Viết văn để tri ân cuộc đời

09:33 29/07/2015

Y PHƯƠNG

Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.

Ảnh: internet

Chừng như vẫn còn thắc mắc, một nhà văn hỏi tiếp: “Sao phòng em chong đèn đến sáng? Tưởng em viết cả đêm”. Bích Hồng bẽn lẽn bật mí: “À! Đó là thói quen ngủ trong ánh sáng. Em sợ bóng tối từ bé. Di chứng của chiến tranh đấy ạ...”.

Mọi người lặng đi không hỏi gì thêm...

Hai chữ “di chứng chiến tranh” qua câu chuyện của Lê Thị Bích Hồng cứ ám ảnh tôi không dứt. Đây là trường hợp hy hữu mà tôi được biết. Là người lính đã từng tham gia trận mạc ở chiến trường B2, tôi thấu hiểu sự hy sinh gian khổ của người lính, nhưng với tôi, còn một sự hy sinh lớn hơn rất nhiều, đó là từ phía hậu phương của những người mẹ, người vợ, người chị, những đứa con... mà các bản hùng ca Vệ quốc đều đã đề cập đến bằng nhiều góc độ khác nhau.

Chạm mắt vào tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của chị, tôi mới hiểu người “sợ bóng đêm” phải dùng ánh sáng xua đuổi bóng tối là bởi cái ác của chiến tranh đồng nghĩa với bóng đêm. Cứ thế, thói quen này trở thành phản xạ tự nhiên, đồng hồ sinh học trong cơ thể chị bị lệch chuẩn từ lúc mới 7 - 8 tuổi đeo đẳng cho đến bây giờ: “Con sợ bóng đêm, sợ những nơi khuất nẻo, tối tăm. Hễ khi màn đêm buông xuống, con hãi sợ toát túa mồ hôi...”. (Vẫn có cha trong cuộc đời con). Có thể coi nỗi ám ảnh “bóng đêm” là một ký ức đau đớn nhất, một “di chứng” tinh thần về chiến tranh hiện hữu trong chính cuộc đời chị, đeo bám chị dai dẳng không yên.

Tôi cũng bất ngờ như với sự bất ngờ của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng khi đọc bản thảo truyện ký của chị: “Tôi cũng cứ tưởng như công việc chuyên môn và vị trí công tác của chị - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương dễ làm cho con người này “khuôn sáo, công thức, thậm chí trường quy, lấy đâu ra cảm hứng mà sáng tác”.

Tôi cũng thấy lạ “cái người này” tưởng chỉ viết lý luận phê bình thôi, ai dè sáng tác nữa, mà sáng tác cũng có duyên lắm”. Nhưng thực tế đã là câu trả lời khi Lê Thị Bích Hồng viết, chị còn là cây bút văn xuôi, dẫu xuất hiện chưa nhiều, nhưng tiềm tàng nội lực, cứ để người ta nhớ, người ta day dứt mãi. Vốn là học sinh tham gia đội tuyển văn toàn quốc, chị đã âm thầm sáng tác từ khi là học sinh phổ thông. Chị chưa in riêng sáng tác văn học, nhưng ký và truyện ngắn đã in chung trong các tập sách, như: Truyện ngắn về các nhà giáo Việt Nam, Viết tiếp tuổi hai mươi, Những kỉ niệm sâu sắc về ngành tư tưởng - văn hóa, Chuyện tình người lính biển… Đọc những truyện ngắn đăng báo của chị, tôi bất ngờ hơn với lối viết trẻ trung, cách khai thác tứ, cốt truyện khá uyển chuyển, giàu kịch tính và chất văn khá đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ... Không hẹn mà gặp, mấy nhà văn làm báo văn nghệ cũng chung với suy nghĩ ấy khi đã đọc truyện ngắn của chị. Nhà văn, nhà báo Đinh Quang Tốn (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân) cho biết: “Văn nghệ Công an đón và đăng một số truyện ngắn của Lê Thị Bích Hồng. Tác giả có lối viết truyện khá giàu chất thơ”. Khi đọc văn xuôi của chị, tôi cũng chung quan điểm với nhiều người: “Lê Thị Bích Hồng có sở trường ở thể loại truyện ngắn và tản văn. Văn đẹp, giàu chất thơ”.

