Vị mặn nước mắt

09:11 07/09/2009
NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Nghe xong, vợ tôi cười ngặt nghẽo:

- Nom chẳng khác bụt mà cũng si như ai!... Mà đã thế thì sắp xếp ra gấp để lo cho ba thật đàng hoàng mới được!

Phải rồi. Đất có lề, quê có thói. Chắc ông cụ cũng đã tường. Nhưng tôi biết, sau khi rời quân ngũ trở về với đời thường, mọi việc lễ nghĩa ông hay đơn giản hoá. Nghĩ tới đây, tự nhiên tôi thấy có cái gì thôi thúc phải về Huế ngay, không để chậm trễ.

Lúc này, vợ và các con tôi đang kỳ nghỉ hè. Lòng tôi nôn nao. Không ngờ chuyện tôi trao đổi với ba tôi hôm nào, giờ “gạo đã thành cơm” thế kia. Thư ba tôi hơi dài dòng, trong đó ông cứ lặp đi lặp lại: “Vì hoàn cảnh của con, nên ba đành...;” “Vì nghe lời con, mà ba phải...”. Ừ, thì cho là vậy. Con cái trưởng thành khéo “sắp đặt” cho ba mẹ thì cha mẹ nào lại đành ngoảnh mặt làm ngơ. Thế nhưng, giờ mới biết tỏng bụng dạ ông cụ nhà tôi: một khi cái “sóng” kia chưa đủ độ “xiêu xiêu” thì dẫu có nói ngon nói ngọt mấy cũng khó lay chuyển nổi ông.


Ba mẹ tôi, chỉ sinh có mình tôi. Năm tôi đang học tiểu học thì mẹ tôi lâm chung. Có lẽ vì xót nghĩa phu thê đầu âp tay gối mà ba tôi ở vậy làm thân “gà trống nuôi con” từ bấy đến giờ. Sau ngày tốt nghiệp đại học ngành lâm sinh, tôi lên nhận công tác ở một lâm trường trên Tây Nguyên thì cũng là lúc ba tôi đến tuổi nghỉ hưu.

Năm tháng trôi qua giữa núi rừng mênh mông trùng điệp với toàn là những chàng sinh viên non tơ lần lượt ra trường đến đây nhận việc, làm tôi đâm nản. Thế nhưng, ở chốn thâm sơn cùng cốc này tìm đâu ra những cô gái bắt mắt ưa nhìn để mà không nản với có nản? Nỗi khát khao về một bóng hồng có chăng cũng chỉ thoáng hiện trong giấc mơ thôi. Thế mà không ngờ hôm đó, trong một chuyến đi khảo sát rừng nguyên sinh ở Kon-Tum, tình cờ tôi gặp Lành, một cô giáo dạy trường huyện. Qua tìm hiểu, tôi biết Lành mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông bà ngoại nuôi cho ăn học đàng hoàng. Lành có dáng người nhỏ nhắn, hiền thục với đôi mắt lúc nào cũng u u buồn buồn như đang giấu kín điều gì bí ẩn trong tâm hồn. Chính đôi mắt ấy đã hút hồn tôi, làm chân tôi bước đi không đành. Tôi bám riết, bắt chuyện làm quen. Tôi kết thân kết nghĩa, rồi bén duyên nhau lúc nào không biết. Sau này được hai nhà ưng ý, chúng tôi cưới nhau. Chẳng bao lâu tậu được nhà cửa, sinh con đẻ cái và “chim đậu đất lành” ở đây luôn. Ý định lúc đầu là xin chuyển vùng, đem vợ con về Huế để cha con có nhau, nay xem ra quá xa vời...

Thương ba tôi một đời trong quân ngũ, nay về hưu sống lủi thủi một mình, vợ chồng tôi cứ nằng nặc mời ông vào ở với con, với cháu. Nhưng nói gì ông cũng đánh bài lờ. Ông viện đủ cớ để khước: “Ba già rồi, sống chết ở quê mình thôi, chẳng muốn đi đâu hết!”; “Sống ở đây có bà con họ mạc, có đồng chí đồng đội một thời với nhau. Bỏ mà đi sao đành hả con!”... Xem chừng khó bề lung lạc, một hôm, Lành bàn với tôi: “Người ta hay nói “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, hay là anh về ngoài xem có bà nào...”.Tôi cứ mãi suy tính, ngẫm nghĩ thiệt hơn.

