NGUYỄN ĐÌNH CHI
Hồi ký
KỶ NIỆM 102 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 19-5-1890 _ 19-5-1992.
Đầu tháng 6-1968 anh Hoàng Phương Thảo (Trưởng ban dân vận Thành ủy Huế) đến lán thăm và tin tôi biết :
"Có điện của Trung Ương lệnh phải đưa Hòa thượng Giác Thanh (tức Hòa thượng Thích Đôn Hậu) và chị ra Hà Nội với bất cứ giá nào".
Tin ấy làm tôi bàng hoàng hết sức. Khi tạm biệt Huế lên chiến khu, tôi cứ nghĩ sẽ ở lại đây với đồng bào kháng chiến để có một ngày - nếu còn sống - trở lại quê nhà trong cảnh đất nước thanh bình. Không ngờ, anh chị em, bè bạn sẽ phải trải bao khó khăn giúp chúng tôi vượt Trường Sơn trong khói lửa bom đạn ác liệt để có mặt tại Thủ đô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang cùng với Trung Ương lãnh đạo cách mạng trong cả nước. Nghĩ mình đã làm được công trạng gì lớn lao đâu mà được hân hạnh đến thế! Nửa phấn khởi nửa lo lắng.
Đến Hà Nội được mấy ngày, trong tai tôi chưa dứt âm vang tiếng bom rền, chưa biết sẽ làm việc gì đầu tiên ở đây thì được tin: "Chuẩn bị lên Phủ Chủ tịch yết kiến Bác Hồ". Được yết kiến Bác Hồ là một nguyện vọng tha thiết nhất của tôi nhưng tôi không ngờ lại đến sớm thế. Bấy giờ tôi đâm ra lúng túng. Khi ra đi, tôi vừa có tang mẹ nên chỉ mang theo hai chiếc áo dài đen và nâu cùng mấy bộ đồ vải. Tôi không biết phải ăn mặc như thế nào để yết kiến Bác. Lúc ấy tôi mang đôi dép Trị Thiên mà anh chị em ở một binh trạm đã trang bị cho trên đường ra Bắc. Tôi nghĩ đi theo con đường của Bác Hồ bằng đôi dép cao su truyền thống cũng là một việc hay. Ý nghĩ đó làm cho tôi hơi yên tâm. Điều lo lắng còn lại là sợ Bác hỏi tình hình Miền Trung Miền Nam, tôi không biết phải thưa như thế nào cho đầy đủ cho chân thật!
8 giờ sáng ngày 13-7-1968 Đoàn Huế gồm Hòa thượng Giác Thanh, Bác Nguyễn Đóa và tôi đến Phủ Chủ tịch.
Chưa bao giờ được gặp Bác nhưng tôi đã nhiều lần xem ảnh, tâm trí tôi đã hằn sâu hình ảnh một vị lãnh đạo kết tụ bằng những nét tinh anh nhất của dân tộc nên khi mới vào Phủ Chủ Tịch mới thoáng thấy đằng xa một cụ già tầm thước mái tóc bạc phơ, ngồi trên ghế dài đặt trước ngôi nhà khách nhỏ, tôi đoán biết ngay đó là Hồ Chủ tịch. Ngay lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện, đi ra đón chúng tôi.
Đoàn chúng tôi đến trước phòng tiếp khách trân trọng chào Bác. Bác đứng dậy cầm bó hoa trên tay đồng chí bảo vệ trao cho tôi. Vẫn biết bó hoa đó Bác tặng cho đồng bào Huế, đồng bào miền Nam, nhưng chúng tôi được vinh dự đại diện cho đồng bào nhận trên tay Bác, điều đó làm cho tôi hết sức xúc động. Có lẽ đó là những bông hoa có ý nghĩa nhất của đời tôi. Một nỗi mừng vui và lo lắng dâng lên tràn ngập cõi lòng, tôi chỉ biết cám ơn chớ chưa biết thưa gởi thế nào cho đúng lễ.
Phòng tiếp khách của Bác là một căn trong ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng. Sau này tôi được biết đó là một trong những ngôi nhà của nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền trước kia. Căn phòng thật đơn sơ, chỉ có một bàn dài, một ghế đầu bàn và hai dãy ghế hai bên , trên tường không có trang trí gì cả. Tôi cũng được biết, chỉ trong những ngày lễ lớn như Quốc khánh, hoặc tiếp những nguyên thủ Quốc gia hay các nhà ngoại giao nước ngoài, Bác mới tiếp tại Dinh Chủ tịch (dinh Toàn quyền cũ) còn ngoài ra Bác chỉ thích tiếp thân mật trong gian nhà nói trên.
