Từ cầm quân đến cầm bút

10:33 21/06/2009
ĐẶNG TIẾN     (Đọc Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)Một tờ báo ở ngoài nước đã giới thiệu bốn cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mới xuất bản. Dĩ nhiên là một bài báo không thể tóm lược được khoảng 1700 trang hồi ký viết cô đúc, nhưng cũng lảy ra được những đặc điểm, ý chính và trích dẫn dồi dào, giúp người đọc không có sách cũng gặt hái được vài khái niệm về tác phẩm.

Tác giả đã nhận ra điều này "khi viết hồi ức, hầu như Đại tướng Giáp không quên ai, công lao của ai, ý kiến của ai..." (tr.27). "Ai" đây không dừng lại ở kẻ cầm quyền, kẻ cầm quân, mà còn có những người cầm bút. Bài này chỉ đưa ra một khía cạnh nhỏ: tấm lòng với văn nghệ và phong cách văn học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài tôi mạn ghép gọi tắt là Tướng Giáp cho gọn nhẹ.

Trước tiên, ông ghi phần đóng góp của văn học vào "thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Với nền văn hoá mới, văn nghệ sĩ trở thành chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn học nghệ thuật, trực tiếp góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do (...), với những phương tiện cực kỳ eo hẹp, những tờ báo tường, báo in đá, tạp chí, truyện in với số lượng ít trên giấy giang, những bản nhạc chép tay, truyền miệng... văn nghệ kháng chiến vẫn có mặt trên khắp nẻo đường kháng chiến. Văn hoá, văn nghệ kháng chiến đã có những cống hiến to lớn trong suốt ba mươi năm chiến tranh" (VNG.I.tr.302).

Những lời như thế, chúng ta đã từng nghe nhiều lần, nơi này hay nơi khác. Nhưng ở miệng đại tướng, âm vang bỗng khác: vì ông không phải là người đãi bôi, và ở địa vị, tư thế, tuổi tác ông, không việc gì phải đãi bôi. Hơn nữa nhiều chi tiết trong hồi ức chứng tỏ ông có quan tâm thật sự đến văn nghệ.

Chi tiết thứ nhất là chuyện nhà văn Nguyễn Tuân đánh trống thúc quân trong trận Đại Bục, giữa 1949. Câu chuyện gần như là huyền thoại trong thời chống Pháp: trong chiến tranh hiện đại, giữa thế kỷ XX, sao lại có chiêng trống, và người đánh trống là Nguyễn Tuân, nhà văn đã nổi danh về tiếng trống cô đầu của Hà Nội dăm ba năm về trước. Từ tiếng tom chát giữa son phấn lụa là đến tiếng trống xuất quân giữa lửa đạn, xã hội Việt Nam đã lật một trang sử, qua cuộc đời Nguyễn Tuân.

"Trong trận này, đơn vị mang theo một chiếc trống. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh nổi trống cho bộ đội xung phong. Nhà văn Nguyễn Tuân cùng ra trận với đơn vị, đứng cạnh tiểu đoàn trưởng, vội giành lấy đùi để đánh trống" (VNG I,tr.338).

Nguyễn Tuân cũng đã kể lại chuyện này, trong Tuỳ Bút Kháng Chiến, bằng ngôn ngữ nghệ thuật: "Thì trống. Trống đâu? Những hồi trống ngũ liên ầm ầm như thuỷ triều dâng lên mặt đê... Tiếng trống cái đang cuộn dần lũ giặc từ đồi A xuống đồi B. Tiếng trống dâng nước rung đến đâu, lưỡi mác xung xích dâng cao đến đấy. Tôi vớ luôn một cành khô nện vào một mặt trống nữa. Trống kêu cả hai mặt. Trống kêu to lên nữa. Kêu thế chưa đủ, kêu to cho bõ lúc đêm qua hành quân...Tôi cuống quít bên tang trống. Vậy ra giờ ta đánh đồn, có cả kèn cả trống (...) Hàng rào cháy rồi anh em ơi... Chúng tôi đang mơ chung một cơn hoả mộng. Hoả thiêu Đại Bục. Kích bích giữa rừng khô".