Hè năm ngoái, tôi ra Huế đem chuyện “hệ trọng” kia nói với ông cụ. Nghe chưa hết lời, với nét mặt nghiêm nghị vốn có của một sĩ quan quân đội từng chỉ huy, ông lắc lắc cái đầu, nói như đinh đóng cột: “Con chớ lo, vô ích. Ba ở một chắc quen rồi!”. “Trời ơi, chớ lo sao được hả ba! Nay còn khoẻ, ba nói sao chẳng được. Đến hồi cái già, cái yếu kèm theo đủ thứ bệnh tật mà tới một lúc, trong khi con cháu ở xa, ba tính sao?”. Tôi dùng đủ lý đủ tình, nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai. Ông còn biện bạch là ưng ở một chắc cho khoẻ cái thân, muốn làm gì, muốn đi đâu, tuỳ thích. Thêm người thêm vướng. Ông càng nói tỉnh bơ thì tôi càng nghi nghi hoặc hoặc. Biết đâu đó chỉ là cách nói, còn cái bụng lại khác thì sao? Phải chăng vì “nơi nên không có, nơi có không nên” mà ông mãi chịu cô đơn như thế này?...

Cũng dịp hè năm ấy, tôi về thăm quê ngoại ở làng Lương. Lâu ngày gặp lại các cậu, các dì, ai cũng mừng mừng tủi tủi cho tôi, ai cũng hỏi thăm ba tôi. Hiểu hết hoàn cảnh của hai cha con nên mọi người đều nhắn nhủ, hối thúc ba tôi nên tìm bạn đời để nương tựa nhau lúc tối lửa tắt đèn. Hôm đó dì Tư tôi tỏ ra sốt sắng hơn ai hết: “Hay là cháu đem chuyện bà Cam ở đây nói với ba cháu thử coi?”. Ngẫm nghĩ một lúc, tự dưng tôi bỗng thấy lời dì Tư gợi ý thế mà đâm hay. Ai chứ bà Cam thì tôi xa lạ gì. Hồi xưa, bà Cam thuộc gái đẹp của làng Lương này, lại có quan hệ bà con xa với bên ngoại tôi. Nghe đâu hồi còn tuổi thanh niên, ba tôi cũng có lần rắp rem “bắn sẻ” nhà bà. Chuyện chẳng biết thế nào mà sau đó ba tôi lại quay sang kết duyên với mẹ tôi. Tuổi thơ ấu theo mẹ về quê ngoại, tôi thích đến chơi nhà bà. Bà rất thương trẻ con. Vườn nhà bà có nhiều trái cây, mỗi lần sang chơi, bà thường hái cho làm tôi cứ nhớ mãi.


Nghe theo lời dì Tư, tôi đem chuyện bà Cam về kể với ba tôi. Đến lúc tôi ghé tai ông nói ngọt: “Bà ấy vẫn ở một chắc. Hay là “hai chắc” ấy về ở với nhau cho vui nhà vui cửa. Ba thấy thế nào?”, thì ông lặng thinh, chẳng nói thêm nửa lời, nhưng không hiểu sao tôi thấy ánh mắt ông có cái gì hơi khang khác. Tôi bèn nửa đùa, nửa thật: “Im lặng là đồng ý đấy nha!”.

Hôm sau, tôi quay trở lại làng ngoại, tìm đến nhà bà Cam. Bẵng đi một thời gian khá lâu, nay gặp lại bà, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bà Cam có mẫu người thanh thanh với khuôn mặt sáng láng, phúc hậu và đôi môi như lúc nào cũng nở một nụ cười thân thiện với mọi người, làm cho người ta dễ đoán những điều hạnh phúc, may mắn sẽ đến với con người này hơn là những rủi ro, bất hạnh. Cứ trông dáng người nhanh nhẹn, tóc chưa hề có một sợi bạc và cách ăn nói duyên dáng của bà thì ai có thể ngờ nổi, bà đang sắp sửa bước qua ngưỡng cửa lục tuần. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt ngờ ngợ. Nếu như tôi không tự khai rõ ngọn nguồn của mình, chắc bà cũng khó nhận ra. Bà xởi lởi pha trà, rồi đon đả quay ra sau vườn hái mấy quả ổi mời tôi như hồi nào.

