Bay trên sông Thao

10:30 19/11/2010
VI THÙY LINHÔ tô xanh chạy triền đê thở cùng những đợt hôn ngạt thở. Không phải Hollywood mà hơn cả Hollywood, khi mỗi nhịp vô - lăng là một scène cuồng say nơi miền không chạm đất nơi miền không lên trời. Sông Thao đang chảy trong tình yêu của tôi.
Hẹn từ tháng Tư duo(*) tháng Tám. Một đêm chờ qua ban mai vỡ mưa, xuyên trưa nồng nàn rồi vút bay từ đại lộ Hùng Vương, hai kẻ lãng mạn cuối cùng, không lúc nào muốn nhìn đồng hồ lúc bên nhau. Trước khởi hành chuyến đầu tiên, mình đã mong ròng rã cơn trung du điệp trùng. 2000 năm di chỉ 2000 sông suối lớn nhỏ, con số cơ học không làm ViLi quên sông Thao là một trong những con sông đẹp nhất, thơ nhất. Đẹp, vì những hiển lộ, tiềm ẩn; đẹp vì nó là dòng chảy văn hoá, lịch sử của văn minh sông Hồng. Chưa hết đại lộ dài như một cơn hôn, Anh đưa em lên đê. Sẽ chạy trên đê 35 km ngược lên thị xã (TX) Phú Thọ, quãng đường bằng 1/3 chiều dài sông Thao.

Sông Hồng là sông Cái, sông Mẹ. Sông Thao là một đoạn của sông Hồng chảy từ Yên Bái về Việt Trì. Tôi muốn gọi sông Thao là nàng, một nàng - không - tuổi.

Trưa ắng men tiếng gà từ làng vắng. Lúa vụ Hè - Thu mãi xanh. Sông ửng màu da dưới mặt trời ánh sáng “um” trùm vùng êm ả, tưởng tít tắp mãi chân trời.

Chẳng xà lan, đò dọc, đò ngang như hoàng hôn chậm ngã ba Bạch Hạc, sông Thao khoả mình hồng nuột giữa bối cảnh ngụ tình, gọi tiên về nô đùa quên xiêm áo, hay gọi Anh xuống bến tắm cho em? Sao không thấy tàu lá chuối nào lành? Phải vì chuối quá phong tình xé mình với gió, chỉ có đọt non còn nguyên như thơ Nguyễn Trãi giữ “tình thư”. Đê cao, bên trái nàng Thao, bên phải quê làng. Mình bay cùng Thao, men từ chuyến gió mùa Xuân tóc bay tràn mặt Anh trong cơn ảo diệu. Kết của sông Thao là Việt Trì; hợp lưu với Đà, Lô (hai chi lưu của sông Hồng) đổ ra sông Hồng rồi cửa biển. Việt Trì, đỉnh của Tam giác châu - đồng bằng Bắc Bộ, có đền Hùng, trung tâm kinh đô Văn Lang. Nơi đây, xa xưa là cửa biển, thế hệ qua thế hệ, lớp lớp người cùng những biến thiên, lấn biển để Việt Trì thành cửa ba sông.

Từ nơi nàng Thao duỗi chân ra Bạch Hạc, ta bắt đầu lên thượng du, tới vùng văn hoá cọ trong nền văn hoá người Việt cổ, với di chỉ, dấu vết vẫn còn tượng hình sôi động nơi tâm điểm trung du.

Khám phá sông Thao mà lại nhớ sông Đà. Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân - một áng tuỳ bút mãnh liệt, gọi mời, có còn ai biết - đi - đò như Nguyễn? Đà chảy từ Lai Châu, nhỏ hơn sông Thao, song độ dốc lớn, nên người ta dùng sức nước làm nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, đặt những tổ máy phát điện, những turbine trong lòng núi. Đà lao qua núi nên nước Đà đen. Lớn hơn sông Đà, vẫn nhỏ hơn sông Thao, Lô thả xanh từ Tuyên Quang - miền gái đẹp, mãi trường ca biếc sóng. Lăn tăn điệp vân da hồng, Thao gợi cơn phồn sinh xứ sở.

Minh họa: Đỗ Hoàng Tường


Đôi ta đang bay theo tả ngạn sông Thao.
Bên trái em là anh. Bên trái em là Thao. Tả ngạn trái tim cuồng lưu tình bất tận.

Mắt bay trên sóng, sông vang lời ngàn năm. Lời của ngữ hệ Tày - Thái, vùng văn hoá xen kẽ Việt - Mường. Người Tày làm chủ vùng Phú Thọ, gọi sông Thao là Nậm Tao. Vua Hùng thứ 18 sinh ra Mỵ Nương. Nếu là công chúa, tôi sẽ lấy Thuỷ Tinh, chàng thông minh, si tình ấy mới là tài trai đáng để tâm phục làm hiền thê mãn kiếp. Vua Hùng đã thiên vị Sơn Tinh mà ngầm “chỉ định thầu” khi thách sính lễ. Thống lĩnh Tây Bắc - Âu Việt, An Dương Vương của Âu Việt đánh thắng Lạc Việt của Vua Hùng, lập ra nước Âu Lạc, kinh đô là thành ốc Cổ Loa. Vua Hùng có Thành Mè - Phú Thọ. Nơi đây cùng Việt Trì được Pháp chọn xây dựng đô thị, thủ phủ đóng tại Phú Thọ nơi Toà công sứ Pháp là trường ĐH Hùng Vương ngày nay. Lương tướng của Vua Hùng 18 là Ma Khê, một người Tày. Mè là Ma - họ của dân tộc Tày. Phú Thọ Thành Mè, có chợ Mè, là thế.

Đếm làm sao 99 quả đồi hình 99 con voi trên đất Tổ, con số biểu tượng ít hơn thực tế. Vùng Vua Hùng bao trùm Lâm Thao, Phú Thọ, Phong Châu, Việt Trì. Sông không đơn giản là sông. Sông Hồng như Hoàng Hà của Trung Quốc, như sông Hằng của Ấn Độ, là sông thiêng, mà Thao, người con đẹp nhất của Mẹ Hồng đã chứa đựng bao phù sa truyền thuyết và huyền thoại. Đi qua làng Gáp - Tứ Xã, có di chỉ Đồng Đậu - Gò Mun, có trò tháo khoán, tục dân gian lâu đời, rất Tây. Đêm 11 tháng Giêng, sau khi làm lễ, ông từ cùng đôi trai gái từ trong đền lao ra, các đôi trai gái chạy theo, ngược chiều kim đồng hồ ba vòng quanh đền, rồi tha hồ tình tự. Đâu cần đợi đến Xuân để yêu tan trời Lâm Thao, uyên ương từng giây đắm đuối. Thị trấn Lâm Thao huyện lỵ, có nhà máy Supe phốt phát & hoá chất Lâm Thao, tồn tại gần 50 năm, ba lần anh hùng, góp phần cho khắp nơi nhiều vụ mùa bội thu. Vựa lúa trù phú này là huyện tiếng tăm nhất tỉnh. Đường láng mịn nhiều khúc quanh, nhìn về phía trước, mặt chạm sông mà như đang lượn ôm ven biển. Bay trên đê lướt chậm qua vùng eo gợi cảm núi đồi, sông cuốn lưng trời phơi mở đường đường cong gần xa, son hoà màu cọ. Buổi chiều hiền như con bê vàng cùng bầy bò tha thẩn chân đê cỏ mượt. Ai phơi lụa dòng Thao theo làn da thở. Việt Trì thiếu giai nhân, phải cất công tìm người đẹp theo hướng thượng nguồn.

“Sông Thao nước đục người đen
Ai lên Phú Thọ thì quên đường về”

Tôi không tin, vì biết tinh thần của nó là nói ngược. Có người lại thay Vũ Ẻn bằng Phú Thọ khi chiêu dụ câu ca dao này. Sông lấp lánh thêm vì vô vàn thôn nữ da trắng tắm chiều. Thần Nông ưu ái trung du trù mật. Thao ven thôn Chu Hưng, Hạ Hoà đã vào thơ Lưu Quang Vũ, người trai gốc Đà Nẵng, trưởng thành Hà Nội và sinh ra ở đây, đã tắm: “Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao”. Hạ Hoà, gần thượng nguồn Thao có xã Hiền Lương, ngự đền Mẫu Âu Cơ, cũng là nơi Hội Văn nghệ VN ra đời thời kháng Pháp. Mẹ Âu Cơ để lại một con ở Việt Trì làm vua, đưa 49 con lên khai khẩn núi rừng.

Miền ken dày lịch sử, huyền sử, em mơ tương lai trong cảm giác cổ tích kéo dài. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Nơi nào có người yêu ở bên, nơi ấy là thiên đường”. Chúng mình đang bay xứ sở Thiên đường. Thiếu nữ đang tắm sông Thao đan bóng những giai nhân thuở trước. Từ Thanh Sơn, Thanh Ba, Phù Ninh tới TX Phú Thọ, bao nhiêu cây sơn cho đủ vẽ nàng nàng, cho bức tranh khổng lồ chất liệu sơn mài tạo hoá. Anh hiểu nghề trồng sơn, Anh đã vẽ bao vẻ đẹp bằng ngôn ngữ, phóng tay tuôn đẫm mỹ từ. Cơ man tiên của đời thực khoả trắng chiều. Không gian khoáng đạt và trinh khiết toả mùi rừng, mùi sông, mùi yêu. Hồ Xuân Hương đang ngủ giấc trưa. Thiếu nữ họ Hồ theo cha đến đất này, thế kỷ 19 hiện ra bên mái nhà lộng gió còn vương bóng nàng. Lan trên sóng những giai điệu của Volga bên Moskva, Neva của Saint Péterbursg và Danube trôi qua các thành phố cổ kính. Hoa sở trắng soài bay theo gió lẳng lời Trịnh Công Sơn ngân thảng thốt Đoá hoa vô thường: “ Có con chim hót tên là ái ân / Gió mùa thu rất ân cần/ Một thời yêu dấu đã qua/ Gót hồng em muốn quay về/ Tìm lại trên sông những dấu hài”. Trên đường đôi trung du đá ong đất đỏ, bên dòng thơ, gót son khiêu vũ theo các bản nhạc cổ điển tuyệt tác của loài người dồn về đây vòng vòng xoay đĩa hát thời gian. Sông Thao dịu mát gọi mời. Thân thuyền cong triền cát sông cạn nước tháng Tư, giờ neo giữa sông đầy. Ba trụ cầu đang đổ móng. Bến phà Ngọc Tháp vẫn cần mẫn đưa khách từ TX Phú Thọ sang huyện Tam Nông. Xã Hiền Quang bên ấy có Hội đền bà Thiều Hoa - nữ tướng của hai chị em nữ tướng cách đây hơn 19 thế kỷ. Cái phà sắt rẽ dòng, phun khói đen, khi đơn, khi đôi đi về; bom đạn không làm mất, không gián đoạn, thời bình lại sắp bị xoá sổ, thành dĩ vãng. Hễ cầu mọc lên là mất phà. Ôi những chuyến phà đã đi vào văn thơ, nhạc họa, phim ảnh tâm trí bao người! Nhiều kẻ có mới nới cũ, công nghiệp hoá tốc độ sống, sẽ quên phắt phà sắt, đò ngang. Riêng tôi, muốn giữ mãi những con phà. Vẫn còn đấy, phà Chí Chủ từ Ngọc Tháp đi Cẩm Khê, chéo lên phía Tây mặt trời lặn. Không ở Phong Châu mà gió thổi lộng. Tưởng tượng Thao như sông Loire, bao cung điện lâu đài hai bên, nơi các vua, lãnh chúa, quý tộc Pháp thường chia thời gian sống cùng Paris tráng lệ. Những đền đài, cung điện nghiêng bóng xuống dòng Thao. Âm vang nhịp chiêng khí phách hồn Việt miên man xoan, ghẹo.

Lời tình của đất trời, gọi sum vầy các đời vua, hoàng tử, công chúa. Dội sóng những trận đánh hào khí từ thuở Nhà nước Văn Lang tới khi có nước Việt thống nhất non sông; quyết liệt, dữ dội để giành lấy thanh bình. Thư thả những Mỵ Nương truyền kiếp vào các thiếu nữ ven dòng sông huyền thoại, khiến những ai biết yêu muốn trở đi trở lại, không rời.

Tỉnh lỵ cũ nên thơ xanh cổ thụ từng có nhiều công trình kiến trúc Pháp chắc là thị xã đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Ở Tô Châu (Trung Quốc), nhà nào sinh con gái, sẽ trồng cây long não nhỏ. Nhìn cây long não trước cửa, biết cô con gái nhà ấy lớn chừng nào. Phú Thọ có bao nhiêu giai nhân, ai đếm được, như không ai nói chính xác có bao cây long não? Chỉ biết, dầu từ hoa long não là của quý, và mùi hoa long não vẫn hằn.

