Viết văn để tri ân cuộc đời

09:33 29/07/2015

Y PHƯƠNG

Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.

Ảnh: internet

Chừng như vẫn còn thắc mắc, một nhà văn hỏi tiếp: “Sao phòng em chong đèn đến sáng? Tưởng em viết cả đêm”. Bích Hồng bẽn lẽn bật mí: “À! Đó là thói quen ngủ trong ánh sáng. Em sợ bóng tối từ bé. Di chứng của chiến tranh đấy ạ...”.

Mọi người lặng đi không hỏi gì thêm...

Hai chữ “di chứng chiến tranh” qua câu chuyện của Lê Thị Bích Hồng cứ ám ảnh tôi không dứt. Đây là trường hợp hy hữu mà tôi được biết. Là người lính đã từng tham gia trận mạc ở chiến trường B2, tôi thấu hiểu sự hy sinh gian khổ của người lính, nhưng với tôi, còn một sự hy sinh lớn hơn rất nhiều, đó là từ phía hậu phương của những người mẹ, người vợ, người chị, những đứa con... mà các bản hùng ca Vệ quốc đều đã đề cập đến bằng nhiều góc độ khác nhau.

Chạm mắt vào tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của chị, tôi mới hiểu người “sợ bóng đêm” phải dùng ánh sáng xua đuổi bóng tối là bởi cái ác của chiến tranh đồng nghĩa với bóng đêm. Cứ thế, thói quen này trở thành phản xạ tự nhiên, đồng hồ sinh học trong cơ thể chị bị lệch chuẩn từ lúc mới 7 - 8 tuổi đeo đẳng cho đến bây giờ: “Con sợ bóng đêm, sợ những nơi khuất nẻo, tối tăm. Hễ khi màn đêm buông xuống, con hãi sợ toát túa mồ hôi...”. (Vẫn có cha trong cuộc đời con). Có thể coi nỗi ám ảnh “bóng đêm” là một ký ức đau đớn nhất, một “di chứng” tinh thần về chiến tranh hiện hữu trong chính cuộc đời chị, đeo bám chị dai dẳng không yên.

Tôi cũng bất ngờ như với sự bất ngờ của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng khi đọc bản thảo truyện ký của chị: “Tôi cũng cứ tưởng như công việc chuyên môn và vị trí công tác của chị - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương dễ làm cho con người này “khuôn sáo, công thức, thậm chí trường quy, lấy đâu ra cảm hứng mà sáng tác”.

Tôi cũng thấy lạ “cái người này” tưởng chỉ viết lý luận phê bình thôi, ai dè sáng tác nữa, mà sáng tác cũng có duyên lắm”. Nhưng thực tế đã là câu trả lời khi Lê Thị Bích Hồng viết, chị còn là cây bút văn xuôi, dẫu xuất hiện chưa nhiều, nhưng tiềm tàng nội lực, cứ để người ta nhớ, người ta day dứt mãi. Vốn là học sinh tham gia đội tuyển văn toàn quốc, chị đã âm thầm sáng tác từ khi là học sinh phổ thông. Chị chưa in riêng sáng tác văn học, nhưng ký và truyện ngắn đã in chung trong các tập sách, như: Truyện ngắn về các nhà giáo Việt Nam, Viết tiếp tuổi hai mươi, Những kỉ niệm sâu sắc về ngành tư tưởng - văn hóa, Chuyện tình người lính biển… Đọc những truyện ngắn đăng báo của chị, tôi bất ngờ hơn với lối viết trẻ trung, cách khai thác tứ, cốt truyện khá uyển chuyển, giàu kịch tính và chất văn khá đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ... Không hẹn mà gặp, mấy nhà văn làm báo văn nghệ cũng chung với suy nghĩ ấy khi đã đọc truyện ngắn của chị. Nhà văn, nhà báo Đinh Quang Tốn (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân) cho biết: “Văn nghệ Công an đón và đăng một số truyện ngắn của Lê Thị Bích Hồng. Tác giả có lối viết truyện khá giàu chất thơ”. Khi đọc văn xuôi của chị, tôi cũng chung quan điểm với nhiều người: “Lê Thị Bích Hồng có sở trường ở thể loại truyện ngắn và tản văn. Văn đẹp, giàu chất thơ”.

