Xe người và xe trâu

08:28 31/12/2009
VŨ ĐẢMChiếc xe trâu chở cát ì ạch đi trên con đường làng, con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi mưa xuống có nhiều đoạn lầy lội đến mắt cá chân. Ngồi trên xe, anh Chấn hò hét mãi mà con trâu sứt vẫn không vượt qua được đám sình lầy.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh xuống xe, bám vào thành xe ra sức đẩy, chiếc xe chỉ nhúc nhích được một đoạn lại dừng lại. Con trâu sứt đứng thở phì phò, nó rất thương ông chủ, nó đã cố gắng hết sức mình nhưng sự già nua đã cướp đi quá nhiều sức lực của nó. Chủ và trâu đang mệt mỏi, bất lực thì phía sau có tiếng còi ô tô xin đường. Chiếc xe hơi sang trọng hẳn chở một cán bộ quan trọng nào đó về xã tham quan hoặc công tác, anh Chấn nghĩ vậy và cuống quýt bắt con trâu cố vượt qua đám sình lầy để nhường đường cho xe o tô. Anh Chấn lo sợ, mồ hôi đổ ra ướt đầm lưng áo. Chiếc xe hơi đã đến gần, chỉ cách chiếc xe trâu có bốn, năm mét. Một hồi còi thúc giục bất chợt vang lên rất to: “Bim bim, bim” làm anh Chấn giật nảy mình. Anh thương con trâu như thương người thân ruột thịt của mình, nhưng anh sợ chiếc xe hơi kia hơn. Bởi anh biết ngồi trên chiếc xe đó phải là một người cán bộ không cấp Trung ương thì cũng cấp tỉnh, cấp huyện. Hoàn cảnh gia đình làm cho anh thành người hèn mọn, bất cứ ai, từ đứa trẻ con còn cởi truồng chạy nhông nhông ngoài đường đến mụ Tươi “cave” làng và ngay cả lão Túc dở người cũng có thể quát nạt anh mấy câu cho vui miệng. Ấy thế mà anh còn sợ huống chi người sang trọng ngồi trong xe! Cho nên chiếc xe kia làm anh sợ đến mức ác độc, cầm cán xẻng phang tới tấp vào mình con trâu cũng là điều dễ hiểu. Con trâu gồng hết mình, kéo chiếc xe đi. Nó gắng sức không phải vì bị đánh đau. Những cán xẻng lần đầu tiên mà chủ vụt xuống người, nó hiểu chính cái tiếng “bim, bim” ở phía sau là nguyên nhân trực tiếp gây nên.

Ngay từ thời trai trẻ, con trâu sứt đã nổi tiếng hung dữ, không một ai có thể bắt nó cày, bừa được, ấy thế mà anh Chấn đã thuần phục được. Khi anh Chấn đến gần, nó cảm thấy nhận được ở anh một sự đồng cảm sâu sắc và ngoan ngoãn để anh mắc gióng cày vào cổ. Những kẻ không chinh phục được con trau sứt, bị nó xua đuổi, thậm chí bị nó húc, hết thảy đều bảo: “Đúng là loại trâu bò mới dạy bảo được nhau!”. Từ lúc thuần phục được con trâu sứt, anh Chấn được hợp tác xã giao cho việc nuôi con sứt, anh lấy luôn cái tên Sứt đặt cho nói để tiện gọi. Đến thời khoán sản phẩm, trâu của hợp tác xã được bán cho các gia đình, nhà anh Chấn nghèo không đủ tiền mua con Sứt, những nhà khác có tiền thì không dám mua. Cuối cùng con Sứt được hợp tác xã quyết định dùng vào một bữa liên hoan tổng kết cuối năm. Nhưng số con Sứt vẫn còn duyên nợ gắn bó với anh Chấn. Ngày con Sứt bị đưa đi giết, nó đã tung được đám dây chão trói nó, ba gã đồ tể chuyên giết trâu, bo, lợn chạy bán sống, bán chết. Con Sứt chạy về chuồng được một lúc thì mấy người cầm súng đến. Anh Chấn nhìn thần chết đang đến gần con Sứt, oà khóc như thể một người thân của mình đang sắp sửa bị hành quyết. Anh nói vơi ông chủ nhiệm hợp tác xã hãy để anh đi vay tiền mua lại con Sứt, lại hứa sẽ tạ ơn ông nếu con Sứt thoát chết. Có lẽ con Sứt biết được điều này, nó ghi công ơn anh cứu sống nó bằng sự ngoan ngoãn và tận trung tuyệt đối.

Gã thanh niên lái chiếc xe hơi hầm hầm đi lại phía chiếc xe trâu quát:

- Điều khiển xe như thế hả? Cho xe dẹp vào nhanh lên!

Anh Chấn run run thỉnh cầu:

- Con trâu yếu quá, anh làm ơn làm phúc đẩy hộ một tay.

- Cái gì? Đẩy hộ! - Gã lái xe cảm thấy bị xúc phạm - Một cái bánh xe tôi lái bằng cả mấy chục con trâu, tôi lại đi mó tay vào cái loại xe trâu bò này á!

Anh Chấn ghé vai vào sau xe, hai chân choãi ra, cố hết sức đẩy, chiếc xe trâu chỉ lăn được nửa vòng bánh xe lại đứng im.


Cánh cửa chiếc xe hơi mở toang, một người đàn ông dáng cao to, da trắng đường vệ bước xuống. Người ấy là ông Phòng, anh ruột của Quản- đương nhiệm chủ tịch xã. Ông về quê để ban bạc với Quản đưa mẹ lên thị xã để chuẩn bị làm thượng thọ cho mẹ. Sở dĩ ông phải bàn bạc với Quản vì bà cụ, như ông thường nói là không thể chấp nhận được, thà bà cụ chết quách đi còn hơn. Bà cụ tuy mới sáu lăm tuổi nhưng đã lú lẫn, nhiều lúc cụ đại tiện cả ra quần, rồi sợ hãi thay quần đem nhét vào cả tủ lạnh. Xui xẻo cho cụ, một bữa bị chính ông Phòng phát hiện ra, thế là lập tức cụ được đưa về quê cho vợ chồng Quản trông nom. Hôm nay ông về thỏa thuận với Quản cho ông mượn mẹ ba ngày để làm thượng thọ tuổi bảy lăm cho cụ. Làm xong, ông sẽ lại trả về cho vợ chồng Quản. Tất nhiên để được Quản đồng ý, ông sẽ hứa trích cho Quản một tỷ lệ nhất định trên tổng số tiền mà mọi người, các cơ quan, xí nghiệp đến mừng.

Anh Chấn đã nhận ra ông Phòng, anh tái mặt nói với ông:

- Ông Phòng, ông lượng thứ cho con, con Sứt nó đã già!

