TRẦN BĂNG KHUÊ
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức
1.
Bắt đầu là một chiếc áo. Phải rồi, tuổi trẻ của tôi là một tình yêu mơ mộng ư? Không, chúng là chiếc áo có màu xanh mà tôi chỉ kịp nhìn thấy sau lưng chuyến tàu rời ga trong cơn mưa phùn lất phất ở Sài Gòn năm nào đó.
Ý tôi là chỉ một cái lưng áo màu xanh nước biển của anh nhân viên đón vị hành khách cuối cùng, vị hành khách mười bảy tuổi, và cô bé cũng mặc một chiếc áo màu xanh pha sắc tím. Cô bé mười bảy tuổi có đôi mắt rầu rĩ, thường cụp xuống khi bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình. Cha cô chắc không thể nào phát hiện ra ánh mắt khắc khoải của cô, khi đoàn tàu bắt đầu rúc còi, nổ máy lăn bánh trên đường ray. Cô bị ám ảnh bởi những màu xanh sau lưng áo của tuổi mười bảy. Chúng hệt như một vệt khói kéo dài từ năm tháng ấy đến bây giờ (dù, có thể, vệt khói đã nhạt màu đi chút ít). Chúng vẫn cứ ám ảnh, những ám ảnh vô thức, chẳng hề đọng lại bất kỳ sự thiên kiến nào, hoặc có thể có mà tôi cố tình không thừa nhận, cố tình giấu biệt đi vùng xám tối u uẩn đầy những vết xước về cái màu xanh mơ mộng ấy của mình.
2.
“Tuổi trẻ chết tiệt”.
Tôi gọi cái màu xanh đó là tuổi trẻ chết tiệt. Tôi lại phải nhìn thấy chiếc áo màu xanh da trời đẫm mưa Sài Gòn thêm một lần nữa vào tháng bảy. Hai mươi bảy tuổi. Tôi coi như tuổi trẻ đã chấm dứt. (Bởi vì, tôi đã quyết định sẽ lấy chồng vào năm sau). Ấy thế, tuổi trẻ (vẫn là thứ tuổi trẻ chết tiệt đó), chúng thật biết cách làm tôi hờn dỗi quá khứ, hờn dỗi cái đoạn ký ức khi tàu lăn bánh rời ga Sài Gòn. Rất nhiều lần tôi tưởng tượng chiếc áo màu xanh ấy biến thành tôi. Hoặc tôi biến thành nó, hòng để tôi không còn phải ngoái đầu nhìn lại những vệt khói xám. Tôi đã từng giận dữ, thốt ra câu chửi thề đó bằng khẩu hình: “tuổi trẻ chết tiệt”, dù rằng, tôi thật sự không (muốn) ngửa cổ lên trời, gào thét, “anh chỉ là một thứ màu xanh chết tiệt, lừa dối giấc mơ tôi”.
Mùa này, mây trắng chồng lấp, xếp lớp thành từng hàng, mây tung bọt kinh hoàng ở một con đập anh hùng bên kia thế giới. Tôi thì vẫn ngửa mặt lên trời, phiền lòng vì một cái lưng áo màu xanh. Sau đó tiếp tục chửi thề, “Tuổi trẻ chết tiệt”.
3.
Người đàn ông gần bốn mươi tuổi, đi qua đi lại trong căn phòng kín đáo, lẩm bẩm. Trên lưng áo màu xanh của anh ta mồ hôi nhễ nhại, ngạo nghễ thấm ướt. Anh ta vừa mới từ công viên trở về. Trong công viên nhỏ của thành phố nhỏ. Trong thành phố nhỏ có một người đàn ông lớn, rất lớn. Không, ông ấy khổng lồ như một bức tượng đồng phơi sáng dưới ánh nắng mặt trời. Chẳng hiểu sao người đàn ông gần bốn mươi tuổi sau khi trở về căn phòng kín đáo lại bắt chước giọng điệu của tôi ca cẩm lẩn thẩn rằng “tuổi trẻ chết tiệt”. Tôi không tiện hỏi.
Trí não tôi đang bận bịu, tôi nhớ những màu xanh bạt ngàn ở một công viên khác. Chúng thật là biết cách thu hút, ám ảnh, ôm ấp, trì níu lấy tình yêu, nỗi tương tư đau đớn chia năm xẻ bảy trái tim tôi. Albert Park, Civil Park, Green Park hoặc những khu vườn bốn mùa bị nhốt trong hình hài của các vị thần hóa đá bên cạnh bảo tàng chiến tranh chẳng hạn. “Tuổi trẻ chết tiệt”. Tôi lặp lại câu nói này bên ngoài phòng khách, khi chỉ có một mình tôi. Người đàn ông bốn mươi tuổi đã hết đi qua đi lại trong căn phòng kín. Tôi không còn nghe tiếng bước chân nữa. “Hẳn là anh ta sẽ ngồi xuống chiếc ghế ngay cạnh góc bàn để máy tính, và đeo headphone vào tai như mọi lần thôi”, tôi nghĩ. Bất giác, tôi buột miệng không nhớ Sài Gòn. Huế thì mờ nhạt dần đi khi những cơn đau cuộn xoáy não. Nhưng có vẻ như, tôi vẫn thuộc lời của một bài hát van vỉ, “chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi hỡi, chảy đi kìa, sông ơi”. Núi rừng không đáp lại. Nỗi cô đơn lơ đễnh lạnh nhạt. Tôi chẳng thể nào tìm thấy cơn bão của tuổi trẻ của tôi ở đâu nữa. Chúng thật sự đã chìm dưới đáy con sông đang chảy nào đó ở Huế.
“Tuổi trẻ chết tiệt”.
Màu xanh lật giọng đằng sau lưng áo ướt đẫm Sài Gòn. (Tôi chưa bao giờ vào Sài Gòn vào những ngày này), tôi viết như thế lên quyển sổ tay đen - trắng, tôi cố tình cất giấu đã lâu trong ngăn kéo hộc bàn.
“Tuổi trẻ thật đáng buồn”, tôi hạ giọng đáp lời màu xanh.
Màu xanh khơi gợi tiếp mạch chuyện, bắt tôi trả lời nguyên nhân. Tôi nói, “tuổi trẻ, khiến tôi chìm đắm trong ảo mộng hão Huyền”. Huyền là ai ấy nhỉ? Cô gái nhỏ từng mơ giấc mộng hái trăng xuống chơi của tôi trong cơn say tuổi trẻ, cô mê Trịnh như năm tôi mười bảy tuổi mê Trịnh vậy.
Có lần tôi thấy tin nhắn của cô ấy nhấp nháy, chẳng có gì ngoài một dòng: “Chồng tao thường xuyên mặc chiếc áo màu xanh”.
Sau đó, không đợi tôi trả lời, cô ấy đã chào tạm biệt với lý do cần phải đi giặt và phơi những chiếc áo màu xanh. Chồng cô ấy sẽ trở về vào ngày mai.
Anh ta vẫn ngồi yên trong căn phòng kín. Chẳng có một cơn gió nào đủ sức lọt qua khe cửa. Tôi thì bắt đầu mộng tưởng bằng cách nhắm mắt lại trong bóng tối, rồi tập trung năng lực tinh thần hòng đưa đẩy chuyến tàu tâm trí phiêu bạt đến những nơi mà tôi muốn. Dĩ nhiên, không phải Sài Gòn, không phải Huế, cũng chẳng hề là miền cao nguyên thủ thỉ thứ tình yêu đau thương đầy nước mắt tuổi trẻ của tôi nữa. Tôi đã quyết biệt ly. Tôi đã quyết phải tìm cách rời đi. Nỗi niềm cô độc tranh biện với tôi về hạnh phúc đích thực ở bên ngoài bầu trời đó, ở trong một rừng cây cao vút mặt, hoặc một khoảng trống mênh mông xanh ngút mắt. Tôi thôi thiết tha với tuổi trẻ, thôi lẩm bẩm về một cái lưng áo màu xanh uống hết nước mắt của tôi mà không chịu hoàn trả bất cứ thứ gì.
