Cái mới phải mạnh mẽ, cái cũ phải sâu và nhìn ra thế giới

15:48 16/01/2015

(Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương trong lễ kỷ niệm 5 năm)

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ và các tác giả được giải trong lễ kỷ niệm 5 năm

Năm năm đã qua, kể từ khi Sông Hương số 1 đến tay bạn đọc. Đó là quãng thời gian thật có ý nghĩa đối với đời sống chúng ta: nhu cầu đổi mới đã trở nên một nhu cầu bức thiết, dần trở thành quyết tâm, một quyết tâm sống còn của cả dân tộc. Lương tâm và tài năng của người nghệ sĩ, của người trí thức phải đối diện với một tấm gương lớn của đời sống để từ đó hiện rõ lên chân dung đích thực tư cách mình. Và đó là vấn đề cốt yếu của người nghệ sĩ, cũng là vấn đề cốt yếu của một tờ báo. Ngay từ những tiếng nói đầu tiên của một đời người, dù còn bập bẹ, Sông Hương đã nói đúng tiếng nói của chính tâm hồn mình, của chính ý tưởng mình theo đuổi. Một điều tưởng chừng quá đơn giản nhưng thực ra không dễ dàng thực hiện nó. Bởi không ít trang viết của chúng ta đã bao năm trời Iượn lờ trên một dòng chảy nông cạn, của đời sống nhân dân, hời hợt và ồn ào trên niềm vui và nỗi đau đều sâu thẳm của nhân dân, nhiều lúc chỉ như một cuộc dạo chơi thật ngoạn mục, vô duyên và phù phiếm. Bởi không ít thói quen chẳng tốt đẹp gì, trong đó có thói quen thật chua xót là nói trái với những gì mình cảm nhận, lại còn khoa trương nó lên với ngộ nhận là cách mạng, để trở thành một căn bệnh trầm kha. Căn bệnh đó dĩ nhiên sẽ loại trừ phẩm chất, tước bỏ khả năng khám phá và phát hiện, làm chai cứng sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, của một nhà báo!. Tất nhiên chúng ta không hề đồng tình với thái độ nhận thức kiểu quả lắc đồng hồ bởi đó nếu không là kết quả của một hiểu biết nông cạn thì cũng là biểu hiện của một thái độ cơ hội, khi thì nghẹn ngào kêu xướng lên "Chủ nghĩa tuyệt vời", cái gì chúng ta viết ra, sáng tạo ra trước đây đều là tuyệt vời đều là đỉnh cao, khi thì hô hoán lên tất cả đều là vứt bỏ, tất cả đều cần phủ định. Cả hai thái độ đó đều ngăn cản chúng ta tiến gần đến chân lý, ngăn cản chúng ta đến với những số phận đích thực của con người, đến với những nút thắt của xã hội, đến với nhũng điểm nóng bỏng của đời sống nhân dân. Đó là một thái độ xa lạ với khoa học. Chúng tôi dừng lại hơi lâu ở sự phân tích này, bởi vì theo chúng tôi, cái gì Sông Hương làm được và làm chưa được đều xuất phát từ điểm chủ yếu này. Đó là sự xuất phát tìm ra đúng chỗ đứng, tìm đúng hướng đi, tìm đúng cách nhìn để mà phấn đấu dấn thân, thủy chung dấn thân và dũng cảm dấn thân. Và đến hôm nay, về vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng, chúng ta đã lựa chọn đúng. Vì vậy, trên các số tạp chí, trên từng chuyên mục, trong từng bài viết chưa phải tất cả các bài đã hay, chưa phải đã có nhiều bài hay, nhưng bạn đọc đã cho rằng hơi thở của SH, tính khuynh hướng của SH là rõ ràng và mạnh mẽ. "Cái mới phải mạnh mẽ, cái cũ phải sâu và nhìn ra thế giới" không phải là một phương châm tùy hứng mà đó là một kết quả tìm tòi của tập thể SH suốt trên chặng đường đi chưa dài nhưng không quá ngắn vừa qua, là kết quả sự thu nhận những chỉ đạo nhạy cảm nhất của Đảng và sự đóng góp thông minh sắc sảo của bạn bè trí thức và nhân dân. Và đó cũng là kết quả của một sự phủ định chính mình để tiến bộ của từng cán hộ, biên tập viên cho đến tổng biên tập. Chúng ta đến với một vùng căn cứ kháng chiến cũ nghèo khổ, ra tận một đảo xa phòng thủ, lên tới một đồn biên phòng bốn bề mây phủ hoặc đỉnh cao của một khu nghỉ mát bị bỏ hoang phế. Chúng ta len lỏi trong một khu chợ ồn ào và phức tạp, theo những thủy thủ để đánh cá mập, vào tận hang động của người Rục, chúng ta lần vào cả những đề tài khoa học tự nhiên quá tầm hiểu biết của mình đến với hàng trăm tiếng kêu oan ức đau đớn của con người bị bọn cường hào mới ức hiếp... đó là cả một chuỗi dài thời gian thử thách. Bởi để có những bài viết ấy không chỉ phải mệt mề sức lực gấp bội, tốn hao tiền bạc của cá nhân giữa buổi nghèo khó, mà còn phải loại bỏ một thói quen viết lách bàn giấy, loại bỏ thói quen nghe báo cáo, và thói quen ưa được vuốt ve, ưa được đón rước khi đi thực tế để "làm bài ca về chủ nghĩa tuyệt vời" và điều quan trọng là loại bỏ thói quen e ngại, thậm chí sợ hãi đấu tranh với những kẻ xấu có chức có quyền hoặc những cách nhìn cách nghĩ cũ kỹ đang cản trở xã hội chúng ta tiến lên. Ngay cả chủ trương nâng đỡ mạnh mẽ để phát hiện bồi dưỡng các khả năng trẻ, kiên trì chủ trương là một nơi sử dụng những sáng tác và suy nghĩ mang tính thể nghiệm, cho đến những bài thơ tự chọn... đều là những gì mà 5 năm trước chúng ta chưa từng nghĩ ra hoặc chưa dám làm.

