ROBERT J.C. YOUNG(1)
"Chủ nghĩa hậu thực dân/hậu thuộc địa” (postcolonialism) là thuật ngữ được sử dụng để định danh cho một loại hình nghiên cứu học thuật liên ngành kết hợp giữa chính trị, lí thuyết và lịch sử; được xây dựng nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn xuyên quốc gia cho những nghiên cứu lấy nền tảng là bối cảnh lịch sử của chủ nghĩa thực dân cũng như bối cảnh chính trị của những vấn đề đương đại của quá trình toàn cầu hóa.
Giáo sư Robert J.C Young - Ảnh: internet
Mặc dù vậy, lối phê bình chủ đạo của nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa lại biến lịch sử lâu dài của chủ thuyết hành động chống thực dân và chủ nghĩa đế quốc, thông qua một loạt các lí thuyết đôi khi xa lạ với lịch sử đó, thành một mô hình của phân tích phê bình học thuật. Tuy nhiên, khi đặt tên cho cuốn tạp chí này là Interventions (Can thiệp [tạp chí quốc tế về lý thuyết hậu thực dân/ thuộc địa]), chúng tôi không có ý thách thức lại những nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa đương đại thông qua việc đặt ra một đối lập giữa thuyết văn bản (textualism) với thuyết hành động chính trị (political activism). Một hướng đi còn phức tạp hơn cũng đang được tiến hành: những vấn đề giới tính trong lí thuyết hậu thực dân/ thuộc địa, chẳng hạn, không chỉ mang tính lí thuyết mà còn hướng tới những bất bình đẳng và những nhu cầu vật chất chiến lược; đồng thời, chỉ ra những cách thức mà các chiến lược hậu thực dân/ thuộc địa có thể có tác động nhất khi làm biến đổi những thực tế và những tri thức khác. Thực vậy, thay vì phê phán chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa do thuyết văn bản của nó, chúng tôi nhận ra rằng về nhiều mặt nó đã tạo ra các khả năng cho những động thái mới của thực tiễn chính trị và văn hóa. Tạp chí này do vậy có mục đích trau dồi bản sắc của nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa đương đại nhằm nêu bật những khả năng can thiệp của nó. Một hàm ý của mục đích này là việc phải xem xét lại phạm trù kháng cự vốn rất được ưa chuộng trong nghiên cứu hậu thuộc địa. “Kháng cự” (resistance) nhấn mạnh một hành động chính trị vốn phản ứng gay gắt trước quyền lực đàn áp thống trị, nhưng nó không thể nhấn mạnh tới nhu cầu cần đến, cũng như khả năng của, các phong trào can thiệp mạnh mẽ vốn thúc đẩy sự thay đổi về chính trị và sự chuyển biến về xã hội, kinh tế, văn hóa trong và khắp các không gian - quốc gia hậu thuộc địa.
Cho dù người ta có nói thế nào đi nữa về thuật ngữ rắc rối hậu thực dân/ thuộc địa (postcolonial)(2) thì chúng tôi vẫn lãnh trách nhiệm thảo luận về nó, tuy nhiên khi đọc - một khía cạnh đặc trưng của cái viết thuộc địa, hãy sáng tạo hoặc phê phán, hãy can dự vào quá trình lịch sử và chính trị của nó, cái đem đến cho nó những mục tiêu chung, xét theo nghĩa rộng. Đó là lí do vì sao, cũng giống như phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân/ thuộc địa đề xuất một quan điểm chính trị hơn là một phương pháp luận lí thuyết mạch lạc. Quả thực, chúng ta còn có thể tiến xa đến mức lập luận rằng nói một cách chặt chẽ, không có cái gọi là lý thuyết hậu thực dân/ thuộc địa hiểu theo đúng nghĩa. Đúng hơn, chỉ có những nhận thức và những vấn đề chính trị chung dựa vào một loạt lí thuyết chiết trung phục vụ cho chúng. Hơn nữa, cũng giống với một số hướng phê bình nữ quyền, một số lượng đáng kể các sáng tác hậu thuộc địa về cơ bản mang tính chống lí thuyết, trao quyền tối thượng cho giá trị của ý thức và kinh nghiệm cá nhân. Sự kết hợp hết sức lạ lùng giữa những lí thuyết hỗn tạp của chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa với một phủ nhận đôi khi mơ hồ, thậm chí hạ cố, đối với chân lý của tri thức kinh nghiệm là một kết hợp mà ta dễ dàng mô tả hoặc như nan đề của hậu thực dân/ thuộc địa hoặc như một phân cách giữa học thuật phương Tây với những điều kiện tồn tại của các nước “thế giới thứ ba”.
