Viết, đừng giới hạn

14:23 06/02/2017

TRU SA  

Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ theo văn chương. Trước đây là thế và bây giờ vẫn vậy, những gì tôi làm chỉ là viết xuống giấy những thứ sinh sôi trong cơ thể mình.

Ảnh: internet

Không có sự bén duyên giữa tôi với sự viết, đây có lẽ là sự chọn lựa lẫn nhau. Văn chương chẳng bao giờ lựa chọn ai dù làm người hầu hay ông chủ của mình, mỗi người tự ướm mình vào cõi thiêng liêng này. Tôi chọn việc viết văn vì tôi là kẻ phù phiếm, thích nghĩ ngợi, tưởng tượng và bằng đủ mọi cách ném mình khỏi lốt trần tục, qua những giấc mơ. Đọc sách với tôi cũng là một phương pháp để trí tưởng được mở ra, loại bỏ hết ấn phong, khiến mọi lỗ chân lông giãn nở, tiếp nhận hết sức mạnh từ thiên nhiên, vũ trụ. Tôi từng cầm cọ, để vẽ. Sau này tôi thôi cây cọ để cầm bút viết, nhưng cọ hay cây viết cũng là bút, viết văn hay vẽ cũng đều là nghệ thuật. Chọn lấy việc viết, tức là tôi đã tự chọn cho mình một số phận khác, khó khăn, đầy bất trắc.

Trong đầu tôi luôn sinh sôi đủ thứ kỳ quái, những hình khối hỗn độn, các khuôn mặt mờ tỏ cắm xuyên vào nhau đòi hỏi được lên tiếng. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mình chỉ sống cuộc đời duy nhất, sẽ thật thiệt thòi dù có thọ trăm năm. Cái tôi này cần phải đi thêm nhiều con đường, sống nhiều cuộc người, thỏa chí trong mọi vai diễn trên sân khấu cuộc đời này. Mộng mơ chưa đủ, tưởng tượng chưa đủ, tôi viết. Sáng tạo ra những hình hài mới từ mình vẫn chỉ là một phần nhỏ trong việc viết của tôi. Đam mê và lớn hơn thế, là sự lên tiếng, nhát búa công lý giáng xuống kết án đủ thứ tội lỗi của mình. Đời sống này, ai cũng thế thôi, luôn có những tội lỗi bằng nhiều lý do khác nhau, chúng ta phủ nhận. Làm sao để có trách nhiệm với không chỉ những người mình thân, quen biết hoặc có cảm tình. Khi cứu một người trên đường, sẽ thiệt hại đến thời gian, lắm khi mất đi công việc béo bở, để cứu một con chim dưới móng vuốt mèo, ta sẽ phải đánh đuổi con mèo mà không biết rằng đã khiến con vật bị đói. Vừa rồi trên mạng xã hội có phát tán một video, đám người mổ trâu giữa đường lớn sau khi con vật chết vì tai nạn xe tải. Phải đánh giá vấn đề này thế nào? Một bầy người đói khát, man rợ giữa đường lớn. Tôi không nghĩ những người này thích/đã quen chuyện này, có thể họ đói thật hoặc không biết làm gì với con trâu đã chết nên đành xẻ xác để giao thông không ách tắc. Con vật thì chết rồi, còn đám đông này, liệu sẽ kết tội họ thế nào đây? Hô hoán đừng làm thế hay xông xáo vào đám người, đoạt lại từng miếng thịt còn nóng để đắp lại cho con vật, mong nó được toàn thây? Tôi đã không biết phải ứng phó thế nào, thế thôi, đành viết xuống. Những dòng dài, như điếu văn cho chú trâu tội nghiệp, những dòng dài để kết tội mình đã im lặng và những dòng dài hơn như một lời sám hối cho đám người đã “không biết việc mình làm”.

Rất nhiều người khuyên tôi bỏ viết, tôi vẫn viết. Cũng nhiều người bảo tôi đừng viết như thế này nữa, tôi vẫn viết theo ý mình. Có lẽ viết đã trở thành công việc của riêng tôi. Một trách nhiệm khó rũ bỏ chăng? Tôi cũng quên mình bắt đầu viết từ bao giờ. Rõ ràng không từ việc đọc quá nhiều sách hay từng học ở nơi có liên quan đến văn chương (thời gian đấy, viết với tôi chỉ là sự trả bài, tôi không quan trọng, chẳng quan tâm cho đến khi rời khỏi môi trường đấy). Có lẽ, hãy vứt béng sự kiểm thảo về thời gian, hoàn cảnh hay những thôi thúc dẫn dắt. Quan trọng là tôi đang cầm bút và chưa lúc nào lười biếng.

