Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của thiên nhiên

15:15 28/08/2008
LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tài hoa ư? Thì chính nhà văn thi sĩ đã tự ý thức để vận vào mình nỗi cô đơn dài dặc của cả một đời phù du "tôi sẽ tìm em giữa mịt mờ vô tận, dù một ngày còn đập cánh tài hoa". Độc đáo ư? Thì những vần thơ, những trang ký, ngay cả những lúc "nhàn đàm", nghĩa là những lúc mình là mình nhất, không còn phụ thuộc vào những khuôn mẫu nào, những lúc "kiến thị cuộc đời như một trò chơi và tự xem mình cũng là một trong số những người ham chơi" (Người ham chơi) Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã nói lên điều đó. Đa dạng ư? Lẽ nào lại quy vào một từ đơn giản thế, dẫu thế giới nghệ thuật của anh tự nó đã là một minh chứng xác thực cho điều này. Nhân hậu ư? Thì hơn ai hết Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đồng cảm với lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một mảnh hồn đồng dạng với anh: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không? – Để gió cuốn đi". Cái tâm ấy lấp lánh trên từng trang viết của một con người suốt một đời rong ruổi trong những năm tháng chiến tranh, trong những ngày tháng hòa bình. Dường như khó "sắp xếp" một chỗ cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, dù chỉ bằng ngôn từ lý luận. Cảm nhận văn thơ anh Tường là cảm nhận tự trái tim, với cả vốn liếng văn hóa có sẵn ở mỗi người.
Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện về nghiệp văn và cả nghiệp đời của một tác giả. Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc loại tác giả mà những trang viết cũng chính là những trang đời chắt lọc. Cũng hiếm có một tác giả nào thể hiện hết mình một cái tôi vừa đa dạng vừa thống nhất trong những thể loại mà mình sáng tác như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nếu đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta đối diện với một cái tôi trầm tư về lẽ đời, lẽ người thì dường như trong thơ anh có một con người khác – một cái tôi trầm lặng trong nỗi buồn đơn độc. Và nếu trong thơ, cái tôi luôn tự mình đối diện với bóng mình, một cái tôi ngồi tỉ mẩn lượm nhặt, ghép lắp những – mảnh – mình – rơi – vãi (dáng ai như tôi đi qua cánh đồng, thu nhặt lại mình trên ngọn gió, giống như con chim sẻ nọ, thu về từng cọng vàng khô) thì đọc ký và "nhàn đàm" của anh, người đọc lúc nào cũng tưởng tượng rằng, có một người nghệ sĩ, một kẻ lãng du, rong ruổi hoài giữa khói và mây, "giữa không gian mù sương giăng đầy tơ trời của mùa thu"; giữa tiếng ve ran giấu trong những hàng phượng đỏ mùa hè; hay trong cái tím ngát của buổi chiều, hoặc giữa đêm khuya, khi "những cây ngọc lan nhả vào không trung một mùi hương sâu thẳm và bí ẩn". Dẫu viết về đời hay viết cho mình, dẫu có lúc lặng buồn có lúc bông đùa, riết róng hoặc có khi lên giọng sử thi, lúc nào Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thể hiện mình như một "thi sĩ của thiên nhiên".
Lần dở từng trang viết của anh, theo sau những bước lãng du, những phút "nhàn đàm", hay đồng điệu với những vần thơ mang tính chất tự bạch của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nét đọng lại ở người đọc vẫn là hình ảnh một con người hòa nhập với thiên nhiên. Ngay ở nhan đề những tập sách của anh cũng đã thể hiện được ấn tượng này. Từ Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Bản di chúc cỏ lau, đến Hoa trái quanh tôi, Thành phố và chim, Ngọn núi ảo ảnh, Người hái phù dung v.v... những tín hiệu thẩm mỹ ấy đã ngầm bộc lộ con người và nét đặc sắc của văn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phải chăng một con người biết say đắm một chòm mây, một dáng núi, một bóng trăng là con người biết sống và sống đẹp. Là thi sĩ của thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhạy cảm với cỏ, hoa, ngàn thông, chim sẻ. Trong thơ anh xuất hiện nhiều hình ảnh hoa dại, cỏ gai, chim trời... như là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, thuần khiết. Là thi sĩ của thiên nhiên, những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho người đọc những miền không gian xanh thẳm, ẩn chìm những vết trầm tích văn hóa từ thiên nhiên.
2. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết nhiều thể loại nhưng ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những trang ký viết về thiên nhiên Huế của nhà văn. Với thể ký anh đã khẳng định rõ phong cách riêng và góp phần "bản sắc hoá" văn học một vùng đất. Chính những trang ký này đã thực sự làm nên một Hoàng Phủ Ngọc Tường của Huế, để tác phẩm của anh không biết tự lúc nào đã trở thành một phần máu thịt của văn hóa và văn học Huế. Đọc những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận về thể ký có sự đổi thay thú vị. Thể loại chuyên ghi chép các sự kiện sôi bỏng, có thực này qua ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thấm đẫm chất trầm tư, trữ tình. Rất nhiều ánh lửa, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi... chính là sản phẩm của một phong cách ký độc đáo đến duy nhất, với những trang viết vừa trí tuệ, vừa nặng trĩu trầm tư. Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu lượng thông tin. Tác giả tỏ ra am hiểu đến lọc lõi những gì mình viết.