Câu văn mang phong cách đặc biệt Nguyễn Tuân, thời đó, đã có người lên án... Nay Tướng Giáp nhắc lại chuyện cũ, cũng là cách "hoá giải" cho Tuỳ Bút Kháng Chiến. Nhà văn Hồ Phương, có mặt giai đoạn này, có kể lại chuyện đúng như thế, và ghi nhận: "trong hoàn cảnh chiến đấu lúc ấy, giữa anh em văn nghệ sĩ và chiến sĩ có sự gắn bó rất thân thiết. Những người lính cảm thấy phấn khởi, tự hào khi biết có nhà văn đang bước trong đội ngũ của mình". Chuyến ấy, cùng đi với Nguyễn Tuân theo tiểu đoàn 54 dự chiến dịch Sông Thao, còn có Tô Hoài. Anh kể lại rằng cái trống lấy từ nhà chánh tổng, và sau chiến thắng, các vị anh hùng và nghệ sĩ đã mừng nhau bằng "thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau... Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba-lô Nguyễn Tuân". Một tác phẩm Nguyễn Tuân thời đó, 1949, mang tên Đường Vui.

Tiểu đoàn trưởng lúc ấy là Vũ Lăng. Tham gia chiến dịch có Xuân Trường, con trai cả của Nguyễn Tuân; Hồ Phương, nhà văn, tác giả Thư Nhà; Chính Hữu, nhà thơ, tác giả Ngày Về. Cả bốn vị ngày nay đều lên cấp tướng.

Một ví dụ khác về thịnh tình của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với văn nghệ là đã ân cần trích dẫn: "Một người chiến sĩ tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ:

            Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
            Quân xanh màu lá dữ oai hùm
            Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
            Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
                                               
(VNG I, tr.233)

Bài Tây Tiến, Quang Dũng làm tại Phù Lưu Chanh, năm 1948, sau khi đơn vị Tây Tiến đã giải thể. Bài thơ đăng trên báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 11 và 12 tháng 4-5/1949, được nhiều người yêu thích và truyền tụng, Xuân Diệu có lần ngợi khen trên báo Độc Lập.

Nhưng sau đó, bài thơ bị lên án, như lời Tố Hữu: "Sơn La gái đẹp, Sông Mã, cọp gầm" và xếp vào loại "chủ nghĩa cá nhân nhuộm màu tư sản sa đọa". Đoạn thơ bị phê phán nhiều nhất, chính là 4 câu mà Tướng Giáp đã ân cần trích dẫn, và còn nhắc lại trong cuốn hồi ức tiếp theo (VNG II, tr,376). Câu chuyện không dừng lại trong phạm vi văn học: ông đại tướng không có thẩm quyền gì trong việc phê phán văn học; sự nghiệp trước tác của Quang Dũng (1921-1988) cũng không trông cậy gì vào sự chiếu cố của Đại tướng. Nhưng tướng Giáp tạo được bằng an cho tâm thế đám quân binh mà ông lãnh đạo: họ là những chiến sĩ, nhiều người đã lên cấp tướng, đã từng yêu mến bài thơ Tây Tiến, vẫn thường ngâm nga với nhau để nhớ cái thuở Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Đối với nhiều người, đó là mối tình đầu với văn nghệ. Nay được biết Đại tướng cũng thông cảm với những "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", là họ vui. Niềm vui hiếm hoi, ẩn nhẫn, thầm lặng ở những buổi chiều già, những buổi chiều không tuổi và vô tội.

Câu chuyện thứ ba chứng tỏ chân tình của Tướng Giáp với văn nghệ là cái chết của Trần Đăng, cuối năm 1949, trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhà văn làm gì mà hy sinh bên ấy? Trong hồi ký Chuyện Cũ Hà Nội, Tô Hoài có kể lại nhưng cũng chỉ theo lời người khác. Nay Tướng Giáp cho biết cặn kẽ: đây là chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, từ đầu tháng 6-1949, bộ đội Việt Nam, do tướng Lê Quảng Ba chỉ huy, phối hợp với Hồng Quân Trung Quốc, đánh nhau với quân Tưởng Giới Thạch.

"Một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế này. Nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút rất nhiều triển vọng, sau khi từ chiến dịch Sông Thao trở về, hăng hái đi tiếp lên đường số 4 cùng bộ đội qua biên giới làm nhiệm vụ, đã hy sinh trong một trận đụng độ với quân Tưởng" (VNG I,tr.349).

