Ảnh: Internet
Đêm càng muộn, gió càng nhiều, làm khuấy động những con sóng đuổi nhau xô vào bãi bồi, tưng tức như lưỡi chú bò cố thò ra thụt vào liếm vạt cỏ non trước mặt nhưng bị níu lại bởi sợi dây thừng sỏ qua lỗ mũi. Bên kia sông, xuôi xuống phía hạ nguồn, chiếc thuyền, ngôi nhà nổi hắn ở trọ có ngọn đèn ắc quy phả sáng xuống mặt nước làm thành quầng sáng lấp lánh một khoảng sông hẹp. Hắn thấy lưng thấm lạnh. Nước ngấm lên từ mặt cát ẩm đã len lỏi qua những sợi vải thô của chiếc áo công nhân sờn cũ. Hắn trở mình uể oải đứng dậy, cởi bỏ chiếc áo, đôi dép rách, ném lại trên bãi, rồi với đôi bàn chân, lưng trần và cái rổ tre cũ kỹ, móp méo, hắn dò từng bước xuống nước. Hắn bước chậm, nước dâng lần lên trên từng phần thân thể khiến hắn thấy ấm hơn, chợt hắn nhoài hẳn người xuống bơi về phía chiếc thuyền. Hắn bơi đứng, kiểu bơi của những kẻ có nghề lâu năm mới thao tác được. Những lọn sóng chốc chốc lại táp nước vào khuôn mặt rám nắng, xạm đen, hắn há rộng miệng hớp từng hớp nước rồi lại nhả ra giống như những chú cá voi quẫy mình sảng khoái với môi trường sống quen thuộc. Gần đến chiếc thuyền hắn ngừng bơi, lộn ngược người lao xuống bằng tất cả sức nặng của cơ thể và những cái khoát tay, đạp chân cật lực. Chỉ loáng sau, tay hắn đã chạm đáy sông. Thọc sâu hai bàn tay vào trong lớp cát, hắn như cảm thấy từng hơi thở, từng sự quẫy động của những hạt cát mơn trớn lên đôi bàn tay sần sùi chai sần. Tay hắn chợt dài ra biến thành đôi càng của giống tôm xanh cố bắt con mồi. Lúc này trong đầu hắn chỉ duy nhất có một ý nghĩ, phải bơi thật nhanh, nhanh để thắng sức đẩy của nước, nhanh để tận dụng tối đa dư lượng khí ô xy tích trong buồng phổi để lấy được tối đa số cát cho mỗi lần ngụp xuống… phải tận dụng tối đa chút không khí nhỏ nhoi trong buồng phổi… bài học vỡ lòng về nghề lặn cát đáy sông từ những năm tháng còn nhỏ dại luôn văng vẳng bên tai mỗi khi đầu hắn ngập chìm trong lòng nước. Cát vần vũ quanh người hắn như những sinh vật sống động, quẩn vào da mặt hắn ran rát, len vào hai hốc mũi chứa đầy nước, chui cả vào hai lỗ tai ù đặc. Mặc, hai cánh tay hắn vẫn không ngưng nghỉ. Khi lượng khí trong phổi cạn dần, hắn mơ hồ cảm thấy đáy sông như sáng bừng, một thế giới huyền ảo lung linh hiện ra trước mắt hắn, những cọng rong uốn mình múa cùng với vài chú cá thia lia khoác trên mình chiếc áo vằn vện, những hạt cát lấp lánh chơi trò đuổi bắt như phụ hoạ cho màn nhảy múa của đáy sông, phớt lờ số phận đang bị những kẻ cố sống cố chết như hắn lôi lên khỏi mặt nước để chúng vĩnh viễn chết đứng trên những bức tường khô cứng che chắn tổ ấm của con người. Giọt không khí cuối cùng trong buồng phổi hắn đã cạn, ngực hắn lại tưng tức, đôi tai bắt đầu lùng bùng hỗn loạn những âm thanh ù đặc. Hắn vội trở ngược người đạp mạnh đôi chân ngoi lên. Hắn ngửa mặt lên bầu trời hít một hơi dài tận lực. Hít thật dài bằng tất cả cảm khoái trước khi hắn nhận ra bầu trời trên đầu hắn không còn đầy sao nhấp nháy mà chỉ là một vũng