Ảnh: Internet
Nếu đặt ra tiền giả định về nghĩa của văn bản Tường Thành, diễn giả có thể nghĩ đó là câu chuyện xoay quanh mặt trái của xã hội và lấp đầy khoảng trống ký hiệu bằng cách suy xét văn học sử, dựa trên những hiện tượng có thực của đời sống người Hà Nội những năm đầu thế kỷ XXI, cũng như diễn biến có ảnh hưởng trực tiếp từ đời sống người viết (xem những bài phỏng vấn). Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó, với lối suy ý bề mặt, vô tình chúng ta đã đẩy Tường Thành và tác giả của nó vào thế bí của diễn ngôn, thậm chí là sự áp đặt chủ quan lý tính của chúng ta về nó. Tường Thành, tự nó đã là hố thẳm của những suy tư sáng tạo nhà văn. Hãy gạt bỏ định kiến ngoài lề của chúng ta về văn bản, cởi mở những suy tư về sự kiện làm nên giá trị ngôn ngữ, độc giả sẽ thấy một Tường Thành giàu nhân bản. Tường Thành từng là điểm tái diễn của nhiều diễn giả, người dùng suy tư báo chí thì tái diễn nó bằng cách đưa vào văn bản “tư cách nhà báo”, tác phẩm dừng lại như là tập hợp của diễn ngôn báo chí - một hình thức diễn ngôn sự kiện; người theo lối suy tư xã hội học thì nhìn văn bản như bảng thống kê các vấn đề xã hội, để rồi bám vào đó suy ý theo hướng tả thực xã hội; nhà văn học sử tìm trong văn bản những sự kiện nóng bỏng để đưa vào diện mạo Hà Thành thêm phần sắc thái... và còn nhiều diễn giải khác. Chúng ta khoan bàn luận về giá trị của những lối diễn giải đó, vì điều ấy tự mỗi diễn giả có thể tự chứng nghiệm cho riêng mình. Cái chính tôi muốn nói ở đây là, bất kỳ lối diễn giải thiên tư nào cũng có hướng đẩy ý tứ thuần túy của văn bản vào sự gán nghĩa, đó là quá trình chúng ta áp đặt kinh nghiệm của mình cho nó. Để Tường Thành tự nói lên tiếng nói của nó, tôi đề nghị chúng ta hãy trở về với những gợi mở tự thân từ phía văn bản. Biết đâu, trong tiếng nói tự thân ấy, chính tác giả của nó chưa hẳn đã nghĩ hoặc chủ tâm đưa những “ý tứ” ấy vào văn bản. Đó là sự kỳ diệu của kí hiệu. Vậy ý tứ của Tường Thành thông điệp tới chúng ta điều gì? Hãy trở về với bối cảnh bên trong văn bản để lắng nghe tiếng nói của nó bằng hoài niệm. Chúng ta hãy cứ cho mình cái quyền nhận định về nghĩa của văn bản, hãy cứ xem Tường Thành là tiếng nói nghiệm sinh về số phận con người, về những giá trị của họ, mà ở một khía cạnh nào đó, nó sẽ cứu rỗi và bình ổn tâm thế họ. Câu chuyện có bối cảnh xuất phát từ sự kiện hồ Hỏa Tước. Như vậy, điểm phát xuất cho diễn giải bằng hoài niệm phải là những tình tiết tạo dựng bối cảnh truyện từ sự kiện hồ Hỏa Tước. Từ hồ Hỏa Tước, chân dung nhân vật được tác giả Tường Thành xây dựng theo những sự kiện có hướng chọn lọc nhân cách, từ đó nói lên các vấn đề của hiện thực. Tính đánh lừa của câu chuyện quanh hồ Hỏa Tước thể hiện ở điểm, Tường Thành tưởng như nhằm đi sâu vào biểu tả cuộc đời của bộ ba nhà báo: Kỳ - Dương - Phương Nam. Và tất nhiên, với lối diễn giải bất-thuần túy về văn bản, nghiễm nhiên ba nhân vật trên sẽ là ba nhân vật chính. Đó là cách quan niệm sai lầm. Chúng tôi cho rằng ba nhân vật trên chỉ là hình thức của lối chơi tư duy nghệ thuật mà Võ Thị Xuân Hà đã có chủ đích về nó, xong bản chất của trò chơi ấy lại nằm ở mạch ngầm câu chuyện kể, và mã của cuốn tiểu thuyết phải nằm ở bộ ba nhân vật: ông Đông - người tự thiêu trong đám cháy hồ Hỏa Tước, Họa - người đàn ông trẻ tuổi mới ra tù và cô gái điếm tên Cần. Mọi rích rắc của câu chuyện hồ Hỏa Tước đi ra từ ba nhân vật ấy, để rồi lại trở về trong sự giảng hòa của chính ba nhân vật. Ý nghĩa của Tường Thành theo chúng tôi, nảy sinh từ những suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của ông Đông, Họa và Cần. Giá trị triết lí của cuốn tiểu thuyết cũng từ đó mà ra. Tôi đề nghị, chúng ta hãy đối thoại công bằng với văn bản. Để có cơ sở cho sự đối thoại ấy, hãy lập cho văn bản một phả hệ của những liên đới rích rắc, nhiều tình tiết:
