Trái tim Bồ Công Anh

09:14 06/11/2009
TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

Hoa Bồ Công Anh - Ảnh: Internet

Trước mặt bố, tôi vẫn vui vẻ như thường. Tôi nghĩ dì chẳng buồn. Dì biết tỏng tôi rồi. Hồi bố đưa dì về “trình” tôi, tôi đã “lỡ tay” cho dì tắm nửa xô nước từ tầng hai dội xuống. Dì trâng trâng, không khóc cũng chẳng cười. Dì bảo tôi: “Một chậu nước bẩn không thể so với một mối tình”. Dì cười, hơ hơ. Đáng ghét khủng khiếp. Cuối cùng, kẻ khóc lại là tôi.

Tôi yếu đuối quá. Tôi làm ầm ĩ một chuyện gì, chẳng qua che giấu sự yếu đuối của tôi thôi. Vì yếu đuối thế, mà tôi mất bố. Hoàn cảnh bây giờ, kẻ ra đi không phải là dì mà là tôi. Khổ thế. Nhưng đi đâu? Đây là nhà mình cơ mà. Tôi ở đây lâu hơn dì cơ mà.

Cuộc đời tôi thực khổ. Cái Tuyết, nhà nó nghèo, mẹ nó bán nước chè chén cột điện, ăn phải thịt ế cá ươn, nhưng mà, nó có một gia tài lớn, đấy là mẹ nó. Nó sướng ơi là sướng. Nó không biết, nó ngu quá, nó bảo tôi “Mình sướng vì được dì hầu hạ”. Bây giờ tôi thì có gì? Tất cả đã thuộc một tay dì. Các cô thường bảo “Ăn cỗ đi sau” là thế.

Dì đẹp hơn mẹ tôi. Khuôn mặt thanh thoát, trắng, cân đối và tao nhã. Dì cao, những ngón tay nuột nà đến mức tôi phát ghen phát ghét. Dì có học hành, gia đình gia giáo, cái gì chẳng biết. Giọng nói của dì nhẹ nhàng, vừa lịch sự vừa gợi cảm. Cái giọng ấy, người bình thường chỉ muốn ngồi nghe cả ngày. Tôi nghĩ rằng đời dì là một vở kịch lớn, dùng để đánh lừa bố tôi. Bố tôi bảo: “Dì là người tốt”. Tôi khóc, chỉ lên bàn thờ: “Thế gian này chỉ mẹ con là người xấu thôi”. Dì nghe thấy mà chẳng nói gì.

Mẹ tôi nóng tính, nhưng thẳng thắn. Bực gì, nói ra luôn. Không phải thâm hiểm âm trầm như cái dì kia. Dì cùng lắm là nhíu mày một cái như dao. Người ngoài cứ tưởng chúng tôi hòa thuận lắm. Mẹ tôi không bao giờ nhíu mày thế. Mà bố lại bảo: “Đưa dì về thay mẹ. Chắc chắn con sẽ hài lòng!”. Mẹ không đọc sách ban đêm, không tập thể hình buổi sáng theo tiếng nhạc. Mẹ tôi vất lắm, sớm hôm lặn lội nơi cửa hàng, nơi phố chợ, về đến nhà nằm vật ra, bảo: “Ô Mai, nước lọc của tao đâu?”. Mẹ uống hai vại to tướng, không ngồi khoanh chân vặn lưng, không khoanh chân nhâm nhi cái ly trà có nắp đậy như dì đâu. Thú thực, bây giờ thứ tôi yêu thích nhất không còn là MTV nữa mà là văn học, là những chuyện nói xấu dì ghẻ.

Tôi thường sang nhà cái Tuyết chơi. Nhà nó tối om om, chật ních những thứ không tên, người ăn ít muỗi ăn nhiều. Mỗi lần thay áo dài nó phải trốn vào nhà vệ sinh có khóa Việt Tiệp cạnh đấy. Nhưng mà tôi vui, thấy ấm cúng. Tôi thà làm mồi cho muỗi nhà nó cả đời.