4.
“Tuổi trẻ thật đáng thương”
“Đột nhiên có tiếng gõ cửa”, anh Etgar Karet đấy hả?
Tôi nhớ là chữ anh nguệch ngoạc và xấu xí lắm. Anh đã cố gắng hết sức mới viết trọn từng ký tự tên tôi bằng tiếng Việt. Tên tôi, là một con sông ở Huế. Tôi luôn gào thét lời bài hát “chảy đi sông ơi”. Ấy vậy, bây giờ, ngay chính lúc này đây, anh biết không, tôi chỉ nhìn thấy một con đập anh hùng trắng xóa hung dữ bên kia thế giới đang ào ạt cất tiếng đòi trừng phạt cả một thế kỷ tàn nhẫn và dối trá.
“Kẻ dữ có hàng trăm con mắt?” (Chúng nhìn nhau trong bóng tối, cợt nhả). Etgar Karet nói với tôi.
Thật tình là tôi hồ nghi điều anh nói. Mà, tôi có giáp mặt anh bao giờ đâu. Tôi tự tiện đối thoại với anh trong bóng tối đấy thôi. Nhưng, quả thật, ngay trang đầu tiên của tập truyện ngắn “đột nhiên có tiếng gõ cửa”, anh đã nguệch ngoạc viết tên tôi bằng năm ký tự rõ ràng. Điều này, chẳng cần phải bàn cãi gì.
Đôi khi tôi bần thần, mệt mỏi với những cuộc đối thoại của chính mình. Tôi chỉ muốn bước hẳn ra ngoài ánh sáng để hít hà hương thơm của hoa cỏ cùng những tia nắng ấm áp xinh đẹp xuyên chiếu qua mặt biển lấp lánh, đọng lại trên mắt môi tôi, từ mặt trời ở xứ sở có số cừu nhiều hơn số người. Tôi chợt nhớ một ngọn núi tuyết. Ai đó vừa mới nhắc đến Whakapapa. Tôi bị mê hoặc bởi ngôn ngữ Maori hoang dã. Và không thể nào thoát ra được khỏi trí tưởng tượng đang mắc kẹt đó.
Trời đất quỷ thần ơi, sao tôi lại vô tình quên phắt cái lưng áo màu xanh lạnh lùng ở ga tàu ly biệt - Sài Gòn những năm mười bảy, mười tám tuổi được nhỉ?
“Xin lỗi tuổi trẻ chết tiệt”, tôi vẫn thì thào khó chịu. Tôi sẽ không viết tiếp truyện ngắn về một truyện ngắn ấy nữa. Tôi có một câu chuyện khác cần được chia sẻ. Về một cô gái và một bộ quần áo màu xanh chẳng hạn, kiểu thế.
Rồi sau đó, tôi ngờ nghệch ngẫm nghĩ đến cái lưng áo màu xanh dưới ánh đèn lờ mờ trong phòng khách, và nhận ra rằng, chẳng hề có gã trai nào bên cạnh tôi lúc này. Chẳng hề có một tuổi trẻ bất diệt ở bên cạnh tôi lúc này. Nhưng, tôi biết một sự thật, người đàn ông gần bốn mươi của tôi dường như vẫn đang bị nhốt trong căn phòng kín hơn sáu mươi ngày không thấy ánh sáng mặt trời vì lệnh lockdown thời dịch bệnh.
5.
Tôi đã trút bỏ chúng trưa nay khi vừa bước chân vào phòng tắm. Bên ngoài nhiệt độ không êm ả dịu dàng lắm. Tôi quyết định trút bỏ chúng. Mùa nắng gắt, nồng. Mùi xú uế, cống rãnh bốc lên nghẹn mũi. Ở những thành phố rực rỡ chói gắt sắc màu, tôi đã thấy mùa nước nổi dưới chân mình. Dù rằng, những chiếc áo xanh thẫm vẫn hì hục đào sông và đúc bê tông giữa trưa để thay hệ thống cống rãnh cũ kỹ. Nước vẫn nổi vào mùa bão, lũ. Cống rãnh vẫn tắc vào mùa mưa. Mùi xú uế vẫn nghẹn mũi vào những buổi trưa.
Tôi trút bỏ và xả nước.
Sáng hôm sau.
Sáng hôm sau nữa.
Sáng hôm sau nữa nữa.
Bộ quần áo màu xanh đã bắt đầu bốc mùi cống rãnh của buổi trưa nắng gắt, nồng.
Tôi tiếp tục xả nước. Nước lầm bầm nổi bọt xanh. (Bộ quần áo mà tôi yêu thích đã nổi bọt xanh). Vài mầm rêu mốc bắt đầu bám đều trên ve áo, gấu quần. Chúng trêu ngươi tôi. Chúng giễu cợt tôi. Chúng câm lặng đợi chờ tôi mó máy đôi bàn tay và nhấc lên, thay nước mới, hoặc cho xà phòng cùng với nước xả comfor hăng hắc. Chúng thèm khát được tôi quan tâm, ghì siết, vặn xoáy, vắt kiệt, sau đó treo lên móc sắt, mang ra ngoài nắng phơi phóng.
Đáng thương thay, tôi chỉ nhìn chúng bằng ánh mắt hờ hững và phớt lờ. Tôi đang bận trôi về nơi đó. Nơi tôi có thể mơ mộng, chơi trò đuổi bắt với những mầm non của lý tưởng. Tôi đã từng khóc nấc lên, khi lý tưởng bị người ta chà đạp bằng vài centimet chiều cao, khi cha tôi thất thểu dắt xe ra khỏi cánh cổng sắt: “Con ạ, muốn bước lên bục lý tưởng, con phải đệm xuống gót chân một thứ gì đó có giá trị”. Hóa ra, lý tưởng ở thời đại của tôi đã được đo đếm sẵn trên một chiếc cân bị lệch hẳn các con số.
Tôi chẳng muốn nghĩ về cái màu xanh ấy nữa. Chúng đã bị tôi ném vào thau nước. Tôi đã nhìn thấy, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, nước trong thau bắt đầu đổi sang màu đùng đục, như màu nước lũ. Có lẽ người ta đã ngầm nhuộm cái màu sắc ấy cho bộ quần áo. Tôi quyết định cúi xuống thau và vò, xoắn, vắt kiệt. Nước rỏ ra trên mười đầu ngón tay tôi. Nước bám dính sền sệt. Nước choèn choẹt cơn buồn nôn. Tôi khựng lại trong giây lát, mắt nhìn đăm đăm vào bàn tay mình. Bộ quần áo màu xanh bắt đầu bốc mùi hôi thối của cống rãnh, mùi tanh tanh của chất sắt trong máu. Rồi, loang dần ra trong thau nước, thấm vào bộ quần áo xanh. Tôi chắc chắn đó không còn là bộ quần áo màu xanh nữa. Dứt khoát thế. Màu của sự buồn nôn, chúng lừ lừ sôi lên trong thau nước như bọn quỷ từ địa ngục đang đun máu trong những chảo dầu khổng lồ bằng sắt. Hẳn đây chỉ là một giấc mơ thôi hoặc là ảo ảnh? Bộ quần áo của tôi bỗng dưng biến mất. Bên ngoài hình như có tiếng réo gọi thảm thiết, tiếng khóc, tôi nghiêng tai lắng nghe. Âm thanh bắt đầu lớn dần và vỡ òa, loãng ra, tràn ra, kéo dài ra, vang như tiếng dùi sắt gõ vào chuông, tiếng hét trong rừng sâu vọng về từ vách núi.
Tôi rời khỏi phòng tắm.
Bộ quần áo xanh màu trời lùi vào góc ký ức, ở bước chân thứ nhất. Chúng tiếp tục hóa thành mây bay lãng đãng trong giấc mơ của tôi từ bước chân thứ hai. Và sau đó, dừng lại ngay thì hiện tại ở bước chân thứ ba. Cánh cửa chỉ cách tôi vài bước nữa. Chúng sẽ cứu tôi, giải thoát cho tôi khỏi tình cảnh mơ màng không phân biệt nổi sắc màu trong căn phòng tắm nhỏ bé kia. Rõ ràng, tôi đã vận bộ quần áo xanh ấy ra đường sáng nay. Rõ ràng, tôi đã tự trút nó xuống chậu nước trong vắt kia. Rõ ràng, mọi sự đều rõ ràng như mặt trời quen thuộc hàng ngày vẫn đều đều lên và xuống. Vậy đấy, cho đến khi tôi quay trở lại. Tất thảy chúng đều rõ ràng, nhưng, không hẳn đã bình thường như người ta vẫn gọi là đúng quy trình. Có thể tôi sai quấy ở đâu đó chăng? Tôi đứng nguyên ở vị trí của bước chân thứ ba và lẩm bẩm lục lọi trí nhớ, khoảng thời gian vào buổi sáng nay. Tôi nghĩ về quán café quen thuộc mình vẫn thường ngồi. Những đứa trẻ ở đó rất dễ thương. Và ngày nào, chúng cũng ngồi ở quán café ấy với tôi. Tâm hồn chúng chưa hề bị động chạm hoặc vấy bẩn, lúc này. Chỉ có chiếc áo màu xanh của tôi, hôm ấy đã tràn màu nâu sẫm của tách café vô tình. Cậu bồi bàn tất bật, vô tình lách người va chạm tôi. Tách café vô tình rơi. Tôi mơ màng nghĩ về căn phòng tắm của mình, mơ màng tìm nơi chốn để hắt những giọt màu nâu ấy xuống đất. Đấy, ngay bước chân thứ ba, chỉ cách cửa ra vào vài nhịp đếm nữa thôi, tôi có thể đào thoát và tiếp tục ngắm mặt trời dưới tán cây long não. Hoặc rời bỏ nơi chốn này, để mơ giấc mơ dưới chân đồi lấp lánh ở bên kia đại dương. Tôi lại nghe giọng cha tôi đều đều trong nhiều lớp tầng ký ức xưa cũ: “Con ạ, đừng mơ về những bộ quần áo màu xanh nữa. Con ạ. Con ạ. Con ạ...”.
Tôi gọi ú ớ liên tục những âm thanh trầm đục vẫn không thể nào vượt thoát khỏi cổ họng mình. Tôi biết, tôi vẫn đang ở phòng tắm, không phải quán café. Tôi gắng nhấc nốt thêm một bước chân nữa về phía trước, rời khỏi phòng tắm, khỏi bốn bức tường màu xám này. Nhưng, dưới chân tôi như bị phết keo, một vũng keo nằm trên cái bẫy chuột bằng giấy bìa cứng mà mẹ thường mua ở chợ xép về đặt vào góc nhà, hoặc xó xỉnh nào đó. Ngay cái thời khắc khó khăn này, tôi lại thấy một người đàn ông mặc áo dài đen. Một vạt áo thấm ướt và có mùi tanh. [Tôi nghe mùi tanh]. Chúng tản ra khắp phòng. Người đàn ông mặc áo dài đen biến mất. Mùa xuân năm một ngàn chín trăm […], cha tôi ngồi đợi người đàn ông mặc áo dài đen ấy về ăn cơm trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Mùa xuân năm một ngàn chín trăm [...], những cánh đồng khoai lang trắng nổ tung như pháo hoa ngày tết. Mùi tanh đó đang loang ra, nhưng bất giác chúng lại tan bay đi hết, tôi thoang thoảng nghe mùi comfor hăng hắc xộc lên mũi.
Một buổi trưa mệt mỏi. Giấc mơ rộn rạo cùng với cơn đau quằn quặn đâu đó làm tôi toát mồ hôi. Hóa ra, tôi vẫn mặc bộ quần áo màu xanh trên người sau khi rời khỏi quán café sáng. Cuộc đời tôi, tuổi trẻ tôi, hình như không phải là của cô gái mười bảy trên chuyến tàu rời ga Sài Gòn năm nào nữa. Tôi nghĩ, mọi thứ chỉ là một giấc mơ thôi. Dưới phòng tắm có tiếng nước chảy xối xả, rồi dần dần rả rích, sau đó ngưng bặt. Người đàn ông duy nhất trong nhà đang huýt sáo rộn ràng bên chậu quần áo vừa mới giặt xong. Bên ngoài khung cửa sổ nhà trọ trời xanh, mây trắng và nắng vẫn tràn sau cơn bão số mười ba.
T.B.K
(TCSH383/01-2021)
NGUYỄN VĂN UÔNG
Tôi dạo một vòng quanh hồ. Ngang con hẻm xóm cũ, tôi ghé vào thăm. Một năm trước đây, đó là một xóm nghèo thành phố với hơn trăm hộ dân.
HÀ KHÁNH LINH
- Thưa bà Thomas Hardine, bà bảo đây là lần đầu tiên bà trở lại thăm Huế?
- Vâng... nhưng Huế đã ở trong tâm thức tôi, có thể nói Huế là một phần máu thịt của đời tôi.
NGUYỄN QUANG HÀ
A Lưới - hai tiếng đó đối với mỗi người lính Trị Thiên chúng tôi là tiếng gọi trở về. Trong cái rộng lớn chung thì A Lưới là bản lề, là cái nôi cách mạng của Thừa Thiên - Huế. Song với mỗi đời lính lại có một kỷ niệm của riêng mình, không thể bao giờ quên được.
TRẦN LÊ TUẤN
Tôi tỉnh dậy lúc hai giờ sáng.
Hình như có cái gì đang đập liên hồi vào đầu. Đau lắm. Đau đến không mở mắt ra được.
ĐỨC BAN
1.
Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
NGUYỄN LỘC THÁI HÒA
Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.
MẪU ĐƠN
1.
Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.
ĐỖ TIẾN THỤY
Nàng là Y Than, mang cái đẹp ban sơ của bông hoa hoang dại. Bông hoa ấy đến hồi hé cánh tỏa hương thì bướm rừng dập dìu vây bủa.
NGUYỄN LUÂN
Trời mưa như thác đổ, từng dòng nước đỏ ngầu tràn từ trên vàn núi dội ào ào xuống đường lớn. Thén xắn quần lên quá gối, cứ nhằm lối cũ trong trí nhớ mà sục chân bước đi.
NHỤY NGUYÊN
Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.
CÁT LÂM
Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn.
TRƯƠNG QUỐC TOÀN
Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.
TRẦN QUANG KHANH
Bóng núi đổ dài xuống bãi cát cũng là lúc mấy ngư phủ trong làng chài kéo nhau ra thuyền, chuẩn bị cho cuộc hành trình của một đêm sâu mưu sinh trên biển. Bóng nắng hẫng dần lên các chỏm cao của ghềnh đá. Hắn uể oải bước ra sát mép sóng, tìm sự khuây khỏa với đám bụi nước, dư phần của những con sóng vồ vập vỗ vào ghềnh.
BẢO THƯƠNG
Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.
VŨ THANH LỊCH
Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.
HOÀNG THÁI SƠN
Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.
PHẠM GIAI QUỲNH
Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn.