời xa vắng) của Lê Lựu, lão Khổ trong tác phẩm cùng tên của Tạ Duy Anh. Nhưng mà đành lòng vậy cầm lòng vậy. Trong tầm quan sát riêng, tôi nghĩ, Con chim Joong bay từ A đến Z là một trong vài ba cuốn tiểu thuyết đáng đọc trong năm 2017. Và nữa, theo tôi, đây chưa phải là cuốn sách mà Đỗ Tiến Thụy không thể vượt qua được trong nghiệp viết của mình.
Hà Nội, tháng 9/2017
Nguồn: Bùi Việt Thắng - VNQĐ
Khi được hỏi lý do nào thôi thúc bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên tâm sự rằng: “Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.
HỒ ANH THÁI
Tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, những khám phá thú vị trong cuộc sống xa xứ là điểm chung trong hai tác phẩm “Bốn mùa hoang vu xứ kiwi” và “3,1kg hạnh phúc” của hai tác giả trẻ Trần Băng Khuê và Mai Thanh Nga cho bạn đọc thấy được phong vị của những vùng đất khác nhau cũng như cuộc sống của những người Việt trẻ xa xứ.
Sức viết của nhà thơ ngoài lục thập Đinh Ngọc Diệp (sinh năm 1956) có dấu hiệu mạnh lên khi trước thềm xuân mới, ông ra mắt tập “Hành trình 6” (NXB Hội Nhà văn).
Sau giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, mới đây, đạo diễn Xuân Phượng tiếp tục nhận thêm giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM cho hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Tác phẩm đã phần nào khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức Việt Nam trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
“Duyên” - tôi biết đến tác giả Nguyên Phong từ cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết . Tôi cũng đọc qua về tiểu sử, con đường sự nghiệp của ông. Thật đáng để ngưỡng mộ!
Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm vừa ra mắt tuyển “Thơ chọn Vương Tâm” (NXB Hội Nhà văn), với 180 bài thơ và một số bức tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhắc tới nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn văn thường nhớ tới tiểu thuyết “Quyên”; các tập truyện ngắn: “Gió lạnh”, “Vàng xưa”, “Hương mĩ nhân”, “Vườn mộng”; các tập bút ký và tản văn: “Đào ở xứ người”, “Đầu ngọn sóng”… Ông còn sáng tác thơ, vẽ và viết kịch bản phim… Nhớ về thời hoa niên nhiều ước vọng, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.
“Sống mãi trên quê hương anh hùng” (NXB Quân đội nhân dân, 2021) là cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký, về cuộc đời của một người anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang - hình ảnh đại diện cho một thế hệ thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho hòa bình, thống nhất của dân tộc...
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng không phải mọi cắt nghĩa về nó đã thật thấu đáo, thuyết phục.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua là giới thiệu, nghiên cứu, tổng thuật các hệ thống lý thuyết để vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học.
Với 17 truyện ngắn gọn gàng, tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” vừa được NXB Văn học ấn hành, mở ra một thế giới ngổn ngang, đa tạp của cuộc sống đời thường từ miền quê đến phố thị với đủ mọi cung bậc cảm xúc, những cảnh đời buồn vui, đặc biệt là những thân phận đàn bà nhọc nhằn, cay đắng.
Nhãn sách Văn sử tinh hoa thuộc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) vừa phát hành cuốn "Phong vị xuân xưa - Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim". Tác phẩm được sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945.
Mấy năm gần đây, nhiều danh tác Việt đã được phát hành lại, mang đến cho độc giả hiện đại cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn các ấn phẩm có tuổi đời trên dưới một thế kỷ. Không đơn thuần là “bình mới rượu cũ”, nỗ lực này còn mang tính gợi mở, góp phần định vị, thúc đẩy đa dạng chiều kích văn chương.
“Bốn nhà văn nhà số 4”, NXB Hội Nhà văn, của nhà phê bình Ngô Thảo dày dặn, chia làm bốn phần, tập hợp 35 bài viết của tác giả về bốn nhân vật văn chương nổi tiếng mà sự nghiệp gắn liền với ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế - tạp chí Văn nghệ quân đội. Đó là Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn.
Truyện ngắn đối với những tác giả trẻ, mới viết văn, nhiều người tự khám phá mình, bao giờ cũng qua một thử thách. Dương Hương - một tác giả trẻ vừa cho ra mắt tập truyện ngắn “Giá của đàn bà” với nhiều cảm xúc mới mẻ. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh về tập truyện ngắn , của tác giả Dương Hương, do Liên Việt ấn hành.
Cầm trên tay cuốn “Thời xuân sắc” của nhà văn Huệ Ninh (NXB Thế giới, 2020) - hồi ký của một người phụ nữ bình thường, tôi thật sự xúc động và còn thấy tiếc, tự hỏi sao sách không dày hơn nữa.
“Nấp” trong nhà báo Trần Nhật Minh với vẻ ngoài “đồ sộ, quánh màu nước thời gian”, là trái tim thi sĩ nhiều rung động. Cho nên, có lẽ đã lần lữa mãi, thì cũng phải đến ngày tâm hồn chật căng, buộc phải tỏa lan hương chất mà tháng năm cuộc đời mình đã trầm tích.
“Hừng Đông” viết về “đêm trước” của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong bối cảnh ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố, mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học - chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu.
“Lắng đọng và suy nghĩ” (NXB KH&KT, 2020) cái tên sách khiêm tốn của Tạ Quang Ngọc trở nên cuốn hút tôi. Và sự chắt lọc trí tuệ, cũng như chân thành cảm xúc, chân thành tự bạch trong cuốn sách này đã không chỉ khiến tôi cảm phục tác giả, mở mang tri thức, mà còn nâng thêm cho mình bản lĩnh, bồi đắp tình yêu con người, tình yêu đối với quê hương đất nước và sự nghiệp cách mạng.