VŨ HIỆP
Nhà thơ Baudelaire từng viết rằng: “Tính cá nhân, sự sở hữu bé nhỏ này, đã ăn mòn tính độc đáo tập thể... Tức là người họa sĩ đã giết chết hội họa”.
Tính độc đáo tập thể (l’originalité collective), quả thực đã bị bào mòn rất nhiều từ khi nền nghệ thuật Hiện đại ra đời. Kandinsky đã sáng tạo ra hội họa trừu tượng một phần từ nền tảng tranh dân gian Nga, và đôi khi chúng ta vẫn thấy “âm hưởng Nga” trong tranh trừu tượng của ông. Nhưng khi chủ nghĩa trừu tượng được lan tỏa toàn thế giới thì nó đã không còn giữ được mã gien dân tộc của các họa sĩ học tập theo. Một bức tranh trừu tượng (hoặc biểu hiện trừu tượng) ngày nay do một họa sĩ Mỹ vẽ không khác gì mấy so với một họa sĩ Việt Nam. Tính độc đáo tập thể còn bị “khủng bố” mạnh hơn nữa trong các dạng thức “ngoài giá vẽ” của nghệ thuật đương đại. Từ Duchamp, Kosuth cho tới Kabakov, Ngải Vị Vị, chúng ta chỉ thấy những ý tưởng quốc tế hay vị lai, về một giá trị đại đồng mơ hồ nào đó, mà rất hiếm khi thấy một giá trị cá nhân chứ chưa nói đến giá trị dân tộc. Kosuth có rất nhiều các ý tưởng mới lạ, nhưng khi gộp tất cả các tác phẩm khái niệm hay sắp đặt đó lại, ta rất khó xác định một “phong cách Kosuth” hay xa hơn là “nghệ thuật khái niệm Mỹ”. Quả thực, nghệ thuật đương đại là một thử thách khó khăn trong việc xác định mã gien di truyền của cộng đồng. Nói theo cách khác, nghệ thuật đương đại đang trốn tránh tính độc đáo tập thể một cách có chủ ý.
*
Stravinsky là một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất thế kỷ 20 và thành công trong nhiều xu hướng âm nhạc khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời: truyền thống Nga (1907 - 1919), Tân cổ điển (1920 - 1954), chuỗi 12 cung (1954 - 1968). Nhưng những tác phẩm mang lại vinh quang cho ông và ảnh hưởng lên toàn thế kỷ lại là những tác phẩm viết cho ballet được sáng tác trong giai đoạn truyền thống Nga: Con chim lửa (1910), Petrushka (1911), Nghi lễ mùa xuân (1913). Rõ ràng, vị trí của Stravinsky trong lịch sử âm nhạc thế giới được ghi nhận bởi sự lưu giữ và phát triển mã gien “truyền thống Nga”, trong đó vai trò của nhịp điệu, vốn được coi trọng trong âm nhạc dân gian Nga, được đẩy lên đỉnh cao. Như lời nhà phê bình A.J. Browne thì “Stravinsky chính là nhạc sĩ giỏi nhất trong việc phát triển nhịp điệu trở thành phẩm giá của âm nhạc”. Phương Tây tôn vinh Stravinsky không phải vì muốn tôn vinh những giá trị âm nhạc Nga (ngược lại, người phương Tây thường có tâm lý e ngại và lo sợ đối với người Nga), mà vì những mã gien truyền thống Nga trong âm nhạc Stravinsky đã đưa âm nhạc loài người đến những vùng đất mới mà những mã gien của người Tây Âu lại không thể đến đó được. Sự bảo tồn và phát huy những mã gien nghệ thuật của các dân tộc khác nhau là rất quan trọng để nghệ thuật loài người nói chung có thể đi được xa hơn.