Từ bản phổ hệ trên, diễn giả lần tìm về nghĩa của văn bản, bằng việc viết lại những đoạn đối thoại với từng nhân vật. Theo đó, sẽ có ba hướng tiếp cận và giả định phù hợp với ba nhân vật: Phương Nam - Dương - Kỳ, trên cơ sở ấy tìm hiểu nguyên nhân chi phối hành động, suy nghĩ của ba nhân vật bắt nguồn từ đâu và từ những nguyên nhân ấy đi vào ý nghĩa trung tâm của tác phẩm. Gạt bỏ yếu tố ngoại biên, đi thẳng vào vấn đề trung tâm, chúng ta thấy, toàn bộ cuốn tiểu thuyết là văn bản nghiệm sinh của con người, ý nghĩa câu chuyện là chống kỳ thị, chống lí tính và mong muốn kiếm tìm xúc cảm ngã vị nơi con người của nhà văn. Nhân vật Phương Nam Là nhà báo sắc sảo, có ký ức không vui, Phương Nam đi vào nghề báo với mục đích chống lại những gai góc cuộc đời, đi vào khám phá những tệ nạn xã hội, đặc biệt là thế giới tối đen của các ông tổng xếp. Cô là trung tâm của mọi sự chú ý, là người có ảnh hưởng lớn trong làng báo. Cuối cùng chọn việc kết hôn với Nam Hải như định hướng cho sự hoàn tất mục đích trả nợ đời của mình. Đó là khái quát cơ bản về cuộc đời nhân vật này. Vậy ý nghĩa của Tường Thành sẽ là gì, nếu như xem nhân vật này là trung tâm của truyện? Theo tôi, Phương Nam chỉ là cái nền để ý nghĩa câu chuyện được giải mã lần thứ nhất, tiến sâu hơn tới ý nghĩa mà cuốn tiểu thuyết chứa đựng. Phương Nam đi lên từ những ký ức buồn, xét ở góc độ nào đó, cái giây phút cô bị cưỡng hiếp cũng bị động như cách Cần bán thân. Như vậy về điểm xuất phát: Phương Nam = Cần. Nhưng mục đích cuối cùng của Phương Nam vẫn là theo đuổi việc “trả thù” với đời. Việc kết hôn với Nam Hải, việc điều tra các vị sếp có liên đới tới tiêu cực xã hội là tất cả những sự kiện đưa đến kết luận về tính thánh thiện và giá trị nhân bản của cô. Theo tôi, nếu chỉ căn cứ vào sự kiện và tình tiết của nhân vật này, thì ý nghĩa nhân bản của Tường Thành, vô tình, đã bị đẩy vào những giới hạn cực đoan, là lối gán nghĩa cho văn bản. Hãy sắp đặt phản đề cho tiền - văn bản, chúng ta sẽ thấy, nếu không xuất hiện Phương Nam thì ý nghĩa nhân bản trong Tường Thành như thể tất yếu hiện sinh của con người, là ý nghĩa nhân văn tốt đẹp giữa người với người liệu có tồn tại không? Theo chúng tôi, nó vẫn tồn tại, duy chỉ có điều, nó ít sắc thái hơn. Bởi vì, kết thúc trung tâm truyện vẫn còn đó: Cần + Họa + con gái ông Đông = Gia đình - thức tỉnh con người, thức tỉnh xã hội. Sự hiện diện của Phương Nam, làm ý nghĩa câu chuyện được bổ sung, đồng thời làm rõ giá trị nhân bản từ những kiếp người như ông Đông, Họa và Cần. Nhân vật Dương Là nhà báo có tiếng, Dương giống như Phương Nam, rất yêu nghề của mình, anh mong muốn vạch trần những xấu xa, tiêu cực của xã hội để cuộc sống có ý nghĩa và lành mạnh hơn. Anh là người sắp đặt nên cuộc gặp gỡ duyên phận với Phương Nam và Kỳ, để rồi lùi dần vào hậu trường câu chuyện. Dương chuyển vào Nam công tác, một sự ngẫu nhiên hay là do nhà văn cố ý sắp đặt? Điều ấy xin gửi lại nơi bạn đọc. Với chúng tôi, chúng tôi cho rằng Dương giống như Phương Nam, cũng nuôi lý tưởng chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp, muốn vạch trần những tồn tại của xã hội để con người trở nên thánh thiện hơn. Nhưng anh là người “chiến bại”, bởi anh có ý chí, có mục đích, có lý tưởng sống, song ở anh thiếu đi tình yêu nhân loại. Anh có được niềm tin nơi công chúng, anh chiếm được tình cảm thuần túy ở Kỳ, nhưng anh lại thiếu đi sự cao thượng và lòng dũng cảm trước một cô gái điếm. Chính điều ấy đã đẩy Dương vào vòng xoáy tư tưởng nhiều mâu thuẫn: anh sẵn sàng đấu tranh cho sự thật xã hội nhưng lại là người sợ sự thật của chính mình. Vì vậy, Dương không thể là