Vòng nguyệt quế

16:58 18/05/2009
VIỆT HÙNGTrước đây, anh là người lừng danh, một tay "cua - rơ khét tiếng" trên xa lộ. Đã một thời anh chỉ biết chiến thắng. Người ta từng mệnh danh, anh là người sinh ra để đua xe đạp, anh không hề có đối thủ. Anh xem thường sự chiến thắng của mình, cho nó là điều hiển nhiên. Anh coi ánh hào quang của vòng nguyệt quế chỉ có tác dụng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mình mà thôi. Bởi, không có nó, anh vẫn là một thần tượng chẳng gì "khuất phục nổi".

Ngày ấy, trong quán cà - phê hay trong tiệm phở, mỗi khi nghe nhắc đến 2 chữ Cao Cường là lập tức mọi người dừng công việc để lắng nghe. Dù một người đang say mê thưởng thức vị đượm của điếu thuốc Pan man, hay một người đang cúi đầu trước tô phở mang hương vị cà cuống bốc lên thơm lừng; một vị giáo sư ngồi bên ly trà líp tông mải theo dõi tờ nhật báo; một anh sinh viên há hốc miệng nghe bạn mình kể một câu chuyện tình éo le, sướt mướt nào đấy..., tất cả số họ đều phải nghểnh cổ, dỏng tai về cái góc 2 chữ Cao Cường vừa được "ném" ra không gian. Những ánh mắt lấp lánh, tò mò, có chung một yêu cầu: "Thế nào, anh bạn, kể tiếp về người hùng của chúng ta đi chứ!". Thậm chí có người chẳng còn kiên nhẫn nên phải buột miệng "Này, Cao Cường hôm nay đi đâu, mặc áo màu gì?" Khi cái người đang kể chuyện phải ngượng ngùng cải chính rằng, mình nói về một Cao Cường vớ vẩn nào đó kia, thì cùng lúc là những tiếng thở dài, những cài "" rõ to vì thất vọng, những câu chửi tục cũng có thể được tung ra. Họ cho cái người bạo gan nọ lại dám bôi bác một thần tượng... Cho đến ngày, nếu ai có một người bạn tên là Cao Cường, hoặc chỉ là Cường, họ đều tránh nhắc ở chỗ đông người.

Mỗi khi anh ra phố, nếu phát hiện được, mọi người sẽ vây lấy anh, chìa giấy xin chữ ký. Anh đã ký và ký... đến mỏi tay hàng vạn chữ ký. Mặc dù có lúc anh tự hỏi, họ sẽ giữ chữ ký kia được bao lâu. Nhưung anh vẫn tỏ ra vô tư, hào phóng ban phát vinh hạnh cho mọi người.

Một lần khi vừa về đến đích (tất nhiên là bỏ xa các đối thủ), chưa kịp tháo chiếc mũ bảo hiểm, anh đã nằm gọn trong vòng tay của nhiều cô gái trẻ. Anh còn ngỡ ngàng, họ đã hè nhau cố gắng công kênh cái thân hình lực lưỡng của anh lên trời, mặc dù đó là công việc chẳng dễ dàng gì với các thiếu nữ. Cho đến khi tháo được mũ ra khỏi đầu, anh nhận ra trong đám thiếu nữ kia, có một số người anh quen mặt. Họ là những người đẹp của một trường trung học ngay bên cạnh trường anh, và chỉ cách đó một năm họ chẳng coi anh ra gì. Còn bây giờ mọi việc đã khác, khi những lời tâng bốc của họ cứ xối xả tuôn ra trước anh...

Đó là chuyện của ngày xa xưa, hơn hai mươi năm về trước. Ngày ấy, cứ mỗi năm có vài ba lần thi tài, mà lần nào anh cũng vô địch tuyệt đối trên mọi chặng đường. Thành quả của sự chiến thắng là những hiện vật kỷ niệm, kèm theo những món tiền khá lớn. Như nhiều người nổi tiếng khác, anh cưới một cô vợ đẹp và giàu. Rồi giã từ đường đua, anh lập cơ sở kinh doanh áo quần, dụng cụ thể thao, giao cho vợ quản lý, còn bản thân thì sống một cuộc đời nhàn hạ. Dần dần người ta ít nhắc đến anh. Nhiều khi người ta cảm thấy miễn cưỡng phải nhắc đến một cựu vô địch, người hùng lừng danh của quá khứ.

