Trên công trường hồ Tả Trạch

15:42 09/06/2009
LÊ VĨNH THÁI                Ghi chép Sau chặng đường dài gần 20 km vượt qua các con dốc cao ngoằn ngoèo, hiểm trở, tôi đã đến “hành lang” công trình hồ Tả Trạch, nằm giữa vùng rừng núi bạt ngàn thuộc xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ. Công trình hồ Tả Trạch được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, là công trình trọng điểm của Thừa Thiên Huế và của cả nước, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, với tổng mức đầu tư khổng lồ 2659 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình lớn của vùng Đông Nam Á.

Đoàn nhà văn tại công trường hồ Tả Trạch

Cái nắng nóng chói chang đầu mùa hạ như thiêu đốt con người và cây cỏ. Con đường từ Ban Quản lý dự án công trình dẫn đến công trường hồ Tả Trạch đặc quánh bụi đất và hằn những vũng sâu, lồi lõm ổ gà, ổ voi của những dấu xe qua từ những cơn mưa đợt rét Nàng Bân còn sót lại. Chiếc xe Win 100 phân khối có lúc phải rồ hết ga và chạy số một, gầm rú trong nặng nhọc gần ba mươi phút đồng hồ mới vượt qua khỏi đoạn đường này. Vất vả, cực nhọc đến nản lòng nhưng cuối cùng tôi cũng đã lên đến đỉnh ngọn núi, nơi sẽ là trung tâm điều khiển của công trình hồ chứa nước.

Đứng ở đỉnh cao, trên ngọn núi bên dòng Tả Trạch, tôi thoả thuê nhìn ngắm toàn cảnh một trong hai nguồn chính tạo nên dòng sông được mệnh danh là nguồn cảm hứng thi ca vô tận. Nhánh Tả Trạch của sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đông, dài khoảng 67km với một chặng đường đầy ghềnh thác cheo leo hiểm trở, đến thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông dòng sông mới chảy đằm lại, uốn mình quanh Dương Hoà, mềm mại như mái tóc của người con gái. Nơi tôi đang đứng là chặng đường nghỉ của sông để chuẩn bị cho cuộc hợp lưu với dòng Hữu Trạch ở Ngã Ba Tuần tạo thành con sông Hương huyền thoại. Và từ đỉnh cao, tôi cảm nhận trong nắng gió vị mặn từ những giọt mồ hôi tươm tràn, đẫm ướt trên lưng, trên vai những người thợ đang hì hục đào đục đường hầm dấn sâu vào lòng đất đá để xây Tháp giảm áp. Nhìn những khuôn mặt đen sạm, bám đầy bụi đất, chợt thấy xúc động khi chứng kiến họ như những ông Ngu Công dời núi để tạo dựng nên công trình chế ngự thiên nhiên nhằm phục vụ cho lợi ích con người.

Nếu không nhìn thấy thì không thể tưởng tượng được kỳ công của những người công nhân nơi đây. Cứ vài ba người mồ hôi nhễ nhại bên một chiếc máy khoan đá. Tiếng máy gầm, tiếng rạn vỡ của đá cứ trộn lẫn vào nhau thành một thứ âm thanh rin rít nghe rợn cả gai ốc, vậy mà mũi khoan chỉ nhích được từng milimet một, càng xuống dưới sâu lòng đất con người càng nhỏ dần và công việc càng khó hơn. Xong mỗi công đoạn khoan, đào, những người thợ lại bắt đầu gắn những tấm thép có hình tròn bằng 1/2 miệng giếng và phụt xi măng vào để giữ cho đất đá khỏi sập rồi lại đào tiếp, khoan tiếp cho đến khi đạt được độ sâu 50m. Riêng vận chuyển những mẻ xi măng mới trộn cũng rất khó nhọc, phải sử dụng hệ thống cần cẩu lớn mới đưa được thiết bị xuống độ sâu cần thiết.

Với diện tích lưu vực lòng hồ rộng tới 717 km2, dung tích chứa  650 triệu m3 nước, có thể khẳng định rằng sau khi công trình này hoàn thành, đồng nghĩa với việc xoá đi những trận lũ lụt lớn ở hạ lưu sông Hương và từ đại hồng thuỷ sẽ chỉ còn là câu chuyện kể cho con cháu mai sau, bởi Tả Trạch là một nhánh chính chiếm hơn 60% lượng nước của sông Hương. Hồ Tả Trạch được xây dựng với các chức năng chính: chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống dòng chảy sông Hương; cấp nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho gần 35.000 ha đất canh tác, đồng thời cung ứng lượng nước ngọt lớn để đẩy mặn cho hạ lưu sông Hương, cải thiện môi trường đầm phá phục vụ cho việc nuôi trồng thuỷ sản; ngoài ra công trình hồ chứa còn cung cấp sức nước cho nhà máy phát điện với công suất 19,5 MW.

Trong những ngày đầu tháng Năm này, tháng có nhiều ngày kỷ niệm các sự kiện lớn, những người thợ màu áo lính của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn chịu trách nhiệm lịch sử xây dựng hồ Tả Trạch đang tăng năng suất lao động bất kể ngày đêm trên công trường nhằm lập thành tích góp phần cùng cả nước đón chào kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Lần đầu tiên tiếp xúc với một công trình có tính quy mô lớn, tôi đã rất ngỡ ngàng trước những ngổn ngang trên công trường, với tiếng máy gầm rú hối hả, từng đoàn xe nối đuôi nhau trên dãy núi xa tít khuất sau các triền núi như đàn kiến đang chạy. Trong mênh mông bụi mù công trường, tôi không thể nào nhìn rõ những người công nhân, may nhờ chiếc ống kính máy ảnh tôi mới tách bạch được đâu là những người thợ, đâu là những cỗ máy. Không, tất cả trật tự đấy chứ! Trong cái tưởng chừng ngổn ngang ấy lại là một trật tự, một chuỗi vận hành hoàn hảo của dây chuyền lao động sản xuất mang tính công nghiệp cao. Tiếp cận với các anh bộ đội, công nhân đang thi công, tôi mới hiểu rõ được điều đó, mỗi người một nhiệm vụ rõ ràng như trong một cơ thể chỉnh chu. Trên công trường, ngày cũng như đêm luôn luôn ầm ĩ tiếng xe, tiếng máy, cả không gian và thời gian đều tất bật. Riêng từ khâu lấy đá cũng phải qua nhiều công đoạn, từ khảo địa chất của các ngọn núi, lấy mẫu đưa đi phân tích, khi đã tìm được mẫu đá chuẩn, thích hợp cho công trình lúc đó mới bắt đầu khai thác. Đầu tiên là khoan, nổ mìn, rồi vận chuyển về khu chế biến xay xát, chế biến gia công thành phẩm, sau khi kiểm tra đạt chất lượng lúc đó mới đưa vào sử dụng, quả thật không ít gian nan. Đất đắp đập, mỗi ngày ít nhất cũng phải cần đến 6.000 m3 và khi cao điểm đến 10.000m3, chỉ nghe những con số đó thôi cũng đã thấy sức làm việc ở đây khủng khiếp thế nào.

Trước mắt tôi lúc này đang dần hình thành một kỳ công nhân tạo giữa thiên nhiên hùng vĩ, giữa màu đỏ của đất, màu rêu của núi là sừng sững những bức tường đá ngoằn ngoèo xếp hình bậc thang, tất cả như bản phác thảo cho một bức tranh hoành tráng.

Tôi gặp Thượng tá kỹ sư Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Tổng công ty xây dựng Trường Sơn ở gói thầu 20 đang thi công con đập chính. Bên cái nắng và bụi, anh chỉ về phía những người công nhân đang tất bật, gấp rút trong từng công việc và nói “ Ở đây là phải chạy đua với thời tiết từng ngày một. Nắng nóng biết là khổ nhưng phải tranh thủ, phải tận dụng tối đa chứ đến mùa mưa thì…” Anh cười “Mưa Huế thâm trầm, rền rĩ khó chịu lắm”. Anh cho biết thêm, khi chuẩn bị cho việc xây dựng và đắp đập, dù đã qua nhiều khâu khảo sát, thiết kế nhưng khi tiến hành công việc lại vẫn không sao tránh khỏi những khó khăn bởi địa hình địa chất và thời tiết quá phức tạp, “Địa chất ở đây phức tạp không như dự kiến ban đầu, bây giờ chúng tôi phải vừa làm, vừa xử lý những tình huống mới...”. Anh nói tiếp: “như tháng tư vừa rồi 17 ngày mưa, 13 ngày còn lại có ngày phải chờ đất khô mới làm được”. Mưa, nỗi sợ của những người thi công công trình ở đây. Khi đã mưa thì cứ kéo dài mà công trường thi công đòi hỏi phải kịp tiến độ. Khó khăn nhất vẫn là việc đắp đập chính, một trong những hạng mục quan trọng của hồ Tả Trạch, bởi vì theo các thông số kỹ thuật, đất phải không khô quá, không ướt quá mà chỉ cần đủ độ ẩm cần thiết giao động từ 16 đến 22%. Chính vì thế, sau mỗi trận mưa lớn kéo dài vài ba ngày, công trình lại tổn thất hằng trăm triệu đồng vì phải khắc phục bao nhiêu công đoạn, từ hút nước, san ủi lại mặt bằng, và cả chờ... đất khô. Nơi đây, chuyện nghỉ lễ và Tết hầu như không có, trên công trường gần sáu trăm kỹ sư, bộ đội, công nhân và hơn hai trăm phượng tiện phục vụ cho công trình luôn luôn vận hành công việc quay như chong chóng, mỗi ngày có ba ca bốn kíp luân phiên làm việc, công trường cứ như sôi lên 24/24 giờ.

Nghe Thượng tá kỹ sư Nguyễn Tiến Đạt giải thích từng công đoạn xây dựng, tôi hình dung ra dần dần tiến trình xây dựng. Khi đập hoàn thành với chiều cao nhất đến 60m, chiều rộng 10m và chiều dài đến 1.187 m; con đập này sẽ là nơi ngăn nước lại để tạo thành hồ, nó đóng vai trò quan trọng bậc nhất của công trình. Bởi “Nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì cả thành phố Huế sẽ bị ngập chìm trong biển nước, chính vì vậy khi xây dựng đập, chúng tôi phải kiểm tra từng khâu, từng mét với độ an toàn tuyệt đối”. Công việc đầu tiên của con đập là đào hết đất hữu cơ và đất bùn, ở đoạn nơi có con sông chảy qua là khó nhất phải đào sâu, rồi đào hố móng, sau đó phun bê tông phản áp sâu dưới đáy. Tiếp đó khoan phụt, bơm xi măng vào dưới đáy để tạo màng chống thấm, có nơi khoan sâu đến 39m, cũng phải tuân thủ từng công đoạn, khi phụt xuống vài mét đợi bê tông khô mới khoan tiếp. Đập được chia thành các khối: Khối gia tải thượng lưu, khối chống thấm giữa và khối gia tải hạ lưu và tường chắn sóng cao 1m bằng bê tông cốt thép. Đỉnh đập trải bê tông át phan dày trên các lớp đá dăm cấp phối, mái thượng lưu được gia cố bằng bê tông cốt thép, mái hạ lưu được trồng cỏ bảo vệ thành các ô vuông 3,0m x 3,0m. Khi công trình hoàn thành xung quanh lòng hồ sẽ là nơi tham quan du lịch, khu du lịch sinh thái...

Thỉnh thoảng, Thượng tá kỹ sư Nguyễn Tiến Đạt đang kể, chợt dừng lại “ xin lỗi”... rồi anh lại chạy xuống dưới chỗ công nhân đang thi công để hướng dẫn, chỉ cho họ từng công việc phải làm, sau đó mới trở lại tiếp tục câu chuyện với tôi. “Mình phải đứng ở đỉnh cao mới có tầm nhìn bao quát để kiểm tra công việc...”- Anh nói. Dường như, con người này không có phút nào nghỉ ngơi, lúc nào cũng công việc. Anh kể: “ Làm chỉ huy công trình mình phải kiểm tra kỹ từng khâu, nhiều lúc căng thẳng vì công việc nên cũng có anh em công nhân nghĩ là mình quá khắt khe, nhưng sau thời gian sống, làm việc với nhau họ đã hiểu mình...”. Bây giờ, tôi đang đối diện và cũng là lúc tôi nhìn kỹ khuôn mặt anh hơn, khuôn mặt rắn chắc ẩn dưới làn da ngăm đen của cái nắng công trường. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Vào bộ đội từ năm 1976, anh đã từng đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau trong quân đội như: Phụ trách khai thác đá, chăn nuôi, khai thác mỏ Apatít, khảo sát và thiết kế xây dựng ở trong nước và nước bạn Lào, phụ trách đoàn khảo sát thiết kế ở Viện Khảo sát Thiết kế của Binh đoàn 12. Nói về các địa danh, với anh nó rõ như lòng bày tay, suốt dọc chiều dài tổ quốc hầu như nơi nào cũng đều có dấu chân anh qua, dấu chân của người lính xây dựng.

Vào bộ đội 33 năm, 13 năm đi xây dựng công trình và chuyện về nhà của anh là cả một chương dài. 33 năm đi bộ đội là 33 năm xa nhà, với người lính nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có năm anh không về phép vì yêu cầu công việc, đặc biệt khi các công trình đang thi công dang dở chạy đua với mùa mưa như công trình hồ Tả Trạch này nên không thể về nhà được. Cưới vợ 23 năm, có năm không về, có năm về vỏn vẹn mấy ngày, đứa con đầu chào đời hơn một năm mới biết mặt bố nó là ai. Chuyện vui, có thật, cách đây hơn một năm có người bạn lính về phép ghé tìm nhà anh, tìm mãi cuối cùng đến được nhà, khi vào nhà người bạn ấy thấy tấm hình của anh treo ở trên tường, mừng reo lên “Nhà Đạt đây rồi...”. Thế nhưng chị vợ anh lại bảo, “đó không phải là anh Đạt, anh Đạt đang ở ngoài công trường chứ đâu có ở đây” và chị tổng kết bằng một câu xanh rờn: “Lấy nhau 23 năm nhưng thời gian anh Đạt ở nhà cộng lại chưa tròn một năm”. Nói vậy, nhưng chị hiểu nhiệm vụ của một người lính. Tôi chợt nhớ tới câu hát trong bài “Những ánh sao đêm”: “Em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi/ Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi/ Lòng anh thấy càng thương nhớ em/ Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi...”

Buổi chiều, khi hoàng hôn dần buông, một vài cánh chim lẻ đàn đang gọi tìm nhau trong rừng thẳm, tôi mới cảm nhận ở đây buồn đến dường nào khi hoàn cảnh phải ở xa gia đình.... Dạo quanh nơi ăn, nghỉ của các anh chỉ thấy toàn là núi rừng, đất đá, và máy móc ngổn ngang. Giữa hoang vu này có lẽ anh Đạt cũng tức cảnh sinh tình, cũng làm thơ chứ? Tôi nghĩ vậy và hỏi anh, anh bảo “trước đây mình làm nhiều thơ nhưng giờ công việc nhiều quá nên không có thời gian...” Rồi anh đọc cho tôi rất nhiều bài thơ về lính, tình yêu của người lính xa nhà... Trong đó, bài “Tiễn anh” viết về tâm trạng của người vợ khi tiễn chồng lên đường về đơn vị: “Em tiễn anh đi buổi sáng hè/ Nắng vàng khoe sắc gió đùa tre/ Người đi em luyến lưu thương nhớ/ Hình dáng, tình em nặng nặng đè.” Có lẽ ai ở trong hoàn cảnh anh mới hiểu được tâm trạng của anh, của người vợ khi tiễn chồng lên đường và phải xa nhau không biết bao ngày mới gặp lại... Cùng cảnh xa nhà như anh Đạt, có nhiều người lính túc trực với công việc, thậm chí có người đã hơn một năm tự nguyện không về nhà thăm gia đình vì phải nỗ lực cho công trình kịp tiến độ. Và rồi khi công trường xây xong, các anh lại lên đường vào công trình mới khác ở đâu đó trên khắp mọi miền tổ quốc. Chưa hẳn tất cả trong số các anh sẽ được nhìn thấy kết quả từ thành quả lao động, từ những giọt mồ hôi, nước mắt của mình, đó là lúc công trình đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trên công trường hồ Tả Trạch, tôi nhận ra trên mỗi khuôn mặt của những người công nhân thi công ở đây đều toát lên niềm phấn khích và không biết bao ngày mới gặp lại... Cùng cảnh xa nhà như anh Đạt, có nhiều người lính túc trực với công việc, thậm chí có người đã hơn một năm tự nguyện không về nhà thăm gia đình vì phải nỗ lực cho công trình kịp tiến độ. Và rồi khi công trường xây xong, các anh lại lên đường vào công trình mới khác ở đâu đó trên khắp mọi miền tổ quốc. Chưa hẳn tất cả trong số các anh sẽ được nhìn thấy kết quả từ thành quả lao động, từ những giọt mồ hôi, nước mắt của mình, đó là lúc công trình đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trên công trường hồ Tả Trạch, tôi nhận ra trên mỗi khuôn mặt của những người công nhân thi công ở đây đều toát lên niềm phấn khích và sự quyết tâm bởi có một điều chắc chắn các anh biết là các anh đang mang lại bao niềm vui cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bởi rồi đây, khi công trình nầy hoàn thành, sông Hương không còn giận dữ, không còn là nỗi ám ảnh “…trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương tràn ngập…” cho người dân khi mùa mưa đến. Và sông Hương sẽ không thể còn trút cơn thịnh nộ lên vùng đất vốn nghèo khó truyền đời bởi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai liên miên như trận đại hồng thuỷ năm 1999, đã cướp đi hơn 350 mạng người từ đầu nguồn cho đến cửa biển. Đã gần 10 năm trôi qua, người dân Thừa Thiên Huế vẫn chưa hết bàng hoàng. Đến bây giờ sự hoảng loạn vẫn tồn tại sâu đậm trong trí nhớ của người dân. Hình ảnh ông già lội lụt cầm gói mì tôm nhai ngấu nghiến, những mái nhà ngập nước, những xác người vẫn còn ẩn hiện đâu đó mỗi khi mùa lụt đến, vẫn ám ảnh trong ký ức bao người.

Một khu du lịch sinh thái ngay trong lòng hồ Tả Trạch sẽ mọc lên trong nay mai, khi công trình này hoàn thành, Dương Hòa sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong hành trình đến vùng đất Cố Đô. Có thể, ngày đó, tôi sẽ lênh đênh trên hồ Tả Trạch cùng chiếc cần câu và đắm mình trong thiên nhiên thơ mộng, chìm trong màu xanh ngắt của của núi rừng, của dòng nước đang lững lờ trôi. Hồ Tả Trạch không còn đơn thuần là hồ chứa nước mà còn là điểm tham quan du lịch sinh thái gắn liền với thiên nhiên ở đây như: tổ chức những chuyến đi bộ thăm chiến khu Dương Hòa, hoặc men theo bên hồ lên đỉnh núi cao để ngắm nhìn mây trời non nước, cũng có thể mở tour du lịch leo núi lên phía thượng nguồn... và sau hành trình dài đó, du khách xuống thuyền trở về khu nghỉ mát ở gần lòng hồ. Ngày đó không còn xa nữa...

L.V.T
(244/06-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • JEAN-CLAUDE GUILLEBAUDLà một nhà báo - nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm trong suốt cuộc đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên” được viết sau chuyến đi Việt Nam từ Nam chí Bắc của ông năm 1992. Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt này, có thể nói, nó là nỗi ám ảnh của người pháp về Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Hiện Guillebaud đang công tác tại Nhà Xuất bản Le Seuil (Paris).

  • PHẠM THỊ ANH NGA15-12-2002Hình như trong đám đông tôi vẫn luôn là một bóng mờ. Một bóng dáng nhạt mờ, lẩn trong vô vàn những bóng dáng nhạt mờ khác, mà giữa trăm nghìn người, ai cũng có thể “nhìn” mà không “thấy”, hoặc có vô tình “thấy” cũng chẳng bận lòng, chẳng lưu giữ chút ấn tượng sâu xa nào trong tâm trí.

  • PHẠM THỊ CÚC                       KýTôi sinh ra ở một làng quê, không những không nhỏ bé, hẻo lánh mà còn được nhiều người biết đến qua câu ca dao "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui".

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG                                        Bút kýNhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.

  • THÁI VŨ        Ghi chépNhững năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Nam- Đà Nẵng vào Bình Thuận lên Tây Nguyên được chia ra làm 3 Quân khu thuộc Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ. Qua năm 1947, 3 Quân khu (QK 5, 6 và Tây Nguyên) hợp nhất thành Liên khu (LK) 5.

  • PHƯƠNG HÀ                     (truyện ký)Cho anh em trong phân đội trở về các vị trí giấu quân xong thì trời cũng vừa sáng. Đang giăng võng để ngủ lấy sức sau một đêm trinh sát, tôi chợt nhớ phải đến thăm Hoà vì Hoà sắp đến ngày sinh nở. Chúng tôi đang ở ngay làng của mình nhưng làng không còn nhà, dân bị giặc lùa đi hết, muốn tìm nhau thì phải tìm đến những căn hầm.

  • LÊ TRỌNG SÂMTrong cuộc đời của mỗi chúng ta, khi Bác Hồ còn sinh thời, được gặp Bác một lần đã quý. Trong cuộc sống của tôi, do có nhiều hoàn cảnh, nhiều duyên may lại được gặp Bác đến ba lần thì càng quý biết bao nhiêu. Tự đáy lòng, tôi thầm cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác đã cho tôi ba lần vinh dự như vậy. Và những kỷ niệm đó vẫn còn tươi nguyên.

  • PHẠM THỊ CÚC                         Ký…Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động…

  • TRƯƠNG ĐÌNH MINH                                 Ký Đợt này trở lại Trường Sơn, tìm hiểu thêm các tấm bê tông xi măng vắt qua đỉnh Trường Sơn, lượn quanh các đèo U Bò, Cù Đăng, A Dớt - A Tép mưa mù phủ trắng... Có đỉnh như đỉnh Sa Mù cao trên 1400m mà đợt tháng 3/2003 vừa rồi chúng tôi đã có mặt. Song do mưa liên miên, xe vận chuyển vật liệu, vật tư đi lại co kéo quá nhiều, đường lầy lội. Các đơn vị thi công chưa hoàn thiện phần nền...

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                              Bút kýNhiều năm rồi tôi vẫn nghe, đồng chí đồng đội, nhân dân Dương Hoà và những người từng ở hoặc đã qua lại nơi đây trước chiến tranh, khẳng định rằng: Sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Ngô Hà được đơn vị tổ chức an táng tại sườn tây núi Kệ, nơi có khe suối Ngân Hàng chảy qua thuộc vùng chiến khu Dương Hoà. Trước ngày giải phóng miền Nam, mỗi lần ngang qua chỗ ông nằm mọi người lại tự ý đắp thêm một viên đá nhỏ, để cho ngôi mộ ấy sớm trở thành hòn núi như mới mọc lên từ đất, ghi dấu chỗ ông yên nghỉ ... Chờ ngày chiến thắng.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNăm cuối cùng của bậc học phổ thông, tôi được học 2 tiết văn giới thiệu về "Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945". Cũng không có tác phẩm thơ hoặc văn xuôi được tuyển chọn để phân tích, bình giảng như bây giờ. Ngày ấy - những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn lãng mạn được xem là điều cấm kỵ.

  • TRƯỜNG ANChúng ta đang sống giữa những ngày rực lửa truyền thống hào hùng của Tháng Năm trong lịch sử cách mạng Việt và thế giới. Trước hết, hãy nhắc đến một sự kiện lớn của giai cấp công nhân quốc tế. Ngày 1.5.1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

  • PHẠM THỊ ANH NGA       Gởi hương hồn bạn cũTôi qua đến Pháp ngày hôm trước thì hôm sau ba tôi mất. Cái tin khủng khiếp đó đối với tôi vẫn không đột ngột chút nào, bởi từ những ngày hè về thăm nhà, tôi đã biết trước ba tôi sẽ sớm ra đi.

  • TÔ VĨNH HÀEm hẹn gặp tôi ở quán cà phê Trung Nguyên. Đó là địa điểm em tự chọn. Cái tên ấy cho tôi biết rõ là giữa hai chúng tôi không có gì nhiều hơn một cuộc trao đổi bình thường. Tuy nhiên, sự mách bảo từ nơi nào đó của linh cảm và cả ước muốn, cứ làm cho tôi tin rằng đó là điểm khởi đầu. Đêm cuối xuân, Huế gần như ít buồn hơn bởi cái se lạnh của đất trời. Huế bao giờ cũng giống như một cô gái đang yêu, đẹp đến bồn chồn. Nếu được phép có một lời khuyên thì chắc hẳn tôi đã nói với tất cả những người sẽ được gần nhau rằng, họ hãy cố chờ đến một đêm như thế này để đến bên nhau. Bầu trời mà Thượng đế đã tạo ra sẽ cho mỗi con người biết cách đến gần hơn với những lứa đôi.

  • CAO SƠNChuyện xưa: Vua Hùng kén tìm phò mã cho công chúa Ngọc Hoa, đồ lễ vật phải có gà chín cựa ngựa chín hồng mao? Thôi thúc Lạc dân xưa kia, đánh thức tiềm năng người dân phải tìm hiểu, lặn lội từ đời này sang đời kia chưa thấy. May sao với thú đi để biết, anh Trần Đăng Lâu, cựu chiến binh, hiện Giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ cho hay: Vườn quốc gia nguyên sinh anh Lâu đang quản lý, mới phát hiện giống gà lạ ấy. Con vật đặc biệt chưa có ai biết tới, chưa được phổ biến rộng rãi, thương trường chưa có cuộc trao bán...

  • NGUYỄN HỮU THÔNG                             Bút ký"Buổi mai ăn một bụng cơm cho noChạy ra bến đòMua chín cái tráchBắc quách lên lò

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG                                                Bút kýTrong hồi ức của một số cán bộ lão thành cách mạng ở A Lưới kể lại rằng: “Hồi đó có một số người ở đồng bằng tản cư lên sống cùng đồng bào; qua họ, đồng bào nghe đến tên Cụ Hồ, nhưng đồng bào chỉ biết đầy đủ về Bác cũng như thấu hiểu được những điều Bác dạy qua các cán bộ người Kinh lên hoạt động ở đây vào khoảng những năm 1945-1946. Cán bộ bảo: Cụ Hồ muốn nhân dân mình học lấy cái chữ để biết bình đẳng. Muốn bình đẳng còn phải đánh Pháp. Nếu đoàn kết đánh Pháp thì ai ai cũng đánh Pháp và khi đó đồng bào ta nhất định thắng lợi” (1)

  • PHAN TÂM        (Kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du 1765-2005)Tháng Hai 1994:Từ Vinh qua cầu Bến Thủy, rẽ trái độ mười cây nữa, đến xã Xuân Tiên (Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Khu đất cao ráo ở ngay đầu xã, bên bờ sông Lam, cạnh bến Giang Đình, là khu nhà cũ, khu lưu niệm Nguyễn Du.

  • LTS: Phát hành tới hàng trăm ngàn bản, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là cuốn sách duy nhất (có thể nói như vậy) gây được xúc động cho các thế hệ độc giả trong và sau chiến tranh, cho cả hai phía xâm lược và chống xâm lược nhờ tính chân thực của nó.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và hai bài viết liên quan đến cuốn sách

  • NGUYỄN QUANG HÀ                        Truyện kýHoà thượng Thích Đôn Hậu gọi đại đức Thích Trí Diệm lên phòng riêng:- Ta đang mắc công chuyện không thể xa Huế được trong thời gian này, nên ta cử thầy vào chùa Hải Đức, Nha Trang tham gia cuộc thuyết pháp quan trọng tại đó. Thầy đi được chớ?Đại đức Thích Trí Diệm cúi đầu thưa:- Dạ, được ạ.