VŨ HIỆP
Nhà thơ Baudelaire từng viết rằng: “Tính cá nhân, sự sở hữu bé nhỏ này, đã ăn mòn tính độc đáo tập thể... Tức là người họa sĩ đã giết chết hội họa”.
Tính độc đáo tập thể (l’originalité collective), quả thực đã bị bào mòn rất nhiều từ khi nền nghệ thuật Hiện đại ra đời. Kandinsky đã sáng tạo ra hội họa trừu tượng một phần từ nền tảng tranh dân gian Nga, và đôi khi chúng ta vẫn thấy “âm hưởng Nga” trong tranh trừu tượng của ông. Nhưng khi chủ nghĩa trừu tượng được lan tỏa toàn thế giới thì nó đã không còn giữ được mã gien dân tộc của các họa sĩ học tập theo. Một bức tranh trừu tượng (hoặc biểu hiện trừu tượng) ngày nay do một họa sĩ Mỹ vẽ không khác gì mấy so với một họa sĩ Việt Nam. Tính độc đáo tập thể còn bị “khủng bố” mạnh hơn nữa trong các dạng thức “ngoài giá vẽ” của nghệ thuật đương đại. Từ Duchamp, Kosuth cho tới Kabakov, Ngải Vị Vị, chúng ta chỉ thấy những ý tưởng quốc tế hay vị lai, về một giá trị đại đồng mơ hồ nào đó, mà rất hiếm khi thấy một giá trị cá nhân chứ chưa nói đến giá trị dân tộc. Kosuth có rất nhiều các ý tưởng mới lạ, nhưng khi gộp tất cả các tác phẩm khái niệm hay sắp đặt đó lại, ta rất khó xác định một “phong cách Kosuth” hay xa hơn là “nghệ thuật khái niệm Mỹ”. Quả thực, nghệ thuật đương đại là một thử thách khó khăn trong việc xác định mã gien di truyền của cộng đồng. Nói theo cách khác, nghệ thuật đương đại đang trốn tránh tính độc đáo tập thể một cách có chủ ý.
*
Stravinsky là một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất thế kỷ 20 và thành công trong nhiều xu hướng âm nhạc khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời: truyền thống Nga (1907 - 1919), Tân cổ điển (1920 - 1954), chuỗi 12 cung (1954 - 1968). Nhưng những tác phẩm mang lại vinh quang cho ông và ảnh hưởng lên toàn thế kỷ lại là những tác phẩm viết cho ballet được sáng tác trong giai đoạn truyền thống Nga: Con chim lửa (1910), Petrushka (1911), Nghi lễ mùa xuân (1913). Rõ ràng, vị trí của Stravinsky trong lịch sử âm nhạc thế giới được ghi nhận bởi sự lưu giữ và phát triển mã gien “truyền thống Nga”, trong đó vai trò của nhịp điệu, vốn được coi trọng trong âm nhạc dân gian Nga, được đẩy lên đỉnh cao. Như lời nhà phê bình A.J. Browne thì “Stravinsky chính là nhạc sĩ giỏi nhất trong việc phát triển nhịp điệu trở thành phẩm giá của âm nhạc”. Phương Tây tôn vinh Stravinsky không phải vì muốn tôn vinh những giá trị âm nhạc Nga (ngược lại, người phương Tây thường có tâm lý e ngại và lo sợ đối với người Nga), mà vì những mã gien truyền thống Nga trong âm nhạc Stravinsky đã đưa âm nhạc loài người đến những vùng đất mới mà những mã gien của người Tây Âu lại không thể đến đó được. Sự bảo tồn và phát huy những mã gien nghệ thuật của các dân tộc khác nhau là rất quan trọng để nghệ thuật loài người nói chung có thể đi được xa hơn.
*
Trước thế kỷ 20, người ta không khó để nhận ra sự khác biệt giữa kiến trúc Pháp (thậm chí giữa các vùng miền nước Pháp cũng có phong cách kiến trúc khác nhau) với kiến trúc Nga, kiến trúc Hà Lan, và càng khác hơn nữa với kiến trúc Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khắp các đô thị trên toàn thế giới ta chỉ thấy những khối hộp giống nhau như những sản phẩm công nghiệp. Nếu như có một xu hướng kiến trúc mới nào đó ra đời và được tâng bốc thì ngay lập tức nó lan tỏa ra toàn thế giới bởi những hãng kiến trúc toàn cầu và sự bắt chước của các kiến trúc sư có nền lý luận phê bình yếu kém. Nhớ lại năm 1932 khi kiến trúc sư nổi tiếng đương thời của Pháp là Le Corbusier trình bày đồ án Cung Xô Viết ở Moskva với phong cách hiện đại, Stalin trả lời rằng: “Tôi không phải là một kiến trúc sư, tôi không biết nhiều về kiến trúc, nhưng tôi biết chắc rằng người dân Xô-viết không đánh giá cao nó”. Và quan điểm của Stalin không phải là không có lý khi ta nhìn lại kiến trúc và đô thị hiện đại khắp các nước tư bản phương Tây là “na ná” nhau, rất khó phân biệt tính dân tộc, còn nghệ thuật của Liên Xô, nhất là giai đoạn Stalin cầm quyền, lại có đặc trưng riêng khó nhầm lẫn. Có thể kiến trúc Liên Xô cục mịch và không bay bổng như kiến trúc của các nước tư bản, nhưng rõ ràng nó chứa đựng mã gien của dân tộc mình. Sự kiên định về bản sắc dân tộc và không a dua theo xu thế của Stalin là yếu tố quyết định tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của kiến trúc Liên Xô dưới thời ông lãnh đạo. Phong cách kiến trúc thời Stalin, đặc biệt ở những tòa nhà cao tầng như Khách sạn Ukraina, Đại học Tổng hợp Moskva, Trụ sở Bộ ngoại giao,... cho thấy phảng phất hình ảnh của những tháp canh, pháo đài Nga cổ, những hình ảnh gợi lên khát vọng vươn cao dựa trên những nền tảng bền chặt vững chắc, như chính tính cách của người Nga, mà người Việt Nam ta hay nói vui rằng “nồi đồng cối đá”.
Ở một trường hợp ngược lại, năm 1952 - 1959 Ấn Độ đã trải thảm đỏ mời Le Corbusier đến quy hoạch thành phố mới và thiết kế các tòa nhà hành chính quan trọng của bang Chandigard. Thành phố này đã đi vào sách giáo khoa kiến trúc và đô thị thế giới như là biểu tượng chiến thắng chói lọi của chủ nghĩa Hiện đại. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, giờ đây Chandigard là biểu tượng cho sự thất bại của chủ nghĩa Hiện đại nói chung và của Le Corbusier nói riêng. Chandigarh hiện tại là một thành phố không có sức sống và không trở thành nơi chốn theo đúng nghĩa mà một đô thị phải có. Công trình Dinh thống đốc đã bị phá hủy vì xuống cấp trầm trọng. Còn Tòa nhà Hội đồng tuy chưa bị phá, bởi đã được công nhận là Di sản thế giới, nhưng gần như trở thành nơi tập kết phế liệu. Việc các công trình nhếch nhác ở Chandigard trở thành di sản thế giới là điều mà chúng ta nên trân trọng và thận trọng, bởi lịch sử dù huy hoàng hay đau buồn thì nó vẫn là lịch sử, chúng ta không thể chối bỏ nó, có ngày xưa thì mới có hôm nay. Hơn nữa, việc đề cao và gìn giữ các công trình kiến trúc thất bại cũng là việc cần thiết để răn dạy các thế hệ kiến trúc sư sau này. Trung tâm hành chính Chandigard trở thành một nơi chốn thất bại là có nhiều lý do nhưng trong đó không thể bỏ qua các nguyên nhân liên quan đến kiến trúc: thứ nhất, bê tông thô không phải là vật liệu bền vững cho thẩm mỹ và không phải bất cứ lúc nào chỗ nào cũng dùng được; thứ hai, hình thái kiến trúc các công trình ở đó chưa thật phù hợp với truyền thống và điều kiện Ấn Độ; thứ ba, sự thiếu vắng mã gien, văn hóa, tinh thần Ấn Độ trong kiến trúc nơi đây.
*
Ngày nay, tính độc đáo tập thể trong kiến trúc nói riêng và trong nghệ thuật nói chung vẫn bị mờ nhạt dù cho chủ nghĩa Hậu hiện đại đã khích lệ lên ít nhiều. Quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng đã làm cho các cộng đồng yếu thế ngày càng yếu thế hơn, các nhóm người có ưu thế về tài chính, dữ liệu, truyền thông ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình. Không ít các nghệ sĩ Đương đại ở các nước (phát triển và đang phát triển) chỉ chờ đợi các dự án bảo trợ của giới đầu tư ngồi ở New York, London..., nếu chưa có bảo trợ thì không thể làm gì cả. Nghệ thuật ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mà thị trường không phải do nghệ sĩ quyết định mà do giới tinh hoa ở các trung tâm tài chính định hướng. Tất nhiên trong giới văn nghệ vẫn luôn có những người giữ vững đức hạnh thẩm mỹ của mình, nhưng họ phải rất nỗ lực thì mới có thể chống đỡ và chuyển hóa được sức mạnh của toàn cầu hóa. Trước sự tấn công tư tưởng của các nhóm tinh hoa thế giới ẩn nấp trong danh xưng “toàn cầu hóa”, những nền nghệ thuật yếm thế (như Việt Nam chẳng hạn) rất cần có chiến lược và chiến thuật cụ thể để bảo vệ và phát huy tính độc đáo tập thể của cộng đồng mình.
Bên cạnh thách thức của toàn cầu hóa, tính độc đáo tập thể, như lời Baudelaire, còn bị bào mòn bởi chủ nghĩa cá nhân; các nước Nga và một số nước châu Á như Iran, Ấn Độ, Trung Quốc,... đi theo xu hướng kết hợp chủ nghĩa dân tộc với các tư tưởng chính trị khác, như là một phương cách chống lại chủ nghĩa tư bản cá nhân và đế quốc của phương Tây. Chủ nghĩa tư bản dân tộc đã giúp các nước châu Á không bị sụp đổ sau những đợt tấn công vào hệ thống tài chính từ phố Wall năm 1997, cũng như giúp Nga đứng vững trước những đòn trừng phạt từ phương Tây năm 2015.
Ngày nay, nghệ thuật thế giới có thể chia thành hai xu hướng chính: thứ nhất, toàn cầu hóa và tự do cá nhân được giới tinh hoa phương Tây bảo trợ; thứ hai, bản sắc dân tộc, chủ yếu ở Nga, một số nước Ả rập và Đông Á, được nhà nước và các giới tư bản có tinh thần dân tộc bảo trợ. Ví dụ ở Nga, như một số hồ sơ tiết lộ, thông qua những tập đoàn mà nhà nước có cổ phần lớn hoặc các tài phiệt thân hữu với tổng thống, một số tiền đáng kể dùng để mua tranh từ nước ngoài, sắm các nhạc cụ đắt tiền, đầu tư các bộ phim chuyển thể từ các kiệt tác văn học Nga, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ có xu hướng dân tộc được phát triển. Ở Việt Nam, thực tế cho thấy, ngay từ khi giành độc lập, giới văn nghệ sĩ mặc dù vẫn đi theo xu hướng chung của khối là hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn có không ít những nghệ sĩ sớm nhận ra “mỏ vàng” truyền thống dân tộc, mà người khai thác thành công nhất là Nguyễn Tư Nghiêm. Còn nói về bảo trợ nghệ thuật, thời bao cấp các nghệ sĩ sống chủ yếu nhờ vào tiền lương hoặc ít nhiều trợ cấp từ nhà nước. Nhưng sau khi Đổi mới, các nghệ sĩ phải sống nhờ vào thị trường. Mà thị trường thì lại liên quan đến truyền thông và thị trường quốc tế, nơi giới tinh hoa tư bản đế quốc kiểm soát. Đừng vội vui mừng khi Việt Nam có những họa sĩ đương đại có giá tranh cao ngất ngưởng. Đó có thể là những vụ đầu cơ khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta trở nên suy yếu. Hiện nay ở Việt Nam, nhà nước cũng như giới tư bản mới nổi đều chưa thấy được tầm quan trọng trong việc bảo trợ cho nghệ thuật theo hướng phát huy mã gien dân tộc mình. Trong khi, giới chóp bu tài phiệt đế quốc dùng nghệ thuật như một phương cách để tô vẽ bản thân và mua chuộc giới trí thức các nước bằng những khái niệm mỹ miều như “tự do”, “phong cách mới”, “đương đại”... và giới tinh hoa nước ta vẫn chưa ý thức được vai trò của nghệ thuật đối với mô hình chính trị kinh tế mà họ đang được hưởng lợi. Hồ sơ giải mật của CIA mới đây đã tiết lộ về những điệp vụ bảo trợ, nâng giá, quảng bá cho các họa sĩ biểu hiện trừu tượng Mỹ như Pollock, Rothko trở thành những sản phẩm ưu việt của Mỹ so với các tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa “tù túng” ở Liên Xô. Với tiền sự như vậy, ta có cơ sở để tin rằng giới tài phiệt tinh hoa quốc tế đang muốn kiểm soát và định hướng tư tưởng, nghệ thuật của các dân tộc bằng những quỹ đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa của họ. Đó có thể chỉ là một cuộc tranh giành để phân chia vùng ảnh hưởng, nhưng cũng có thể là một cuộc chiến sát ván. Các dân tộc khác và Việt Nam nên chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể sẽ xảy ra. Trách nhiệm đó không chỉ là của các nghệ sĩ mà còn là của các nhà quản lý và các doanh nghiệp có tinh thần dân tộc.
*
Đối với người nghệ sĩ, việc lựa chọn giữa sự bứt phá sáng tạo ra những đặc tính cá nhân nổi trội của mình với lưu giữ và phát huy những giá trị của truyền thống cộng đồng, giữa phát triển phong cách cá nhân với tạo dựng bản sắc tập thể, cái nào quan trọng hơn? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người, nhưng đối với những nghệ sĩ ở những nền nghệ thuật chưa có nhiều thành tựu đỉnh cao, như Việt Nam chẳng hạn, thì bản sắc tập thể là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Việc cùng nhau tạo ra một sắc thái, phong cách, hay mã gien nghệ thuật của dân tộc và cộng đồng mình có ý nghĩa rất quan trọng. Một con sư tử được coi là chúa của khu rừng chỉ khi trước hết giống loài của nó thống trị khu rừng. Chúng ta đã từng có một Nguyễn An, kiến trúc sư tham gia xây dựng Tử Cấm Thành, hay Đặng Thái Sơn chơi piano đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng nếu nền kiến trúc và âm nhạc Việt Nam vẫn còn mờ nhạt khi so với các nền kiến trúc và âm nhạc khác, thì Nguyễn An, Đặng Thái Sơn không thể được thế giới ghi nhận bằng Kenzo Tange hay Sviatoslav Richter. Người ta đánh giá một con người không chỉ ở bản thân con người ấy mà còn cả cái cộng đồng xung quanh và truyền thống con người ấy được thừa kế.
V.H
(TCSH359/01-2019)
NGỌC TRAI
Văn học ta trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chuyển hướng và đổi mới một cách đa dạng, phong phú.
DƯƠNG BÍCH HÀ
Văn hóa dân gian, trong đó có âm nhạc, là một bộ phận nghệ thuật quan trọng trong nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam. Nó phản ánh sâu sắc những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người. Nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và phục vụ nhân dân. Song song với cuộc sống của con người, nó đã tồn tại qua mấy nghìn năm lịch sử đến nay.
VÕ CÔNG LIÊM
Bất cứ là văn, thơ hay biên khảo, ký sự… nói chung là viết.
HỒ THẾ HÀ
Lục bát là thể thơ đặc trưng thể hiện bản sắc và tâm hồn dân tộc Việt. Nó trở thành tình cảm, tâm thức sáng tạo và tiếp nhận của nhân dân từ ngàn đời nay, nó trở thành hữu thức và “vô thức tập thể” trong sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt vật chất của toàn dân.
TRẦN HỮU SƠN
Đạo Mẫu là hình thức tôn giáo quan trọng ở Việt Nam. Hiện nay, đạo Mẫu đang có bước “chuyển mình” và phát triển mạnh mẽ cả về thiết chế và đối tượng tham gia. Vì vậy, đạo Mẫu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
ĐỖ LAI THÚY
Cuốn sách của giáo sư Trần Đức Thảo đề cập đến nhiều vấn đề, rộng và sâu. Bài báo này chỉ nói đến một luận điểm mấu chốt của ông, bản chất con người và những ngẫm nghĩ gợi ra từ đó, trong sự đối chiếu với văn học gần đây.
(Một vài trao đổi với nhà thơ Dương Tường)
NGÔ THẾ OANH
(thực hiện)
TRẦN HOÀI ANH
MAI LIÊN GIANG
(Qua công trình Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács György của Trương Đăng Dung)
LƯỜNG TÚ TUẤN
(Tặng Yến Linh và Thái Hạo)
“Hình thức nghệ thuật nếu được hiểu đúng thì nó không tạo hình thức cho một nội dung đã có sẵn và được tìm thấy, mà là cái hình thức cho phép lần đầu tiên tìm thấy và nhận ra nội dung” (M. Bakhtin).
ĐỖ QUYÊN
(Nhân đọc “Cái vú thừa” - tập truyện của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb. Hội Nhà văn 2018)
PHẠM QUYÊN CHI
Tâm lí học cổ điển đã xây dựng nên sơ đồ quy nạp của quá trình hình thành các đơn vị cơ bản của tư duy - và khái niệm duy lí gắn liền với từ.
YẾN THANH
“Hoa dại như là niềm ân nghĩa. Nhìn hoa nghiệm ra sự hiện hữu của những gì tưởng đã tan loãng hư vô”
[Nhụy Nguyên]
JOSEPH HILLIS MILLER
Không phải ngẫu nhiên khi cho rằng quan niệm về cái kết ở trong truyện rất khó để xác định rõ ràng, cho dù là “về mặt lý thuyết”, hay với một cuốn tiểu thuyết nhất định, hoặc với các tiểu thuyết ở một thời kỳ nhất định. Quan niệm về cái kết ở trong truyện vốn dĩ là “không thể giải quyết được.” (undecidable).
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Tôi đọc trường khúc Mẹ Về Biển Đông của Du Tử Lê lần đầu giữa một mùa hè khô hạn, mặt đất nắng cháy nứt nẻ thoảng mùi hoa hồng dại, thứ cây mọc nhiều ở Alberta.
HỒ TIỂU NGỌC
Trong bầu không khí dân chủ tối đa và nhận thức tối đa của con người thời hậu chiến, nền thơ Việt Nam, trong đó có thơ nữ lại nhanh chóng hòa nhập và tạo ra những góc nhìn đa dạng về cuộc sống.
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Bài thơ chữ Hán Điệp tử thư trung (Con bướm chết trong sách) được xếp ở sát cuối phần Làm quan ở Bắc hà (1802 - 1804), trong Thanh Hiên thi tập(1).
TÔN NỮ DẠ NGUYÊN
(Khái lược về liên văn bản trong tác phẩm văn học)
NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH
Nhà văn Diêm Liên Khoa đã từng thử sức ở nhiều thể loại văn học khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tùy bút, tản văn… nhưng tiểu thuyết vẫn là địa hạt mà ngòi bút ông bén rễ sâu nhất và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.
NGUYỄN VĂN HÙNG
(Đọc Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung của Hồ Thế Hà)