Vũ điệu - tranh lụa của Phạm Đăng Trí
Đó đây thấp thoáng những người lính đứng bất động cạnh những chao đèn rực lên ở các vòm trụ chính. Và những bóng đèn dẫn đường tù mù trong những hộp gương vuông vức đỏ lòm trông xa như những hộp huyết đọng. Sương xuống mỗi lúc một nhiều hơn, báo hiệu bằng những ngọn lá sứ xanh ngắt và thô cứng ban ngày kia - giờ trở nên mềm mại ửng nước lấp lánh từng mảng mặt của chị Hằng. Cái nóng bức ban ngày như dồn nén lại, tích tụ hết trong những đám mây kia - để cho bầu trời bao la giờ nầy chỉ có chị Hằng đầy đặn xinh tươi mơn mởn e ấp hiện ra trong những khoang cành đại sứ, trắc bá diệp, tùng bách, ngọc lan hương… Ở đằng kia thì chị Hằng kênh kiệu treo giá ngọc trên lầu ngũ phụng… ở chỗ nọ chị lại trải mình trên nội cỏ như đùa dỡn với châu chấu dế mèn. Bỗng người lính canh nhận thấy có sự chuyển động từ con đường nhỏ phía trái nhà tả vu, làm cho ánh trăng ở đấy sóng sánh chao đảo và toan vỡ vụn. Anh mở to mắt nhìn kỹ, và nhận ra một bóng người gầy thó xương xẩu mong manh trong chiếc áo lụa bạch vừa tách con đường nhỏ di chuyển chậm chạp về phía anh. Đó là người thợ đá già nua đã dành trọn cuộc đời mình để xây dựng và tu sửa các công trình kiến trúc của triều đình. Đến nay ông được lưu giữ lại trong hoàng cung do ân sủng của đức chúa thượng để vừa tiếp tục làm nhiệm vụ tu sửa các công trình, vừa truyền nghề cho các thợ đá trẻ. Càng đến gần chỗ anh, ông càng di chuyển chậm, đến nỗi, tưởng như cái bóng trắng mong manh ấy vẽ thành một vệt cố định trong không gian. Và, cuối cùng cái vật trắng ấy đã xích lại gần anh. - Kính chào bác thợ. Mấy hôm nay đêm nào cháu cũng thấy bác ra đây. Chẳng hay khu vực nầy có phiến đá nào bị hư hỏng không ạ? - Giỏi thay, chú tinh mắt đó. Đúng mấy hôm rày cũng như có một dạo, một tuần trăng nào đó, lão thường ghé qua đây thăm những phiến đá của mình. Chả là ngày xưa công trình nầy hoàn thành và khánh thành vào một tuần trăng. Đêm hôm đó, đức tiên đế truyền lệnh treo đèn kết hoa đợi lúc trăng lên đẹp nhất mới khánh thành. Còn hai tượng đá kia cũng bởi vì trăng nên mới đứng vì nhau hằng bao năm nay và sẽ còn đứng hoài hàng bao thế kỷ. Người lính canh không giấu ngạc nhiên: - Bác bảo hai tượng đá nào kia? Có phải hai phiến đá đặt cạnh nhau, một cao vút lên bề thế lẫm liệt, một nhỏ nhắn tựa kề bên tảng kia - trông như đôi bờ vai thon của cô thiếu nữ đẹp? - Đúng. Người thợ già run giọng đáp - kia là chàng trẻ tuổi khỏe mạnh tài hoa, nọ là cô thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng. Chuyện rằng ngày xưa ở làng Phú Xuân có chàng trẻ tuổi làm nghề thợ đá. Cha chàng là một bậc tài danh về nghề đá đã sớm truyền cho chàng những ngón nghề tinh xảo trong kỹ thuật ghép đá và chạm trổ trên đá. Đến tuổi trưởng thành, chàng gặp và yêu cô gái dệt lụa tuyệt đẹp bên làng Kim Long. Đôi trẻ gặp gỡ và yêu nhau như trăng mới hé như đèn mới khêu. Đang lúc đôi bên cha mẹ đợi ngày lành tháng tốt để làm lễ cưới cho con, thì một hôm tình cờ đức tiên đế ngự giá qua, thấy được tấm nhan sắc của nàng liền cho vời vào cung. Từ đó chàng trai đau đớn buồn khổ mỏi mòn. Ít lâu sau, chàng được cho gọi theo cha sung vào đội thợ đá của triều đình, cố nuôi một hy vọng mong manh rằng làm việc trong hoàng cung may ra có dịp tìm gặp người yêu. Nhưng ngày lại ngày trôi qua, thu sang đông lại xuân về. Số phận đã định đoạt, chàng thợ đá khó có hy vọng được trộm ngắm dung nhan của quý phi. Nàng thì như bóng chim tăm cá, mà chàng thì chẳng dám hé lời cùng ai. Một hôm, cha chàng dẫn về nhà một thầy thuốc cho hay rằng từ ngày đưa vào cung, nàng ốm đau võ vàng tàn tạ nhan sắc. Bao danh y được mời đến đều bó tay. Bệnh tình ngày càng nguy kịch. Bản thân vị thầy thuốc tài giỏi nầy cũng chỉ biết cắn cỏ kêu trời lang thang lên rừng xuống bể không biết kiếm thứ thuốc gì hơn nữa để cứu chữa cho thứ phi… Nghe đến đây chàng trai cúi sụp lạy tạ vị lương y và lạy tạ cha già. Từ đó, người thầy thuốc này trở thành manh mối của chàng. Dù rằng bản thân ông cũng chẳng được tự do gì trong khám chữa bệnh cho thứ phi. Ông chỉ tiếp xúc chẩn bệnh cho thứ phi qua một bàn tay của bà từ bên kia bức rèm chìa ra đặt trên đệm gấm - ở đó có sẵn hai thị nữ và mấy thị vệ xếp hàng hai để phục dịch và bảo vệ. Khó khăn làm vậy, nhưng với tấm lòng trời biển của lương y, ông đã tìm đủ mọi cách giúp nàng liên lạc với người yêu. Bệnh tình nàng thuyên giảm dần. Từ đó thỉnh thoảng nàng kêu mệt và cần một cuộc dạo chơi ngắm phong cảnh. Những dịp ấy chàng trai thường nép sẵn ở đấy chực để được nhìn thấy nàng. Nhưng không phải lần nào những cuộc trộm ngắm dung nhan người thương cũng xảy ra dễ dàng thuận lợi. Một hôm, chàng trai được tin thứ phi sẽ theo tiên đế và Hoàng quí phi xa giá ngự ở Tĩnh Tâm hồ, chàng bố trí chỗ thuận lợi nhất để được nhìn thấy xe nàng đi qua. Nhưng đến phút chót, kế hoạch lại thay đổi: đức tiên đế ngự ở một địa điểm khác! Một lần theo hẹn, nàng sẽ đi dạo chơi với hai thị nữ tại một địa điểm trong Nội. Nhưng cuộc hẹn không thành!... Một đêm, chàng trẻ tuổi phủ phục dưới chân cha tiết lộ kế hoạch chàng sẽ cùng với người yêu trốn đi đến nơi cùng trời cuối đất. Cha mẹ nàng đã chết từ một năm trước đó, nàng không còn ai thân thích để có thể chịu vạ lây - Hơn nữa, cuộc ra đi nầy lại được ngụy trang dưới một cái chết giả của nàng. Như vậy, về phía nàng nếu có bề nào chăng nữa cũng chẳng có gì để mà liên lụy về sau. Nhưng còn về phía chàng, nếu sự việc không trót lọt mà lại đổ vỡ ra thì ắt cha chàng sẽ là người đầu tiên hứng chịu mọi hậu quả. Nghe đến đây, người cha không cầm được nước mắt, ông vui mừng chúc con đạt được những dự định táo bạo và đầy nguy hiểm; còn ông, ông sẵn sàng chịu rơi đầu dưới lưỡi gươm trừng phạt của tiên đế, để cho con mình được hưởng hạnh phúc. Nhưng, rủi thay, chính cái đêm hẹn hò của đôi trai gái cũng là đêm đức tiên đế dừng chân bên trướng hoa của nàng. Đó là lần đầu tiên nàng được vua đoái tưởng đến kể từ ngày vào cung. Tại điểm hẹn, chàng trai đợi nàng mãi không thấy, không biết lý do vì sao. Hôm sau chàng lại ra chỗ hẹn, lại hôm sau và hôm sau nữa… Tin tức về nàng vẫn biền biệt. Sau đó chàng bị cảm hàn, cảng nặng và chết. Lại nói về đức tiên đế, sau đêm đầu tiên ân ái với thứ phi, cảm vì sắc, trọng vì nết, toan giữ nàng luôn bên mình, làm cho Hoàng quí phi cũng đâm ra sinh lòng ghen ghét. Khi được tin người yêu chết, nàng cải trang làm một cô thôn nữ đến bên mộ chàng khóc than thảm thiết, khóc đến cạn nguồn nước mắt và gục chết tại đó luôn. Người cha đau buồn thương tiếc hai con, bèn chọn đá để dựng lên biểu tượng kia, nhân lúc trang trí khuôn viên đại nội - chàng hóa đá vì nàng, và nàng quỳ xuống bên để tạ lỗi. Họ đã hòa nhập vào nhau thành một thể. Người cha đặt tượng ngay bên hồ Thái Dịch là một địa điểm mà lúc sinh thời chẳng bao giờ họ dám mơ ước được chọn làm nơi để được nhìn thấy nhau! Dưới bàn tay của người thợ đá lành nghề, và với tấm lòng của người cha, ước mơ này được thực hiện một cách âm thầm và táo bạo. Điều đó từ bấy đến nay chưa một ai được biết! - Đã muộn lắm rồi, trời sắp sáng, tôi sắp đổi phiên gác. Xin cảm ơn bác đã kể cho nghe câu chuyện hay. Nhưng làm sao bí mật về tượng đá kia bác lại nắm được. Ông lão vuốt đôi chòm râu bạc trắng như cước, đôi mắt mệt mỏi hấp háy, giọng run: - Có gì lạ đâu, vì chính lão là cha đẻ của chàng trai bất hạnh kia. Thằng Thạch!... chuyện xảy ra còn mới tinh nguyên. Thế sự cũng đã lắm đổi đời trong mấy chục năm qua, riêng đá vẫn trơ với đất trời non nước. Người lính hốt hoảng: - Nhưng làm sao hôm nay bác lại nói những sự việc ấy ra đây? Bác không sợ sao? Người lính nói và đảo đôi mắt một lượt quanh khu vực. Bác thợ già vẻ ung dung: - Ồ… lão đã già rồi! Với lại có vầng trăng kia làm chứng như đã từng làm chứng cho mối tình của con trai và con dâu lão. Lão thương con lão thì đâu có tội tình chi. Hỡi con trai yêu quí và con dâu thủy chung trinh bạch! Tình yêu của các con sẽ sống mãi trong những đôi lứa yêu nhau. Con cháu ngàn đời sau ai đã yêu đã một lần dẫn đến đây tình tự, tình yêu ấy sẽ mãi mãi bền chặt. Họ sẽ ngồi cạnh nhau ngắm trăng, ngắm cảnh lâu đài đền miếu hoàng thành và hương sen hương sứ lan vào, hòa tan trong tình yêu của họ… một lần nữa người lính canh hoảng hốt cắt ngang lời bác thợ: - Ô kìa! Bác thợ! Bác thợ! Bác điên rồi chăng? Đây đâu phải chỗ đường sá chợ búa! Đây chốn uy nghiêm sao bác lại dám kể ra những điều nhởn nhơ dân dã ấy? - Ha ha hả… ha ha hả… bác thợ cười dài đến sặc sụa. Người lính canh nhấc kiếm lên và tay kia rút mã tấu ra khỏi đai lưng theo một thói quen phản ứng bảo vệ. Ông lão vẫn cứ cười. Tiếng cười như thủy tinh vỡ dồn dập dội vào không gian lặng yên và mang màu trắng đục như sữa loãng. - Kìa, bác điên rồi chăng?! Xin mời bác đi ngay cho!... Bỗng một phát đạn nổ dòn từ xa cắt ngang lời người lính lẫn trong tiếng cười của bác thợ. Những tiếng reo hò vọng lại mỗi lúc một gần với tiếng chân rầm rập tiến về phía Ngọ Môn. - Đã muộn rồi con!... Bác thợ già ngửa mặt lên không nói - người lính không biết bác nói với con trai bác hay nói với anh - lịch sử không lặp lại mà thiên nhiên thì theo chu kỳ. Cứ ba mươi tám năm lại có một đêm rằm tháng bảy trăng sáng như thế này. Ngày xưa con trai ta gục bên cành đại sứ đêm mồng mười tháng bảy - Lão xin lặp lại: vòm sứ mặt hồ vầng trăng này từ nay không của riêng ai!... Những cánh cổng Ngọ Môn rung lên theo nhịp trống dậy. Trời vừa sáng. Người lính canh không có ai đến đổi gác. 8-1983 H.K.L (5/2-84) |
PHAN TRUNG HIẾU
Cha con tôi trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đen xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn.
HẠ NGUYÊN
Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
21 giờ đêm, tôi rời khởi phòng làm việc sau một ngày. Từ tầng sáu của tòa nhà nhìn xuống, khu phố Loan bắt đầu lên đèn.
TRẦN THÚC HÀ
Tặng H.V.T
Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.
LÊ THỊ HOÀI NAM
Mười một giờ! Mười một giờ ba mươi! Mười hai giờ! Thư vẫn chưa về. Hôm nay là ngày nghỉ của cô ấy? Trước đây, mấy khi anh để ý đến chuyện đi về của vợ nhưng mỗi lần về muộn, Thư đều báo trước. Bây giờ cô ấy đi đâu? Hay lại...
NGUYỆT CHU
1.
Buổi chiều.
Trại trẻ mồ côi.
Trong phòng chờ khách.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1. Nàng bứt rứt ngồi xuống chiếc ghế gần giá sách nhỏ của Gloria J. Chỉ có lèo tèo một vài quyển, còn lại là các tờ bướm quảng cáo du lịch, hay offer café, nhà hàng nào đó đang giảm giá vài chục phần trăm rải rác trên thành cửa sổ.
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG
PHẠM NGỌC TÚY
Lúc tôi đẩy cánh cửa bước vào nhà, ba tôi đang ngồi trầm tư trong ghế bành, bên lò sưởi cháy đỏ rực rỡ. Những ngọn nến được thắp lên làm sáng tỏ căn phòng, thứ ánh sáng mập mờ hư ảo.
LỮ MAI
- Chú nói với mày một bí mật…
- Thím Dinh ngoại tình phải không?
DIỆU PHÚC
Ta nguyên thân là nước mắt của thần. Vì là nước mắt của thần, mang đầy linh khí, nên khi rơi xuống trần, chẳng thể tiêu tan.
PHẠM GIAI QUỲNH
Họ tập hợp ở cảng Cá Mập của thị trấn S. Thị trấn này nằm bên Địa Trung Hải, nhỏ và hầu như không mấy xuất hiện trong tầm mắt của các du khách có mong muốn thám hiểm hoặc vãn cảnh. Bởi ở đây không có gì ngoài cá và muối.
ĐINH NGỌC TÂM
Cái bóng xuất hiện ba lần mỗi ngày. Buổi sáng đó là một vệt mờ in trên trần nhà và vách tường bên phải. Một vệt mờ ẩn rồi hiện, đậm rồi nhạt.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Lão ngồi tựa lưng ngôi mộ cổ dưới tán lá cây me đại thụ, mắt lim dim. Buổi trưa, giồng Tân Hiệp buồn thiu theo từng cơn oi bức của cái nóng hầm hập nắng cuối mùa.
NGUYÊN QUÂN
Khu chợ, những ki ốt bê tông vươn mặt ra phía con suối rộng cả trăm mét, đang cuồn cuộn dòng nước đục ngầu. Đứng ở vị trí này, tì hai tay xuống vai chiếc cầu hiện đại vắt ngang suối, có thể duỗi tầm mắt nhìn suôn suốt đến tận dãy núi cao vút đầu nguồn. Khe Tre là đây. Khe Tre đầy những câu chuyện đường rừng huyền hoặc của thằng Ngạn là đây sao.
CUNG TÍCH BIỀN
Dòng họ Trần Liêu vào định cư ở bờ Bắc sông Thu một thời gian lại gặp chuyện chẳng lành.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Duy chợt mở bừng mắt vì tiếng đập lùng bùng của mấy tấm phên liếp. Anh nhìn ra ngoài. Trời xám đục một màu chì, chẳng biết còn sáng sớm hay đã xế chiều.
NGUYỄN HẢI TRIỀU
1.
Đường ra bến đò cuối làng Phú Đông ngày xưa không vắng hoe như bây giờ đâu. Cái bến đò còn đông đúc người qua lại.
LÊ MINH PHONG
Có một kẻ hành khất già nua đi bán thơ dạo dừng lại trước cổng nhà tôi. Và tôi biết ông ấy đi ra từ một giấc mơ nào đấy của cha tôi. Cha tôi thường mơ tới những giấc mơ lạ kỳ. Những giấc mơ không giống bất kỳ một giấc mơ của ai khác.
TẠ BẢO
Hôm chú tôi đi bộ đội, trong lúc liên hoan chú cao hứng tuyên bố trước cả nhà: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực".