LÊ QUANG TRANG
Văn nghệ sĩ T.T Huế - Ảnh: internet
1. Bàn về thơ là chuyện của muôn đời. Từ trước công nguyên Aristote đã bàn về thơ ca như là một hoạt động sáng tạo của con người. Các nhà lý luận thơ tầm cỡ thế giới như : Boileau, Viên Mai, Sainte Beuve, Biélinski...(1) đều bàn luận và nêu ra nhiều ý kiến thú vị và khái quát về thơ. Ở ta từ Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm. .. đến các nhà thơ hiện đại cũng từng phát biểu quan niệm của mình về thơ. Bây giờ, hỏi 100 nhà thơ thì có trăm suy nghĩ khác nhau về loại hình này.
Đọc thơ, nghe thơ, làm thơ, bàn về thơ - tôi cho đó là một hành vi, một việc làm sang trọng. Có người nói hay bằng chữ, có người nói hay bằng mồm, có thứ thơ hấp dẫn khi đọc to lên, lại có thứ thơ ám ảnh một cách thâm trầm khi nhìn kỹ lúc tĩnh vắng. Có thơ hay và có thơ chưa hay. Đó là chuyện bình thường. Thế mà trên báo chí, trên diễn đàn, không ít chính các nhà thơ la lối lên rằng thơ ta lạm phát quá, lại có ý diễu cợt nhà thơ bỏ tiền ra in thơ. Đồng ý rằng, có một vài người có chút háo danh nào trong ấy, nhưng mê say với thơ, dù người viết hay người đọc đều là đáng quý, là cao thượng vì nó hướng tâm hồn con người tới cái thiện, cái đẹp, ngăn bớt những hành động, suy nghĩ tầm thường độc ác. Vậy nên những lời lẽ chế giễu kia chỉ là một suy nghĩ thiếu chín chắn, đôi khi ích kỷ, hẹp hòi.
Đôi lúc nghĩ một cách thô thiển, tôi cho thơ như là rau muống. Ăn nhiều, rau dở thì sẽ chán ngán, mệt mỏi. Nhưng rau ngon, ăn đúng cách, đúng lúc nhất là đúng cách thì lại tạo ra sự sang trọng. Nhiệm vụ của chúng là làm cho thơ gần gũi với mọi người, nhưng phải sang trọng. Bàn về thơ để góp phần cho thơ hay hơn, đẹp hơn, có ích hơn với đời sống tinh thần của quần chúng, để nâng cao hành vi sang trọng của thơ - tôi nghĩ đó là một điều cần thiết, hết sức cần thiết.
2. Nền thơ của ta hiện nay ra sao ? Đây là một câu hỏi rất rộng, có mênh mông cách tiếp cận và cách trả lời. Trước đây thơ gom lại ở một số nhà xuất bản, một số tờ báo lớn, việc theo dõi xem ra còn thuận lợi. Vài năm gần đây, báo chí phát triển nhiều, mỗi năm có tới 150 đầu sách thơ ra mắt. Nhiều mặt phong phú của đời sống xã hội, của hiện thực tâm trạng và phương thức thể hiện được bộc lộ qua các bài thơ. Đất nước ta thì dài, giao lưu chưa thuận tiện, cho nên tôi dám chắc không ai đọc hết thơ xuất bản, xuất hiện trong năm. Hội đồng thơ cũng vậy thôi. Mỗi người nắm được một ít chỉ mong ai biết được đến đâu thì cùng nói lên, để mọi người cùng nghe và cùng đánh giá.
Nếu ví với thể thao, chặng đua này gian nan lắm. Vận động viên nhiều. Nền tri thức, kỹ thuật cũng tiến lên so với trước. Ghi được một dấu ấn, một kỷ lục không dễ dàng. Nhiều tay đua lão luyện bây giờ đã tụt lại phía sau, và đã có người bỏ cuộc.