Cọ xoè bàn tay chào hay kêu cứu? Cọ không đủ nhiều để bạt ngàn mãi không hết. Cọ không còn để điệp trùng ngút mắt. Tất cả những nét đẹp nguyên uỷ, những gì cổ kính khắp nước mình đều bị phá, mất dần đi. Chỉ có sự lắng đọng êm đềm vẫn toả khi bắt đầu chạm vào TX. Đoàn tàu hoả lên Tây Bắc, rủ nhau những toa buồn qua ga chiều trung du. Đường dốc mơ màng cổ phổ diệp lục xà cừ đưa mình say trên dốc Tỉnh.

Xa lắm những người con gái khi đất nước lâm nguy phải cầm gươm ra trận. Đất thiêng đã hoá giải tất cả bi kịch, nỗi đau bằng những giai thoại, khát vọng sinh sôi, yêu và mơ ước. Cùng phía tả ngạn này, phía trên là Thanh Ba, Hạ Hoà. Bên kia sông, huyện Tam Nông có làng Văn Lang nói khoác. Ngược thượng du, để nguồn sông Thao ngả vào Vũ Ẻn, Ấm Thượng, Đan Hà - cái làng đẹp như mơ quê nhà văn Hà Phạm Phú, chót cùng Hạ Hoà, huyện biên giới Phú Thọ giáp Yên Bái.

Cọ đã lợp mái Văn Lang từ tiền sử đến nhiều thế kỷ sau, lợp dày lớp lớp ký ức. Chúng ta vút tới thế kỷ 22 hay hồng hoang đang hiện. Lưu tốc chậm lại, lưu vực hẹp dần, nhưng những con sông văn hoá vẫn không ngừng bồi tụ, trầm tích ngàn năm như tình sử không bao giờ kết.

Đan nhau, chúng mình bay trên sóng trong không gian ba chiều huyền nhiệm từ ngã ba sông nổi tiếng nhất Việt Nam.

Tháng Tám lịch trăng, quả cọ xanh chín sẫm, mình sẽ ăn quả cọ ỏm bên cây rơm ngất ngưởng khói chiều. Hay chờ Xuân ăn cọ đồ xôi, tằm cọ. Chúng mình sẽ chu du đầu nguồn Thao, ướt mềm để si tình kiếp nữa nơi bến phà Tình Cương (thuộc Cẩm Khê). Linh cưỡi hạc trắng bay đến miền hợp linh định mệnh của hiện thực và ảo giác, phập phồng và mê đắm, phơi mở và căng chật, trong khiết và hoang dại, những mùa yêu...

Đêm 18/8, nửa trăng như phiến môi chờ hôn dịu sáng. Tối mùa Thu trinh tĩnh, phố đêm lưu mùi em mùi Anh nguyên khiết đường khuya chỉ có hai ta nhịp hôn vĩ cầm dìu dặt. Gala tình yêu trên cao Lưu Thuỷ, một thế giới giao linh những hữu hình vô hình lưu linh hợp sóng. Và trưa 19, ta lại trở về Việt Trì, lại qua đê và sông, sống chậm từng giây trên triền mơ lần nữa. Lần nữa bay theo sông Thao, quai nón buông muôn thuở gợi tình...

26.8.2010
V.T.L
(SDB 10-2010)


----------------------
(*) Song tấu trong âm nhạc



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN NHÃ TIÊN                         Bút ký"Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ. Hưng tộ diên trường ức vạn xuân". Nghĩa là: đất nước Hồng Lam sau ta năm trăm năm sẽ là một thời kỳ hưng thịnh vạn mùa xuân.Không hiểu những tương truyền về "sấm ký" Trạng Trình "ứng nghiệm" đến dường nào, đâu là nguyên bản và thực hư ra sao? Có điều, chúng tôi đang viếng thăm làng quê Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng vào cái khoảng thời gian "sau năm trăm năm" ấy, và nhất là vào giữa cái kỳ gian mà đất nước đang từng ngày" Hưng tộ diên trường ức vạn xuân".

  • TRẦN HOÀNGTrong tiếng Việt, từ "Văn vật" là một từ thuộc nhóm từ gốc Hán và cùng tồn tại song song với các từ: Văn hoá, Văn hiến, Văn minh. Người xưa thường dùng từ này để nói, viết về truyền thống văn hoá của một vùng đất, hoặc của một địa phương. Chẳng hạn, lâu nay, cư dân đồng bằng Bắc bộ đã có câu: "Thăng Long là đất ngàn năm văn vật". Song có lẽ từ "Văn vật" xuất hiện nhiều nhất trong các cụm từ "làng văn vật", "danh hương văn vật". Điều này cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta đã rất quan tâm đến "văn hoá làng" và "làng văn hoá".

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử loài người, có những bức tranh, những pho tượng lấp lánh toả ánh hào quang lặng im của chúng trong sự lâu bền của năm tháng. Có những ký ức có thể thi gan cùng vĩnh cửu. Nhưng có lẽ, ngôn từ có sức mạnh riêng mà không một thách thức nào, dù là của không gian hay thời gian có thể làm nhạt nhoà những âm vang của nó. Tất nhiên, một khi nó đã đi vào trái tim và khối óc của con người. 1034 chữ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một trong những áng ngôn từ có sức sống bền vững với thời gian như thế.

  • TRẦN QUỐC TOẢN Tôi sinh ra và lớn lên giữa làng Hến bé nhỏ bên bờ sông La xã Đức Tân (tức Trường Sơn ngày nay) huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh. Qua sự nhọc nhằn của cha, vất vả của mẹ đã đút mớm cho tôi từng thìa nước hến, bát cháo hến để rồi tôi lớn dần lên.

  • HỒ TƯNằm trên dải cát ven phá Tam Giang, từ xưa làng tôi cũng đã có một ngôi đình. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân triệt phá ngôi đình để tránh cho Tây khỏi làm nơi trú đóng.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Đất nước ta, miền Bắc và miền nối liền nhau bằng một dải đất dài và hẹp gọi là miền Trung. Dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới phía Tây như một cột sống vươn những chi nhánh dài ra tận biển Đông, làm thành những đèo, trong đó hiểm trở là đèo Hải Vân.

  • PHẠM TIẾN DUẬT1.Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, khi nghiên cứu về dân tộc học, có luận điểm cho rằng, trong quá trình định cư dần dà từ Bắc vào Nam, các cộng đồng, một cách tự nhiên, hình thành từng vùng thổ âm khác nhau.

  • PHAN THUẬN AN.Nhiều người từng đến Lăng Cô hoặc nghe nói đến địa danh Lăng Cô, nhưng ít ai biết rằng vua Khải Định là người phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát này.Có thể nói vua Khải Định là ông vua thích du lịch nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn (1802- 1945). Trong đời mình, nhà vua đã đi du lịch nhiều nơi tring nước và cả nước ngoài nữa.

  • Thiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • Anh tôi đang giàu lên với nghề nuôi rắn độc, bị con hổ mang hỏi thăm vào tay. Mấy tiếng đồng hồ cáng tắt qua các cánh rừng đến bệnh viện huyện được cứu sống, nhưng vết thương bị hoại tử, hơn tháng sau mới xuất viện, tiêu tốn hơn chục triệu. Năm sau anh tôi lại bị chính con hổ mang ấy hỏi thăm ở tay kia. Lần này thì tôi đánh xe đi mời thầy thuốc rắn bản Lúng.

  • Đó là làng Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, (thị trấn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng này có nghề nuôi bắt rắn, tới nay đã qua 900 năm.

  • Các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn, trải Lý, Trần, Lê, Nguyễn đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nằm trong quỹ đạo Nho Giáo, dùng chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình.

  • "Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".     Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.

  • LGT: Nhà văn Thái Vũ với những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động - Giặc Chày Vôi, Huế 1885... nay đã gần 80. Tuổi già sức yếu song ông đã hoàn thành tập Hồi ức, gồm 4 phần dày dặn. Trong đấy phần II: HUẾ - QUẢNG NGÃI VÀ LK5 là những trang hồi ức đầy “xốn xang” trước và sau CM tháng Tám.Sông Hương xin trích đăng một phần nhỏ gửi tới bạn đọc nhân kỷ niệm ngày CM tháng Tám thành công và Quốc khánh 2 – 9. 

  • Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của  xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18.