màu xám xịt, và quanh hắn, những hạt mưa thổi phồng mặt nước sông thành muôn ngàn bọt bóng. Chiếc thuyền, ngôi nhà của hắn cũng trở thành một chiếc lá xanh thẫm bị bứt khỏi cành rơi xuống nước bập bềnh đón nhận sự thay đổi của dòng nước, ngọn đèn vẫn toả sáng nhưng quầng sáng bị thu hẹp lại và những hạt nước mưa hiện rõ hình hài đuổi nhau rơi. Khi buồng phổi của hắn cân bằng với áp suất của không khí, hắn nhắm nghiền mắt gối đầu lên nước, mặc xác cho nước mưa rơi xuống mặt. Hắn cảm thấy đã biến thành cá, thành rong rêu và cát, mưa sẽ luôn cho hắn nước để hắn vẫy vùng,... và để hắn sống. Đúng, hắn đã sống nhờ nước, không có nước làm chỗ ẩn trú ngàn đời cho những hạt cát thì hắn lấy đâu việc để làm. Không có việc đồng nghĩa với đói. Đời hắn chẳng biết làm gì ngoài việc lặn xuống sông bươu cát. Cát cho hắn bát cơm, cát cho hắn sức vóc mạnh mẽ, cát cho hắn cảm giác sung sướng khi đói thì được ăn no khí trời. Hắn sống sót cũng nhờ nước. Nước đã không nỡ cướp đi sinh mạng của hắn khi hắn còn đỏ hỏn. Bố mẹ nuôi hắn lúc còn sống có thuật lại, may cái hôm hắn bị bỏ rơi trời lại đổ mưa, chứ nếu không mưa thì bố mẹ nuôi hắn đã không tạm nghỉ lặn ngụp bươu cát, đâu có rảnh rỗi bò lên bãi bồi tranh thủ âu yếm nhau một chút thì hắn đã chết ngóm rồi. Cái chăn mỏng tang quấn cái hình hài mới được gần tháng tuổi làm sao chống đỡ nổi cái lạnh do gió sông và bãi cát ngấm nước. Nghe vậy hắn đã luôn tự hỏi, làm sao mẹ hắn mới đẻ ra đã bỏ rơi hắn ở bãi bồi như vậy? Hắn nghĩ và không dám hỏi ai về điều đó. Mà có hỏi thì chắc gì đã có người biết để trả lời hắn. Hắn cứ nghĩ mãi, nghĩ để có cái mà nghĩ. Khi nghĩ chán chê, hắn tặc lưỡi, mẹ đẻ ra hắn như thế nào không quan trọng, quan trọng là hắn được sống như thế này. Khoẻ mạnh, có bố mẹ nuôi tốt, có nghề kiếm ăn hẳn hoi. Chẳng hơi sức đâu bận tâm di tìm gốc tích. Hàng ngày bố nuôi hắn lặn xuống sông bươu cát, mẹ nuôi thì đội cát từ thuyền lên bờ đổ vào thùng sau của mấy chiếc xe ben. Bố mẹ nuôi chỉ có một mình hắn là con, dù là thứ con nhặt được vẫn rất thương chiều hắn. Cũng không biết tại sao bố mẹ nuôi vốn rất khoẻ mạnh lại không có con. Hắn chỉ nghe loáng thoáng mấy người ở trên bờ nói, làm cái nghề lặn nên “hòn dái” bị teo do sức ép của nước, của quý ấy teo rồi lấy đâu ra con. Bù lại hắn cũng rất thương yêu, hiếu thuận với bố mẹ nuôi. Chưa đầy mười tuổi hắn đã biết bơi biết lặn, đã biết bắt con cá con tôm phụ thêm cho từng bữa ăn. Đa số dân sống nổi trôi ở vùng sông này đều nói bố mẹ hắn có phước, tự nhiên lại có đứa con ngoan, sau này về già thì được nhờ cậy. Nhưng chính cái ngoan ấy làm bố mẹ nuôi hắn đôi khi cũng chạnh buồn. Không ít lần hắn nghe lỏm bố mẹ nuôi than vắn thở dài với nhau: “Con nó không may mới rơi vào nhà mình, chẳng được học hành cho bằng người ta… nghĩ cũng tội nghiệp”. Riêng bản thân hắn thì chuyện được đi học hay không hắn thấy chẳng quan trọng gì, đơn giản hắn nghĩ, cái chữ không mang lại bát cơm. Mà hắn cũng biết đọc đấy thôi. Cái thằng