Trở lại Mã Yên

16:28 07/08/2009
NGUYỄN QUANG HÀ                          Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.

Núi Mã Yên - Ảnh: vi.wikipedia.org

Thời chiến tranh chống Mỹ, núi Yên Ngựa là chiến khu của huyện Phong Điền. Nhớ bấy giờ là vào giữa năm 1970, chúng tôi vừa đặt chân tới chiến khu Phong Điền, chưa uống xong miếng nước, thì cảnh vệ đưa tin vào: Trên đường vào cơ quan Huyện uỷ có dấu giày của biệt kích. Chúng tôi cùng chủ nhà xếp vội ba lô, chạy nép vào một chỗ kín nhất của chân núi Yên Ngựa. Đến tối không nghe động tĩnh gì thì mới trở lại cơ quan. Lúc đó cảnh vệ cho biết biệt kích đã đi sâu vào trong rừng, anh em trinh sát đang bám chặt chúng.

Ngủ trong rừng bọn biệt kích đặt mìn Clây-mo phòng thủ, anh em trinh sát bí mật xoay ngược lại hướng mìn, rồi đánh động. Lính biệt kích bấm kìm bóp kíp, chính mìn chúng lại tiêu diệt chúng. Chiến khu lại an toàn. Từ đấy, ở chiến khu chúng tôi về đồng bằng hoạt động. Bước chân ra khỏi cửa rừng là thuộc đất xã Phong Sơn.

Xã Phong Sơn ở phía Đông Mã Yên, trải dài suốt từ Cổ Bi, Thanh Tân, Sơn Quả, Công Thành, Xóm Hói, Xóm Mít... cho tới tít tận Hoà Mỹ. Gọi là xã Phong Sơn nhưng làm gì còn dân. Sau Mậu Thân, dân đã bị lùa về Thượng An, An Lỗ lập ấp chiến lược. Dân đi tới đâu, xe ủi về lật tung đất đai nhà cửa đến đó để dân không còn chỗ mà quay về. Dưới đất dân gồng gánh dắt dìu nhau lếch thếch, trên trời máy bay theo từng bước dân đi. Phong Sơn trở thành vùng đất trắng theo đúng cả nghĩa đen của nó. Không có người, không có cả một bóng cây. Phải trụi hết để không cản tầm nhìn của ống nhòm, không để một chỗ che khuất cho Việt cộng ẩn nấp. Duy nhất có Xóm Mít còn một mảnh tường đất và một cây mít khẳng khiu làm nhân chứng cho một thời làng xóm trù mật. Con đường liên xã 11B trở thành đường chiến thuật, khi có động dưới đồng bằng, xe tăng từ An Lỗ ào lên chặn đường rút của Việt cộng. Đến Phong Sơn lúc ấy chỉ có cỏ và những đường cày bỏ lại còn gập ghềnh dưới bàn chân.

Niềm vui nhất đi qua Phong Sơn lúc ấy là những đêm lạnh từ vùng sâu về, chúng tôi quây quanh dòng nước nóng từ dưới sâu phun lên, rửa mặt, rửa chân tay, còn có cả khi tắm nữa. Nhất là khi xin được gà dưới đồng bằng, về đến đây thịt, làm lông bằng chính dòng nước nóng này. Tuy vậy vẫn không quên chôn lông gà kín đáo trước khi vào chiến khu. Có vậy mới yên lòng. Bởi chúng tôi không quên khẩu hiệu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe”. Đời lính rất cụ thể như vậy.

Trong tâm thức chúng tôi lúc ấy, dòng nước nóng chảy qua địa phận Thanh Tân, nên gọi là Suối nước nóng Thanh Tân, vậy thôi. Hoàn toàn đâu có nghĩ rằng chính dòng nước nóng ấy là tiền đề của Công ty cổ phần Thanh Tân, một cái tên được nhiều người biết đến bây giờ.

Tôi có ý thức về Suối nước nóng Thanh Tân vào năm 1981- 1982. Nhớ bấy giờ tôi lên Thanh Tân thăm một người bạn cũ của tôi, đã từng có nhiều khoá làm Bí thư Đảng uỷ xã Phong Sơn, anh Trần Xuân Hãn. Tôi tới, chỉ có vợ anh Hãn ở nhà, hỏi anh đi đâu, chị đáp:

- Ông ấy đi giữ kho anh ạ.

