Vịnh của những giấc mơ

09:15 04/06/2019

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Nhìn trên bản đồ, vùng bờ biển của Huế là một dải đất hẹp, mỏng như lưỡi liềm.

Bãi biển Lăng Cô - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Có cơ hội đi máy bay, thỏa sức ngắm Huế từ trên không trung và mỗi lần máy bay đáp cánh xuống sân bay Phú Bài, tha hồ ngắm biển, ngắm bãi cát vàng, đồng xanh và xa xa là những cụm mây gần núi. Dải cát dài óng ả ấy là một dải yếm vững vàng trước biển cả bao la. Huế có rất nhiều bãi biển đẹp, đủ để cho người yêu biển lập kế hoạch du lịch, có khi mất hết cả tuần lễ vẫn chưa khám phá hết. Nhưng đi đâu thì đi, không một lần về Lăng Cô xem như chưa đi trọn hết thắng cảnh tự nhiên của Huế.

Bãi biển Lăng Cô dài khoảng 10km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, cách Huế tầm 60km. Tiềm năng nghỉ dưỡng của bãi biển này, lạ thay lại do một ông vua triều Nguyễn để tâm khai thác. Trong một chuyến công du mùa hè năm 1916, vua Khải Định đã phát hiện ra địa điểm du lịch nghỉ mát ở bãi biển Lăng Cô. Tại đây, nhà vua đã có được những ngày nghỉ thú vị, sảng khoái. Sau đó, vua liền ban lệnh cho Bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một hành cung để nhà vua nghỉ mát vào mùa hè, đặt tên là “Tịnh Viêm” nghĩa là làm dịu sự nóng nảy, bức bối. Hiện nay, ở thôn An Cư Đông còn giữ một bia đá khắc bài văn của Vua Khải Định ca ngợi vẻ đẹp của Lăng Cô: “Thôn yên đảo vắng, nơi đây mây biếc ráng hồng, bãi hạc hầm cò. Đất từ núi thẳm, đảo cát giăng ngang, sông tiếp đại dương, dòng chảy quanh quất. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng. Nhìn xuống dưới nước thì gió xô sóng biển như muôn ngựa về chầu. Đắm nhìn hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở ra”. Tính “Tịnh Viêm” của vịnh biển Lăng Cô đã hiểu như thế đó. Từ đó, Lăng Cô trở thành một điểm du lịch nổi tiếng cho tới bây giờ.

Lăng Cô, có thể bắt nguồn từ “Làng Cò” hoặc “L’Anco” phát âm chệnh mà thành chăng. Nhưng tôi bị thuyết phục bởi cái tên Làng Cò hơn. Nhiều lần chạy xe trên đường quốc lộ, qua Lăng Cô, thấy cò bay rợp trời, bay vào núi Bạch Mã, bay qua biển mịt mùng. Lúc chạng vạng, nhìn về phía đầm Lập An, cánh cò bay chấp chới rồi đậu trắng trên những hàng cây ven đầm. Lại có lần đi tàu về Lăng Cô chơi, gọi là đi tàu chợ giá rẻ, ngồi cùng gà vịt, đồ ăn thức uống, muôn tiếng ồn ào. Tàu đi qua ga nào cũng dừng, người lên kẻ xuống rất rộn rang. Đi tàu chợ cốt thấy cuộc sống dân dã, thấy những nỗi niềm mưu sinh bày ra đầy trăn trở trước mắt. Sắp tới ga Lăng Cô lại nghe người ta tranh nhau giải thích về cái từ Lăng Cô. Mỗi người mỗi ý, nói nhiều thành cãi, mà cãi thật. Tôi để ý đến một ý kiến nói thẳng, Lăng Cô thì là Lăng của Cô chứ gì nữa. Sau nghe chuyện, có một vị trưởng ga vào thời Pháp thuộc mất vợ đã xây mộ phần của vợ mình trước mặt vùng ga lúc đó gọi là ga An Cư theo lý giải của Nguyễn Tiến Vinh, một người con quê hương này. Vị trưởng ga và vợ là người ở Hải Phòng, dân thường gọi sếp ga là thầy và vợ là cô nên lăng của vợ sếp ga gọi là “lăng cô”. Từ sự kiện ấy mà dân buôn dần dần chuyển tên ga An Cư thành Ga “Lăng Cô” từ bao giờ người này truyền miệng người kia, dần dần mọi khách đi tàu dường như đã quên cái tên An Cư mà chỉ nhớ đến Lăng Cô. Mỗi cách lý giải đều có cái hay, cái hợp lý riêng nhưng tên Lăng Cô bản thân nó cũng là sự hợp lý nhất cho dù nguồn gốc có như thế nào.

Ra đầm - Ảnh: Hoàng Xuân Sáu


*

Ngắm trọn Lăng Cô nhất là khi đứng trên những cung đường lên đèo Hải Vân phóng tầm mắt xuống, thấy từng lớp sóng xô bạc mái đầu, thấy màu trắng của cát trải dài ngút mắt, màu xanh của dừa, của phi lao và màu đỏ của những mái nhà ngói quanh vịnh biển. Lăng Cô nằm ngay vị trí đắc địa là eo biển miền Trung, bãi cát vì thế có dáng một đường cong khổng lồ, duyên dáng. Những ngày biển căng gió, chiều về Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo của bụi nước. Biển xanh thăm thẳm phía ngoài, ôm lấy doi cát trắng phau, mượt mà. Tôi đã đi nhiều bãi biển nhưng không đâu có thứ cát mịn màng như Lăng Cô. Dẫm chân lên cát ra biển cứ ngỡ dẫm lên tấm nệm êm, tưởng như nhún xuống mình sẽ bay lê trời. Lẽ vì cát nhỏ, màu sáng, cát như ngọc bày mình ra cả chục km để làm vui lòng khách thập phương. Ngày đó, khi mộng mơ trăng sao, chúng tôi đã viết tên mình trên cát, trái tim và những ước mơ chân thật. Tình yêu cùng ngắm sóng cuốn xô như đàn ngựa từ biển vào đất liền, ngắm mây kỳ ảo bay lên từ khói sóng, thấy núi xanh mơ hồ.

Lữ khách đến Lăng Cô vì vẻ quyến rũ của vịnh biển, toát lên cái đẹp đơn sơ, mộc mạc và giấu trong lòng nó những ẩn dụ không thể gọi tên. Bức tranh vịnh biển ấy biến chuyển không ngừng, mỗi thời khắc là mỗi vẻ đẹp khác nhau. Mùa xuân, khi những cơn mưa phùn day dứt đổ xuống ướt đẫm cả ngọn núi và Lăng Cô chìm đi trong làn nước mỏng, mịt mùng thủy mặc. Rồi bất chợt, bãi cát dài bỗng bừng sáng lên khi làn nắng xuân chạy xuống rong chơi. Khung trời trổ ra từng ô cửa nhỏ, ánh sáng theo đó kéo nhau về. Mùa hè, vịnh biển dát lên mình ánh bạc lấp lánh đêm ngày. Những ngày đó, Lăng Cô thức cùng mùa hè vui, mặt trời, cát nóng và hàng ngàn bước chân về đây bên vịnh biển. Lăng Cô tỏa sáng, rạng ngời hòa vào nguồn vui sống căng tràn của mạch “tịnh viêm” ngày nào. Mùa thu khói sóng lên cao, một vùng mây nước quyện nhau giao hòa, để gửi ngàn ước mơ dâng hiến. Mùa đông, mưa tã, ướt át, biển động, sóng dữ và Lăng Cô như một cô gái yếu ớt, cam chịu nằm giấc ngủ dài đầy mưa gió.

Lăng Cô 19 - Ảnh: BTH


*

Tôi nhớ như in lần ngắm bình minh trên biển đầu tiên trong cuộc đời cùng với ba trong mùa hè tròn 7 tuổi. Sáng đó, tôi dậy thật sớm, lặng ngắm những đợt sóng êm ả vỗ về bờ cát, xa kia dăm ba cánh chim biển bay đi trong ánh sáng mờ ảo như đâm vào những cuộn mây hồng lơ lửng. Một khối cầu khổng lồ màu đỏ từ từ nhô lên trên mặt nước tối. Bắt đầu là một viền hồng rồi cả quầng nước hồng nằm dưới mặt trời rực rỡ. Gương mặt ba tôi lúc đó sáng màu hồng, những người trên bãi cát cũng một màu như thế, ai cũng vui tươi lạ kỳ. Khi mọi thứ đã bừng sáng, tôi lao mình vào dòng nước trong xanh.

Nhớ những ngày hè ngập nắng, anh em chúng tôi về Lăng Cô chơi tại nhà người chị con cậu ruột. Ngày ấy, Lăng Cô còn hoang sơ, lác đác một vài cơ sở nghỉ dưỡng của nhà nước. Nhà chị quay mặt quốc lộ, quanh nhà là cả vườn xoài chỉ cách biển một đồi cát trắng. Ngủ dậy, cả khu vườn thơm ngát hương xoài, lẫn vào vị biển mằn mòi, mê hoặc. Sớm sớm, chúng tôi thi nhau ù té chạy lên đồi cát để ra biển, hòa vào dòng nước trong mát, vỗ về. Có những ngày, không có ai ở nhà, một mình tôi lang thang ra biển, ngồi bó gối trên bãi cát dài trắng xóa những hàng dương, nhìn xa xăm vô số ánh chớp xé tan trời mây xầm xập. Những ngày bắt đầu lớn ấy, ý nghĩ trào lên như sóng cắc cớ về cái tôi nhỏ bé, tương lai, hiểu biết về thế giới này, cuộc sống này. Mắt tôi vằn vện tia sét tức bờ duyên hải, thấy biển rộng lớn khôn cùng. Một lão ngư đi qua với chiếc lưới bủa, hăng hắc mùi biển mặn. Vị ấm nồng ấy như kết nối tôi với biển, người con biển cả. Điếu thuốc rê vấn víu trên tay, ông đưa lên phà làn khói mảnh dấu xóa những bóng thuyền xa xa. Một buổi chiều yên, ráng hoàng hôn nhuộm tím bao đầu sóng lơi lả vỗ lên bờ. Lão ngư nói: “Chớ thấy non cao mà sấp mặt, thấy biển rộng sông dài mà xoay lưng!” Công việc của biển cả là công việc của muôn đời. Bầu trời trôi nhẹ trên đầu, tôi cố xua tan đi lớp lớp mây đen bằng hồi ức của những cơn gió thổi nghiêng hàng dương rì rào. Biển đang hát khúc ca của những ngày náo nức, mùa hội yên bình. Biển nói với chúng ta rằng: “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn.”

Sóng vẫn vỗ vào cát Lăng Cô, nhắc nhở ta về điều muốn nói. Quên đi những vui chơi dưới bãi biển, thú ăn uống trong các nhà hàng, chúng ta về đây, ngồi dưới những hàng dương râm bóng trong ánh nắng mùa hè cảm nhận mùi hương thầm kín cố hữu của Lăng Cô lan xa đến tận những giấc mơ nhỏ. Mùi biển mặn nồng, tươi mát theo cơn gió thoảng, gợi lên màu xanh hùng vĩ, mênh mông. Mùi cát khô rạo rực dưới chân, nhắc ta nhớ về những dấu chân lầm lũi bao đời bên biển vắng. Và vô vàn mùi cây cỏ trên đồi cát, hắt ra những tiếng thở tinh khôi thơm ngát của loài sâm sát, muống biển, tràm dầu. Giờ đây, trước mắt ta, mùa hè bày ra cảnh vật im lặng và buồn hiu. Những bầy sóng lao xao chạy vào bờ, chạy mãi không ngừng về phía Hải Vân uy nghi xanh trên nền trời đứng bóng. Khi nắng nhạt đi, bức tranh buổi chiều tà mới đi những nét phác thảo với những bóng thuyền khơi xa, dải đất dài lúp xúp cây bụi gợi lên thứ cảm giác êm ả của cô đơn. Màu hoàng hôn nhập hằn lên nước da vàng những cô gái xuống biển tắm chiều, những em bé mình trần tung tăng trên bãi cát. Ở một góc nghiêng, biển Lăng Cô ôm trọn vào lòng nó sự yêu thương của tự nhiên không bến bờ, cũng như ta ôm trọn vào lòng một tình yêu bao la biển cả.

Lăng Cô trở thành thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào năm 2009. Năm 2019, tròn 10 năm của sự kiện chứa đựng nhiều ý nghĩa thực tiễn du lịch, văn hóa, thắng cảnh, khơi gợi niềm tự hào quê hương xứ sở. Cái đẹp của cảm nhận cá nhân riêng biệt đồng hòa cùng cái đẹp đại chúng, hẳn là một sự ưu thế, phổ biến. Lăng Cô giờ đây không phải của tôi, của Huế, của ai khác, nó là của toàn thế giới yêu chuộng cái đẹp của tự nhiên này. Và ai đó, thử một lần về Lăng Cô đặt lên tay mình nắm hạt ngọc dã tràng tròn xoe như mắt người lăn trong biển sóng, ngắm những dấu chân nhỏ trên bờ cát, màu biển xanh biếc cất bao tiếng gọi xa gần.

L.V.T.G  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.

  • VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...