Bác ngồi trên chiếc ghế đặt ở đầu bàn. Trong đoàn chỉ có tôi là nữ nên được Bác cho ngồi bên trái gần Bác, đối diện là Hoà thượng Giác Thanh. Buổi tiếp có Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Nguyễn Văn Tiến đại diện miền Nam ở Hà Nội, anh Lê Toàn Thư chủ nhiệm Ban Thống nhất Trung ương cũng có mặt.
Bác lấy thuốc lá đựng trong hộp mời khách. Bác biết phụ nữ miền Trung biết hút thuốc nên tôi cũng được mời. Bác mở đầu câu chuyện bằng một câu tôi không còn nhớ nguyên văn chỉ nhớ đại ý là: "Người cộng sản là người có nhiều tình cảm. Không có tình cảm thì không thành người cách mạng được".
Bác đi thẳng vào câu chuyện thăm hỏi không một chút nghi thức. Qua tiếng nói ấm áp vừa hiền từ vừa sâu sắc, có lúc hóm hỉnh của Bác, tôi cảm thấy thân quen ngay. Tác phong giản dị từ đôi dép cao su, cặp quần áo nâu cho đến cách nói năng, nội dung câu chuyện được bắt đầu... của Bác đã làm cho tôi quên đi nỗi lo lắng ban đầu.
Bác thăm hỏi sức khỏe từng người lúc đi đường, hỏi tình hình các tầng lớp đồng bào miền Nam, phật tử miền Nam. Bác hỏi đến đâu chúng tôi thưa đến đó. Chúng tôi không ngờ Bác lại nói năng tự nhiên và chân thực đến thế. Cái đức giản dị của Bác đã biến những việc phức tạp trở nên đơn giản, những việc tưởng như khó hiểu trở nên dễ hiểu, những xa cách trở nên quen thân. Tôi bỗng sực nhớ đến một kỷ niệm. Lần đó, trong đêm tối, trên đường Tây Trường Sơn tôi vô ý để rơi mất ví tùy thân, trong đó có giấy tờ và mấy thứ nữ trang. Đồng chí Trưởng Binh trạm biết được , điện thoại cho anh em công an, bộ đội trên cung đường tìm giúp. Vài giờ sau, anh em tìm được ví đem giao lại nguyên vẹn.
Xe đến phà Phước Tích (túi bom vì là yết hầu của đường chi viện từ Bắc vô chiến trường Trung Nam) trong đêm khuya chờ qua sông thì đoàn máy bay Mỹ đến dội bom. Đoàn chúng tôi phải núp dưới các luống cày của những đám ruộng gần đó trong khói bom dày đặc. Hai đồng chí công an bảo vệ lấy thân mình che cho Hoà Thượng Giác thanh và tôi. Sau trận bom hai đồng chí không để ý đến mình mà chỉ lo cho chúng tôi có bị xây sát gì không. Khi biết chúng tôi được vô sự, hai đồng chí mừng như chính mình vừa được thoát nạn.
Hai sự việc trên chứng minh cái đạo đức tuyệt vời của người "lính Cụ Hồ". Đạo đức của Bác đã trở thành sức mạnh của cách mạng, của dân tộc là như vậy...
Sau buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa chúng tôi đi xem vườn trong Phủ Chủ tịch. Vừa xem vừa nói chuyện thân mật.
Trở về nhà khách 69 Nguyễn Du, chúng tôi không ngớt nói chuyện với nhau về sự kiện vinh dự ấy. Tình cảm của Bác và các vị lãnh đạo Trung ương dành cho chúng tôi thật là nồng hậu, thân thiết, Bác thường điện thoại cho đồng chí Lê Toàn Thư - sau buổi yết kiến đó - hỏi về tình hình ăn ở của chúng tôi ở Thủ Đô.
Bác hỏi: "Đã có người nấu ăn cho đoàn Huế chưa ? Người nấu phải biết khẩu vị người Huế đó nhé !"
Đến lúc trời sắp trở lạnh, Bác lại điện thoại hỏi: "Đoàn Huế đã có đủ đồ ấm chưa ? Trong Huế không lạnh như ngoài Bắc đâu".
