NGUYÊN NGỌC
(Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam)
Thế nào là một nhà văn trẻ?
Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi. Theo chỗ tôi nhớ, từ ấy đến nay không ai gọi ông là nhà văn trẻ.
Còn Nguyễn Huy Thiệp năm nay đã xấp xỉ 40. Và hình như cho đến gần đây, người ta vẫn xếp anh vào loại nhà văn trẻ!
Vậy cái tiêu chí tuổi tác nghe ra có vẻ không ổn rồi.
Hay nhà văn trẻ là người mới cầm bút, mới bước vào nghề? Những ai từng ít nhiều theo dõi đời sống văn học đều biết: có những người mới viết mà đã rất sớm già, sớm cũ. Còn như Nguyễn Minh Châu, chẳng hạn, riêng tôi, tôi cứ muốn nghĩ rằng cho đến những sáng tác cuối đời của anh, anh vừa thật chín lại vừa như bỗng bừng trẻ ra, vượt hẳn lên, vượt lên những người chung quanh và tự vượt hẳn lên chính mình, dẫn đầu sự đổi mới và sự trẻ ra của văn học ta hôm nay.
Trong văn học, trên phương diện văn chương, nói đến tuổi, trẻ, già, có thể là vô nghĩa, hoặc ít ra cũng không nhiều ý nghĩa gì lắm.
Song điều này thì lại có thật: có văn học cũ và mới, có văn học hôm qua đã hoàn thành (có thể là rất xuất sắc) nhiệm vụ lịch sử của nó; và văn học hôm nay, đang ra đời, đang nảy sinh, đang trăn trở, đang tìm kiếm, đang bừng nở.
Và tôi muốn gọi đó là văn học trẻ. Trong đó có cả một thế hệ mới bước vào văn học, thật sự đem đến một luồng gió mới, một sức sống mới cho văn học; và có những cây bút đã già dặn đang trẻ ra, mới ra.
Cách đây mấy năm chúng ta có nói đến hai chữ "cởi trói". Cởi trói cho kinh tế, cởi trói cho xã hội, cởi trói cho con người, cởi trói cho văn học. Nếu tôi nhớ không nhầm, người đầu tiên nói ra hai chữ rõ ràng, dũng cảm và hạnh phúc đó là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ hồi tháng 10 năm 1987. Cũng trong cuộc họp đó, đồng chí Tổng Bí thư còn nói: "Hãy tự cứu lấy mình". Tức là hãy tự cởi trói. Và có lẽ còn hơn thế nữa: tích cực tham gia vào sự cởi trói chung.
Mấy năm qua, quả thực văn học, cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, có được cởi trói khỏi nhiều ràng buộc vô lý cũ. Và lập tức nó đem lại hiệu quả. Nó làm bộc lộ ra, nó đánh thức dậy những tiềm lực hóa ra là khá giàu có, trong đó có những phần dường như trước đây ta cũng đã ít nhiều tự cảm thấy nhưng ấm ức chưa bày tỏ ra trói buộc này khác; và cũng có những phần ta chưa ngờ, chưa ước đoán được.
Bằng ít nhiều kinh nghiệm mấy mươi năm nay, tôi biết rằng tình hình văn học ta hiện nay và những bước đi sắp tới của nó còn không ít chông gai. Tôi không ảo tưởng, ít ra cuộc sống cũng đã dạy tôi điều đó. Song dẫu sao tôi vẫn muốn nghĩ, muốn tin rằng ta đang bước vào một vụ gặt mới, một mùa chín mới.
Văn học ta trong gần nửa thế kỷ qua đã từng biết những vụ gặt rộ tương tự: như vụ được mùa truyện ngắn khá đẹp hồi những năm 60; như vụ chín sai quả hồi những năm chống Mỹ, cứu nước...
Vậy lần này có gì khác?
Xin thử nêu đôi nhận xét, có thể là còn rất chủ quan phiến diện.