Dư âm chiến tranh cách mạng là chủ đề xuyên suốt toàn bộ tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của nhà văn Lê Thị Bích Hồng. Tôi thấy nhân vật trong tác phẩm của chị phong phú, nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời; đa dạng nhiều giai tầng xã hội… Đó là người nông dân thuần hậu, chất phác; là người chị, người mẹ tảo tần, đảm đang, giàu đức hy sinh; là những sinh viên trẻ trung, yêu nước và vô cùng lãng mạn, yêu đời… và trên hết là người lính - “Anh bộ đội Cụ Hồ” cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả thời bình hôm nay.

Nhân vật của chị rất đẹp, đó là những người con ưu tú của dân tộc hiện lên với những phẩm chất yêu nước, kiên cường, mộc mạc, ân tình, thủy chung, tình nghĩa, tha thiết hòa bình, không tiếc máu xương hiến dâng trí lực cho đồng bào, cho Tổ quốc và nhân dân.

Nhân vật trong trang sách bước ra từ cuộc đời. Họ là nhân vật hư cấu văn học, nhưng đều thấp thoáng hình bóng những người thân trong gia đình chị. Chị viết bằng nước mắt và trải nghiệm của chính mình. Những bài ký Vẫn có cha trong cuộc đời con, Hành trình về quê nội, Đưa cha về quê ngoại thể hiện rất rõ điều đó. Đó là người ông nội ở Thừa Thiên Huế mà nhà văn chưa một lần biết mặt. Là người cha, người bác thân yêu tập kết ra Bắc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là bà o ruột (cô) ở lại quê hương nuôi ba mạ già cho các em tập kết và chính gia đình là một cơ sở cách mạng. Là người chú ruột - thương binh cùng trong một năm (1968) gánh 3 cái tang của mạ và hai người anh trai cùng tập kết (sau giải phóng cũng mới biết bà mất năm đó). Và đặc biệt là người mẹ - Một “Vọng phu sống” hôm nay thấp thoáng trong nhiều truyện ngắn của chị. Có thể nói một cách đầy tự hào, đây là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng như bao gia đình Việt Nam khác.

Đọc tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng của chị, nhân vật nổi bật, xuyên suốt tác phẩm là người lính, người phụ nữ, những đứa trẻ… thời hậu chiến nhưng cuối cùng kết truyện ấm áp, thấm đẫm chất nhân văn, kể cả phải đối mặt với mất mát, hy sinh thì cái chết vẫn “gieo mầm cho sự sống”... Người đọc bắt gặp những cảnh huống của những người bình thường trong hoàn cảnh bất thường. Mọi xung đột kịch tính đều xảy ra từ hai phía. Kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Người ở hậu phương và người trên tiền tuyến. Một mô típ quá quen thuộc trong dòng văn học chiến tranh. Nhưng dưới con mắt nhà văn Lê Thị Bích Hồng, con người trong cuộc chiến hiện lên trước mắt đầy hy sinh gian khổ, nhưng chan chứa tình người, mang đậm chất thơ và thấm đẫm tình đồng chí. Cốt cách văn hóa của người Việt lấy tình làm trọng.

Tình cha con, tình vợ chồng, tình yêu trai gái, tình thương con người tràn ra cả trang viết. Và cũng nhiều trang sách, người đọc bắt gặp trái tim vị tha, nồng nàn, ấm áp. Dù ở ngoài mặt trận hay ở hậu phương xa xôi, những con người đều sống vì nhau và cho nhau. Ngay cả trong tình yêu, một địa hạt cố hữu sở hữu cá nhân, thế mà nhân vật trong tác phẩm của chị thật đôn hậu, nhẫn nhường: “...Tôi muốn có anh, độc quyền vòng tay nồng ấm, được tựa vào mái ngực rắn chắc, tin cậy ấy... nhưng Thắm thì sao? Hãy biết nghĩ cho người khác. Phải rất lâu mới nghĩ được như thế, tôi rụt rè:

- Anh à! Không thấy anh, Thắm lại đi tìm. Giờ này cô ấy vẫn chờ anh đấy! Mình về nhà đi. Anh nên... Thắm nhé...”. (Vệ đê trong đêm trăng).

