Bâng khuâng dưới cội mai vàng

14:10 19/01/2023

TRƯƠNG BÁ CHU UYÊN
                       Tùy bút

Mai vàng có ở nhiều nơi, nhất là từ Huế trở vào miền Nam, cứ đến mùa xuân hoa mai nở rộ, khoe sắc. Hoa mai tượng trưng cho người quân tử, mang cốt cách thanh cao, khoáng đạt.

Ảnh: internet

Nếu nói Huế là xứ sở của mai vàng cũng không sai. Không chỉ nhà tôi, mà gần như các nhà vườn của Huế, kể cả nhà phố, hầu như nhà nào cũng có cây mai, chậu mai trước ngõ.

Trong cái nắng gió khắc nghiệt của miền Trung, mai vàng Huế mang nét riêng, khó trộn lẫn với các loại mai xứ khác. Mai Huế đặc trưng với 5 cánh hoa vàng nhỏ, đậm màu pha chút hương thoảng thơm. Để phân biệt được mai Huế với các loại mai khác, người ta thường nhìn vào màu lá non. Lá của cây mai vàng Huế từ lúc đâm lộc, lá non đến lá trưởng thành là sự chuyển biến giữa màu xanh nõn nà sang màu xanh đậm hơn, cứng cáp. Cả cây hoa mai Huế là sự hòa quyện giữa màu xanh của lá và màu vàng của những cánh hoa.

Người Huế trồng mai theo hai cách: trồng trực tiếp trên đất và trồng mai trong chậu. Cây mai thường được trồng trên phần đất vườn phía trước sân nhà nếu nhà rộng rãi, nhất là ở những khu nhà vườn. Gia đình tôi may mắn được “thừa hưởng” căn nhà từ thời ông nội để lại, trước sân có cây mai vàng được trồng đến nay đã xấp xỉ 70 năm, gốc mai to, xù xì, ngọn vươn cao hơn 4 mét. Khác với các loại mai được trồng trong chậu cần phải chăm sóc, uốn tỉa, tưới nước, phân bón… thì cây mai của gia đình tôi hoàn toàn lớn tự nhiên theo quy luật của đất trời, cành cây vươn cao, khỏe mạnh. Vào dịp gần tết, mẹ tôi thường đi quanh cây mai ngắm nhìn và nhắc nhở chị em tôi đến thời kỳ bẻ lá cho mai bung nụ. Chúng tôi trèo lên thân cây, mỗi đứa chọn một cành, vắt vẻo trên cây và… vặt. Đôi khi tôi còn rủ mấy đứa bạn cùng xóm chạy qua bẻ lá giúp; có khi hăng quá, bọn nó kéo đứt cả cành, cả nhóm vừa cười vừa sợ, đem giấu vội vào bụi chè tàu. Mỗi khi hoa nở, tôi thường có thói quen “bói hoa”, nếu bông mai nào nở hơn 5 cánh (mà cũng khá là hiếm), thì tôi luôn mặc định đó là điềm báo cho một tin vui, niềm vui sẽ tới.

Khoảng từ sau 24 âm lịch, sau khi tiễn ông Táo về trời, ba tôi thường chọn một vài cành hoa có nhiều nụ, dáng đẹp rồi cắt gọn và cắm vào chậu gốm cao có hoa văn màu xanh, đặt trang trọng trong nhà đón Tết. Trong căn nhà ba gian kiểu Huế, chậu mai đặt ở gian giữa khiến cho căn nhà bừng sáng, đầy ắp không khí xuân. Tôi thường trang trí thêm trên cành mai các bức ảnh đẹp, những cánh thiệp chúc tết của gia đình. Trong dịp Tết của mỗi gia đình người Huế, khi chưng trong nhà cành mai hoặc chậu mai, tôi vẫn thường thấy nhiều tấm thiệp chúc tết đẹp được treo ngầm báo về những ngày đầu xuân khởi sắc và may mắn… Đêm giao thừa, mẹ tôi treo lên cành mai những bao lì xì đỏ, để sáng mồng một Tết, khi cả nhà thức giấc, ba và mẹ sẽ lấy từng chiếc phong bao để mừng tuổi cho ông bà, và lì xì cho chị em chúng tôi. Vì thế, mỗi khi nhìn hoa mai, tôi lại nhớ những phong bao đỏ với những đồng tiền còn thơm mùi mới, là tình cảm yêu thương của ba mẹ dành cho chị em tôi. Dù tiền không nhiều, nhưng tất cả chúng tôi đều trông ngóng, mong chờ như một món quà đầy ý nghĩa. Sau này, khi nhà có điều kiện hơn một chút, ba tôi không cắt cành mai nữa mà mua chậu hoa lan đặt ở phòng khách. Có lẽ cũng vì không cắt cành mà cây mai trước sân có sức sống, vươn nhiều hơn, đẹp hơn, bung hoa rực rỡ khiến ai đi qua nhà tôi cũng tấm tắc ngắm nhìn. Và khi lớn lên, chúng tôi cũng không bao giờ quên những phong bao đỏ mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Truyền thống tốt đẹp ấy của gia đình tôi sẽ luôn được gìn giữ, vun đắp theo thời gian.

Tôi là người có duyên với mai. Từ việc tuổi thơ chăm sóc cây mai trong vườn, tỉa lá, cắm hoa và trang trí cho mai, thì mai cũng là cầu nối để tôi quen anh, một người đàn ông sau này sẽ cùng tôi đi qua những ngày bình yên hay giông bão. Cây mai nhà tôi khá to, nhiều nụ, cành lá sum suê và nở khá lâu, từ trước tết khoảng một tuần (tùy thời tiết nắng ấm hay rét buốt) và kéo dài lác đác cho đến tháng ba. Hoa nở thành từng chùm, vàng ươm xen với màu lá nõn xanh, hết đợt này đến đợt khác - cứ thế cho đến khi hoa tàn cũng là lúc lộc xanh của lá trở nên đậm hơn, cứng cáp hơn. Tôi cứ nghiễm nhiên cho rằng, khi nào hoa mai tàn mới hết xuân, để nhường cho sắc màu của bằng lăng tím rịm.

Biết tôi thích hoa mai, anh âm thầm dọn vườn, và ươm trồng những cây mai con trong chậu. 3.000 cây giống hoàng mai Huế đã được anh tỉ mẩn chăm sóc, hứa hẹn cho cả một “rừng hoa” để dành tặng riêng tôi trong khu vườn vốn rất nhiều hoa hồng, hoa cúc. Các cây con được tạo hình từ sớm, đang từ từ mạnh mẽ vươn lên. Tôi nhớ, mỗi lần anh đọc những câu thơ của Vân Long: “Triệu bông hồng em hát cứ như không/ Con số triệu giòn tan đầu lưỡi/ Một thời được yêu, một thời sôi nổi/ Mặt trời mọc cho riêng em…”, anh vẫn nói với tôi rằng, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, dù có cả vườn hoa đẹp, nhưng anh vẫn muốn dành cho em những cánh mai mỏng xinh, nhẹ nhàng như làn môi, như hơi thở của người con gái Huế. Cứ thế, mỗi độ xuân sang, trong muôn hồng ngàn tía của các loại hoa, tôi cứ chờ những cánh mai vàng khoe sắc… để thương hơn những ngày đông tháng giá hoa nén mình bung nụ đón xuân về. Thế nên, trong cái khoe sắc đầy kiêu hãnh của mai, là cả một sự vượt qua khắc nghiệt của đông lạnh, cây nén mình để cho ra lộc biếc, nụ xinh. Đừng nhìn những cánh mỏng manh e ấp kia mà quên đi sự mạnh mẽ vươn lên, cây dâng những tinh túy chắt lọc của đất trời, báo hiệu một năm mới về, đầy tươi sáng, hanh thông và hạnh phúc.

Không phải đến bây giờ, khi kinh tế có điều kiện, người dân Huế mới chơi mai. Thú chơi hoa mai tao nhã đã có từ khá lâu trong đời sống người dân Huế, từ gia đình vua quan quý tộc đến thường dân. Nét đẹp kiêu sa, đài các của mai vàng Huế đã tạo nên tập quán chơi và nuôi dưỡng hoa kiểng của người Huế, dung chứa những ý nghĩa sâu sắc gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh quan cuộc đời. Mà ở đó, người trồng hoa, chơi hoa, chăm sóc hoa cũng như người thưởng hoa vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ. Cả người chăm sóc, người ngắm đều tìm được niềm vui, dung dưỡng những triết lý của cuộc đời, của chính mình trong việc thưởng hoa. Chăm mai vàng Huế không đơn giản, nhất là các cây mai được tạo những kiểu dáng độc, lạ. Để có được một cây mai đẹp, người nghệ nhân phải biết thổi hồn vào từng cây. Mỗi cây mai là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, mang khí chất riêng, đó là sự kết hợp của thế cây với tâm hồn và tài năng của người nghệ sĩ. Có được gốc mai ưng ý không phải một sớm một chiều, mà người chơi cũng phải bỏ ra nhiều công sức để chăm bón, uốn lượn; qua thời gian dài mới hình thành được thế cây đẹp, có giá trị về nghệ thuật lẫn kinh tế.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế với phong trào “Mai vàng trước ngõ” đã được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Trong tiềm thức của người dân xứ Huế, mai vàng được xem là món quà dành cho vùng đất vốn chịu nhiều khắc nghiệt của đất trời. Từ thời tiết không thuận của mưa dầm nắng gắt (mà người Huế vẫn thường nói với nhau “mưa chi mà thúi trời thúi đất/ nắng chi mà nắng mẻ trán mẻ đầu”), cây mai đã chắt lọc những tinh túy của đất trời để trao tặng món quà ý nghĩa, là niềm tự hào của người dân xứ Huế nói chung cũng như người chơi mai nói riêng. Năm cánh hoa mai vàng tượng trưng cho ngũ phúc (thọ, mệnh, thủ, phú, quý) cũng là mong ước của người dân Huế: cầu mong cuộc sống bình yên, là sự khởi đầu của viên mãn, hanh thông và hạnh phúc. Huế có thể thành xứ sở mai vàng của Việt Nam như hoa anh đào của Nhật Bản, hoa tuylip của Hà Lan… hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng với Đề án “Mai vàng trước ngõ”, tại Thừa Thiên Huế đã dấy lên phong trào trồng mai một cách tích cực và mang lại hiệu ứng tốt. Từ việc người dân hưởng ứng trồng mai trong nhà đến các cơ quan công sở, doanh nghiệp, trường học đều tham gia trồng cây mai vàng, đã tạo nên một hình ảnh đẹp vừa cao sang vừa đài các. Bởi cây mai không chỉ làm đẹp, để trang trí, mà nó cũng là một tài sản mang lại giá trị kinh tế. Với những cây mai đẹp, quý hiếm, thì giá trị của nó rất cao. Và để phong trào trồng mai vàng Huế trở thành phong trào tích cực, cần sự quan tâm của chính quyền trong việc gìn giữ, phổ biến và nhân giống mai quý một cách rộng rãi để người dân có thể tiếp cận và trồng, chăm sóc. Nếu được như vậy thì chắc chắn trong tương lai, Huế sẽ hình thành nhiều tour, tuyến du lịch gắn với hoa mai, nhiều tuyến phố, con đường hoa mai (như Huế đã có những con đường đi vào thơ ca, nhạc họa: đường phượng bay trong ca từ của

Trịnh Công Sơn, đường long não phía dốc Phủ Cam…). Những sản phẩm từ cây mai dù gián tiếp hay trực tiếp đều nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và nhắc đến Huế, không chỉ có cung điện, lăng tẩm, chùa chiền; không chỉ có con người với những đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng biệt, mà khi đến Huế, người ta sẽ nhắc đến xứ sở của mai vàng, không thể trộn lẫn.

Tôi thường dạo bộ ở vườn hoàng mai trước Đại Nội. Dù là vườn mai mới được trồng sau này, nhưng đó là địa điểm đẹp, tuyệt đẹp với bãi cỏ xanh mướt và những cây mai tạo thành từng hàng được trồng thẳng tắp, vươn mình đón gió. Mai phóng khoáng vươn cành, khoe sắc như những cánh bướm vàng rập rờn bay lượn. Những ngày tết đến xuân về, vườn mai đón hàng lượt hàng lượt người đến chụp ảnh thưởng hoa, nhiều câu chuyện tình đẹp cũng bắt đầu từ đây. Tôi ước Huế tương lai có thêm thật nhiều vườn mai như thế, không chỉ tạo dấu ấn đẹp, mà còn là nơi để bạn trẻ, người lớn tuổi vui chơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Và cũng không đâu như ở Huế, giữa đô thị lại có rừng trong phố, phố trong rừng cùng một tầng lớp cây xanh với mật độ có thể nói cao nhất nước, làm dịu cái nắng oi ả của mùa hè, cản bớt gió mùa đông… Ở Huế, chợt như nghe nhịp đời chậm lại, bớt bon chen xô bồ. Giữa dòng sông Hương thơ mộng vọng một câu hò da diết, nghe thời gian đi rất khẽ… đó cũng là nét rất riêng của Huế, mà, bất cứ ai đến đây đều cảm nhận tâm hồn mình được lắng đọng yêu thương: “Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/ Đò về Vỹ Dạ thẳng Ngã ba Sình/ Lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non”...

Tôi yêu thích những cây mai được trồng tự do, không uốn lượn, tạo thế, cứ phát triển tự nhiên và kiêu hãnh khoe sắc. Có lẽ niềm yêu thích ấy cũng bắt nguồn tự cội maigià trong sân vườn nhà tôi, nơi ông tôi đã chăm chút vun trồng, đến ba tôi và sau này là tôi và các em. Cội mai ấy chứng kiến nhiều sự thay đổi trong nhà tôi, sự lớn lên của chúng tôi và già đi của ông bà. Nhiều người yêu mai vàng Huế, kể cả những người đi “săn mai” đã đến xem, thể hiện niềm yêu thích và hỏi mua nhưng ba tôi không bao giờ bán cây mai, nó như nhân chứng trong nhà, như người đồng hành cùng gia đình tôi, người bạn thân thiết. Bốn mùa xuân hạ thu đông ở Huế trong tôi là từng khoảnh khắc say đắm lòng người: xuân rực rỡ, hạ nồng nàn, thu quyến rũ và mùa đông đam mê. Cứ thế, tôi yêu Huế, yêu những tháng ngày bình yên và thân thương quá đỗi. Cùng với tuổi thơ êm đềm của tôi là cây mai trong vườn mỗi năm lại đâm hoa nảy lộc, cùng gia đình hân hoan đón xuân về.

Hoàng mai một đóa em cầm
Đất trời rạng rỡ những ngày xuân
Anh biết lòng mình đang đón tết
Như lời hẹn ước với trăm năm…

T.B.C.U
(TCSH408/02-2023)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĨNH NGUYÊN                Truyện kýSau “vụ” gặp em, tôi băn khoăn lắm lắm. Là bởi trước đó - trước quả rốc-két mà chiếc F4H phóng xuống và em bị thương dưới đùi, em đang chờ tháo dây thuyền ở hốc đá, còn tôi thì giữ lấy ống ti-dô cho nước vào hai cái thùng phuy trên thuyền cho em. Hai chiếc thùng phuy 400 lít nước sắp tràn đầy. Như vậy là quá đủ thời gian cho chúng ta có thể hiểu biết về nhau, tên tuổi, quê hương bản quán.

  • ĐẶNG VĂN SỞ          Ghi chépKhông hiểu sao tôi lại đi tìm anh - anh Nguyễn Đức Thuận - người anh chú bác ruột cùng chung sống dưới một mái nhà với tôi. Tôi chỉ nhớ là hồi đó chồng của cô tôi nằm mơ thấy anh, và bác vào tận Nha Trang để đi tìm anh Mậu, người đồng đội và là người chứng kiến lúc chôn cất anh.

  • NGUYỄN QUANG HÀMột buổi sáng vợ chồng anh Thảo, chị Ái đang đèo nhau, phóng xe Honda trên đường Nguyễn Trãi, một con đường lớn của thành phố Huế, bỗng có một người lao thẳng vào xe anh Thảo. Nhờ tay lái thiện nghệ, nên anh Thảo đã phanh xe kịp. Hai vợ chồng dựng xe, ra đỡ nạn nhân dậy.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...

  • ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

  • NGUYỄN THANH CHÍHai mươi tám tuổi, nó không biết chữ và không quen đi dép, mặc áo quần dài; lầm lũi, ít nói nhưng rất khoẻ mạnh... Với nó rừng là nhà, các lối mòn trong rừng thì thuộc như lòng bàn tay... Đó là Trương Ngọc Hoàng, sinh năm 1977.

  • NGUYỄN TRỌNG BÍNHMọi chuyện xẩy ra suốt 55 ngày đêm ở đơn vị trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi đều nhớ như in. Thế mà, lạ lùng thay, suốt thời gian đó, hàng ngày mình ăn thế nào, lại không nhớ nổi. Chỉ nhớ mang máng có lúc ăn cơm nắm, ăn lương khô. Về giấc ngủ, có thể là tranh thủ nửa ngủ nửa thức giữa 2 trận đánh hoặc lúc ngồi trên xe trong đội hình hành tiến. Cố hình dung, tôi nhớ được bữa cơm chiều ở dinh Độc Lập, hôm 30-4-1975.

  • NGÔ MINHỞ CỬA NGÕ XUÂN LỘCSư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1-4-1975.

  • HUỲNH KIM PHONG(Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền , thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2005)

  • LÊ HOÀNG HẢICon người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.

  • HỒ NGỌC PHÚTôi về lại Huế sau trận lụt tuy muộn nhưng khá lớn vào gần cuối tháng 12 năm 2004. Ngồi ở quán cà phê Sơn bên bờ chân cầu Trường Tiền, nhìn sông Hương vào lúc sáng sớm sao thấy khang khác, trong có vẻ như sáng hơn ngày thường.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGĐã lâu tôi không hề nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra, những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo.

  • NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

  • VÕ NGỌC LANTôi sinh ra và lớn lên tại vùng Kim Long, một làng nhỏ thuộc vùng cận sơn, không xa Huế là bao. Bởi thuở nhỏ chỉ loanh quanh trong nhà, trong làng ít khi được “đi phố” nên đối với tôi, Huế là một cái gì thật xa cách, thật lạ lùng. Đến nỗi tôi có ý nghĩ buồn cười: “Huế là của người ta, của ai đó, chứ không phải là Huế của tôi”, ngôi chợ mái trường, một khoảng sông xanh ngắt và tiếng chuông chùa Linh Mụ... mấy thứ ấy mới là của tôi.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhân một lần ghé ngang Paris , võ sư người Huế Nguyễn Văn Dũng đã đi thăm sông Seine. Đứng lặng lẽ bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước Pháp, bỗng lòng ông nhớ sông Hương quá trời. Về lại Việt , ngồi bên bờ sông Hương, ông vẫn hãy còn thấy nhớ cồn cào cái dòng chảy thầm thì trong sương mù như một nhát cắt ngọt ngào giữa trái tim đa cảm.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTôi rẽ vào nhà Thiệp để đưa bé Miên Thảo đi học. Cô bé hét vang nhà để bắt tìm cho ra chiếc dép đi trời mưa lạc nơi đâu không biết. Miên Thảo mặc chiếc quần Jean xanh và khoác áo len đỏ, choàng một chiếc phu la cổ màu đen trông thật đỏm dáng.

  • NGUYỄN QUANG HÀSông Bồ là con sông không dài, nhưng đẹp ở về phía Bắc Huế. Phía tả ngạn, hữu ngạn vùng thượng lưu sông là hai huyện Phong Điền và Hương Trà, vùng hạ lưu sông chảy qua Quảng Điền rồi đổ vào phá Tam Giang. Làng xóm hai bên bờ sông khá trù mật.

  • MINH CHUYÊN (Tiếp Sông Hương số 12-2008)

  • MINH CHUYÊN (Tiếp theo và hết)

  • LÊ HUỲNH LÂMCó thể gọi xứ Huế là thành phố của những tiếng chuông. Sự khởi đầu của một ngày, một ngày mai hun hút trong tương lai cũng như một ngày tận trong nghìn trùng quá khứ. Một ngày mà âm thanh từ đại hồng chung phát ra; vang, ngân, vọng và im bặt. Người ta gọi âm thanh đó là tiếng chuông. Vậy thì, im bặt cũng là một phần của tiếng chuông.