Những bài viết, những công trình về những gì đã qua của truyền thống văn hóa, của lịch sử... lãnh vực thường được độc giả đón nhận nhiệt thành khi mỗi số Sông Hương phát hành, lại đòi hỏi một cố gắng, một phấn đấu có ý nghĩa thâm trầm hơn. Không những nó đòi hỏi chúng ta tránh cách dùng bài tùy tiện, có bài gì dùng bài đó, mà điều khó hơn là những bài vở ấy phải được dùng dưới một tư duy nhất quán, tập trung vào những vấn đề của lịch sử mà chúng ta cho rằng cần phải đề cao hoặc phê phán, cần làm sáng tỏ hoặc phải điều chỉnh cách nhìn nhận và ưu tiên cho những khám phá, cho những lập luận mới mẻ dũng cảm. Loại bài vị thế lịch sử của xứ Huế, về đạo Kitô, về bản nhạc Thiên Thai một số hồi ký... và sự hồi âm nhiệt thành của độc giả cho phép chúng ta nói rằng chúng ta đã đi đúng hướng và hướng đi này cần được khẳng định hơn, đậm nét hơn. Và gần đây chúng ta chủ trương phải mở ra thế giới, nhìn ra thế giới nhiều hơn. Chúng ta có quá ít tài liệu, có quá ít thông tin, ít hơn cả một số tỉnh lẻ gần các trung tâm lớn. Thông tin về văn hóa, văn học nghệ thuật thế giới lại càng ít. Với sự giúp đỡ của bạn bè, của Hội Người Yêu Huế, của Hãng APN, với sự hình thành bộ phận tư liệu dịch của Tòa soạn với sự thiết lập và phát triển quan hệ với tạp chí Nhê Man (CHXHCN Biêlôruxia)... chúng ta đã chứng tỏ mình đang cố gắng theo hướng này. Nhưng còn quá nhiều trắc trở, cánh cửa mới hé ra quá chừng chật hẹp, thế giới chúng ta nhìn mới chỉ là một vệt sáng dọc bằng một ngón tay. Mà không có thông tin mới thì nhất định sẽ cản trở lớn, nếu không nói là không thể có tư duy mới để thực sự đổi mới tờ báo, góp phần đổi mới cuộc sống. Và thật là thiếu sót nếu như không nói đôi lời về một vấn đề rất phức tạp và nan giải của tạp chí trong suốt 5 năm qua. Đó là việc buộc phải làm kinh tế của tạp chí Sông Hương, một tạp chí phần lớn và chủ yếu gồm những anh chị em "Văn chương chữ nghĩa", toàn loại trói gà không chặt cả. Trên lĩnh vực này, cho phép tôi được nói to một câu này: quả thực anh chị em chúng tôi rất dũng cảm! Bởi có lúc Sông Hương lâm vào một cảnh đúng như cảnh gà mắc tóc. Không thể giải quyết chuyện kinh tế chuyện chống trượt giá đến chóng mặt chỉ bằng việc tăng giá, mặc dầu 3 năm qua chúng ta đã tăng đến... 11 lần! Đến bây giờ Sông Hương chưa một lần trễ hạn, chưa một lần phải gộp số như một số tờ báo bạn (thực chất là đình bản từng thời gian) đã là một thành quả. Thành quả này, nói một cách "kinh tế", 1/2 thuộc về anh chị em tòa soạn và 1/2 kia thuộc về sự giúp đỡ của tài chính, những bạn bè chí thiết trong nước và đặc biệt của Hội Người Yêu Huế tại Pháp. Thành quả này đạt được quá chật vật và thấp thỏm, chưa biết những ngày tới sẽ diễn ra cảnh trạng gì khi mà tài chính cho biết, theo quyết định của trên, Sông Hương tự lo trả lương cho anh chị em, tự nuôi nhau để mà làm cách mạng! Đây là một thử thách thật đáng kể, chẳng thua gì thử thách khi mà Sông Hương in một cuốn sách văn học nổi tiếng, cũng là để lấy tiền lo sự tồn vong của tạp chí và cho những hoạt động nhân 5 năm Sông Hương, lại bị kiện tụng, giằng co đến hàng năm trời trước đủ loại công sở, kể cả có lúc nghe cả tên 2 cơ quan là Viện Kiểm sát và Tòa án, cuối cùng nó lên tới bàn kiện của Bộ Thông Tin, Ban Tuyên Huấn Trung ương và nghe đâu cả... Hội đồng Bộ Trưởng! Nhân đây cho tôi nói thêm một câu về chuyện này: những gì cần rút kinh nghiệm chúng tôi sẽ rút ra mà kinh nghiệm chủ yếu là: chỉ ỷ vào cái tâm thành là chưa đủ, nhưng qua sự kiện này nó hiện ra rất rõ một hiện tượng rất không bình thường trong cơ chế hoạt động văn hóa ở nước ta và chúng tôi sẽ có dịp chính thức đề cập tới tình trạng không bình thường đó.

