PHAN NGỌC THU
Ảnh: tư liệu
Lý luận văn học chỉ là một phần rất nhỏ, càng không phải là bộ phận quan trọng nhất trong chương trình ngữ văn phổ thông trung học, nhưng xét cho đến cùng, hình như lý luận văn học lại không thể thiếu được trong suốt cả quá trình dạy học văn học sử, giảng văn, làm văn của thầy giáo và học sinh phổ thông. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng môn văn, để hướng tới một chương trình và một bộ sách giáo khoa hoàn thiện, việc nêu những nhận xét và đề nghị về phần lý luận văn học trong chương trình và sách giáo khoa văn phổ thông trung học hiện hành là hết sức cần thiết.
1. So với chương trình cũ, phần lý luận văn học trong chương trình dự thảo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam do Nhà xuất bản giáo dục ấn hành năm 1989, đã có những đổi mới rõ rệt. Việc phân đều số tiết dành cho môn học trong cả ba lớp 10, 11, 12; việc bổ sung thêm một số nội dung cơ bản tương đối có hệ thống; việc xác định dạy lý luận văn học ở PTTH dưới hai hình thức: "dạy trực tiếp trong giờ dành riêng cho môn học và dạy kết hợp qua các bài khái quát lịch sử văn học, các bài về tác giả, tác phẩm” đã góp phần khẳng định vị trí môn học này ở trường phổ thông.
Tuy nhiên, với phân lượng thời gian 4 tiết học ở mỗi lớp, với tỷ lệ 12 tiết lý luận văn học trong tổng số 363 tiết Văn học và Tiếng Việt ở trường PTTH thì hệ thống những khái niệm về lý luận văn học mà chương trình đặt ra lại vừa thiếu hụt về mặt thời gian, vừa quá nặng nề, ôm đồm và dàn trải về mặt dung lượng kiến thức. Đó là chưa nói đến cách cấu tạo chương trình đi từ bản chất, nguyên lý chung (văn học là gì?) đến tác phẩm văn học, thể loại văn học, các kiểu sáng tác... thì chẳng qua cũng chỉ là một dạng mô phỏng, rút gọn chương trình, nội dung môn lý luận văn học ở bậc đại học.
2. Xuất phát từ quan niệm phân biệt sự khác nhau giữa dạy văn ở đại học và dạy văn ở trường phổ thông, từ thực tế phân phối số tiết dành cho môn học đồng thời khắc phục những hạn chế của chương trình, soạn giả phần lý luận văn học trong bộ sách giáo khoa phổ thông trung học do Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nhà xuất bản giáo dục ấn hành, đã "không trình bày một hệ thống các vấn đề lý luận văn học mà giới thiệu một số tri thức lý luận văn học một cách có hệ thống, theo một trình tự nhất định"(*).
Như vậy là, khác với cách sắp xếp của cấu tạo chương trình, sách giáo khoa đã lần lượt hướng dẫn các em tìm hiểu "Phân loại tác phẩm văn học", "Một số đặc điểm của truyện", "Các thể loại truyện" (lớp 10); "Thơ và tác phẩm thơ", "Kịch và tác phẩm kịch" (lớp 11) đến một số vấn đề thuộc về bản chất của văn chương như "Đặc trưng của văn học", "Sáng tạo và tiếp nhận văn học", "Sự phát triển lịch sử của văn học" (lớp 12). Cách sắp xếp này, tất nhiên, cũng có chỗ cần trao đổi thêm, nhưng nhìn chung là một giải pháp sáng tạo, hợp lý thích ứng với trình độ và khả năng nhận thức của các em học sinh phổ thông hiện nay. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung mà còn có tác dụng gợi ý về phương pháp giảng dạy. Phải chăng, con đường để lý luận văn chương đến với học sinh trung học vẫn phải là từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng. Đó không thể là con đường "duy lý" mà chủ yếu là qua thực tiễn cảm nhận các tác phẩm văn chương và từng hiện tượng văn học sinh động cụ thể.
