Tự lực văn đoàn, nhìn từ góc độ tính liên tục của lịch sử, qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông

09:20 13/10/2021

TRẦN ĐÌNH HƯỢU

Chúng ta đều đã biết sự thay đổi đột ngột trong cách đánh giá Tự Lực văn đoàn.

 

Một số sách của nhóm Tự lực văn đoàn - Ảnh: internet

Trong việc giảng dạy và nghiên cứu lịch sử văn học nước ta cắt các giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại thành những nhóm việc tách biệt nhau, tạo ra tình hình lịch sử mất tính liên tục. Và Tự Lực văn đoàn thành một hiện tượng chỉ có tính hiện đại chỉ của nhóm hiện đại.

Chúng tôi muốn nhìn hiện tượng đó trong sự phát triển liên tục của lịch sử, trong văn học dân tộc và trong quá trình hiện đại hóa của văn học phương Đông.

1/ Trong vùng Đông Á (trong đó có Việt Nam) quãng giữa hai thế kỷ 19 và 20 có một bước ngoặt cả về kinh tế, xã hội cả về văn học. Văn, thơ, phú, lục theo truyền thống văn học phương đông ngự trị nhiều thế kỷ trong văn đàn đến đây suy vong và được thay thế bằng thơ, kịch, tiểu thuyết, những thể loại văn học theo truyền thống văn học phương Tây. Đó là một sự thay đổi cực lớn, thay đổi tận gốc rễ vì thay thế cả quan niệm văn học, hệ thống thể loại, quan niệm cái đẹp. Nền văn học mới có tác phẩm, tác giả, công chúng khác; có phương tiện truyền bá, đời sống văn học khác nền văn học của nhà nho từ mấy thế kỷ trước.

Tự Lực văn đoàn nằm trong là quá trình ra đời và phát triển của văn học mới. Quá trình đó diễn tiếp theo:

- Sự phát triển của truyện ngắn, tiểu thuyết từ Tản Đà, Hồ Biểu Chánh đến Hoàng Ngọc Phách (theo giáo sư Trần Văn Giàu thì còn trước cả Tản Đà ở miền Nam)

- Sự phát triển của kịch từ Vũ Đình Long.

- Sự phát triển của thơ từ Tản Đà, Phan Khôi, Lê Khánh Đồng đến Thế Lữ.

Những năm 20 là quá trình khẳng định văn học mới và Tự Lực văn đoàn đánh dấu giai đoạn toàn thắng. Đến Tự Lực văn đoàn cái bộ ba thơ, kịch, tiểu thuyết đã thành kiềng ba chân vững chãi, loại trừ bộ bốn văn, thơ, phú, lục ra ngoài. Các loại hình tiểu thuyết ái tình, xã hội, trinh thám, lịch sử... cũng đã tự phân biệt và đúng với tên gọi. Nói theo ngôn ngữ người chơi cờ được chính Tản Đà dùng để nói về nghề viết văn thì đến đây văn học mới ở Việt Nam đã "sạch nước cản". Tự Lực văn đoàn đã góp công nhiều vào việc trau dồi ngôn ngữ văn học và nghệ thuật viết tiểu thuyết và kịch, thơ để có sự chuyển hóa chất lượng từ văn học những năm hai mươi sang văn học những năm ba mươi.

Nói đến Tự Lực văn đoàn và ảnh hưởng của nó ngoài những thành phẩm là sáng tác của các thành viên trong văn đoàn cũng nên chú ý cả việc tổ chức văn đoàn (kết nạp, phân công và bồi dưỡng đoàn viên đến hoạt động báo chí (Phong Hóa, Ngày Nay) đến hoạt động xuất bản (nhà in Đời Nay) của văn đoàn. Sự tập hợp những tài năng thật đa dạng và sự hướng dẫn để những người đó phát triển đúng tài năng của mình đã góp phần cực lớn cho thắng lợi quyết định của văn học mới. Sự giới thiệu những tài năng của văn đoàn cũng góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi đó.

Sự đóng góp của tự Tự Lực văn đoàn vào sự thắng lợi của văn học mới (thơ, kịch tiểu thuyết) những năm hai mươi, ba mươi là lớn, chủ động và tích cực. Về mặt đó, các nhà văn hoạt động độc lập hay các nhóm văn học khác không thành công được như vậy, không cống hiến được nhiều như vậy.