Năm năm chỉ là một đoạn đời của đứa bé vừa biết nói sõi, biết đi, chạy thì còn dễ vấp ngã. Sông Hương đúng là đứa bé ấy. Nó hay nói nhưng không ít chữ còn nói ngọng, nói lịu, có lúc nói sai câu sai chữ. Đi đứng thì bàn ghế lổn chổn, gạch đá gồ ghề... mà muốn chạy nhanh, chạy nhanh cũng được, nhưng mắt nhìn ngó chưa lẹ, nên có lúc vấp ngã. Cái tâm thành đã có, ý chí dấn thân vào công cuộc đổi mới đã đỏ cháy lên trong lòng, nhưng ngọn lửa vẫn chưa đủ độ nóng, sự tỉnh táo sắc sảo còn thiếu khi xem xét, đánh giá những hiện tượng xã hội, còn đơn giản ở những vấn đề phức tạp, còn nông cạn ở những chốn vốn sâu thẳm và đa dạng, và, sự đổi mới trong chính mỗi người viết trong chính tòa soạn chưa tương xứng với những gì mà những bài viết trên tạp chí đặt ra gắt gao với người đọc, với xã hội, với các cấp chính quyền... có lãnh vực thì Sông Hương đã có cái nhìn điềm đạm, khá chính xác và cả sự nhạy bén nhưng không phải không có biểu hiện sự thiếu tỉnh táo, nói đúng hơn là sự quá đà, trông một vài lãnh vực rất nhạy cảm, thường là sự đánh giá đích thực của giá trị quá khứ hay các biện pháp, các sự thể hiện đổi mới, tất cả, nói cho cùng, nhận thức sự đa dạng, phức tạp, toàn diện, gay go của công cuộc đổi mới, nguyên nhân căn bản của công cuộc đổi mới đang và sẽ tiếp diễn trên đất nước ta chưa đủ độ sâu sắc và chín muồi.

5 năm qua, Sông Hương may mắn nhận được sự ưu ái thật cảm động các ngành liên quan Trung ương luôn động viên. Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực ủy ban nhân dân Tỉnh, nhất là các đồng chí chủ chốt, suốt cả 5 năm trời kiên trì, thủy chung một thái độ thường xuyên động viên, khuyến khích, giúp đỡ tận tình, chỉ đạo tế nhị cả trong những trường hợp các đồng chí không tán thành việc này việc kia của Sông Hương. Chúng tôi nói một cách tự trọng và chính xác rằng, phong cách lãnh đạo đó đã động viên chúng tôi rất nhiều, giúp chúng tôi tự tin hơn, bình tâm hơn để sáng tạo, để cống hiến. Bạn bè gần xa trong nước ưu ái chỉ vẽ nhiệt tình đóng góp sức lực. Bà con ở nước ngoài, đặc biệt Hội Người Yêu Huế tại Pháp, với tất cả tấm lòng yêu mến quê nhà đã giành cho Sông Hương một sự giúp đỡ vô cùng quý giá trong việc phát hành Sông Hương tại Pháp và Tây Âu, trong việc gửi tài liệu nghiên cứu cho Tòa soạn, trong việc vận động giúp đỡ vật chất, trong những hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Sông Hương lần này... Và nhân dân, và độc giả Huế - Bình Trị Thiên đã từng bước đến với chúng tôi, ngày một sâu đậm, động viên chúng tôi vững vàng vào những thời điểm gay cấn, chỉ cho chúng tôi những chỗ yếu kém... Sự quan tâm của "những người chân đất" này khiến cho lòng chúng tôi vô cùng ấm áp, ý chí dấn thân càng được tăng cường và ngay cả trong quan hệ đối ngoại, dù chỉ mới bắt đầu, những khi thiết lập quan hệ, các đồng chí Nhê Man và Hội nhà văn Biêlôruxia, Hội nhà văn Liên Xô, Đài phát thanh và truyền hình Liên Xô, hãng Thông tấn APN đều rất niềm nở, nhiệt thành với Sông Hương. Sự có mặt mau chóng như một kỷ lục của các đồng chí hôm nay đã nói lên điều ấy. Chúng tôi không một chút khoa trương khi nói rằng: thật hiếm có một tờ báo nào lại nhận được sự động viên, giúp đỡ "đồng bộ" một cách nhiệt thành như vậy. Cho nên có anh em trong chúng tôi nói rằng, có lẽ do Sông Hương sanh vào ngày lành tháng tốt nên được cái số đại may. Chứ thực ra mình đã làm được bao nhiêu, mình chỉ là một tờ báo văn học nghệ thuật của một vùng nhỏ bé. Nói như vậy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, tất cả thái độ ấy là bình luận chính xác và sắc nét của những con người, những tổ chức thấm đậm một truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Huế - Bình Trị Thiên thân yêu. Vì vậy, chúng tôi không khách sáo một chút nào khi khẳng định rằng, những gì đã làm được của Sông Hương là kết quả một nỗ lực văn hóa của tất cả chúng ta, còn những gì làm chưa được là phần trách nhiệm của anh chị em chúng tôi trong tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt anh chị em trong tòa soạn Sông Hương chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Trung ương, các ngành các giới, các bạn bè trong ngoài tỉnh, bà con trong HNYH ở Pháp và các nước, cảm ơn các bạn Liên Xô...

Tất cả đang còn là phía trước. Cả vinh quang và cay đắng. Công cuộc đổi mới đang chuyển động cả trong lãnh vực văn học nghệ thuật và văn hóa, nhưng đổi nhưng đã mới chưa, và cái mới ấy thế nào mới đích thực là mới... tất cả đang cần một thái độ dấn thân, một khám phá, một đóng góp, một thái độ hiến thân. Sông Hương nguyện phấn đấu để xứng đáng hơn nữa với niềm tin cậy và hy vọng mà người dân và lãnh đạo, mà bạn bè gần xa đã đặt vào bàn tay mình.

T.N.V
(SH33/10-88)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • HỒ DZẾNH
             Hồi ký

    Mai sau dù có bao giờ
    Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

                                 NGUYỄN DU

  • LÝ HOÀI THU

    Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa - Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.

  • PHẠM THỊ CÚC

    (Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)

  • Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.

  • CAO THỊ QUẾ HƯƠNG

    Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.

  • THÁI KIM LAN

    Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.

  • Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?

  • Tôi được quen biết GS. Nguyễn Khắc Phi khá muộn. Đó là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khi anh được chuyển công tác từ trường ĐHSP Vinh ra khoa Văn ĐHSPHN.

  • Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3. Một hôm, ở khu tập  thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.

  • NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN

    (Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)

  • BÙI KIM CHI

    Trời cuối thu. Rất đẹp. Lá phượng vàng bay đầy đường. Tôi đang trong tâm trạng náo nức của một thoáng hương xưa với con đường Bộ Học (nay là Hàn Thuyên) của một thời mà thời gian này thuở ấy tôi đã cắp sách đến trường. Thời con gái của tôi thênh thang trở về với “cặp sách, nón lá, tóc xõa ngang vai, đạp xe đạp…”. Mắt rưng rưng… để rồi…

  • LÊ MINH
    Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)

    … Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.

  • NGUYỄN KHOA BỘI LAN

    Cách đây mấy chục năm ở thôn Gia Lạc (hiện nay là thôn Tây Thượng) xã Phú Thượng có hai nhà thơ khá quen thuộc của bà con yêu thơ xứ Huế. Đó là bác Thúc Giạ (Ưng Bình) chủ soái của Hương Bình thi xã và cha tôi, Thảo Am (Nguyễn Khoa Vi) phó soái.

  • (SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

  • NGUYỄN CƯƠNG

    Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.

  • PHẠM HỮU THU

    Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
    Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
    Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.

  • TRẦN NGUYÊN

    Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.

  • PHẠM HỮU THU
           Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12

    “Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).