PHAN TRẦN THANH TÚ
Công cuộc Đổi mới đã diễn ra hơn 30 năm trong lòng xã hội Việt Nam với dấu mốc trọng đại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
Tinh thần đổi mới từ năm 1986 đã mang lại những thành tựu lớn lao cho đất nước. Ngọn gió đổi mới cũng đã đem đến những cái “mới”, cái “khác” cho nền văn học nước nhà. Chính sự “cởi trói” về tư tưởng đã du nhập những hệ thống triết học về nghệ thuật khác với truyền thống, mang những lý thuyết phê bình mới vào đời sống văn học Việt Nam, phổ biến những tác giả, tác phẩm lớn của nhân loại, mà vì nhiều lý do, trước đây công chúng văn học trong nước chưa có điều kiện để tiếp cận.
Việc nhìn nhận những thành tựu văn học nước ta thời kỷ Đổi mới vẫn là một thách thức của những người làm công tác nghiên cứu - phê bình văn học. Có nhiều lý do, nhưng trong đó có hai lý do quan trọng: Đổi mới vẫn là thời kỳ “đang diễn ra” chứ không phải “đã kết thúc”, mọi nhận định, đánh giá về thành tựu của văn học Việt Nam thời Đổi mới vẫn phải đặt trong “cái nhìn động”. Thứ hai, đời sống văn học Việt Nam thời Đổi mới thật sự sôi động và phong phú trên nhiều mặt, từ tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, phương pháp sáng tác và sự đa dạng của lý thuyết phê bình… Do vậy, đánh giá về thành tựu cũng như giá trị của thời kỳ này cần có một kiến văn đủ rộng để có thể nhìn thấy được mỹ học của cái mới, cái “khác”. Nghĩa là cần đọc các tác phẩm bằng chính lý thuyết căn nền được nhà văn sử dụng trong sáng tác, để không bỏ qua những mã thẩm mỹ của văn bản mà nếu dùng cái nhìn từ bên ngoài, vận dụng những lý thuyết đọc không tương thích thì sẽ không thấy được các mã thẩm mỹ của tác phẩm.
Trước những khó khăn vừa nêu, ta thấy Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu [Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2019 - mọi trích dẫn trong tiểu luận đều từ nguồn này] của Phan Tuấn Anh là công trình khoa học thật sự có ý nghĩa, có những đóng góp nhất định vào việc thông hiểu sâu sắc hơn những thành tựu của văn học nước nhà trong 30 năm đổi mới.
1. Người phu chữ đa văn
Ấn tượng đầu tiên của người đọc khi tiếp cận công trình này, đó là tác giả có một tinh thần làm việc nghiêm túc và một vốn kiến thức rộng. Phan Tuấn Anh đã vận dụng những lý thuyết như chủ nghĩa hậu hiện đại, thi pháp học, mỹ học tiếp nhận, lý thuyết hệ hình trong nghiên cứu, phê bình một cách phù hợp và hiệu quả… Khi đọc công trình, ta thấy tất cả những lý thuyết được vận dụng không phải để tác giả phô diễn kiến thức cũng như làm tăng tính “thời thượng” cho cuốn sách, mà đó thực sự là một nhu cầu tự thân của nhà nghiên cứu nhằm chỉ ra những giá trị của mỗi tác phẩm được lựa chọn làm “điểm nhìn tham chiếu”. Về việc vận dụng đa dạng các lý thuyết phê bình của tác giả, người đọc thật sự bị thuyết phục bởi Phan Tuấn Anh đã làm chủ những công cụ lý thuyết một cách chắc chắn, đi từ quan niệm triết học nền tảng đến sự vận dụng trong phê bình văn học.