2/ Văn học mới (thơ, kịch, tiểu thuyết như một hệ thống thể loại) hình thành ở Việt Nam đầu thế kỷ không phải do sự vận động nội tại, tự thân của văn học Việt Nam, vốn là nền văn học theo truyền thống phương Đông. Nó là vật ngoại lai, cần trải qua một quá trình dân tộc hóa, trở thành cái bản địa.

Trong quan niệm truyền thống về "văn" tương đương với "văn học" ngày nay, văn xuôi không được coi trọng hay nói đúng hơn là được dùng vào những mục đích, cho những thể loại khác với văn xuôi ở phương Tây. Truyện, tiểu thuyết không được coi là thể loại văn học quan trọng. Kịch bản sân khấu không được coi thuộc thành phần văn học. Sự gắn bó "văn" với "đạo" chi phối sâu sắc quan niệm cái đẹp và cách đánh giá về chức năng, về giá trị của thể loại, của tác phẩm. Muốn cho tiểu thuyết và kịch vốn ngoại lai có mặt trong đời sống dân tộc phải làm cho công chúng Việt Nam ưa thích nó, chấp nhận nó. Nó phải có cái đẹp của tiểu thuyết, của kịch mà lại có cái đẹp dân tộc không phải là lai căng, mất gốc. Đầu tiên là văn dịch rồi sau mới có sáng tác, và cũng mất một thời gian, "người dân ngụ cư" ấy mới "vào được làng" (văn) mới thành dân "bản quán". Tiểu thuyết ra đời từ Gic mộng con (?) đến T Tâm mới "trước bạ" xong và đến các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì chiếm chiếu nhất trong thành phần văn học. Thơ có ảnh hưởng mới cũng từ Tản Đà nhưng cũng đến khi Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận - những nhà thơ trong Tự Lực văn đoàn ra đời Thơ Mới mới là một chân cho cái kiềng văn học hiện đại. Kịch nói là thể loại trước chưa có. Xây dựng trên mảnh đất trống nó không gặp trắc trở nhiều nhưng cũng không có sức phát triển mạnh. Nhưng "giàu vì vợ, sang vì bạn", nó cùng với tiểu thuyết và thơ trước bạ một lúc. Hình ảnh kết hợp bộ ba đó là Tự Lực văn đoàn.

Sự phát triển đầu thế kỉ này không nằm trong qui luật nội tại, không do những động lực nội tại của dân tộc mà do quy luật do động lực của một bước phát triển có tính thời đại của thế giới, của nhân loại: sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa cùng với mặt đối lập với nó là chủ nghĩa xã hội lôi kéo mọi mảnh đất vào quĩ đạo chung. Các nước phương Đông (trong đó có Việt Nam) cũng bị lôi kéo vào quĩ đạo chung của thế giới, của thời đại hiện đại. Sự phát triển của thương nghiệp, của đô thị, của giao lưu văn hóa, sự truyền bá của văn hóa tư sản... làm thay đổi cuộc sống của vùng đất nông thôn rộng lớn là cả phương Đông lúc đó. Trong sự đổi thay như vậy, cái dân tộc cũng không phải là bất biến. Nhưng quan hệ cũ những giá trị cũ cũng phải tự thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới mà nét nổi bật là tính đô thị.

Chủ đề văn học của sáng tác Tự Lực văn đoàn là tình yêu, tình yêu của những con người đô thị, của những "chàng" những "nàng" tân thời, học chữ Tây, sống trên phố, hấp thụ văn minh châu Âu, đòi tự do, tự do yêu đương, tự do kết hôn và tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống Âu hóa: cá nhân, tự do và hạnh phúc. Họ phủ nhận con người chức năng trong luân thường, con người sống với gia đình, với họ hàng, với làng xã, làm con hiếu, làm tôi trung. Lúc đó con người mà họ đề cao chính là con người mới. Cuộc sống mà họ ca tụng chính là cuộc sống mới.

Lúc đầu họ bị phản đối, phản đối quyết liệt. Bị phản đối không chỉ là nội dung cá nhân, tự do, hạnh phúc hay chuyện yêu đương mà cả hình thức văn học xa lạ với truyền thống. Không ít gia đình cấm con đọc tiểu thuyết và đến năm 1942 khi viết về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh mời Tản Đà về chứng giám vì "Có tiên sinh người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là nhng quái thai của thời đại, những đứa thất cước, không có liên lạc gì với quá khứ của ging nòi." Một sự giãn cách với các truyền thống và tìm đến Tản Đà làm chiếc cầu nối. Trong xã hội ta trước đây, đô thị không phát triển. Chưa xuất hiện những lớp thị dân để có cuộc sống, lối sống của họ. Nhưng ở các kinh kỳ, lỵ trấn đô hội - những đô thị phong kiến - nơi những người học trò hỏng thi, những khách thương, những ông quan bị biếm trích sống xa sự ràng buộc của gia đình, của họ hàng, của làng xã, gặp những người đồng cảnh là những kỹ nữ giang hồ cũng đã gắn bó với nhau thành những chuyện tình sử ngoài lễ giáo gây ra những ước mơ về tự do về hạnh phúc cho những nhà nho tài hoa. Một thứ ý thức về cá nhân cũng đã xuất hiện ở họ những "nhà nho tài tử" - thuật ngữ tôi dùng để chỉ loại nhà nho đó, loại nhà nho quý trọng tài, tình, sắc đẹp hơn đạo đức, phúc ấm và công danh, mong ước gặp giai nhân hơn cả gặp minh quân lương tướng. Chính những nhà nho tài tử đó tác giả những ngân khúc chứa chan tình cảm, những truyện nôm tài tử giai nhân ca tụng tình yêu, những bài hát nói ngang tàng phóng túng. Trong những bài viết về Tản Đà tôi đã nhấn mạnh Tản Đà là nhà nho tài tử trong xã hội tư sản. Cho nên văn học mới tìm Tản Đà làm chiếc cầu nối họ với quá khứ. Chắc ai cũng thấy quãng cách giữa Tản Đà và Tự Lực văn đoàn, giữa Gic mộng con Nửa chừng xuân, giữa thơ Tản Đà và thơ mới. Quãng cách thật xa, quãng cách giữa hai thời đại, giữa nhà nho và trí thức hiện đại, nhưng họ cũng cùng nói một chuyện: tình yêu tự do, hạnh phúc lứa đôi. Và ta có thể đi một mạch từ các tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn ngược lên đến T Tâm, đến Gic mộng con, đến Truyện Kiu, đến Hoa Tiên để nhìn sự diễn tiến của vấn đề tình yêu trong lịch sử của tiểu thuyết. Ta thường ca ngợi tinh thần thiết tha với hạnh phúc với tự do, tinh thần chống lễ giáo phong kiến trong truyện nôm, ca tụng một xu hướng nhân đạo chủ nghĩa trong đó. Nhưng thực ra trong mối tình của Dao Tiên và Lương Sinh, giữa Thúy Kiều và Kim Trọng, lễ giáo chưa hề hiện ra dưới bộ mặt tàn bạo, và tác giả cũng chưa rõ đằng sau số mệnh là những cái gì trói buộc con người: Hạnh phúc lứa đôi thường bị dày vò tan nát hoặc gặp những trở ngại ghê gớm nhưng cũng chưa ai tìm nguyên nhân thể chế xã hội. Cho đến cả Giấc mộng con, T Tâm cũng còn là như vậy. Nguyễn Khắc Hiếu và Chu Kiều Oanh gặp nhau nơi đất khách quê người, không gặp ràng buộc gì, lại yêu nhau một cách mộng ảo. Đạm Thủy và Tố Tâm đã yêu nhau say đắm như hai thanh niên thời đại mới. Họ cũng có vướng một trắc trở: Đạm Thủy đã có vợ chưa cưới. Nhưng cả hai gia đình thì cũng không có hành động cản trở nào. Sự hy sinh cao thượng không biểu thị một tinh thần đấu tranh mà chính họ cũng chưa nhìn ra đích và đối tượng để đấu tranh, để bảo vệ tình yêu. Tự Lực văn đoàn lúc đầu cũng nói đến một thứ tình yêu ảo mộng và cao thượng (Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa và cả Nửa chừng xuân nữa) nhưng từ Nửa chừng xuân, Lạnh lùng, Đoạn tuyệt vấn đề xung đột giữa tự do yêu đương, tự do kết hôn với lễ giáo gia đình nổi lên càng ngày càng gay gắt. Tự Lực văn đoàn có ý thức và rất nhất quán trong việc tố cáo sự ràng buộc của gia đình và họ hàng. Nếu nhìn cả việc họ chế riễu Bang Bạnh, Lý Toét, Xã Xệ trên Phong Hóa, trao giải thưởng Tự Lực văn đoàn cho Con trâu, Làm lẽ, Năm vạ (?) và cách nói đến cảnh tối tăm của những người dân quê thì thế không phải là họ chỉ nói chuyện yêu đương "chàng" và "nàng" mà đặt ra cả những vấn đề của thực tế xã hội khá tiêu biểu. Chắc chắn họ không am hiểu việc làng bằng Ngô Tất Tố, không am hiểu phố huyện bằng Nguyễn Công Hoan, nhưng những vấn đề họ đặt ra không phải vô can, vô bổ, không phải xa thực tế.

Quả thật Tự Lực văn đoàn nhìn xã hội Việt Nam với tính phương đông của nó chưa thật rõ ràng, chưa thật sâu sắc. Chủ trương cải tạo của họ lại nhìn từ góc độ giải phóng cá nhân, hay có hơn một chút là cải cách xã hội mà không thấy yêu cầu cách mạng chính trị và kinh tế. Cho nên về sau họ đi theo khuynh hướng đạo đức, tôn giáo kiểu Tôn-stôi (Gia đình, Con đường sáng) và khi nhảy vào hoạt động chính trị thì phiêu lưu sai lầm, phản động. Nhưng so với các nhà văn những năm 30, 40 trước Cách mạng tháng Tám chính họ là nhóm có ý thức cải tạo xã hội, muốn đổi mới xã hội. Vì lẽ đó, thanh niên thời bấy giờ - tôi nói những thanh niên có học, chán cuộc sống tối tăm, tù túng, muốn tiến bộ mà chưa tìm ra con đường giải phóng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản - hoan nghênh Tự Lực văn đoàn. Rất nhiều người trong họ sau Cách mạng tháng Tám đi với Đảng rất thanh thoát. Để nhìn Tự Lực văn đoàn cho đúng có lẽ cũng không nên coi thường thực tế đó.

3/ Trong công tác phê bình văn học của ta, ta quen quan tâm đến vấn đề đánh giá, nói sao cho đúng lập trường cho vừa phải, cho có tình có lý mà ít quan tâm tìm hiểu thực tế, ta quen phê bình hơn. Ta phê bình cái hiện hữu mà ít chú ý đến tính cụ thể lịch sử, nhiều khi cái chuẩn để phê bình của ta lại quá hạn hẹp. Đầu tiên là ta khẳng định quan hệ giữa văn học và chính trị, nhấn mạnh chức năng tuyên truyền của văn học nghệ thuật. Tiếp đó là xác lập tiêu chuẩn yêu nước, tính nhân dân, phục vụ công, nông, binh. Tiến lên một bước nữa ta đi sâu vào chức năng phản ánh, tính giai cấp, tính Đảng, chủ nghĩa hiện thực trong văn học... So với hiểu biết và trình độ nghiên cứu, phê bình văn học trước đây, ba mươi năm qua chúng ta đã tiến một bước dài về mặt khoa học. Những cơ sở lý luận văn học ta vừa nói, chắc không phải sai lầm nhưng hình như chưa được toàn diện, và phần chắc cũng còn do cách giải thích nó một cách sơ lược, đơn giản nên gây ra những nhược điểm.

- Thiên về nhìn văn học như là phản ảnh bị động của hiện thực, là lời phát ngôn về chính trị theo lập trường giai cấp. Hiện thực tức cuộc sống cũng thường bị nhìn sơ lược thành cơ sở kinh tế - xã hội, thành quan hệ đấu tranh giai cấp...

- Không bao quát được trong cách nhìn văn học như vậy con đường đa dạng và vô hạn của việc tìm cái đẹp nghệ thuật của từng dân tộc và của cả nhân loại. Thường là chúng ta không quan tâm, thậm chí là không chấp nhận cái Việt Nam nói chung, cái con đường nói chung. Mà những cái đó nhiều khi lại là những giá trị lớn của tác phẩm.

Tôi không có tham vọng bàn về lý luận, con đường nhiều khúc khuỷu dễ sa chân. Tôi muốn trở lại với vấn đề đang bàn. Trong cách phê bình Tự Lực văn đoàn của ta thường ít chú ý sự tìm kiếm về nghệ thuật của họ. Trước hết là nghệ thuật viết tiểu thuyết, viết kịch, làm thơ, nghệ thuật ngôn ngữ văn xuôi. Theo hướng đi sâu vào tâm lý và cả vào cuộc sống xã hội cùng với ý thức trau dồi văn xuôi văn học, tiểu thuyết và kịch của Tự Lực văn đoàn quả đã là chững chạc và có nghệ thuật cao hơn các nhà văn đương thời. Tôi nói điều đó và nhắc lại tiểu thuyết và kịch là hai thể loại văn học mới du nhập vào đời sống văn học của ta. Thứ hai là tìm về cái đẹp dân tộc. Tiểu thuyết và kịch đi vào đời sống văn học ở ta đầu tiên là những tác phẩm diễn nôm không Tây thì cũng Tàu. Người ta thích nó vì nó là kịch, là tiểu thuyết, một loại hình văn học mới lạ chứ nội dung cuộc sống và tâm hồn con người rong đó thì xa lạ. T Tâm được hoan nghênh nhiệt liệt, theo tôi, một phần là do thành công đầu tiên về tiểu thuyết và một phần nữa là do tính Việt Nam của các nhân vật trong đó từ Đạm Thủy, Tố Tâm cho đến bá Án, cậu Tân... Tự Lực văn đoàn rất có ý thức đi tìm cái đẹp. Họ không hướng vào tìm cái đẹp trong truyền thống nhưng họ tìm được không trái, không xa lạ và được chấp nhận, ở đây có vấn đề tính đô thị.

Ta quá quen suy nghĩ trong sự đối lập giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa tư sản với vô sản và trong điều kiện một thực tế XHCN nông thôn, xây dựng với người nông dân nên dễ kỳ thị với những cái có tính đô thị. Ta không thấy con đường của những nước nông nghiệp lạc hậu như các nước phương Đông (trong đó có Việt Nam) đi lên hiện đại - mà chủ nghĩa xã hội cũng là một con đường hiện đại hóa - tất yếu phải trải qua một quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa không phải chỉ có xây dựng công nghiệp mà còn phải xây dựng cả một nền văn hóa, những cách sống những mẫu người... đô thị. Tôi nói điều đó không phải để khẳng định Tự Lực văn đoàn, càng không phải khẳng định nó toàn bộ. Tự Lực văn đoàn chế riễu cuộc sống gia đình, họ hàng, chế riễu những ông xã, ông lý và cả người dân quê nơi nông thôn bùn lầy nước đọng và đưa ra những mẫu người, những lối sống ở thành phố theo cách Âu hóa. Trong Thi nhân Việt Nam, khi nói về Xuân Diệu, một nhà thơ trong Tự Lực văn đoàn và có dáng vẻ Tây nhất, Hoài Thanh viết: "Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng". Tự Lực văn đoàn đô thị hóa, Âu hóa có mới mẻ, xa lạ nhưng không phải không dân tộc. Cái đẹp trong văn chương Tự Lực văn đoàn là Việt Nam chứ không phải Tàu, không phải Tây. Vì kỳ thị với cái của thành phố chúng ta dè bỉu, ra sức xóa bỏ cái "đô thị" kể cả cái đô thị mang màu sắc Việt Nam - tôi muốn nói đến cái nhẹ nhàng, duyên dáng, tế nhị có phần nào kiểu cách - không chất phác giản dị và suồng sã như nông dân - nên ngày nay khi cuộc sống đô thị hóa, tiếp xúc với phương Tây, nhiều người lại trả lại sùng ngoại, bắt chước những cái kệch cỡm một cách thiếu văn hóa, thiếu bản lĩnh dân tộc. Cách nghĩ theo cách nông thôn, nông dân của ta còn gây ra ở nhiều mặt khác những tác hại còn lớn hơn là đánh giá sai Tự Lực văn đoàn.