Sự trùng lặp nhau, và tự lặp lại mình là điều rất đáng báo động. Tôi có một vài kỷ niệm biên tập thơ. Lần ấy, nghe Hội ta có tổ chức một đoàn nhà thơ (cả văn) đi thực tế đơn vị quân đội đóng ở vùng Khoái Châu - nơi có đầm Dạ Trạch và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Khi đoàn về, tôi sang xin thơ định đăng một trang. Nhưng đọc hết thì thấy quá đơn điệu, trùng lặp nhau nhiều về cấu tứ, hình ảnh và cả ngôn từ. Lần đi sông Đà cũng gần như vậy. Đưa ra những ví dụ trên, tôi chỉ muốn nói rằng : cách nhìn, tầm suy nghĩ của các nhà thơ ta còn gần nhau, bằng phẳng và ít sự độc đáo, giống như vận động viên chạy 100m còn hết 11- 12 giây, chưa dễ vượt lên dưới 10 giây chứ đừng nói đến 9 giây nhận danh hiệu kỷ lục thế giới.
Tôi không là người đọc nhiều, và lại cũng không có ý định soi mói đối chứng để tìm sự trùng lặp mà trong thơ không thiếu gì ví dụ. Nhưng quả thật, khi đọc một bài thơ về chuyện một nhà thơ uống rượu với một người lính Nga, có lối xưng hô : "à, chú mày..." rồi bất ngờ gặp một bài thơ khác cũng lại "nào, chú em..." thì cảm xúc như bị khựng lại, ức chế và buồn chán. Hay khi đọc một bài "thêm một" thì gặp "bớt" - câu tứ chỉ là nghịch đảo. Mà đều in trong các số báo đặc biệt, các tập tuyển cả. Những ý nghĩ giống nhau là chuyện bình thường, nhưng tôi nghĩ là phải biết tránh những bước chân người đi trước - nhất là trong văn học nghệ thuật - và khi đưa in thì lại càng thận trọng hơn.
Tôi cũng đã bắt gặp trong thơ nhiều câu, nhiều bài xem ra cái sự khiêm tốn thường tình đã bị vi phạm. Nhà thơ tự cho mình là cây tùng, cây bách, nhân cách tầm nhìn vượt trước người đời. Họ cho mình là tiên phong, là ngọn cờ, là đổi mới, kéo theo cả quy luật của tự nhiên. Tài năng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du xưa cũng không kiêu căng như thế, huống chi trong văn đàn, thi đàn các nhà thơ kia chưa đủ tầm để mọi người khâm phục. Những ý tứ ấy mới xem cũng là sâu sắc, nhưng đọc kỹ lại thấy cũ, chẳng qua là một thứ triết lý vụn.
3. Thơ và những vấn đề thời sự: Tôi là người biên tập thơ, ở một tờ báo chính trị xã hội; có lần một nhà thơ gửi bài, không thấy đăng, anh bảo : "Thơ mình thời sự thế sao cậu không đăng". Lại có lần, một anh bạn khác bảo : "Thơ tôi không nệ thời sự, ông đăng đi cho mới tờ báo lên". Cả hai ý kiến đều thành thực, nhưng đều sai lệch cực đoan khó chấp nhận. Mỗi tờ báo có yêu cầu nghệ thuật riêng nhưng đều có sự gắn bó với những vấn đề thời sự chính trị, thời sự cuộc sống trong suốt 365 ngày trong năm ấy. Từng ngày có cái cần, nhưng cả năm cộng lại thì cái gì cũng cần cả. Nhưng thơ phải hay. Trong sự cởi mở hôm nay tôi không tin thơ hay bị xếp xó, bị loại bỏ. Không đăng lúc này thì lúc khác, không đăng báo này thì báo khác.
