VĂN THÀNH LÊ
Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê quen leo đồi lội ruộng, chơi đủ trò trên đồng dưới bãi, tôi còn bày đặt ngẩn ngơ chế những câu có vần có vè cho lũ bạn mục đồng cùng đọc lên chọc lỗ nhĩ chơi.
Ảnh: internet
Từ nói miệng đến bí mật chép lại những nghĩ suy vụng về vào cuốn sổ tay be bé. Từ tới tấp viết rồi “bỏ bom” các tòa soạn đến tác phẩm đầu tiên được lên báo. Từ tập truyện đầu tiên nhiều non tơ, lắm thơ dại đến những cuốn sách sau, càng ngày càng tự biết dọn ngòi bút sạch sẽ hơn. Đấy là hành trình dằng dặc dài với cá nhân tôi. Khởi đi từ thuở hoa niên trộn phất phơ mơ màng trong lung linh ảo mộng. Văn chương đã rộng lòng đón cậu bé quê, là tôi, như vậy. Lắng lòng, nghĩ lại, vẫn thấy tươi ròng xúc cảm thuở ngày xưa chưa xa.
Văn chương, tôi sớm bước vào. Và tôi cũng sớm nhận ra. Đường dài mới biết ngựa hay. Có biết bao cây viết tuổi hoa lên ngựa rồi ngã ngựa, hay tự xuống ngựa tìm đường khác phù hợp với tuổi mới của mình hơn. Đến rồi đi. Nhẹ nhàng như gió. Chẳng kịp làm rơi chiếc lá vàng nào. Thế mới biết, từ khởi động đến về đích có khi là cả đời người. Thậm chí hết đời người vẫn chỉ là khởi động, đích là gì đó vô hình ngăn ngắt xa, càng dấn bước càng hoang mang, như lầm đường lạc lối. Và rồi lại quẫy đạp trong nỗi hoang mang lạc lối ấy. Đấy vừa là bi kịch vừa là hấp lực của người viết. Khi không còn nhận ra bi kịch, khi không còn cảm giác có hấp lực hút vào, chắc hẳn người và văn sẽ đường ai nấy đi.
Văn chương ngỡ xa tầm với mà lại gần, bởi xét đến cùng, đấy là con đường nhận diện cái tôi của mình. Tôi viết, là tôi đang đào bới, đục khoét vào chính tôi. Mọi thứ xuất phát trên vạch ẩn ức cá nhân. Tôi không nhân danh hay mang vác sứ mệnh gì, dù lớn hay bé. Nếu có, thì đấy là tự mình đeo ách khát khao cho câu chữ chạm đến tận cùng của mình mà thôi. Tôi gọi đấy là văn chương. Là một. Là riêng. Là duy nhất. Duy nhất chứ không phải thứ nhất, theo ý Xuân Diệu.
Mọi sự bắt rể từ cá nhân. Rồi đến “những người sống quanh tôi”. Tôi nghe. Tôi thấy. Tôi chiêm nghiệm. Hỏi sao mà phải nặng lòng, phải cực hình thế? Không. Chẳng ai bắt. Viết. Biết là đau nhưng cũng là khoái cảm.
2. Hơn một lần tôi tự hỏi, những người viết trẻ chúng tôi đã có gì và đang ở đâu trong dòng chảy văn chương đương đại. Tự hỏi. Tự bùi ngùi. Bởi tất cả với chúng tôi mới chỉ là bắt đầu. Ở độ tuổi 25 - 35 vẫn chỉ là bắt đầu, thì quá muộn so với những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyên Hồng… Nhưng biết nói sao. Mỗi thời đại có cách sản sinh ra người viết khác nhau. Nhìn vào cách thế hệ 8x và 9x đang chiếm lĩnh hầu hết các diễn đàn văn chương, từ báo giấy đến báo điện tử, từ sách giấy truyền thống đến các trang mạng xã hội, rồi ebook, từ chính thống đến diễn đàn viết tự do, người khó tính cũng phải thừa nhận khu vườn văn trẻ vô cùng xôm tụ và nhiều giọng điệu. Chưa bao giờ người đọc phân hóa và người viết cũng phân hóa rõ như hiện nay.