nhà ở gần bãi bồi nhờ hắn dạy cho biết bơi nên đã trả công lại cho hắn bằng cách dạy cho hắn đọc và cách đếm. Biết đọc nhưng chẳng mấy khi hắn dùng đến, sống ở trên thuyền làm gì có cái để mà đọc, còn đếm thì hắn càng không cần. Mẹ nuôi rất thương hắn. Cứ tết đến hắn được lên chợ ven bờ chơi, được mẹ cho ăn bát bún hến, loại hến mà rất ít khi hắn bắt và nếu muốn bắt thì quơ tay là có cả thúng. Nhưng được ăn ở chợ bát bún chỉ lăn tăn vài con hến nhép lại ngon vô cùng. Ngon miệng, nhưng không dám nói ra vì sợ mẹ nuôi tốn tiền. Ngoài được ăn, còn được mua quần áo mới. Hắn cũng thích nhưng một năm chỉ mặc được có ba ngày tết còn lại vì thấy bất tiện vì mỗi khi xuống nước phải cởi để trên bờ và ở dưới nước cứ phải canh cánh lo sợ bị mất trộm. Bố cũng như hắn, quanh năm mình trần. Thân hình to lớn lực lưỡng của bố khi ở dưới nước chẳng khác gì chú trâu lội sông. Tai bố hắn bị nghễnh ngãng, muốn nói gì với ông phải nói như hét bố mới ậm ừ tỏ vẻ nghe rõ. Hắn bây giờ cũng thế. Người ta nói đấy là bệnh nghề nghiệp. Bố rất ít nói. Đến giờ làm là lẳng lặng xuống nước, hết buổi, ngả người trên sạp thuyền chờ mẹ sắp cơm. Bữa ăn nào bố cũng uống rượu và uống nhiều. Càng uống da bố càng săn lại, hắn có cảm tưởng dùng con dao bào thái thịt cứa cũng không đứt. Khi bố uống đủ là lăn ra sạp thuyền ngủ. Ông ngủ chẳng cần phải buông mùng màn gì, vòi của lũ muỗi hình như không xuyên thủng da ông. Bố dạy hắn lặn bằng đúng một chiêu, bơi đứng. Khi đã thuần thục ông mới cho cùng lặn xuống tận đáy sông, khi hắn không còn chịu nổi, chân tay khua loạn xạ thì ông túm lấy chân giữ lại. Khi hắn yếu ớt quẫy thì mới đẩy lên mặt nước. Lần đầu hắn để nước chui đầy vào bụng, bố nuôi đã cho luôn mấy cái bạt tai, thế là lần sau dù có chết hắn cũng nhất định không để bị uống nước. Năm mười ba tuổi hắn bắt đầu giúp bố bươu cát, mẹ nấu những bữa cơm có nhiều thịt hơn. Hắn thấy mẹ nói với bố hắn: “Con nó đỡ đần ông được rồi, ông bớt bớt phí sức để còn được sống lâu lâu hơn. Có làm nhiều nhà mình cũng chẳng lên bờ được!” Gia đình hắn sẽ có một cuộc sống êm đềm, bình yên như vậy nếu như không có cơn lũ quái ác bất ngờ cuốn lật chiếc thuyền cùng bố mẹ trong lúc hắn chạy vào làng ven bờ mua rượu. Thật lạ, mấy chục thợ lặn cả buổi chẳng tìm được xác bố mẹ hắn, vậy mà hắn mới lặn hơi đầu tiên đã tìm thấy. Hắn đã không khóc. Có người nói sau lưng hắn là vì hắn có phải ruột thịt gì đâu mà khóc. Không mấy ai hiểu nước mắt của hắn là nước của cả dòng sông nuôi sống gia đình hắn, cả dòng sông đã khóc thương rồi. Hắn chỉ trân trân nhìn hai cái hòm đặt sóng đôi dưới đất và lờ mờ hiểu hắn sẽ mất vĩnh viễn tình yêu thương của họ. Bố mẹ chết, “nhà” không còn, hắn được ông chủ khai thác cát cho ở trên chiếc thuyền chuyên chở cát lấy được từ đáy sông lên đưa vào bờ. Lợi cả hai phía, hắn có chỗ ngủ, ông chủ vừa có người trông coi thuyền vừa giữ được thợ lặn giỏi. Vậy cũng ổn. Hàng ngày cứ biết lặn ngụp với đáy sông, tiền công chẳng biết dùng vào việc gì