- Giữ kho gì? Tôi hỏi.

- Anh cứ vào trong ấy sẽ biết.

Chị dẫn tôi vào nơi anh giữ kho, đó là việc bảo vệ dòng suối nước nóng Thanh Tân.

Từ những trang giấy anh Hãn đưa cho tôi, hoá ra suối nước nóng Thanh Tân là một kho tài nguyên vô cùng quý giá. Nó đã được biết tới từ “Đại Nam nhất thống chí”. Năm 1928, một bác sĩ Pháp đã đến suối nước này. Năm 1957, một nhà địa chất Pháp đã có mặt. Năm 1962, một chuyên viên nguyên tử Pháp đã khảo sát và xét nghiệm. Các nhà khoa học đã nhất trí nước khoáng Thanh Tân có cùng vi lượng Silíc quý báu như nước khoáng Cauterets (Pháp), Kunder (Nga), Paven Banhia (Bun-ga-ri) là những nước khoáng đã sử dụng lâu đời có hiệu quả với nhiều loại bệnh.

Anh Trần Xuân Hãn vừa trồng những cây con trên bãi trống xung quanh suối nóng, vừa nói:

- Xã mình có cái kho tài nguyên quý như thế, mình không giữ cho dân mình thì ai giữ - Anh hồ hởi kể lại - Vừa rồi có một ông tên Vôi, bị vẩy nến khắp người, chữa thuốc gì cũng không khỏi, nghe người ta kháo nhau về nước khoáng Thanh Tân chữa được bệnh ngoài da, ông ấy đã đến đây, ngâm tắm hai chục ngày, bệnh vảy nến hết vèo. Ông ấy sướng quá, bảo: Tôi sẽ kể cho mọi người nghe để họ đến đây chữa.

Nguồn nước Thanh Tân có tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người như vậy, nên năm 1983 Bộ Y Tế đã cấp giấy phép khai thác cho Sở Y tế Thừa Thiên Huế được khai thác nguồn nước này cung cấp cho bệnh viện và cộng đồng. Thời bấy giờ để sản xuất nước khoáng đóng chai nước khoáng phải được vận chuyển bằng xe tẹc từ Phong Sơn về nơi sản xuất.

Phải đợi đến năm 2000 khi Công ty Cổ phần Thanh Tân ra đời mới chính thức xây dựng nhà máy nước khoáng tại Km25 đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, cách suối nước nóng Thanh Tân đúng 8 cây số theo đường chim bay. Nước khoáng được đưa thẳng từ điểm xuất lộ trên đỉnh đồi Phong Sơn về đến nhà máy sản xuất theo một hệ thống đường ống Inox kín có đường kính 60mm, và độ dày thành ống 2mm.

Giá toàn bộ hệ thống đường ống lúc đó là 2 tỷ, tôi hỏi anh Lê Thanh Hải, một cán bộ của công ty:

- Với giá ấy, thời điểm đó là rất đắt, trong tay mình, vốn chưa nhiều, sao không dùng xe tẹc chở cho đỡ tốn?

Anh Hải đáp:

- Chở xe tẹc nước xóc, khoáng chất sẽ kết tủa, làm hỏng kết cấu lý học, hoá học của nước - Anh tâm sự - Ngay việc vận chuyển bằng ống, phải bọc một lớp cách nhiệt, để dù nước chảy trong ống ở độ sâu 0,7mét, khi đến cây số 25, nhiệt độ nước vào còn ở 290C, đưa vào sản xuất ngay, mới đảm bảo đúng chất lượng của nước khoáng Thanh Tân theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Tôi nói:

- Nhiều khách ẩm thực chê nước khoáng Thanh Tân uống sao ngang quá!

Anh Hải cười:

- Họ có khen nước Thạch Bích, nước Bang ngọt hơn. Đúng. Chính sự đủ chất, làm nước khoáng Thanh Tân tốt hơn hết, cho nên nước có vị ngang. Khi mọi người hiểu ra, họ sẽ quý nước khoáng Thanh Tân hơn anh ạ.

- À! Tôi cũng ngớ người.

Anh Hoà giải thích: Các khoáng chất trong nước khoáng Thanh Tân không những dưới dạng ion cơ thể dễ hấp thu cũng như dễ đào thải, mà còn cân đối phù hợp với mọi lứa tuổi. Cho nên ta có thể dùng để uống, dùng ngoài và xông hít, phun mù. Uống nước khoáng Thanh Tân tại chỗ có thể chữa bệnh béo trệ, chứng thống phong, viêm đường tiết niệu, sỏi niệu, viêm dạ dày, viêm đại tràng, chữa rối loạn tiêu hoá, viêm da, chống nhiễm độc kim loại. Còn nếu ngâm tắm, chữa bệnh thấp khớp, viêm khớp, viêm đốt sống, hư cột sống, chữa viêm thần kinh ngoại vi, chữa vảy nến, chàm mãn tính, chàm tiết bã, mày đay, ghẻ. Còn xông hít chữa các bệnh từ mũi, kích thích tuần hoàn tại chỗ vv...

Chính vì Thanh Tân là một nguồn nước tốt mà đã có những nhà đầu tư đặt vấn đề mua lại nguồn nước nóng và nhà máy nước khoáng Thanh Tân để phục vụ du lịch cao cấp nhưng công ty cổ phần Thanh Tân nhất định không bán với lý do: Đây là một nguồn nước tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là dùng để chữa bệnh (hay còn gọi là chữa bệnh bằng yếu tố thiên nhiên không dùng thuốc) thì phải được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, vì dân ta còn rất nghèo.

Phải nói rằng đó là một suy nghĩ nhân ái đầy truyền thống và hiện đại. Muốn trở thành một hoạt động kinh tế, thì nhất định khu vực nước suối nóng Thanh Tân phải trở thành một địa chỉ an dưỡng và du lịch.

Để khẳng định tiêu chí của mình, Công ty Cổ phần Thanh Tân đã tuyên truyền kêu gọi bệnh nhân tới Thanh Tân chữa bệnh, không ngờ người xin tới đông thế, 264 người, gồm 108 bệnh nhân khớp, 135 bệnh nhân cơ và 21 bệnh nhân da, quá tải, công ty cáo lỗi chỉ nhận có 69 người ghi tên đầu tiên vì cơ sở ban đầu để thí nghiệm còn rất hạn chế. 69 bệnh nhân gồm khớp 32 người, thần kinh cơ 27 người, da 10 người, chữa làm 5 đợt mỗi đợt chữa 1 tháng từ 6-10-1999 đến 30-9-2000 mới xong.

Kết quả rất khả quan. Các bệnh nhân da hầu như khỏi, bệnh nhân cơ và khớp có tiến triển rất khả quan.

Xin được kể ra đây mấy bệnh nhân làm minh chứng cho đợt thí nghiệm chữa bệnh tại suối nước nóng Thanh Tân.

- Bà Từu người ở ngay Thanh Tân bị khớp nặng, một chân bị teo chỉ còn da và xương, không đi lại được. Mỗi ngày uống và ngâm chân trong suối nước nóng một tiếng, chân teo nở dãn có thịt dần. Một tháng đã đi lại được.

- Mệ Di người Huế viêm da, khớp cũng uống nước khoáng và ngâm người dưới nước. Viêm da, khớp khỏi hẳn. Mặt da sáng láng, đẹp.

- Ông Mạnh người Đà Nẵng, bị tai biến mạch máu não, đi lại rất khó khăn, đã uống nước Thanh Tân, ngâm nước Thanh Tân, đi lại đàng hoàng.

- Đặc biệt có một ông người Mỹ tên là Lawson bị đau cột sống đi lại rất khó khăn. Sau khi điều trị ở Thanh Tân người trở nên vui vẻ, đi lại đàng hoàng, leo dốc cũng tốt.

Có thể gọi đó là một cuộc khảo sát khoa học trên cơ sở hết sức thực tế bằng những con người thật, bệnh nhân thật và câu trả lời bằng những hiệu quả trước mắt khỏi bình luận làm cho tiếng tăm nguồn nước khoáng nóng Thanh Tân không ngừng lan toả. Không tâm huyết, không một lòng, không tự tin, có điều gì đó nghi ngờ về nước khoáng của mình, Công ty cổ phần Thanh Tân không thể làm được như thế.