Có những cái tên lầm lũi kiên định tìm lối đi riêng cho mình, như Nhã Thuyên, Lê Minh Phong, Du Nguyên, Đinh Phương, Hạo Nguyên… Có những cái tên vẫn kiên định cần mẫn tận hiến sức mình cho con chữ, như Trịnh Sơn, Lê Vũ Trường Giang, Hoàng Công Danh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Lữ Thị Mai, Nguyễn Dương Quỳnh, Nguyễn Thiên Ngân… Đồng hành trên con đường ấy là những cây viết phê bình dấn thân, vốn học thuật đầy đặn, như Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Mai Anh Tuấn..., rồi đội ngũ dịch giả trẻ cũng dồi dào, với Cao Việt Dũng, Hoàng Phương Thúy, Trần Nhật Mỹ, Minh Thương, Lê Nguyễn Lê, Tịnh Thủy…
Song song đấy là lực lượng hùng hậu các tác giả trẻ, có lối viết tạm gọi là thị trường, tạo “hiệu ứng đám đông” tốt với đối tượng độc giả mới lớn, là lứa tuổi được cho là có thời gian và điều kiện nhất để đến với sách. Nhìn vào dòng sách này mới thấy chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Đấy có thực sự là văn học không hay chỉ là á văn học? Điều này còn cần xem lại. Nhưng, ai cũng hiểu, cái gì đến nhanh nhiều khả năng sẽ qua nhanh. Mọi sự ồn ào đều chứa đựng trong lòng những hạt mầm của tĩnh mịch cô liêu. Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, chỉ lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục.
Văn học phân hóa mạnh mẽ. Mỗi người viết có cách chọn đường đi, đường đến với người đọc theo cách riêng của mình. Đấy là câu chuyện cá nhân, là dễ hiểu, là cần thiết, và hết sức bình thường.
3. Cuối cùng thì “Viết gì?” và “Viết như thế nào?” vẫn là hai câu hỏi xưa nhưng chưa bao giờ cũ mà nhiều người viết không ngừng tự vấn bản thân. Nghĩ nhiều, bàn nhiều, lại quay về tạng viết của mỗi người. Hơn ai hết, người viết phải tự nhận ra tạng viết của mình.
Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên bập vào cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger và tập truyện Bốn lối vào nhà cười của Hồ Anh Thái. Cảm tưởng như tác giả viết nhẹ như không. Tự nhiên như không. Giọng văn bỡn cợt, giễu nhại, cười đấy mà đau đấy. Tôi lờ mờ nhận ra “lối đi ngay dưới chân mình” là đây. Rồi tiếp tục bập vào Tướng về hưu, Cơ hội của Chúa, Thoạt kì thủy, Đám cưới không có giấy giá thú, Đi về nơi hoang dã, tôi nghĩ đến thứ văn mà ở đó hội tụ kiểu đối thoại sâu cay đến lạnh người của Nguyễn Huy Thiệp, với cách dùng chữ lên bỗng xuống trầm lướt thướt tính từ của Nguyễn Việt Hà, với ma trận huyền ảo tầng tầng ẩn dụ của Nguyễn Bình Phương, với chỉn chu chắc chắn của Ma Văn Kháng, với tính triết luận sắc bén của Nhật Tuấn, và chốt lại bằng giọng văn hài hước, trào lộng, châm biếm của Hồ Anh Thái.
Tất nhiên, từ nhận ra đến việc đi là câu chuyện khác. Và đi được đến đâu lại là khác nữa.
Văn chương thế giới không ngừng vận động. Trong nước cũng nhảy dựng lên. Các trào lưu liên tục soán ngôi nhau. Nhưng dù có trào lưu gì, thiết nghĩ, vẫn phải đứng trên nền hiện thực và tư tưởng. Chất sống là xương sống của tác phẩm. Tư tưởng làm nên hồn cốt tác phẩm. Tác phẩm ít chất sống và tư tưởng đi vắng là tác phẩm èo uột thiếu sinh khí. Mọi kỹ thuật lúc này chỉ là tấm áo khoác ngoài, loay hoay lấp liếm.
Tôi cứ hình dung văn chương thật vô cùng, là cả chân trời rộng. Người viết như những cánh chim thồ chữ về phía ấy. Viết đến đây bỗng nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, rằng: “Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán, lời vu vơ giả dối/ Hót lên! Dù đau xót một lần thôi.”
Saigon, 10/12/2016
V.T.L
(TCSH335/01-2017)
Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.
Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":
Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.
Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.
"Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).
Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.
LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.
LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
SH
Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.
Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.
(Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)
"Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)
1. Trong số những người đi tiên phong.
Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.
Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.
Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.
Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.
LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.