Đã không làm thì thôi, đã theo thì phải tận cùng. Trong những lúc viết, tôi luôn đặt cho mình nhiều rào cản, thách đố mình bằng việc đặt trước mặt một quân bài úp ngược rồi suy đoán về những điều sẽ xảy ra sau đấy. Nhà văn Đặng Thơ Thơ, người đọc nhiều nhất những sáng tác của tôi đã định nghĩa rằng, thể loại tôi đang viết là truyện âm. Còn dịch giả Nguyễn Hồng Nhung sau khi đọc một số truyện của tôi, đã nhận định “Nếu muốn hiểu văn phong của em, suy nghĩ của em cần biết rõ hơn thứ văn học em đọc, thứ văn hóa em bị ảnh hưởng... Tất cả những điều này có thể để thỏa mãn những người đọc em thì đúng hơn. Vì hình như em không quan tâm. Em cũng vẫn đi theo lối viết, cách suy nghĩ của em thôi, cô có thể nói chắc chắn như vậy. Cho đến bao giờ cái áo này chật đối với em. Một lối suy nghĩ đi từ dưới lên, chứ không phải đi từ trên xuống. Cứ như em là một kẻ bị chôn sống cùng những kho vàng làm thần giữ của, chẳng may một lúc nào đó em bỗng nhiên lộn vào vòng tái sinh thành người, nhưng chỉ trong thân xác.”.

Đừng bận tâm vào những gì tôi viết, hãy nói cho tôi xem bạn thấy gì sau khi đọc của tôi. Có những thứ không nói ra sẽ rất chán nhưng khi nói ra sẽ càng chán. Và nếu chẳng thấy gì làm mình hào hứng, hãy vứt sách tôi vào lửa để ít nhất nó còn có giá trị dọn dẹp lá rơi ngoài sân nhà.

Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm hay với nhiều cách tân và giá trị nhưng có lẽ, ngay đến lúc này dù đã có nhiều sách được dịch, quảng bá khắp châu Á và một phần châu Âu, vẫn khiêm nhu. Lý do từ tầm ảnh hưởng nhiều hơn về vấn đề chuyển ngữ. Văn học Việt đã luôn và chỉ luôn biến đổi từ những nền văn hóa bên ngoài chứ chưa thực sự tác động, gây chấn sang ngược lục địa. Việt Nam thiếu nền tảng về kiến trúc thượng tầng, triết học, thần học, tôn giáo. Thiếu đi những nền móng lớn, thành ra văn học Việt Nam chỉ có hay, ít lớn, rồi khi có tác phẩm lớn thì chưa có thứ nào vỹ đại, tầm cỡ đến mức tạo thành một trào lưu toàn cầu hóa.

Tôi không có nhiều thầy và chẳng có mấy ai thực sự là thầy của mình. Nhà văn Võ Thị Hảo là người đã phát hiện và tán thưởng những thứ khỉ gió nhưng khốn nỗi ai cũng phủ định của tôi. Cô Hảo chẳng dạy dỗ tôi nhiều, chỉ truyền lửa và chắc chắn chẳng phải thầy, theo đúng nghĩa đội lễ bái sư. Tôi cũng nghĩ rằng văn chương chẳng ai dạy được ai, càng không cần một tượng đài để suốt đời chỉ tôn thờ. Ai tự đội lên đầu một thần tượng, sẽ chẳng làm được gì. Tôi cũng thế thôi, từng một thời gian tôi rất sùng Kafka nhưng tôi vẫn ném ông ta sang một bên. Tôi chỉ nhai nuốt, hấp thụ những gì tốt nhất của người khác. Có thể khốn đốn, tức tưởi trong một lão tiên chỉ nào đấy nhưng rồi vẫn phải thoát ra, về với thế giới của mình sau khi đã học được cách ăn thịt những nỗi đau. Yukichi Fukuzawa viết trong “Khuyến học” rằng “Con người sinh ra đều bình đẳng, khác nhau là do học vấn”, mỗi người viết hãy nên là một cá thể riêng, không hơn ai và không dưới ai. Đi theo cái bóng người khác, ngoài việc luôn thụt lùi, sẽ bị chính cái bóng đấy xóa sổ. Việc đọc rồi bị ảnh hưởng đơn thuần là sự học hỏi lẫn nhau. Người thầy tốt nhất và xứng đáng nhất phải là người giúp học trò mình thức tỉnh về bản thân, cả chỗ yếu lẫn thế mạnh, đặc biệt đừng nên giới hạn ai dù bằng ranh giới gì, lịch sử, văn hóa, chính trị hay màu da… Tiếc thay, tôi thiếu quá những người thầy “sống”, đành phải tìm đến những sensei “chết” mà không chết trong thung lũng sách. Những người viết trẻ hiện nay nhiều đam mê, lắm khát vọng cùng sự cầu tiến. Khác với thế hệ cũ, những người trẻ (bao gồm cả tôi hoặc loại trừ tôi đi) không bị nhiều chấn thương tâm lý từ chiến tranh, không hề bị chia rẽ bởi ý thức hệ. Sống trong thời đại thông tin, mỗi người sẽ dễ dàng tìm đọc mọi danh tác trên thế giới. Sách luôn sẵn có, vấn đề là chịu đọc và chịu hiểu không. Người viết trẻ không bị ảnh hưởng chiến tranh và đấy cũng là chỗ thiệt thòi khi họ sẽ rỗng một khoảng lớn trong đầu, bị đứt gãy về quá khứ. Thiếu lắm những trang viết dám đào xới lịch sử để phủi hết bụi ám nghìn năm. Trong lớp viết mới, từ Hạnh Nguyên, Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương… tôi đặc biệt chú ý (và ghi nhớ) hai cây viết đầy tiềm năng là Pháp Hoan (thơ) và Trần Băng Khuê (truyện ngắn). Họ mới mẻ và không chịu theo khuôn khổ, có nền tảng kiến thức rộng mà không khoe mẽ, khả năng ứng dụng kiến thức vào trang viết cũng rất bản lĩnh, hay nhất là hai người chẳng e dè gì khi cầm bút viết, không có rào chắn, không lo sợ, rụt rè, viết mạnh và bén như dao róc xương rồng. Thơ Pháp Hoan trong trẻo, chứa nhựa trầm mặc nhưng cũng đầy đau đáu, vết thương nhân sinh. Những sáng tác của Trần Băng Khuê mạnh về ngôn ngữ, các dòng chữ chảy xõa, lâu lâu lại thấy kẹt các miểng băng, khả năng sử dụng ẩn ngôn, phân tích những vấn đề nghiêm trọng từ dấu vết cực tiểu. Tất nhiên, đấy chỉ là những nhận xét cá nhân, đầy chủ quan và sơ hở của tôi. Nhưng hãy cứ thế, lớp trẻ phải mạnh bạo, đừng ngại bóp phanh khi thấy vực thẳm.

Truyện ngắn không hoàn toàn là thể loại tôi quá ưu ái. Hiện giờ tôi sẵn sàng cho một truyện dài hoặc tiểu thuyết, nên cứ tạm viết truyện ngắn. Thực sự thì tôi vẫn thường viết nối tiếp nhau qua từng truyện. Ví dụ, về chủ đề tóc, tôi có thể viết nhiều truyện khác có liên quan đến mái tóc, nhưng trong một chừng mực khác, có móc xích hoặc không với truyện đầu tiên. Tôi không phải người siêng đọc, cũng chẳng chọn lọc hay theo một hệ thống từ kinh điển đến hiện đại. Tôi đọc ngẫu nhiên, hễ thấy dòng viết này chảy vào mình là đọc, lắm lúc tôi còn nhắm mắt, vớ đại một cuốn trên tủ hay trong thư viện. Thời gian này, tôi đọc “Giải Phẫu Tự Ngã” của Takeo Doi, và phải ngừng lại trước khi đọc lần hai. Khi xong xuôi, có lẽ tôi sẽ chấp bút.

Đời tôi, nếu không phải cái mình nghĩ thì là cái mình viết, nếu không phải cái mình viết thì là cái người khác viết. Chẳng có gì đáng băn khoăn ngoài một thế giới luôn mong mỏi đánh thứ, từ một cá thể bệnh tật và bệnh hoạn, viết tên Tru Sa.

T.S  
(TCSH335/01-2017)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...