Chúng tôi đã đặt tên cho số đầu tiên của tạp chí Interventions là “Ý thức hệ hậu thuộc địa” (Ideologies of the Postcolonial) với mục đích mở ra một cơ hội cùng chia sẻ những suy tư về các đề án, các dạng thức ý thức hệ, các đòi hỏi quy chuẩn, các tính chất chính thống cũng như các câu nệ quy ước của chủ thuyết hậu thực dân/ thuộc địa. Những người thường được coi là nhà văn hậu thuộc địa (cũng như trước bất kì một danh hiệu nào, hầu hết các nhà văn đều phản đối một xác định như vậy), trong khi quan tâm vạch trần những ý thức hệ trấn áp trong quá khứ và hiện tại, cũng tự ý thức một cách rõ nét về sự phân cách nơi chốn và những vấn đề đạo đức gắn với vị thế của riêng họ. Tuy nhiên, một hệ quả của điều này là bản thân sự tự ý thức lại trở thành một mô hình chủ đạo của cái viết hậu thuộc địa, thể hiện qua những cuộc tranh luận quá chú trọng vào lối phê bình duy cảm hoặc chống lại phụ nữ của các nhà phê bình hậu thực dân/ thuộc địa, hơn là những vấn đề chính trị quan trọng có tính cấp bách hơn. Nhiều sáng tác thuộc dòng mạch này tự tuyên bố đứng ngoài “hậu thuộc địa”, tuy nhiên ta có thể tranh luận rằng, những sáng tác về hậu thuộc địa dù tự cho mình đứng ngoài nó thì thực tế vẫn mang những đặc trưng điển hình của chính cái viết hậu thuộc địa. Vì thế, dù tự ý thức về mô thức của mình, chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa vẫn tích hợp những ý thức hệ tiềm ẩn của riêng nó. Vậy chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa là một phương thức phê bình hay tự bản thân là một ý thức hệ? Và nếu như nó là một ý thức hệ thì đâu là những ý thức hệ của cái viết hậu thuộc địa, xét trong văn học, văn hóa hoặc trong phê bình/lí thuyết?
Có thể kể ra bảy câu hỏi khởi đầu nảy sinh từ sự chất vấn này:
Câu hỏi 1: Những ai và những nơi nào được coi là hậu thuộc địa? Phải chăng cái viết hậu thuộc địa đương đại và cái viết có liên quan đã quá nhấn mạnh đến tác động văn hóa của hiện tượng di dân (migrancy) và thay đổi nơi cư trú (dislocation)? Chắc chắn tình trạng di cư đã cấu thành nên một đặc tính quan trọng của trật tự toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng nâng tình trạng di dân lên thành một biểu hiện tiêu biểu của hậu thuộc địa lại hạ thấp kinh nghiệm lịch sử của vô số những người không di cư, những người di cư nhưng đến những nơi phi đô thị cũng như đông đảo những người đã di cư trong quá khứ. Việc nhấn mạnh vào tính lai ghép văn hóa khi đọc về di cư đương đại hàm ý một sự thuần nhất tương phản trong quá khứ vốn bị bác bỏ bởi những lịch sử lâu dài của chế độ nô lệ, của mua bán lao động và lưu vong chính trị. Làm thế nào để những lợi ích này được hòa giải?
Câu hỏi 2: Câu hỏi về sự biểu hiện: Tại sao việc nhận diện những cộng đồng thiểu số lại trở thành một vấn đề chính trị trọng yếu, có vẻ thường được đặt cao hơn cả vấn đề công ăn việc làm cũng như những cơ hội (bất) bình đẳng khác? Phải chăng nó vẫn ngầm giả định một cơ cấu thừa nhận sự phân cấp ông chủ - nô lệ mà Hegel từng đề xuất? Ai là người được trao quyền cho việc thừa nhận này? Phải chăng họ vẫn định cư ngay tại trung tâm của các đô thị lớn? Trong một chiều hướng có liên quan, các chủ đề về bản sắc, chủ thể tính và sự cất tiếng nói (voice) trở nên có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với các lí thuyết gia văn hoá đương đại: nhưng tiếng nói này đang nói về ai, nó đang hướng đến những đối tượng nghe nào, ai là người phải nghe và họ phải phản hồi như thế nào?
Câu hỏi 3: Ở chừng mực nào thì sự hiện diện của những vấn đề giai cấp, chủng tộc, sắc tộc và giới tính trong chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa xác nhận quan điểm cho rằng nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa thực sự là sản phẩm của chủ nghĩa đa văn hóa ở Mĩ ngày nay? Lí thuyết đã thực sự du hành, hay đúng hơn các lí thuyết gia đã du hành đến với lí thuyết tại các đô thị lớn? Phải chăng lập luận liên quan cho rằng nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa là một hiện tượng chủ yếu thuộc về phương Tây, bị giới hạn trong những thiết chế phương Tây, đã đánh dấu một can thiệp chính trị hữu ích trong kỉ nguyên của những cộng đồng xuyên quốc gia?
Câu hỏi 4: Sự ra đời của chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa liệu có đánh dấu sự kết thúc của “Thế giới thứ ba”? Một bài báo gần đây trong một tuần báo tài chính Anh (được viết trước ngày diễn ra cuộc bầu cử của chính phủ Đảng Nhân dân Ấn Độ) nêu quan điểm cho rằng Ấn Độ có thể là nơi đầu tư tuyệt vời mà giờ đây đang “vứt bỏ những xiềng xích ý thức hệ hậu thuộc địa của nó”. Như vậy, từ điểm nhìn tư bản chủ nghĩa, hậu thuộc địa mô tả sự chấp nhận của thế giới thứ ba đối với những ý thức hệ chống tư bản của chủ nghĩa Marx trong quá khứ. Hầu hết các quốc gia châu Phi và châu Á đều lựa chọn một hệ thống kinh tế và chính trị sau khi giành được độc lập - hoặc mô hình kinh tế dựa vào nhu cầu thị trường tự do của phương Tây, hoặc mô hình Marxist lấy Trung Quốc - Liên Xô làm trung tâm, hoặc một nền kinh tế pha trộn bản địa kiểu như Ấn Độ. Do sự sụp đổ của khối Xôviết và sự chuyển đổi của Trung Quốc sang một hình thức kinh tế tư bản chủ nghĩa có kiểm soát nên thực chất ngày nay không còn bất cứ một lựa chọn nào nữa. Thực tế giờ đây chỉ có duy nhất một hệ thống kinh tế thế giới. Hệ quả là, do sự sụp đổ của thế giới thứ hai, thế giới thứ ba cũng không còn tồn tại nữa. Quả thực sự xuất hiện của lý thuyết hậu thực dân/ thuộc địa có thể được xem là đánh dấu thời điểm các nước thế giới thứ ba chuyển từ gắn kết với thế giới thứ hai sang gia nhập vào thế giới thứ nhất. Nhưng nếu như nó vẫn cố gắng tìm kiếm một vai trò chống đối, vậy thì đâu là hình thức kinh tế tham dự quan yếu mà những phân tích hậu thuộc địa sẽ tìm đến? Nếu không có một nền tảng kinh tế thực sự cho phê bình của mình thì phê bình hậu thực dân/ thuộc địa sẽ rơi vào nguy cơ chỉ phản ánh tiến trình toàn cầu hóa của những dòng vốn từng là đặc trưng cho lịch sử thời kì Hậu-Xôviết (bắt đầu bằng sự cổ vũ phiên bản vốn toàn cầu tự do của nhân loại: sự di cư kinh tế). Ở một cấp độ khái quát hơn, điều này làm dấy lên câu hỏi tổng quát về hoàn cảnh lịch sử của chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa.
Câu hỏi 5: Ở Phương Tây, cũng chính các lí thuyết hậu cấu trúc, bắt đầu từ những năm 60 thế kỉ XX trở đi, đã thách thức những giả định của chủ nghĩa Marx, một thách thức sẽ nhận được xung lượng mạnh mẽ hơn trùng với thời điểm lịch sử chủ nghĩa Marx ở Liên Xô sụp đổ. Điều ngạc nhiên là khi xem xét sự tiếp nhận ban đầu của chủ nghĩa hậu cấu trúc trong hình thức chủ nghĩa duy tâm phi chính trị, nhiều nguyên tắc của nó đã được các cộng đồng thiểu số ở châu Âu và ở Mĩ sử dụng, đặc biệt là người da màu - những người nhận ra tiềm năng chính trị cấp tiến của một số tư tưởng hậu cấu trúc luận và thay đổi những ưu tiên của nó trong quá trình sử dụng. Nếu hậu cấu trúc làm mất đi tư tưởng duy tâm của nó thì thay đổi này còn bao hàm sự chối bỏ lối phê bình Phản-Khai sáng cấp tiến của chủ nghĩa nhân văn và sự tái khẳng định các giá trị tự do của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời bao hàm sự bác bỏ những lập luận kinh tế học chung chung. Xu hướng đặc thù hóa kinh nghiệm phải chăng hàm nghĩa rằng những bất bình đẳng kinh tế cơ bản, cả bên trong các quốc gia lẫn giữa các quốc gia với nhau, được xem xét một cách chung chung mà không tính đến vấn đề nghèo đói, vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế và rằng những lợi ích của sự ổn định chính trị đang được giải quyết bằng các biện pháp thực sự?
Câu hỏi 6: Cái viết hậu thuộc địa, cùng với cái viết thiểu số ở phương Tây và cái viết nữ quyền luận nói chung, đã làm nên một cuộc cách mạng trong mĩ học cũng như trong các tiêu chí mĩ học của văn học ngay tại thời điểm mà “văn học” bị tấn công nhiều nhất trong tư cách một phạm trù lỗi thời của các thiết chế tinh hoa. Xét về mặt thiết chế, tác động của nữ quyền luận và chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa đã làm thay đổi hoàn toàn tiêu chí của những gì làm nên nghệ thuật đích thực thông qua việc thách thức vốn văn hoá mà từ đó các quan niệm văn học được tạo lập. Cái viết giờ đây được đánh giá ở sự mô tả những kinh nghiệm của thiểu số tiêu biểu cũng như ở các phẩm chất thẩm mĩ của nó. Cái viết hậu thuộc địa đã tự cất tiếng nói một cách quyết liệt thông qua lịch sử và viết lại lịch sử, thông qua việc đổi mới và lấy lại mẫn cảm lịch sử nhờ các quá trình sáng tạo của sáng tác đương đại. Điều này cho thấy rằng mặc dù vay mượn những hình thức tư tưởng gắn liền với chủ nghĩa hậu cấu trúc và phản duy bản luận hậu hiện đại, nhưng theo cách của riêng mình, nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa trong thực tế vẫn có thể mang đặc tính duy bản luận sâu sắc, dựa trên nền tảng một nhận thức luận ưu tiên một thực tế lịch sử xác thực (vị thế này đã được xác lập một cách chắc chắn trong văn bản có ý nghĩa sáng lập ra ngành nghiên cứu hậu thuộc địa hiện đại: Orientalism (Đông phương luận) của Edward Said, ra đời năm 1978). Nếu chính sự kết hợp này định hướng chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa về mặt chính trị và cấu thành nên bản sắc lí thuyết và văn hoá đặc trưng của nó, thì chủ nghĩa hậu thực dân/ thuộc địa sẽ khẳng định như thế nào chủ trương duy bản luận này trong khi vẫn đang làm đảo lộn những tiền đề duy bản luận trước đó vốn lấy cơ sở ở các phổ quát, mĩ học, tính tổng thể, tính đồng nhất, tính thuần khiết, chủng tộc và sự gắn bó với vùng đất?
Câu hỏi 7: Ý niệm về chủng tộc và sự gắn bó vùng đất mở ra những câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc và quốc gia - nhà nước liên đới đến nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa, về những tranh luận xoay quanh sự tiến triển, khả năng tồn tại và tính khả thi của chúng trong các quốc gia đã giải thuộc địa hoá, hoặc trong những thuộc địa cũ vốn diễn ra các hình thức thực dân hoá nội địa liên quan đến các quốc gia bản địa của “thế giới thứ tư”. Phải chăng một quan điểm chính trị của chủ nghĩa dân tộc về văn hóa chỉ có thể duy trì trong các nghiên cứu hậu thực dân/ thuộc địa liên quan đến những hoàn cảnh thuộc địa hoặc gần thuộc địa đang tiếp diễn?
Ngân Hà (dịch)
[Nguồn: Robert J.C Young, “Ideologies of the Postcolonial”, trong Interventions: International Journal of Postcolonial Studies 1:1 (1998), p.4-8]
(SH306/08-14)
----------------------------
(1) Robert J.C. Young là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Anh, Giáo sư về tiếng Anh và Văn học so sánh tại Đại học New York, được giới học thuật biết đến với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa, sử gia và lý thuyết gia hậu thực dân. Ông là thành viên sáng lập tạp chí The Oxford Literary Review, Tổng Biên tập tạp chí Interventions: International Journal of Postcolonial Studies. Các công trình chính: White Mythologies: Writ- ing History and the West (1990); Colonial Desire: Hybridity in Culture, Theory and Race (1995); Torn Halves: Political Conflict in Literary and Cultural Theory (1996); Postcolonialism: An Historical Introduction (2001); Postcolonialism: A Very Short Introduction (2003); The Idea of English Ethnicity (2008),… Bài viết này được ông viết cho số mở đầu của cuốn tạp chí Interventions vào năm 1998, như một gợi dẫn trao đổi về các vấn đề ý thức hệ hậu thuộc địa, các ý kiến trao đổi xung quanh đề xuất này sau đó được in trong hai số đầu tiên của tờ tạp chí. Những vấn đề được ông đặt ra ở đây có thể mời gọi nhiều suy nghĩ về không gian tinh thần ở Việt Nam hiện nay nói chung, và việc nhận thức các vấn đề tri thức/quyền lực nói riêng (BT).
(2) Thuật ngữ poscolonial có thể chuyển sang tiếng Việt là hậu thực dân hay hậu thuộc địa. Có một phương án có thể đề xuất cho các lựa chọn này: hậu thuộc địa được dùng trong các văn cảnh gắn với hoàn cảnh địa-chính trị, hậu thực dân được dùng trong các văn cảnh có sự nhận thức hoàn cảnh ấy và/hoặc chịu sự quy định của hoàn cảnh ấy. Sự khác biệt, vì vậy, nằm ở chỗ: hậu thuộc địa là hiện thực tự thân còn hậu thực dân là cái nhìn hiện thực tự thân ấy trong sự hồi đáp thường xuyên với quá khứ tiếp xúc Đông-Tây, và gần đây hơn, giữa quyền lực trung tâm và các ngoại vi (BT).
Điều gì đã khiến cho vở kịch có sức sống trường tồn như vậy?
Isaac Bashevis Singer (14/7/1904 - 24/7/1991) nhà văn Mỹ gốc Do Thái Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học năm 1978. Những sáng tác của ông chủ yếu viết bằng tiếng Yiddish (tiếng Đức cổ của người Do Thái).
Tổng thống thứ 44 của Mỹ có phong cách lãnh đạo đặc trưng, thu hút được hàng triệu người ủng hộ và khiến cả những đối thủ của ông cũng phải thán phục.
NGUYỄN QUỐC THẮNG
“Tất cả những gì tôi đã làm được đều là kết quả của sự cô đơn”1
(Kafka)
“Hệ thống ám dụ của Kafka thực hiện chức năng của nó như những ký hiệu vô hạn chất vấn những ký hiệu khác”2
(Roland Barthes)
Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Sau ông làm Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát năm 1932. Cuốn hồi ký Xứ Đông Dương là cuốn sách viết riêng về giai đoạn ông ở Đông Dương.
TUỆ NGỌC
A. GELMAN(*)
Chúng ta là những người chứng kiến tình trạng lo ngại đang tăng lên của xã hội về khía cạnh đạo đức trong sinh hoạt của đảng ta.
LGT: Tiểu luận “Làm sao văn học khả hữu?” dưới đây là văn bản phê bình văn học đầu tiên của Maurice Blanchot được ra mắt vào năm 1941 trên Nhật báo tranh luận (Journal des débats).
Kể đến Noel năm nay, thế là tôi đã qua trọn 50 mùa Noel ở nước Đức, đất nước có truyền thống Noel lâu đời, nơi thành phố Munich, vốn có tên từ những nhà tu đạo Thiên Chúa “Mönche”, nơi có chợ Giáng sinh gọi là “Christkindelmarkt” truyền thống xa xưa (khoảng 400 năm trước), và cũng từ vùng này, bài thánh ca bất tuyệt “Stille Nacht” cất lên, vang vọng khắp trên địa cầu đã tròn 200 năm.
LÊ VIỄN PHƯƠNG
(Đọc Cuộc đời yêu dấu của Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng chuyển ngữ, NXB Trẻ, 2015).
TRẦN HUYỀN SÂM
Vì sao phương Đông đã trở thành chủ đề trung tâm trong tiểu thuyết Pháp đương đại? Đó là nội dung bàn luận trong mùa trao giải văn học năm nay ở Paris.
L.T.S: "Cuộc đời của André Colin" là thể loại sân khấu "lưu động" một sự kết hợp của đối thoại, âm nhạc, đồ họa, trên sân khấu diễn ra đồng thời hình vẽ, tranh liên hoàn, tranh đèn chiếu và phim ảnh 16mm. Từ khi biên soạn (1987) kịch bản đã được diễn một trăm lần ở Paris và các tỉnh khác. Tác giả Anne Quesemand, thạc sĩ văn học cổ điển, là người biên kịch đồng thời là diễn viên cùng với Laurent Berman. Bà còn là tác giả của nhiều phim ngắn.
Châu Âu hẳn nhiên sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các đe dọa và đòn tấn công của bọn khủng bố. Một số chính sách về nhập cư có thể sẽ thay đổi để thích nghi với tình hình mới.
VIỄN PHƯƠNG
Lúc 13 giờ Thụy Điển (tức 18 giờ Việt Nam), ngày 8/10 tại Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, tên của nhà văn Svetlana Alexievich đã được xướng lên dành cho giải Nobel văn chương.
Antoine Leiris đã mất đi người vợ Helene dấu yêu của mình trong vụ xả súng ở nhà hát Bataclan, Paris ngày 13/11. Con trai của họ, bé Melvil 17 tháng tuổi giờ đây đã mất đi người mẹ của mình.
MAURICE BLANCHOT
Cuốn sách mà Jean Paulhan vừa dành cho văn chương và ngôn ngữ được đọc với một tâm thế khác thường.
Ngày 1-11-1988, họa sĩ Bửu Chỉ đến Paris. Ngày 30-4-1989, họa sĩ trở về nước. Trong thời gian ở Paris, Bửu Chỉ đã sáng tác nhiều tác phẩm mới và đã có hai cuộc triển lãm tranh thành công tốt đẹp: tại Nhà Việt Nam từ 1-2 đến 5-3-1989 với 21 bức tranh và tại UNESCO với 40 bức từ 3-4 đến 14-4-1989.
QUẾ HƯƠNG
Tôi đến Mỹ 4 tháng, thăm con trai từng là nha sĩ, qua học lại, 41 tuổi mới chính thức vào trường đại học Mỹ, sống lần nửa đời sinh viên ở một đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới.
NGUYỄN KHOA QUẢ
Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại từ năm 1975 đến năm 1979, chưa đầy 4 năm, phía bắc Đặng Tiểu Bình - Trung Quốc đem quân đánh phá. Phía nam Khơ me đỏ Campuchia, bọn Pôn Pốt sang đánh phá các tỉnh Kiên Giang và Tây Ninh... Quân tình nguyện Việt Nam kết hợp với Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt năm 1979, giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ bạo tàn diệt chủng.
LTS: Cách đây chưa lâu, báo Bulledingue (BD) của phong trào sinh viên trong tổ chức Hội Người Việt Nam tại Pháp, có tổ chức phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Hãn trên hàng loạt vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nội dung trả lời của giáo sư có thể giúp độc giả Sông Hương một số dẫn liệu mới hoặc gợi mở những cuộc trao đổi tranh luận bổ ích. Vì vậy, với sự đồng ý của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Sông Hương xin trích giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này với độc giả.