Văn xuôi Bình Trị Thiên những năm gần đây

11:01 05/07/2010
LÊ XUÂN VIỆTHơn bảy năm qua, kể từ ngày Bình Trị Thiên hợp nhất tỉnh. Trong thời gian ấy, hiện thực cách mạng đã diễn ra trên mảnh đất anh hùng này thật sôi động, lớn lao. Văn xuôi Bình Trị Thiên đã góp phần cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác phản ánh hiện thực đó, tạo nên món ăn tinh thần quý giá động viên, cổ vũ nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để thấy rõ hơn diện mạo của văn xuôi, chúng ta thử nhìn lại sự phát triển của nó.

Ảnh: Internet

1. Số lượng tác phẩm và những vấn đề của văn xuôi.

Từ lâu, bạn đọc cả nước nghĩ về Bình Trị Thiên, về Huế thường cho rằng đây là vùng đất của thơ ca. Điều ấy rất đúng. Vì chính nơi đây có truyền thống về thơ. Nhiều nhà thơ có tên tuổi đã sinh ra, trưởng thành trên “xứ mơ màng, xứ thơ” này. Không những thế, Bình Trị Thiên, Huế còn là nơi “đất lành, chim đậu” cho nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước chọn làm “quê hương thứ hai” của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Văn xuôi Bình Trị Thiên những năm qua, đã kế thừa những thành công của văn xuôi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng thời đã tạo nên những nét mới góp phần làm rạng rỡ khuôn mặt văn học ở một vùng đất miền Trung vốn nổi tiếng kiên cường, bất khuất và chuộng thơ văn…

Bảy năm qua, thời gian tuy không dài nhưng văn xuôi đã phát triển khá mạnh. Đó là điều đáng chú ý. Hàng trăm truyện ngắn, bút ký, hàng chục chương trích trong các cuốn tiểu thuyết đã xuất hiện trên tạp chí “Văn nghệ Bình Trị Thiên”. Trong số lượng không nhỏ tác phẩm ấy, nhiều bút ký, truyện ngắn, được sách báo Văn nghệ Trung ương sử dụng. Các nhà xuất bản trung ương đã in những đầu sách như: “Dòng sông phẳng lặng” tiểu thuyết tập II và III của Tô Nhuận Vỹ, “Đường qua làng Hạ”, “Đường giáp mặt trận” và “Chỗ đứng người kỹ sư” của Nguyễn Khắc Phê, “Thương” tiểu thuyết của Trần Công Tấn.

Các tập truyện ký: “Rất nhiều ánh lửa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Đa Ra nơi đâu” của Trần Công Tấn và “Huế những ngày nổi dậy”, “Cô gái vùng ven”, “Đất đang gieo”, “Ở mỗi một người” của nhiều tác giả mà trong đó phần lớn cây bút ở Bình Trị Thiên tham gia đã ra mắt bạn đọc.

Bên cạnh số sách do Trung ương in, Hội Văn nghệ Tỉnh và nhà xuất bản Thuận Hóa đã chủ động xuất bản các tập văn xuôi sau: “Trong tiếng còi tàu”, “Những ngôi sao lấp lánh” của nhiều tác giả, “Dưới chân thành cổ” của Đinh Duy Tư, Thanh Ba, “Đất ấm” của Mai Văn Tấn, “Mùa xương rồng nở hoa” của Nguyễn Quang Hà và “Khúc nhạc rừng dương” của cây bút nữ trẻ Trần Thùy Mai… Cùng với số lượng kể trên đã in hoặc đang chuẩn bị phát hành, còn phải kể đến những bản thảo tiểu thuyết khá dày dặn của các nhà văn chuyên nghiệp như: “Miền xa kêu gọi” của Nguyễn Khắc Phê, “Ngoại ô” của Tô Nhuận Vỹ, “Thuyết” của Nguyễn Quang Hà…

Điểm qua số lượng tác phẩm văn xuôi trên chúng ta có thể nhận định: ở Bình Trị Thiên bên cạnh truyền thống thơ ca, còn là mảnh đất màu mỡ cho văn xuôi phát triển. Và sự thực, văn xuôi đã tạo nên cho diện mạo văn học nhiều vẻ đẹp mới, khi phản ánh hiện thực cách mạng sôi động, kỳ diệu của tỉnh trong thời gian qua.