Ngày trước, bà Cam sống hạnh phúc với chồng con. Thế rồi chiến tranh xảy ra. Trong cuộc chạy loạn mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị, chồng bà chết vì bom đạn dọc đường, còn đứa con gái duy nhất vừa tròn một tuổi của bà bị thất lạc, cho đến nay chẳng biết sống chết nơi đâu. Bà cứ xót xa đứt gan, đứt ruột mỗi lần nhớ đến con, đến chồng. Sau cái ngày tang tóc ấy, bà Cam thất thểu về sống an phận và làm ăn buôn bán ở làng Lương. Mấy năm nay bà vẫn thường nhắn tìm con trên đài, trên báo, nhưng chẳng có hồi âm nào. Bà chỉ còn cầu trời khấn Phật ngày đêm sao cho đứa con gái bé bỏng, tội nghiệp ngày xưa tìm về được với bà thì chẳng có hạnh phúc nào bằng.

Ngồi nói chuyện với bà, nhân lúc bà hỏi thăm về gia đình tôi, tôi mới đem chuyện ba tôi ra kể. Tôi nói xa nói gần, rồi mạnh dạn nói thẳng không chút do dự là mong bà thuận lòng “kết bạn” với ba tôi. Tôi đem so cảnh ngộ giống nhau giữa bà Cam với ba tôi. Tôi thao thao về tính cách điềm đạm cùng nết ăn ở của ba tôi với mọi người. Tôi rạch ròi về hoàn cảnh của ba tôi nếu ông bước đi bước nữa. Vân vân và vân vân. Bà Cam ngồi lắng nghe với vẻ mặt tỉnh khô, lâu lâu chỉ mỉm cười mà chẳng nói lại một lời nào. Nhiều lúc tôi cố gợi ý để bà vào chuyện, nhưng bà một mực im lặng, khiến tôi vô cùng áy náy. Cuối câu chuyện, tôi tỏ ra nhã nhặn, cúi đầu xin lỗi bà về sự hơi “quá lời” vừa rồi. Xong, tôi xin cáo từ với cái tâm trạng giống hệt thời trai trẻ của mình khi đi tỏ tình mà bị người ta từ chối vậy.

Mấy hôm sau, tôi từ giã ba tôi để trở vào Tây Nguyên mà lòng cứ day dứt không yên. Nhiều đêm khó ngủ, nghĩ đến tuổi già một mình một bóng của ông cụ mà nước mắt tôi tràn mi.


Thấm thoắt thế mà đã một năm tôi không về Huế. Không ngờ nay đọc thư ông, tôi nóng bừng cả người. Ông viết nắn nót suốt mấy trang giấy kể chuyện ông tìm về quê ngoại thăm bà Cam, và bà Cam cũng nhiều lần vô Huế thăm ông. Sau tết Nguyên Đán vừa rồi, ông về làng Lương đưa bà Cam vô  Huế đi du xuân khắp thành phố. Kể từ đó trở đi, hễ lúc nào nhớ tới bà Cam là ông lại vù về làng Lương. Chưa hết, ông còn cho biết cách đây một tháng, bà Cam ghé nhà, gặp lúc ông cảm sốt, thế là bà ở lại săn sóc ông dài dài. Ôi chao! Ghê quá! Té ra lặng lặng với nhau như rứa mà con cái chừ ông mới cho hay!

Sau khi bàn bạc kỹ với vợ, tôi vừa điện thoại, vừa viết thư cho ông. Trong thư, tôi cặn kẽ mọi điều cho cái ngày cả nhà ra Huế và muốn mở tiệc hoa mừng “ngày vui” của hai ông bà.

Ngày mong đợi ấy đã đến. Vợ con tôi ai nấy đều háo hức. Lúc bước lên xe, mặt vợ tôi rạng ngời như ánh bình minh. Bởi lẽ từ giờ trở đi, phận làm dâu của vợ tôi với gia đình chồng đã phần nào bớt lo lắng, bứt rứt, vì ông đã có bà xứng lứa vừa đôi để “nâng khăn sửa túi”.

Khi chiếc xe chở cả nhà vừa đến Huế, chúng tôi đã thấy ba tôi cùng bà Cam ra đón tận bến. Vừa bước xuống xe, tôi đã sốt dẻo giới thiệu bà Cam với vợ con. Vợ tôi tỏ ra mừng rỡ, ôm ngang lưng bà Cam, reo lên: “A! Mẹ! Ôi! Mẹ của con! Bà của các cháu đây!”. Bà Cam nở nụ cười đôn hậu, dang hai tay đón các cháu tự nhiên như bà cháu đã thân mật nhau từ lâu.