Những trang kí viết về Huế là những trang thơ văn xuôi, góp phần khẳng định sự thành công của anh về thể ký, đồng thời bộc lộ rõ một phong cách riêng. Đó là "chất Huế" bàng bạc khắp những trang viết của anh. Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút ký gắn bó với cội nguồn, truyền thống văn hóa Huế. Trong bảng màu đa dạng của loại ký thiên về văn hóa, ký Hoàng Phủ Ngọc Tường tập trung về thiên nhiên và văn hóa vườn.
Vườn là một không gian văn hóa đặc trưng của Huế. Hệ thống vườn nhà, vườn lăng, vườn chùa, vườn trường làm tôn tạo sắc xanh và trữ tình cho Huế. Nhạy bén với ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất kinh kỳ cũ, bằng những trang ký trữ tình, với văn phong mềm mại, hấp dẫn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc họa đậm nét yếu tố văn hóa đặc trưng này. Trong Hoa trái quanh tôi, nhà văn viết: "Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là "bản sắc Huế". Từ cái nhìn đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường say sưa viết về những khu vườn Huế. Không có sự am tường về văn hóa vườn, khó có thể viết được những trang thú vị về vườn Huế như thế.
Những bức tranh thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường mang một nét Huế riêng, nhà văn rất có ý thức làm rõ nét đặc thù của không gian xanh sâu của Huế. Viết về Thành phố và chim, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng kêu lên như thảng thốt ngạc nhiên "Chưa cần đến âm nhạc, Huế từ trong tâm hồn nó đã mang sẵn một mêlôđy của riêng mình. Là thành phố vườn, Huế tràn đầy âm do thiên nhiên ban cho: dàn đồng ca của ve sầu mùa hè, tiếng hát trong và cao vút của ve kim như tiếng đàn viôlông mùa thu, lời nỉ non của côn trùng trong những khu vườn mùa đông, và cả bốn mùa, ôi Huế bốn mùa đầy tiếng chim". Trong mẩu bút ký Khói và mây, Hoàng Phủ Ngọc Tường kỳ công tả một tiếng ve, một thứ âm thanh có lẽ trở thành của Huế mỗi lúc mùa hạ trở về: "Khu vườn Nhà Chung trước mặt nhà tôi đầy tiếng ve. Ve sầu kêu rất đúng giờ, cứ cách nhau vài tiếng thì lại dấy lên cùng một lúc như một dàn nhạc giao hưởng, khiến cho mùa hè ở Huế có một âm thanh riêng. Đến già nửa mùa hè thì ve sầu im tiếng nhường chỗ cho tiếng ve kim. Ve kim kêu li ri như tiếng vĩ cầm, báo hiệu mùa thu sắp đến". Nhà văn khẳng định: "Thật hiếm có thành phố nào mà tiếng ve lại xen lẫn với tiếng xe cộ như ở Huế. Rõ ràng Huế là một thành phố vườn. Tôi có cái thú lên chơi ở những khu vườn ngoại ô vào dịp đầu thu. Ở đó trong ngọn gió heo may lành lạnh, tôi còn bắt gặp trên những thân cây trong vườn những chiếc vỏ khô của con ve sầu. Mùa hè đã đi qua song trời đất còn để lại một chút dấu tích trên những xác ve sầu".
Huế là một thành phố xanh, người Huế sống gần gũi, gắn liền với thiên nhiên nên môi trường xanh ấy có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tìm hiểu tính cách con người của vùng đất kinh kỳ cũ. Văn hóa vườn tiềm ẩn trong cách sống, cách ăn uống và cả cách ứng xử của người Huế. Nét văn hóa ứng xử đó đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện tinh tế qua một thể loại ngỡ chỉ là ghi chép sự kiện. Nét văn hóa Huế in sâu trong những dòng chữ, câu văn khi anh tìm thấy sự tương giao giữa người Huế và thiên nhiên. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Tưởng không cần nhiều hơn để nhận ra rằng có bao nhiêu điều trong đời sống nội tâm của người Huế đã hình thành qua tình bạn lâu dài với chim đến nỗi người ta đã mang theo tiếng chim vào âm nhạc để cố gắng đạt tới nỗi lòng, như trong bài Lý qua đèo".
Viết về mối quan hệ thân thiết giữa thiên nhiên và con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đơn cử một cách ứng xử đầy nghĩa tình của người Huế với cây xanh. Theo anh: "Cho đến nay, người Huế vẫn còn duy trì một phong tục cổ xưa về tình bạn cao quý đó. Khi người chủ vườn qua đời thì những người già đem buộc băng tang vào những cây quý trong vườn để cây khỏi tàn lụi theo, vì người ta tin rằng cây cũng vui buồn cùng với con người". Người Huế chăm chút vườn "với tất cả ý thức văn hóa và đã nhận lại từ cây cối những lời ngụ ngôn thầm lặng" (Hoa trái quanh tôi)..
Trong văn hóa ứng xử của người Huế có một tục tạ ơn đầy chất nhân văn – đó là tục tạ ơn cây của những người làm vườn xưa. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cung cấp cho người đọc một phong tục nhân hậu, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa vườn cây và con người (Hoa trái quanh tôi). Nhân vật bà Lan Hữu trong mẩu ký đã nhỏ nhẹ tâm sự: "Người làm vườn xưa có tục tạ ơn cây. Cuối năm có cái lễ nhỏ, có hột nổ, pháo và ít giấy vàng bạc dán vào gốc cây. Không phải thờ cúng thần thánh chỉ là mình đã nhận của nó nhiều thì trả lại cho nó chút ít. Cô không làm như người ta, nhưng con người biết ơn cây là phải". Có thể nói đó là cách ứng xử rất Huế.
Như tất cả những ai quan tâm đến môi trường thiên nhiên xứ Huế, lại là nhà văn nhạy cảm với mối quan hệ giữa con người và môi trường, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều lần lên tiếng báo động về sự hủy hoại thiên nhiên trong lành của Huế. Trong mẩu ký Thành phố và chim, Hoàng Phủ Ngọc Tường day dứt: "Bây giờ thì tất cả đã bay về phương trời nào không biết... Bây giờ thành phố vắng bóng chim, hầu như chim chóc đã bỏ Huế mà đi. Nguồn cơn ấy bởi vì đâu? ". Bằng nỗi trầm tư đầy tâm huyết người thi sĩ thiên nhiên ấy đã lên tiếng đánh động về sự hủy hoại môi trường của vùng đất kinh kỳ cũ và tìm giải pháp nhằm bảo vệ thiên nhiên vườn Huế, để một ngày nắng ấm những cánh chim lại bay về – "những đàn còn hoàng hôn, lũ quạ mùa mít chín, con chim ca cút kêu đò, con chim khách lẫn vườn cau, con chim chèo bẻo lẫn cây măng vòi, và sau cùng, cả con chim bói cá sặc sỡ bay vù qua ký ức tuổi thơ của tôi, mê hoặc như ảo ảnh" (Thành phố và chim).
Huế trong những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang âm hưởng huyền hoặc của những thành quách rêu phong, những khu vườn trầm mặc, cổ kính, những rừng thông u tịch, nét trữ tình của núi Ngự sông Hương. Đã từ lâu sông Hương núi Ngự đã trở thành biểu tượng gắn kết trong thơ văn. Trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Huế, sông Hương núi Ngự mang vẻ đẹp cân xứng, hài hòa. Nhà văn đã tìm thấy trong vẻ đẹp sơn thủy hữu tình này một sự hòa nhập "văn hóa dòng sông", và "văn hóa núi". Sông Hương đã trở thành đối tượng thẩm mỹ của thơ ca nhạc họa, nhưng chỉ dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông thi ca này mới được soi chiếu từ nhiều phía. Dòng Hương chảy tràn trên những trang ký của anh, nhiều dáng vẻ. Có khi sông Hương là "một cô gái di-gan phóng khoáng và man dại, có khi là "mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", có lúc sông Hương trở thành "một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Đến với những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc có dịp hiểu rõ thêm về cội nguồn sông Hương và văn hóa Huế. Sông Hương và "văn hóa sông ngòi" ấy dường như được Hoàng Phủ Ngọc Tường thu tóm lại trong một mẩu huyền thoại đẹp khép lại những trang ký bộc lộ một cái tôi trầm tư và nồng cháy suy tư: "Ai đã đặt tên cho dòng sông? Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy. Trong đó, tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý của truyền thuyết ấy như thế này: con người đã đặt tên cho dòng sông như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử".
Không thể kể ra hết những câu, những chữ, những lóng lánh tài hoa trên những trang ký viết về sông nước thiên nhiên của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không thể trích dẫn hết những câu vào loại "tuyệt bút" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Văn phong Hoàng Phủ Ngọc Tường có những câu đẹp như không phải là viết mà như trào ra từ đầu ngọn bút trong một "phút linh" không trở lại. Và tôi chợt hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài, một trong những bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, khi giới thiệu tập ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không viết gì thêm ngoài chính những dòng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, để rồi cuối cùng bật thốt lên: " Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trằm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế". Trong mọi không gian và thời gian, dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế hiện ra quen thuộc mà lạ lẫm đến bất ngờ. Bằng những con chữ có hồn anh đã góp phần làm nổi rõ bản sắc của thiên nhiên Huế và con người Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp cho ký Việt một tiếng nói riêng của một nhà văn rất Huế.
3. Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân nhận định: "Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa". Hẳn rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp nhận rất nhiều ánh lửa của đời sống và luôn giữ cho tâm hồn mình nồng ấm. Chất lửa ấy là một phần tâm hồn của nhà văn. Niềm tin về cuộc sống của nhà văn thật lớn lao. Giữa bao nhiêu thăng trầm cuộc sống, anh tin rằng "chim phượng hoàng sẽ bay về núi cũ, bầy ong mật sẽ sống lại trên những hoa rừng nở đầy thung lũng". Niềm tin ấy đã giúp anh vượt qua hết mọi trắc trở kiếp người, để hôm nay Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường như một món quà tinh thần to lớn anh dành cho cuộc đời.
Một nhà văn lớn phải là một nhà văn vượt ra khỏi giới hạn của văn học vùng, văn học địa phương để trở thành nhà văn dân tộc và vươn đến ngưỡng cửa thế giới. Tôi tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đạt được điều đó. Nhưng dẫu sao vẫn cứ muốn dành Hoàng Phủ Ngọc Tường cho Huế, bởi từ lâu anh đã làm một mảnh hồn thân thuộc của Huế rồi. Xin được mượn những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo để hiểu thêm về "người thi sĩ thiên nhiên":
Sao thèm một điệu gì xưa lắm
Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Có ai đó rót chiều vào chén ngọc
Huế dịu dàng xây bằng khói và sương
.
Huế, tháng 5/2002
L.T.H

(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ HOÀI THU

    Thôn ca (1944) của Đoàn Văn Cừ là bức tranh thơ sống động về con người và cảnh vật của không gian văn hóa Sơn Nam - Bắc Bộ.

  • NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

    Độc giả trẻ thời nay không ít người sẽ hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Truyện Kiều, thiên tiểu thuyết bằng thơ dài tới 3.254 câu với cả thảy 22.778 lượt dùng từ, nhưng lại chẳng hề có qua một chữ NẾU nào, tuy rằng nghĩa “ĐIỀU KIỆN” và/hay “GIẢ ĐỊNH”, vốn được diễn đạt bằng NẾU (hoặc các biểu thức ngôn từ tương đương) trong tiếng Việt đương đại là một trong những nghĩa phổ quát (tức mọi thứ tiếng đều có) và ít thấy một thứ tiếng nào lại vắng các phương tiện riêng để biểu thị.

  • ĐINH VĂN TUẤN

    Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

  • KHẾ IÊM

    Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

  • ALAN KIRBY

    LTS: Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.

  • LÊ QUỐC HIẾU

    Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

  • THÁI KIM LAN
    I.
    Bài viết này được mở đầu bằng một trải nghiệm tự thân, từ chỗ đứng của chủ thể thực hành nói ra kinh nghiệm của mình, vì thế có thể gây ấn tượng về tính chủ quan. Sự trách cứ ấy xin nhận lãnh trước, nhưng xin được tạm thời để trong dấu ngoặc.

  • LUÂN NGUYỄN

    Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
                 (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

  • BỬU CHỈ

    Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

  • LÊ QUANG THÁI

    Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về:
    Rắn trườn đã hết năm,/ Ngựa hay đưa Xuân về.(1)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn
                   
    (Nguyễn Khuyến)

  • TRẦN HUYỀN TRÂN

    Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?

  • NGUYỄN DƯ

    Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ… đèo Hải Vân có gì đặc biệt?

  • PHAN TUẤN ANH

    “Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
                                                               (T.Lessing)

  • Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

  • PHAN NGỌC

    Trong quyển "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều", tôi có dùng một số thuật ngữ chuyên môn. Trong phạm vi quyển sách tôi không thể trình bày kỹ cách hiểu của mình, cho nên có sự hiểu lầm. Giờ tôi xin trình bày kỹ hơn khái niệm "thức nhận", cơ sở của tác phẩm, để bạn đọc dễ đánh giá hơn.

  • YẾN THANH

    Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

  • TRIỆU SƠN

    Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.