ngoài việc mua gạo, mắm muối để đến bữa nấu ăn. Thức ăn cũng chẳng cần nhiều nhặn gì, lúc bươu cát bắt được con cá, con tôm nào thì ăn con đấy, rau thì trên bờ ven sông có đủ loại. Vậy là xong bữa. Thi thoảng có chị đội cát hỏi hắn có mua gì thì chị mua giúp, hắn lại nhớ đến thịt heo, nhớ món kho tàu ngon ngọt của mẹ nuôi, nhớ thì nhớ chứ mua làm gì, ai nấu cho mà ăn. Tiền công không dùng đến hắn gửi ở chỗ ông chủ. Được cái ông chủ của hắn sòng phẳng, cứ đến tháng ông lại nhắc hắn còn ở chỗ ông bao nhiêu. Thực ra thì hắn chỉ nhớ mang máng là kha khá. Khá nhưng cũng không bằng ông chủ. Hắn đã nhìn thấy ông chủ hắn đếm tiền, nhiều tiền, nhưng hắn chẳng bận tâm. Hắn nghĩ mỗi người một việc, có làm thì được trả công. Ông chủ hắn có công thuê được người như hắn nên ông chủ cũng được công. Hắn chưa bao giờ mơ ước có nhiều tiền hơn vì hắn nghĩ tiền nhiều cũng chẳng để làm gì. Có vài lần ông chủ hắn bảo hắn sang bãi bồi chơi để thuyền cho ông dùng. Lúc đó ở bên bãi bồi nhìn sang hắn thấy cái thuyền chòng chành trên mặt nước giống như những buổi động trời mặt sông biến thành bãi đổ cát gồ ghề. Khi hắn bơi trở về hắn thấy ông chủ nằm dài bơ phờ mệt mỏi bên một cô gái. Cái khoang thuyền được che bằng tấm cót ép uốn cong che vừa đủ cái chiếu đơn bốc lên mùi ngai ngái, lờm lợm. Hắn hơi buồn nôn, nhưng phần thân dưới của hắn cũng rậm rựt, ươn ướt khó chịu. Nhưng hắn không có khái niệm gì về chuyện ấy, không mấy khi biết trên đời ngoài ăn và lặn cát còn có những món khác. Trong mắt hắn, đàn bà hay đàn ông cũng chỉ là người như hắn. Đàn bà có khác là khác ở bộ ngực. Cũng đã có lần hắn để ý nhìn người đàn bà đội cát. Chẳng có gì hấp dẫn. Quần áo thì nhem nhuốc, đẫm mồ hôi, mặt thì bịt kín bằng khăn, chân tay hở ra lúc nghỉ thì đen đủi sần sùi. Đứa con gái ông chủ hay đưa về thuyền, hắn thấy chẳng khác mấy mấy người đàn bà đội cát, cái mặt trát bự phấn gớm ghiếc, cái mông thì nung núc đung đưa ngúng nguẩy và khó chịu nhất khi thấy mắt hắn nhìn, đứa con gái buông câu: “Có thèm cũng chẳng đến lượt mày!”. Hắn chẳng thèm hiểu ý câu nói, hắn chỉ ghét cái vẻ mặt câng câng khi nói, nếu không có ông chủ hắn đã cho cô gái cái bạt tai rồi. Và hắn đưa ra được cái kết luận: Ai làm gì mặc, hắn được lặn và có miếng ăn là sướng rồi. Hắn luôn sướng miệng khi ăn. Sướng vì không ngày nào hắn không xuống nước, nước làm bụng hắn đói, rất đói. Hắn sướng khi ở dưới sông, hắn như đứa trẻ được mẹ ôm vào lòng, cánh tay mẹ là nước, nước vuốt ve cơ thể hắn, nặn bóp da thịt hắn thêm săn chắc, nước cho hắn thoả những cơn khát, nước mênh mông bất tận luôn chứa đựng những điều kỳ diệu mà hắn luôn được tận hưởng thoả thuê. Có lần hắn nghe lỏm được câu chuyện của đứa con gái nói với ông chủ về đứa bạn bỏ đứa con mới đẻ được vài ngày ở cổng chùa. Nghe mà hắn thấy tức. Không lẽ mẹ hắn cũng xuống thuyền với đàn ông như cô gái nọ. Vậy thì chẳng có gì hay ho, nhất là cái vẻ mặt trơ tráo như thế. Và nếu mẹ hắn như thế thì nhất định không biết bố