Điều dễ nhận thấy là phần lớn tác phẩm, mà chủ yếu là truyện ngắn, bút ký đều tập trung viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ một sự kiện Bình Trị Thiên hợp nhất, sự kiện “Tàu ta kéo còi qua đầu sông Bến Hải” cũng thu hút hầu hết các cây bút văn xuôi. Thậm chí, nhà thơ Lương An cũng góp được một bút ký khá hay: “Bình Trị Thiên, một vùng đất không chia” cho đề tài này. Bên cạnh đó, văn xuôi tỏ ra nhanh nhạy khi viết về các công trình thủy lợi lớn, các cuộc chống hạn, chống lụt, phá dỡ bom mìn, tạo ra vùng kinh tế mới. Đề tài nông nghiệp được văn xuôi quan tâm đúng mức trong suốt thời gian qua và cũng từ đề tài này một số bài ký, truyện ngắn hay đã được bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến và tìm đọc. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Mai Văn Tấn, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê… là những tác giả xung kích có mặt khá kịp thời phản ánh cuộc sống mới qua những trang ký đầy tính thời sự, nóng hổi của mình. Cũng trong việc thể hiện đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, một số cây bút trẻ xuất hiện và ngày càng trở nên quen thuộc với bạn đọc địa phương như Thanh Ba, Đinh Duy Tư, Trần Thùy Mai, Lê Gia Ninh, Nguyễn Cầm, Trần Lam, Vinh Nguyễn… tuy nhiên, với những tác phẩm viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn xuôi chưa có nhiều tác phẩm hay, thậm chí còn quá hiếm nữa. Trường hợp ký “Ở một hợp tác xã không tiếng tăm” của Mai Văn Tấn và truyện ngắn “Đất trả lời” của Nguyễn đắc Xuân được bạn đọc yêu thích và coi là hay chưa phải nhiều trong văn xuôi. Có tình trạng như thế cũng dễ hiểu. Bởi bản thân các tác giả tự thấy lý do chính là do vốn sống, vốn hiểu biết về hiện thực mới của nhà văn còn mỏng, khoảng cách giữa nhà văn với đời sống thực tế còn khá xa nên chưa thể có nhiều tác phẩm hay đến với người đọc.

Bên cạnh mặt mạnh của truyện ngắn, ký viết về cuộc sống mới là tính thời sự, nó còn hạn chế là chưa đặt ra những vấn đề có tính xã hội sâu sắc, chưa phản ánh được chiều rộng và chiều sâu cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp, phong phú trên các mặt trận chiến đấu, sản xuất của địa phương. Thời gian qua, văn xuôi chú trọng nhiều đến đề tài chiến đấu, nông nghiệp nhưng chưa có thành công đáng kể khi xây dựng hình ảnh con người mới xã hội chủ nghĩa đang sống và làm việc trên mảnh đất này. Tình trạng trên đây thể hiện ngay trong đội ngũ sáng tác văn xuôi. Một số tác giả do bám sát đời sống, chịu khó lăn lộn với thực tế, say mê trong sáng tạo nghệ thuật đã gặt hái được một số thành công và khẳng định được bước tiến chắc chắn của mình. Một số tác giả khác, mà phần lớn là các bạn viết trẻ, chỉ sau một vài bài ký hoặc truyện ngắn đã cảm thấy đuối sức. Vì thế, ở Bình Trị Thiên số cây bút viết văn xuôi không phải ít, nhưng hiện tượng các cây bút trẻ rơi rụng, vắng bóng dần không phải là không có.