Nói thời sự có hai vấn đề đặt ra : thời sự sốt dẻo (sốt sột) và thời sự vĩnh cửu của con người. Tôi thường tự hỏi: ngày Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ném bom Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... mà báo chí không có thơ thời sự thì nhân dân sẽ nghĩ gì về suy nghĩ, cảm xúc, tư cách công dân của nhà thơ ? Mà trên đất nước ta cũng như trên thế giới, hôm qua cũng như hôm nay chẳng lúc nào không có những chuyển động liên quan đến con người, đến từng người, tạo ra những tâm trạng và cảm xúc trực tiếp, không lẽ nhà thơ lẫn tránh ? Rồi chuyện về sự nghiệp cách mạng vì sự độc lập hôm qua và xây dựng ấm no hạnh phúc hôm nay, chuyện tình yêu vợ chồng, lứa đôi, bạn bè, sự hy sinh, sự phản bội... đều là các chủ đề thường xuyên, luôn nóng hổi tính thời sự. Có thể đến với người đọc bất cứ lúc nào, nhưng cũng nhiều khi, đăng vào thời điểm thích hợp thì giá trị như được nhân lên.
Tôi có cảm giác trước đây thơ ta có lúc "thời sự quá" (do quan niệm ấu trĩ, hạn hẹp nên có khi chỉ là ca ngợi, minh họa cho một chính sách, chủ trương cụ thể) và bây giờ thì lại có vẻ lẩn tránh, xa rời cuộc sống chung. Tâm sự, tâm trạng riêng có nhiều lên nhưng sự phát hiện mới về chiều sâu và độ phong phú của tâm hồn thì chưa hẳn đã là như vậy. Cứ quan sát đời sống thơ thì thấy rằng sự trăn trở, khắc khoải, sự suy nghĩ sâu sắc và chân thành là sức mạnh thu hút người đọc, người nghe. Thơ Phùng Khắc Bắc, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng Ngát... và một phần Tế Hanh, Hoàng Cầm, Vũ Quần Phương... được yêu mến, đồng tình, chia xẻ là nhờ vậy.
4. Sáng tác bao giờ cũng cần gắn liền với phê bình. Thơ cũng vậy. Thơ ra nhiều, có phần không đọc xuể, có phần không có sách mà đọc. Các báo, các nhà xuất bản giới thiệu đều lóm thóm, không biết đâu mà lần, không đặt trong một tổng thể chung mà nhìn nhận, đánh giá, phán xét. Nhiều bạn bè chuyên nghiên cứu, phê bình thơ mà tôi biết cũng không đủ sách, nên sự phiến diện là không thể tránh khỏi. Nên chăng Hội đồng thơ là cơ quan có thẩm quyền để thu thập số thơ xuất bản trong năm (thành sách) - và nên có bộ phận theo dõi thơ trên báo chí, có tập hợp, đánh giá, báo cáo để những người quan tâm cùng biết. Cũng rất nên thành lập câu lạc bộ thơ - không chỉ đọc và ngâm cho nhau nghe những bài thơ mới mà còn thông báo những hoạt động thơ, trao đổi, tặng hay bán sách thơ cho nhau. Đó là sự bổ sung cho những thiếu hụt không đáng có, và điều này sẽ có ích cho sự nghiệp thơ hôm nay.
5. Làm nghề ai cũng muốn giỏi. Làm thơ ai cũng muốn có thơ hay. Điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tài năng, trí thức, vốn sống, tay nghề... và cả sự học hỏi, trao đổi nghề nghiệp. Hơn 100 nhà thơ thử trả lời việc làm thế nào để có thơ hay trong "Ngày hội thơ" vừa xuất bản là hơn 100 cách lý giải và nêu ra phương hướng giải quyết, những lý luận và kinh nghiệm không mấy khi trùng khít với thực tiễn, huống chi đây là một lĩnh vực có quy luật đặc thù : Quy luật của sáng tạo. Ngồi trong Văn Miếu này để bàn về thơ là hợp cảnh, hợp tình lắm. Nhưng cứ mường tượng đến cái cảnh các bậc tiền nhân một cách nghiêm túc và sang trọng, bình phẩm, luận bàn, ngâm ngợi thơ tại nơi này, thì tôi lại có một liên tưởng rằng : làm sao cho các nhà thơ có được những đầu óc thông tuệ, trác tuyệt xứng đáng với cha ông, với thời đại mình và truyền thống cũ; làm sao cho có nhiều tác phẩm thơ hay nổi bật lên, sống mãi với thời gian và bạn đọc.