Trước hết có lẽ có thể thấy ngay điều này: hình như chưa bao giờ trên văn đàn ta "người viết được" lại đông đúc như bây giờ. Trên các báo và tạp chí, trên các quầy sách tràn ngập truyện ngắn, thơ, bút ký văn học, tiểu thuyết, lắm khi đến rối mắt; và phần lớn là đều "đọc được" cả. Rất nhiều tên tuổi ta chưa hề được nghe, được biết. Ngay trong sổ sách của Ban công tác hội viên Hội nhà văn (là cái ban, theo chỗ tôi được biết, làm việc khá chu đáo, cẩn thận) cũng chưa hề thấy ghi tên họ. Cầm quyển sách mới nào, bản thảo mới gửi tới nào, cũng muốn đọc thử. Bởi vì, có phần khá chắc là ít ra cũng "đọc được". Với lại, biết đâu nhỡ ra nó đặc sắc, nó tài năng, thậm chí nó... thiên tài nữa.
Dường như có cái gì đó thúc giục rất nhiều người hôm nay cầm bút, lao vào con đường, lao vào cái nghiệp xưa nay ai cũng biết vốn nhiều gian truân hơn vui vẻ, nhiều đau khổ hơn hạnh phúc. Điều gì vậy? Một lịch sử quá ư phong phú và phức tạp dồn nén hàng thế kỷ nay, mấy chục năm nay chăng? Hay là những bức bối xã hội và con người hôm nay?
Tất nhiên đây mới chỉ là số lượng. Và ai cũng biết trong nghệ thuật số lượng chưa là cái gì cả.
Chưa là gì, nhưng không phải không là gì cả. Số lượng như vừa nói, ít nhất cũng đã tạo nên một cái nền mới. Và trên cái nền đó, đã xuất hiện một loạt những tác giả mới thật sự đáng chú ý. Hơn nữa, một số tác giả "cũ" cũng đã biết tận dụng cái nền mới đó, cộng với sự trăn trở tìm tòi và kinh nghiệm lâu dài của mình, mà tự thay đổi, tự đổi mới đi tới được xa hơn, cao hơn.
Trong văn học, có một quy luật vừa buồn vừa vui: hàng trăm, hàng nghìn người bằng những cố gắng công phu, vất vả, khổ nhọc của mình, có khi cả đời mình, mỗi người một chút, lót đường, tạo nền, từng chút, từng chút nâng cao dần cái nền, cho đến một lúc nào đó, một đôi người tài năng nhất và may mắn nhất xuất hiện, làm nên vài đỉnh cao mới. Cuộc đời là thế, đời sống văn học cũng là thế. Không có đỉnh cao nào lại đột ngột vọt lên từ đất bằng thấp và trống trơn!
Cái nền không chỉ tạo thế cho những tài năng riêng đặc sắc bằng cao độ chung của nó dần dần được bồi đắp từng chút và nâng dần lên. Nó còn "chi phối" các tài năng đặc sắc bằng chính cái chất lượng bên trong của nó.
Phải chăng có thể nhận thấy một điều này: hầu hết các cây bút hôm nay, kể cả những cây bút còn rất trẻ tuổi đời, đều có viết, hay nói cho đúng hơn, đều quan tâm, thậm chí quan tâm khá ráo riết đến nhiều vấn đề quá khứ. Tạ Duy Anh chẳng hạn. Anh quằn quại về một lời nguyền đằng đẵng mấy thế hệ. Bảo Ninh chẳng hạn. Anh như vừa cố bứt ra với một cố gắng thật cảm động, đến rớm máu, vừa như vẫn dính chặt đến đau đớn với những kỷ niệm chiến tranh vừa thiêng liêng vừa nghiệt ngã mà anh lại như cứ hoảng hốt lo sợ thấy sao nó cứ ngày lùi xa, càng biến mất - biến mất trong sự lãng quên xô bồ của cuộc sống hỗn độn hôm nay, nhưng lại không thể biến mất mà ngày càng thấm sâu vào tận máu thịt tâm can anh. Nguyễn Quang Lập chẳng hạn, anh day dứt vô cùng với hôm nay, mà lại nói chuyện "ngày xửa ngày xưa"...
Vì sao?
Tôi thích cách định nghĩa này về văn học: văn học là lương tâm của một xã hội.
Và tôi nghĩ rằng cái lương tâm ấy bây giờ đang tự vấn. Cơ sở và nội dung sâu xa của mọi sự tự vấn bao giờ cũng là xem xét, định giá lại các giá trị.
Con người, xã hội bao giờ, trong mọi thời, đều sống bằng các giá trị. Và các giá trị thì trong mọi thời đều có những tên gọi giống nhau: tốt xấu, hay dở, đúng sai, lành dữ, thiện ác... Duy có điều nội dung của những khái niệm đó không đứng yên, nó phát triển, nó đổi thay, hoặc giàu thêm lên, hoặc nghèo bớt đi, cũng có khi nó đổi chỗ, hoán vị cho nhau, thậm chí cũng có thể đổi ngược dấu cộng thành trừ, âm thành dương.
Tôi cũng nghĩ khi nói văn học "dự báo" thì không phải chắc vì là nó dự báo các sự kiện; văn học không làm và không thể làm thầy bói theo lối sấm Trạng Trình, kiểu "thân dậu niên lai kiến thái bình...". Nó dự báo các giá trị. Các giá trị mới. Nó xem lại các giá trị cũ, và dự đoán, báo hiệu, thậm chí có khi quả quyết chuẩn bị cho những giá trị mới hình thành.
Cũng nên có một nhận xét và suy nghĩ: vì sao văn chương thường hay, thường thống thiết và rát buốt vào lòng dạ con người chính trong những thời kỳ biến động xã hội dữ, những thời buổi loạn ly? như Kiều, như Hoàng Lê nhất thống chí như Lục Vân Tiên, như Thượng kinh ký sự và Vũ Trung tùy bút...? Chắc vì đó là những thời kỳ mà các giá trị đang bị xáo trộn dữ dội, đang định giá lại, đang phải quằn quại trăn trở tìm ra những giá trị đích thực, đang phủ định và khẳng định lại các giá trị.
Tôi tin rằng văn chương của chúng ta bây giờ đang đi qua một thời kỳ như vậy. Cho nên nó có cơ có thể hay. Tôi là người lạc quan trên phương diện này...
Định giá lại, khẳng định một giá trị mới có khi lại chính là... khôi phục lại một giá trị cũ đã bị bỏ quên, đã bị đánh mất, đã bị mai một. Đã bị những xô bồ cần thiết mà nhất thời một lúc nào đó (cái "một lúc" này có khi kéo dài hàng mấy chục năm) làm méo mó, che lấp, thậm chí làm lộn ngược đi.
Y Ban viết cả một bức thư dài gửi mẹ Âu Cơ để nói điều gì? Chị nói với mẹ: "Mẹ Âu Cơ sinh được 50 người con trai, 50 người con gái. Con trai mẹ thì thành anh hùng, thi sĩ, con gái mẹ thì thành những bà mẹ. Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên, nên mẹ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái vốn dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng bây giờ thì con đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ...". Đừng tưởng rằng lời kêu van yếu ớt mà thống thiết của một cô gái "có tội" ấy không dữ dội. Có lẽ đấy cũng là một kiểu "bước qua lời nguyền". Có một thời chúng ta đã "nguyền" phải sống phi thường. Thời ấy, không phi thường thì không sống được. Thì mất nước, thì không còn Tổ quốc và dân tộc... Nhưng rồi đến lúc phải trở lại với cái bình thường. Cái tự nhiên. Cái quy luật. Cái hàng ngày. Nỗi đau và hạnh phúc nhỏ nhoi hàng ngày. Cái đó cũng là vĩ đại đấy bởi vì nó là của muôn vàn "chúng sinh", và còn mãi, như đến vĩnh cửu với con người.
Tôi nghĩ - có thể là hơi buồn cười chăng - một trong những cái gọi là "chức năng" của văn học là giúp cho con người giữ được sự bình tâm, bình tâm lại giữa bao nhiêu xáo trộn ngổn ngang rối rít hỗn độn cuộc đời. Thỉnh thoảng nó nhắc ta, như một lời thủ thỉ bên tai, những giá trị, những cái quý chừng như nhỏ nhặt mà vĩnh hằng. Bằng cách đó, nó gìn giữ cái chất người bền vững cho con người.
Trong dòng nghĩ đó, tôi nhớ đến Đặng Thư Cưu với Con hổ mun, Cao Duy Sơn với Người săn gấu, Nguyễn Huy Thiệp với Muối của rừng và Những bài học nông thôn. Cả chừng nào đó nữa Phạm Thị Hoài với Chín bỏ làm mười, Nguyễn Trọng Tín với Bè Trầm... Đương nhiên tôi không hề phản đối, thậm chí tôi còn kính trọng những cây bút trẻ xông xáo trực diện vào những cuộc đấu tranh tiêu cực, tích cực, những "vụ việc" xã hội nóng hổi thời sự xã hội hôm nay. Chính cuộc "đột nhập" mạnh mẽ và dũng cảm của những anh chị em ấy vào cuộc đấu tranh xã hội sôi động bây giờ đã làm cho văn học ta gần đây năng nổ hẳn lên, đầy ngộn tính vật chất xã hội sinh động mà một thời nó khá thiếu vắng. Nhưng tôi nghĩ rồi văn học phải đi qua cái đó, đoạn đường hết sức cần thiết đó, càng nhanh càng hay, - văn học cần chuyển dần từ "hướng ngoại" (tôi xin nhắc lại: là một đoạn đường tất yếu và hết sức cần thiết) vào "hướng nội" hơn. Từ "vụ việc" chuyển vào con người hơn. Từ xã hội chuyển tới nhân sinh hơn.
Và cuối cùng, cái mà nó dự báo, cái mà nó chuẩn bị cho con người - chắc là sẽ rất phong phú và tinh vi, - song hẳn cũng không thể gì khác hơn là một chất người người hơn, là một lòng nhân ái vừa cũ xưa vừa lại rất mới mẽ, như vừa được rửa lại thật tinh khôi.
Thật đáng mừng khi thấy một loạt cây bút trẻ của chúng ta đã khá sớm đi theo cái hướng chín ấy. Theo một nghĩa nào đó, đấy là sự già dặn rất đáng chú ý của mùa văn học trẻ lần này, có lẽ khác nhiều những lần trước. (Hãy thử so sánh Đỗ Chu hồi Cỏ mật, với Tạ Duy Anh Bước qua lời nguyền hôm nay xem. Cái đẹp mượt mà, tinh tế, tinh vi hồi những năm 60, 70, và cái đẹp đằm sâu mà có phần dữ bây giờ).
Văn học trẻ hôm nay cũng rất biết cách nói giọng nói mới của riêng mình để nói những chuyện mới của riêng mình, hôm nay. Đó là một giọng nói đằm sâu mà không nặng nề, thống thiết, thậm chí có khi rất quyết liệt mà không to tiếng, đại ngôn; có cái gì đó khá nhất quán mà lại vẫn đa dạng, đa âm. Nguyễn Huy Thiệp lừng lững, già dặn, chín đến từng câu, từng chữ mà vẫn thật thanh thoát, bất ngờ, đột ngột; và rõ ràng đọc anh có thể cảm thấy ngay anh còn rất nhiều và chưa thể ước đoán anh còn những gì nữa. Tạ Duy Anh riết róng, chặt chẽ. Hiếu Tân thâm thúy và giễu cợt. Đoàn Ngọc Hà đậm mùi vị dân gian sao mà đồng bằng Bắc Bộ thế. Còn Nguyễn Trọng Tín thì hiện đại mà lại tự nhiên như một thứ cây lá nhiệt đới vừa kỳ thú vừa rất gần gũi nào đó tự nó mọc lên giữa rừng U Minh hoang dã sơ khai và vĩnh cửu. Trần Văn Thước thấm đẫm trong từng câu văn cái nhân ái nhuần nhị một bà mẹ quê nghèo một làng chiêm trũng ta từng gặp đâu đó một chuyến trở về đất mẹ. Dạ Ngân Nam Bộ thế mà vẫn đến rất gần với văn xuôi uyên bác, cả hai cứ bổ sung cho nhau thật khá nhuyễn - tôi dám nghĩ có thể chị đã góp một phần nào đó làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn xuôi ta bây giờ. Đặng Thư Cưu lại có cái "cố ý Nam Bộ" nhưng vẫn biết giữ cái mức độ vừa đủ nồng độ đậm để không mất tự nhiên. Phạm Thị Hoài riết róng trong sự tinh vi, song vẫn biết giữ một cái duyên nhất định. Nguyễn Quang Lập sắc sảo và biết dừng lại trước ngưỡng cửa của sự cầu kỳ...
Có lẽ đã qua rồi cái thời văn chương ta một bè toàn giọng cao.
Tôi muốn nghĩ rằng sự bắt đầu có đa dạng khá rõ về phong cách trong văn trẻ hôm nay của chúng ta không hoàn toàn chỉ là vấn đề hình thức nghệ thuật. Có lẽ chừng nào đó nó phản ánh một tình trạng đáng mừng: tự do sáng tạo trong văn học đã là có thật, trong xã hội, và quan trọng hơn nữa, trong từng người cầm bút. Nó cũng phản ánh sự đa dạng của những con đường tìm đến cái chân lý xã hội - con người của chúng ta hôm nay. Cuộc tìm kiếm còn khó khăn, vất vả lắm, với chông gai dày đặc, với thành công và vấp ngã, có thể cả đổ vỡ nữa cũng có khi - mà văn học hôm nay, đặc biệt là văn học trẻ, tôi nghĩ có thể không xấu hổ với nhân dân rằng ta dửng dưng đứng ngoài.
Văn học trẻ đang đa dạng, tuy nhiên trong cái hợp âm nhiều bè đó vẫn có thể nhận ra một nét, một giai điệu chủ đạo: hình như trong văn học ta đã bắt đầu xuất hiện một thế hệ cầm bút mới, họ vừa tiếp nối, thừa hưởng rất thông minh, nhuần nhuyễn và sáng tạo mọi tìm tòi và thành tựu quá khứ, lại vừa - điều này hết sức quan trọng - khá rảnh rang với quá khứ ấy. Quá khứ không trì kéo được họ. Họ đứng trên cái quá khứ đó một cách thoải mái, độc lập, tự tin mà quyết đi tới những chân trời chưa biết.
Tạ Duy Anh là vậy. Hiếu Tân với Từ Hải và người ẩn sĩ là vậy. Phạm Thị Hoài là vậy... Và đặc biệt rõ nhất có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp. Anh không hề coi thường hay thậm chí mạt sát các giá trị truyền thống như có người thường lầm mà nghi oan cho anh. Nhưng anh cũng không để bất cứ giá trị nào dẫu được gọi bằng những tên to tát đến đâu hạn chế những cảm nhận về dự đoán của anh...
Chính sự thanh thoát và quả quyết mới đó tạo cho văn học trẻ hôm nay một tư thế mới, mà đáng ra văn học vốn tự nó phải có trong mọi xã hội dân chủ.
Phải chăng điều mới mẻ đáng mừng ấy đang làm cho văn học đang ngày càng trở thành một bộ phận thật sự tích cực của xã hội, như ta hằng mong ước.
Ngày 18-4-1990
N.N.
(TCSH43/06-1990)
PHẠM PHÚ PHONG"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...
LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.
TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.
TRƯƠNG THỊ CÚCXuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cử nhân Hán học, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Pháp, từng làm quan dưới thời Nam triều, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhân cách độc đáo.
HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.
ĐỖ LAI THÚYQuang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài, phần kia do văn học lãng mạn.
CAO XUÂN HẠOĐọc bài Nỗi đau của tiếng Việt của Hữu Đạt (H.Đ) trong tuần báo Văn nghệ số 9 (2-3-2002), tôi kinh ngạc đến nỗi không còn hiểu tại sao lại có người thấy mình có thể ngồi viết ra một bài như thế. Tôi cố sức bới óc ra nghĩ cho ra người viết là ai, tại sao mà viết, và viết để làm gì. Rõ ràng đây không phải là một người hoàn toàn không biết gì về giới ngôn ngữ học Việt . Nhưng hầu hết những điều người ấy viết ra lại hoàn toàn ngược với sự thật.
MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.
THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.
NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.
VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.
THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.
JOSH GREENFELDNgười Nhật vốn nổi tiếng vì tính bài ngoại của họ, thể hiện qua nghệ thuật cắm hoa và trà lễ. Tuy nhiên cũng từ rất lâu rồi nhiều nhà văn Nhật Bản vẫn quyết liệt phấn đấu mong tìm kiếm một chỗ đứng đáng kể trên các kệ sách của các thư viện nước ngoài. Họ làm thế không chỉ vì có nhiều tiền hơn, danh tiếng hơn mà còn vì một điều rằng những ai có tác phẩm được dịch nhiều ở nước ngoài thì sẽ được trân trọng, chờ đón ở trong nước!
BỬU NAM Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.
LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.
PHẠM THỊ LYTôi viết những dòng này vì biết rằng giáo sư Cao Xuân Hạo sẽ không bao giờ trả lời bài viết của một tác giả như anh Phạm Quang Trung và những gì mà anh đã nêu ra trong bài "Thư ngỏ gửi Giáo sư Cao Xuân Hạo đăng trên Tạp chí Sông Hương số 155, tháng 1-2002.
LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .
NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.
TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).
ĐÀO NGỌC CHƯƠNGCho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy.