HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh, các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê tại mộ nhà thơ Phùng Quán - Ảnh: internet
Có thể nói, tôi là người có “duyên nợ” với Sông Hương. Trước hết là với con sông như là quà tặng của tạo hóa, chảy ngang thành phố Huế mang trong mình nhiều Di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh tại Huế, khi thân phụ đang ngồi ghế Phủ Doãn bên dòng sông Hương. Dinh Phủ Doãn, nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần đây, tôi đã tìm thấy tấm bia ghi danh các vị giữ chức Phủ Doãn thời Nguyễn trong ngôi miếu nhỏ phía sau Trụ sở UBND tỉnh, trên đó có ghi tên thân phụ tôi…
Sau ngày thống nhất đất nước, rồi Bình Trị Thiên hợp nhất thành một tỉnh, năm 1976, từ Hội Văn nghệ Quảng Bình, tôi chuyển vào Huế. Do đã làm Tập san Văn nghệ Quảng Bình mấy năm, vào Huế, tôi được phân công làm Tập san “Văn nghệ Bình Trị Thiên.” Đó là những ngày Bình Trị Thiên mới “sum họp một nhà”, không khí thật vui vẻ, đông đúc và có thể nói là hùng hậu. Xuân Hoàng, Lương An, Hoàng Phủ ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Đăng Trí, Xuân Đàm, Trần Hữu Pháp, Lâm Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Bửu Chỉ, Võ Quê, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân... Một danh sách thật dài... dài như là tỉnh Bình Trị Thiên, khó mà kể đủ. Hồi đó, cũng chưa ai bận tâm nhiều đến chuyện chức tước, chia việc phân công nhau mà làm theo khả năng từng người. Cũng vì thế mà gần đây (tháng 10/2014) khi đưa nhà báo Dương Phước Thu mượn chồng “Văn nghệ Bình Trị Thiên”, anh không thấy ghi tên ai “Tổng” ai “Phó”, hay Trưởng Ban này nọ trên các số Tạp chí, tôi không thể trả lời được.
Tập san “Văn nghệ Bình Trị Thiên” trong hơn 7 năm tồn tại, với 30 số, khổ 19x27cm, số trang không cố định, thường từ 100 đến 140 trang (số 1 ra vào tháng 7/1976 và số cuối ra vào khoảng tháng 4/1983). Dù lực lượng có thể nói là hùng hậu, sáng tác, nghiên cứu, phê bình được đăng tải cũng đa dạng và không ít bài hay, nhưng do vẫn theo cách làm báo thời “bao cấp”, ít năng động, phong trào văn nghệ thì chưa thấy dấu hiệu đổi mới, nên từ hình thức đến nội dung gần như là “đồng dạng” với tập san văn nghệ các địa phương trong cả nước, ngoại trừ bìa số 1 của họa sĩ Bửu Chỉ vẽ nhà máy với ống khói mà trông như một hầm mộ, bị phê phán, công kích khá nặng nề. Chuyện không vui rồi cũng qua, mặc dù dẫn đến một cách “tiếp thu” cũng chẳng vui gì khi Bửu Chỉ vẽ bìa số 3 chỉ toàn một màu đỏ rực! Cũng có thể nói đây “tín hiệu” báo trước về những “sự cố” của “Sông Hương” về sau.
![]() |
Hình minh họa cho tập san Văn nghệ Bình Trị Thiên - Ảnh: NKP |
Tôi không giữ được toàn bộ các số “Văn nghệ Bình Trị Thiên”, chỉ thấy số cuối là số 28, ra tháng 1/1983 và có quảng cáo số 29 mừng Tết Quý Hợi 1983. Trong giai đoạn này nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chủ tịch và nhà thơ Xuân Hoàng làm Phó Chủ tịch Hội. Trong số 25 có đưa tin họp Ban Chấp hành Hội bổ sung nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào Ban Thường vụ Hội.
Cho đến ngày 17/12/1982, tôi được lĩnh trọng trách đi Hà Nội, mang theo công văn của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên chính thức đề nghị Trung ương cho “Sông Hương” ra đời.
(Việc này cũng như không khí ngày vui khi ra “Sông Hương” số 1 (tháng 6/1983), tôi đã thuật lại trong một bài viết nhân kỷ niệm 5 năm “Sông Hương” ra số đầu, nên sau đây chỉ “bổ sung” một số điều chưa kể.)
Có một chi tiết hình như ít người để ý là mãi đến đầu tháng 9/1983, Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ hai mới tổ chức (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được cử làm Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký), nhưng từ tháng 3 đã có giấy phép ra Tạp chí Sông Hương với Tổng Biên tập là Nguyễn Khoa Điềm, tôi làm Phó; mà theo lệ thường thì phải sau Đại hội, Ban Chấp hành mới cử ra Tổng Biên tập. Có sự “phá lệ” này vì nhu cầu ra một tờ Tạp chí văn hóa - văn nghệ của Huế vượt thoát sự bó hẹp của một Hội Văn nghệ địa phương đã nung nấu trong anh chị em văn nghệ sĩ từ lâu. Và cũng từ lâu, Huế là một vùng đất có truyền thống báo chí, có nhiều tờ báo đứng chân ở Huế nhưng “nói chuyện” cả nước. “Sông Hương” sớm có tiếng vang, một phần lớn là nhờ nhận thức được điều đó…
…Có một kỷ niệm vui vui với Trịnh Công Sơn về bài hát “Huyền thoại Mẹ” in “Sông Hương” số 12 - kỷ niệm 10 năm giải phóng Huế (1975 - 1985). Trước đó, trong một chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến thăm Trịnh Công Sơn tại 47 Duy Tân, nghe Sơn hát “Huyền thoại Mẹ”, tôi liền xin 1 bản về in “Sông Hương”. Đây là lần công bố đầu tiên bài hát này. Khi tạp chí in ra, có tiếng xì xào rằng bài hát “không rõ lập trường, không biết tác giả ngợi ca người mẹ ở bên nào cuộc chiến…”. Ý kiến này không có ai “tiếp âm, phóng đại” lên, còn bài hát thì nhanh chóng được phổ biến, được nhiều người hoan nghênh, nên rồi cũng yên.
Thời Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập chưa có “không khí” Đổi Mới náo nhiệt, nên cũng ít “sự cố”. Hình như chỉ có “vụ” nhiều bạn đọc ở Huế phản đối gay gắt tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục khiến Nguyễn Khoa Điềm khó xử. Tôi còn nhớ khi “Sông Hương” định đăng bài của Hoàng Dũng phê phán cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Khoa Điềm đã có một cử chỉ thận trọng hiếm thấy là đạp xe đến Khu tập thể Đống Đa, trèo lên gác 4 để “tham khảo” ý kiến của “một người giúp việc” là tôi! Nhân đây, cũng nên nói luôn việc nhà văn TĐK sau này viết bài chê trách Nguyễn Khoa Điềm chuyện nọ, việc kia. Như tôi được biết, Nguyễn Khoa Điềm không liên quan gì đến “vụ” này.
Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập đến số 18 thì được cử đi học dài hạn (hình như là ở Trường Nguyễn Ái Quốc); nhà văn Tô Nhuận Vỹ kế tục, còn tôi vẫn làm Phó. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, trong một bài viết về tôi có nói rằng tôi là một người “chuyên” làm “Phó” cho người này, người kia mà vẫn vui vẻ. Thì xuất thân là “quan tham lục lộ”, lí lịch lại “đen” như thế, làm chi dám mơ ước cao xa, dù chỉ trong làng văn. Vậy mà khi Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ hăng hái phất cờ Đổi Mới, bị Tuyên huấn Trung ương và Tỉnh ủy “huýt còi” thì tôi lại được Ban Chấp hành Hội Văn nghệ cử làm Tổng Biên tập!
Nói gọn một câu như thế, nhưng đây là giai đoạn “nóng” nhất, nhiều biến động nhất của “Sông Hương”. Nhìn bề ngoài, về quy mô, cơ chế, từ khi Tô Nhuận Vỹ làm Tổng Biên tập (từ số 19 - Tháng 5 - 6/1986), có 2 “sự kiện” nổi bật. Một là Tòa soạn được rời khỏi căn phòng 20 mét vuông trên gác nhà 26 Lê Lợi, sang nhận Trụ sở mới tại số 5 Đinh Tiên Hoàng (trước cửa Thượng Tứ), rồi tiếp theo là trở thành một đơn vị hạch toán độc lập; hai là việc chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh từ ngày 10/7/1989. Đó cũng là thời điểm kết thúc nhiệm vụ Tổng Biên tập của Tô Nhuận Vỹ với số 39 (ra tháng 8 - 9/1989)…
Sau đó, coi như “Sông Hương” tự đình bản gần nửa năm, mãi đến tháng 1/1990 đầu năm Canh Ngọ, “Sông Hương” mới ra tiếp số 40, ghi là 1 (40), hàm ý mở đầu một chặng mới. Quả là về luật pháp, do chia tỉnh, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế được thành lập, nên tờ Tạp chí phải được tổ chức lại. Trong lời “Cùng bạn đọc” đầu số 40, chỉ nói vắn tắt là do “phải tiến hành đăng ký giấy phép mới”. Tôi không giữ tờ giấy phép được cấp lại ngày 20/12/1989, nên không rõ trên đó có ghi tên người chịu trách nhiệm không? Chỉ biết trên cả hai số 40 và 2 (41) (Tháng 2 - 3/1990) và số 3 (42) (tháng 4 - 5/1990), số 4 (43) (tháng 6/1990) không ghi tên Tổng Biên tập và trên trang “Tin văn hóa văn nghệ” cuối số 41, cho biết ngày 9/2/1990, Ban Thư ký Hội đã quyết định phân công hai Ủy viên BCH là Nguyễn Khắc Phê và Thái Ngọc San làm trợ lý nội dung cho Tổng Biên tập (mà chẳng rõ Tổng Biên tập là ai!)…
Đó là sơ lược “lịch trình” đoạn cuối “sự cố” Đợt 1 của “Sông Hương”. Thực ra thì “Sông Hương” bắt đầu bị soi xét và phản ứng khi cho đăng mấy bài bút ký của Nguyễn Quang Hà tố cáo tệ mất dân chủ và tiêu cực ở các địa phương. Tuy vậy, đây mới chỉ là phản ứng với vụ việc, chi tiết cụ thể, nhưng đến bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao đăng trong số 32 (tháng 7/1988), số kỷ niệm 5 năm “Sông Hương” thì luồng ý kiến phản ứng theo lối suy diễn, quy kết dữ dội...
Tuy vậy, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, từ thành phố Hồ Chí Minh gửi thư ra, có đoạn: “…Tôi coi đây là bài thơ lớn và hay nhất trong năm nay…”. Gần đây, bài thơ được in lại nhiều nơi và cũng có ý kiến tương tự như anh Nguyễn Trọng Huấn.
Cũng trong số 34, tôi viết bài “Vì sao tôi chọn thơ Trần Vàng Sao?”, vừa tỏ quan điểm của mình, vừa phân định trách nhiệm rõ ràng, do lúc đó, Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đi thăm Bê-lô-rut-xia và Tạp chí Nhô-man kết nghĩa, số 32 tôi và Thư ký Tòa soạn Thái Ngọc San là người chịu trách nhiệm cuối cùng…
Cũng nên kể sơ qua lễ kỷ niệm 5 năm “Sông Hương”. Như đã nói ở trên, trong thời gian chuẩn bị lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ đi Liên Xô, nên tôi cùng Thư ký Tòa soạn Thái Ngọc San và Trưởng Ban Trị sự Võ Mạnh Lập phải “gánh” toàn bộ công việc. Tôi là người dễ ăn ngủ, nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi đã thức gần như trắng đêm, vì dù sao mình cũng bị đặt ở cương vị “Tổng chỉ huy” buổi lễ. Gọi là “Tổng chỉ huy”, vì tại Tòa soạn có một bản đồ thể hiện các mũi “tiến công” - đó là các vị khách sẽ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ Liên Xô (đại diện Tạp chí Nhô-man kết nghĩa và nữ phóng viên ban Tiếng Việt Đài Mas-cơ-va) và cả từ Pháp (anh Lê Huy Cận và hình như có cả nhà nghiên cứu lịch sử Lê Thành Khôi nữa…); rồi các cộng tác viên từ Quảng Bình, Quảng Trị thân thiết nữa… - liệu các “mũi tiến công” đó có hướng nào bị trục trặc hay bị “sự cố” gì không?
Thật may là mọi chuyện xuôi lọt và buổi lễ đã diễn ra thân mật và long trọng tại Hội trường Viện Đại học Huế. Cũng may là sau buổi lễ, vụ việc bài thơ của Trần Vàng Sao mới xảy ra!...
Sau khi Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ từ chức, rồi chuẩn bị tổ chức Đại hội Văn nghệ tỉnh cử Tổng Biên tập mới, nên “Sông Hương” đến đầu năm 1991 mới tái ngộ bạn đọc. Đó là số 1 (44) - Tết Tân Mùi 1991, với trang bìa của Bửu Chỉ vẽ con dê sừng ôm mặt trời, bụng “ôm” vòng tròn biểu tượng âm-dương, nhưng cũng không ghi tên Tổng Biên tập. Thực ra là tại bài “Ghi ở Đại hội” đã cho biết, sau khi Đại hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ nhất họp từ 18 - 19/12/1990, Ban Chấp hành Hội họp phiên đầu tiên ngày 24/12/1990 đã cử tôi làm Tổng Biên tập với số phiếu 100%, nhưng Tạp chí số 1 (44) và cả 2 (45) ra tháng 3/1991 cũng không ghi Tổng Biên tập vì phải chờ sự chấp thuận chính thức của Ban Tuyên Huấn và Bộ Văn hóa - Thông tin. (Cũng vì thế mà trong cuốn sách công phu “Lịch sử báo chí Huế” của Nguyễn Xuân Hoa - Nxb. Thuận Hóa, 2013, ghi rằng Nguyễn Khắc Phê chỉ làm Tổng Biên tập 2 số 46 và 47!).
Anh em trong Tòa soạn và cả phong trào văn nghệ Thừa Thiên Huế vừa mới trải qua nhiều tháng ngày khốn khổ vì kiểm thảo lên xuống, đang hào hứng bước qua giai đoạn mới, quyết tâm xuất bản “Sông Hương” mỗi tháng một kỳ, tôi cũng như Ban Biên tập đều không muốn “gây sự”, bài vở số 1 và 2 (tức số 44 và 45) nói chung hiền lành; lại có nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân làm Phó Tổng Biên tập, nên dung lượng bài về văn hóa Huế khá đậm đặc (nào là “Bóng giai nhân - Một đêm trên sân khấu Huế” của Yến Lan, rồi “Nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Vy qua Thảo Am thi tập”, “Số phận của những khẩu thần công thời Nguyễn”, rồi hỏi chuyện Bửu Ý, “Chuyện cũ Cố Đô”, “Chè hạt sen”…).
Dù sao thì tôi cũng có lỗi với những bạn viết, bạn đọc yêu “Sông Hương” là đã để cho tờ Tạp chí phải “nghỉ giải lao” trong hơn nửa năm trời! Chính vì thế mà trong bài “chân dung tự họa” nhân mình trên 70 tuổi (“Những nút số 9 trong đời tôi” - Tản văn chọn lọc, Nxb. Văn nghệ TP. HCM), tôi đã viết: “…9 tháng làm Tổng Biên tập “Sông Hương”, nếu chín chắn hơn, đừng nóng vội và khôn khéo một chút để làm được 9 năm chẳng hạn, thì có “oách” hơn không?” Thực ra, đó là nói cho vui, chứ cái chức trách Tổng Biên tập một tờ Tạp chí địa phương - cho dù là tờ “Sông Hương” ít nhiều có tiếng vang trong nước - cũng có chi là “oách”; quyền lợi chẳng có gì mà cái cảnh “trên đe dưới búa”, làm sao cho bạn đọc và cộng tác viên thỏa mãn, nhưng không bị các cơ quan “chức năng” bắt bẻ “thổi còi” thì quá ư khốn khổ. Vì vậy, với góc độ riêng tư, phải thành thật nói rằng: May nhờ “thoát” khỏi chức vụ Tổng Biên tập “Sông Hương”, tôi mới có thời gian, có điều kiện để sáng tác một số tiểu thuyết ít nhiều được dư luận chú ý như “Thập giá giữa rừng sâu”, “Biết đâu địa ngục thiên đường”…
N.K.P
(SH313/03-15)
HỒ DZẾNH
Hồi ký
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
NGUYỄN DU
LÝ HOÀI THU
Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa - Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.
PHẠM THỊ CÚC
(Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)
Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.
CAO THỊ QUẾ HƯƠNG
Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.
THÁI KIM LAN
Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.
Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?
Tôi được quen biết GS. Nguyễn Khắc Phi khá muộn. Đó là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khi anh được chuyển công tác từ trường ĐHSP Vinh ra khoa Văn ĐHSPHN.
Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3. Một hôm, ở khu tập thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách.
DƯƠNG PHƯỚC THU
LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.
NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN
(Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)
BÙI KIM CHI
Trời cuối thu. Rất đẹp. Lá phượng vàng bay đầy đường. Tôi đang trong tâm trạng náo nức của một thoáng hương xưa với con đường Bộ Học (nay là Hàn Thuyên) của một thời mà thời gian này thuở ấy tôi đã cắp sách đến trường. Thời con gái của tôi thênh thang trở về với “cặp sách, nón lá, tóc xõa ngang vai, đạp xe đạp…”. Mắt rưng rưng… để rồi…
LÊ MINH
Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)
… Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.
NGUYỄN KHOA BỘI LAN
Cách đây mấy chục năm ở thôn Gia Lạc (hiện nay là thôn Tây Thượng) xã Phú Thượng có hai nhà thơ khá quen thuộc của bà con yêu thơ xứ Huế. Đó là bác Thúc Giạ (Ưng Bình) chủ soái của Hương Bình thi xã và cha tôi, Thảo Am (Nguyễn Khoa Vi) phó soái.
(SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
NGUYỄN CƯƠNG
Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.
HOÀNG HƯƠNG TRANG
Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.
PHẠM HỮU THU
Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.
TRẦN NGUYÊN
Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.
PHẠM HỮU THU
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12
“Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).