Dư âm chiến tranh cách mạng là chủ đề xuyên suốt toàn bộ tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của nhà văn Lê Thị Bích Hồng. Tôi thấy nhân vật trong tác phẩm của chị phong phú, nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời; đa dạng nhiều giai tầng xã hội… Đó là người nông dân thuần hậu, chất phác; là người chị, người mẹ tảo tần, đảm đang, giàu đức hy sinh; là những sinh viên trẻ trung, yêu nước và vô cùng lãng mạn, yêu đời… và trên hết là người lính - “Anh bộ đội Cụ Hồ” cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả thời bình hôm nay.

Nhân vật của chị rất đẹp, đó là những người con ưu tú của dân tộc hiện lên với những phẩm chất yêu nước, kiên cường, mộc mạc, ân tình, thủy chung, tình nghĩa, tha thiết hòa bình, không tiếc máu xương hiến dâng trí lực cho đồng bào, cho Tổ quốc và nhân dân.

Nhân vật trong trang sách bước ra từ cuộc đời. Họ là nhân vật hư cấu văn học, nhưng đều thấp thoáng hình bóng những người thân trong gia đình chị. Chị viết bằng nước mắt và trải nghiệm của chính mình. Những bài ký Vẫn có cha trong cuộc đời con, Hành trình về quê nội, Đưa cha về quê ngoại thể hiện rất rõ điều đó. Đó là người ông nội ở Thừa Thiên Huế mà nhà văn chưa một lần biết mặt. Là người cha, người bác thân yêu tập kết ra Bắc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là bà o ruột (cô) ở lại quê hương nuôi ba mạ già cho các em tập kết và chính gia đình là một cơ sở cách mạng. Là người chú ruột - thương binh cùng trong một năm (1968) gánh 3 cái tang của mạ và hai người anh trai cùng tập kết (sau giải phóng cũng mới biết bà mất năm đó). Và đặc biệt là người mẹ - Một “Vọng phu sống” hôm nay thấp thoáng trong nhiều truyện ngắn của chị. Có thể nói một cách đầy tự hào, đây là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng như bao gia đình Việt Nam khác.

Đọc tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của chị, nhân vật nổi bật, xuyên suốt tác phẩm là người lính, người phụ nữ, những đứa trẻ… thời hậu chiến nhưng cuối cùng kết truyện ấm áp, thấm đẫm chất nhân văn, kể cả phải đối mặt với mất mát, hy sinh thì cái chết vẫn “gieo mầm cho sự sống”... Người đọc bắt gặp những cảnh huống của những người bình thường trong hoàn cảnh bất thường. Mọi xung đột kịch tính đều xảy ra từ hai phía. Kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Người ở hậu phương và người trên tiền tuyến. Một mô típ quá quen thuộc trong dòng văn học chiến tranh. Nhưng dưới con mắt nhà văn Lê Thị Bích Hồng, con người trong cuộc chiến hiện lên trước mắt đầy hy sinh gian khổ, nhưng chan chứa tình người, mang đậm chất thơ và thấm đẫm tình đồng chí. Cốt cách văn hóa của người Việt lấy tình làm trọng.

Tình cha con, tình vợ chồng, tình yêu trai gái, tình thương con người tràn ra cả trang viết. Và cũng nhiều trang sách, người đọc bắt gặp trái tim vị tha, nồng nàn, ấm áp. Dù ở ngoài mặt trận hay ở hậu phương xa xôi, những con người đều sống vì nhau và cho nhau. Ngay cả trong tình yêu, một địa hạt cố hữu sở hữu cá nhân, thế mà nhân vật trong tác phẩm của chị thật đôn hậu, nhẫn nhường: “...Tôi muốn có anh, độc quyền vòng tay nồng ấm, được tựa vào mái ngực rắn chắc, tin cậy ấy... nhưng Thắm thì sao? Hãy biết nghĩ cho người khác. Phải rất lâu mới nghĩ được như thế, tôi rụt rè:

- Anh à! Không thấy anh, Thắm lại đi tìm. Giờ này cô ấy vẫn chờ anh đấy! Mình về nhà đi. Anh nên... Thắm nhé...”. (Vệ đê trong đêm trăng).

“Hãy nghĩ cho người khác”, “hãy vì người khác” trở thành phương châm sống. Không phải ai cũng nghĩ và hành động được như vậy. Bởi trên đời này còn đầy lụy tục, còn đầy tham - sân - si. Chúng ta là người trần mắt thịt, cũng có chút tâm tính của kẻ phàm phu tục tử, cũng có lòng ganh ghét đố kỵ, có lòng tham đè nặng đến nỗi vầng trăng không mọc được…

“Hãy nghĩ cho người khác”, phải chăng đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và văn nghiệp dẫu còn khiêm tốn của nhà văn Lê Thị Bích Hồng.

Tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng ra đời như một nén hương tri ân người cha. Như một món quà tâm huyết kính tặng mẹ. Như ngàn lời nhắn nhủ các con cháu về công đức, về tình sâu nghĩa nặng của các bậc sinh thành. Tôi bỗng thấy Vệ đê trong đêm trăng mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương. Ta hãy nhắm mắt lại mà suy tưởng. Trên từng con chữ bỗng nghe có “tiếng tôm búng càng” và tiếng hôn nhau... rất ngọt.

Y.P  
(SH317/07-15)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HÀ VĂN THỊNHTrong lịch sử của loài người, những vĩ nhân có tầm vóc và sự nghiệp phi thường chỉ có khoảng vài chục phần tỷ. Nhưng có lẽ rất chắc chắn rằng sự bí ẩn của những nhân cách tuyệt vời ấy gấp nhiều lần hơn tất cả những con người đang sống trên trái đất này. Tôi đã rất nhiều lần đọc Hồ Chí Minh Toàn tập, nhưng mỗi lần đều trăn trở bởi những suy tư không thể hiểu hết về Người.

  • HOÀNG NGỌC VĨNHHồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam, là người Việt Nam đầu tiên soạn thảo và ban bố các sắc lệnh tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam.

  • BÙI ĐỨC VINH(Nhân đọc tập thơ “Đá vàng” của Đinh Khương - NXB Hội Nhà văn 2004)

  • NGÔ XUÂN HỘITính tình phóng khoáng, Trần Chấn Uy chắc không mặn mà lắm với những cuộc chơi mà luật chơi được giới hạn bởi những quy định nghiêm ngặt! Ý nghĩ trên của tôi chợt thay đổi khi mở tập thơ Chân trời khát của anh, ngẫu nhiên bắt gặp câu lục bát: “Dòng sông buồn bã trôi xuôi/ Đàn trâu xưa đã về trời ăn mây”...

  • TRẦN THUỲ MAI( “Thơ Trà My” của Nguyễn Xuân Hoa - NXB Thuận Hoá, 2005)

  • HỒ THẾ HÀ(Đọc tập thơ Lửa và Đất của Trần Việt Kỉnh - Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, 2003)

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO(Đọc tập ký ''Trên dấu chim di thê'' của Văn Cầm Hải- NXB Phương - 2003)

  • NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Huế trong thơ Nguyệt Đình)

  • NGUYỄN VĂN HOA(Nhà xuất bản Lao Động phát hành 2004)

  • PHẠM NGỌC HIỀNChưa lúc nào trong lịch sử Việt , các nhà văn hoá ta lại sốt sắng ra sức kêu gọi bảo tồn nền văn hoá dân tộc như lúc này. Xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế công nghiệp cộng với xa lộ thông tin đã mang theo những ngọn gió xa lạ thổi đến từng luỹ tre, mái rạ làm cho "Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Mà "Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện rõ bản sắc của mình trước thế giới" (R. Tagor).