Bác cũng thường hỏi thăm riêng tôi và căn dặn đồng chí Thư giúp đỡ tôi. Bác bảo:
"Bà Đức (tên tôi sau ngày thoát ly) ra đây buồn, các chú phải tìm một cháu bé đến chơi với bà. Phải nhớ tìm một cháu ngoan và dễ thương nhé".
Nghe đồng chí Thư kể lại như thế, tôi thật không ngờ và xúc động đến chảy nước mắt.
Cuối năm 1968, Đoàn Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình có mặt gần đủ tại Hà Nội. Chúng tôi chuẩn bị chúc tết Bác. Chúng tôi nghĩ Bác đã từng ở Huế nhiều năm nên bàn bạc: Nên có quà gì đặc biệt Huế dâng Bác. Đoàn đề nghị tôi làm mấy món mứt.
Vào khoảng 10 giờ 30 ngày 28 Tết Nguyên đán năm 1969, Đoàn vào Phủ Chủ tịch. Anh Thắng (tức anh Dương Tiềm) và anh Thành giúp tôi mang 4 thẩu mứt.
Buổi tiếp có Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Các đồng chí ở phòng bên, có lẽ làm theo lời Bác, sắp mứt ra dĩa và đem dọn liền. Không thấy ai kiểm nghiệm. Bác vui vẻ mời mọi người cùng ăn. Thật là đột ngột! Cử chỉ giản dị, tự nhiên của Bác làm cho tôi hết sức xúc động. Bác đã dành cho chúng tôi một sự tin cẩn tuyệt vời. Vinh dự biết bao ! Càng vinh dự bao nhiêu, tôi càng lo lắng bấy nhiêu ! Lỡ trời lạnh, Bác đau bụng một chút thôi chúng tôi cũng gánh không hết trách nhiệm. Tôi tự nghĩ mình xuất thân trong một gia đình dù nghèo nhưng cũng mấy đời quan lại, lại có nhiều mối liên hệ với những người trong bộ máy đối lập với chính quyền Cách mạng, vậy mà hôm nay được Bác và các vị lãnh đạo tin cẩn như thế thì thật "cái ơn tri ngộ" này một đời người không lấy gì đền đáp được. Từ giây phút đó, những trăn trở, vướng mắc trên con đường đi theo Cách mạng của tôi có thể nói được tháo gỡ hoàn toàn.
Thấy Bác chỉ dùng món mứt chanh, tôi thưa Bác xin Bác xơi mứt bí, mứt cam hoặc mứt cam quật vì mứt chanh có vị đắng. Bác cám ơn và đáp một cách thâm thúy .
- Phải có cam, có khổ chứ !
Bác vui vẻ xóc một miếng mứt cam.
Trong câu chuyện cuối năm, nhân nói về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu câu châm ngôn của dân tộc: "Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn", Bác liền góp chuyện một cách bất ngờ:
- Những người một mình thì thuận với ai ?
Tất cả người có mặt hôm ấy đều cảm thấy thích thú. Không ngờ Bác lại hóm đến thế ! Không ai dám trả lời câu hỏi của Bác. Tôi nghĩ trong lòng : "Thì Bác thuận với nhân dân", nhưng cũng không dám nói ra. Thấy tôi có vẻ lúng túng, Bác nghiêng người về phía tôi nói nho nhỏ: "Một mình thì phải làm việc bằng hai".
Câu chuyện đang vui thì một đồng chí bảo vệ đem ra trình Bác mấy tấm ảnh các cháu dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam vừa mới gửi ra. Bác cầm ảnh xem một cách chăm chú, đôi mắt Bác nhấp nháy như muốn ngăn chặn dòng lệ thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam. Xem xong, Bác đứng dậy trao cho chúng tôi cùng xem. Bác hướng về tôi và nói một cách trịnh trọng:
- Bác thay mặt tất cả cám ơn các bà mẹ miền Nam đã sinh ra và nuôi dạy những người con anh hùng.
Sau đó Bác hỏi chuyện dân gian Huế như hỏi các O bán chè gánh mặc áo dài, chè đủ thứ sắp trên những cái trẹc, xếp thành chồng cao, hỏi chợ xép chợ Đông Ba... nay có còn không. Chúng tôi trả lời đều còn cả. Bác kể những kỷ niệm lúc Bác ở Huế. Có lúc giọng Bác trở nên sâu lắng. Vừa lúc đồng chí bảo vệ Bác lễ phép ra thưa đã 11 giờ 30, đề nghị Bác nghỉ. Bác khoát tay nói giọng khẩn khoản : Nói chuyện với đồng bào miền Nam, cho phép Bác nói thêm một chút nữa !
Bác căn dặn Đoàn chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe, có gì khó khăn phải báo ngay để giải quyết. Bác chúc sức khỏe từng người và không quên gửi lời thăm sức khỏe gia đình và đồng bào miền Nam. Nói xong Bác đứng dậy tạm biệt chúng tôi.
Chẳng bao lâu sau đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (6 đến 8-6-1969) ra đời.
Chiều ngày 23-6-1969 có tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ đến thăm chúng tôi tại nhà khách 69 Nguyễn Du. Đến phút chót lại được tin "có thượng khách" cùng đến. Chúng tôi đoán có lẽ Bác, và chuẩn bị đón.
Đến 4 giờ 45 Bác đến thật. Hôm ấy Người mặc bộ đồ màu xám tro, chân đi dép cao su, tất trắng. Đi sau Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí bảo vệ. Bác bưng một khay đựng hai trái đu đủ, sản phẩm của vườn Bác.
Thấy Bác bước lên tam cấp hai chân hơi run run, biết sức khỏe của Bác đã yếu hơn so với hồi Tết, Hòa thượng Giác Thanh và bác Nguyễn Đóa (phó thủ tướng CP CM MN) đến dìu Bác. Bác khoát tay "Cám ơn hai cụ, tôi lên được".
Bác mời hòa thượng Giác Thanh và tôi ngồi gần Bác. Trời nóng bức, tôi quạt cho Bác. Râu tóc Bác bạc phơ, da dẻ trắng hồng, lơ thơ điểm vài đốm đồi mồi. Bác hiền từ quá và đẹp như một ông tiên trong chuyện thần thoại tôi được đọc hồi thơ ấu. Trong một giây phút xuất thần, tôi sống lại cái cảm tưởng trong nhiều năm tôi đã ngồi quạt cho mẹ mình.
Mới trông thấy Bác, chúng tôi cứ nghĩ là Bác yếu hơn mấy tháng trước, nhưng khi Bác bắt đầu nói chuyện thì lại thấy Bác khỏe, vui vẻ, giản dị như mọi lần. Nhân Bác cho chúng tôi hai trái đu đủ rất đẹp, tôi thay mặt đoàn cám ơn Bác, hôm trước Bác đã cho hai trái dưa hấu giống mới. Tôi kể chuyện đã cắt dưa ra nhiều miếng nhỏ để mọi người trong đoàn có mặt ở nhà khách 69 Nguyễn Du đều được hưởng hương vị quà của Bác. Bác cười và kể chuyện xưa "Tửu tuyền" (suối rượu) và trái lê Trương Công Nghệ chia cho 9 họ cùng ăn. Nghe Bác nói tôi quá khâm phục. Bất cứ chuyện gì Bác cũng có một mẩu chuyện xưa thích hợp để đưa ra và làm cho người nghe nhớ mãi.
Bác Đóa mời Bác thuốc lá, Bác cám ơn và cho biết Bác đã bỏ thuốc. Tôi thưa Bác bỏ thuốc có khó không. Bác nói : "Phải phấn đấu".
Biết chúng tôi lo lắng về sức khỏe của Bác, Bác bảo :
- Tuổi càng cao sức càng yếu là chuyện thường.
Rồi Bác nói qua chuyện khác, về năng suất lúa ở Thái Bình, những nơi tiên tiến đến 10 tấn, những nơi ít nhất cũng đạt đến 5 tấn, xưa nay nông nghiệp ở miền Bắc chưa từng có. Bác kể chuyện các hố bom ở Vĩnh Linh. Bác thông báo cho biết người Hà Tĩnh bây giờ không ăn khoai như xưa nữa. Các em bé 12 tuổi ở miền Nam đánh giặc như chơi. Các cô gái dân quân hạ được máy bay phản lực Mỹ. Nhiều danh tướng Mỹ mất chức vì thua trận ở Việt Nam. Tổng thống Ních Xơn sau "mùa trăng mật" phải ngậm bồ hòn. Địch hùng hổ nhưng đã bị động đến 10 điểm. Việc chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam ra đời là một sự kiện chính trị lớn.