hắn là ai bởi cô gái đó không chỉ xuống thuyền với ông chủ hắn. Ông chủ của hắn đã có lần gợi ý hắn có thích thì ông bảo cho, hắn lắc đầu nguầy nguậy rồi phun nước bọt như mưa. Mưa, hắn không nghịch cát được. Hắn có thể ngồi cả buổi trên bãi bồi vốc hết nắm cát này đến vốc cát khác và để cát chảy xuống thành những đống cát nhỏ thua hàng ngàn lần so với đống cát hắn mang từ dưới sông lên. Những hạt cát tinh nghịch cạo nhẹ lên những vết chai sần sùi, lem lách tìm cách trốn chạy qua những kẽ ngón tay. Chỉ thi thoảng tay hắn giữ lại được xác chú sò, cái xác không phân huỷ của một chú sò chết ẩn trong cát. Có lẽ đời hắn cũng vậy, hắn chẳng nắm giữ được cái gì trong tay hắn, tất cả trôi tuột khỏi bàn tay, ngay cả bố mẹ nuôi rất yêu thương hắn cũng bỏ hắn đi vậy thì hắn còn cái gì để mà nắm giữ. Bình thường hắn thấy đứa con gái nằm với ông chủ hắn rất ghét và nghĩ cũng chẳng khác chi mấy mụ đội cát. Nhưng nhiều lúc đầu óc hắn cũng bị quay cuồng trong cái cảm giác là lạ, rậm rựt như lúc nghĩ tới đứa con gái nằm tênh hênh hàng cúc áo bị bật tung lộ cả vòm ngực ngồn ngộn, trắng tinh, quần thì xắn cao khoe tận háng đôi bắp đùi trần. Hắn chẳng hy vọng có người con gái nào dám chung sống với hắn, ngay cả đứa con gái đó cũng đã chẳng nói “không đến lượt mày”. Nhưng hình ảnh đứa con gái ấy lại như một vật thể lạ cào cấu da thịt hắn, kích động hắn muốn chứng tỏ bản thân bằng sức mạnh của cơ bắp, biến hắn thành kẻ điên khùng rậm rựt thức dậy nửa đêm đi lặn cát giống như đêm nay… Hắn mơ màng tận hưởng khí trời, tận hưởng cái vuốt ve của dòng nước, tận hưởng cả không gian mênh mông bất tận của bầu trời đang hiển hiện trước mắt hắn. Sống trong nước lặn ngụp đáy sông sâu nên hắn cảm nhận được những sự biến động của những hạt cát dưới đáy sông, cảm nhận được dòng nước đang trở nên bất thường với những tiếng rầm rì phía trên thượng nguồn vọng tới. Bao nhiêu năm dài lặn ngụp với con sông hắn đã quá quen với sự giận dữ của nước, của con sông nên hắn không ngán. Khi hắn mở mắt ra thì nước ở thượng nguồn đã cuồn cuộn chảy về, hắn biết đã tới lúc phải rời khỏi dòng sông nên căng mình sải những sải tay mạnh mẽ như chú cá măng cuộn mình vượt thác nhưng một khúc cây trôi lẫn trong đám rong rều bất ngờ đập vào đầu hắn... Hắn có cảm giác tưng tức ở ngực rồi cả thân hình đang dần thu nhỏ lại… nhỏ dần thành hạt cát quay cuồng trong vũ điệu dưới đáy sông với những con cá thia lia vằn vện, những cọng rong mềm mại… cô gái với đôi chân trần, cái mùi lờm lợm trên chiếc chiếu cứ trôi lềnh bềnh theo dòng nước, hắn rướn người theo cố với tay theo. Ít lâu sau trên bãi bồi xuất hiện một chiếc am thờ đặt trên một cái trụ bê tông. Nếu thêm những vạch sơn đỏ đen, cái trụ sẽ trở thành cột trắc đạc mức kỷ lục của một trận lũ lịch sử. N.H.K (258/8-10) |
PHƯƠNG HÀ
Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Truyện ngắn dự thi
Kìa, lão đang đứng trước mắt chúng tôi đây, tay ngửa ra xin của bố thí, và đợi chờ một chút ân huệ nhỏ nhoi...