Ngày dì về chiếm nhà tôi, đúng ngày đó, tôi gọi mẹ cái Tuyết là “mẹ”. Tôi thường đấm lưng cho người mẹ mới, nhổ tóc sâu, kể cho mẹ nghe những câu chuyện hài hước hóm hỉnh. Thỉnh thoảng xen vào dăm câu nói xấu thành viên mới của nhà tôi, khoái trá. Tôi chẳng muốn về nhà. Mẹ của Tuyết nấu chè cho tôi ăn. Chè đỗ đen, với lại cốt dừa. Món này xưa mẹ cũng thường nấu cho tôi ăn. Cái Tuyết thì học dốt lắm, cứ học bài hôm nay là quên bài hôm nọ, đã thế thấy cái bọn con trai trong lớp sàm sỡ thì cười tít cả hai mắt. Thấy gia cảnh tôi, nó lại mừng, vì tôi có thể dạy kèm cho nó rồi. Nhưng tôi thà chơi với nó còn hơn về nhà. Cứ để cho bố thoải mái gắp cho dì, để dì nhõng nhẽo. Eo ôi! khi dì bước chân vào nhà tôi mới biết đàn bà thích “đóng kịch” đến mức nào! Đến cái lông nách cũng không biết nhổ!

Khuya tôi về. Bố tôi đã ngủ. Dì thức đọc sách, mở cửa cho tôi. Dì lấy nước nóng cho tôi ngâm chân, chuẩn bị quần áo ngủ cho tôi, mở hộp kem dưỡng da cho tôi đặt trên bàn trang điểm. Dì làm tôi buồn muốn khóc. Dì đóng kịch thế, bố tôi mụ mị đi làm sao tôi trách được?

 Tôi và cái Tuyết kéo nhau ra Hồ Tây.

Chúng tôi thuê chiếu, ngồi ăn ngô nướng. Ngô bãi ngon ơi là ngon. Tôi đòi uống rượu, Tuyết thì bảo: “Con gái nho nhã chỉ nên gặm mía nướng”.

Tuyết đèo tôi đi dưới những hàng bằng lăng. Tôi nhớ cảnh bố đèo mẹ đèo tôi qua Hồ Tây, dưới những cây bằng lăng hoa tím ngát. Tôi bắt đầu hiểu ra những câu nói của người lớn, đại loại như “chết là hết”.

Tôi chỉ thích ăn chực, ngủ nhờ, nghe mẹ Tuyết gọi tôi là con.

 Dì chẳng bao giờ dám gọi tôi là con. Chỉ dám gọi tôi bằng tên! Đó đã là một thỏa hiệp quá lớn của tôi rồi. Nhẽ ra tôi không nên nghe dì lừa tôi, khen tôi có đôi chân dài, khen tôi có hai số đo. Lẽ ra không được phép đối thoại, dù chỉ một câu. Tôi chẳng vì cái chậu nước nóng ngâm chân đâu Tuyết ạ, chẳng qua tôi sợ bố tôi buồn.

Tôi đã thề với nó, tôi sẽ ở vậy, chết làm bà cô cho nó thiêng, chẳng chồng con gì sất. Tôi chán ngấy gia đình rồi. Tôi chỉ cần một cái bếp ga du lịch, thỉnh thoảng nó nổ một cái. Thêm cái máy nghe nhạc kỹ thuật số nữa. Chấm hết. Con người bạc lắm Tuyết ơi. Tôi thích bố quát, bố mắng, bố la hét dì, thậm chí có quá tay một tí cũng chẳng làm sao. Nhưng mà bố tôi lại cứ như con gà công nghiệp.

Tuyết thích nghe kể chuyện về dì, lại còn tò mò cái chuyện dớ dẩn như thế làm gì! Nó bảo: “So với dì trong cổ tích, dì bên nhà mày khá hơn”. Tôi nổi khùng: “Đến cả mày cũng bị xỏ mũi!”.

Tôi buồn lắm, bỏ về. Tôi không muốn chơi với nó nữa.

Tôi về nhà, chui vào phòng, ôm ảnh mẹ, khóc một lúc rồi ngủ say. Tỉnh dậy, dì đã tắt điện, buông màn, đắp chăn cho tôi. Dì để cạnh tôi cái gối dài, và trên bàn là một cốc nước sấu. Trước khi tôi kịp bực tức tôi đã uống hết cốc nước sấu mất rồi. Đó là thứ nước mà tôi thích nhất. Tôi ngồi thừ ra. Tôi trả thù bằng cách đi tìm cuốn nhật ký giấu trong ngăn kéo. Tôi vẽ một người phụ nữ rất đẹp, ghi chú là “Mẹ Tôi”, bên cạnh tôi vẽ một người phụ nữ rất xấu xí, có hai cái răng nanh dài, tôi không thèm ghi chú đó là ai, chỉ cần chấm ba chấm là đủ hiểu.

Tôi thấy giữa tôi và dì là một cái khoảng trống rỗng. Dì hiện diện trong nhà chúng tôi, như một cái bức tượng mỹ miều biết đi. Thế thôi. Tôi không thèm nhìn bức tượng, tôi chỉ thèm những tiếng quát tháo của mẹ. Tôi thèm những hình phạt nặng nề đánh thẳng vào hầu bao. Mà điều đang xảy ra thì ngược lại. Tôi không bao giờ bị quát, trong cặp tôi luôn có gấp ba gấp năm lần số tiền mà tôi cần.

Ăn sáng xong, vâng tôi lại quên tự hỏi cái đĩa bánh cuốn cà cuống Thanh Trì để dưới phòng ăn là do ai mua!

Tôi định sang nhà cái Tuyết. Cẩn thận nghĩ lại, ức. Nó thừa biết giờ đây bạn nó chỉ có dựa vào nó, dựa vào cái xe đạp của nó. Thế mà nó đành lòng phản nghịch. Tôi lại quay lên giường, ôm cái ảnh mẹ tôi vào lòng. Tôi thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ tôi bị tai nạn xe máy. Cái xe đâm vào mẹ tôi nó bị một cái xe khác đâm vào nó. Cái xe khác ấy lại bị một xe khác đâm vào. Mấy người cùng tử nạn cả. Không dưng gia đình toàn nhà báo với nhà báo. Lúc mẹ sắp ra đi, gọi bố lại bảo: “Anh phải chăm sóc con, hứa với em!”. Bố tôi gật đầu: “Tất nhiên rồi, em cứ yên tâm”. Thế mà… giờ thì… chăm sóc ai?

Người ta đã phù phép làm bố chẳng nhớ gì. Bố tôi ăn trắng mặc trơn, quần áo là lượt, nào đi xem phim xem vũ kịch, nào Cửa Lò, Sa Pa. Mùa nào thức nấy. Trước đây bố thích đọc sách triết học, bây giờ xem đá bóng, thể hình, xem đấm bốc, nghiên cứu phim tâm lý, chạy bộ trên máy. Dì đặt cho bố một cái tên gọi ở nhà rất nghịch cái lỗ nhĩ, “con cún bụng phệ”, thế mà bố lại khoái, đặt cho dì một cái tên nữa là “cối xay gió”.

Tôi tự hỏi: “Ngoài tôi ra, trên đời này có ai nhớ mẹ tôi?”.

Tôi định sang nhà cái Tuyết. Nhưng tôi nghĩ “có lẽ phải để vài ngày nữa cho nó biết mặt”. Tôi đi dạo trong chính căn nhà mình. Đã từ lâu rồi, về nhà là tôi lao thẳng lên phòng, ở lỳ trong tầng hai, chấm hết. Tôi ăn cơm ngay trong phòng ngủ của tôi.

Tôi bước từng bước chậm rãi, từ trên tầng năm xuống tầng một, tầng một lên tầng năm. Tôi lấy tay bịt mắt khi thoáng nhìn thấy những bức tranh các cô gái chân dài vận đồ thể thao mới được treo lên. Tôi ra ban công tầng năm để nhìn ra hồ.

Tôi ngạc nhiên quá. Ban công sạch sẽ và… có rất nhiều chậu hoa!

Một điều ngoài sức tưởng tượng! Thứ hoa được trồng nhiều nhất là thứ hoa tôi thích nhất: Bồ Công Anh!

Tôi thích Bồ Công Anh! Tôi yêu Bồ Công Anh! Tôi si mê Bồ Công Anh!

Nó không sặc sỡ, nó thực đơn giản, mảnh mai. Nó không có rườm rà rối rắm gì. Nhưng tôi yêu sự mảnh mai, tôi mê sự bí ẩn của nó.

Bí ẩn của Bồ Công Anh diễn ra khi nó đã chết. Khi ấy bông hoa hóa thành một bông tơ màu trắng, tròn, mềm mại mong manh như một nàng tiên. Những cái bông tơ bay đi trong gió. Không biết nó bay đi đâu? Lang thang những nơi nào? Nhưng mà bay đi mãi.

Tôi nghĩ Bồ Công Anh kết thúc có hậu nhất trong mọi loài hoa. Nó đã biến cái chết của nó thành một sự bất ngờ lớn nhất đời nó. Tôi yêu cái bí mật nhỏ nhoi đó.

Tôi ngồi bên những bông Bồ Công Anh. Ban công của nhà tôi rất rộng, trước đến nay chỉ để phơi quần áo và chất các thứ linh tinh. Bây giờ nó hóa thành một vườn hoa nhỏ. Tự dưng tôi thoáng đỏ mặt, cảm thấy mình xinh hơn trong cái góc tràn ngập hoa. Đến cả Tuyết cũng chẳng biết tôi thích Bồ Công Anh. Nó không biết tôi thường lang thang trên mạng, cãi nhau thì ít mà tìm kiếm các hình ảnh và thông tin về hoa thì nhiều. Đó chỉ là những vườn hoa ảo, không có chút hương nào. Tôi quay vào múc nước tưới hoa. Cặm cụi nhổ cỏ. Mong cho cỏ mọc thật nhiều. Tôi lấy những sợi dây ni lông bé xíu để buộc lại những cành hoa bị gió làm xiêu xó. Xếp đặt lại các chậu hoa. Tôi lấy cuốn sổ ra. Ngồi phác một cái sơ đồ. Tính toán màu sắc hoa sẽ nở. Dự trù cho lối đi, đồng thời chia hoa ra thành các mảng. Hoa phải nói lên một cái gì đó chứ, hoa là một thứ thông điệp của thời gian, của màu sắc, của thiên nhiên, người ta thường nói đến ngôn ngữ của các loài hoa. Tôi quyết định thiết kế cái vườn hoa thành hình một trái tim. Công việc chẳng ngon lành gì. Tôi phải mặc bộ đồ thô, buộc tóc, xắn tay áo, vừa bê chậu hoa vừa thở. Tôi phải tính toán cho những bông hoa bừng nở ở phía trước không che đám phía sau. Cái lối đi cũng là lối tưới hoa tạo nên một trái tim hoa ấy giữa vườn hoa của tôi, nó không được quá lớn cũng không thể quá hẹp. Tôi phát hiện một hệ thống bơm tưới nước đã được lắp đặt kín đáo sau các cột bê tông đã được ốp lát. Khi tôi cắm điện nước phun như một làn sương mỏng, cầu vồng, khắp nơi. Nó như trận mưa phùn trong ánh nắng chiều chênh chếch. Chiều rồi! Tôi chui vào phòng tắm khua khoắng thật nhanh để ra khỏi nhà kẻo mọi người quay về. Vơ quàng xe đạp, ba lô sau lưng, qua nhà cái Tuyết.

Cái Tuyết tròn mắt hỏi: “Cậu làm lung tung lên thế à?”. Đến lượt tôi tròn xoe cả mắt, nó dốt không thể tưởng được: “Sao cậu bảo tôi làm lung tung? Mở mắt mà xem đi!”. Tôi giở cuốn sổ, chỉ cho nó cái thiết kế vườn hoa nghệ thuật có tên “Trái tim Bồ Công Anh”. Cái Tuyết xem xong, phán: “Sau này tớ có nhà cao cửa rộng, cậu thiết kế cho tớ một cái y hệt thế này”. Nó không ngu như tôi tưởng! Tôi quyết định bỏ qua tội lỗi nó từng gây ra.


(Trái tim Bồ Công Anh - Ảnh: Internet)


Trời tối rất chậm. Tôi cứ loay hoay, chẳng biết mình muốn gì. Tôi với Tuyết chơi cờ ca rô. Nó thắng tôi như bỡn, nó không thèm chơi tiếp. Nó hỏi: “Đằng ấy đang nghĩ gì?”. Tôi buột miệng đáp: “Bồ Công Anh”.

Tuyết chở tôi đi lòng vòng phố cổ một lúc, ăn ốc Hàng Lược, chờ cho trời tối mịt, hai đứa rẽ vào phố của tôi.

Tôi cảm giác từ lâu lắm mới về nhà. Tôi đã đi rất xa, rất lâu, mọi thứ trở nên xa lạ. Tôi cảm thấy thế. Những hàng cây Sao đẹp đẽ bên đường, thân mình đánh số như thể đám học trò chúng tôi đeo chữ trên ngực vậy. Hàng quán bán dọc phố chẳng có gì sang trọng, quán tạp hóa, hiệu may, vài ba cái cổng làng cũ kỹ. Chúng thân quen quá thể. Không có gì lạ hết. Đúng thế. Sao tôi thấy nước mắt lưng tròng, như thể chúng không nhận ra tôi, chúng quay lưng lại với tôi. Tôi trở về khu phố như một kẻ lang thang, một đứa ngụ cư, một kẻ chẳng có chút tình cảm gì với cuộc sống nơi đây ngoài một sự buồn chán đau đớn và căm giận ngút ngàn. Tôi thèm được nhìn phố tôi bằng ánh mắt khi tôi còn mẹ. Cái phố ấy không có dì. Bây giờ, cái phố này cũng thuộc về dì nốt!

Giờ này, bố tôi đang xem ti vi chương trình thời sự, mục tin thể thao cái mục ngày xưa bố ghét nhất (hồi trước bố chỉ mê thời sự quốc tế). Còn dì? Dì đấm lưng cho bố, bóp chân cho bố. Miệng dì ngậm điếu More màu nâu dài như đôi chân của dì.

Tuyết bảo: “Có lẽ tớ phải nhờ dì của cậu dạy kèm thêm tiếng Anh”. Tôi nhếch  mép bảo: “Tùy đằng ấy”.

Chúng tôi ghé vào bác trong xóm, lên sân thượng, nhìn sang nhà tôi.

Thật ngạc nhiên!

Suốt năm tầng nhà điện bật sáng choang. Cả hành lang nữa. Khác hẳn khi mẹ tôi còn sống.

Tôi tò mò đứng lại xem có chuyện gì.

Bố tôi mặc may ô màu đỏ quần soóc hoa, đội mũ phớt, chạy tới chạy lui trong sân nói vang điều gì đó, vẻ phấn khích.

Hóa ra bố tôi đang bê một chậu Bồ Công Anh.

Trên vườn hoa sân thượng, người đàn bà ấy cười rất tươi, nước phun tung tóe ướt hết cả, vứt điếu thuốc lá xuống chân, giọng rền rĩ, gọi bố tôi: “Bố cái Ô Mai đâu! Cún Bụng Phệ đâu, sao lâu thế! Thở không ra hơi à! Bồ Công Anh đâu, hoa cho con chúng mình đâu!”.

T.N.A
(248/10-09)




 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…