Chiều hôm sau, đúng hẹn, gia đình tôi tổ chức tiệc rượu mừng ngày hai ông bà về ăn ở với nhau. Bữa tiệc chẳng lấy gì làm thịnh soạn cho lắm, song vẫn đủ các nghi thức thường lệ. Thức ăn, thức uống được bày ra mấy dãy bàn trông cũng khá xôm. Có đông đủ bạn bè thân thích và bà con cật ruột hai bên cùng dự. Sau lời tuyên bố của vị cựu chiến binh được phân vai chủ xướng, mọi người đều đứng dậy nâng cốc chúc mừng hai ông bà cuối đời “giai lão bách niên” bên nhau. Chiếc máy ảnh của anh phó nháy lâu lâu chớp sáng làm loá mắt cánh bạn già. Những tràng pháo tay chốc chốc nổi lên khi ở đâu đó trong các bàn tiệc nghịch đùa một vài câu ngụ ngôn khôi hài mà ý tứ. Một số bài ca truyền thống như “Lời người ra đi”, “Bộ đội về làng”, “Hát mừng bộ đội chiến thắng”... được các cựu chiến binh, là bạn thân của ba tôi, thay nhau hát lên thật sâu lắng và đầy ý nghĩa. Một bác cựu chiến binh vốn nổi tiếng có “giọng ca vàng” của phường, liếc mắt nhìn ba tôi và bà Cam, miệng hát tròn vo, nhún nhẩy đong đưa diễn cảm chẳng khác gì ca sỹ chuyên nghiệp: “Thắng giặc rồi mới về làng thời hả sao a hả ghê. Ối nàng vừa đẹp lại vừa khoái sao a khoái thế!..., làm cho mọi người cười rộ lên, vui đáo để. Lành ngồi bên cạnh bà Cam chuyện trò không ngớt, thỉnh thoảng lại gắp thức ăn bỏ vào chén mời bà. Các cháu thì nhí nhảnh gọi ông nội, rồi quay sang gọi bà nội luôn miệng làm cho bà Cam không tránh khỏi cảm giác ngường ngượng với mọi người.

Đang tiệc vui tưng bừng như thế, chẳng hiểu sao bà Cam lấy khăn ra lau nước mắt. Thấy vậy, Lành mới hỏi nhỏ: “Mẹ ơi, sao đang vui, mẹ lại khóc?”. Bà Cam nhìn Lành, nói với giọng buồn buồn: “Con ạ! Nhìn con mà mẹ cứ nhớ đến đứa con gái tội nghiệp của mẹ. Nếu nó còn sống sót thì cũng chừng tuổi với con đây!”. Rồi, như sực nhớ ra điều gì, bà Cam đột ngột hỏi Lành: “Các con ở trên cao nguyên có biết ai cỡ tuổi với mẹ, nói giọng Quảng, có tên là Lý không?”. Bà chỉ hỏi vu vơ như thế, vì hồi trước, trong quan hệ làm ăn buôn bán với nhau ở Đông Hà, bà có quen thân với bà Lý và bà ấy có cho bà biết cha mẹ mình sinh sống ở cao nguyên, thế thôi. Không ngờ câu hỏi vô tình ấy của bà Cam làm cho Lành phải tròn xoe mắt: “Ối! Sao mẹ lại biết? Bà Lý mà mẹ nói chính là mẹ đẻ của con đấy mà!”. Nghe vậy, bà Cam giật thót mình, mặt mày biến sắc. Bà hỏi tiếp: “Rứa thì bà Lý chừ ở chỗ mô?” Lành ủ mặt: “Mẹ con đã mất khi con mới ba tuổi!”. Bà Cam sốt ruột, giọng trở nên run run: “Năm ni con mấy tuổi?!. “Dạ, con 33 tuổi ạ!”. Bà Cam nửa tin, nửa ngờ nắm lấy tay Lành. Đôi môi bà tái nhợt, tim đập hồi hộp, bà hỏi dồn dập những gì tiếp theo không rõ lời. Hai mắt bà chớp chớp nhìn thẳng vào đôi mắt Lành. Bà nói trong hơi thở: “Con hãy cho mẹ hỏi: Có phải nơi gần rốn con có một cái bớt son, đúng không?”. Lành gật đầu, trố mắt nhìn bà Cam đầy nỗi ngạc nhiên, chẳng hiểu chuyện gì. Không chút ngần ngại, bà Cam ôm chặt lấy Lành, đường đột thò tay vào sờ lên cái bớt son, rồi hai hàng nước mắt nóng hổi của bà chảy dài xuống đôi gò má. Bà nấc lên nghẹn ngào: “Ối trời ơi! Tội nghiệp con gái tôi! Mẹ đây mới là mẹ đẻ ra con!”. Bà choáng váng, mất thăng bằng. Bà ngập trong cái cảm giác như chết đi sống lại với đứa con gái hơn 30 năm lưu lạc nay như vừa trên trời rơi xuống, đang ngồi trước mặt bà. Bà mếu máo kể lại một mạch chuyện bà Lý ấy đã giúp bà bồng con chạy loạn năm 1972 ở Quảng Trị và sau đó, hai người đã thất lạc nhau như thế nào. Dứt lời, bà khóc oà lên, nước mắt ràn rụa. Người em gái của bà Cam ngồi gần đấy cũng khóc theo, kể lể: “Đúng là cháu tôi. Lâu ni, dì vẫn thăm hỏi khắp nơi mà chẳng ai biết tung tích cháu tôi chỗ mô cả! Thiệt như có trời xui đất khiến...!”.