TRƯƠNG QUỐC TOÀN
Lạ quá. Mùi hương thoang thoảng từ đâu theo gió đến đây. Một ngôi nhà nhỏ vách và mái đều từ lá tranh có sẵn trên núi.
HÀ KHÁNH LINH
Thuở còn tiệm đế, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế đã bôn ba tạo dựng cơ nghiệp - Vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật nhiều phen.
TRƯƠNG CÔNG DŨNG
I
Những ngày đầu ở thôn Phước Quả tôi không "bắt rễ" vào được một gia đình nào cả. Trước khi phân công tôi về đây, Trần Quốc Nghĩa - đội trưởng đội công tác kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản xã - cho tôi biết sơ bộ tình hình của thôn.
NGUYÊN NGUYÊN
Chúng tôi vẫn tiếp tục rảo bước, dọc đại lộ hoang vắng, vẻ như nàng vẫn chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Bởi trước đó nàng nói, khi nào tới gần quảng trường thì dừng lại, nhưng chúng tôi đã đi qua quảng trường cách đây năm phút rồi.
PHÁT DƯƠNG
Giờ ai còn rảnh rỗi ngắm mặt trăng nữa? Người ta bị giá đồ ăn và những thứ lặt vặt bủa vây.
NGUYỄN TOÀN THẮNG
Đinh Tú nhiều năm đèn sách siêng năng, nhưng không hiểu sao thi lần nào trượt lần ấy.
DƯƠNG GIAO LINH
Con dâu nhanh nhảu ra đỡ chiếc làn trên tay bà:
- Nay mẹ có mua như con bảo không ạ?
CÁT LÂM
1.
Cảm giác thức giấc phải đối mặt với lo sợ hoặc buồn phiền thật là khó chịu. Giấc mơ đêm qua không nhớ nổi mình mơ gì.
BẠCH LÊ QUANG
1.
Mấy năm về hưu, cõi người chộn rộn, xa xôi, giáo Nghĩa dặn lòng, thôi thì, thân thoái, về với chim chóc, cỏ cây. Tự tâm, ông nghĩ, có khi, muông thú, tiếng chim, hoa và lá lại có chỗ hơn người.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Mưa quất ràn rạt trên đầu. Mưa như xói cát vào mắt cay xè. Thanh nhoài mình ra cố nắm lấy hai bàn tay bé nhỏ mềm mại đang chới với đưa lên từ mặt nước. Con đò nhỏ mỏng manh chao đảo chực lật úp. Và mảng chớp lòa trước mắt kèm theo tiếng nổ khô khốc chụp xuống hất anh ngã nhào...
Hòa Vang - Luân Lâm - Dương Thành Vũ
PHẠM GIAI QUỲNH
1.
Đây là một nơi như thế, Viễn buông một câu không đầu không cuối khi xách hành lý của Khanh lên và dẫn cô vào trong nhà nghỉ tạm.
TÔN NỮ DẠ LY
Ly cảm giác mình như bị xé toang da thịt. Bầu trời đêm như mọi khi, vẫn không vỗ về cô, nó để cô lạc lõng, cô đơn như những hạt mưa, như những cơn gió đông vẫn đang mải mê với điệu vũ của chúng ngoài kia.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Ngày cha mất, mắt mẹ buồn như cơn đông miền núi Khước. Tôi vân vê những trái sầu bám riết bên ngực, bất lực nhìn đó đeo bám suốt quãng đời từ khi mở mắt.
TRẦN QUỲNH NGA
Tôi mở cửa, vứt cái ba lô to kềnh xuống sàn nhà rồi nằm vật ra giường. Tưởng sẽ ngủ được một giấc nhưng rồi không thể chợp mắt được.
TRẦN BĂNG KHUÊ
MINH ĐỨC
(Tặng Tác giả và dịch giả Thiền Luận)
HÀ KHÁNH LINH
Giây phút của sự bí ẩn có khi lại bắt đầu bằng cả một cuộc đời được phơi bày trần trụi.