Trần Đăng (1921-1949) là nhà văn quân đội đầu tiên hy sinh trên chiến trường, mà không chết trên đất nước. Có lẽ vì vậy mà Tướng Giáp có niềm ưu ái riêng: ông còn nhắc lại một lần nữa trong cuốn sau (VNG II, tra.25).

Dường như ông cũng có thịnh tình với Nguyễn Huy Tưởng khi nhắc đến chuyến đi thị sát mặt trận Cao Bằng (VNG II, tr.25); và không quên những bản nhạc thường nghe trên đường hành quân: Bông Lau rừng xanh pha máu... Sông Lô sóng ngàn kháng chiến... dĩ nhiên vì nội dung chiến đấu.

Nhưng kỳ diệu là giữa trận mạc, ông vẫn lắng nghe một tiếng đàn. Như ở chiến dịch Đông Khê, 1950:

"Nhẩm tính đã mười một đêm không ngủ, nhiều đêm ngồi trên lưng ngựa. Những ngày chiến dịch khẩn trương kéo dài suốt ba tháng đã qua... Chợt nghe từ một bản nhỏ bên đường vẳng ra tiếng đàn. Tôi ngỡ ngàng cứ như lần đầu nghe thấy những âm thanh này. Nhưng âm thanh thật kỳ lạ. Những mệt mỏi tiêu tan, đầu óc trở nên trong suốt (...) Cũng từ đó tôi yêu âm nhạc" (VNG II, tr96). Sau đó Đại tướng đã cho mời người chiến sĩ trẻ chơi ghi-ta đến, rồi "bảo văn phòng tạm ngừng liên lạc điện đài với các nơi trong một giờ, cùng nhau ngồi nghe âm nhạc" (tr.96).

Giữa mặt trận Điện Biên Phủ cam go, Đại tướng vẫn lưu tâm đến mùi hương một khóm lan rừng: "Những cây lan rừng nở hoa không rực rỡ nhưng có một mùi hương đặc biệt, khi thì thoang thoảng đến bất chợt, chú ý tìm không thấy, khi thì nồng nàn" (VNG II, tr.149). Có khi những đoá hoa không tìm, cũng hiện ra tươi tắn: ấy là dù của đối phương còn lại trên mặt trận.

"Cánh đồng Mường Thanh chạy dài tít tắp đến chân dãy núi phía nam. Cơn mưa thép đã tạnh; cánh đồng phẳng lặng trang điểm những chiếc dù màu sắc rất tươi, như nở đầy hoa. Xa xa, trên đỉnh núi ở biên giới Việt Lào, những đám mây trắng êm đềm kéo nhau đi" (VNG III, tr.339). Trong câu văn, hình ảnh đặc sắc, bất ngờ là "cơn mưa thép đã tạnh"; hay ở chữ tạnh. Các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp ít khi đạt tới một ẩn dụ bình dị và sắc cạnh như vậy.

Một câu hỏi đến tự nhiên với người đọc: Đại tướng có làm thơ không? Ông có ghi lại đoạn thơ làm năm 1948, tiễn những đoàn quân lên Tây Bắc gian lao tiếp tục công tác Tây Tiến:

            Sông Đà, sông Mã uốn dòng
            Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào
            Con vàn tung cánh bay cao
            Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường

Câu thơ ghi lại những địa danh trong thiên nhiên hiểm trở, lạ nước lạ người. Con vàn là tên địa phương của một loài chim, loài vạc, ở đây tạo được một âm hao hoang dã, vang xa trên rừng cao núi thẳm.

Ấy là những nét tâm hồn Đại tướng. Tâm hồn ấy mở rộng về phía văn học nghệ thuật âu cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi Tướng Giáp gợi lại một chuyện văn nghệ nào đó, thì thường gửi gắm thêm chút niềm riêng, người đọc nắm rõ tình cảnh mới thấu triệt sâu sắc những cảm nghĩ thâm trầm, tế nhị của tác giả. Nhưng đọc qua loa, biết qua loa cũng lý thú.

Ghi nhận cuối cùng: câu văn trong Hồi ức rất hay, dĩ nhiên là có công của người ghi chép và biên tập, chủ yếu là Hữu Mai, cuốn cuối cùng do Phạm Chí Nhân thể hiện.

Đọc 1700 trang quân sử, người đọc có ngán mà không chán. Nhờ người kể biết xen kẽ kỷ niệm và giọng kể. Nói chung là câu văn mềm mại, lưu loát, trong sáng. Nghiêm nghị nhưng ôn tồn: chuyện súng đạn, mưu lược và tình nghĩa đan cài.

Người ta đã nói nhiều về những tiến bộ của tiếng Việt trong khả năng diễn đạt mọi tình huống. Hồi ức Tướng Giáp đã điềm đạm chứng minh khả năng này, từ những tổng kết khái quát:

"Chiến tranh là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Thành bại của nó bao giờ cũng là kết quả tổng hợp sự vận động nhiều quy luật và nhiều yếu tố khác nhau, cơ bản và không cơ bản, tất nhiên và ngẫu nhiên. Những nhân tố quyết định đôi khi lại ẩn náu dưới một cái gì đó của cuộc sống và chiến đấu hằng ngày, quá quen thuộc, nên thường dễ bị lẫn lộn, dễ bị bỏ qua trong vô vàn những sự kiện liên quan tới chiến tranh" (VNG I, tr.421).

Câu văn hàm súc, khúc chiết và trong sáng. Những người lao động ngôn ngữ phải biết nghiêng mình trước một câu văn như thế, có thể làm kinh điển cho văn chính luận. Dĩ nhiên muốn viết câu văn trong sáng thì phải có tư tưởng trong sáng; muốn có câu văn Việt Nam thì phải biết suy nghĩ trong lời ăn tiếng nói Việt Nam hằng ngày.

Để tổng kết cuộc chiến ba mươi năm và thành quả của nó, Tướng Giáp đã cô đúc: "ý chí thống nhất Tổ Quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh" (VNG IV, tr.360). Câu văn sắc cạnh ở chữ "và", làm nổi bật hai khái niệm "thế" khác với "lực". Suốt 80 năm Pháp thuộc, các phong trào võ trang yêu nước đã thất bại, vì có thế mà không có lực. Sau đó, hai cường quốc Pháp và Mỹ đã thất bại trên chiến trường Việt Nam, vì có lực mà không có thế. Một ví dụ trong nghệ thuật cầm bút.

Đ.T
(178/12-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Sau Vị giáo sư và ẩn sĩ đường, Ba lần đến nước Mỹ, trong năm 2002, GS. Hà Minh Đức tiếp tục ra mắt bạn đọc tác phẩm Tản mạn đầu ô. Vậy là trong khoảng 5 năm, bên cạnh một khối lượng lớn những tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình, ông đã sáng tác 3 tập thơ và 3 tập bút ký. Đó là những con số mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự "đa năng" của một đời văn tưởng đã yên vị với nhiều danh hiệu cao quý và hơn 30 tập sách nghiên cứu, lý luận, phê bình. Tản mạn đầu ô ra đời được dư luận chú ý, quan tâm. Sau đây là cuộc trao đổi giữa PGS. TS Lý Hoài Thu với GS. Hà Minh Đức xung quanh tập sách này.

  • HUỲNH HẠ NGUYÊN         (Đọc tập thơ "Khúc đêm" của Châu Thu Hà - Nxb Thuận Hoá - 11/2002)...Thơ Châu Thu Hà mang đậm nữ tính. Khi trái tim biết cười, hay khi giàn giụa nước mắt, ta bỗng thấy quý sao những phút sống chân thành với cuộc đời, với mọi người. Châu Thu Hà không để trái tim mình tuột xuống phía bên kia triền dốc, chị cố bước tới và neo lại, để thấy mình được xẻ chia, được yêu chiều, xoa dịu...

  • LÊ MỸ Ý (L.M.Y):  Thưa nhà thơ, là một người có thể tạm gọi là thuộc thế hệ đi trước nhưng lại luôn "gây sốc" bằng những tác phẩm tìm tòi mới, chắc hẳn ông có quan tâm nhiều đến thế hệ thơ trẻ? Có thể có một nhận xét chung về thơ trẻ hiện nay chăng?NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG (H.H): Tất nhiên là tôi rất quan tâm. Nhận xét chung của tôi về thơ trẻ bây giờ là đa số vẫn mang tính phong trào. Có thể nói là những người làm thơ trẻ vẫn đi theo một vết mòn của thế hệ trước, chưa thấy rõ những bứt phá, chỉ nổi lên một số tác giả theo cách lẻ tẻ.

  • Tại sao cô chỉ làm thơ tự do?- Trước hết, bởi tôi thích tự do. Tự do ở đây, được hiểu là: nói, làm, dám mơ ước và tham vọng tất cả những gì mình muốn, không bị tác động và chi phối bởi ai, bởi bất cứ điều gì.

  • NGUYỄN THỤY KHA Đã là lạ tên một tác phẩm khí nhạc mang tực đề "Eo lưng" của nữ nhạc sĩ Kim Ngọc. Lại thu thú khi đọc tập thơ "Nằm nghiêng" của nữ thi sĩ Phan Huyền Thư. Một thế kỷ giải phóng của Việt Nam thật đáng kính ngạc.Cái cách giải phóng mình, phái yếu trong đó có mình của Phan Huyền Thư là sự độ lượng với cũ kỹ, là mỉa mai sự nửa vời, là quyết liệt lặng lẽ vươn tới cách tân theo một thế của “Nằm nghiêng”.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOCòn nhớ mùa Huế mưa 1992, Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đến nhà tôi chơi, mang theo bản thảo đánh máy tập thơ đầu tay của một tác giả mới 20 tuổi có tên là Văn Cầm Hải. Một cái tên lạ mà tôi chưa nghe bao giờ. Những bài thơ của anh cũng chưa hề xuất hiện trên mặt báo. Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đều nói rằng; "Thơ tay này lạ lắm. Ông xem thử".

  • NGUYỄN QUANG HÀNgồi đọc NGÀN NĂM SAU mà như đang ngồi nói chuyện tay đôi với Nguyễn Trọng Bính. Giọng thơ anh cũng cứ chân chất, yêu quê hương và say đời như chính con người anh. Từ thời chiến tranh, chúng tôi đã ở trong rừng với nhau. Cứ ngồi với nhau là bộc bạch hết. Một lá thư riêng, một rung động mới, chúng tôi cũng chia sẻ với nhau.

  • PHAN THÀNH MINHĐó cũng là tựa đề tập thơ rất dễ thương của Trần Tịnh Yên - nhà thơ của đất kinh kỳ thơ mộng thuở nào - thú thật  là tôi đã vô cùng hạnh phúc khi nhận được tập thơ này do chính  tác giả gởi tặng, dễ thương ở chỗ khổ giấy nhỏ nhắn, trình bày đẹp trang nhã, sách 80 trang với 46 bài thơ cũng mỏng mảnh như thế nhưng nhìn rất thơ, càng thơ hơn nữa khi chính tác giả tự viết lời phi lộ cho mình, tôi rất hợp với anh ở điểm này bởi lẽ chẳng ai có thể thay thế cho mình bằng mình để nói hộ những gì mình muốn nói...:...năm xưa qua ngõ sân đìnhcó người nhặt được mối tình ai rơi

  • NAM NGỌC            (Về tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Võ Thị Xuân Hà do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết NXB Phụ nữ xuất bản và phát hành quý I năm 2009)Tập truyện gồm 14 truyện  ngắn, với những mô típ khác nhau nhưng cùng chung gam màu thấm đẫm chất liệu hiện thực. Tất cả đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất mà ở đó các nhân vật dù xấu dù tốt cũng đều hướng tới cái đẹp, cái nhân bản của con người. Cách viết truyện lạ cùng với những chi tiết, tình tiết được lắp ghép một cách khéo léo, Võ Thị Xuân Hà đã một lần nữa gây ngạc nhiên cho người đọc bằng bút pháp ẩn không gian đa chiều của mình.

  • BÍCH THUHơn một thập niên trước đây, với hai truyện ngắn Hồi ức của một binh nhì và Vết thương lòng, Nguyễn Thế Tường đã đoạt giải cao trong cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức năm 1992 - 1994. Tôi còn nhớ một trong số các nhà phê bình đã thành danh của nhà số 4 Lý Nam Đế không kìm được cảm xúc của mình với chùm truyện dự thi của Nguyễn Thế Tường lúc ấy đã thốt lên: “Tôi thích truyện ngắn Nguyễn Thế Tường”. Từ đó đến nay, Nguyễn Thế Tường vẫn miệt mài viết và lặng lẽ ra sách. Người đàn bà không hoá đá là lần ra mắt thứ năm của anh.

  • HOÀNG VŨ THUẬT                (Đọc “Trăng đợi trước thềm”, thơ Hải Bằng, NXB Thuận Hoá - 1987)Đổi mới là trách nhiệm vừa là bổn phận đang diễn ra sôi động trong đời sống văn học hôm nay. Nhưng ranh giới giữa cũ và mới không dễ dàng phân định khi đánh giá một tác phẩm văn chương nghệ thuật.

  • ĐINH NAM KHƯƠNG               (Nhân đọc “ru em ru tôi” Thơ Trương Vĩnh Tuấn NXB: Hội nhà văn - 2003)Có một nhà thơ nổi danh thi sĩ, làm “quan” khá to ở báo văn nghệ. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông vỗ ngực, ngạo mạn nói lời: “ta là quan đây” mà ông luôn dân giã tự gọi mình là hắn, xưng hô với bạn bè là mày tao:                          “...Hình như hắn là nhà quê                          Hình như hắn từ quê ra...”                                                                (Gốc)

  • NGÔ MINHKhông thể đếm là tập thơ đầu tay của cây bút nữ Nguyễn Thị Thái người Huế, sống ở thành phố Buôn Ma Thuột vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành. Tôi đã đọc một mạch hết tập thơ với tâm trạng phấn khích. Tập thơ có nhiều bài thơ hay, có nhiều câu thơ và thi ảnh lạ làm phấn chấn người đọc.

  • MINH KHÔICuối tháng bảy vừa qua, giáo sư ngôn ngữ và văn chương Wayne S.Karlin và nữ phóng viên Valerie, công tác ở một Đài phát thanh thuộc bang Maryland, Mỹ đã đến Huế tìm thăm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, để chuyển cho chị bản hợp đồng in ấn và phát hành tập thơ Green Rice (Cốm Non) do cơ quan xuất bản gửi từ Mỹ sang.

  • FRED MARCHANTCó những vết thương chẳng thể nào lành lặn và có những nỗi đau chẳng bao giờ mất đi. Kinh nghiệm nhân loại khuyên ta không nên “chấp nhận” hay “bỏ đi” hay “vượt lên” chúng. Với một con người mà tâm hồn thương tổn vì đã làm cho người khác khổ đau hay chứng kiến nhiều nỗi đau khổ thì những câu nói như thế hoàn toàn vô nghĩa.

  • BÍCH THU          (Đọc thơ Dòng sông mùa hạ của Hoàng Kim Dung. NXB Hội Nhà văn, 2004)Nhìn vào tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Kim Dung, tôi nhận thấy ở người phụ nữ này có sự đan xen giữa công việc nghiên cứu khoa học với sáng tạo thi ca. Ngoài bốn tập thơ và bốn cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật đã in, với tập thơ thứ năm có tựa đề Dòng sông mùa hạ mới ra mắt bạn đọc, đã làm cán cân nghiêng về phía thơ ca.

  • ĐÔNG HÀVăn hoá và văn học bao giờ cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể thấy rằng văn học là một bộ phận của văn hoá, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá. Khi soi vào một thời kì văn học, người đọc có thể thấy được những khía cạnh về phương diện đời sống văn hoá tinh thần của một thời đại, một giai đoạn của xã hội loài người.

  • HÀ KHÁNH LINHViết được một câu thơ hay có khi phải chiêm nghiệm cả một đời người, hoàn thành một tập truyện, một tập thơ là sự chắt chiu miệt mài suốt cả quá trình, sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII Lê Khánh Mai liên tiếp trình làng tập thơ "Đẹp buồn và trong suốt như gương" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và "Nết" tập truyện ngắn (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOCó người làm thơ dễ dàng như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ vơi cạn. Có người làm thơ khó khăn như đàn bà vượt cạn trong cơn đau sinh nở. Có người không đầy cảm xúc cũng làm được ra thơ. Có người cảm xúc dâng tràn mà trước thơ ngồi cắn bút. Thơ hay, thơ dở, thơ dở dở ương ương tràn ngập chợ thơ như trên trời dưới đất chỉ có thơ. Thơ nhiều đến ngạt thở chứ thơ chẳng còn tự nhiên như hơi thở mà ta vẫn hoài vọng một thời.

  • THẠCH QUỲSuốt đời cần mẫn với công việc, luôn mang tấm lòng canh cánh với thơ, vì thế, ngoài tập “Giọng Nghệ” in riêng và bao lần in chung, nay Ngô Đức Tiến lại cho ra tập thơ này.