Tiệc rượu đang nhậu, bỗng chốc lắng xuống. Mọi người xúm quanh hai mẹ con đang trong cơn hồi hồi, nức nở. Những cặp mắt nhìn nhau rưng rưng, không ai nói nên lời. Xúc động, nghẹn ngào bao trùm lên cuộc tiệc.

Phải đến mấy phút sau, một người bạn già của ba tôi đứng lên góp lời. Ông cố làm cho tiệc mừng trở lại không khí ban đầu bằng câu nói pha chút hóm hỉnh: “Cũng nhờ tác hợp cơ trời mà nong nia cạp lại sít sao như thế này. Và cũng nhờ phúc ấm gia đình mà mẹ gặp được con, cháu được gặp bà như hôm nay. Đây không phải là chuyện hiếm thấy đối với gia đình Việt Nam sau chiến tranh. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, bất ngờ và thú vị, vì một tiệc mừng bỗng dưng lại mang hai ý nghĩa lớn lao mà có lẽ không nơi nào có được. Vậy chúng ta cũng phải hai lần nâng cốc chúc mừng hai “sự kiện lớn lao” này! Dứt lời, tiếng vỗ tay kéo dài. Rượu mừng lại được rót tràn ly.

Nước mắt và nụ cười chan hoà vào nhau. Gian phòng trở nên chật hẹp bởi tiếng nói tiếng cười râm ran tưởng chừng không bao giờ dứt.

Lành gục đầu vào ngực mẹ, người mẹ đẻ mà đến chừng này tuổi đầu Lành mới biết mặt. Nỗi xót xa quặn thắt, trào dâng, khiến Lành khóc tức tưởi. Các con tôi nãy giờ đứng nhìn chẳng hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra thế nào. Bà Cam âu yếm ôm con gái và hai cháu ngoại vào lòng. Ba tôi ngước nhìn tôi với đôi mắt ngấn nước và tôi đọc được trong ánh mắt kia cả sự thoả nguyện lâng lâng làm cho ông vô cùng hạnh phúc những năm tháng cuối đời của mình.

N.T
(186/08-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÂM HẠ   

    Tôi có một mối giao tình kỳ lạ với Karen.

  • TRIỀU LA VỸ  

    Giừng có chửa!
    Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
    Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.

  • TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

    Gã tự xưng là Quốc vương, phong ta làm Hoàng hậu, phong nàng ấy làm Hoàng phi. Gã từ sông La Vỹ đến đây, nàng ấy từ sông Thương nước chảy đôi dòng.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Hai Lượng tỉ mỉ chỉ cho Bảy Đặng cách bầu đất trộn tro trấu, bột xơ dừa để ươm hột măng cụt.

  • NHỤY NGUYÊN

    Đúng ra tôi chưa có ý định đi thăm thằng Xuân. Lần vừa rồi gọi điện vào cơ quan, nó réo: “Khổ quá. Đã bảo mày chỉ việc vào đây. Vào chơi chán rồi tao thuê riêng cho chiếc taxi chở về thấu cái am của mày”.