*
Trước thế kỷ 20, người ta không khó để nhận ra sự khác biệt giữa kiến trúc Pháp (thậm chí giữa các vùng miền nước Pháp cũng có phong cách kiến trúc khác nhau) với kiến trúc Nga, kiến trúc Hà Lan, và càng khác hơn nữa với kiến trúc Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khắp các đô thị trên toàn thế giới ta chỉ thấy những khối hộp giống nhau như những sản phẩm công nghiệp. Nếu như có một xu hướng kiến trúc mới nào đó ra đời và được tâng bốc thì ngay lập tức nó lan tỏa ra toàn thế giới bởi những hãng kiến trúc toàn cầu và sự bắt chước của các kiến trúc sư có nền lý luận phê bình yếu kém. Nhớ lại năm 1932 khi kiến trúc sư nổi tiếng đương thời của Pháp là Le Corbusier trình bày đồ án Cung Xô Viết ở Moskva với phong cách hiện đại, Stalin trả lời rằng: “Tôi không phải là một kiến trúc sư, tôi không biết nhiều về kiến trúc, nhưng tôi biết chắc rằng người dân Xô-viết không đánh giá cao nó”. Và quan điểm của Stalin không phải là không có lý khi ta nhìn lại kiến trúc và đô thị hiện đại khắp các nước tư bản phương Tây là “na ná” nhau, rất khó phân biệt tính dân tộc, còn nghệ thuật của Liên Xô, nhất là giai đoạn Stalin cầm quyền, lại có đặc trưng riêng khó nhầm lẫn. Có thể kiến trúc Liên Xô cục mịch và không bay bổng như kiến trúc của các nước tư bản, nhưng rõ ràng nó chứa đựng mã gien của dân tộc mình. Sự kiên định về bản sắc dân tộc và không a dua theo xu thế của Stalin là yếu tố quyết định tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của kiến trúc Liên Xô dưới thời ông lãnh đạo. Phong cách kiến trúc thời Stalin, đặc biệt ở những tòa nhà cao tầng như Khách sạn Ukraina, Đại học Tổng hợp Moskva, Trụ sở Bộ ngoại giao,... cho thấy phảng phất hình ảnh của những tháp canh, pháo đài Nga cổ, những hình ảnh gợi lên khát vọng vươn cao dựa trên những nền tảng bền chặt vững chắc, như chính tính cách của người Nga, mà người Việt Nam ta hay nói vui rằng “nồi đồng cối đá”.
Ở một trường hợp ngược lại, năm 1952 - 1959 Ấn Độ đã trải thảm đỏ mời Le Corbusier đến quy hoạch thành phố mới và thiết kế các tòa nhà hành chính quan trọng của bang Chandigard. Thành phố này đã đi vào sách giáo khoa kiến trúc và đô thị thế giới như là biểu tượng chiến thắng chói lọi của chủ nghĩa Hiện đại. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, giờ đây Chandigard là biểu tượng cho sự thất bại của chủ nghĩa Hiện đại nói chung và của Le Corbusier nói riêng. Chandigarh hiện tại là một thành phố không có sức sống và không trở thành nơi chốn theo đúng nghĩa mà một đô thị phải có. Công trình Dinh thống đốc đã bị phá hủy vì xuống cấp trầm trọng. Còn Tòa nhà Hội đồng tuy chưa bị phá, bởi đã được công nhận là Di sản thế giới, nhưng gần như trở thành nơi tập kết phế liệu. Việc các công trình nhếch nhác ở Chandigard trở thành di sản thế giới là điều mà chúng ta nên trân trọng và thận trọng, bởi lịch sử dù huy hoàng hay đau buồn thì nó vẫn là lịch sử, chúng ta không thể chối bỏ nó, có ngày xưa thì mới có hôm nay. Hơn nữa, việc đề cao và gìn giữ các công trình kiến trúc thất bại cũng là việc cần thiết để răn dạy các thế hệ kiến trúc sư sau này. Trung tâm hành chính Chandigard trở thành một nơi chốn thất bại là có nhiều lý do nhưng trong đó không thể bỏ qua các nguyên nhân liên quan đến kiến trúc: thứ nhất, bê tông thô không phải là vật liệu bền vững cho thẩm mỹ và không phải bất cứ lúc nào chỗ nào cũng dùng được; thứ hai, hình thái kiến trúc các công trình ở đó chưa thật phù hợp với truyền thống và điều kiện Ấn Độ; thứ ba, sự thiếu vắng mã gien, văn hóa, tinh thần Ấn Độ trong kiến trúc nơi đây.
*
Ngày nay, tính độc đáo tập thể trong kiến trúc nói riêng và trong nghệ thuật nói chung vẫn bị mờ nhạt dù cho chủ nghĩa Hậu hiện đại đã khích lệ lên ít nhiều. Quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng đã làm cho các cộng đồng yếu thế ngày càng yếu thế hơn, các nhóm người có ưu thế về tài chính, dữ liệu, truyền thông ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình. Không ít các nghệ sĩ Đương đại ở các nước (phát triển và đang phát triển) chỉ chờ đợi các dự án bảo trợ của giới đầu tư ngồi ở New York, London..., nếu chưa có bảo trợ thì không thể làm gì cả. Nghệ thuật ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mà thị trường không phải do nghệ sĩ quyết định mà do giới tinh hoa ở các trung tâm tài chính định hướng. Tất nhiên trong giới văn nghệ vẫn luôn có những người giữ vững đức hạnh thẩm mỹ của mình, nhưng họ phải rất nỗ lực thì mới có thể chống đỡ và chuyển hóa được sức mạnh của toàn cầu hóa. Trước sự tấn công tư tưởng của các nhóm tinh hoa thế giới ẩn nấp trong danh xưng “toàn cầu hóa”, những nền nghệ thuật yếm thế (như Việt Nam chẳng hạn) rất cần có chiến lược và chiến thuật cụ thể để bảo vệ và phát huy tính độc đáo tập thể của cộng đồng mình.
Bên cạnh thách thức của toàn cầu hóa, tính độc đáo tập thể, như lời Baudelaire, còn bị bào mòn bởi chủ nghĩa cá nhân; các nước Nga và một số nước châu Á như Iran, Ấn Độ, Trung Quốc,... đi theo xu hướng kết hợp chủ nghĩa dân tộc với các tư tưởng chính trị khác, như là một phương cách chống lại chủ nghĩa tư bản cá nhân và đế quốc của phương Tây. Chủ nghĩa tư bản dân tộc đã giúp các nước châu Á không bị sụp đổ sau những đợt tấn công vào hệ thống tài chính từ phố Wall năm 1997, cũng như giúp Nga đứng vững trước những đòn trừng phạt từ phương Tây năm 2015.
Ngày nay, nghệ thuật thế giới có thể chia thành hai xu hướng chính: thứ nhất, toàn cầu hóa và tự do cá nhân được giới tinh hoa phương Tây bảo trợ; thứ hai, bản sắc dân tộc, chủ yếu ở Nga, một số nước Ả rập và Đông Á, được nhà nước và các giới tư bản có tinh thần dân tộc bảo trợ. Ví dụ ở Nga, như một số hồ sơ tiết lộ, thông qua những tập đoàn mà nhà nước có cổ phần lớn hoặc các tài phiệt thân hữu với tổng thống, một số tiền đáng kể dùng để mua tranh từ nước ngoài, sắm các nhạc cụ đắt tiền, đầu tư các bộ phim chuyển thể từ các kiệt tác văn học Nga, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ có xu hướng dân tộc được phát triển. Ở Việt Nam, thực tế cho thấy, ngay từ khi giành độc lập, giới văn nghệ sĩ mặc dù vẫn đi theo xu hướng chung của khối là hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn có không ít những nghệ sĩ sớm nhận ra “mỏ vàng” truyền thống dân tộc, mà người khai thác thành công nhất là Nguyễn Tư Nghiêm. Còn nói về bảo trợ nghệ thuật, thời bao cấp các nghệ sĩ sống chủ yếu nhờ vào tiền lương hoặc ít nhiều trợ cấp từ nhà nước. Nhưng sau khi Đổi mới, các nghệ sĩ phải sống nhờ vào thị trường. Mà thị trường thì lại liên quan đến truyền thông và thị trường quốc tế, nơi giới tinh hoa tư bản đế quốc kiểm soát. Đừng vội vui mừng khi Việt Nam có những họa sĩ đương đại có giá tranh cao ngất ngưởng. Đó có thể là những vụ đầu cơ khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta trở nên suy yếu. Hiện nay ở Việt Nam, nhà nước cũng như giới tư bản mới nổi đều chưa thấy được tầm quan trọng trong việc bảo trợ cho nghệ thuật theo hướng phát huy mã gien dân tộc mình. Trong khi, giới chóp bu tài phiệt đế quốc dùng nghệ thuật như một phương cách để tô vẽ bản thân và mua chuộc giới trí thức các nước bằng những khái niệm mỹ miều như “tự do”, “phong cách mới”, “đương đại”... và giới tinh hoa nước ta vẫn chưa ý thức được vai trò của nghệ thuật đối với mô hình chính trị kinh tế mà họ đang được hưởng lợi. Hồ sơ giải mật của CIA mới đây đã tiết lộ về những điệp vụ bảo trợ, nâng giá, quảng bá cho các họa sĩ biểu hiện trừu tượng Mỹ như Pollock, Rothko trở thành những sản phẩm ưu việt của Mỹ so với các tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa “tù túng” ở Liên Xô. Với tiền sự như vậy, ta có cơ sở để tin rằng giới tài phiệt tinh hoa quốc tế đang muốn kiểm soát và định hướng tư tưởng, nghệ thuật của các dân tộc bằng những quỹ đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa của họ. Đó có thể chỉ là một cuộc tranh giành để phân chia vùng ảnh hưởng, nhưng cũng có thể là một cuộc chiến sát ván. Các dân tộc khác và Việt Nam nên chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể sẽ xảy ra. Trách nhiệm đó không chỉ là của các nghệ sĩ mà còn là của các nhà quản lý và các doanh nghiệp có tinh thần dân tộc.
*
Đối với người nghệ sĩ, việc lựa chọn giữa sự bứt phá sáng tạo ra những đặc tính cá nhân nổi trội của mình với lưu giữ và phát huy những giá trị của truyền thống cộng đồng, giữa phát triển phong cách cá nhân với tạo dựng bản sắc tập thể, cái nào quan trọng hơn? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người, nhưng đối với những nghệ sĩ ở những nền nghệ thuật chưa có nhiều thành tựu đỉnh cao, như Việt Nam chẳng hạn, thì bản sắc tập thể là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Việc cùng nhau tạo ra một sắc thái, phong cách, hay mã gien nghệ thuật của dân tộc và cộng đồng mình có ý nghĩa rất quan trọng. Một con sư tử được coi là chúa của khu rừng chỉ khi trước hết giống loài của nó thống trị khu rừng. Chúng ta đã từng có một Nguyễn An, kiến trúc sư tham gia xây dựng Tử Cấm Thành, hay Đặng Thái Sơn chơi piano đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng nếu nền kiến trúc và âm nhạc Việt Nam vẫn còn mờ nhạt khi so với các nền kiến trúc và âm nhạc khác, thì Nguyễn An, Đặng Thái Sơn không thể được thế giới ghi nhận bằng Kenzo Tange hay Sviatoslav Richter. Người ta đánh giá một con người không chỉ ở bản thân con người ấy mà còn cả cái cộng đồng xung quanh và truyền thống con người ấy được thừa kế.
V.H
(TCSH359/01-2019)
NGUYỄN NGỌC MINHNằm trong nội dung một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Tỉnh về: khảo sát thực trạng, đề xuất chủ trương giải pháp, xây dựng đội ngũ công nhân- nông dân- trí thức, tăng cường khối liên minh công- nông- trí thức ở TT- Huế.
LẠI NGUYÊN ÂNTrước khi vào đề, tôi phải nói ngay rằng trong thực chất, người đã thúc đẩy tôi viết bài này là nhà Việt học người Nga Anatoly Sokolof. Tôi nhớ là anh đã ít nhất một lần nêu với tôi: hiện tượng mà người ta đang gọi chung là “thơ Hồ Xuân Hương” nên được tiếp cận từ góc độ “mặt nạ tác giả”.
Ngôn ngữ văn học luôn mang dấu ấn thời đại lịch sử của nó. Đồng thời, thông qua ngôn ngữ tác phẩm người đọc có thể đánh giá được khả năng sáng tạo và phong cách sáng tác của người nghệ sĩ. Văn học Việt Nam từ sau 1975, đặc biệt là sau Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã có những đổi mới mang tính đột phá trên mọi phương diện, trong đó có ngôn ngữ. Viết về đề tài lịch sử trong bối cảnh mới, các nhà văn sau 1975 không chịu núp mình dưới lớp vỏ ngôn ngữ cũ kĩ, khuôn sáo như trước.
Nếu có thể nói gì về tình trạng ngày càng thưa vắng các tiểu thuyết đọc được hôm nay, hay nói một cách chính xác hơn là sự vắng mặt của tiểu thuyết hay trong vài thập kỷ qua, theo tôi trước hết đó là vấn đề tâm thể thời đại
ĐINH XUÂN LÂM (Hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh sinh ngày 19 tháng 07 năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mạng 14 (1833) tại xã Chân Mỹ, tổng Từ Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
HOÀNG TẤT THẮNG1. Khái quát về địa danh học.
NGUYỄN HOÀNG ĐỨCKhông có một xã hội nào sống và phát triển được nếu không cậy trông vào khả năng phê bình của chính mình. Nói một cách thật dễ hiểu, như người Pháp khẳng nhận: "Người ta dựa trên những gì chống lại mình".
PHONG LÊ (Tiếp theo Sông Hương số 250 tháng 12-2009 và hết) Sau chuyển đổi từ sự chia tách, phân cách đến hội nhập, cộng sinh, là một chuyển đổi khác, cũng không kém tầm vóc: đó là từ cộng đồng sang cá nhân; với một quan niệm mới: cá nhân mạnh thì cộng đồng mới mạnh; cá nhân được khẳng định thì sự khẳng định vai trò cộng đồng mới được bảo đảm.
ĐÀO THÁI TÔNNhư chúng tôi đã có lời thưa từ bài báo trước, trong Thơ quốc âm Nguyễn Du (Nxb Giáo dục, H, 1996), thay vì việc xem "bản Kinh" của Truyện Kiều là bản sách in bởi vua Tự Đức, Nguyễn Thạch Giang đã viết đó chỉ là những bản chép tay bởi các quan văn trong triều. Điều này là rất đúng.
PHẠM QUANG TRUNGHiện giờ báo chí chuyên về văn chương ở ta đã phong phú và đa dạng. Riêng Hội Nhà văn đã có các báo Văn nghệ, Văn nghệ dân tộc và miền núi, Văn nghệ Tre, và các tạp chí Tác phẩm mới, Văn học nước ngoài.
LÊ ĐẠT Cầm tên em đi tìm
VŨ NGỌC KHÁNH (Trích tham luận: “Thử bàn về minh triết”)
LTS: Thế giới đang xuất hiện trào lưu phục hưng minh triết sau một thời gian dài chối bỏ. Ở Việt cũng đã hình thành Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt . Tiếp theo cuộc Hội thảo lần thứ I tại Hà Nội “Minh triết - giá trị nhân loại đang phục hưng”, cuối tháng 11.2009 tại Huế, Trung tâm đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Minh triết Việt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt”.
Giấy dó là sản phẩm thủ công của cha ông ta để lại. Xưa kia làng Bưởi có nghề làm giấy dó nổi tiếng. Giấy dó được dùng vào việc ghi chép văn bản chữ Hán nôm, viết bút lông mực tàu...
Sự phát triển của thực tiễn và lý luận nghệ thuật- dù ở đâu, thời kỳ lịch sử nào cũng vậy- thường phụ thuộc vào 3 nhân tố quan trọng và phổ quát nhất: Sự phát triển của khoa học và công nghệ; Những chính sách chính trị (trong đó bao gồm cả những chính sách về văn hóa và nghệ thuật); Những nhà tư tưởng và nghệ sỹ lớn.
TRẦN HUYỀN SÂMClaude Lévi-Strauss là một trường hợp hiếm thấy và khó lặp lại trong lịch sử nhân loại. Lévi chính là một cú sốc đối với nền văn minh phương Tây. Lý thuyết của nhà cấu trúc học vĩ đại này là sự hạ bệ hùng hồn nhất đối với tư tưởng thống ngự và độc tôn của xã hội toàn trị châu Âu; và là sự biện minh sâu sắc cho một mô thức đa văn hóa của nhân loại.
LÊ THÀNH LÂNTrong 4 năm liền, Tào Mạt lần lượt cho ra đời ba vở chèo tạo nên một bộ ba chèo lịch sử với tiêu đề chung là Bài ca giữ nước, đều do Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần dàn dựng và đều được nhận những giải thưởng cao.
PHONG LÊĐó là: 1. Từ sự phân cách, chia đôi của hai thế giới - địch và ta, chuyển sang hội nhập, cộng sinh, có nghĩa là nhân rộng hơn các tiềm năng, cũng đồng thời phải biết cách ngăn ngừa, hoặc chung sống với các hiểm họa. 2. Từ cộng đồng chuyển sang cá nhân, cá nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển, nhưng cá nhân cũng sẵn sàng nổi loạn cho các ước vọng thoát ra khỏi các chuẩn mực của cộng đồng. Và 3. Từ phong bế (ở các cấp độ khác nhau) đến sự mở rộng giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế, với sự lưu tâm hoặc cảnh báo: trong đi tắt, đón đầu mà không được đứt gẫy với lịch sử.
ĐỖ HẢI NINH(Nhân đọc tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng. Nxb Phụ Nữ, H, 2009; tác phẩm nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2009)
PHẠM QUANG TRUNGHiện nay, vấn đề đổi mới thi pháp đang được nhiều người cầm bút quan tâm. Xin ghi lại cuộc trao đổi mới đây giữa tôi (PQT) với một nhà văn (NV) về vấn đề bức thiết này.