Về phố ngày cuối năm

09:00 24/01/2025
Nhiều người đi xa lâu ngày khi nhớ về thành phố thường thắc tha thắc thỏm, phố bây chừ còn những lối xưa, người bây chừ còn giữ những nếp xưa, có còn những nét mềm mại hiền ngoan đã từng níu biết bao ánh nhìn mỗi khi có một ai phải dứt áo xa quê.

Ký ức không đủ sức nuôi hết những tháng ngày sắp đến nhưng đủ để giữ tâm hồn không bị phai nhạt khi phải lìa xa nơi cố quận. Không hiểu bằng cách gì mà dù ở đâu, người xứ này một khi đã nhận ra nhau dù cùng trời cuối đất đều tìm cách mà gần gụi nhau trong mỗi nết ăn nết ở.

Những năm gần đây mỗi cuối mùa đông người ta thường thấy nhiều đoàn người lủ khủ dắt nhau về từ muôn nẻo. Không cần hỏi, chỉ cần ngó nhân dạng là đủ biết từ phương xa về lại. Mà người về cũng nhiều kiểu trạng lắm. Có hôm qua chỗ phố mới sạch tinh tươm, thấy rồng rắn một đoàn già trẻ lớn bé ẵm nhau rổn rảng cười nói trong nhà hàng. Có đứa bé khóc ré lên khi nhìn thấy con nhện bò qua bàn. Có giọng người cha lớn tiếng chê trách nhân viên nhà hàng không khéo dọn dẹp để mất vệ sinh. Không can cớ chi tới mình mà sao nghe lòng chạnh buồn. Chạnh nhớ thuở xưa con nhện béo mẫm kia phải chi vào tay mẹ mình, thể nào cũng thành món thuốc trị chứng “dấm đài” của con em út. Giờ văn minh thì khác lắm rồi. Dù khoảnh khắc ra đi của người cha kia chắc chưa phai nhòa trong ký ức.

Ra phố cuối năm ghé vách tường bám đầy rêu kêu một cốc cà phê vỉa hè, bắt gặp kề cạnh mình một người đàn ông già cũ kỹ. Nhìn cách phục sức biết không phải ở đây nhưng đôi mắt đăm đắm nhìn ra lại chứa đựng cả trời kỷ niệm. Hỏi han vài câu mới hé lộ, dưới giàn hoa giấy phía bên kia đường một thời xưa cũ có bóng hình người con gái ông yêu. Dễ đến bốn mươi năm, hơn một thế hệ đời người đã qua, mà người con gái ấy vẫn còn xanh tươi trong mắt nhìn người cũ. Ông về phố mới hôm qua sau chuyến bay trùng dương ngại ngùng.

Ký ức của những người thế hệ trước ra đi vẫn còn nhớ như in vài bến đò bên dòng sông hò hẹn. Chỗ đó giờ hết dấu vết rồi, vậy mà làm sao khi đứng lại dáng cũ cứ như vẫn đi về trong sương. Câu thơ ai xưa viết cho Kh. “Ta đưa em qua đò tháng Chạp/ chiều nay hoa trắng rụng tơi bời…” hình như đóng đinh vào nơi này, để mãi mãi vẫn còn một bến đò tình im lặng tận lòng người trong cuộc.

Cuối năm mưa nắng đỏng đảnh chán chê rồi sau đó Huế thật sự trở lại với mình.

Mùa đông, sương giăng mắc mơ hồ. Lạnh lãng đãng. Mưa nhỏ nối dây thành dòng thành sợi miên man. Qua phố loanh quanh lại nhớ con đường ngập thơ trên hai dãy long não xanh um có bài thánh ca vô cùng dắt tình lên Phủ Cam một chiều nào không rõ. Không hiểu sao đi trên đường đó, lòng lại nghĩ về hai người bạn già cỗi mỗi cuối năm lại lặn lội từ xứ sở sương mù nơi nao về đây chỉ để ngắm nắng chạy dọc hai hàng long não. Ngồi im lặng nhìn xuống con phố hiền hòa. Nhìn những vết tích còn lưu dấu trên bức vách ơ hờ. Nhìn đôi mắt người ở ngó chốn xa xăm. Nhìn những vệt nắng chạy long lanh dưới tán lá xanh um. Nghe đôi ba con chim sẻ ríu rít ngoài khung cửa màu xanh.

Cũng đã một vài lần vào ngày cuối năm tôi ghé lại ngôi nhà nhỏ màu xanh có một người nằm bệnh và ngồi một góc nhỏ, giở vài trang sách lục lọi đâu đó dưới tận cùng cái kệ. Bao giờ cũng vậy. Một đĩa bánh nhỏ trước mặt. Một ly gì đấy, cà phê nâu sóng sánh, hoặc ly vang nồng nồng, hoặc tách trà nghi ngút khói ủ vừa đủ ấm nóng bàn tay. Thảng hoặc một ly rượu nặng bao giờ cũng rót vừa khéo khỏi chạm đáy cốc. Những ngày tháng đó, người nằm im lặng trên giường, đôi mắt không mở không khép, mặt người không buồn không vui. Chỉ một người phụ nữ già, một người thiếu phụ trung niên lui tới ríu rít như đôi chim. Những khi như thế, mới chợt nhận ra yên bình không hề phải mất công tìm kiếm. Yên bình chỉ đơn giản là một sự lặng im. Chỉ cần ngồi lặng lẽ đôi hồi rồi về. Khi ra đến cửa sẽ gặp những bức tranh của nhiều người khác nằm im ắng trên tường. Nhìn vào, thấy lòng rộn lên nhiều khao khát, những khao thát thèm thuồng về một gia tài hào sảng của những người đã từng lưu lại nơi đây. Thấy yêu những huyền thoại thêu dệt thành những câu chuyện cổ nơi này. Con đường vì thế trở thành lối dẫn vào Tuyệt tình cốc. Nơi cất giấu thứ Độc tình hoa quyến rũ không ngừng kia. Nơi ở đó có thể hiệp khách hành buông đao rớt kiếm, thì đao kiếm vẫn vô tình sát thương nhiều tâm hồn chị em nhi nữ thường tình.

Nên khi nghe trời đất trả lại cho Huế những tâm tính mềm mại như một ngày cuối năm, là lúc nghe lại những khúc hát liêu trai dành cho xứ sương mù màu tím, đọc lại những trang văn tình tự để lắng lại trái tim mình. Xứ này thời gian dường như trôi chậm. Không hối hả ngược xuôi mà thong dong đài đệ như tính cách Mệ muôn thời. Ngay cả nhớ cũng chầm chậm, như một ngày cuối năm về lại, vẫn thấy trong yêu thương con phố quá đỗi dịu dàng…

T.H
(TCSH432/02-2024)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...

  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.