  • LÊ VI THỦY   

    Hiên lấy chồng. Ai cũng ngơ ngác ngạc nhiên. Con bé mới mười sáu tuổi. Cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi cũng chưa đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy mà lấy chồng! 

  • PHẠM NGỌC TÚY  

    1.
    Tôi sẽ không kể lại câu chuyện này nếu tôi không gặp lại Hồng. Câu chuyện ám tôi suốt mấy đêm trường, những nhân vật sống động tuồng như cùng một lúc trở về trong giấc mơ tôi.

  • NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ    

    Phố hôm nay ngập sâu sau một cơn mưa kéo dài từ tối hôm qua đến trưa nay, cô đang nhìn thấy điều ấy trên tivi. Cô hơi tiếc, giá như cô ra đó muộn hơn, dù sao thì đi trong mưa hay bơi trong mưa vẫn thích hơn là chạy trên chảo lửa nóng. Hà Nội tuần trước hơn 50 độ, hai chân cô sắp cháy.

  • DIỆU PHÚC   

    Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    Những đợt mưa xối xả từ tháng âm hồn vẫn còn rảnh rỗi kéo dài từng hơi thở tận đến cuối mùa thu vàng trong rừng cây vô sinh cô độc.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG  

    Ông Bửu nằm gác chân lên vành chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, mắt lim dim ngái ngủ giấc trưa. Chiều đã xế bóng. Gió nồm lao xao hàng tre trước ngõ, phớt nhẹ lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

  • LTS: Phạm Thị Ngọc Liên xuất hiện cuối những năm tám mươi. Tác phẩm đã in. - Vầng trăng chỉ một mình (Tập thơ - NXB Trẻ - 1969); - Biển đã mất (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn -1990) và hai năm 1989-1990 đã đạt giải thưởng Truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Nhiều năm sau này Vũ nhớ về Giao khi hai người ngồi bên nhau trên ban công lồng lộng gió trăng. Ban công nhìn ra sân với hàng cau già nhuốm tóc trăng sáng bạc, là những hình ảnh cuối cùng của một miền quê sắp bị đô thị hóa.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Cho đến khi chiếc xe buýt chở Dần khuất hẳn cuối ngã tư, Thuyền mới lững thững quay về. Đi qua trước quán bar, cô thấy me Tím cũng xách túi chui vào ô tô cùng với tiếng máy xe khởi động êm ru. 

  • ĐINH NGỌC TÂM   

    Đó không phải là một phòng trọ quá chật chội nhưng cũ rỉ cũ ri. Nước đọng rất lâu trong nhà tắm trước khi thoát hết.

  • ĐỖ QUANG VINH    

    Mọi chuyện bắt đầu với gói bưu phẩm, nó tới vào một ngày thứ tư nắng đẹp khi tôi đang ở chỗ làm. Người giao hàng đã bỏ nó lại trước cửa nhà mà không gọi điện thoại cho tôi, cũng không yêu cầu ký nhận gì.

  • NGUYỄN MINH ĐỨC

    1.
    Tảng sáng, bảy phát đại bác vội vã nã trống không xuống dòng Giang. Mặt đất rung chuyển. Bảy tiếng nổ liên hoàn kết thành làn sóng âm trong sương sớm.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ

    Tôi lại thất nghiệp.
    Thượng Đế vốn nhân từ và công bằng. Ngài ban cho kẻ thừa tiền lắm của những lạc thú trần gian thì cũng ban cho cậu thiếu niên mười sáu tuổi đầu, không nơi nương tựa, sức chịu đựng bền bỉ, trí khôn đối phó với hoàn cảnh và bươn chải với đời.

  • BẢO THƯƠNG

    Một dạo chúng tôi hay bàn luận về một cây viết bí ẩn, anh ta dùng bút danh Super, nhưng chẳng bao giờ lộ mặt; chúng tôi gõ đủ trên Google về cái tên nghe như nhân vật của một đế chế trò chơi nào đấy nhưng rặt không biết. 

  • NGUYỄN VĂN HỌC

    1.
    Dễ đến sáu năm rồi, Hân có thói quen vừa xõa tóc bên hoa vừa nghe nhạc. Cô thích nhạc buồn, da diết nỗi niềm và ầng ậc nước mắt. Chả riêng dòng gì. Cô đắm vào đó.