Con Sứt! Ông Phòng nghiến răng như thể muốn ăn tươi, nuốt sống con Sứt. Con Sứt có thể đã quên ông nhưng muôn đời ông không bao giờ quên mối thù với con Sứt. Ngày ông còn là phó chủ nhiệm hợp tác xã, khi thấy đám thợ cày không trị nổi con Sứt, ông đã tuyên bố nếu không mắc gióng cày vào được cổ con Sứt, ông sẽ mắc gióng cày vào chính cổ mình! Ông rất tin tưởng vào khả năng của mình, chả gì ông cũng là một thợ cày nổi tiếng ở làng, cũng nhờ sự nổi tiếng này mà ông được bầu làm phó chủ nhiệm hợp tác xã. Trước sự chứng kiến của hàng chục thợ cày, khi đó anh Chấn chưa xuất hiện, ông Phòng hùng dũng vác gióng cày tiến lại nơi con Sứt đang nhởn nhơ gặm cỏ. Ông đưa tay ve vuốt mông nó. Bất thần nó xoay người, húc thẳng vào bộ hạ làm ông ngã vật ra đất. Ông bị thương, điều trị đến gần một tháng mới hết đau. Sau tai nạn này, danh tiếng của ông bị con Sứt làm cho sứt mẻ, ông đau lắm nhưng nỗi đau đó không thấm tháp gì với nỗi đau như đã nói là “muôn đời ông không bao giờ quên mối thù với con Sứt”. Chả là từ lâu ông có quan hệ với cô thủ kho hợp tác xã, cô thủ kho người to béo, đẫy đà, lúc nào trông cũng hừng hực đầy sức sống. Anh chồng lại loắt choắt, mới trèo lên bụng vợ đã thở hồng hộc, thành thử cô vợ đành nhờ ông Phòng giải quyết hộ cái khoản sinh lí. Về món này, ông Phòng được cô thủ kho ca ngợi xứng đáng la một con đực thực thụ. Chao ôi! Thế mà sau lần bị con Sứt húc vào bộ hạ, ông đã cố hết sức mà cũng chỉ khoẻ hơn anh chồng cô thủ kho được một tẹo. Sau đó cô thủ kho đành nhờ ông chủ nhiệm. Ông Phòng hận đời lắm nhưng biết làm sao khi người cắm sừng ông lại là kẻ bề trên! Ngay cả việc ông có ý định giết con Sứt cũng không nổi, vì ông chủ nhiệm đã ăn tiền của anh Chấn. Từ đó khả năng tình dục của ông mỗi ngày mỗi giảm nhưng ngược lại con đường công danh của ông thì lại mỗi ngày mỗi thăng tiến, cứ y như một sự đổi chác. Đến lúc làm đến cán bộ tỉnh rồi thì ông lại thấy thèm khát, chức tước, bổng lộc và cả cái mã ngoài cao to, đẹp trai của ông làm cho khối cô trẻ đẹp mê mẩn. Rõ là cá đưa miệng mèo mà chả làm gì được! Ông uất hận lắm, những lúc đó con Sứt lại hiện về trong ông với một sự căm giận ngùn ngụt.

Bây giờ con Sứt đang đứng trước mặt ông, cản đường không cho xe ông đi! Máu trong người ông sôi lên, ông ra lệnh cho gã lái xe đánh bỏ mẹ con Sứt đi. Gã lái xe giằng chiếc xẻng trên tay anh Chấn phang tới tấp vào đầu con Sứt. Con Sứt đau đến lồng lên. Anh Chấn thương con Sứt, chạy lại cầm tay gã lái xe van xin:

- Tôi xin anh đừng đánh nó nữa! Tôi sẽ vào làng kêu mọi người ra đây giúp.

Hai bên giằng co nhau chiếc xẻng. Ông Phòng hầm hầm đi lại túm lấy cổ áo anh Chấn:

- Thằng con nhà cường hào ác bá, mày lại còn bênh nó hả? Này thì bênh này! Này thì bênh này!

Cứ mỗi câu “Này thì bênh này” lại là một cái tát bay vào mặt anh Chấn. Con Sứt nhìn thấy chủ bị đánh, sự căm thù kẻ hành hạ ông chủ của nó đã tiếp cho nó sức mạnh phi thường. Nó phá tung cái gióng tròng ở cổ lao lại phía ông Phòng, ông kinh hoàng, sợ hãi đái cả ra quần, nhảy tòm xuống cái ao bên đường. Con Sứt lao xuống ao, ông Phòng hốt hoảng lao vào bờ. May mắn làm sao, ông trèo được lên bờ trước khi con Sứt lao đến chỗ ông. Một chân giày, một chân đất, ông Phòng chạy thục mạng về phía trước. Con Sứt cũng đã lên được bờ, đuổi theo ông Phòng. Phía sau anh Chấn đuổi theo, miệng hét lớn: “Sứt! Họ, ọ!”. Con Sứt không nghe thấy gì. Khoảng cách giữa ông Phòng và con Sứt mỗi lúc một thu ngắn. Cái chết đang đến gần, đột nhiên ông Phòng dừng chân, quay người lại quỳ xuống vái lia lịa con trâu. Con Sứt chạy đến nơi, thấy ông Phòng quỳ gối, lạy van xin mình thì từ bỏ cái ý định húc lòi ruột kẻ thù. Nó ngắm nghía ông Phòng một lúc rồi quay đầu bỏ đi. Chả biết con Sứt có còn nhớ đến ông Phòng không?

V.Đ
(250/12-09)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.