Trên những bức tường trong phòng khách của anh, treo nhiều tấm ảnh anh chụp chung với các cô gái đẹp, cùng những nghệ sỹ nổi tiếng thời bấy giờ. Tất cả chúng đều giống nhau là ngày nay bị một lớp bụi thời gian phủ dày. Xen kẽ những tấm ảnh là các loại huy chương vàng to, nhỏ, cũng đã chuyển sang màu xám xin xỉn. Những chiếc cúp đặt trên các kệ trang trí, mấy năm đầu thường xuyên được đánh bóng, còn về sau thì sự tân trang ngày một trở nên vô nghĩa.

Năm tháng qua đi, bao thế hệ tay đua mới ra đời. Chỉ nhìn từ xa, thấy họ cưỡi trên những chiếc xe rất đẹp anh đã phát thèm. Sự liều lĩnh cùng những chiến công họ vừa lập anh nghe ớn lạnh. Nó khơi dậy trong anh thành tích đã qua chẳng bao giờ trở lại. Ít nhất cũng hơn một lần anh mơ ước có khoảnh khắc mình lại làm người hùng, được mọi người ngưỡng mộ. Anh mơ một vòng nguyệt quế...

Anh rất chăm đọc báo Thể thao. Anh không thể không lặng người trước những bức ảnh chụp các nhà vô địch mới. Anh thầm kính phục họ. Chỉ thầm thì mà thôi, chứ anh rất ngại nhắc tên tuổi họ với người khác.

Mỗi khi ra phố, anh bắt gặp ngay những ánh mắt dửng dưng; thậm chí họ chẳng buồn nhìn anh nữa, chứ huống chi hỏi chuyện. Trong số những người đó, anh chua xót nhận ra vẫn có người biết anh - Cao Cường.

Chiều chiều, vào thời điểm qua giờ tan tầm, khi dòng người và xe cộ đã bớt huyên náo, anh lại một mình cưỡi chiếc xe đua, kỷ vật còn lại của anh ngày ấy, ung dung trên những con đường vắng người. Anh đi tìm lại một kỷ niệm. Nhiều lúc máu trong người như sôi lên, anh muốn gắng sức đạt một tốc độ thật lớn. Nhưng rồi anh lại chẳng dám. Sức khỏe, sự phản xạ của anh đã không cho anh làm việc đó. Chiếc xe đua, cái vật nhiều lần cõng anh đến đỉnh cao danh vọng, hơn hai mươi năm nay anh vẫn trân trọng giữ nó. Chỉ có điều ngày xưa nó màu đen, bây giơ là màu trắng. Anh cho màu trắng là màu của sự bình thản. Và mỗi lần ngồi lên chiếc xe ấy, một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, như đưa anh đi mây về gió.

Một buổi sớm. Thức dậy, anh thấy trong người khỏe khoắn lạ kỳ. Chứng đau lưng vì tuổi tác biến mất cùng cảm giác uể oải của người quen nhàn hạ. Trong lúc rửa mặt, anh chợt phát hiện hai tay mình trở nên rắn chắc. Anh nhìn xuống toàn thân, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn như thuở hai mươi. Ồ, lạ quá!

Đứng chải đầu trước gương, suýt nữa anh không nhận ra mình. Thế là thế nào nhỉ? Những vết nhăn lâu nay bắt đầu xuất hiện, bỗng chẳng còn nữa, thậm chí trên mặt anh còn điểm thêm chút lông măng. Râu ria sạch sẽ, những sợi tóc bạc lốm đốm cũng kéo đi đâu hết. Anh vội gỡ trên tường xuống khung ảnh, lấy khăn lau sạch bụi. Đứng trước gương, anh đối chiếu mình với người trong ảnh. Anh sung sướng phá lên cười sặc sụa. Anh lôi xuống chiếc mũ bảo hiểm cùng bộ quần áo thể thao bị mạng nhện bao vây kín mít; lau chùi, phủi bụi sạch sẽ. Tròng tất cả vào người, anh lại đứng trước gương. Tuyệt vời! Chỉ sau có một đêm Cao Cường đã được cải lão. Anh thầm thì: "Được! Ta sẽ cho thiên hạ biết ta là ai."

Đi ra phố, anh mang cảm giác hừng hực của Cao Cường tuổi hai mươi. Thế mà chẳng ai thèm nhìn anh. anh bực lắm nên lẩm bẩm: "Hãy chờ đó! Nếu có cuộc đua mới, các người lại chạy đến xếp hàng xin chữ ký ta cho mà xem." Đến quầy bán báo, anh mua một tờ "Thể thao trong tuần". Xếp tờ báo kẹp nách, anh rẽ qua ngã tư về cái quán cà - phê quen thuộc. Chủ quán, một thiếu phụ ngày xưa từng là một trong những cô gái đã công kênh anh lên trời trong lần chiến thắng. Giờ đây chị là người đàn bà đẫy đà, dáng đi bệ vệ, nặng nề, miệng luôn gắt gỏng. Người đàn bà sững lại khi thấy anh. Mắt tròn xoe, cùng những tiếng ú ớ trong cổ chị: Ôi,... Cao Cường trẻ tuổi đẹp trai, người hùng xa lộ. - Chị trấn tĩnh - Đúng! Anh ta chứ ai nữa! Sao thế nhỉ? Phù phép chăng? - Chị dụi mắt mấy lần rồi tự trấn an đó chỉ là ảo giác - Không! Anh ấy đã "chết" từ lâu. Còn kia, người đàn ông bình thường ngày nào chẳng có mặt ở đây. Một Cao Cường vô tích sự.

Anh ngồi xuống mở tờ Thể thao ra đọc: "Một cuộc đua xe đạp sắp bắt đầu... Sẽ là sự tranh tài quyết liệt của các tay đua trẻ... Đường đua chia thành nhiều chặng. Cứ sau mỗi chặng lại nghỉ một ngày. Giải thưởng cao nhất giành cho chặng đường cuối...." Mừng quá, đứng dậy anh chạy luôn về nhà. Viết đơn, anh gửi ban Tổ chức xin được tham gia cuộc đua. Ngay trên mặt tờ Thể thao tuần tiếp theo, ảnh anh được đăng kèm những dòng tít lớn: "Cựu vô địch nhiều năm vắng bóng nay trở lại đường đua". "Lão tướng Cao Cường thách thức giới trẻ". Anh lẩm bẩm một mình: Được, cứ chờ đó!

Ngồi trên chiếc xe đua màu trắng, anh hăm hở lao về nơi tập kết, giống thuở nào anh từng làm thế. Nhớ lại lần đầu nổi tiếng, hôm ấy, anh đã cưỡi đến thi tài bằng chiếc xe màu đen, trước sự mỉa mai của mọi người khi cả đội đua toàn xe màu đỏ: "Ê, hết màu hay sao lại chơi cái màu chết chóc thế?!" Mặc kệ họ, anh vẫn bình thản. Hôm đó anh đã về nhất. Rồi lại nhất, nhất... cho đến khi cả đường đua là màu đen sì. Họ đã bắt chước anh, nhưng anh cứ nhất và nhất.

Giờ đây cả đội đua là xe màu đỏ, riêng anh màu trắng. Có lẽ màu sắc chỉ là cái cớ để họ giễu anh:

- Cựu vô địch chơi độc đáo quá!
- Cựu vô địch thích khác người.

Mới vào chặng đua đầu, anh đã bị "khớp" với sự cuồng nhiệt của các đối thủ bởi tốc độ như gió cuốn của họ. Anh về bét với chiếc xe màu trắng. Chặng thứ hai anh biến nó thành màu đen trước những cặp mắt kinh ngạc của mọi người. Hơn hai mươi năm qua đi, họ thực sự quên cái màu vô địch của anh. Lại bét nữa. Anh chuyển sang màu đỏ, màu may mắn giống mọi người. Vẫn bét. Rồi màu xanh da trời. Vẫn chẳng khá hơn. Màu tím. Cứ bét. Màu vàng, màu da cam... Cứ sau mỗi chặng đua lại nghỉ một ngày - đủ thời gian cho anh sơn xe. Anh đã dùng qua bảy sắc cầu vồng cho chiếc xe của mình, nhưng, bét vẫn hoàn bét. Chặng cuối cùng chiếc xe của anh trở về màu trắng - màu thanh thản; nhưng, dù sao anh vẫn còn le lói hy vọng.

Mở đầu chặng đua cuối, khi phát pháo hiệu vừa nổ, anh gò lưng đạp điên cuồng. Chiếc xe của anh như bay trên xa lộ. Nhưng chỉ đượckhoảng 5 cây số, anh thấy hoa mắt, ù tai, khó thở, cảm giác lâng lâng mất thăng bằng. Anh giảm tốc độ. Các đối thủ vun vút qua mặt, họ không quên giơ tay chào anh - "trân trọng" một lão tướng. Xe anh chậm dần... Anh quên đường đua cùng nhiệm vụ của mình, mà tưởng rằng chỉ một buổi chiều cưỡi xe đi dạo mát....

Đã quá nửa chặng đua, trên đường vắng tanh, xe anh tiến vào đoạn nguy hiểm. Ngày xưa các tay đua gọi đoạn này là "đoạn đường con rắn" bởi sự ngoằn ngoèo, lắt léo của nó. Anh chiến thắng được một phần nhờ ở đây, biết tăng giảm tốc độ đúng lúc, biết khi nào phải nhường, khi nào sẽ rút. Nhiều tay đua say máu đã lao ra khỏi lòng đường, phải bỏ dở cuộc đua; thậm chí có người còn bị què quặt. Riêng anh, qua bao cuộc thi tài mà vẫn nguyên vẹn đến với chiến thắng...

Chợt có một đội đua đi ngược chiều với anh. Anh nhận ra họ là những cựu tay đua cùng thời với mình. Cả đội đua cùng giơ tay chào anh. Đi được một đoạn, anh mới lờ mờ cho rằng, hình như các lão tướng tổ chức một cuộc đua riêng, để chào mừng các tay đua trẻ. Anh chợt thấy mình lạc lõng...

...Anh đã về đến gần cuối chặng đường. Anh đoán giờ này họ đã nhận xong phần thưởng. Rồi reo hò. Rồi chúc tụng. Đủ các thủ tục và đã giải tán. Nhưng... trước mặt anh là tiếng huyên náo. Người ta lao đến vây lấy anh. Những tiếng hô vang chào đón "Siêu người hùng". Thế là sao nhỉ? Có sự nhầm lẫn chăng? Không, chỉ mình anh đi xe màu trắng. Cao Cường không lẫn với ai được, - anh thầm nghĩ. - Chẳng lẽ năm nay giải thưởng lại trao cho người về bét. Hay họ chiếu cố lão tướng cựu vô địch. Chẳng lẽ... Không! Không thể! Anh nhìn khắp bốn phía. Các đối thủ của anh ngồi và nằm la liệt trên những bãi cỏ, cùng những chiếc xe đều đã hư hỏng. À... À... Thì ra tất cả số họ chỉ vì quá đam mê với chức vô địch, nên có thể... đã bị tai nạn ở "đoạn đường con rắn". Và, họ đã "về đích" bằng những chiếc xe cứu hộ. Thì ra anh chiến thắng không phải bởi tài năng mà chỉ nhờ ở sự cẩn thận hoàn toàn rất ngẫu nhiên. Nhưng, anh đã bị dứt khỏi ý nghĩ của mình, vì người ta đang tung anh lên trời trong tiếng reo hò dậy đất: "Cựu vô địch lại vô địch tuyệt đối". " Một lão tướng hoàn đồng". "Siêu người hùng không có đối thủ"... Lớp lớp người đến xin anh chữ ký. Theo thói quen anh rút bút ra... nhưng lại vội ấn vào túi. Nhiều người đẹp lại không tiếc lời tán dương thành tích của anh...

Cố gắng lắm anh mới cùng chiếc xe của mình thoát khỏi đám đông. Chẳng dám nhận giải thưởng, ngồi lên xe anh đạp thẳng một mạch không dám ngoái đầu nhìn lại.

Việc lão tướng Cao Cường không dám nhận giải thưởng sau khi chiến thắng trên đường đua cũng chỉ là chuyện xảy ra trong cơn mộng mị đầy phức tạp của nhà cựu vô địch này. Sáng hôm sau, thức dậy, vẫn như thường lệ, Cao Cường lại đi ra phố để tìm về cái quán cà phê quen thuộc. Chưa bao giờ anh thấy cuộc sống tẻ nhạt như lúc này. Không, nhất định ta phải làm một việc gì đấy, - anh suy nghĩ. - Có thể chỉ là một công việc bình thường nhất. Quá khứ đẹp đã qua đi chẳng bao giờ trở lại. Cũng đừng buồn vì thế. Nghĩ đến đó anh thấy lòng mình thanh thản. Đến ngã tư, hình như tất cả mọi người đều ngoái đầu nhìn anh mỉm cười, mặc dù chẳng ai đến xin anh chữ ký. Anh chợt nhận ra bên cạnh mình, cuộc sống vẫn đang nở hoa. Anh lại nhìn những người đang cười với mình. Anh phấn khởi giơ tay chào tất cả. Rồi bất chợt anh thấy trên cổ mình là một vòng nguyệt quế, dưới ánh nắng rực rỡ nó còn lấp lánh hơn nhiều lần cái vòng nguyệt quế người ta đeo cho anh hơn hai mươi năm về trước.

V.H
(172/06-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • DẠ NGÂN Sau giấc ngủ trưa, hai chiếc gối kê cao trên đầu giường, tôi bắt đầu buổi làm việc tại nhà như vậy. Đó là sự nhân nhượng của toà báo với những biên tập viên cao niên và tôi, cũng như nhiều đồng lứa trong giới, tận hưởng đặc quyền đó bằng trách nhiệm tự giác thường trực.

  • NHẤT LÂM Tết êm đềm trôi hết tháng Giêng, mà bầu trời thung lũng Mu Lu còn khá lạnh. Chập tối, hơi đá từ dãy núi Ta Chan phả ra, sương buông màn màu sữa đục.

  • HUY PHƯƠNG Đã nghe thấy tiếng gió rì rào, như từng đợt sóng nhỏ tràn qua mái nhà. Trời trở rét… Chả trách mà tối hôm qua, cánh cửa kính cứ hết sập lại mở, rập rình mấy lần làm anh mất ngủ.

  • LÊ VĂN… Rồi cũng xong … Anh lơ xe nhảy lên cuối cùng, la lớn:- Tới đi chú Tám ơi!

  • QUỐC THÀNH - Xin người hoàn lại xiêm y cho ta - một thiếu nữ ngâm mình trong làn nước thơm khẩn khoản. - Mộng ba năm, bây giờ mới có, ta chỉ muốn nàng hứa một lời là được - chàng trai trẻ quay lưng về phía mặt hồ vòi vĩnh.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNG Sáng nay, ông Tổng biên tập gọi tôi tới bảo đi ngay dự lễ khánh thành một chiếc cầu. Tôi loáng quáng xách máy chạy ra xe, không kịp cả dặn vợ cắt cơm trưa.

  • L.T.S: Trần Duy Phiên, người thôn Thanh Thủy Chánh, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên, là một trong những cây bút truyện ngắn chủ chốt của chóm “Việt” - nhóm sáng tác trẻ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy xuất phát ở Huế trước đây.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUNgôi nhà lợp phi-brô xi-măng rộng chừng ba chục thước vuông, nằm sát cổng ra vào xí nghiệp dệt, biệt lập ngoài khu sản xuất, núp dưới tán lá cây bàng, được xây từ ngày xí nghiệp xảy ra các vụ mất cắp vật tư.

  • LÊ CÔNG DOANHChuyến đò dừng lại ở bến cuối cùng khi mặt trời vừa khuất sau rặng tre bên kia sông. Hiếu nhảy lên bờ và bước đi trong cảm giác chòng chành bởi gần trọn một ngày phải ngồi bó chân trong khoang đò chật.

  • L.T.S: Tác giả Hoàng Nguyệt Xứ tên thật là Hoàng Trọng Định, từng in truyện và thơ trên Sông Hương và nhiều tạp chí văn nghệ khác. Tác phẩm của anh để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học của Huế với những truyện ngắn đậm tính triết lý, văn phong ám gợi sâu xa.Truyện dưới đây được Sông Hương dàn trang lúc anh còn sống... trân trọng gửi tới bạn đọc; cũng là nén tâm nhang xin chia buồn cùng người thân của anh.

  • TRẦN THÙY MAINếu cuộc đời được hình dung như một con đường thỉnh thoảng lại băng qua ngã tư, ngã ba hay rẽ ngoặt thì trong đời tôi có hai khúc quanh lớn nhất.

  • THÙY ANHồi nhỏ, tôi có cái tật làm nớt. Hở một chút là nước mắt tuôn ra giọt ngắn giọt dài. Anh chị xúm lại chọc: “Lêu lêu, mu khóc móc kh… ruồi bu kiến đậu…”, nhưng mẹ thì không, chỉ an ủi dỗ dành.

  • TRẦN HỮU LỤCKhi từ biệt làng nổi trên sông, ông Ngự tưởng mình quên được chiếc bóng vật vờ trên sông nước, quên bốn mươi năm gắn bó với những vạn đò. Ông Ngự chỉ mang theo đứa con gái duy nhất và cái máy bơm nước hiệu Yama của Nhật Bản đến vùng đất mới.

  • NGUYỄN QUANG LẬPQuá nửa đời người anh chị mới gặp nhau. Âu đó cũng là chuyện thường tình. Sau hai mươi mốt phát đại bác vang trời báo tin ngày toàn thắng, có hàng ngàn cặp vợ chồng cách biệt hàng chục năm đã tìm lại nhau.

  • PHẠM NGỌC TÚYMột buổi chiều như bao buổi chiều khác, Kim ngồi ở bàn giấy với trang viết đang chi chít chữ. Tiếng chuông điện thoại kêu vang dòn dã vào một thời điểm không thích hợp; thầm mong người nào gọi lộn máy Kim uể oải nhấc ống nghe lên.

  • BẠCH LÊ QUANG(Người đàn bà gối giấc ngủ trên cánh tay của biển - Thơ LHL)

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGLão Hinh lồng lộng như một con chó già bị mắc bẫy. “Mày cút khỏi nhà tau. Nhà tau không chứa chấp đứa con gái hư hỏng như mày…”. Miệng chửi, tiện tay lão vứt túi xách của Hằng ra đường. Chiếc túi nhỏ đã sứt quai, màu bạc thếch rơi tọt xuống miệng cống.

  • MAI SƠNRa khỏi cổng cơ quan quân sự tỉnh, ông Năm gần như muốn la lên - niềm sung sướng vỡ òa trong lòng ông, hiện thành đường nét trên mặt mũi. Dù biết có người lính cảnh vệ đang đứng nghiêm nhìn theo, ông không ngăn được, vẫn bật lên tiếng cười “khà, khà”…

  • HOÀNG GIÁBên kia sông, làng Mả-Mang, có cụ già trăm tuổi quy tiên, Thầy Khâu-đà-la chèo con thuyền nhỏ vượt dòng sông Dâu sang làm lễ.