L.Q.T
(TCSH49/05&6-1992)
----------------
(*) Tham luận tại Hội thảo thơ ngày 24-02-1992.
(1) N. Boileau (1636 - 1711), Viên Mai (1716 -1797), S. Beuve (1804 - 1869), Biêlinxki (1811 - 1848).
DƯƠNG PHƯỚC THU
LÊ NGUYỄN LƯU
Sợi xích chằng buộc mối tơ duyên giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chế Mân năm 1306 đã đưa vào bản đồ Đại Việt một vùng sông núi thuộc hai châu Ô Rí (1), nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa, thường gọi chung Thuận Hóa.
PHAN NGỌC
Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ
HUỲNH THẠCH HÀ
Rồng (trong tiếng Anh gọi là dragon) là loài vật mang tính tưởng tượng, một biểu tượng văn hóa, ra đời từ sự nỗ lực của con người trong việc tìm hiểu và nhận thức thế giới tự nhiên.
PHAN NGỌC
Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ
BÙI NHƯ HẢI
Văn học Việt Nam có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với lịch sử nước nhà, vì thế viết về chiến tranh đã trở thành một khuynh hướng cơ bản, một đề tài lớn, mang tính truyền thống, thể hiện, phản ánh một cách phong phú, sinh động nhất về bức tranh hiện thực chiến tranh trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt nhất của dân tộc.
TRẦN BẢO ĐỊNH
Nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê tiếp tục trình làng văn và bạn đọc gần xa tập sách Đường đời muôn nẻo trong tháng 7/2023. Đây là những trang viết tạp bút và bình văn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
PHAN NGỌC
Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ
PHÙNG GIA THẾ
“Một người ngồi hai mươi năm
Cuộc buồn vui ly rượu đắng”
(Trịnh Công Sơn)
PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG
Đạm Phương tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, thứ nữ của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng.
HẠNH NGUYÊN
Hình tượng người chiến sĩ nhỏ tuổi Ga-vơ-rốt ngoài chiến lũy với sự dũng cảm kiên cường đến phi thường, với lời hát cất lên thật say sưa và cái chết không khó dự đoán đã trở thành một tượng đài phê phán chiến tranh trong lòng độc giả. Victor Hugo của hai thế kỷ trước đã đứng về phía những người khốn khổ, nhất là trẻ em để nói tiếng nói yêu thương đồng thời lên án chiến tranh.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Thơ viết về núi Ngự Bình của vua Thiệu Trị “Bình lãnh đăng cao”, một trong 20 bài thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh, được nhà vua sáng tác năm 1843, cho khắc bia và tôn trí trong nhà bia ở chân núi Ngự.
HỒ QUÝ YÊN
Tập truyện và ký Sở Nghiên cứu địa lý của Hà Khánh Linh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023, là kết quả của vốn sống trực quan và ký ức tâm hồn cùng quá trình chiêm nghiệm của nhà văn trước hiện thực cuộc đời đang vỗ vào trang văn muôn ngàn lớp sóng.
PHẠM PHÚ PHONG
Hai thể loại giữ vai trò nòng cốt và xung kích trong văn xuôi hiện đại của nhiều nước trên thế giới là tiểu thuyết và truyện ngắn.
MINH HUỆ
Trong đầm gì đẹp bằng sen...
NGUYỄN VĂN HẠNH
PHẠM XUÂN PHỤNG
VĂN TÂM
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1993)