  • NGUYỄN THANH MỪNG                Miền duyên hải Nam Trung bộ gần gũi với Tây Nguyên lắm lắm, Bình Định gần gũi với Gia Lai lắm lắm, ít nhất ở phương diện địa lý và nhân văn. Ừ mà không gần gũi sao được khi có thể chiều nghe gió biển Quy Nhơn, đêm đã thấm trên tóc những giọt mưa Pleiku. Giữa tiếng gió mưa từ nguồn tới bể ấy nhất thiết bao nhiêu nỗi lòng ẩn chứa trong tiếng thơ diệu vợi có thể chia sẻ, bù đắp được cho nhau điều gì đó.

  • NGUYỄN QUANG HÀSau ba tập: Thơ viết cho em - 1998, Lối nhớ - 2000, Khoảng trời - 2002, năm 2004 này Lê Viết Xuân cho xuất bản tập thơ thứ tư: Đi tìm.

  • NGÔ MINHThật may mắn và hạnh phúc là Hoàng Phủ NgọcTường đã vượt qua được cơn tai biến hiểm nghèo của số phận, để được tiếp tục đến với đọc giả cả nước trong suốt mười một năm nay. Đối với tôi, khi bên chiếu rượu ngồi nghe anh Tường nói, hay đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của Hoàng Phủ là những lần tôi được nghe các “cua” ngoại khóa sâu sắc về nhân văn và nghề văn.

  • VÕ THỊ XUÂN HÀVào rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ v.v…

  • VÔNG VANGCó thể nói cùng với chiều dài lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, không thể và không khi nào mà khi nói đến nơi đây người ta lại không nhắc đến Thơ. Bởi vì ngoài “nhiệm vụ” là một bức thông điệp giúp cho ta biết hơn về lịch sử, về con người, Thơ còn giúp ta hiểu hơn về chính nó, về một ký ức lãng đãng đang trôi qua từ thẳm sâu trong trí nhớ, trong cái thăng hoa luân chuyển của vũ trụ và của chính con người.

  • TRẦN THÙY MAI(Đọc “Thơ của người cô độc” tập thơ của Tường Phong, NXB Thuận Hóa xuất bản)

  • TRẦN HỮU LỤCChân dung Huế (*) - tập bút ký nhân vật, là một trong 12 đầu sách liên kết giữa Tủ sách Nhớ Huế với NXB Trẻ.

  • BÍCH PHƯỢNG thực hiệnLTS: Trong dịp vào Huế thực hiện một số phim trong chương trình “Người của công chúng” (Đài Truyền hình Việt Nam), nhà báo Bích Phượng đã có dịp tìm hiểu tác phẩm, gặp gỡ trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khắc Phê tại ngôi nhà vuờn xinh đẹp của ông trên đường Xuân Diệu. Ông đã trả lời một cách cởi mở và thẳng thắn những vấn đề đặt ra.

  • NGUYỄN PHÚC VĨNH BATrong cuốn “Hồ sơ văn hoá Mỹ”, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc có giới thiệu một số nhà thơ cổ điển Mỹ như Walt Whitman, Edgar A. Poe, Henri W. Longfellow… Về Longfellow, ông Hữu Ngọc viết:“Nếu không đòi hỏi tâm lí và tư duy sâu sắc thì có thể tìm ở thơ Longfellow sự trong sáng, giản dị, cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, hình ảnh duyên dáng và âm điệu du dương. Ông làm thơ về lịch sử và truyền thuyết, đất nước và thiên nhiên, ông ca ngợi tình thương, lòng tốt, chịu đựng cuộc đời.

  • LÊ HUỲNH LÂMTừ “Vọng sông quê” đến “Mang” của Nhà xuất bản Trẻ, rồi “Gửi thiên thần” của Nhà xuất bản CAND và bây giờ là “Đồng hồ một kim” của Nhà xuất bản Văn Học” được gửi đến bạn đọc, Phan Trung Thành đã khẳng định được gương mặt thơ của thế hệ 7.X. Ở đây, số lượng tác phẩm không định hình nên một gương mặt thơ, mà chính những câu chữ đã vẽ lên chân dung một nhà thơ.