“Hãy nghĩ cho người khác”, “hãy vì người khác” trở thành phương châm sống. Không phải ai cũng nghĩ và hành động được như vậy. Bởi trên đời này còn đầy lụy tục, còn đầy tham - sân - si. Chúng ta là người trần mắt thịt, cũng có chút tâm tính của kẻ phàm phu tục tử, cũng có lòng ganh ghét đố kỵ, có lòng tham đè nặng đến nỗi vầng trăng không mọc được…

“Hãy nghĩ cho người khác”, phải chăng đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và văn nghiệp dẫu còn khiêm tốn của nhà văn Lê Thị Bích Hồng.

Tập truyện ký Vệ đê trong đêm trăng ra đời như một nén hương tri ân người cha. Như một món quà tâm huyết kính tặng mẹ. Như ngàn lời nhắn nhủ các con cháu về công đức, về tình sâu nghĩa nặng của các bậc sinh thành. Tôi bỗng thấy Vệ đê trong đêm trăng mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương. Ta hãy nhắm mắt lại mà suy tưởng. Trên từng con chữ bỗng nghe có “tiếng tôm búng càng” và tiếng hôn nhau... rất ngọt.

Y.P  
(SH317/07-15)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI KIM LAN Tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu Vừa qua tôi lục giấy tờ cũ, tình cờ thấy một trang giấy có thủ bút của Thầy Thích Thiện Châu (cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu), một bài thơ. Cảm động quá. Bài thơ này Thầy viết sau khi khoá Thiền mùa hè năm 1990 chấm dứt và là lần cuối cùng Thầy sang giảng khoá Thiền tại Muenchen.

  • THI THOẠI        Nhân 90 năm ngày mất Phan Kế Bính (1921– 2011) Phan Kế Bính hiệu là Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử, người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, thọ 46 tuổi (1875 - 1921).

  • MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.

  • HOÀNG DIỆP LẠC (Đọc tập “Thơ tự chọn” của Nguyên Quân, Nhà xuất bản Văn học, 8-2011)

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỨC (Cảm nhận về tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng")SHO - Lâu nay, người ta biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là một nhà nghiên cứu lí luận văn học. Nhưng gần đây, sự xuất hiện của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng làm xôn xao văn đàn Việt Nam đã khiến đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng: bên cạnh một Trương Đăng Dung lí luận còn có một Trương Đăng Dung thơ.

  • ĐÀO ĐỨC TUẤN Lang thang giữa hè Huế nồng nã. Bỗng nhận tin của Minh Tự: thêm một cuốn sách của Nguyễn Xuân Hoàng vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn  360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.

  • Vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 13 tháng 7 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 6 năm Tân Mão), nhà thơ Văn Hữu Tứ, hội viên Hội Nhà văn TT. Huế đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đây, trong mái nhà anh gần hồ Tịnh Tâm, trên các con đường của Thành phố Huế cũng như những nơi anh thường lui tới, tác giả của các tập thơ “Bên dòng thời gian”, “Tôi yêu cuộc đời đến chết” vĩnh viễn vắng mặt.

  • LÊ HUỲNH LÂM (Đọc tập thơ “Năm mặt đặt tên”, Nxb Thuận Hóa, tháng 5-2011)

  • KHÁNH PHƯƠNG Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng Trị trước 1975.

  • …Thuộc dòng dõi Do Thái Đông Âu, Frederick Feirstein sinh ngày 2 tháng Giêng năm 1940 tại New York City, thân phụ và thân mẫu ông có tên là Arnold và Nettie Feirstein…

  • L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.

  • Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)

  • HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

  • TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)

  • LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

  • KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.

  • HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…

  • FAN ANH 1. Sự đồng hành của “ba thế hệ viết trẻ”