Nếu ở đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, truyện ngắn, bút ký xuất hiện nhiều thì tiểu thuyết Bình Trị Thiên lại chỉ viết tập trung về đề tài chiến tranh cách mạng. Tô Nhuận Vỹ ở hai tập tiểu thuyết, tiếp tục viết về chiến trường Thừa Thiên Huế anh hùng trong những năm tháng chống Mỹ oanh liệt. Bằng bộ ba tiểu thuyết này anh đã đóng góp cho văn học cả nước phản ánh hiện thực chiến tranh ở một vùng đất vốn nổi tiếng ác liệt và kiên cường.

Cũng như Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê thành công khi anh viết về những con đường ra trận ở tuyến lửa Khu Bốn. Với vốn sống dày dặn gần mười lăm năm trong ngành cầu đường, anh tỏ ra sung sức, dồi dào khi viết tiếp tiểu thuyết “Miền xa kêu gọi”.

Từ thực tế đó, chúng ta nhận thấy chỗ mạnh và sung sức của các nhà tiểu thuyết ở đây vẫn là vốn liếng những gì họ tích lũy được trong những năm tháng trực tiếp sống, chiến đấu và viết trên chiến trường chống Mỹ. Và qua từng trang viết của mỗi nhà văn, có thể nhận rõ bước đường sắp tới trong quá trình lao động nghệ thuật của họ.

Nhìn lại văn xuôi Bình Trị Thiên những năm gần đây không thể không tìm hiểu một số tác giả quen biết trong bạn đọc. Bởi vì chính qua các tác giả ấy, chúng ta thấy rõ hơn những gì thành công, những gì chưa đạt được của văn xuôi.

2. Giải thưởng văn nghệ, một số tác giả tiêu biểu và đội ngũ người viết.

Nhân dịp Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ hai sắp tổ chức, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã xét và tặng giải thưởng cho lực lượng văn nghệ có những tác phẩm tốt từ ngày hợp nhất đến nay. Đây là một sự động viên cổ vũ lớn của Đảng và chính quyền đối với lực lượng văn nghệ sĩ,đồng thời là sự đánh giá bước đầu những đóng góp của văn nghệ trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong giải thưởng này, văn xuôi đã có ba tác giả được xếp loại A và 6 tác giả được xếp loại B và C. Với tỉ lệ tác giả được giải ấy, văn xuôi đã tạo nên được một số nhà văn quen thuộc với bạn đọc cả nước. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta thử điểm qua vài tác giả tiêu biểu:

Năm 1979, Hoàng Phủ Ngọc Tường được ban sáng tác Hội nhà văn tặng thưởng cho tập truyện ký “Rất nhiều ánh lửa”. Với tặng thưởng đó, một mốc mới trong bước đường sáng tác của anh được khẳng định. Thủy chung với thể ký, anh đã đi hầu khắp đất nước, đến tận rừng hồi biên giới phía Bắc, về thăm rừng đước ở đất Mũi Cà Mau. Ký của anh có chiều sâu của trí tuệ và thấm đẫm tình cảm da diết của một trái tim giàu lòng yêu nước. Những trang viết về Huế, về Bình Trị Thiên của Hoàng Phủ Ngọc Tường có bản sắc khá rõ. Anh thể nghiệm qua nhiều bài viết của mình và có nhiều ký hay đến với bạn đọc. Sau tập “Rất nhiều ánh lửa”, Hoàng Phủ Ngọc Tường tuy viết có phần hơi ít, nhưng vẫn say sưa, nhiệt tình, sâu sắc trong những trang ký viết về quê hương, về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc. Với thể ký, anh đã đóng góp cho văn học cả nước một tiếng nói có bản sắc, tiếng nói của nhà văn xứ Huế. Thành công mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đạt được chính là do công phu lao động nghệ thuật nghiêm túc, là kết quả những chuyến đi thực tế rất say mê, nhiệt tình của một nhà văn có tài năng.

Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường thành công khi viết về cuộc sống mới, về truyền thống lịch sử qua những trang ký đầy cảm xúc và tâm huyết, thì Nguyễn Khắc Phê bằng tiểu thuyết viết về chiến tranh chống Mỹ đã khẳng định chỗ đứng của một nhà văn có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân. Tiểu thuyết của anh viết về công nhân trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã đặt và giải quyết tốt nhiều vấn đề có tính thời sự nóng hổi, có chiều sâu về xã hội. Khẳng định chỗ đứng của những con người mới chân chính, ca ngợi nhân dân anh hùng, đồng thời mạnh bạo phê phán những kẻ cơ hội, mất phẩm chất đạo đức cách mạng, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê đem đến cho người đọc niềm tin vào cái mới, cái tiến bộ. Tiếng nói của nhà văn là tiếng nói của người trong cuộc. Vì thế, tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư” đã được Tổng công đoàn Việt Nam và Hội nhà văn tặng giải thưởng năm 1980. những năm gần đây, tuy bận nhiều công tác sự vụ của cơ quan, tuy đang tập trung viết tiểu thuyết khác, Nguyễn Khắc Phê đã xông xáo đến “Những nơi tiên tiến và viết về những con người tiên tiến”. Anh có mặt hầu khắp các công trình thủy lợi, các điển hình tiên tiến ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng v.v… và sau những chuyến đi là những bài ký mới được ra đời. Điều đó chứng tỏ anh đang muốn tự vượt lên để nắm bắt những vấn đề lớn mà hiện thực mới đang đặt ra. Tuy chưa có bài ký nào thật hay khiến cho độc giả chú ý nhiều nhưng ký Nguyễn Khắc Phê đã góp phần khiêm tốn phản ánh những nét mới trong cuộc sống của nhân dân Bình Trị Thiên vừa qua.

Trưởng thành về viết văn từ chiến trường Thừa Thiên Huế những năm chống Mỹ, Tô Nhuận Vỹ với tiểu thuyết “Dòng sông phẳng lặng” đã phản ánh một dung lượng hiện thực lớn. Anh là tác giả của một số tập truyện ngắn, là nhà văn có tiểu thuyết viết về chiến tranh khá chững chạc. “Dòng sông phẳng lặng” là kết quả lao động miệt mài, có trách nhiệm của một nhà văn có tài năng. Bút lực Tô Nhuận Vỹ còn tỏ ra sung sức. Gần đây, anh đã hoàn thành tiểu thuyết “Ngoại ô” viết về cuộc sống của người dân ngoại ô Huế, sau ngày giải phóng. Nghĩ về anh, bạn đọc nghĩ đến một cây bút văn xuôi thông minh, có giàu vốn sống về thời kỳ chiến tranh đang cố gắng cắm sâu vào hiện thực mới để có những tác phẩm tốt viết về chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh ba tác giả văn xuôi được giải A trên, trong số các cây bút được giải B và C, Mai Văn Tấn, Nguyễn Quang Hà và Trần Thùy Mai chiếm được nhiều cảm tình của người đọc hơn cả.

Mai Văn Tấn làm quen với bạn đọc cả nước chủ yếu qua hai tập “truyện cổ Vân Kiều”. Năm 1971, anh có truyện ngắn được giải thưởng Trung ương: “Xe cày ra trận”. Từ đó đến nay, hơn mười năm, vừa làm nhiệm vụ của một cán bộ lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh, vừa phải chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo, anh vừa viết truyện ngắn và bút ký. Ngoài hai tập sách viết cho thiếu nhi: “Giữa rừng Côpi”, “Dấu chân chiến sĩ biên phòng”, Mai Văn Tấn đã có một đầu sách. Tập truyện ký “Đất ấm” là kết quả những năm anh bám sát cuộc sống của nhân dân Quảng Bình trong và sau chiến tranh. Truyện, ký của Mai Văn Tấn đi thẳng vào mũi nhọn của cuộc sống. Ký viết về nông nghiệp của anh có chiều sâu của cây bút có vốn sống phong phú. “Ở một hợp tác xã không tiếng tăm” được nhiều bạn đọc yêu mến, bởi tiếng nói của tác giả sắc sảo, mạnh bạo và có phần lạnh lùng khi nêu và giải quyết vấn đề. Đằng sau những trang văn của Mai Văn Tấn, chúng ta hiểu được ở anh vốn sống của một cây bút luôn trăn trở với cuộc đời có trách nhiệm với người đọc và tin rằng anh sẽ có bước tiến mới.

Cùng viết nhiều về nông nghiệp như Mai Văn Tấn, Nguyễn Quang Hà là cây bút xông xáo trong những đề tài về cuộc sống mới. Bên cạnh bản thảo tiểu thuyết hai tập vừa hoàn thành, anh có tập truyện ký: “Mùa xương rồng nở hoa”. Đó là những bài viết, kết quả nhiều chuyến đi thực tế của anh. Cũng phải nói ngay rằng, tập truyện ký này chưa phải là những truyện, ký hay nhất của anh. Viết về nông nghiệp, Nguyễn Quang Hà có sự say mê của người khám phá cái mới, nhanh nhạy trong nắm bắt, phản ánh hiện thực. Viết về nhân dân vùng cát Tam Giang chống hạn, về nông trường tiêu trĩu quả Tân Lâm hay vùng trồng lúa nước Nam Đông, ký của Nguyễn Quang Hà đem đến cho bạn đọc nhiều hiểu biết mới. Ngoài những truyện ngắn, ký viết về nông nghiệp, anh còn có một số truyện ngắn khác. Truyện ngắn của anh viết về đề tài chiến tranh thời kỳ chống Mỹ hay về cuộc sống mới hiện nay đều có chiều sâu và mặt mạnh khi khám phá tâm lý con người với những diễn biến phức tạp, phong phú của nó.

Vài năm gần đây, Trần Thùy Mai gây được sự chú ý của bạn đọc. Truyện ngắn của chị nhẹ nhàng, gợi cảm và ít nhiều mang bản sắc xứ Huế - mảnh đất mà tác giả sống quen thuộc. Từ một số truyện ngắn viết cho thiếu nhi ngày đầu giải phóng đến truyện ngắn “Huyền thoại về chim phượng” là cố gắng mới của Trần Thùy Mai. Điều dễ nhận thấy ở chị là những nhân vật nữ được xây dựng khá hấp dẫn. Tinh tế trong việc phân tích diễn biến tâm lý nhân vật, có những trang văn hay khi miêu tả thiên nhiên, con người Huế, biết đặt và giải quyết trọn vẹn, thuyết phục những vấn đề khiêm tốn vừa sức mình là những mặt mạnh của Trần Thùy Mai. Nếu vốn sống tích lũy dày dặn hơn, xông xáo vào những vấn đề lớn của hiện thực mới đang đặt ra thì tin rằng Trần Thùy Mai sẽ đi xa hơn nữa - trong sáng tác văn xuôi những ngày sắp tới.

Tất nhiên, điểm qua vài tác giả trên đây để thấy rõ hơn diện mạo của văn xuôi. Nhìn vào lực lượng viết văn, bên số tác giả trưởng thành khá chắc, chúng ta cũng thấy hiện tượng có nhà văn chuyên nghiệp và có tác giả nghiệp dư vốn đã thành công bằng tiểu thuyết hoặc truyện ngắn đầu tay, nhưng với cuộc sống mới họ như có sự chững lại. Nguyên nhân chính của sự chững lại ấy là do khả năng tìm hiểu, khám phá, sáng tạo trước hiện thực mới của họ có hạn chế. Tự bằng lòng với những gì đã đạt được, hoặc chưa lao thẳng vào mũi nhọn của cuộc sống, các tác giả ấy không khỏi bước vào con đường mòn trong sáng tác.

Mặt khác, ở ngay cả những tác giả tiêu biểu được giải thưởng, và đội ngũ người viết nói chung vẫn còn thiếu sự nhuần nhuyễn, thiếu sức nắm bắt và huy động đời sống bên trong của nhân vật trong quá trình phát triển phức tạp, phong phú của nó. Mà khả năng đó chỉ có khi nhà văn thật sự am hiểu sâu sắc hiện thực cách mạng và quá trình tâm lý của con người, sự chín muồi của nhiệt tình cách mạng và phẩm chất thẩm mỹ của các tác giả. Vì vậy, trong các tác phẩm không phải không lắm lúc người đọc, nhận ra sự sắp xếp, bố trí, dàn cảnh khéo léo của tác giả. Sự huy động kiến thức đọc được một cách đơn giản, sự né tránh những cảnh ngộ rối rắm, phức tạp đòi giải quyết mà bức tranh xã hội đang đặt ra, sự trình bày hệ thống sự kiện lấn át diễn biến tâm lý, hành động đường đi, nước bước của nhân vật là điểm yếu chung của các tác giả. Khi xây dựng nhân vật, các tác giả còn chưa giành công sức để đi sâu vào số phận của nó. Vì thế phần lớn nhân vật chưa có chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn người đọc. Hiện tượng những nhân vật (kể cả nhân vật trong tiểu thuyết) tròn trĩnh, thiếu chiều sâu nội tâm, chưa có đời sống riêng, mang tính ước lệ nhiều hơn là nhân cách sống vận động không ngừng, vẫn thấy xuất hiện nhiều trong các tác phẩm.

Từ chỗ xây dựng nhân vật như vậy nên ở các cây bút văn xuôi nhìn chung còn chậm đổi mới cách viết. Các nhà văn chuyên nghiệp sau những thành công bước đầu, vẫn miệt mài trong sáng tác nhưng những dấu hiệu của sự đổi mới chưa rõ, thậm chí có người đã tự lặp lại mình hoặc sút xuống dễ dàng.

Đáng tiếc, Bình Trị Thiên là một địa bàn trong đó có những người cầm bút đã sống khá lâu với cuộc đấu tranh đô thị ở Huế và miền Nam nói chung, nhưng chưa có được những trang viết sắc sảo về cuộc chiến đấu ở đô thị. Người đọc đang chờ đợi sự trả lời tích cực của các tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Thái Ngọc San… viết về đề tài đầy sức hấp dẫn này.

Một hạn chế cũng cần thấy rõ trong văn xuôi là ít tạo ra bản sắc về một vùng đất. Bình Trị Thiên là một vùng đất giàu bản sắc. Trên những trang viết của một số ít tác giả bước đầu đã mang được bản sắc tuy chưa thật đa dạng. Cũng không phải không có tác giả vốn ở Bình Trị Thiên lại “pha giọng” miền đất khác, kể cả tính cách và ngôn ngữ nhân vật. Lại có tác giả muốn cho tác phẩm có bản sắc lại chỉ chú ý đến ngôn ngữ nhân vật hoặc ngôn ngữ kể chuyện của mình miễn sao nói tiếng địa phương mà chưa chú ý đến việc khám phá để tìm hồn đất, hồn người vùng đất này cho tác phẩm. Vì thế văn xuôi, khi muốn trở thành văn xuôi của một vùng đất, nhà văn phải thật sự hiểu mảnh đất, con người mà mình đang sống để tạo cho trang văn của mình có nét riêng khó lẫn với trang văn ở những vùng đất khác. Chỉ có như thế, văn xuôi mới có chiều sâu hòa nhập với đời sống và mới có chỗ đứng trong đời sống.

Từ số lượng tác phẩm với những vấn đề của nó, từ một số tác giả tiêu biểu và đội ngũ bạn viết, văn xuôi Bình Trị Thiên đang đứng trước những vấn đề mới mà cuộc sống đang đòi hỏi phản ánh.

3. Những vấn đề mới cho văn xuôi.

Trước hết, vẫn là đội ngũ người viết cần được quan tâm hơn. Có ý kiến cho rằng: Bình Trị Thiên ít người viết văn xuôi. Thực tế không như vậy. Nhiều bạn viết trẻ hăm hở gửi sáng tác đến văn nghệ Bình Trị Thiên. Và một số cây bút đã có bài in trên tập san. Thế nhưng, chỉ sau thành công đầu tay có phần mỏng manh, bột phát ấy, họ lại vắng bóng. Điều này đặt ra cho Hội văn nghệ một nhiệm vụ khá nặng nề và cấp thiết: làm sao bồi dưỡng được đội ngũ viết trẻ, bổ sung cho lực lượng văn xuôi vốn có.

Vấn đề quan trọng hơn nữa là phải nâng cao chất lượng văn xuôi. Muốn nâng cao chất lượng tác phẩm thì đòi hỏi các tác giả phải có sự thảo luận, tìm hiểu, những vấn đề mỹ học cơ bản nhất của văn xuôi hiện đại. Có thể đã qua thời kỳ tác giả nhận thức những vấn đề mỹ học chưa chín muồi, lối viết dựa trên sự dò dẫm, góp nhặt một số sách báo đọc được, rồi bằng sự tài hoa, nhanh nhạy và khéo léo của mình để tạo nên tác phẩm. Trước những vấn đề lớn của hiện thực đang đặt ra, nhà văn muốn trở thành cây bút vững vàng, đa dạng và có phong cách, không thể không nghiêm túc trong khảo sát hiện thực. Nhà văn cần xâm nhập hiện thực, suy nghĩ kỹ về con người chứ không phải chỉ thu nhặt những chi tiết vặt vãnh, mới lạ của sự kiện. Chỉ có như thế, nhà văn mới đo được tầm cỡ những xung đột và xử lý tốt các nhân vật, hướng tới các tiêu chuẩn nhân bản của giai cấp công nhân.

Với những yêu cầu đặt ra cho văn xuôi sắp tới, lực lượng sáng tác cần đầu tư những tác giả cắm vào những đề tài lớn quan trọng. Đương nhiên, với một vùng đất có bề sâu của lịch sử, nhất là những chiến công lớn trong thời kỳ chống Mỹ vừa qua, các cây bút văn xuôi thường ưu tiên viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Thế nhưng, không lẽ với hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sự đòi hỏi cấp thiết của nhân dân, văn xuôi lại có thể vừa lòng với những gì đã đạt được. Rõ ràng, hiện thực mới đang là mảnh đất màu mỡ chờ văn xuôi khai phá, thâm canh để tạo nên mùa vàng bội thu. Muốn như thế, các tác giả cần có sự “tự vượt” của mình hơn nữa, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền cần quan tâm chu đáo hơn đời sống của văn nghệ sĩ, để có những tác phẩm có giá trị lớn phản ánh hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa trên quê hương Bình Trị Thiên.

Huế, tháng 3 - 1983
L.X.V.
(1/5&6-83)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Những trang sách này thể hiện nỗ lực nhìn và làm cho nhìn thấy Con người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt Con người vào khung cảnh của những hiện tượng bề ngoài, một cách toàn diện và triệt để. (Pierre Teilhard de Chardin).

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Chúng ta đi tìm trong thơ tiếng nói của chính mình. Chúng ta nói trong những ước thúc chặt chẽ của ngôn ngữ và âm nhạc. Chúng ta nói chúng một cách tự do.

  • PHẠM TUẤN VŨ

    Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, địa danh không chỉ xuất hiện với số lượng lớn, tần số cao, mật độ đồng đều mà còn đem lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng.

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG

    Tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các nhà nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam, buộc họ phải có những cách thức nhìn nhận, soi xét từ những hướng nghiên cứu chưa có tiền lệ.

  • ĐỖ QUYÊN   

    Chè ngon, nước chát xin mời
    Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.

                            (Ca dao) 

  • KHẾ IÊM  

    Lâu nay, thơ Tân hình thức ít khi nhận được những góp ý rõ ràng, thẳng thắn, để mở ra những thảo luận, làm sáng tỏ thắc mắc của bạn đọc.

  • PHẠM TẤN XUÂN CAO

    Mọi câu chuyện vĩ đại, về cơ bản, là một sự phản tư lên chính nó chứ không phải là một sự phản tư về thực tại.
                Raymond Federman
    Đối tượng mỹ học thuộc về cái tinh thần nhưng lại có cơ sở của nó ở trong cái có thực
                Roman Ingarden

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG 

    Ngôn ngữ thơ ca thức dậy mỗi ngày. Ngôn ngữ ấy nuôi dưỡng tình yêu của con người đối với thiên nhiên, sự hiểu biết và nối kết của họ, và một khả năng như thế có thể mạnh hơn những tàn phá đang xảy ra.

  • ĐẶNG ANH ĐÀO

    Đã từng có một cô gái Huế trong thơ, có lẽ không một địa phương nào, đặc biệt là chốn đô thị kinh kỳ nào lại có thể in hình người phụ nữ của mình vào thơ đậm đến thế.

  • NGUYỄN VĂN HÙNG   

    Từ biểu tượng văn hóa, chó đã trở thành đề tài, cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn học, với sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc về thế giới loài vật, các nhà văn đã sáng tạo nên những hình tượng đặc sắc, vừa quen thuộc, gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo.

  • JANE CIABATTARI

    Lần đầu tiên đọc tác phẩm của Jorge Luis Borges cũng giống như khi chúng ta phát hiện ra một mẫu tự mới trong bảng chữ cái hay một nốt nhạc mới trên âm giai vậy.

  • LÊ TỪ HIỂN

    1. Ngôi sao mai lạc nẻo mưa giăng

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Cuộc sống khả hữu luôn thử thách tôi và bạn trong bất kỳ tồn tại không gian và thời gian nào. Dĩ nhiên, suy nghĩ vậy sẽ cản trở sự vượt qua giới hạn cần phải có của bản thân.

  • MỘC MIÊN

    Là người đến với văn chương khá muộn nhưng chỉ với một tác phẩm tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, tác giả Lê Thanh Kỳ cũng đã ghi dấu ấn đáng chú ý đối với nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

  • PHẠM TUẤN VŨ

    Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học không phải là vấn đề mới mẻ. Từ xưa, cổ nhân đã nói đến vấn đề “ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị 意在言外, 玄外之音, 甘餘之味” (ý ở ngoài lời, âm thanh ở ngoài tiếng đàn, mùi ở ngoài vị ngọt), “ngôn tận ý bất tận” 言盡意不盡 (lời cạn ý không cạn) của văn chương, nhất là thơ ca.

  • Rebecca Solnit (1961) hiện sống tại San Francisco, California, là nhà phê bình, tác giả của 16 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, chính trị, nghệ thuật.

  • BÙI THANH TRUYỀN

    1.
    Ngay từ khi mới ra đời, thiên tiểu thuyết dày 800 trang Tuổi thơ dữ dội 1 đã gây tiếng vang lớn. Đây là kết quả của 20 năm lao động miệt mài của Phùng Quán trong nỗ lực phi thường vượt thoát những nghịch cảnh đời riêng để một lòng với lí tưởng sống và viết.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Thật vui mừng và ngạc nhiên, khi vừa chưa tròn năm trước, đọc tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh Lục bát múa (Nxb. Hội Nhà văn 2016), nay lại được cầm trên tay tập thứ hai Dòng sông không vội (Nxb. Hội Nhà văn, quý III, 2017).

  • KHẾ IÊM
       (Kỳ cuối)

    VIII. Nhà thơ William Carlos Williams
    Phản ứng với Ezra Pound và T. S. Eliot, nhà thơ William Carlos Williams ngược lại, sáng tác loại thơ, ai cũng có thể hiểu được.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Thân phận con người có được “hiểu thêm” qua lăng kính lịch sử, được hướng dẫn tư duy phán đoán để ứng phó với cuộc sống thường nhật hay những biến thiên của thời đại?