Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, giống và khác

08:48 14/05/2021

NGUYỄN HOÀN    

Nhận định về Trịnh Công Sơn, lâu nay có câu so sánh gần như mặc định: “Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam”.

Ảnh: internet

Câu so sánh này thường được cho là của Joan Baez, một nữ ca sĩ nhạc dân ca (folk singer) của Mỹ, người thành danh chủ yếu nhờ hát nhạc Bob Dylan - một huyền thoại âm nhạc người Mỹ, một biểu tượng văn hóa có tầm ảnh hưởng toàn cầu, người được tặng giải Nobel Văn học năm 2016. Sở dĩ nói “được cho” vì câu so sánh này cũng có thể của người khác đã nói. Cái gì gần như mặc định, thường được coi như hiển nhiên, ít có sự trao đổi, tranh biện, phản tỉnh trở lại. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. John C. Schafer, giáo sư dạy môn Ngôn ngữ học ứng dụng và Văn học đối chiếu tại Đại học Humboldt, California, Mỹ, đã viết cuốn sách “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt?” được dịch và xuất bản ở Việt Nam, thông qua Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2012 (được in lại với nhan đề “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêu”, Nxb. Đà Nẵng, 2019) đưa ra một cái nhìn mới mẻ, “phá vỡ” cách hiểu gần như mặc định nói trên, đi đến khẳng định rằng Trịnh Công Sơn không phải là Bob Dylan của Việt Nam.


Thật ra, không phải đợi đến khi cuốn sách “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt?” của John C. Schafer được dịch và xuất bản ở Việt Nam, độc giả ở Việt Nam mới nhận ra rằng câu so sánh “Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam” là không đúng. Bùi Bảo Trúc, tác giả bài viết “Về Trịnh Công Sơn”, trên cơ sở đánh giá sự dồi dào về lượng và phẩm của nhạc Trịnh Công Sơn đã cho rằng sự so sánh đó vừa sai lầm, vừa bất công cho Trịnh Công Sơn. Bùi Bảo Trúc phân tích: “Nguyên số lượng ca khúc mà Trịnh Công Sơn viết đã nhiều hơn số ca khúc của Bob Dylan. Mà đó mới chỉ nói về số lượng sáng tác. Như vậy sự so sánh có bất công cho Trịnh Công Sơn. Bob Dylan viết một số nhạc phản chiến - anti war songs - và phản kháng - protest songs - cùng một số đề tài khác. Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến, phản kháng, nhưng chủ yếu là tình ca, những đề tài khác là quê hương, thân phận con người, trong đó, triết lý và tôn giáo là những nét nổi bật. Bài nổi tiếng nhất của Bob Dylan là ca khúc Blowin’ In The Wind, bài hát nói về chiến tranh, bom đạn, chết chóc, ước mơ hòa bình được coi như bài hát đầu môi của các phong trào phản chiến hồi thập niên 60. Nhưng Blowin’ In The Wind vẫn chưa tới được mức bi thảm như các ca khúc Chính chúng ta phải nói, Người già em bé, Nước mắt cho quê hương hay Đại bác ru đêm”(1), “Những chi tiết vừa kể cho thấy đem những tên tuổi khác để so sánh với Trịnh Công Sơn là một việc vừa sai lầm vừa bất công”(2).

Điều đáng nói, đóng góp quan trọng của John C. Schafer, với cuốn sách “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt?” là người đầu tiên đã nghiên cứu công phu, có hệ thống, thông qua khảo sát, đối chiếu, phân tích dưới nhiều góc độ về Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhạc sĩ huyền thoại này, trong đó, khác nhau là chủ yếu.
 

Khi cho rằng “Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam”, có lẽ Joan Baez hay ai nữa nói điều này nhằm nhấn mạnh điểm giống nhau rõ nhất giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan là cả hai đều viết những bản nhạc phản chiến nổi tiếng. Ngoài điều này ra, John C. Schafer đã đưa ra một danh sách về những điểm giống nhau giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan như sau:

“1. Hai người này soạn nhạc, nhưng cũng được xem như là hai nhà thơ.

2. Cả hai đều viết nên những lời ca mà người nghe rất thích và được xem như là gửi gắm những sự thật quan trọng. Tuy nhiên những lời ca này cũng rất khó giải thích.

3. Cả hai đều viết những bài tình ca rất cảm động.

4. Cả hai đều có những liên hệ tình cảm đặc biệt với các nữ ca sĩ và các nữ ca sĩ này cũng giúp họ thành công và nổi tiếng.

5. Cả hai đã nói lên được ước vọng và niềm đau của một thế hệ trẻ, những người này ngợi ca hai nghệ sĩ đã nói lên được giùm giới trẻ những gì mà họ không thể nói lên được.

6. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan thụ hưởng một sự nghiệp lâu dài của hai nghệ sĩ vừa trình bày vừa sáng tác - hay nói cách khác, cả hai đã giữ được địa vị danh tiếng của mình mặc dầu quê hương của họ đã trải qua bao cuộc thăng trầm về chính trị và văn hóa.

7. Cả hai đã chịu ảnh hưởng và tìm nguồn cảm hứng từ hai truyền thống tôn giáo của họ, đạo Phật với Trịnh Công Sơn và Ki-tô giáo với Bob Dylan”(3).

Tuy hai nhạc sĩ có nhiều điểm tương đồng như vậy nhưng John C. Schafer khẳng định “những điểm tương đồng này rất hời hợt và giản đơn và, khi nghiên cứu kỹ, có thể nói chúng che lấp những dị biệt rất quan trọng”(4).

Vậy “những dị biệt rất quan trọng” đó là những điểm nào? John C. Schafer lần lượt phân tích, soi chiếu những điểm dị biệt này, dưới các góc độ: cách phản chiến, tình yêu, nhân cách, truyền thống tôn giáo… khác nhau của hai nhạc sĩ.

Ở điểm giống nhau dễ thấy của hai nhạc sĩ là chống chiến tranh, John C. Schafer đã chỉ ra rằng ngay cả điểm giống nhau này cũng có thể che lấp những khác biệt quan trọng. Cũng giống như Bùi Bảo Trúc trong bài viết “Về Trịnh Công Sơn” đã dẫn trên, John C. Schafer đã đi sâu phân tích về số lượng và tính chất khác nhau của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Bob Dylan viết nhạc phản chiến, “dấn thân vào chính trị” (chữ dùng của John C. Schafer) trong thời gian rất ngắn, chỉ có 2 năm, từ 1962 đến 1963. “Năm 1965 khi Trịnh Công Sơn đang viết những bài phản chiến nổi tiếng nhất thì Dylan đã chuyển sang viết những bài có chủ đề cá nhân hơn là chính trị”(5). Khác với Bob Dylan chỉ viết nhạc phản chiến trong một thời gian ngắn, Trịnh Công Sơn liên tục viết nhạc phản chiến trong thời gian dài, khi bom đạn chiến tranh đang tàn phá quê hương Việt Nam. John C. Schafer đưa ra con số so sánh: Trịnh Công Sơn viết đến 69 bài nhạc phản chiến như một nhà nghiên cứu đã đếm (dẫn theo Michiko Yoshi, người viết luận án về Trịnh Công Sơn tại Đại học Paris, trong 136 bài hát Trịnh Công Sơn viết từ 1959 đến 1972 có 69 bài là phản chiến), còn Bob Dylan chỉ viết độ 6 hay 7 bài chống lại chiến tranh mà thôi và không có bài nào nói về chiến tranh Việt Nam. “Như vậy hai con số về các bài phản chiến của Dylan và của Trịnh Công Sơn rất khác nhau và tính chất của các bài này cũng rất khác nhau. Trịnh Công Sơn luôn khuyên răn nên tránh hận thù trong khi Dylan thì đầy rẫy hận thù trong các bài phản chiến và một số bài khác của mình”(6).

Đối với nhạc tình của hai nhạc sĩ này, John C. Schafer nêu rõ sự khác nhau về giọng điệu, tính chất: “Giọng điệu Trịnh Công Sơn lại có vẻ buồn và hối tiếc, trong khi Dylan lại giận dữ, hung hăng và thách thức”(7), “Nhiều bài tình ca của Bob Dylan chấm dứt trong giận hờn và cáo buộc. Tình ca của Trịnh Công Sơn, trái lại, chấm dứt trong chấp nhận và buồn”(8). Phân tích về lý do của sự khác nhau này, John C. Schafer cho rằng vì hai nhạc sĩ thuộc về hai truyền thống văn chương và ca nhạc khác nhau: “Thi sĩ và nhạc sĩ Việt Nam thường tìm cái ngọt ngào trong tình yêu dang dở”(9), “Không giống Trịnh Công Sơn, Dylan xuất hiện từ một môi trường văn chương và âm nhạc ít lãng mạn hơn (nghĩa là hiện thực hơn), ít tình cảm hơn và phản lại các lề lối cũ của xã hội và nghệ thuật”(10). Ngoài sự khác nhau do ảnh hưởng từ các truyền thống văn chương và âm nhạc, theo John C. Schafer, các tác phẩm của Trịnh Công Sơn và Bob Dylan khác nhau vì do hai người có nhân cách khác nhau, có “cái tôi” trong tác phẩm khác nhau. Không được nhầm tưởng rằng người “nói”, tức là người xưng ngôi thứ nhất trong các tác phẩm văn học nghệ thuật và người sáng tác ra các tác phẩm đó là một. “Tôi” trong các bài hát của Trịnh Công Sơn không phải là Trịnh Công Sơn. Cũng như “tôi” trong các bài hát của Bob Dylan không phải là Bob Dylan. John C. Schafer nhận thấy rằng, văn sĩ thường mang mặt nạ (persona), họ hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau trong các tác phẩm của mình để đạt được những mục đích nghệ thuật. Tuy nhiên, John C. Schafer phỏng đoán rằng có một sự liên lạc giữa persona của những bài hát và nhân cách của người sáng tác ra nó: “Chúng ta sẽ thấy persona trong một bài hát tiêu biểu của Trịnh Công Sơn có vẻ hiền từ hơn, ít giận dữ hơn và đầy tha thứ hơn persona trong một bài hát tiêu biểu của Bob Dylan. Có thể persona của Trịnh Công Sơn dễ mến hơn persona của Bob Dylan bởi vì Trịnh Công Sơn là một người dễ mến hơn”(11).

John C. Schafer thấy rằng hai nhạc sĩ này phản ứng rất khác nhau khi đương đầu với những bất hạnh trong đời sống cá nhân hay trước chiến tranh và bất công. “Trong khi Trịnh Công Sơn phản ứng bằng một thái độ đau buồn và thương xót thì Bob Dylan phản ứng bằng một thái độ thách thức, giận dữ và căm hờn. Hai cách phản ứng khác nhau như vậy tạo ra những bài hát với hai giọng điệu khác nhau, gửi gắm hai thông điệp khác nhau về cách sống ở đời”(12).

Đặc biệt, cuốn sách của John C. Schafer đã dành nhiều dung lượng (phần II và phần III) để phân tích về sự khác nhau của hai nhạc sĩ do chịu ảnh hưởng từ hai truyền thống tôn giáo khác nhau, với Trịnh Công Sơn là Phật giáo và với Bob Dylan là đạo Do Thái và đạo Ki-tô. John C. Schafer khẳng định “đây là điểm quan trọng nhất và có thể cũng là nguồn gốc của những điểm khác nhau kể trên”(13). Làm sáng tỏ điểm khác nhau “quan trọng nhất” này, John C. Schafer phân tích sâu về ảnh hưởng của đạo Ki-tô trong các tác phẩm của Bob Dylan và ảnh hưởng của Phật giáo trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Ảnh hưởng khác nhau nên tư tưởng nghệ thuật khác nhau, chất nhạc khác nhau. Trong nhiều tác phẩm của mình, Bob Dylan đã sử dụng ngôn ngữ Kinh thánh, mà John C. Schafer đã nêu là “ướt sũng Kinh thánh”, chẳng hạn với bài “Are You Ready?” (Đã sẵn sàng chưa?), Bob Dylan viết về “ngày phán xét cuối cùng” theo Cựu Ước: “Bạn đã sẵn sàng chưa cho ngày tận thế?”. John C. Schafer còn lý giải rằng, Bob Dylan hay thể hiện lòng giận dữ trong rất nhiều bài hát của ông là do ông chịu ảnh hưởng bởi “cơn thịnh nộ của Thượng đế”: “Kinh thánh có rất nhiều câu nói về sự giận dữ của Thượng đế… Người theo đạo Ki-tô tin rằng sự thịnh nộ của Thượng đế là “hậu quả của sự lo lắng tối cao””(14). Khác với Bob Dylan, Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Phật giáo nên “ông phản ứng trước những bất thành không phải với giận hờn mà với tình thương”(15). Nghiên cứu về “Trịnh Công Sơn và Phật giáo”, John C. Schafer đã đề cập về ảnh hưởng của các khái niệm cốt tủy của Phật giáo như “nhẫn nhục và từ bi”, “tính không”, “pháp môn bất nhị” trong nhạc Trịnh Công Sơn. Thấu tỏ nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm lòng từ bi, John C. Schafer đi đến một nhận định khái quát xác đáng rằng lòng từ bi này định hình cho cái nhìn của Trịnh Công Sơn về thế giới (“Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” - Ru em). Dưới cái nhìn “tính không” của Phật giáo, “sắc” và “không” không khác nhau, “con mắt còn lại nhìn đời là không” (Con mắt còn lại), sóng và biển không khác nhau, cho nên “biển sóng biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu?” (Sóng về đâu?). “Bất nhị” tức là “không hai”, nhìn sự vật không theo lối nhị nguyên, không phân biệt làm hai: sắc/ không, sống/ chết, buồn/ vui… Sắc tức là không, không tức là sắc chính là cái nhìn “bất nhị”. John C. Schafer viết: “Bằng cách chấp nhận ý niệm Bất Nhị và Vô Ngã, ta có thể làm dịu lại biên giới giữa sống và chết... Trong nhiều bài hát của mình, Trịnh Công Sơn hình như đã cố gắng làm mờ biên giới giữa sống và chết. Một bài nổi tiếng vào loại bậc nhất của ông, “Một cõi đi về” bắt đầu với:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
”(16)

Làm rõ thêm về ý niệm “một cõi đi về”, Trịnh Công Sơn từng viết: “Đi về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua”(17). Vẫn với cái nhìn “bất nhị”, Trịnh Công Sơn đã thấy: “Buồn vui kia là một” (Nguyệt ca). John C. Schafer bình luận: “Một điều khác làm cho cái buồn của Trịnh Công Sơn quyến rũ hơn là vì nó hình như luôn đi đôi với hạnh phúc”, “ghép liền cái vui và cái buồn đến độ không còn thấy sự khác nhau nữa thì rất là đặc biệt nơi Trịnh Công Sơn”(18).

Khi so sánh ảnh hưởng Phật giáo trong nhạc Trịnh và ảnh hưởng đạo Ki-tô trong nhạc Bob Dylan để chỉ ra sự khác nhau căn bản của hai nhạc sĩ này, John C. Schafer đã có một phát hiện thú vị, sâu sắc, độc đáo là nhấn mạnh sự khác nhau quan trọng của hai nhạc sĩ về tính chất, mức độ chịu ảnh hưởng, về phương thức thể hiện những tín điều đã chịu ảnh hưởng sao cho nhuần nhuyễn về mặt nghệ thuật chứ không sa vào “truyền giáo”. Về điều này, John C. Schafer đã phân tích, làm rõ hẳn sự nổi trội độc đáo của Trịnh Công Sơn: “Mặc dầu ông không muốn ai ghép cho ông danh nghĩa là phát ngôn viên của phái này phái nọ, nhưng Dylan đã từng là phát ngôn viên cho đạo Ki-tô của ông. Trịnh Công Sơn, trái lại, diễn tả nhiều ý niệm Phật giáo trong các bài hát của mình, nhưng ông không bao giờ cho mình là phát ngôn viên của đạo Phật. Đây là một điểm khác nhau quan trọng giữa hai người”(19), “Dylan đã truyền đạo không che đậy chút nào trong các bài ca của ông, một điều mà Trịnh Công Sơn không bao giờ làm”(20), “Các bài của Trịnh Công Sơn không nặng nề kinh kệ, không có bài nào công khai tôn sùng tôn giáo như các bài trong những album có tính cách truyền giáo của Dylan”(21), “Trịnh Công Sơn viết các bài hát của mình cho một quần chúng rộng lớn, nên ông không đem vào đó những ngôn từ Phật giáo khó hiểu. Các bài hát của ông vì vậy đầy ắp ý nghĩa đạo Phật, nhưng không bị đè nặng bởi những kinh kệ đạo Phật”(22). Qua sự so sánh này của John C. Schafer đã làm nổi bật lên bản lĩnh nghệ thuật cao cường của Trịnh Công Sơn trong tiếp nhận các nguồn ảnh hưởng: tư tưởng triết học, tôn giáo…, tiếp nhận có chọn lọc, sáng tạo, “thoát thai hoán cốt”, phục vụ cho mục đích cao đẹp của nghệ thuật chứ không thể hy sinh nghệ thuật cho sự “truyền giáo” nào. Qua trường hợp sáng tạo âm nhạc của Trịnh Công Sơn càng cho thấy nghệ thuật có thể chịu ảnh hưởng của các tư tưởng triết học, tôn giáo nhưng nghệ thuật là nghệ thuật, nghệ thuật không phải là triết học, tôn giáo và không làm thay nhiệm vụ của triết học, tôn giáo. Triết học, tôn giáo chỉ “làm giàu” thêm cho nghệ thuật mà trường hợp Trịnh Công Sơn là một minh chứng sinh động, nhiệm màu.

Nhận thấy sự so sánh: “Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam” là so sánh có tính chất cảm tính, bề nổi, không chính xác, là người dạy môn Văn học đối chiếu, John C. Schafer đã làm cái việc chẳng khác gì việc của người làm “văn học so sánh”, nghĩa là so sánh một cách khoa học, có căn cứ, có thực chứng, có khảo sát, thống kê… để chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan trong sáng tạo nghệ thuật, từ đó giúp người đọc hiểu sâu hơn về hai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, nhằm trả lại cho Caesar cái gì của Caesar. Đã so sánh thì phải hướng đến hai mục đích là chỉ ra tính khái quát và tính đặc thù của những đối tượng được so sánh, cũng có nghĩa là chỉ ra cái chung và cái riêng, cái quốc tế và cái dân tộc(23). Sau khi đề cập về sự khác nhau của hai nhạc sĩ, sự khác nhau của hai truyền thống tôn giáo, ở phần kết cuốn sách, John C. Schafer hướng đến một tiếng nói chung, mang tính khái quát, vượt lên trên sự khác biệt của hai nhạc sĩ và hai truyền thống tôn giáo. John C. Schafer dẫn câu của Lindbeck, một nhà thần học Mỹ: “Một thế giới thu nhỏ lại buộc các tôn giáo cũng như các quốc gia phải học cách để đối thoại với nhau”(24). Dưới cái nhìn của văn hóa đối thoại, John C. Schafer khái quát, đúc kết một nét chung rằng: “Trịnh Công Sơn nhìn thế thái nhân tình theo cái nhìn của nhà Phật và Phật giáo đem lại cho ông niềm an ủi. Bob Dylan nhìn thế thái nhân tình theo cái nhìn của đạo Ki-tô và tìm được niềm an ủi trong việc thờ Chúa. Điểm chung cho hai người ở đây là tìm ra sự thanh thản cho tâm hồn và mãn nguyện với chính mình. Trên phương diện này có thể Phật giáo và Ki-tô giáo có thể hiểu được nhau và Trịnh Công Sơn cũng không quá xa lạ đối với Bob Dylan. Vì ai mà không có lúc cần được sự giúp đỡ để đối phó với sự mong manh của cuộc đời, chẳng hạn như khi phải đối diện với sự tàn phai của tuổi trẻ, hay sự qua đời của một người thân”(25).

Cuốn sách của John C. Schafer cho thấy việc nghiên cứu, tìm hiểu về Trịnh Công Sơn cũng như các hiện tượng văn hóa tiêu biểu khác cần được tiếp tục mở ra. Mở rộng trường nghiên cứu, nghiên cứu trong so sánh, đối chiếu với trong nước, kể cả nước ngoài để hiểu mình, hiểu người rõ nét hơn, để phát hiện, khẳng định sâu sắc hơn, toàn vẹn hơn về các giá trị văn hóa dân tộc, tạo tiền đề, cơ sở cho việc quảng bá văn hóa, hội nhập về văn hóa với thế giới. Chẳng hạn, nghiên cứu việc tiếp nhận nhạc Trịnh ở Nhật Bản là một đề tài thú vị. Cuốn sách này đã gửi gắm một thông điệp quý, đồng thời cũng khẳng định triển vọng của hướng nghiên cứu nói trên, khi cho rằng giá trị của Trịnh Công Sơn cần được tiếp tục nghiên cứu, công nhận: “Thiên hạ vẫn còn ngưỡng mộ hai danh tài này vì những cống hiến lớn lao cho hai nền văn hóa mà họ đại diện. Trên thế giới, Bob Dylan được biết đến nhiều hơn vì ông là công dân của nước Mỹ, một nước rộng lớn, và vì tiếng Anh, ngôn ngữ của ông, rất phổ thông trên toàn cầu. Nhưng tôi tin Trịnh Công Sơn cũng tài năng không kém và đáng lẽ phải được công nhận nhiều hơn. Tôi cũng khẳng định rằng chúng ta có thể biết nhiều hơn về hai nền văn hóa Việt và Mỹ bằng cách tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của hai người này”(26).

N.H  
(TCSH386/04-2021)

------------------------
(1) Một cõi Trịnh Công Sơn, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 371, 372.
(2) Một cõi Trịnh Công Sơn, sđd, tr. 373.
(3) John C. Schafer, Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt?, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 51, 52.
(4) John C. Schafer, sđd, tr. 52.
(5), (6) John C. Schafer, sđd, tr. 59.  
(7) John C. Schafer, sđd, tr. 89.  
(8), (9) John C. Schafer, sđd, tr. 95.  
(10) John C. Schafer, sđd, tr. 95, 96.  
(11) John C. Schafer, sđd, tr. 102, 103.
(12) John C. Schafer, sđd, tr. 109
(13) John C. Schafer, sđd, tr. 110.
(14) John C. Schafer, sđd, tr. 131.
(15) John C. Schafer, sđd, tr. 142.  
(16) John C. Schafer, sđd, tr. 170.  
(17) Trịnh Công Sơn, Nghĩ về thiền, in trong tập: Trịnh Công Sơn, tôi là ai là ai…, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh,  2011, tr. 212.  
(18) John C. Schafer, sđd, tr. 157.
(19) John C. Schafer, sđd, tr. 113.  
(20) John C. Schafer, sđd, tr. 123.  
(21) John C. Schafer, sđd, tr. 150.  
(22) John C. Schafer, sđd, tr. 151.  
(23) Xem Nguyễn Văn Dân, Lý luận văn học so sánh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr. 68, 69.  
(24) John C. Schafer, sđd, tr. 173.  
(25) John C. Schafer, sđd, tr. 190.  
(26) John C. Schafer, Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêu, Nxb. Đà Nẵng, 2019, tr. 5, 6.




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN DÂNNgười ta cho rằng tiểu thuyết có mầm mống từ thời cổ đại, với cuốn tiểu thuyết Satyricon của nhà văn La Mã Petronius Arbiter (thế kỷ I sau CN), và cuốn tiểu thuyết Biến dạng hay Con lừa vàng cũng của một nhà văn La Mã tên là Apuleius (thế kỷ II sau CN).

  • HẢI TRUNGSông chảy vào lòng nên Huế rất sâuBản hùng ca của dãy Trường Sơn đã phổ những nốt dịu dàng vào lòng Huế, Hương Giang trở thành một báu vật muôn đời mà tạo hóa đã kịp ban phát cho con người vùng đất này. Chính dòng Hương đã cưu mang vóc dáng và hình hài xứ Huế. Con sông này là lý do để tồn tại một đô thị từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế, hình thành phát triển đã qua 700 năm lịch sử.

  • HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.

  • NGUYỄN KHẮC MAITháng 3 –1907, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ của Việt Nam đã khởi xướng thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hô hào xây dựng đời sống mới mà giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, cả về sản xuất kinh doanh, xây dựng lối sống văn minh của cá nhân và cộng đồng.

  • HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY

    Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.

  • THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.

  • TÙNG ĐIỂNLTS:  “Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa” là chủ đề cuộc tập huấn và hội thảo của các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Nha Trang đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài nội dung đó, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong mấy năm gần đây.Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nhiều tham luận sâu sắc chân thành đã được trình bày tại Hội nghị.Sông Hương xin trích đăng một phần nội dung trên trong giới hạn của chuyên mục này.

  • PHẠM PHÚ PHONGMột đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.

  • PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.

  • PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.

  • TRẦN VĂN SÁNGCó thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.

  • TRẦN THỊ MAI NHÂNNgười ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore).

  • HOÀNG THỊ BÍCH HỒNGKhái niệm “Lạ hoá” (estrangemet) xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX gắn với trường phái hình thức Nga. Theo Shklovski thì nhận thức của con người luôn có xu hướng tự động hoá để giảm bớt năng lượng tư duy, “người ta thường dùng những từ quen thuộc đến sờn mòn”(1).

  • VÕ THỊ THU HƯỜNGTrời đất bao la mênh mông, ẩn chứa thật nhiều những bí mật mà con người chúng ta không ngừng khám phá mỗi ngày và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu mới mẻ và kỳ lạ.

  • TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.

  • LẠI NGUYÊN ÂN 1. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (individualisme) của tư tưởng phương Tây được Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu hướng “Âu hoá”.

  • HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.