HOÀNG TỐ MAI
"Ta muốn nhìn bông hoa đen nở nụ, trên cánh mỏng là đường diềm trắng gấp khúc uốn lượn, giá mà ta được nhìn thấy".
Tác giả Hoàng Tố Mai. Sinh năm 1972. Nguyên học viên khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du
Thỉnh thoảng chị tôi viết mấy dòng chữ này vào những mẩu giấy bất kỳ nhất là khi trời đổ mưa phùn rỉ rách. Lúc ấy ngoài trời vắng tanh, ở đâu cũng đầy bùn và mùi ẩm ướt. Chỗ nào cũng đầy mùi ẩm ướt. Trời càng lạnh.
Năm nay đợt mưa kéo dài và đến từ tháng mười. Chị tôi nằm bẹp trên giường cả ngày, đôi lúc ngồi than:
- Đến cả hơi thở cũng bị vẩn đục. Miền khí hậu ải mục sinh ra mọi điều khổ sở. Sao không tạnh hả mưa?
Khó có thể nói khi nào trời tạnh. Ngớt được một lúc rồi mưa lại đổ xuống. Chỉ còn cách giải trí là đọc sách. Trong nhà còn mỗi cuốn "Đồi gió hú" của ai để quên. Chị tôi đọc lại nhiều lần và đọc to lên những đoạn mình thích. Bây giờ tôi vẫn nhớ mang máng, đấy là những dòng tả về giấc mơ của Lốchút. Trong giấc ngủ nặng nề anh ta nghe thấy cành linh sam đập vào cửa sổ. Lốchút đập vỡ cửa kính thò tay bẻ nó đi nhưng anh nắm phải bàn tay bé nhỏ lạnh buốt. Một giọng cực kỳ ảo não cất lên nức nở:
"Để cho tôi vào... Để cho tôi vào! "
“Người là ai?”
"Cathơrin Lincơn"... "Tôi đang về nhà. Tôi đã lạc trên đồng hoang".
Và trên cửa sổ lờ mờ một khuôn mặt trẻ thơ. Lốchút kinh hoàng cứa đi cứa lại cổ tay bé nhỏ cho đến khi máu chảy ướt đầm khăn trải giường.
"Đã hai mươi năm rồi đấy" giọng nói sầu thẳm "Hai mươi năm. Tôi là một linh hồn bơ vơ hai mươi năm ròng".
Chị tôi còn đọc vài đoạn tả đồng hoang tàn tạ. Tôi đồ chừng việc đọc sách có gì không ổn, sau mỗi trang da mặt chị thêm tái nhợt rồi trở mình mệt mỏi. Thế là tôi cất luôn nó vào tủ.
Cuộc sống của chị em tôi không chỉ đơn điệu như vậy. Thỉnh thoảng tôi có gọi vài đứa trẻ con sang cho vui, con của ông thợ gần đấy. Con chị lên bảy, đứa em lên ba. Mỗi khi chúng nó sang không khí ấm áp hẳn. Ở đây xa đô thị ồn ào nên vẻ ngây thơ trong trẻo của hai đứa trẻ dường như nguyên vẹn. Những đôi mắt một mí mở to đầy ngạc nhiên trước bất cứ chuyện gì. Chúng nó có vẻ e dè và kính nể chị tôi hơn. Chị có trò chơi dường như phù phép, có thể hái những bông hoa vẽ trên bức tranh cổ làm bọn trẻ sợ đến mức không dám cầm nữa (cũng dễ hiểu vì vườn nhà tôi trồng loại hoa này). Khi hứng lên chị còn kể chuyện cho tôi nghe, giọng kể thật kỳ lạ nghe trăm lần không chán. Anđecxen chắc cũng ngạc nhiên khi có người kể chuyện của mình hay như vậy. Một hôm con chị chẳng biết làm sao thốt lên đầy hào hứng:
- Chồng của cô giáo cháu bị đau tim.
Tôi rất buồn cười nhưng chị nhíu mày vờ ngạc nhiên.
- Sao cơ?
- Chồng của cô giáo cháu bị đau tim - con bé thì thầm nhắc lại.
Chị cười ngặt nghẽo rồi nghiêm túc.
- Đây có thể là đầu đề một bài thơ hay.
Tôi cũng nhận thấy là như vậy.
Những buổi tối như vậy dần dần thưa đi, bọn trẻ lớn lên không còn cả tin như trước. Riêng chuyện cổ chẳng bao giờ chán được, chẳng bao giờ.
Gần đây chị yếu đi, trong giấc ngủ thảng thốt bông hoa đen nào đó. Chỉ còn cách đắp thêm chăn và sửa tư thế nằm cho chị.
Buổi sớm, tôi lặng lẽ ra vườn hái một nhành cẩm chướng trắng muốt rồi cắm vào lọ mực tàu. Lúc sau cánh hoa hằn lên vài vệt đen nhỏ như vết xước. Bây giờ bông hoa mang vẻ đẹp kỳ lạ. Tôi nhẹ nhàng đặt nó vào chiếc cốc sành khô ráo và mang đến đầu giường:
- Em đưa đến cho chị điều mơ ước, có điều hơi đảo ngược. Những bông hoa ấy đây.
Chị nhìn rất lâu bông hoa rồi nhẹ nhàng:
- Đây là quà cưới, cô dâu trinh bạch đầy vẻ u sầu và hồi ức đượm màu u ám. Nói xong chị trở mình ngủ tiếp, tới chiều thì mất. Ngoài trời mưa phùn đổ mù mịt, tiếng rơi nhè nhẹ mênh mông.
Buổi tối, ông thợ mộc bê sang cỗ quan tài mới sơn, bầy trẻ cầm theo thẻ hương đỏ. Những đôi mắt tò mò sợ hãi.
Hôm đưa đám thì mưa dứt. Bầu trời quang quẻ, mây đã lùi xa. Mặt đất bùn se lại đọng trắng xóa bụi cúc tần xanh ngắt. Đi trong ngày khô ráo, chị có mừng không? Một bà già lại gần tôi an ủi.
- Chị mày đau từ trong bụng mẹ, làm sao trường thọ được! Ráng chịu nghe con.
Tất nhiên là vậy, tôi còn làm gì được hơn.
Tháng mười trôi đi nhanh, tôi quyết định chuyển nhà và phát hiện một chuyện bất ngờ. Khi soạn lại va li quần áo cũ tôi tìm được một quyển sổ tay mỏng. Trong ấy kẹp vài tờ bản thảo, có cái đã in rồi, tác giả là chị tôi hồi mười tám. Có khá nhiều thư của độc giả gửi theo cả ảnh làm quen. Cô gái đầu tiên trông trắng trẻo, đôi mắt nhìn thiểu não.
"Em đã buồn đúng mười năm!". Một dòng chữ thẳng tắp.
"Thế ư?" Nét chữ nghiêng ngả của chị tôi trễ nải. Những ảnh khác đều phảng phất dáng vẻ bệnh hoạn, cô đơn. Cũng có người trông nghiêm túc, bình thường như nhà giáo. Những trang bản thảo chép tay chữ xấu không đọc nổi, lật đến trang cuối tôi đọc được mấy dòng này.
"Ta đã nhìn thấy bông hoa đen nở nụ, cánh nổi mờ đường diềm trắng mọc trên đồng mênh mông. Gió lùa nhẹ và bầu trời màu chì cao xa vời vợi. Cuối cùng thì ta đã nhìn thấy".
Thấy cái gì nhỉ? Tôi không chứng kiến giấc mơ cuối cùng của chị. Tôi còn tìm được một băng nhạc cũ có in hình nhóm "Beatles". Đêm đến tôi bật máy, đấy là những bài ca hay tuyệt gợi hồi ức đầy màu sắc. Màu vàng, màu đỏ, có cả màu gì đó nâu xỉn và hoen ố. Tôi không thấy màu nào hồng cả, không hề thấy.
Khi băng nhạc tắt lịm, có tiếng cười khanh khách vang vọng: "Quá khứ đấy, em thấy sao?". "Đáng kể lắm, em chẳng có gì như vậy"...
Bao giờ tôi cũng mơ ước những điều giản dị, đơn sơ như đôi mắt mở to của bọn nhỏ. Hay người lớn có tâm hồn đồng điệu cho dù là kẻ phạm tội hay con sói già tru gào thảm thiết khi bầy đàn bị tiêu diệt không một con sống sót trở về.
11-1989
H.T.M
(TCSH43/06-1990)
NGUYỄN ANH NHẬT
Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.
PHƯƠNG HÀ
Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.
VIỆT HÙNG
Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.
VŨ NGỌC GIAO
Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.
LÊ VI THỦY
Đêm.
Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.
VIỆT HÙNG
Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...
NGUYỄN NGỌC LỢI
Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.
PHẠM GIAI QUỲNH
1.
Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.
HƯƠNG VĂN
Màn đêm đã tràn ra mặt biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.
LÊ KIM SƠN
Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.
HOÀI NAM
Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.
HOÀNG THU PHỐ
1.
“Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)
QUÁCH THÁI DI
Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.
VIỆT HÙNG
Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.
VIỆT HÙNG
Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.
TẠ XUÂN HẢI
Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.
PHƯƠNG HÀ
Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.