người cứu rỗi nhân loại. Nhân vật Kỳ Là cô giáo dạy toán, rẽ ngoặt sang làm báo, Kỳ cũng giống như Dương và Phương Nam, cô đi vào cuộc sống với mục đích và lý tưởng chung tay xây đắp một xã hội tươi đẹp, người với người sống với nhau thân thiện. Tuy không phải là người “chiến bại” như Dương nhưng cô là người yếu đuối và đơn độc trong đấu tranh trước cái xấu. Là người có nhiều dự định tốt đẹp, có lý tưởng về tình yêu lớn nhưng cô không đủ sức để chiến đấu lại cả thế lực đen tối của xã hội đang dồn đẩy vào cô. Cô đơn độc trong mỗi dòng chữ và trong mỗi sự kiện. Sự chuyển hướng sang nghề văn đã minh chứng cho sự “đơn chiếc” này của cô. Cô yêu cuộc sống, muốn mình là “tường thành” để che chở cho số phận người yếu thế, nhưng cái bóng quá lớn của cái phi thiện đã đẩy cô vào sự cáo lui với lý tưởng ấy. Như vậy, trong mối quan hệ với thế giới đen tối, Kỳ cũng như Phương Nam và Dương là những người thất bại. Với việc khảo sát ba nhân vật làm thành cái phổ hệ bên ngoài cho thấy, nếu chỉ xét bề nổi các sự kiện làm nên văn bản, rất có thể chúng ta rơi vào bế tắc trước tác phẩm. Như vậy, bộ ba Kỳ - Dương - Phương Nam chỉ là hình thức bao bọc ý tứ tiềm ẩn của truyện. Nhưng thông qua diễn biến câu chuyện của ba nhân vật này, giúp chúng ta quy giản những lớp nghĩa bề mặt để bước sâu hơn vào văn bản. Nhân vật ông Đông Ông Đông là người xuất hiện ít lần nhất trong tác phẩm, nhưng sự ảnh hưởng của ông dường có sức lan tỏa toàn bộ truyện và chi phối tới lối nghĩ những nhân vật xung quanh. Vì vậy, theo chúng tôi, ông Đông là mã giải trung tâm cho nghĩa và ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết. Ông là người sống trong cái vòng luẩn quẩn của trò đùa số phận, nhưng lại là người mang trong mình cái lý tưởng cứu rỗi nhân loại, cứu rỗi cả những người vốn bị xã hội cho là “thấp hèn”, thậm chí đôi khi là trung tâm của mọi tệ nạn. Ông vạch trần thứ xu thời, đạo đức giả của những luật tục tưởng như cao đạo: “dân đen phải chết trước. Rẫy cỏ xấu trước mới chặt được gai, mới trị bằng hết gai, sau đó cỏ sẽ lại lên xanh tốt. Cháu không hiểu đâu. Sinh ra làm phận dân đen phải chịu trận trước. Chính sách của chính thể mình tốt đẹp lắm. Rồi dân sẽ được cư xử xứng đáng. Bây giờ thì đám dân ngu muội này chưa hiểu đâu. Thậm chí sẽ hành hạ thân xác bác. Nhưng rồi họ sẽ có chỗ sinh sống tốt hơn” (tr. 59). Cốt lõi của truyện là ở luận điểm trên. Hành động của các nhân vật trong tác phẩm, xét đến cùng cũng là để cố chứng minh thuyết phục cho lời nói của ông Đông bằng việc làm cụ thể. Và sự góp nhặt những hành động cụ thể ấy là các bình diện khác nhau để lý giải cho triết lý “sinh ra làm dân đen phải chịu trận trước” và để rồi lại trở về trong lý luận nhân bản “sống như một con người chân chính [mà]... không phải luật pháp” (tr.67) áp đặt cho con người. Chính điều này trong tư tưởng ông Đông đã gột rửa thân phận của ông, đưa ông trở thành biểu tượng trung tâm của Tường Thành. Cái tường thành được dựng lên bằng tình yêu của con người với đồng loại - bức bình phong kiên cố chống lại sự giả tạo và đen tối của cuộc đời. Nhân vật Cần Xuất hiện từ đầu cuốn tiểu thuyết, Cần là người duy nhất hiểu cái chết của ông Đông và cũng là người duy nhất lĩnh hội được ý nghĩa điều ông Đông gọi là tình cảm nhân loại: “ông ta bị kịch phát bệnh, khi tẩm xăng vào người mang ý tưởng cứu rỗi nhân loại, cứu thoát con gái và các cô gái điếm khác khỏi hiểm họa bệnh tật diệt vong tuyệt mạng tuyệt số” (tr.290-291). Là người thiếu may mắn trong cuộc sống, cô bước vào đời với nhiều tủi nhục và đau đớn nhưng ở cô, cái “thánh thiện” của người con gái đã “hạ bệ” nhiều giá trị tưởng như vững bền. Cô làm nghề bán thân, với nhiều người đó là sự “ô nhục”, nhưng chính cái “ô nhục” ấy lại cứu rỗi những linh hồn tưởng như “thánh thiện” và “cao đạo”. Biết bao người trong cái xóm liều bên hồ Hỏa Tước chứng kiến cái chết của ông Đông trong sự lạnh nhạt, thờ ơ, tất nhiên với họ điều đó hợp logích, vì họ mất đi cái “an cư” duy nhất của mình. Nhưng sự lạnh nhạt của những người mang trong mình trách nhiệm xã hội (vị công an trẻ tuổi, và những người trong tổ trị an phường) trước cái chết của ông Đông có lẽ cần phải được nhìn nhận nghiêm khắc. Giây phút mà cô gái điếm Cần dốc hết tài sản để Họa có được “cái quyền” mang xác ông Đông đi đã nói lên tất cả. Hãy đặt tiếp phản đề cho câu chuyện, nếu như Cần không có đủ tiền “chuộc xác”, nếu Họa không xuất hiện để đưa cái xác đi thì ông Đông sẽ ra sao? Ông sẽ phải chịu “cái án tử hình lần thứ hai” trước sự lãnh đạm, thờ ơ của người đời, của những quy tắc cứng nhắc, phi-nhân tính. Là người chứng kiến giây phút ông Đông trăn trở với lẽ đời, nên cô thấu hiểu cái ý nghĩa hiện sinh của mình. Cô vẫn sống, vẫn làm nghề bán thân, nhưng ý nghĩ tốt đẹp mà cô hướng về con người luôn hiện hữu trong từng lời nói ám ảnh tâm trí: “Con gái ạ, con nhớ điều này: dù cuộc sống có thế nào, con hãy yêu nó, hãy tin tưởng vào tương lai tốt đẹp mà cuộc sống sẽ cho con” (tr.59). Tuy không phải là người ôm ấp lý tưởng cứu rỗi nhân loại như ông Đông, nhưng ở Cần, trách nhiệm của một con người với xã hội đã níu kéo bản tính lương thiện của Họa ở lại trong nghĩa tốt đẹp của nó. Cô là cái đích để Họa trở về trong ý nghĩ của “kẻ mắc nợ”, nhưng cao hơn là cái ý nghĩ “trong cái khổ và tủi nhục của cuộc sống”, con người cần phải che chở, đùm bọc và thương yêu nhau. Cái ý nghĩ nhân sinh ấy là động lực để Cần tiếp tục sống tốt hơn, theo những giá trị từ bài học của ông Đông. Để rồi, ý nghĩ tươi đẹp về sự cứu rỗi lẫn nhau của những người cùng số phận ấy sẽ trở lại trong phần kết thúc cuốn tiểu thuyết: “Vâng, anh ấy nói với em chờ anh ấy một thời gian rồi khi có chút tiền đủ lo mọi chuyện, anh ấy sẽ xây mộ cho bác Đông, rồi đưa con Xuẩn Ngốc về sống với em chị ạ... Thật kỳ lạ, trong ba người chúng tôi lúc này, chỉ có cô gái điếm là đang hạnh phúc” (tr.299). Nhân vật Họa Họa là nhân vật có cùng số phận như ông Đông và Cần, nhưng anh là người sớm giác ngộ được cái chân lý của mình: “Tao tự đặt tiêu chí chân chính cho mình, không phải luật pháp đặt cho tao, mày có hiểu không? hiểu rồi thì sau đó mới chiểu theo luật mà làm. Một xã hội văn minh thì phải có luật, phải tuân theo luật… Chúng ta là những kẻ tự do biến thái lâu quá rồi. Vào chùa để tu chứ không phải để hưởng lộc” (tr.67-68). Họa là người được ông Đông giác ngộ, nói đúng hơn là được cái lý tưởng nhân loại của ông giác ngộ. Từ chỗ anh cười trên số phận của mình, cười trên sự hả hê của “bản năng ác” bật lên từ những dồn nén trước hiện thực: “Là họ không biết thôi, tao học luật mà, không ai nghĩ cái giây phút tao quật thằng lơ xe xuống, trong tao vô cùng khoái trá sự trả thù, nỗi thèm khát được đập chết sự tàn ác, dửng dưng, biến thái của người đời” (tr.66) đến chỗ anh nhận ra “tao cần phải sống. Mẹ tao mong muốn như vậy. Nhưng là sống như một con người chân chính” (tr.67). Chính khát khao hướng thiện ấy ở Họa đã thanh lọc tâm hồn anh, nó cứu cánh tư tưởng và sát nhập anh gần tới bến thiện. Cái hành động quyết tâm đi tìm người con gái của ông Đông, ngoài nghĩa cử với người đã khuất, ở Họa còn là quyết tâm nâng đỡ “những con người nhỏ bé trên đôi vai của mình”, là ý nghĩa nhân văn “người với người sống để yêu nhau”. Từ việc hiểu mình, thương mình, anh đi đến thương người và hướng tới những người đồng cảnh ngộ với mình, đánh thức trong họ khát khao yêu cuộc sống. Ở bên ngoài bức tường thành bị bao quanh bởi những điều phi lý và phi nhân tính của xã hội, vẫn còn đó mặt bên kia giàu nhân bản của nó. Con người đã tự xây cho mình bức tường bao bọc lấy cái thiên lương, bằng chính những hành động và nghĩa cử cao đẹp. Bức tường thành đó sẽ chở che và cứu vớt linh hồn họ. Tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà thâm thúy chính là ở điểm này. Đa phần các ý kiến khác nhau khi bàn về Tường Thành thường đặt nặng và hướng sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề tính dục trong văn bản. Theo chúng tôi, tính dục chỉ là nguyên cớ để nhà văn nói nhiều hơn và sâu hơn phía dưới lớp bề nổi ấy, đó là tình thương đồng loại giữa con người với con người. Đồng ý! Vấn đề tính dục xuất hiện dường như xuyên suốt tác phẩm, nhưng vượt qua những nhục cảm trần tục ấy, Võ Thị Xuân Hà đã phác thảo chân dung tinh thần của đời sống nhân vật, với những dằn vặt và xúc cảm phía sau đó. Phía sau cái yếu ớt của thân thể đã nhuốm bụi trần, người đọc vẫn thấy một cô Cần đối lập hoàn toàn với “những” Tiền Thị Kim, phía sau cái tội lỗi của Họa, của Vành Khăn Tang vẫn hiện lên nhân cách thánh thiện và niềm đam mê, khao khát cái đẹp (đam mê viết văn của Vành Khăn Tang) đối lập hoàn toàn cái bản năng dã thú được che đậy bởi lớp mặt nạ hào nhoáng về nhân cách của ông Mạnh, của Tống Đình, Nam Hải… Đúng như Dương đã nói “nếu thể xác không trong sạch, linh hồn có thể tẩy rửa thể xác, tại sao linh hồn lại phụ thuộc vào thể xác… chừng nào chúng ta còn tách bạch linh hồn với thể xác thì chừng đó chúng ta còn chưa hiểu nổi vì sao đang là cậu bé mơ ước trở thành nhà văn, cậu ta lại biến thành một kẻ giết người” (tr.287), anh không chỉ nhìn thấu giá trị nhân cách ở con người, sâu hơn, anh đặt ra những nghi vấn về sự tồn tại của cái gọi là đạo đức do con người tạo ra để kết tội cho cảm xúc thuần túy nơi họ. Đạo đức sẽ là gì đây khi nó khuôn phạm con người trong những phép tắc nhuốm đậm sắc thái lí tính. Chúng ta cứ khăng khăng giữ cho mình cái nhìn đạo đức duy lí về hiện thực, có khác nào, chúng ta đang ca tụng cho những kiểu mặt nạ nhân cách, cổ xúy cho lối sống xu thời phát triển, vậy cái nhân bản của con người nằm ở đâu? Lấy cái gì để cứu vớt họ? Lí tính ư? Hay đạo luật do xã hội tạo ra để phục vụ cho một quyền uy vô hình? Thật trớ trêu thay, chúng ta thường sống theo những rãnh mòn của đạo lý, mà không dám bứt phá khỏi cái đạo lý ấy để được sống thật với mình. Họa, Cần và ông Đông là những người mang trong mình cái phẩm tính hiện sinh giàu nhân bản, ở họ, cái ý nghĩa nhân sinh đơn thuần chỉ là “sống như một con người chân chính”. Sống đúng như con người mình, đó là thứ vũ khí, là bức tường thành kiên cố, chống lại sự xâm lấn của cái phi-thiện, cái lạnh lùng của đạo đức xã hội. Vì vậy, vượt trên bề nổi của một tường thành với những quy chiếu tối đen từ thực trạng xã hội được “quây bằng những lũ người: vòng tròn trong là các cô gái điếm với sự thèm khát dục của những con đực, vòng ngoài là những tay cờ bạc nghiện hút” là bức tường thành được xây bằng nước mắt tủi cực của những con người nhỏ bé và dưới đáy, bức tường thành mà chất liệu của nó là tình thương đồng loại, khuôn hình của nó là giá trị nhân bản, sẵn sàng đến với nhau, che chở và đùm bọc lẫn nhau, cùng nhìn về tương lai mới của số phận. “Không, tình yêu thương rồi sẽ lên ngôi. Tình yêu thương sẽ dựng bức tường thành che chở cho con người khỏi sự tang thương bệnh hoạn nghèo đói bội bạc hèn đớn” (tr.288). Ý nghĩa toàn bộ cuốn tiểu thuyết nằm ở triết lý nhân sinh này, cái triết lí về sự cứu rỗi lẫn nhau của con người, trong sự thánh thiện và cao cả của nó. Điều này chưa hẳn tác giả cuốn tiểu thuyết đã nuôi ý định ban đầu về đứa con tinh thần của mình, nếu có, thì ý nghĩ vô thức ấy được thể hiện trong những châm ngôn triết lí nhiều hơn, còn tinh thần của cuốn tiểu thuyết phải nằm ở tính gợi mở tự nó, ở khả năng tìm tòi của bạn đọc. Tất nhiên, giá trị của văn bản sẽ tôn vinh tinh thần của người sáng tạo ra nó, dù là nó nằm trong vô thức của họ, nhưng chí ít, họ đã mang tác phẩm của mình đến với cuộc đời, đến với thế giới nghiệm sinh nhiều trăn trở và làm giàu tinh thần nơi bạn đọc. Tường Thành đã đặt ra nghi vấn về những gì con người luôn cho là thánh thiện, là thiên lương nhưng xét đến cùng, tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng của tư duy, giống như “thể xác… chấp nhận sự giáo dục đạo đức, nhưng linh hồn… lại đón nhận cuốn sổ thiên tào quy rằng cậu ta sẽ trở thành kẻ sát nhân” (tr.288). Võ Thị Xuân Hà là người đam mê chơi cấu trúc. Tường Thành được sắp đặt theo một cấu trúc khác lạ, với những biến chuyển linh hoạt giữa các mục trong phần và giữa các phần với nhau. Theo chúng tôi, Tường Thành có cấu trúc theo kiểu thức “phân mảnh” của lối viết hậu hiện đại. Cần lưu ý rằng, lối cấu trúc này không phải là sự tách rời tùy tiện theo mỗi dạng thức cá biệt, trái lại, tính phân mảnh luôn dựa trên nguyên tắc “trường thống nhất” của lối hình họa Fractal. Lưu Hà (báo Vnexpress) cho rằng Tường Thành có lối cấu trúc theo kiểu “khối ru bích hoặc như một mê cung hình xoáy ốc”, theo chúng tôi là chưa toàn diện. Vì, thứ nhất, lối kết cấu ru bích tôn trọng sự ngẫu nhiên, nhưng để đi đến việc liên kết các mảnh đồng dạng trong một mặt, đòi hỏi phải tồn tại “ý đồ” về văn bản. Như vậy, người đọc muốn tìm ra ý nghĩa toàn vẹn của vấn đề, họ phải sắp đặt lại bằng lý tính những tiểu lập phương trong một mặt, điều ấy rất dễ đưa văn bản vào sự gán nghĩa của kinh nghiệm đọc cũng như tư duy có chủ đích của độc giả. Vậy thì văn bản đâu còn ý nghĩa tự nhiên của nó nữa. Thứ hai, nếu nói văn bản có kết cấu theo hình xoáy ốc thì lại càng không hợp lý với Tường Thành. Bởi, một là, lối kết cấu theo hình xoáy ốc phải đi theo trình tự của tình tiết truyện, nghĩa là đi theo chuỗi tiếp biến nhất thiết phải có dữ kiện A rồi mới đến dữ kiện B, sau đó, dữ kiện B được mở rộng cấp độ theo C và C sẽ lặp lại A trên một bình diện nhận thức mới. Có thể kết cấu này sẽ giúp cho văn bản có độ mở về nghĩa và ý nghĩa, song tính ngẫu hợp của văn bản, ngay lập tức bị phá vỡ. Trong khi đó, yếu tố ngẫu hợp là điểm sống còn của Tường Thành, vòng cuối của câu chuyện đôi khi nằm ở vị trí vòng đầu và vòng đầu lại nằm ở vị trí vòng cuối… Hai là, lối kết cấu hình xoáy ốc sẽ thúc ép và khuôn phạm hành động nhân vật vào một khung hình bắt buộc, bởi xoáy ốc thứ hai bắt buộc phải có hình thức tương tự như lượt xoáy ốc thứ nhất; tương ứng với điều đó, mục thứ hai trong phần hai phải tương ứng về nội dung, sự kiện với mục thứ hai của phần thứ nhất, đây là điều trái với lôgích Tường Thành. Chúng tôi cho rằng, Tường Thành có kết cấu phân mảnh theo lối viết hậu hiện đại, vì, thứ nhất, văn bản tôn trọng sự ngẫu nhiên giữa các phần mục, thứ hai, tính liên kết của văn bản cũng ngẫu nhiên theo nội dung của mỗi phần mục. Chúng ta ghép mục 5 của phần 2 với mục 2 của phần 1 hoặc với mục 9 của phần 5 thì Tường Thành vẫn mang nghĩa và gợi độ mở trong tư duy bạn đọc; thứ ba, vì tuân theo quy tắc “trường thống nhất” của lối kết cấu hình họa Fractal nên tính liên kết cho văn bản rất chặt chẽ và có hệ thống, mặt khác, sự va chạm giữa các mục trong một phần, giữa các phần với nhau, giữa mục này trong phần này với mục khác trong phần khác sẽ nảy sinh “nghĩa” khác nhau từ những “va chạm” nghĩa trong tư duy bạn đọc về ký hiệu. Do đó, nghĩa mới được nảy sinh và triển hạn, đồng thời, nghĩa cũ được duy trì, bảo lưu. Thứ tư, lối kết cấu phân mảnh khiến độc giả phải không ngừng suy tư, giải mã đối tượng, và sự đối diện với văn bản thực chất là sự đối thoại giữa các bối cảnh, giữa kinh nghiệm sống của bạn đọc với kinh nghiệm sống của nhà văn, đồng thời cũng là với kinh nghiệm thẩm mỹ của từng nhân vật. Điều ấy sẽ tạo “độ thoát” cho văn bản, đồng thời luôn “làm nóng” vầng trán của độc giả, trong khi đó, lối kết cấu theo kiểu rô bích hay xoáy ốc thuần túy chỉ là nghệ thuật sắp đặt. Võ Thị Xuân Hà tinh tế và tài năng là ở việc phát hiện ra kết cấu này. Vì vậy, dù rằng nghĩa trung tâm của truyện xoay quanh giá trị nhân bản, với những nghiệm sinh giàu triết lý của nhà văn, nhưng ở mỗi lớp độc giả khác nhau, với kinh nghiệm mỹ cảm và tri thức thực hành của họ, hoàn toàn có thể tìm cho mình lối diễn giải và tái diễn độc lập, thuần túy không giống ai, mà vẫn giữ được sự điều tiết với nghĩa trung tâm. Do đó, có thể nói, ở mỗi bối cảnh đọc khác nhau, độc giả hoàn toàn có thể khám phá ra những nghĩa khác nhau, trên một bình diện mới. Vì vậy, với Tường Thành, tôi nghĩ tác phẩm sẽ còn là dư ảnh đối với những ai đam mê văn học và đam mê chơi cấu trúc văn bản. Lời minh giải trên cũng là lời kết cho diễn giải của chúng tôi về văn bản. N.H.G (259/9-10) --------------- [TLTK] Võ Thị Xuân Hà (2006), Tường Thành, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. |
LÊ HUỲNH LÂMDạo này, thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn “nhìn đời hiu quạnh”, mà theo lời thầy Chạy đó là câu của anh Định Giang ở Vỹ Dạ mỗi khi ngồi nhâm nhi. Khi mắc việc thì thôi, còn rảnh rang thì tôi đến ngồi lai rai vài ly bia với thầy Chạy và nhìn cổ thành hắt hiu, hoặc nhìn cội bồ đề đơn độc, nhìn một góc phố chiều nguội nắng hay nhìn người qua kẻ lại,… tất cả là để ngắm nhìn cõi lòng đang tan tác.
THU NGUYỆTLTS: Tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được giới chuyên môn đánh giá cao như một hiện tượng văn học trong thời gian gần đây. Giữa lúc đông đảo bạn đọc đang hứng vị với hiện tượng này thì có một hiện tượng khác “ngược chiều” đã gây sốc dư luận.Để bạn đọc Sông Hương có thêm thông tin, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến sau đây.
HIỀN LƯƠNGVậy là Nguyễn Ngọc Tư sẽ bị kiểm điểm thật. Cầm tờ biên bản của Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau trên tay, trong tôi trào dâng nhiều cảm xúc: giận, thương, và sau rốt là buồn...
BÙI VIỆT THẮNGTôi có theo dõi “vụ việc Nguyễn Ngọc Tư” đăng tải trên báo Tuổi trẻ (các số 79, 80, và 81 tháng 4 năm 2006) thấy các ý kiến khen chê thật ngược chiều, rôm rả và quyết liệt. Kể ra không có gì lạ trong thời đại thông tin mọi người đều có quyền cập nhật thời sự, nhất là trong lĩnh vực văn chương vốn rất nhạy cảm.
NGUYỄN KHẮC PHÊ“Người kinh đô cũ” (NKĐC - NXB Hội Nhà văn, 2004) là tác phẩm thứ 14 của nhà văn Hà Khánh Linh, cũng là tác phẩm văn học dày dặn nhất trong số tác phẩm văn học của các nhà văn ở Thừa Thiên - Huế sáng tác trong khoảng 20 năm gần đây.
HỒ THẾ HÀ Trong cuộc đời mỗi con người, điều sung sướng nhất là được hiểu biết, khám phá và sáng tạo để ý nghĩa tồn sinh không ngừng được khẳng định và nâng lên những tầm cao mới. Theo đó, những thang bậc của nhận thức, nhân văn, của thành quả lao động lại biến thành những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể lấp lánh lời giải đáp.
TÔ VĨNH HÀNếu có thể có một miền thơ để mà nhớ mong, khắc khoải; tôi tin mình đã tìm được rồi, khi đọc Mưa Kim Cương của nhà thơ Đông Hà (Nxb Thuận Hoá, Huế, tháng 11.2005). Sợi dây mảnh mục như các khớp xương đan chằng, xéo buốt, chơi vơi; được giăng giữa hai bờ lở xói của cuộc đời. Trên cao là “hạt” kim cương thô ráp và gan lỳ hơn cả là đá nữa, nhưng lại giống với thân hình thần Vệ Nữ đang rơi, đang rơi, nhọn sắc, dữ dằn... Minh hoạ ở trang bìa xanh và sâu thẳm như những trang thơ.
TRẦN THANH HÀLGT: Có thể nói rằng, “Tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan Kundera được xem như là một trong những hiện tượng độc đáo đáng được chú ý trong văn học Châu Âu hiện đại”. Mỗi cuốn tiểu thuyết cô đọng của nhà văn, mang lại cho độc giả một cái nhìn độc đáo về thế giới hiện đại và vị trí con người trong đó, một thứ triết học riêng về cuộc sống và mối quan hệ liên cá nhân, “các chủ đề sắc sảo và các tính cách con người sinh động được kết hợp với những suy tư về các đề tài triết học và hiện sinh mang tính toàn cầu”.
HOÀNG VĂN Đọc Hoang thai ta có thể hình dung ra xã hội Ba Lan đương đại và những vấn đề nẩy sinh trong xã hội này.
NGUYỄN KHẮC PHÊGặp nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến - một người “chơi” sách có hạng ở đất Hà Thành - tại nhà sách lớn của Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây mới khai trương trên khu Cầu Giấy, trước ngày hội thảo về tiểu thuyết “Mẫu Thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, tôi hỏi: “Có đúng là ông đã nói trên một tờ báo rằng “Một tác phẩm kiệt xuất như “Nghệ nhân và Margarita” (NNVM) mà chưa có một nhà phê bình Việt Nam nào sờ đến cả! “Đúng vậy không?” Đoàn Tử Huyến cười nhăn cả mũi: “Thì đúng vậy chứ sao!”
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc Hoạ mi năm ngoái - Thơ Trần Kim Hoa, NXB Văn học, 2006)
LTS: Sông Hương vừa nhận được lá thư của ông Tế Lợi Nguyễn Văn Cừ gửi cho nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhằm cung cấp lại bản gốc của bài thơ “Cầu ngói”. Xin nói thêm, ông Nguyễn Văn Cừ là con của ông Nguyễn Văn Lệ, tác giả bài thơ.Sông Hương xin đăng lá thư này để hầu mong rộng đường trao đổi.
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc Ngày không ngờ - thơ Nguyễn Bình An, NXB Thuận Hóa 2007)
VĨNH NGUYÊN(Nhân xem tập thơ Nhật thực của Nhất Lâm, Nxb Thanh Niên, 2008)
NGÔ MINHLTS: Ngày 13-2-2007, Bộ Văn hoá Thông tin đã công bố quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được là 1 trong 47 nhà văn được giải thưởng nhà nước với chùm tác phẩm: Đề tặng một giấc mơ (tập thơ 1988), Trái tim sinh nở ( tập thơ - 1974), Bài thơ không năm tháng (tập thơ - 1983). Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, TCSH xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Ngô Minh về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
BÙI VIỆT THẮNGVịt trời lông tía bay về (*) là sự lựa chọn có thể nói rất khắt khe của chính nhà văn Hồng Nhu, rút từ cả chục tập và chưng cất ba mươi truyện ngắn tiêu biểu của gần trọn một đời văn. Con số 33 là ít những không là ít vì nhà văn ý thức được sâu sắc quy luật nghiệt ngã của nghệ thuật ngôn từ “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. 33 truyện được chọn lọc trong tập sách này có thể gọi là “tinh tuyển truyện ngắn Hồng Nhu”.
PHẠM PHÚ PHONGPhạm Đương có thơ đăng báo từ khi còn là sinh viên khoá bốn, khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Huế. Đó là thời kỳ anh sinh hoạt trong câu lạc bộ văn học của thành đoàn Huế, dưới sự đỡ đầu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (lúc này vừa rời ghế Bí thư thành đoàn, sang làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương vừa mới thành lập.)
HÀ KHÁNH LINHNgười lính chiến trở về bỏ lại một phần thân thể của mình trên trận mạc, tựa vào gốc nhãn hoang bên vỉa hè lầm lụi kiếm sống, thẳng ngay, chân thật, khiêm nhường.
PHẠM XUÂN NGUYÊNTrong Ngày Thơ Việt vừa qua, một tuyển tập thơ “nặng hàng trăm năm” đã được đặt trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Rất nhiều những bài thơ xứng đáng với danh xưng hay nhất thế kỷ XX đã “biện lý do” vắng mặt, và ngược lại. Đấy là một trong nhiều sự thật được đa phần dư luận kiểm chứng. Cũng là một góc nhìn khá rõ nét, Sông Hương xin giới thiệu ba bài viết của Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Qúy và Phước Giang về tuyển tập thơ “nặng ký” trên.
NGUYỄN HỮU QUÝCuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức đã kết thúc. Một ấn phẩm mang tên “100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX” đã được ra đời. Nhiều người tìm đọc, trong đó có các nhà thơ và không ít người đã tỏ ra thất vọng, nghi ngờ.