NGỌC THANH
Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.
Bác Hồ hỏi chuyện đồng chí Trần Hoài Quang (phải)
Cuộc đời cách mạng
Ông Trần Hoài Quang sinh năm 1922 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Từ nhỏ, ông được gia đình đưa vào học ở Huế, tốt nghiệp trường thương mại và sớm giác ngộ cách mạng. Ông sôi nổi tham gia phong trào yêu nước của sinh viên – học sinh Huế trong thời kỳ cuối thập kỷ 30, vào Đảng năm 1939 trong nhà lao Ninh Thuận. Năm 1940 ông về Huế làm báo (viết cho trang văn chương của báo Đông Pháp), phụ trách Thanh niên phản đế Huế. Cuối năm 1940 ông bị bắt giam ở Thừa Phủ vì tội tuyên truyền cộng sản với mức án bốn năm rưỡi. Năm 1941, ông bị quân Pháp đày đi Buôn Mê Thuột. Trong tù, ông đã hai lần bị tăng án vì tội làm đại biểu tranh đấu và tuyên truyền binh lính. Tháng 6/1945, ra tù, ông về hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, huấn luyện dân quân du kích chuẩn bị cướp chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lần lượt làm Trung đoàn phó kiêm Chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật, Uỷ viên Ban Chính trị khu C (Bắc phần Trung bộ), Hiệu trưởng Trường Quân chính Lào - Việt.
Kháng chiến bùng nổ năm 1946, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến huyện Hương Trà. Năm 1947, ông bị bắt giam vào lao Thừa Phủ lần thứ hai. Năm 1949 ông được cử chỉ huy miền tây Nam Campuchia (gồm 4 tỉnh Tàk eo, Kam pốt, Koom pông chuang, Koom pông span). Tháng 2/1949, ông vượt ngục về làm Phó ban Tuyên huấn tỉnh Thừa Thiên, tháng 5/1949 làm Tham mưu phó Mặt trận Bình Trị Thiên. Tháng 2/1950, ông được cử làm phái viên quân sự của Bộ Quốc phòng sang hoạt động ở Campuchia, sau đó được cử làm Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự Campuchia kiêm Chánh Văn phòng Ban Ngoại vụ Nam Bộ (7/1950), Tham mưu trưởng, Trưởng phòng Tham chính Campuchia. Năm 1954, ông ra Bắc công tác ở phòng Lào Miên Trung ương rồi Chính uỷ Trung đoàn 664. Năm 1959, ông làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang rồi Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang (1960-1976). Từ 1976- 1977, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tuyên và sau đó về hưu. Ông mất tháng 3/1999 tại Tuyên Quang.
Ông là một cán bộ cách mạng lão thành, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp độc lập và tự do của tổ quốc. Sinh thời, ông là người bạn đồng chí với Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, nhà cách mạng lão thành Võ Chí Công… Thượng tướng Đoàn Khuê từng nói: “Đây là người anh cả cộng sản của tôi, người đưa tôi vào Đảng”…
![]() |
Lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu Biệt thự Hồ Tây 11/12/1998 |
Ngoài hoạt động cách mạng, ông để lại một số dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Người dân Tuyên Quang còn kể lại chuyện ông mở đường trên núi. Nà Hang của những năm 50 của thế kỷ trước còn sơ khai lắm. Ngay từ Phòong Mạ đến Ngòi Nẻ (Nà Hang) cách nhau có chục cây số nhưng ai cũng sợ đi qua vì vắt, muỗi nhiều như nêm. Mong ước của nhân dân bao đời là có con đường lớn nối huyện lỵ Chiêm Hoá với huyện lỵ Nà Hang. Năm 1959, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hoài Quang đi công tác Nà Hang, ông hỏi Huyện uỷ Nà Hang bức xúc gì nhất. Huyện nêu nhu cầu của dân: đường giao thông. Yêu cầu chính đáng đó của dân khiến ông suy nghĩ. Năm 1961, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ. Không quên mơ ước thiết tha của dân năm nào. Ông cho thành lập Tiểu đoàn Thanh niên xung kích của tỉnh để xúc tiến việc mở đường. Chính ông nổ phát súng mở đường và bổ nhát cuốc đầu tiên năm 1962, mở đầu cho việc làm đường qua núi ở Tuyên Quang. Năm 1965, tuyến đường lớn Nà Hang - Bản Lãm dài 24km được khai thông, ô tô đến tận Bản Lãm, người dân đổ ra xem ô tô đông như hội…
Câu thơ trăng sáng
Ông viết văn, làm thơ, viết báo từ khi còn trẻ. Những năm 1938 - 1939 ông đã đăng thơ, luận chiến trên báo chí công khai ở Huế về sứ mạng của văn nghệ, của nhà văn. Ông còn dịch một số truyện của Pháp. Nhưng thuỷ chung nhất với ông vẫn là thơ. Khi còn sống, ông xuất bản 2 tập thơ vào các năm 1991, 1998. Sau khi ông mất, bạn bè ông ở Hội Văn nghệ Tuyên Quang đứng ra xuất bản cho ông tập thơ thứ ba có tên “Ngoài vườn trăng giãi”(2008). Thơ của ông, ngoài cái say lý tưởng, lẽ sống cao đẹp, còn là cái say của tình đời, tình quê hương, tình người gần gũi và ấm áp. Gần như đi đâu ông cũng có thơ nói hộ lòng mình.
Từ năm 1938, ông đã vẽ nên một bức tranh quê bằng thơ:
“Làng tôi động cát cao cao
Xanh xanh ruộng lúa, nao nao giọng hò
Làng tôi bờ dậu quanh co
Cây đa lũng thấp, đàn cò bến quen…”
(Bức tranh quê hương - 1938)
Và những ngày tham gia cách mạng đầu tiên:
“Thuyền ơi hãy lướt gió đông
Chim ơi hướng phía trời hồng mà bay”
(Trầm tư - 1938)
Thơ viết ở ngục tù:
“Tôi đứng tỳ tay vào cửa sổ
Trong tù lặng ngắm cảnh mưa ngâu
Lòng tôi là một niềm mưa gió
Vắng bóng mặt trời những bấy lâu”
(Mưa - 1941)
Thơ viết khi đi đày:
“Ai người đã đi trước
Cỏ xanh xa một màu
Ta dù kẻ đến sau
Vẫn can tràng cất bước”
(Đi đày Buôn Mê Thuột - 1941)
Thơ khi vượt ngục:
“Ở ngoài kia đang hăm hở đấu tranh
Anh có một ý nghĩ tung ra ngoài: cuộc sống
…Anh đã thoát người anh cho cách mạng”
(Vượt ngục - 2/1949)
Thơ cho đoàn quân ra trận:
“Đoàn quân từ độ xông lên trước
Xe pháo nối nhau lướt chiến hào
Tôi có người em đi trong đó
Muôn lòng như một, sáng như sao”
(Thu - 1972)
Thơ ngày về thăm quê nội:
“Người cha, chết năm trước
Người mẹ, mấy năm sau
Hai em, cỏ bạc màu
Dưới làn bom bạo ngược…
Thương thân già côi cút
Nhà cửa xác xơ rơ
Ngước trông lên bàn thờ
Khói hương còn nghi ngút”
(Khói hương - 1982)
Và khi tâm sự với bạn già:
“Bạn hỏi bây giờ có khá không
Thì mình vẫn ở cạnh dòng sông
Gió đưa thuyền chạy miền xuôi ngược
Mùa lũ mênh mông, nước ngập đồng
Cái vườn rau ấy, từ xưa ấy
Rặng chuối đa đoan vẫn trĩu buồng
Bò đã bán đi, thay lợn nái
Bí bầu làm bạn với tre bương…”
(Với bạn 1984)
Một Bí thư Tỉnh uỷ về hưu, vui với nương vườn trong cảnh nghèo. Thật sự là chuyện khá lạ. Nhưng đáng phục nhân cách thi sỹ này hơn nữa, là khi nhà nước đề nghị cấp nhà cho ông thì ông từ chối, bởi rằng ông đã có nhà rồi.
Nhân cách nhà thơ và nhà cách mạng Trần Hoài Quang là như thế đó.
N.T
(SDB13/06-14)
1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).
(Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.
Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.
Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (30.11.1951-30.11.2001)
Có một con người đang ở vào cái tuổi dường như muốn giũ sạch nợ nần vay trả, trả vay, dường như chẳng bận lòng chút nào bởi những lợi danh ồn ào phiền muộn. Đó là nói theo cái nghĩa nhận dạng thông thường, tưởng như thế, nơi một con người đã qua "bát thập". Nhưng với nhà thơ Trinh Đường, nhìn như thế e tiêu cực, e sẽ làm ông giận dỗi: "Ta có sá gì đi với ở".
Nhà thơ Trinh Đường đã từ trần hồi 15g10’ ngày 28.9.2001 tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Lễ an táng nhà thơ đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà xã Đại Lộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng , theo nguyện vọng của nhà thơ trước khi nhắm mắt.
Phan Ngọc, như tôi biết, là người xuất thân trong gia đình Nho giáo, đã từng làm nghề dạy học, từ năm 1958 chuyển sang dịch sách, là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Hiện nay, ông đang là chuyên viên cao cấp của Viện Đông Nam Á (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).
Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, nhà văn Trần Dần là người như vậy.
Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.
Những năm từ 1950 khi học ở trường trung học Khải Định (Quốc học Huế), tôi đã đọc một số bài thơ của Dao Ca đăng trên một số tờ báo như Đời mới, Nhân loại, Mới, Thẩm mỹ...
Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.
LTS: Rạng sáng ngày 11-7-2001, Toà soạn nhận được tin anh Đoàn Thương Hải - hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, sau một cơn đột quỵ, mặc dù đã được gia đình, bạn bè và các thầy thuốc Bệnh viên Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã rời bỏ chúng ta an nhiên về bên kia thế giới!Tạp chí Sông Hương - Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xin có lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà văn.Sông Hương số này xin giới thiệu hai bài thơ cuối cùng của anh được rút ra từ tập thơ chép tay lưu giữ tại gia đình.TCSH
Thơ Đặng Huy Giang xuất hiện trên thi đàn đã nhiều năm nay; song thật sự gây ấn tượng với bạn đọc phải kể đến một vài chùm thơ mà báo Văn nghệ đăng tải trên trang thơ dự thi 1998 - 2000; đặc biệt sau đó anh cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ một lúc: Trên mặt đất và Qua cửa.
Có lẽ với phần lớn không gian thơ Phan Trung Thành, làm thơ là trò chuyện ân tình với những bóng dáng cũ, thuộc về quê nhà.
Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.
(Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp: “Những lo toan năm tháng đời thường Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”
đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn dự thi “Quả đồng chùy tóc bện” của Trần Hạ Tháp - một bút danh “mới toanh” trên văn đàn, tôi ghé tòa soạn “Sông Hương” hỏi nhà văn Hà Khánh Linh:- Chị biết Trần Hạ Tháp là ai không? Tác giả chắc là người Huế...
Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.
(Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.
Thơ là một bức xúc của tình cảm và tư tưởng con người, buộc con người phải diễn ra bằng ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối. Thơ là đòi hỏi, là nhu cầu của con người, nếu không biểu lộ được ra thì còn bức rứt khổ sở.