Điển hình, Phan Tuấn Anh đã vận dụng một cách lý thú các lý thuyết phê bình để giải mã các mã thẩm mỹ trong tiểu thuyết Không biết đâu mà lần của Văn Thành Lê. Anh đi từ lý thuyết trò chơi ngôn ngữ (language games) của L. Wittgenstein đến quan niệm của F. de Saussure về tính không tương thích của “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” trong triết học ngôn ngữ cấu trúc. Anh vận dụng tư tưởng của các nhà triết học giải cấu trúc như J. Derrida, M. Foucault, R. Barthes, J.F. Lyotard để khẳng định tính chất “phì đại ngôn ngữ”, “các câu văn có xu hướng bành trướng, chú ý đến sự diễn trò, sự tách rời giữa chữ và nghĩa, lời và vật” là một đặc trưng thi pháp nổi bật của Văn Thành Lê. Tiểu thuyết Không biết đâu mà lần dưới cách đọc của Phan Tuấn Anh thực sự là một trò chơi ngôn ngữ điển hình, ở đó những thủ pháp như nghịch dị, nhại được sử dụng để nhà văn khái quát lên bản chất hỗn độn (chaos), ngụy tạo của (simulacra) của thế giới.
Với trường hợp tiểu thuyết Chú bé mang ba lô màu đỏ của Nguyễn Đình Tú, Phan Tuấn Anh đã vận dụng mỹ học tiếp nhận (Receptional Aesthetic) để chỉ ra rằng đó thật sự là một kiệt tác dành cho không chỉ thiếu nhi mà tất cả chúng ta, vì nó “có khả năng “lớn lên” cùng bạn đọc”, là tiểu thuyết mà “mỗi độ tuổi sẽ tìm thấy trong thế giới tuổi thơ ấy câu chuyện và thông điệp của riêng mình”. Thành công của tiểu thuyết là đã sử dụng một “chiến lược tự sự kép” để mọi người đọc ở bất kỳ tầm đón nhận nào đều có thể soi mình vào tác phẩm. Từ đó, Phan Tuấn Anh đi đến nhận định, Chú bé mang ba lô màu đỏ dưới góc nhìn mỹ học tiếp nhận, xứng đáng là một kiệt tác. Ở đây, người đọc thật sự được thuyết phục khi nhà phê bình dùng một lý thuyết tương thích để soi chiếu vào tác phẩm mà nếu dùng những lý thuyết khác, những giá trị của tác phẩm chẳng thể nào hiển lộ một cách tường minh như thế. Đó chính là sự tinh tế và tài hoa của người làm công tác phê bình. Anh ta sẽ đề xuất những cách đọc phù hợp để qua đó chắt lọc được tinh huyết của từng tác phẩm.
Với tiểu luận “Lý luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới - cấu trúc tam tài”, Phan Tuấn Anh, với cái nhìn bao quát, đã thực hiện một khái quát khá đầy đủ và sinh động về sự thay đổi hệ hình (paradigm shift) trong văn học Việt Nam từ 1975 đến hai thập kỷ đầu thế kỉ XXI.
Về văn học Việt Nam từ 1975 đến 1985, tác giả công trình đã khái quát một cách hình tượng là giai đoạn văn học “hướng thiên” gắn với hệ hình tư duy “tiền hiện đại”. Nhà văn và nhà lý luận phê bình hướng đến những tiêu chí ngoài văn học trong sáng tác và phê bình, tuân thủ “nguyên tắc phản ánh” với những “cấu trúc đồng đẳng”. Văn học giai đoạn này vận động theo quán tính của văn học thời chiến, và hệ quả là dần trở nên “cứng nhắc, thiếu sức sống”. Từ đó, đổi mới và cách tân là một đòi hỏi sống còn của văn học nước nhà.
Tinh thần đổi mới từ Đại hội VI, và văn học nước ta từ 1986 đến hết thế kỷ XX, qua cách nói hình tượng của Phan Tuấn Anh, là giai đoạn “quy địa”, đã thực sự mang ý nghĩa phục hưng lớn lao. Văn học giai đoạn này đã “giải thiêng” phản ánh luận và thực hiện quá trình “nhận thức lại những chức năng và thuộc tính của văn học” một cách sâu sắc. Chính điều đó đã giúp văn học Việt Nam chuyển đổi hệ hình sang tư duy hiện đại, lấy văn bản làm trung tâm và thật sự hướng đến con người trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của nó.
Qua cái nhìn của tác giả, giai đoạn từ đầu thế kỉ XXI đến nay, văn học Việt Nam đã tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại, chuyển sang hệ hình tư duy hậu hiện đại, lấy người đọc làm trung tâm. Điều này đã góp phần cho văn học tạo sinh những cái mới, giãn nới không gian dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận, giúp văn học Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn vào quỹ đạo của văn học khu vực và thế giới.
Đọc toàn bộ công trình, ta thấy tất cả những kiến văn và diễn giải của Phan Tuấn Anh, không có mục đích nào ngoài khao khát thúc đẩy cái mới, cái tiến bộ, cái cách tân của văn học nước nhà trên cả ba phương diện: tác giả, văn bản và người đọc.
2. Suối nguồn tuổi trẻ
Như đã trình bày, công trình Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu của Phan Tuấn Anh thể hiện một khao khát cách tân, đổi mới văn học Việt Nam trong cái nhìn có phạm vi quốc tế. Khát khao đó được gửi gắm ở những người viết trẻ. Cuốn sách, do vậy, dành sự quan tâm đặc biệt về những tác giả trẻ cả trên lĩnh vực sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình.
Ở tiểu luận “Văn học trẻ Việt Nam giai đoạn Đổi mới”, tác giả đã khái quát tiến trình vận động của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI với ba lần chuyển đổi hệ hình: từ văn học trung đại phương Đông sang văn học tiền hiện đại phương Tây vào đầu thế kỷ XX; từ tiền hiện đại sang hiện đại vào những năm 60 của thế kỷ XX; từ hiện đại sang hậu hiện đại từ 1986. Trong đó, Phan Tuấn Anh đã khẳng định, ở mỗi bước chuyển hệ hình, đóng góp quan trọng thuộc về những cây bút trẻ. Cụ thể, vào những năm 30 của thế kỷ XX, “văn học Việt Nam chứng kiến vai trò cách tân quyết liệt và lập ngôn một cách róng riết của thế hệ cầm bút trẻ trên dưới hai mươi tuổi như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử…”. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, “Ở miền Bắc có thể ghi nhận vai trò tiên phong của thế hệ cầm bút trẻ trên dưới ba mươi tuổi như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm… Ở miền Nam là Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng…”. Từ 1986 đến nay, bước chuyển hệ hình từ hiện đại sang hậu hiện đại đã được thực hiện với những đóng góp không nhỏ của những cây bút trẻ như Lê Minh Phong, Trịnh Sơn, Nguyễn Thế Hoàng Linh… trong sáng tác và những cái tên mới như Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Phạm Xuân Thạch trên lĩnh vực lý luận phê bình… Đồng thời Phan Tuấn Anh nhất quyết định danh họ “thế hệ f” (thế hệ facebook với lối viết status - entry, thế hệ viết trên mười đầu ngón tay).
Người đọc dễ thấy rằng, Phan Tuấn Anh cũng là một người viết trẻ, hoạt động trên cả lĩnh vực sáng tác lẫn lý luận phê bình, nên anh đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ của mình. Đọc hết công trình Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu của anh ta thấy được nhãn quan thức thời, nhạy bén với cái mới, nhưng đồng thời, anh cũng đủ sâu sắc để nhận rõ ưu thế và giới hạn của thế hệ mình. Phan Tuấn Anh khẳng định, những người cầm bút trẻ của Việt Nam giai đoạn Đổi mới hôm nay “có nhiều cơ hội học hỏi thế giới cũng như có nhiều đất diễn hơn cho các thể nghiệm của mình… tiếp cận nhanh và trực tiếp hơn các trào lưu nghệ thuật đương đại”, họ cũng là những “người của công chúng, biết vận dụng các phương tiện truyền thông nhằm tiếp cận bạn đọc và quảng bá tư tưởng nghệ thuật cho tác phẩm”. Tuy vậy, tác giả cuốn sách cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, “điểm yếu của những nhà văn trẻ hiện nay, đó là chưa kết hợp lại được thành những trường phái nghệ thuật một cách tự giác. Sự đa dạng đến mức tự phát và thiếu định hướng nghệ thuật một cách kiên trì và căn cốt đã biến chất lượng nghệ thuật giữa các tác phẩm hết sức bấp bênh… Chính vì vậy, giá trị đỉnh cao từ sáng tác trẻ trong giai đoạn này có lẽ vẫn phải chờ đợi ở tương lai”.
Những khái quát, nhận định của Phan Tuấn Anh về vai trò và vị trí của người viết trẻ trong sự vận động của văn học Việt Nam đổi mới vẫn còn đôi chỗ có thể cần đối thoại, song từ những trang viết, ta thấy được lòng nhiệt thành và thái độ nghiêm túc của một người viết trẻ. Có thể nói, đến nay, Phan Tuấn Anh là một trong những nhà phê bình viết nhiều nhất để xác lập vị trí của những người viết trẻ trong quá trình đổi mới văn học dân tộc, bởi anh khát khao cống hiến, cách tân, thay đổi, và đặc biệt, dám đặt cược bản thân và thế hệ mình vào hành trình sáng tạo.
3. Ngọn hải đăng không bao giờ tắt
Phan Tuấn Anh, trong mọi công trình khoa học hay tác phẩm thơ được in, đều giới thiệu mình là người con xứ Huế. Huế là một phần quan trọng kiến tạo nên bản sắc, cốt cách và tinh thần của anh. Với cuốn Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu, Phan Tuấn Anh cũng không quên dành một phần lớn dung lượng để viết về văn học vùng đất Cố đô, như một cách kín đáo để thể hiện tình yêu với mảnh đất và con người nơi anh được sinh ra.
Tiểu luận “Sự vận động hệ hình của thơ ca Cố đô Huế ba mươi năm đổi mới” là một khái quát khá toàn diện và sâu sắc về thành tựu của thơ ca xứ Huế giai đoạn này. Từ tiểu luận, chúng ta thấy được mối cảm hoài của tác giả khi Huế không còn là kinh đô của cả nước. Khi không còn là kinh đô của Việt Nam, “đã khiến Huế không còn là trung tâm lý luận phê bình văn học nói riêng và nghiên cứu văn học nói chung”. Với văn xuôi, “Huế chỉ xứng đáng là “cố đô” (ngoại biên) hơn là “kinh đô” (trung tâm) của nền văn xuôi nước nhà”. Duy chỉ trên địa hạt thơ ca, và cũng chỉ nhờ thơ ca, Huế vẫn duy trì được vị thế là “ngọn hải đăng không bao giờ tắt” của văn học cả nước trong thời Đổi mới. Phan Tuấn Anh đã vận dụng lý thuyết hệ hình để chỉ ra rằng, thời kỳ Đổi mới, tại Huế cũng đã diễn ra những sự biến đổi hệ hình thơ ca, và với hệ hình nào cũng xuất hiện những thành tựu có ý nghĩa.
Với hệ hình thơ ca tiền hiện đại, thì Huế có những “cây đa cây đề” như Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Vàng Sao, Hồng Nhu, Ngô Minh… Với hệ hình thơ hiện đại, Huế có nhiều tên tuổi lớn với những phong cách riêng. Phạm Nguyên Tường là “người đi tiên phong trong cách tân thơ” để vươn đến bến bờ của mỹ học tượng trưng, siêu thực. Nguyễn Trọng Tạo với khát vọng dân chủ cháy bỏng trong thơ cùng cảm quan “đổ vỡ niềm tin về các đại tự sự” nên mang cốt cách rất “hậu hiện đại”. Nguyễn Khắc Thạch với phong cách “thiền định nắm bắt mắt thơ qua đốn ngộ”, trình diễn một phong cách thơ kiệm lời như quan niệm của John Barth: “Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của sự lặng im”.
Bước sang hệ hình thơ ca hậu hiện đại, Huế vẫn xuất hiện những tác giả và thi phẩm để lại dấu ấn như Họng đêm của Nguyễn Lãm Thắng hay Tơ sương của Hồ Thế Hà. Nhưng theo Phan Tuấn Anh, chính Tân hình thức mới là điều mang lại vị thế của thơ Huế trên thi đàn Việt Nam. Bởi “thơ Tân hình thức là một trào lưu/thể loại thơ hậu hiện đại có tầm ảnh hưởng rộng lớn, với sự tham dự của nhiều nhà thơ cả trong và ngoài nước”, mà Huế “là quê hương thứ hai của thơ Tân hình thức, nơi chứng kiến sự hưng thịnh của thể loại/trào lưu này” qua cuộc hôn phối với Tạp chí Sông Hương trên cơ sở tình tri âm giữa chủ soái Tân hình thức Khế Iêm và nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc.
Bằng sự trải nghiệm cùng hiểu biết sâu sắc về thơ ca nơi vùng đất mình sinh sống, Phan Tuấn Anh đã có những khái quát và nhận định đầy sức thuyết phục để người đọc thấy được, với thơ ca, Huế luôn là một trong các trung tâm lớn của cả nước trong thời kỳ Đổi mới và thậm chí cả tương lai, mãi là ngọn hải đăng không bao giờ tắt trong sự vận động của tiến trình thơ Việt Nam (hậu) hiện đại.
Như vậy, với dung lượng gần 300 trang sách, Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu của Phan Tuấn Anh đã đưa người đọc phiêu lưu qua những vùng đất chữ, chiêm ngưỡng và tận hưởng những hoa trái viên thành từ suối nguồn dòng nước canh tân. 300 trang sách không phải là một dung lượng quá đồ sộ, nhưng chừng đó cũng đủ cho độc giả có một cái nhìn khái quát về thành tựu của văn học Việt Nam 30 năm đổi mới, trên tất cả các lĩnh vực: sáng tác, lý luận, phê bình. Tác giả cũng cho người đọc hình dung rõ hơn về sự vận động không ngừng nghỉ, mặc dù có khi hiển lộ, khi âm thầm của văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới qua các bước chuyển hệ hình quan trọng. Cuốn sách cũng đã thể hiện cái nhìn, sự đánh giá không ngần ngại về thành công cũng như hạn chế của những người viết trẻ hôm nay. Và, điều đặc biệt là công trình đã dành một dung lượng lớn để khái quát nên tiến trình vận động cũng như những thành công của thơ ca Huế trong dòng chảy văn học Việt Nam Đổi mới như một sự tri ân đối với vùng đất nơi Phan Tuấn Anh được sinh ra. Dẫu còn một vài chỗ cần phân tích thấu đáo hơn và đôi chỗ cần có thêm những đối thoại, trao đổi, nhưng nhìn một cách tổng quan, Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu là cuốn sách có nhiều tác động tích cực trong nghiên cứu, tổng kết khái quát thành tựu của văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
P.T.T.T
(TCSH388/06-2021)
LGT: Cuộc thi viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc (lần thứ IX - năm 2014) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc tổ chức. Cô sinh viên năm thứ tư Hồ Tiểu Ngọc được khoa Ngữ văn, trường Đại học khoa học, Đại học Huế cử tham gia, đã vinh dự nhận giải Nhì qua bài phê bình tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết… của nhà văn Hàn Quốc Kim Young Ha, dịch giả Hiền Nguyễn.
BBT Sông Hương vui mừng giới thiệu đến bạn đọc bài viết đạt giải cao này.
(Cuộc trưng cầu ý kiến các giảng viên dạy lý luận và lịch sử văn học ở các trường ĐHTH ở Liên Xô)
Phan Thắng thực hiện
ĐỖ LAI THÚY
Ngồi buồn lại trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
(Nguyễn Công Trứ)
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà tập thơ sẽ in riêng của nhà thơ Trần Lan Vinh lại mang tên với chữ đầu là Lục (sáu) – Lục bát đồng dao? Thôi thì cứ nói theo khẩu ngữ nhà Phật là tùy duyên nhưng điều quan trọng lại không phải ở phần cứng đó mà ở phần mềm hoặc không ở chỗ thể mà ở chỗ dụng của danh xưng.
LTS: Thời gian qua, thơ Tân hình thức Việt đã bắt đầu được nhiều bạn đọc, bạn thơ quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về việc làm sao để đọc một bài thơ Tân hình thức? Làm sao để giữ nhịp điệu của thơ?... Bài viết dưới đây của Biển Bắc, nhằm giới thiệu cách đọc-diễn một bài thơ Tân hình thức Việt. Vì muốn làm sáng ý nguyện ngôn ngữ đời thường nên bài viết sử dụng ngôn ngữ rất THT Việt. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
ĐẶNG TIẾN
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề…
(Nguyễn Bính)
DÂN TRÍ
Không học chữ Nho, nghe qua hai câu thơ Hán Việt vừa dẫn thì cũng có thể hiểu được nghĩa lý một cách mang mang hồn sử thi.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Khi mới học cấp 2, tôi đã thấy trong tủ sách nhà tôi có hai cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân do một người dượng mua về từ Sài Gòn.
THÁI KIM LAN
Bài viết này chỉ là một phác thảo gợi ý về sự nghiệp và ảnh hưởng của hai nhà nữ trí thức miền Nam trong những thập niên 60, 70. Phùng Thăng tạ thế cuối thập niên 70. Phùng Khánh đã là Ni sư giữa thập niên 60 và trở nên một Ni sư Trưởng lỗi lạc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước và sau 1975, liễu sinh 2003.
YẾN THANH
“Vĩnh biệt mày, cái thằng không biết tưởng tượng. Mày tự mà đốt đuốc cho cuộc hành trình thăm thẳm của mày đi”
ĐỖ LAI THÚY
Trong một vài năm gần đây, nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học đã có những cố gắng đáng kể để thoát ra khỏi tình trạng tiếp cận văn học một cách xã hội học có phần dung tục, hướng đến cách tiếp cận mới xuất phát từ đặc trưng của chính bản thân văn học. Một trong nhiều đường hướng nghiên cứu có triển vọng đó là phong cách học.
Cần phải nói ngay, Tưởng tượng & Dấu vết là cuốn tiểu thuyết khó đọc. Nó khó đọc vì hai lẽ: thứ nhất, nền tảng logic văn bản không nằm trong phương pháp tạo dựng hay trong tri thức thực hành của tác giả, mà nó nằm sâu trong yếu tính[2] thời gian.
ĐINH VĂN TUẤN
Thi hào Nguyễn Du khi sáng tác “Truyện Kiều” đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng này là gì? Cho đến nay, giới nghiên cứu Kiều vẫn còn phân vân, chưa dứt khoát hẳn một nhan đề nào là khởi đầu do cụ Nguyễn Du đặt.
KHẾ IÊM
Tặng nhà thơ Biển Bắc và Hồ Đăng Thanh Ngọc
Nhà thơ và nhà nghiên cứu Mỹ Timothy Steele, trong bài viết “Phép làm thơ cho những nhà thơ thế kỷ 21”, nhấn mạnh, cách làm thơ trong thế kỷ tới sẽ là tuôn nhịp điệu ngôn ngữ nói vào thể luật, để hình thành nhịp điệu thơ.
HOÀNG DŨNG, BỬU NAM
(Phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, nhà văn Huy Phương và nhà phê bình văn học Phương Lựu)
HỒ TIỂU NGỌC
Thế kỷ XXI là thế kỷ của internet và truyền thông, nơi mọi chân lý và định luật đều gói gọn ở trong hai con số 0 và 1 của ngôn ngữ lập trình mạng.
VŨ THỊ THƯỜNG
Gần đây, nhân công việc tìm nhặt tư liệu xung quanh vụ án Lệ Chi viên để viết một cái gì đó bằng văn xuôi, tôi có đọc một số sách viết về Nguyễn Trãi. Trong số sách tôi đã đọc ấy, có hai cuốn: Văn chương Nguyễn Trãi và Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Bùi Văn Nguyên.
VŨ TRỌNG QUANG
I. HÀNH TRÌNH TẤT YẾU
Bước chân bắt đầu từ khởi điểm Octavio Paz “Giữa im lặng và tiếng nói, đó là thơ”. Vậy thì im lặng hay lên tiếng, có người nói thơ là tiếng nói, và có người cho vô ngôn là một giá trị.
ROLAND BARTHES
Trong cuộc chiến giữa bạn với thế giới, hãy đặt thế giới ở hàng thứ cấp (Franz Kafka)