Lâu nay tôi không theo dõi vấn đề nghiên cứu Tự Lực văn đoàn. Tôi cũng chưa có thì giờ đọc lại nhiều tư liệu. Vì lẽ đó tôi không dám viết một báo cáo khoa học. Trong lời phát biểu ý kiến của mình tôi muốn nhấn mạnh một điểm: nhìn Tự Lực văn đoàn trong sự phát triển có tính liên tục của lịch sử. Tôi muốn lưu ý các bạn là văn học Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước là một nền văn hóa có tính chất vùng (vùng Đông Nam Á). Từ đầu thế kỷ XX cho đến nay nó đã gia nhập vào cuộc vận động chung của văn học thế giới. Cho nên ngoài cách nhìn nó cô lập như một hiện tượng hoàn toàn dân tộc, chia nó ra văn học 1900 - 1930, văn học 1930 - 1945, văn học 1945 - 1975... theo lịch sử dân tộc thì còn có một cách nhìn khác nhìn nó từng bước rời bỏ truyền thống để hiện đại hóa. Nhiều vấn đề mới phải đặt ra và nhiều vấn đề đã đặt ra phải nhìn lại theo cách khác. Tự Lực văn đoàn là một hiện tượng phải nhìn - hay phải nhìn thêm - theo cách khác như vậy. Nhìn thêm từ một góc độ khác chắc chắn chúng ta sẽ hiểu hiện tượng rõ hơn. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện lý luận văn học, làm cho nó thích dụng với sự phát triển cực đa dạng của văn học trong các vùng trong các thời đại và ở đây là thích dụng với quá trình thực tế văn học phương Đông đi vào thế giới hiện đại. Hiển nhiên là việc đồng nhất chính trị và văn học, coi Tự Lực văn đoàn chỉ là Nguyễn Tường Nam, Nguyễn Tường Long, Trần Khánh Giư, các lãnh tụ chính trị chống cách mạng mà không bàn hoạt động văn học của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng và cả nhiều người khác như Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Huy Cận... cũng ở trong Tự Lực văn đoàn đã làm chúng ta nhìn không đúng, không rõ hiện tượng văn học đó. Nhưng nếu chúng ta không sai lầm ở chỗ đó, một sai lầm, theo tôi là phản ánh trình độ nhận thức chung trong những điều kiện thực tế nhất định, thì liệu chúng ta đã có thể yên tâm với cái công cụ mà ta có khi đi vào xử lý các hiện tượng phức tạp khác trong lịch sử trước kia và cả trong tương lai? Một công cụ dầu tốt đến đâu cũng có những khuyết tật, những chỗ sử dụng không có hiệu quả. Người sử dụng công cụ phải biết đối tượng và phải biết điều chỉnh công cụ cho thích hợp với đối tượng. Khi đi vào văn học phương Đông thì công cụ lý luận văn học mà chúng ta đang sử dụng phải chăng cũng cần đến một sự điều chỉnh?

T.Đ.H
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

    Độc giả trẻ thời nay không ít người sẽ hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Truyện Kiều, thiên tiểu thuyết bằng thơ dài tới 3.254 câu với cả thảy 22.778 lượt dùng từ, nhưng lại chẳng hề có qua một chữ NẾU nào, tuy rằng nghĩa “ĐIỀU KIỆN” và/hay “GIẢ ĐỊNH”, vốn được diễn đạt bằng NẾU (hoặc các biểu thức ngôn từ tương đương) trong tiếng Việt đương đại là một trong những nghĩa phổ quát (tức mọi thứ tiếng đều có) và ít thấy một thứ tiếng nào lại vắng các phương tiện riêng để biểu thị.

  • ĐINH VĂN TUẤN

    Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

  • KHẾ IÊM

    Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

  • ALAN KIRBY

    LTS: Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.

  • LÊ QUỐC HIẾU

    Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

  • THÁI KIM LAN
    I.
    Bài viết này được mở đầu bằng một trải nghiệm tự thân, từ chỗ đứng của chủ thể thực hành nói ra kinh nghiệm của mình, vì thế có thể gây ấn tượng về tính chủ quan. Sự trách cứ ấy xin nhận lãnh trước, nhưng xin được tạm thời để trong dấu ngoặc.

  • LUÂN NGUYỄN

    Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
                 (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

  • BỬU CHỈ

    Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

  • LÊ QUANG THÁI

    Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về:
    Rắn trườn đã hết năm,/ Ngựa hay đưa Xuân về.(1)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn
                   
    (Nguyễn Khuyến)

  • TRẦN HUYỀN TRÂN

    Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?

  • NGUYỄN DƯ

    Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ… đèo Hải Vân có gì đặc biệt?

  • PHAN TUẤN ANH

    “Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
                                                               (T.Lessing)

  • Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

  • PHAN NGỌC

    Trong quyển "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều", tôi có dùng một số thuật ngữ chuyên môn. Trong phạm vi quyển sách tôi không thể trình bày kỹ cách hiểu của mình, cho nên có sự hiểu lầm. Giờ tôi xin trình bày kỹ hơn khái niệm "thức nhận", cơ sở của tác phẩm, để bạn đọc dễ đánh giá hơn.

  • YẾN THANH

    Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

  • TRIỆU SƠN

    Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Được Bakhtin đề xuất trong công trình nghiên cứu về sáng tác của Frăngxoa Rabơle, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực nghịch dị (grotesque realism) là sự định danh ước lệ cho một kiểu hình tượng đặc thù (hay phương pháp xây dựng hình tượng đặc thù) của nền văn hóa trào tiếu dân gian, kiểu hình tượng nghịch dị.