'Bản lĩnh văn hóa', cái tâm sáng của nhà văn

14:05 20/06/2014

NGÔ MINH

Bản lĩnh văn hóa là cuốn sách gồm các bài báo và tiểu luận của nhà văn Tô Nhuận Vỹ do Nxb. Tri thức ấn hành năm 2014. Tôi đọc một mạch với sự xúc động và hứng khởi.

Xúc động vì cái TÂM sáng và thẳng thắn, bộc trực của tác giả, nên nhìn vấn đề gì cũng đúng đắn, sáng rõ. Hứng khởi vì những điều mà nhà văn đưa ra bàn luận là những vấn đề đang bức xúc của thế sự Việt, văn chương Việt. Đó là việc đánh giá các tác giả đổi mới, tác tác giả đã từng làm việc với chế độ phong kiến hay với Pháp xưa, việc đổi mới và hội nhập của văn học Việt Nam… Anh bàn một cách rạch ròi, khí khái, có lý có tình, dù là những vấn đề “gay cấn”, “nhạy cảm”.

Từ nhiều năm nay ở Huế, có nhiều đêm tôi đã lên nhà nằm nghe Tô Nhuận Vỹ đọc bản thảo tiểu thuyết mới, nghe anh kể về những ý định tương lai của mình, tôi đã nhận ra sự mới mẻ trong quan niệm và tư duy của anh. Anh mới đến mức đã tìm cách để đưa đoàn Ca Huế sang Mỹ biểu diễn trong lúc nước ta đang bị Mỹ cấm vận gắt gao. Anh là người đầu tiên “nối mạng thân thiện” với William Joiner Center - Đại học Massachusetts, từ đó “kết nối” Hội Nhà văn Việt Nam với Trung tâm này trong quá trình hội nhập văn học Việt Nam sang Mỹ. Rồi anh đứng ra tỉ tê vận động để tỉnh Thừa Thiên Huế chấp nhận và dành những căn nhà sang trọng nhất để nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng từ Pháp về với Huế. Mới hơn là trong tư duy Tô Nhuận Vỹ khi anh là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Anh đã làm cho Tạp chí “tỉnh lẻ” này biến thành một tạp chí tầm cỡ quốc gia. Và tinh thần ấy Sông Hương vẫn giữ vững đến bây giờ.

Viết về bà Nguyễn Đình Chi (nhân sĩ Huế, từng là Đại biểu Quốc Hội), khi xảy ra sự cố Tạp chí Sông Hương, Tổng Biên tập bị cách chức, Tô Nhuận Vỹ viết: “Cho đến khi ăn chén chè đậu ván sau bữa cơm với cô, cô mới nhỏ nhẹ: - Vỹ có cách chi giúp Sông Hương tiếp tục tinh thần khi trước không?... Tôi hiểu cô muốn nói với tôi như vậy. Tôi thầm cảm ơn tấm lòng của một đại nhân nơi cô” (Gió vẫn thổi trên dòng sông). Đó là tâm sự của những người hướng đến cái mới cho đất nước. Bàn về những điều băn khoan về cụ Phạm Quỳnh còn trong xã hội, nhà văn viết: “Đã có nhiều cuộc hội thảo…, đã có nhiều nhà xuất bản đã in lại nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh sau năm 1975… khẳng định sự đóng góp to lớn của Phạm Quỳnh đối với sự gìn giữ, phát huy nền quốc ngữ, nền văn học, văn hóa dân tộc. Ai cũng biết, băn khoăn còn lại, tựu trung là Phạm Quỳnh đã từng trực tiếp hợp tác với Pháp”. Tô Nhuận Vỹ có cái nhìn rất mới, khi đả phá quan điểm “ai không theo ta là địch” tồn tại thời hậu chiến cho đến nay. Cách đây hơn 30 năm, anh đã viết tiểu thuyết Ngoại ô, với mục tiêu tối hậu là để đấu tranh với quan điểm sai trái này. Anh viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chỉ rõ: không phải chỉ có những người cộng sản mới yêu nước. Sự giỏi dang nhất là người cộng sản đã tập hợp được cả những người không ưa cộng sản trong mặt trận chống Mỹ, đến cả tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn cũng có hành động có lợi cho Cách mạng”. Đó chính là TẦM NHÌN HỒ CHÍ MINH trong việc đãi cát tìm nhân tài, trong việc đối xử với các nhân vật lớn mà cả “địch” và “ta” đều chú ý. Với Phạm Quỳnh, Bác Hồ đã thảng thốt khi nghe tin ông bị giết. “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được ích lợi gì?” (Điều gì còn băn khoăn về Phạm Quỳnh?). Phải có nhãn quan văn hóa như thế mới ứng xử có tình có lý, có nhân văn đối với những người có quan điểm trái chính thống. Vì trong những suy nghĩ của họ có nhiều điểm có lợi cho dân tộc, cho cách mạng. Chứ dồn tất cả họ vào một rọ là “địch” thì dễ quá, làm cách mạng để làm gì?

Về tổ chức bộ máy Hội Văn nghệ hiện nay, Tô Nhuận Vỹ đã nói thẳng thừng những băn khoăn của mình. Một là “tới giờ chuyện chống bao cấp, chống xin - cho… cả nước đã tiến một bước dài. Riêng văn học nghệ thuật, riêng Hội Nhà văn là “ngoại lệ?”. “Cả nước đã đẻ thêm gần đến ngàn hội lớn hội nhỏ”, “với đủ các loại chức danh trưởng, phó, thường trực, tổng số cán bộ lãnh đạo hội gần bằng hội viên”. Dẫn đến một sự ĐẠI VÔ LÝ (anh viết chữ in hoa) là hệ thống văn học nghệ thuật đang theo đường hướng bao cấp triệt để hơn xưa nhiều”. Về nhân sự điều hành hoạt động của Hội Nhà văn thì hết khóa này đến khóa khác, “chúng ta vẫn thấy một số gương mặt U80, U70”. Nhà văn trăn trở: “…cái gì khiến lãnh đạo không còn thực tin anh em trẻ (mà trẻ gì nữa khi họ cũng đã 45, 50 tuổi)”? (Đúng hướng không?). Đó là băn băn của người có tầm nhìn và trách nhiệm với văn học nước nhà.

Tô Nhuận Vỹ nhiều năm là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Một chức quan nhỏ hàng tỉnh. Nhưng theo anh “Thuận Hóa - Phú Xuân là một vùng tiêu biểu của văn hóa Việt Nam”, vậy làm sao để phát huy truyền thống văn hóa ấy thông qua một tạp chí văn nghệ? Anh khẳng định: “Phải có bản lĩnh, BẢN LĨNH VĂN HÓA (in hoa), mới có thể làm được nhưng việc ai cũng biết, ai cũng nói, nhưng không phải ai cũng làm được”. Đối tượng phục vụ là “công nông binh” thì an toàn tuyệt đối, nhưng sẽ dễ dãi trong lựa chọn bài vở. Rồi người viết là ai? Tô Nhuận Vỹ đã “…âm thầm khẳng định Sông Hương là tờ tạp chí tầm cỡ quốc gia”. Từ đó người viết bài cho Sông Hương phải mở rộng ra cả nước và thế giới. Tạp chí đã tiếp cận được với các nhà văn hóa lớn, nhà văn nổi tiếng, các nhà cách tân hàng đầu trong và ngoài nước. Mục tiêu của sông Hương là “cái cũ phải sâu, cái mới phải mạnh và nhìn ra thế giới”. Đó chính là bản lĩnh mà người Tổng Biên tập đã truyền cho các biên tập viên dưới quyền. Nhờ đó mà Tạp chí Sông Hương đã trở thành một trong những tạp chí văn nghệ hàng đầu của đất nước.

Sách Bản lĩnh văn hóa đã dành phần lớn trang (154 trang) để bàn về “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và hội nhập”. Tô Nhuận Vỹ luôn day dứt: “Làm sao để các nhà văn trong nước và các nhà văn gốc Việt Nam ở nước ngoài có thể ngồi lại với nhau, để nói, để viết, để hoạt động, để bàn thảo tìm ra hướng đồng thuận, để hợp lực hợp tâm vì mục tiêu hưng thịnh đất nước, hưng thịnh nền văn hóa Việt Nam? Trọng tâm cuốn sách là chuyên luận Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập là đề tài tham gia chương trình nghiên cứu của William Joiner Center - Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ (2005 - 2007). Đây là chuyên luận đã được nhà văn đầu tư rất công phu đã được in một phần trên Talawas. Đọc chuyên luận này, không ít người quản lý cho rằng tác giả “mất quan điểm lập trường”, thậm chí có người còn cho rằng bị “địch” dật giây, ngược lại có không ít nhà văn “chống cộng” nguyền rủa. Nhưng theo tôi đây là nghiên cứu sâu sắc, chính xác, dũng cảm, có tấm nhìn xa và hay!

Mở đầu chuyên luận, nhà văn nhận định: “Văn học Việt Nam có vị trí cao trong xã hội và trong lòng người đọc ở vào thời gian chiến tranh… Nhưng nó đang đứng trước thách thức lớn buộc phải đổi mới mạnh mẽ, nếu không muốn tụt hậu”. Ai quan tâm tình hình văn học nước nhà trong gần 40 năm qua đều nhất trí với nhận định này. Theo Tô Nhuận Vỹ, văn học Việt Nam hiện nay có 2 nhiệm vụ lớn: “Tự do sáng tác và dân chủ hóa trong hoạt động văn học; góp phần vào hòa hợp hòa giải dân tộc”. Những năm sau chiến tranh, do sự cấm vận quốc tế, do sai lầm trong chỉ đạo kinh tế (cải tạo công thương nghiệp miền Nam, đổi tiền…), đất nước đang đứng trên bờ vực thẳm, không đổi mới sẽ chết. Trước tình hình đó, Đảng đã ra nghị quyết về đổi mới kinh tế như khoán 10 trong nông nghiệp, phát triển kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, ký kết thương mại Việt - Mỹ… Theo Tô Nhuận Vỹ, “Trong những năm xã hội đau đớn, vật vả để thoát hiểm này, đã có một “Giai đoạn oanh liệt của văn học Việt Nam”. Nhiều vấn đề về văn học và quản lý văn học nảy sinh. Xuất hiện nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến,… báo hiệu một “thế hệ” nhà văn mới. Bên cạnh đó cũng có một số “vụ” mà tác giả sách Bản lĩnh văn hóa nhắc lại với sự trân trọng “chưa từng có”, “là một hành động dũng cảm phi thường”. Vì nó thể hiện cái mới trong văn học. Đó là vụ “Đề dẫn”, vụ Báo Văn nghệ vụ Tạp chí Sông Hương. Vụ “Đề dẫn” là Báo cáo của Đảng Đoàn Hội Nhà văn do Nguyên Ngọc dự thảo và đọc tại Hội nghị đảng viên nhà văn toàn quốc năm 1989. Trong đó có những nhận định sắc sảo và chính xác:

Trong văn học lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc…, nhưng số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn… do vậy tính hiện thực của văn học bị hạn chế”; “Ít lâu nay trong người đọc và trong chính cả người viết,… cho rằng văn học ta đã có sự dừng lại…” có người nói văn học đang thụt lùi, có người lại gọi là “có tình trạng trì trệ”. Cũng có người cho rằng đang có khủng hoảng… có nhiều sách nhưng không có tác phẩm…”; “Người là muối mà chính mình không mặn thì lấy gì để mà muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có văn học lớn”. Sau vụ đề dẫn nhà văn Nguyên Ngọc bị mất chức. Nhưng sách Bản lĩnh văn hóa cho rằng đó là sự đổi mới… Từ đó Tô Nhuận Vỹ khẳng định: “Dĩ nhiên ngoài lòng dũng cảm, những con người như Kim Ngọc, Nguyên Ngọc phải có tầm nhìn xa. Họ đã dám và là người đi trước”. Đó là nhận định chính xác. Vụ Báo Văn Nghệ, vụ Tạp Chí Sông Hương bị “cấm vận”, Tổng Biên tập bị cách chức cũng là do bài vở hay quá, mới mẻ quá. Qua 2 tờ báo các nhà văn đã thể hiện những khát vọng tư tưởng sáng tạo của mình. “Một phần thực tế tang thương của đất nước mà chính Đảng chứ không phải ai khác cũng đã báo động là “đất nước đứng bên bờ vực thẳm” đã được các nhà văn tài ba và tâm huyết vạch ra một cách sống động hơn, đau đớn hơn và có sức thuyết phục hơn”. Nhưng do tầm của người quản lý không theo kịp, tư duy cũ kỹ, nên họ không chấp nhận. Bây giờ đọc lại những bài vở đó là nhân văn, không có một chữ nào là “phản động” cả. Tô Nhuận Vỹ đã thở dài cay đắng: “Tôi cho rằng, hành động “xay bột” Tình yêu thời thổ tả và bịa ra kiến nghị của 123 chị em chợ Đông Ba là hai sự kiện thê thảm và khôi hài nhất của văn học và báo chí Việt Nam, từ năm 1975 đến nay”.

Bản lĩnh văn hóa đã lên tiếng báo động: Văn học trước nguy cơ tụt hậu. Đây là phần chuyên đề tác giả viết rất hay, chính luận xen hồi ức, đối thoại, làm cho câu chuyện sinh động và thuyết phục. Thậm chí không nhìn thẳng vào sự thật này thì sự tụt hậu sẽ còn tụt dài và tụt xa nữa. Về chất lượng tác phẩm, trước Đại hội Nhà văn lần thứ 7 vừa qua, Nguyễn Duy nói: “Chúng ta đang có một thực tế văn chương rất mâu thuẫn. Những cái cũ kỹ giáo điều thì vẫn cũ kỹ giáo điều như cũ, người đọc chán rồi, không muốn tiếp nhận nữa. Mặt khác, lại xuất hiện những cái xa lạ, những cái u ơ, ú ớ, ù ờ thần kinh, người đọc không thể tiếp nhận nổi. Cả hai thái cực ấy làm người đọc vừa chán ngán, vừa lo ngại. Người ta ít quan tâm đến văn học đến mức tôi có cảm giác người ta chả cần nhà văn nữa”. Trước Đại hội Nhà văn 7, nhà thơ Hữu Thỉnh, đã nói văn hoa về chất lượng hạn chế của tác phẩm văn học thời gian qua là “độ kết tinh chậm” và nhà văn đang “thiếu khát vọng sáng tạo” để vượt qua các trở lực khách quan và trở lực trong chính mình”. “Thiếu khát vọng sáng tạo” do đâu? Đó là dân chủ dành cho sáng tạo văn học đã thay đổi quá chậm”. Do đó “Nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích”.

Vậy “phải thay đổi” thì thay đổi gì? Sách Bản lĩnh văn hóa nêu ra hai vấn đề cốt lõi nhất: a. Thực hiện dân chủ và ủng hộ khát vọng của nhà văn; b. Các nhà văn trong và ngoài nước phải ngồi lại với nhau. Tô Nuận Vỹ kể một câu chuyện rất hay: “Tôi, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Huy Thiệp đã có một cuộc chuyện trò khá lâu và vui vẻ tại nhà riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong một cái ngõ rất lắt léo mạn Khương Hạ. Thiệp cười hì hì rồi lấy một ví dụ nữa rất hay: Cái thằng cầu thủ giỏi, có kỹ thuật khéo léo mới hay dẫn bóng chạy vù vù nơi đường biên, là nơi đối phương dễ nhầm là bóng đã ở ngoài sân, chỉ cần đối phương chần chừ một vài giây là chết mẹ với nó rồi, nó a lê kéo bóng tuốt xuống và tạt vào cầu môn! Lúc ấy mà tay trọng tài gà mờ cứ thấy bóng mới chạm tới đường biên, chưa qua nửa vạch, mà đã cho rằng bóng đã ở ngoài sân, lập tức toét còi thì giết chết hết mấy thằng “siêu” này rồi chứ gì nữa!”. Đó là những ví dụ hay và chính xác về sự quản lý văn nghệ thô thiển, thiếu trình độ.

Theo Tô Nhuận Vỹ các nhà văn bị “trọng tài” thổi còi, từ “nhắc nhở” cho đến thẻ vàng, thẻ đỏ và sau đó còn có người bị treo giò vài ba trận, thậm chí treo giò cả đời thì thấy ôi chao! La liệt người tài trong số đó: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyền Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Hà Minh Tuân, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên,… Vì lẽ đó mà nhà văn Nguyễn Minh Châu kể câu chuyện: “Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”. Người như Phùng Quán, “Yêu Đảng hơn cả Đảng” làm hai bài thơ cực kỳ cách mạng là Lời mẹ dặn Chống tham ô lãng phí, “thế mà bị chà đi xát lại mấy chục năm trời, ôi chao ôi là trời!”

Làm sao để nhà văn không phải “vừa viết vừa sợ”, vừa viết vừa tự biên tập mình”? Câu hỏi lớn xin dành cho người quản lý văn nghệ, văn hóa. Ngoài ra để có cái mới về tư duy, nhận thức thì “Trong thái độ ủng hộ khát vọng sáng tạo, hiểu biết của nhà văn, việc mở rộng giao lưu quốc tế có một tác dụng rất quan trọng”. “Dĩ nhiên, tôi không bao giờ nghĩ một cách ấu trĩ rằng, mọi cái hay về dân chủ của các nước phương Tây đều có thể áp dụng ở nước ta”.

Về chuyện Các nhà văn trong và ngoài nước phải ngồi lại với nhau, Tô Nhuận Vỹ có lý khi cho rằng: “Đối với nhà văn Việt Nam, trước hết và quan trọng nhất trong việc mở rộng quan hệ quốc tế là giao lưu với các nhà văn, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ người Việt đang sinh sống và hành nghề ở các nước trên thế giới”. Mặt khác, làm được việc này thì, đội ngũ nhà văn Việt Nam sẽ đóng vai trò đi đầu, là chiếc cầu nối cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, đặc biệt giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với đồng bào trong nước, do hoàn cảnh lịch sử, đã để lại một hố sâu ngăn cách, dị biệt chua xót sau chiến tranh”. Cho nên phải nhận ra những cản trở để vượt qua khó khăn. Trắc trở đầu tiên là dòng văn học “căm thù”, “căm hận” (lẫn nhau) qua tác phẩm của các nhà văn trong và ngoài nước. Rồi những chuyện kể cay đắng, đau xót, thê thảm, uất ức của những ngày ở các trại tù cải tạo, cảnh cùng quẫn buộc phải vượt biên để bị hải tặc hiếp vợ rồi quăng con xuống biển ngay trước mắt mình, cảnh bị tịch thu nhà cửa, tài sản ngay sau ngày chiến thắng, chuyện con cái tuyệt đường học tập vì lý lịch cha mẹ… Mà rất hiếm, quá hiếm hoi, những hiểu và biết về các địa ngục trần gian, những “chuồng cọp” đày đoạ những người cách mạng và yêu nước ở Sở thú Sài Gòn, Chín Hầm, Côn Đảo, Phú Quốc, về sự tan nát thê lương của hàng ngàn làng quê thành phố, về những nỗi đau khủng khiếp của hàng triệu bà mẹ mất con mất chồng “của phía bên kia” trong chiến tranh…” Lại còn một thực tế thế này nữa: “Trừ đi số chống cộng cực đoan khó nói chuyện, không hiếm trí thức Việt kiều cứ hễ nói đến chuyện trong nước, nói đến người cộng sản Việt Nam thì đều cho là ngu dốt, bảo thủ và tay sai ngoại bang!”.

Để “ngồi lại với nhau” các nhà văn Việt trrong nước cũng như hải ngoại, phải có suy nghĩ như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ba mươi năm qua, có những bà mẹ ngày ngày thắp hương cho những người con của mình, người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài Gòn đã tử trận. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của người mẹ Việt Nam, cùng thắp nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát”…

Kết thúc chuyên luận, nhà văn Tô Nhuân Vỹ dẫn lời của Giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà văn Việt ở Pháp: “…Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra không gian cho mình. Nếu đến bây giờ mà văn nghệ sĩ không cùng nhau ‘khoán’ được một xã hội dân sự văn học để làm cái chuyện thông cảm nhau, ‘đọc nhau’, như anh đề nghị, thì chúng ta còn làm cái gì được nữa? Chuyện đó, Nhà nước coi bộ cũng muốn, cũng thấy cần thiết. Nhà nước đã muốn, anh sáng tạo ra bước đi, đó chẳng phải là chức năng của anh sao? Anh chờ ai?”

Hãy đọc Bản lĩnh nhà văn để hiểu bản lĩnh và sự dấn thân, tấm lòng và trách nhiệm, nguyện vọng và trăn trở của nhà văn Việt Nam hôm nay.

N.M
(SH304/06-14)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THỦY THANHLâu nay, "quả lắc" vì sự trong sáng tiếng Việt dường như đã trì vào điểm chết của dây dọi. Những mặc cảm, thành kiến hoặc dị ứng về sự "ga lăng ngôn ngữ" trước áp lực của thời đại tin học cũng chững lại như một thái độ thăm dò. Suy cho cùng thì ngôn ngữ cũng có đời sống riêng và nó bao gồm cả thể vía lẫn thể xác. Nó cũng "hữu sinh tất hữu diệt" trong luật tiến hóa và đào thải như nhiên. Ngôn ngữ nói chung là một phương pháp hệ thống hóa và tích lũy tri thức theo sự diễn tiến về mặt lịch đại và sự tiệm tiến về mặt đồng đại.

  • Các lý thuyết văn học tiếp cận văn chương theo những cách khác nhau và có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung tối quan trọng không thể chối cãi: tác phẩm văn học là một hiện tượng sử dụng ngôn ngữ trong đó không thể thiếu vai trò của tác giả, độc giả cũng như thực tại, cho dù mỗi yếu tố tham gia ở những mức độ khác nhau.

  • Viết là một công việc bất hạnh. Một trong những yếu tố gây khốn khổ cho nhà văn là cốt truyện. Cốt truyện là “ông ngoáo ộp” dọa dẫm người cầm bút và cũng là nguyên nhân chung dẫn đến sự bế tắc của họ trong quá trình triển khai tác phẩm.

  • Trên thế giới, ít có loài hoa nào ra đời sớm, phổ biến với nhiều biểu trưng cao quý như hoa sen. Dáng hình đẹp, màu sắc trang nhã, hương thơm thùy mị, thanh khiết, không nhiễm bẩn... chừng ấy đức tính tốt đẹp đã đưa hoa sen thành biểu trưng cao quý của đạo Phật.

  • TRẦN ĐƯƠNGGoethe (1749-1832) hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào ông cũng thâu tóm những tri thức đồ sộ, cũng đạt được những thành tựu xuất sắc. Tên tuổi ông trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, được Các Mác gọi là người Đức vĩ đại nhất”.

  • AN CHÍNHCó lẽ Hồng Nguyên là một trong những nhà thơ rất thành công về việc dùng "tiếng địa phương trong thơ của mình.

  • Flier Andrei Jakovlevich(Tiến sĩ triết học, nhà văn hóa học của Nga)

  • HOÀNG NGỌC HIẾN    (Đọc "Văn hóa chính trị - truyền thống và hiện đại" (1) của Nguyễn Hồng Phong)Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX06 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm(2). Lịch sử những quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam từ cuối t.k.XIX đến nay là một chủ đề quan trọng của công trình.

  • NGUYỄN ĐÌNH CHÍNHThực trạng của phê bình nghệ thuật hiện nay đang là một câu hỏi cần phải được trả lời.

  • THỦY THANHCuộc thi thơ dành cho người tàn tật ở Thừa Thiên Huế mặc dù "thời gian ứng thí" chưa đầy 2 tháng nhưng đã thu được kết quả đáng khích lệ. Với 33 tác phẩm của 7 tác giả nghiệp dư mang khuyết tật trên mình nhưng mỗi con người trong họ vẫn là "một thế giới một tâm hồn" lành lặn.

  • HOÀNG TẤT THẮNGMột trong những đặc điểm đặc thù của tiếng Việt là: các danh từ chỉ sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất... không phải luôn chỉ đứng một mình mà thường kết hợp với một từ đứng trước với chức năng phân loại, chỉ đơn vị, biểu thái... trong lời nói. Chẳng hạn, sự vật thuyền trong tiếng Việt không phải chỉ có từ "thuyền" mà còn có "cái thuyền", "chiếc thuyền", "con thuyền", "lá thuyền", "mảnh thuyền"... các từ "cái - chiếc - con - lá - mảnh..." thường gọi là từ chỉ loại (hay là loại từ).

  • NGUYỄN THANH HÙNGVăn học thời đại nào cũng là sự du di cái nhìn thấm sâu vào đời sống. Thơ văn nói tới cái thật xa, rồi lại trở về với cái thật gần. Muốn đi xa, hành trang thơ phải gọn nhẹ, nhẹ chữ nhưng nặng lòng. Thơ Thiền là vậy. Mỗi câu thơ như một mũi tên bay vào tưởng tượng. Giữa những dòng thơ Thiền là một cõi chân như, vượt ra ngoài định giới môi trường xã hội quen thuộc, vì thế thơ Thiền thênh thang hướng đạo nhằm mục đích cứu sinh, đưa con người trở về với chính nó.

  • LÊ ĐẠT                Đường bụi trang lịch cũ                 ếp ếp đàn thời gian                                           L.Đ

  • HOÀNG NGỌC HIẾN             (góp phần định nghĩa minh triết)Tôi bắt đầu tiểu luận này bằng những suy nghĩ có liên quan đến chủ đề minh triết của hai học giả Việt Nam: Ngô Thời Sĩ (1740-1786) và Kim Định (1914- 1997).

  • VÕ VĨNH KHUYẾNBa mươi năm, sau khi Bác qua đời (1969 - 1999) có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều chuyên luận và khá nhiều bài viết trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước về thơ, văn của Bác. Quy mô và mức độ có khác nhau. Tuy vậy, vẫn có chỗ chưa được khảo sát một cách đầy đủ, chưa được đầu tư nghiên cứu một cách thỏa đáng. Trong phạm vi, khả năng cá nhân và nội hàm vấn đề, chúng tôi mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ về thơ Bác viết cho thiếu nhi.

  • NGÔ TỰ LẬP(Tiếp theo TCSH số 127/9-99)

  • NGÔ TỰ LẬP1.Platon nói rằng không thể có sự bình đẳng của những kẻ vốn không bình đẳng về mặt năng lực tự nhiên. Đó là xã hội người, nhưng chúng ta cũng có thể nói tương tự như vậy về xã hội từ ngữ.

  • ĐÀO DUY HIỆP    “Hội làng mở giữa mùa thu     Giời cao gió cả giăng như ban ngày”                                            (Nguyễn Bính)

  • YURI BONDAREVTên tuổi của nhà văn Nga Yuri Bônđarép rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam qua những tác phẩm nỗi tiếng của ông đã được dịch ở ta vào thập kỷ 80 như: "Các tiểu đoàn xin chi viện", "Tuyết bỏng", "Bến bờ", "Lựa chọn", "Trò chơi"... Là một trong những nhà văn Xô Viết hàng đầu miêu tả hùng hồn và chân thực chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh chống phát xít Đức 1941- 1945, Bônđarép đã được phong Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, được tặng giải thưởng Lênin, các giải thưởng Quốc gia, giải thưởng Lép Tônxtôi và M.Sôlôkhốp, giải thưởng toàn Nga "Xtalingrát"...

  • TRẦN ĐÌNH SỬVăn học Trung Quốc trong cơ chế thị trường đã có những biến đổi khá lớn. Theo các tác giả của sách Văn học Trung Quốc thế kỷ XX xuất bản tại Quảng Châu năm 1988 có thể nắm được một đôi nét diện mạo, chứng tỏ văn học Trung Quốc không còn có thể tồn tại theo phương thức cũ. Cơ chế thị trường đã làm cho nhà văn và nhà phê bình phải suy tính lại về sách lược sinh tồn và phương hướng phát triển nghề nghiệp.