... Nhân thấy Bác vui, chúng tôi thưa:
- Mong ngày thống nhất được đón Bác vào Nam ở sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Phú Bài.
Giọng Bác bỗng trở nên vui hơn, Bác hướng về Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:
- Kìa ông Thủ tướng nghĩ thế nào ? Đồng bào miền Nam trông Bác, chính phủ phải lo cho Bác đi mau đi.
Thủ tướng nhìn chúng tôi nói :
- Chính phủ lâm thời, phải lo giải phóng miền Nam cho mau để Bác đi máy bay vào Nam.
Việc ấy hết sức thiêng liêng nhưng cũng hết sức khó khăn nên không ai dám lên tiếng hứa . Sợ câu chuyện trở nên căng thẳng, Bác nói ngay:
- Bác muốn đi bộ chứ đi máy bay chóng mặt lắm.
Những người có mặt đều cười. Không khí đón Bác thanh thản làm sao ! Bác nói tiếp:
- Ngày xưa từ Bắc vào Nam đi bộ phải mất sáu tháng, ngày nay có đi lâu hơn một chút cũng được.
Khi sắp tiễn Bác ra về, Hòa thượng Giác Thanh nói có ý định mời các vị lãnh đạo Trung ương và Thủ tướng dùng một bữa cơm chay. Nghe chuyện, Bác hỏi chen vào, giọng thật vui:
- Các vị không mời tôi sao ?
Câu hỏi của Bác quá bất ngờ làm cho mọi người lúng túng. Như đọc được ý nghĩ của chúng tôi , Bác nói qua chuyện khác để không khí trở lại đầm ấm.
Lúc tiễn Bác lên xe, tất cả anh chị em tại văn phòng cũng như anh chị em phục vụ đều có mặt. Anh Hân, cán bộ thư ký đẩy chú Tâm Kiến ra phía trước và giới thiệu với Bác:
- Thưa Bác đây là chú "tiểu"(1) cùng đi từ Huế ra để giúp việc cho Hòa thượng Giác Thanh.
Bác cười và nói ngay:
- Người ta lớn như vậy là "đại" chứ, sao lại nói "tiểu".
Giữa hai mùa thu (đầu thu 1968 - cuối thu 1969) Đoàn liên minh Huế trong đó có tôi, ngoại trừ những buổi lễ lớn được thấy Bác trên Đoàn Chủ tịch ở hội trường Ba Đình, chúng tôi được trực tiếp gặp Bác ba lần. Cuối thu 1969 tôi lại được vinh dự lớn lao, nhưng lại là một vinh dự đau xót đầy nước mắt: dự lễ Quốc tang Hồ Chủ Tịch (tôi dự với tư cách Hội viên Hội đồng cố vấn chính phủ CM LT MN Việt Nam và Liên Minh Huế). Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm đau thương vô hạn cho toàn dân tộc Việt Nam và cho cả bạn bè toàn Thế giới...
Trong hai khóa đại biểu Quốc Hội cũng như ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi năm ít nhất hai lần về Thủ Đô, tôi đều vào Lăng viếng Bác. Mỗi lần thấy Bác, tôi thấy trong lòng yên ổn lạ thường. Bác là niềm tin vững chắc, là hào khí ngất trời, là lòng nhân nghĩa và đức hy sinh cao cả hiện thân. Người đã nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".
Nhớ Bác, niềm tin của tôi được củng cố, tin ở hôm nay và mai sau. Như Tố Hữu đã viết:
Bác vẫn đi về
Nghìn năm xin trọn lời thề nước non.
Quả phụ N.Đ.C
(TCSH49/05&6-1992)
------------------
(1) Miền Bắc gọi người mới vào chùa là "Tiểu", miền Trung gọi là "Điệu".
BỬU Ý
Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.
LÊ QUANG KẾT
Ký
Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).
VŨ THU TRANG
Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.
HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
Đoản văn
Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!
LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ
BÙI KIM CHI
Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.
KIM THOA
Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
(Hàn Mạc Tử)
NGUYỄN VĂN UÔNG
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.
LÊ QUANG KẾT
Tùy bút
Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.
TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.
LÊ QUANG KẾT
Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.
HUY PHƯƠNG
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên
(Tố Hữu)
PHAN THUẬN AN
Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.
MAI KIM NGỌC
Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.
HOÀNG HUẾ
…Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…
QUẾ HƯƠNG
Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.
THU TRANG
Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ
Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.