- Sở dĩ Thanh Tân có suối nước nóng vì nước đấy được hâm nóng dưới độ sâu 2000mét, song khối lượng nước chảy ra thật lớn, trong mùa khô, mỗi ngày từ 400- 450m3, còn mùa mưa, mỗi ngày từ 500 - 550m3.

Tôi được biết năm 2000, Thanh Tân đã bắt đầu xây dựng khu du lịch và nghỉ dưỡng. Tôi không tưởng tượng ra nó như thế nào. Cho mãi tới hôm nay tôi mới có dịp trở lại Thanh Tân.

Kia ngọn Mã Yên đang còn kia như chiếc yên ngựa giữa trời. Nhưng Phong Sơn không còn hoang hoá nữa. Cổ Bi, Thanh Tân, Sơn Quả, Công Thành, Hiền An... đã lại là những xóm làng trù mật dưới bóng tre xanh. Và con đường 11B hôm nào từng đoàn xe tăng hung hãn tung bụi mù tiến lên ngăn đường rút lui của quân ta từ đồng bằng lên chiến khu, thay vào đó là học sinh cắp sách tới trường, là những gánh hàng đủ thứ để về chợ Phong Sơn, vui hơn thế nữa là những đoàn xe chở khách lên khu nghỉ dưỡng Thanh Tân.

Thanh Tân đây rồi, khu vùng trắng không một bóng cây sống nổi vì bom đạn, vì xích xe cày xới, nay đã là một cánh rừng nhiệt đới xanh um, cây cối tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau. Sương sớm phủ lên màu xanh ấy như tạo cho Thanh Tân sự huyền ảo.

Tôi đã đứng trước cổng khu du lịch nghỉ dưỡng, trên đỉnh cổng là hàng chữ lớn chạy dài: THANH TÂN SPA. Đây là suối nước khoáng Thanh Tân viết tắt của Khu du lịch phục hồi sức khoẻ suối khoáng Thanh Tân. Nhưng tôi tạm dịch cho mình hiểu đây còn là: dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Thanh Tân. Bước vào cổng là những dòng nước trắng xoá mở đầu cho một cảnh quan như những cánh tay xòe đón khách. Tiếp đến là những ống đồng treo trên cành cây phun hơi nước làm cho Thanh Tân chìm trong sương mù như dẫn du khách vào xứ sở của huyền thoại.

Thì ra từ năm 2000 đến nay, Công ty cổ phần Thanh Tân đã trồng được hơn 30 hecta rừng, đang phát triển mở rộng tới 50 hecta. Đất tốt nên rừng cây rất xanh. 2000 mét vuông hồ và 200 mét suối nước nóng gồm hồ bơi, hồ tạo sóng, hồ trượt cảm giác mạnh, tất cả đang bốc hơi. Trên mặt nước kia giống như bãi biển mùa hạ, đủ các lớp người đang vùng vẫy trong sóng nước.

Tôi à lên có vẻ ngạc nhiên, thì ra đi chữa bệnh ở Thanh Tân là như thế này. Đây rõ ràng là một không khí ngày hội chứ không phải là một bệnh viện. Hèn chi khách đến với Thanh Tân ngày một nhiều. Khu điều dưỡng có nhà hàng 300 chỗ ngồi, và hội trường 200 chỗ ngồi, có khu vui chơi cho trẻ em, hèn chi có những trường từ trong Đà Nẵng ra tận đây tổ chức cho học sinh cắm trại.

Anh Trúc, Giám Đốc khu du lịch nghỉ dưỡng dẫn chúng tôi đi một vòng, một thác nhỏ, hàng trăm học sinh đang đùa dỡn vừa bơi, vừa té nước trêu chọc các bạn gái. Các bạn gái cũng không vừa hất tung nước té lại. Gần đó không xa là 4 nhà sàn, có đủ chỗ cho 200 em học sinh nghỉ lại qua đêm. Nơi nghỉ yên tĩnh nhất là cánh rừng sinh thái mới được trồng lên chục năm nay. Là một vườn nuôi hươu sao. Sự có mặt của chúng trong cánh rừng này, đủ nói lên rằng mọi người hãy cứ yên tâm với cuộc sống của mình nơi đây.

Anh Trúc cho biết:

- Từ năm 2005 đến nay, năm nào khách đến với Thanh Tân cũng từ 120.000 người trở lên.

Rõ ràng Thanh Tân ngày càng có sức hấp dẫn riêng của nó. Chẳng thế năm 2006 công ty Thanh Tân đã được nhận giải thưởng danh giá: “Thương hiệu an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” mới đây là “Thương hiệu xanh phát triển” năm 2009

Tôi chợt nhìn làng bên, không xa, đó là nhà thờ Thanh Tân. Nhắc tới nhà thờ Thanh Tân, tôi chợt nhớ ngay tới Hàn Mặc Tử, có một thời ông đã ở đây trước khi vào Quy Nhơn.

Cũng hôm tôi đến Thanh Tân, con đường 11B từ An Lỗ vào Phong Sơn, Phong Xuân đang được làm cầu cống mới, đổ nhựa với khoản tiền 37 tỷ đồng, sẽ làm cho Huế - Thanh Tân gần hơn, là một trong những điều kiện rất thuận lợi cho du khách đến với Thanh Tân.

Có lẽ thơ Quý Hoàng, một người bạn của tôi cũng góp thêm một dự báo cho Thanh Tân:

                                           “Bốn mùa Thanh Tân du khách du khách
                                                    Vui như là gặp gỡ trong mơ”

N.Q.H
(245/07-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN THỊ THANH SUNGLGT:Bà Nguyễn Thị Thanh Sung sinh năm 1949 tại An Cựu (Huế), cựu học sinh Đồng Khánh, cựu giáo sinh trường Sư phạm Qui Nhơn, dạy tiểu học ở Quảng Tín (Quảng Nam ngày nay). Năm 1973, lấy Bill Fleming cố vấn an ninh tại Toà Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế. Năm 1974, bà  theo chồng qua định cư ở Mỹ. Bill vẫn tiếp tục phục vụ trong Bộ Ngoại Giao. Hiện bà sống cùng gia đình tại Potomac, Maryland .

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG(Rút từ tuyển tập Hồn mai – tuỳ bút – NXB Thuận Hoá và Công ty Văn hoá Phương Nam phối hợp thực hiện, năm 2008)

  • TRẦN ĐƯƠNG(Viết theo lời kể của một số cán bộ và sinh viên, học sinh Việt Nam, từng công tác và học tập tại Liên Xô)

  • LÝ HẠNH                Đất trời đã bước vào độ cuối xuân, vẫn còn những cơn mưa bụi lất phất và cái rét dìu dịu thả xuống nhân gian như những sợi tơ trời.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Câu chuyện của 27 năm về trước...

  • PHƯƠNG LAN                     LTS: Sông Hương nhận được tin và bài về một phụ nữ "nuôi mộ liệt sĩ" đã 15 năm, nay muốn trả lại cho gia đình của liệt sĩ nhưng không biết nhắn gửi vào đâu. Vì câu chuyện nghĩa cử đầy cảm động này và vì không chỉ là thông tin nên Sông Hương xin in luôn cả bài viết sau đây, mong bạn đọc xa gần, trong điều kiện có thể được thì nhắn tin sớm cho gia đình người liệt sĩ này.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGĐã từ lâu lắm, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ đông đủ như thế này. Nhận ra nhau rồi mới giật thót mình nhìn lại; ai cũng tưởng chỉ mới hôm qua, và cái khoảng mơ hồ dẫn đến hôm nay, sao đã làm tóc mọi người bạc đi nhiều thế.

  • LÊ QUÝ LONGThông lệ cứ mỗi buổi sáng uống xong cốc càphê tôi đến mở phòng tranh. Ngày 1 tháng 11 năm 1999 chừng tám giờ sáng, ngoài đường nước đã lên phủ khắp mặt nhựa. Suốt đêm qua cho đến lúc này trời vẫn mưa to.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Ấn tượng dai dẳng trong tôi mỗi khi nhớ về Huế vẫn là những trận mưa rả rích kéo dài lê thê hết ngày này sang ngày khác. Mưa có khi cả tháng trời. Mưa ngày rồi lại mưa đêm. Có lúc những cơn mưa rào kéo sầm sập như thác đổ. Lúc mưa nổi bong bóng nước. Mưa rừng càng buồn nản hơn.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Cái ấn tượng không lấy gì làm vui vẻ và đẹp đẽ của tôi về chị xảy ra vào những ngày đầu tiên khi tôi trở thành người lính của đại đội 3, K10, thuộc công trường V về trụ bám ở vùng giáp ranh Hương Trà.

  • ĐẶNG NHẬT MINHCha mẹ tôi là những người Huế. Quê nội tôi ở An Cựu và quê ngoại ở làng Lại Thế. Tôi nghe bà tôi kể: đám cưới cha mẹ tôi là một đám cưới chạy tang.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày thoát ly lên rừng (mùa hè 1966), tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được Thành ủy cho ở trong một cái nhà lá dựng ở lưng chừng một ngọn đồi sau dãy núi Kim Phụng. Đến bữa có người phục vụ bưng cơm lên ăn. Thật thoải mái, không phải lo sinh nhai, không phải lo giữ lời ăn tiếng nói sao cho hợp pháp, không còn sợ bị bọn mật vụ, CIA đến viếng nhà, đến trụ sở đấu tranh "hỏi thăm sức khỏe".

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGMột hôm nhân rỗi việc, tôi ngồi thả câu nơi một bến đá quen thuộc ven sông Hương. Chỗ này cá nhiều ăn không kịp giật. Bỗng cái phao của tôi trôi đi vùn vụt như thể có người kéo. Tôi vung mạnh tay, một chú cá chép mắc câu nhảy đành đạch trên mặt cỏ. Bất ngờ nó thở hổn hển và nói với tôi bằng tiếng người: rằng nó là con vua Thuỷ Tề, đi tuần thú dọc sông Hương, đã bị tôi bắt được. Nó năn nỉ xin tôi thả ra, sau đó nó sẽ đền ơn bằng cách thực hiện cho tôi ba điều ước.

  • TRẦN HOÀNG PHỐKỷ  niệm  45  năm  thành  lập Đại  học  Huế  (1957-2002)1. Mặt trời, mặt trăng vẫn rạng rỡ soi, có lẽ cả ngàn năm trên cái giải đất Phú Xuân-Huế cỏ hoa thơ mộng, diễm kiều và tịch lặng này.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN Tôi đỗ vào Đại học Sư phạm Huế năm 1962. Lúc ấy tôi đã có Chứng chỉ Dự bị (Propédeutique) bên trường Đại học Văn khoa.

  • THOMAS MANNMANN, PAUL THOMAS, nhà văn Đức (1875- 1955). Sinh tại Lüberk trong một gia đình thương gia lớn. Cha là Johnann Heinrich Mann - một thượng nghị sĩ, đồng thời là thương gia. Mẹ là Julia con gái của một chủ trang trại người Đức và một phụ nữ gốc Bồ Đào Nha.

  • TRUNG SƠNĐó là truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của cây đại thụ trong làng văn Việt : nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, thể hiện rõ phong cách “truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” nên đã hai lần được lấy làm tên các tập truyện ngắn của ông. (Lần đầu, do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1934 và lần thứ hai do Nhà xuất bản Văn học in năm 1988).

  • XUÂN TÙNGNgày đầu xuân ở nước ta có nhiều phong tục đã được tồn tại lâu đời như tục xông đất, hái lộc, mừng tuổi: Vào những ngày đầu xuân, các tầng lớp nho sĩ còn có tục khai bút, cho chữ... vừa là thú vui, vừa là cung cấp cho những người thích xin chữ, xin câu đối về treo. Việc làm này mang một ý nghĩa văn hóa thú vị.

  • PHẠM THỊ CÚCMột ngày đẹp trời chúng tôi “lên đường” bằng... ô tô, đi câu cá ở một cái hồ xa xôi tận miền đông bắc nước Mỹ.

  • VĨNH NGUYÊNTrước mặt tôi là thăm thẳm sâu hút chập chùng xanh đến rợn người mà thích thú làm sao! Hồ Truồi trong vắt dưới chân như ta có thể rơi tòm xuống đó nếu không may để sẩy bước hụt. Và, sau lưng tôi là chót đỉnh Bạch Mã gần kề như chỉ còn một tầm tay với. Nơi đây, mang cái tên lộng lẫy: Vọng Hải Đài!