3. Mặc khác, đi sâu vào nội dung từng bài, cũng có thể thấy được một ưu điểm nổi bật của sách giáo khoa mới là đã đem đến cho giáo viên và học sinh những tri thức lý luận vừa mang ý nghĩa phổ quát đồng thời cũng vừa cập nhật được những thành tựu mới của lý luận văn học. Người biên soạn đã thực sự chủ động tránh được lối viết nặng nề, kinh viện thường gặp không ít trong nhiều sách lý luận văn học trước đây và cũng vượt lên được những vấn đề rắc rối, phức tạo đang tranh luận trong đời sống văn học hiện nay để trình bày nội dung các bài học một cách giản dị, dễ hiểu mà không kém phần tế nhị, sâu sắc. Chẳng hạn, việc xem xét đặc trưng văn học trên nhiều bình diện, và quan tâm đúng mức đến đặc trưng về nội dung của văn học để phân biệt với nội dung của những hình thái ý thức xã hội khác là hết sức cần thiết, giúp học sinh nhận ra vẻ đẹp riêng của văn chương; việc gắn những hiểu biết quen thuộc về tác phẩm với cái nhìn thi pháp học để tìm hiểu những đặc điểm cấu trúc của từng loại hình và đặt nó vào trong quá trình vận động phát triển của lịch sử văn học, đều góp phần đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi văn học là gì, và giúp cho người dạy, người học một phương pháp tư duy lý luận khoa học, toàn diện. Ở những bài học về “Một số đặc điểm của truyện” (lớp 10), “Thơ và tác phẩm thơ” (11) việc chú ý đến người kể, giọng kể, nhịp kể trong truyện, việc lưu ý phân biệt: "Chủ thể trữ tình", "Tác giả" và "Nhân vật trữ tình" trong thơ; phân biệt dòng thơ và câu hò, khổ thơ và soạn thơ, hình ảnh và hình tượng v.v... đối với học sinh phổ thông đều là những tri thức công cụ để đi vào thế giới tác phẩm văn chương.
Có thể nói rằng, cùng với các môn học khác, phần lý luận văn học trong chương trình và sách giáo khoa văn cải cách giáo dục đã có một bước tiến đáng kể. Nếu giáo viên vừa có sách giáo khoa vừa đọc kỹ những tài liệu bồi dưỡng và sách giáo viên cùng với những độc lập suy nghĩ sáng tạo trong quá trình chuẩn bị và lên lớp nhất định sẽ đem đến cho các em những giờ học văn nói chung và lý luận văn học nói riêng đầy hứng thú và bổ ích.
4. Tuy vậy, dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng trong tình hình chất lượng môn Văn - Tiếng Việt ở nhà trường phổ thông vẫn đang giảm sút như hiện nay, nhìn lại ba năm thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, trên tổng thể và từng bộ phận đều cần những điều chỉnh và bổ khuyết kịp thời.
- Riêng đối với phần lý luận văn học trong chương trình và sách giáo khoa PTTH cần phải có bàn tính kỹ hơn về dung lượng kiến thức và phân lượng thời gian. Đành rằng việc dạy lý luận văn học ở trường phổ thông chủ yếu với hình thức kết hợp thông qua các bài văn học sử và giảng văn, nhưng chỉ 4 tiết học dành cho mỗi lớp, trong lúc khối lượng kiến thức về lý thuyết văn học với nhiều phạm trù, khái niệm không ít hơn mấy so với đại học chắc chắn sẽ dông ép, không đem lại mấy hiệu quả. Nên giải quyết bằng cách tăng thêm một số tiết học tối thiểu hoặc chỉ để học sinh học đến nơi đến chốn một số kiến thức cơ bản nhất.
- Lẽ ra trong một điều kiện bình thường việc sắp xếp các bài lý luận văn học ở cuối chương trình và cuối tập 2 sách giáo khoa văn học của mỗi lớp, như hiện nay là hợp lý. Bởi lẽ, những tiết học lý luận văn học vào cuối năm ấy dù là ít ỏi nhưng sẽ có ý nghĩa đúc rút, khái quát hoá thành những phạm trù, những khái niệm mà trong suốt năm học, các em đã được tiếp xúc rải rác qua các bài văn học sử và giảng văn. Song, thực tế hiện nay đang ngược lại, giáo viên chưa yên tâm dạy, học sinh đã mệt mỏi lơ đãng khi sắp nghỉ hè, 4 tiết dạy lý luận trở thành cái đuôi chắp nối khi vội vã người ta sẽ bỏ qua, hoặc có dạy thì cũng không như yêu cầu mong muốn. Việc này đòi hỏi phải có một văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện chương trình và sách giáo khoa với những yêu cầu cụ thể. Không nhất thiết dạy lý luận văn học vào cuối năm, tốt nhất là nên dạy xen sau những phần văn học sử và giảng văn thích hợp, chẳng hạn dạy học bài "Thơ và tác phẩm thơ" sau khi học các tác giả và tác phẩm phong trào Thơ Mới; hoặc ở lớp 12 nên đưa phần lý luận văn học dạy vào đầu năm.
Về nội dung phần lý luận văn học trong sách giáo khoa, sau ba năm thực hiện cũng có những điều cần rút kinh nghiệm, thêm bớt và hoàn chỉnh. Bài "Kịch và tác phẩm kịch" đối với anh chị em giáo viên phổ thông là một bài khó dạy, học sinh lại càng chán học. Có nhiều nguyên nhân: giáo viên và học sinh tiếp xúc với kịch bản văn học chưa nhiều; nền kịch nước ta cũng còn thiếu những tác phẩm để lại ấn tượng lâu bền trong người đọc, người xem. Khi nêu một số đặc điểm của tác phẩm kịch soạn giả cần phân tích thêm những dẫn chứng từ các vở kịch được học trong chương trình như "Rômêô Juliet”, "Hămlét", "Người lái buôn thành Vơnidơ" (lớp 10) hoặc “Âm mưu và tình yêu” (lớp 11) - Theo ý chúng tôi nên chăng chưa cần học thể loại kịch ở phổ thông?
Bài "Sáng tạo và tiếp nhận văn học" cũng là một bài khó. Ở đây tính phức tạp và đa dạng của quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đối với học sinh phổ thông chưa thể hiểu hết được mà giáo viên không phải ai cũng hiểu để giảng dạy. Nên chăng bài này nên để học ở các trường chuyên ngành hoặc ở bậc đại học.
Ngoài ra còn những vấn đề về tính hệ thống nhất quán trong nội dung và hình thức trình bày của chương trình và sách giáo khoa Văn nói chung, cũng như phần lý luận văn học nói riêng cũng cần được tiếp tục chỉnh lý. Giá như, các bài soạn về phần văn học sử, giảng văn cùng thống nhất thể hiện được hệ thống lý thuyết quan điểm, quan niệm của phần lý luận văn học thì hiệu quả học tập môn văn sẽ cao hơn và riêng phần kiến thức lý luận văn học cũng được củng cố chắc hơn. (Chẳng hạn, khi lý thuyết về truyện không chỉ quan tâm đến nhân vật, cốt truyện mà còn nhấn mạnh đến cách kể qua người kể, giọng kể, nhịp kể thì phần hướng dẫn học tập cuối các bài phân tích truyện lại chỉ dừng lại phân tích nhân vật, cốt truyện. Cũng như vậy, khi lý thuyết về thơ phân biệt tác giả, chủ thể trữ tình nhân vật trữ tình thì phần lớn các câu hỏi hướng dẫn phân tích các bài thơ lại không chú ý đến sự khác nhau ấy).
Về mặt hình thức trình bày, với một bộ sách giáo khoa cùng chung một tập thể biên soạn, cùng do một nhà xuất bản ấn hành nhưng phần mục lục, cách ghi số phần, số chương, số bài trong ba cuốn sách lại không thống nhất. Ở lớp 10, lý luận văn học được in ở tập II sách văn học, tập 2, với thứ tự các bài tiếp theo phần văn học nước ngoài: bài 6, bài 7, bài 8. Ở lớp 11, lý luận văn học cũng được in ở phần II, tập II sách văn học, sau các bài văn học nước ngoài nhưng lại ghi: Bài 1, bài 2. Còn đến lớp 12 thì Lý luận văn học cũng in ở tập II sách văn học sau phần văn học nước ngoài nhưng lại có tên gọi là Chương II với các bài 1, 2, 3.
Những thiếu sót này lẽ ra không nên có. Dù nhỏ nhưng sẽ để lại ấn tượng về việc làm thiếu cẩn thận khi biên tập, làm ảnh hưởng đến độ tin cậy và tính khoa học cần thiết của một bộ sách giáo khoa.
Mong rằng, hàng năm trước mỗi lần tái bản, sách giáo khoa dùng trong nhà trường cần có những chỉnh lý và bổ sung kịp thời để chất lượng ngày càng hoàn thiện hơn.
Huế, 10-7-1993
P.N.T
(TCSH58/11&12-1993)
----------------------
(*) Tài liệu bồi dưỡng dạy sách GK lớp 12 môn văn - Vụ Giáo viên - 1992. trang 35.
Từ những câu chuyện cảm động hoặc những hình ảnh “đắt giá” nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đã có những sáng tác tranh minh họa, ký họa theo phong cách lạc quan, lan tỏa những thông điệp tích cực về phòng, chống Covid-19.
Cùng với các loại nhu yếu phẩm, thời gian qua, nhiều tổ chức và đơn vị xuất bản đã chung tay đưa sách vào các khu cách ly và phong tỏa do dịch bệnh trên địa bàn TPHCM. Trong những ngày phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động đưa sách đến tay bạn đọc thật có ý nghĩa.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các phần mềm dịch thuật miễn phí và có phí ra đời ngày càng nhiều, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển ngữ. Tuy nhiên, vai trò của dịch giả vẫn không thể thay thế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản.
Thời gian qua trên các trang mạng xã hội dấy lên những cuộc chiến livestream, có kênh thu hút hàng trăm ngàn người xem, cả trong và ngoài nước.
Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đề cập mức hỗ trợ dành cho diễn viên, nghệ sĩ hưởng lương hạng bốn trong các đơn vị nghệ thuật công lập. Đây được xem là bước đi thiết thực, ý nghĩa, góp phần kịp thời chia sẻ khó khăn cho đội ngũ nhân lực trẻ ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Những hình ảnh trống vắng, im ắng của một thành phố vốn sôi động, náo nhiệt trước đây được nhiều nhiếp ảnh gia, những người chụp ảnh chuyên và không chuyên ghi lại. Rất nhiều bức ảnh đẹp về con người thành phố nghĩa tình, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo khi dịch bệnh bùng phát gợi cho người xem nhiều xúc cảm…
Bằng những cách khác nhau, các nhà văn của thành phố đã và đang chung tay tham gia phòng chống dịch Covid-19. Từ trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện cho đến tìm kiếm chất liệu để có những tác phẩm gắn liền với đời sống người dân trong những ngày này.
Trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh, các buổi trò chuyện, giao lưu, giới thiệu sách trực tiếp đều tạm hoãn, tuy nhiên, nhiều hoạt động vẫn được tổ chức theo các hình thức khác nhau nhằm kết nối với độc giả qua những trang sách, góp thêm niềm vui đọc.
Khi khán giả chưa thể đến rạp, sân khấu chưa thể sáng đèn, việc xây dựng và triển khai mô hình “nhà hát truyền hình” được xem là hướng đi phù hợp để không làm đứt đoạn dòng chảy biểu diễn nghệ thuật trong đại dịch. Ðồng thời, giữ lửa đam mê nơi nghệ sĩ và mang đến nhiều cơ hội giúp công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao.
Sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, nhiều đơn vị sân khấu truyền thống đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, ngừng hoạt động, hoặc tình trạng nguồn nhân lực bị suy giảm trầm trọng. Trong khi đó, số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đang dần mai một, việc đào tạo nghệ sĩ trẻ gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề cấp bách, rất cần được ngành văn hóa và các cơ quan chức năng quan tâm kịp thời.
0 giờ ngày 9-7, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cũng là lúc nỗi lo lắng phủ trùm lên hàng vạn mảnh đời sống khó khăn, vô gia cư, chạy cơm từng bữa.
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về/ Nam Định có bến đò Chè/ Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.
Phá bỏ và xây mới tiêu hao rất nhiều năng lượng, lãng phí nguyên nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Việc chuyển đổi công năng công trình cũ nên được ưu tiên. Vấn đề là công trình ấy sẽ được biến đổi công năng như thế nào trong tương lai để mang lại giá trị cho xã hội.
TP.HCM đã qua gần 5 tuần thực hiện giãn cách xã hội và Chỉ thị 10, chị tôi và những người thân của chị, hay chú Bảy, chú Út chạy xe ôm trước cơ quan tôi cũng như nhiều người khác, đã thấm mệt mỏi với sự sợ hãi, lo âu...
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc chọn lọc, lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Phát triển gia đình là nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Trước tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia đình Việt đã trải qua những biến chuyển lớn, kéo theo sự thay đổi các giá trị gia đình truyền thống. Vì vậy, xác định hệ giá trị chuẩn mực mới cho gia đình Việt Nam là công việc cần thiết hiện nay.
Vào cuối tháng 4-2021, các diễn viên trong Đoàn múa rối Rồng Phương Nam (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) tất bật tập vở mới Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để kịp công diễn dịp hè. Khi mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng thì đợt dịch Covid-19 ập đến, những diễn viên múa rối nước của đoàn tứ tán khắp nơi. Kẻ về quê, người ở nhà trông con…, mong chờ ngày được hội ngộ khán giả.
Trong Offline: Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội (Tân Việt Books và NXB Dân Trí), hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin gây sốc về cách các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Apple, Google và Instagram… sử dụng cách “hack tâm trí” để khiến bạn và con bạn bị cuốn hút vào các sản phẩm của họ.
Với người Phật tử, dù không có một quy định nào, nhưng có lẽ Đại lễ Phật đản là một sự kiện vui tươi và thành kính nhất, có sức cộng hưởng trên toàn thế giới.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cả xã hội đảo lộn, nhiều ngành nghề gặp khó khăn. Sân khấu – ngành nghệ thuật biểu diễn trực tiếp cũng rơi vào tình trạng vô cùng vất vả.
Mạng xã hội đang thể hiện vai trò rất hiệu quả trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam tới bạn bè quốc tế, song thực tế cũng không ít người "mượn danh" việc quảng bá này để đăng tải các video, clip "bẩn", độc hại, nhằm câu view, câu like.